Sunday, January 21, 2018

QUANH VỤ ĐẠI SỨ QUÁN VIỆT NAM TẠI CHI-LÊ PHƠI VI CÁ MẬP TRÊN MÁI NHÀ (tin tổng hợp)



Trang Nguyễn
22/01/2018

Tin liên quan:


Mình nhận thấy có 1 số hiểu lầm về việc vây cá mập - đặc biệt là vụ việc liên quan đến ĐSQ VN ở Chile, nên mình xin ghi lại ở đây:

1. Shark cartilage KHÔNG PHẢI là shark fin. Có bạn gửi tin và hỏi là thế shark cartilage đang bán ở Mỹ là từ đâu, mình xin trả lời bạn thế này. Shark - Cá Mập - được phân loại với các loài cá khác, là vì bộ xương sụn đặc biệt của nó. Shark cartilage chỉ đơn giản có nghĩa là xương sụn của cá mập mà thôi.

Hành vi finning - bắt cá mập, cắt vây và vứt xác cá mập xuống biển, để mặc nó chết vì chảy máu hoặc chết đuối là hành vi dã man. Việc sử dụng vây cá mập là lý do chính dẫn đến shark finning, dẫn đến sự tàn sát hàng trăm triệu cá mập mỗi năm - và vì thế mà cộng đồng bảo tồn quốc tế vận động các quốc gia cấm việc buôn bán và sử dụng vây cá mập. Ở một số nơi, đánh bắt cá mập một cách bền vững vẫn được phép, trong khi hành vi finning là bất hợp pháp.

Shark cartilage và cả vây cá mập được quảng cáo là "thuốc" cho người bị ung thư, tuy nhiên bạn có thể xem ở ngay đây - trên trang chính của Hội nghiên cứu ung thư ở Vương Quốc Anh, trả lời rất rõ ràng sụn cá mập KHÔNG HỀ có khả năng chữa hay ngăn chặn bệnh ung thư: http://www.cancerresearchuk.org/about-cancer/cancer-in-general/treatment/complementary-alternative-therapies/individual-therapies/shark-cartilage

Ngoài ra thì còn có nhiều lời đồn là tốt cho sức khỏe. Nhưng mà chẳng có bằng chứng khoa học nào cho thấy thịt hay xương hay vây cá mập tốt cho sức khỏe cả. Tuy nhiên lại có nghiên cứu cho thấy cá mập, cá voi, cá heo và nhiều loài động vật biển khác nữa có nồng độ thủy ngân trong người rất cao. Mà ngộ độc thủy ngân gây tai hại cho sức khỏe con người thế nào thì thôi mình chả nói nữa. Mọi người có thể đọc nghiên cứu này ở đây: http://www.sciencedirect.com/science/article/pii/S0025326X17303326

2. Ở một số nơi trên thế giới, với số lượng quần thể 1 loài động vật nào đó phát triển quá mạnh và có khả năng làm ảnh hưởng đến hệ sinh thái, quốc gia đó có chương trình kiểm soát loài (nói ngắn gọn là bắn loại bớt những cá thể già, yếu.v.v.. để giữ loài ở số lượng vừa phải). Có bạn cho rằng bull shark - cá mập bò ở Mỹ bị đưa vào kiểm soát số lượng và vây của bull shark được phép đưa vào tiêu thụ.

Bên cạnh việc "kiểm soát số lượng" cá mập ở nhiều nơi đã và/hoặc đang diễn ra như Mỹ và Úc đều làm dấy lên rất nhiều bất đồng và vẫn đang được bàn cãi, thì việc bạn cho rằng vây của cá mập của bull shark được đưa vào tiêu thụ là hoàn toàn sai. Gấu nâu Bắc Mỹ theo luật pháp Mỹ có thể được săn với số lượng nhất định và vào mùa săn bắn nhất định, tuy nhiên người đi săn có giấy phép KHÔNG được phép lấy túi mật của gấu - vì nó được những người Trung Quốc chuộng và gây ra nạn săn bắt gấu trái phép. Những sản phẩm tương tự, như mật gấu, vây cá mập của bull shark.v.v.. được tịch thu và tiêu hủy hoặc quản chế bởi cơ quan US Fish & Wildlife Service. Cái này các bạn có thể tự google.

Tương tự với sport hunting ở một số nước tại Châu Phi cho phép săn bắn voi, thợ săn có giấy phép có thể săn nhưng không được phép lấy ngà.

3. Nếu Chile chưa cấm việc dùng vây cá mập thì bộ ngoại giao chả làm gì sai.
Thưa với các bạn, Chile cấm buôn bán và tiêu thụ vây cá mập từ năm 2011 (xem ở đây: https://saveourseas.com/chile-ends-shark-finning/).

Dù Chile có chưa cấm đi chăng nữa, thì việc sử dụng và buôn bán vây cá mập được cộng đồng quốc tế lên án từ rất lâu và rất nhiều lần rồi, nên chắc chắn nhân viên công vụ của bộ ngoại giao cũng biết (dân đen như mình còn biết cơ mà). Vì thế mà sử dụng, tàng trữ và "phơi" vây cá mập lên nóc nhà như thế cho thấy việc đại diện của cả 1 đất nước, cả một dân tộc đồng tình với nạn thảm sát cá mập và làm xấu hình ảnh đất nước.

4. Vây cá mập bị phơi là loài nào?
Thưa với các bạn, luật cấm shark finning và cấm sử dụng VÂY cá mập áp dụng với tất cả các loài cá mập, không phân biệt loài, vì như đã nói ở trên shark finning dẫn đến tình trạng thảm sát cá mập. Vì vậy mà có thể 1 số loài có mức độ nguy cấp thấp hơn loài khác, nhưng chúng đều được bảo vệ khỏi hành vi shark finning và dĩ nhiên là được bảo vệ khỏi nạn tiêu thụ vây cá mập.

Tương tự áp dụng với sừng tê giác, ngà voi hay mật gấu.

--

Những bạn chưa hiểu lắm về vấn đề vây cá mâp có thể xem 1 phim phóng sự do đầu bếp nổi tiếng thế giới Gordon Ramsay thực hiện trên youtube: https://www.youtube.com/watch?v=4SAkq6lsnoE

Ảnh này lấy từ cảnh quay phim ngắn Nước mắt của người cá do chị người mẫu Hannah Fraser thực hiện để nâng cao ý thức bảo tồn cá mập và xóa bỏ quan điểm xấu về cá mập, các bạn có thể xem tại đây: https://www.youtube.com/watch?v=43Z25E-CrQA

Trước đây mình cũng có viết 1 bài ngắn về phim tài liệu Nước mắt của người cá ở đây: https://www.facebook.com/photo.php?fbid=10204353104732343&set=a.3381041809450.161324.1371578932&type=3&theater

--

Các bạn có ý kiến và quan điểm trái chiều, mình tôn trọng quan điểm của các bạn. Tuy nhiên xin lưu ý tất cả những comment đả kích, sử dụng từ ngữ xấu, chửi rủa, mình sẽ xóa và block. Không phải vì mình không đồng tình với quan điểm của bạn, mà vì bạn không tôn trọng những người xung quanh.

Đối với những bạn vội vàng lấy quan điểm chính trị để tranh cãi vấn đề bảo tồn động vật hoang dã (kiểu buộc tội người này người kia là phản động), mình cũng xin mạn phép không tiếp ạ.

* * *

Nhân vụ vây cá mập mình sẽ nói đến các bạn cá mập.

Đây là video bạn whale shark (tiếng Việt gọi là cá nhám voi/cá mập voi) mà mình quay được lúc đi bơi ở Tofo, Mozambique. Cảm thấy được ưu ái quá vì xuống nước có 10 phút mà phát hiện ra bạn ý đang bơi lên, rồi cứ lượn lờ với mình cả tiếng đồng hồ.

Mọi người thường bị những bộ phim kinh dị nhảm nhí kiểu Jaws dọa cho sợ cá mập. Rồi thỉnh thoảng mình cũng nhận được tin nhắn bày tỏ tình yêu động vật nhưng lại "em ghét cá mập lắm, bọn nó tuyệt chủng hết điiiii". Các bạn ghét cá mập, vì các bạn chưa hiểu về cá mập.

Đối với mình, cá mập là một trong những loài động vật biển mà mình thích nhất (sau các bác cá voi và bên cạnh các cụ rùa). Bạn có biết hiện tại có khoảng bao nhiêu loài cá mập được ghi nhận không? Khoảng 375 - 450 loài (tùy nguồn tài liệu mà bạn đọc), đủ mọi hình dạng, đủ mọi kích cỡ. Trong số đó thì đại đa số các bạn cá mập ăn sinh vật phù du, cá nhỏ... và chỉ có 3 trong số hàng trăm loài cá mập nêu trên tấn công con người - vì tưởng là thức ăn, hoặc để bảo vệ lãnh thổ của các bạn ấy [great white (Carcharodon carcharias), tiger (Galeocerdo cuvier), and bull (Carcharhinus leucas) sharks]

Một trong những điều mà mình thấy tự hào nhất khi nói về các bạn cá mập, đó là các bạn ấy là một trong những loài động vật cổ xưa nhất còn sót lại trên trái đất. Các bạn ấy đã tồn tại trên trái đất này từ khoảng 420 triệu năm trước rồi! - trải qua cả 5 sự kiện tuyệt chủng - và có thể, có thể không qua được sự kiện thứ 6 do con người gây ra này.

Các bạn có lẽ đã quen với thông tin về trí thông minh của cá voi và cá heo, về việc các bạn ấy có ngôn ngữ riêng. Bạn có biết rằng cá mập cũng vậy không? Các bạn ấy sử dụng ngôn ngữ cơ thể và điện từ để liên lạc với nhau "Tớ đang gặp nguy hiểm, giúp giúp" hay "con mồi ở đằng kia, đi nhậu thôi". Chính vì thế mà khi đi lặn ở những khu vực có cá mập, hiểu về ngôn ngữ cơ thể của các bạn ấy để biết khi nào các bạn ý "bực mình" vì bị "quấy rầy", khoảng cách nào an toàn để nhìn ngắm, khi nào thì nên "biến" để các bạn ấy được yên là điều rất cần thiết. Nó cũng tương tự như việc tớ đi rừng và hiểu được ngôn ngữ cơ thể của các bác voi, biết được khi nào các bác ý cho tớ lại gần và khi nào các bác ý muốn tớ đứng xa ra một chút.

Cá mập, nói vậy cũng giống như bất kỳ loài động vật hoang dã nào khác ấy. Khi tớ đi nghiên cứu ở Châu Phi tớ phải cẩn thận không xâm lấn, đến gần quá mức lãnh thổ của các bạn sư tử. Vì tớ biết đấy là nhà các bạn ý. Đến gần quá, làm các bạn ý sợ, các bạn ý sẽ đánh đuổi. Nếu các bạn ấy đang đói, các bạn ý tưởng tớ là thức ăn. Các bạn ý tấn công. Tương tự như vậy với 3 loài cá mập có tấn công con người được nêu ở trên.

Bạn biết không? Mỗi năm trên toàn thế giới có khoảng 100 vụ tấn công người do cá mập, và có khoảng 10 trường hợp nạn nhân thiệt mạng. Thế nhưng, chỉ vì nạn dùng vây cá mập mà mỗi năm có khoảng 100 triệu cá mập bị giết! Chỉ để lấy vây, rồi vứt các bạn ấy xuống biển, để mặc cho chảy máu đến chết, hoặc chết đuối vì không bơi được. Sự tàn ác - là ở cá mập, hay ở con người? Mà vây cá mập có công dụng gì đâu!!! [https://www.youtube.com/watch?v=C0p_LdfgmxQ]

Đừng đơn giản "ghét" một ai đó, chỉ vì bạn không hiểu họ. Cũng đừng ước cho loài nào bị tuyệt chủng, vì nó không phải là trò đùa. Một khi đã biến mất rồi, các bạn ấy sẽ đi mất mãi mãi, và tất cả những gì còn lại chỉ là sự nuối tiếc và hối hận mà thôi.

-----------------------------------


Các thiếu nữ đang phơi ngực diễn hành ở trong nước, bày tỏ sự kiêu hãnh của đội bóng tròn VN đã "đặt Á Châu dưới chân" (theo một tờ báo lề đảng), nên biết ở nước ngoài, người ta ít nói tới chuyện đó hơn là chuyện tòa Đại sứ VN ở Chili phơi vây cá trên nóc nhà.

Chuyện hy hữu trong lịch sử ngoại giao: một cơ quan đại diện cho quốc gia, dân tộc, làm chuyện bất hợp pháp để kiếm tiền như một tổ chức trộm cướp. Làm chuyện man rợ, góp phần vào việc tàn phá môi trường trong khi nhiệm vụ của mỗi quốc gia là phải chung sức với thế giới bảo vệ môi sinh.

Dưới đây là tóm tắt bài của tờ báo địa phương Elmostrador:

Xác cá mập còn tươi phơi trên nóc nhà tòa đại sứ Cộng hòa XHCN Việt Nam.

Hàng trăm vây Cá Mập phơi trên nóc nhà Sứ quán khiến cộng đồng khoa học Quốc gia và thế giới vẫn nộ

Ngỡ ngàng, khó tin và kinh ngạc. Ba từ ngữ này tóm tắt phản ứng của cộng đồng khoa học ở Chili và trên khắp thế giới khi đọc tin, ngày 18/01, vây cá mập phơi trên nóc nhà tòa đại sứ VN Ở Chili, Nam Mỹ.


Những vây cá mập, phơi trên nóc nhà một trụ sở của sứ quán đã khiến người trong khu để ý vì mùi hôi thối. 

Việc bắt giết cá mập, bất hợp pháp ở Chili cũng như hầu hết các quốc gia trên thế giới vì luật pháp bảo vệ một sinh vật đang bị đe dọa tuyệt chủng. Mỗi năm 100 triệu cá mập bị giết, nhiều hơn số cá sinh nở. Một số dân chài lưới làm chuyện bất hợp pháp này vì vây cá mập rất được giá trong những tiệm ăn Tàu và Việt.

Đây là lần đầu tiên người ta thấy chuyện phơi vây cá mập còn tươi ngay trong thành phố. Alex Munoz, giám đốc vùng Mỹ Châu La tinh của tổ chức Pristine Seas, thuộc National Geographic Society, nói: "Tôi không tin nổi. Tôi vẫn muốn biết người ta đã phơi vây cá ở đâu, nhưng không bao giờ nghĩ có thể ở ngay trong thành phố. Đây là lần đầu tiên tôi thấy chuyện này ở Chili."

Việc khám phá vây cá mập phơi trên nóc nhà một toà đại sứ gây tiếng vang lớn, vì rơi đúng lúc bà Sylvia Earle, một trong những chuyên viên bảo vệ môi trường được kính nể nhất thế giới, đang thuyết trình về hiểm họa diệt chủng của cá mập, và từ đó, hiểm họa mất cân bằng của biển cả, tại hội nghị về tương lai của trái đất, một hội nghị khoa học quan trọng nhất tại Nam Mỹ. 

Bà nói phá sự cân bằng sinh sôi nẩy nở ở biển cả là tàn phá nguồn sống của nhân loại.

Max Bello, một trong những chuyên viên đã bỏ cả đời trong việc bảo vệ cá mập, nói: giết hại cá mập kiểu này là gây đại họa cho biển cả. Cá mập giữ thăng bằng môi sinh, loại trừ bệnh tật và những hiện tượng bất bình thường ở loài cá. 

Matias Asun, giám đốc Greenpeace tại Chili, nói bắt cá, chặt vây là một hành động man rợ, đe dọa môi trường, việc bảo vệ cá mập phải được sự công tác của tất cả các quốc gia.

Việc khám phá vây cá mập phơi trên nóc nhà toà đại sứ có thể gây một vấn đề ngoại giao, vì nhân viên sứ quán đã lạm dụng quyền bất khả xâm phạm của các cơ sở lãnh sự để làm chuyện phi pháp.

Trước áp lực của các hội đoàn bảo vệ môi trường, Bộ ngoại giao Chili cho hay đã tìm mọi cách liên lạc với toà đại sứ Việt Nam để làm sáng tỏ vấn đề, nhưng toà đại sứ không trả lời. Mỗi lần vấn đề được nêu ra, họ ngang nhiên cúp điện thoại. 

Tổ chức bảo vệ môi trường Greenpeace tuyên bố chính quyền địa phương phải có thái độ, phải làm sáng tỏ chuyện này. Phải coi là rất hệ trọng một chuyện như vậy có thể xẩy ra trên lãnh thổ Chili.

Nguyên văn bài báo trên tờ Elmostrador:

Bản dịch Pháp ngữ bài nói trên (rất ngây ngô, vì dịch tự động, kiểu Google:

22/1/2018


--------------------------

VIDEO :
Kinh hồn: Đại sứ quán Việt Nam tại Chile phơi vây cá mập trên nóc tòa đại sứ
Published on Jan 21, 2018
Nhà hoạt động Nguyễn Chí Tuyến bình luận về các chủ đề: Chính phủ Mĩ đóng cửa, Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu tính lại GDP, đại sứ quán Việt Nam tại Chile phơi vây cá mập...









No comments:

Post a Comment