Saturday, January 20, 2018

PHẢN HỒI SÁCH TRẮNG CỦA BỘ NGOẠI GIAO VN về “THÚC ĐẨY và BẢO VỆ QUYỀN CON NGƯỜI Ở VIỆT NAM (FB Phạm Lê Vương Các)




Vào ngày 18/1/2018, Bộ Ngoại giao Việt Nam công bố sách trắng về nhân quyền lần thứ 2 mang tên "thúc đẩy và bảo vệ quyền con người ở Việt Nam". Tôi rất lấy làm hoan nghênh việc Bộ Ngoại giao quan tâm đến vấn đề nhân quyền, và dày công biên soạn một quyển sách chứa đựng nhiều thông tin hữu ích, mô tả các chính sách, hệ thống pháp luật Việt Nam và quốc tế về nhân quyền. Tuy nhiên theo dõi Sách trắng dài 87 trang, tôi nhận thấy Sách chỉ tập trung nêu lên các thành tựu đạt được, mà chưa phản ánh đầy đủ về các hạn chế, khiếm khuyết trong việc đảm bảo thực hiện quyền con người tại Việt Nam. Hơn hết, Sách trắng không tiến hành phân tích, đối chiếu các quy định pháp luật Việt Nam về quyền con người có phù hợp tiêu chuẩn luật nhân quyền quốc tế hay không.

Trong tinh thần của một công dân quan tâm đến việc thụ hưởng quyền con người của người dân Việt Nam, với sự trải nghiệm từ thực tế, sự quan sát và vốn kiến thức trong lĩnh vực nhân quyền, tôi xin mạn phép phản hồi Sách trắng nhân quyền vừa được Bộ Ngoại giao công bố. Trên tinh thần ấy, bài phản hồi là các phản ánh và bổ sung cho Sách trắng về các khía cạnh tiêu cực đang hiện hữu, về tình trạng pháp luật nhân quyền quy định một đằng nhưng thực thi một nẻo trên thực tế, và sự không tương thích của pháp luật Việt Nam so với tiêu chuẩn pháp luật quốc tế về nhân quyền.

Bài phản hồi này được thiết lập theo cấu trúc mục lục của Sách trắng, với các nội dung tương ứng, nhưng tập trung phân tích ở các lĩnh vực trọng tâm làm hạn chế việc thụ hưởng quyền con người ở Việt Nam. Bài phản hồi có thể gây ra sự không đồng tình của những người biên soạn Sách trắng, hoặc đi ngược lại quan điểm của Bộ Ngoại giao, nhưng điều đó là không quan trọng đối với tác giả, vì trên phương diện học thuật nghiên cứu và quyền con người, việc phản ánh các luồng quan điểm và nhận định khác nhau là điều không thể thiếu, hầu mong đóng góp vào kiến thức chung về nhân quyền, qua đó tăng cường sự hiểu biết về nhân quyền để thúc đẩy sự cải cách về pháp luật và hành động trên thực tế nhằm đảm bảo việc thụ hưởng đầy đủ về quyền con người ở Việt Nam.

Tôi là Phạm Lê Vương Các, một người hoạt động và nghiên cứu luật nhân quyền độc lập tại Sài Gòn, nêu lên nhận định phản hồi của mình như sau:

I.  QUAN ĐIỂM CỦA ĐẢNG VÀ CHÍNH SÁCH CỦA NHÀ NƯỚC VỀ NHÂN QUYỀN

Sách trắng đã không nêu lên quan điểm của đảng cầm quyền về các vấn đề nhân quyền, cũng như không dành một dòng nào nói đến đến vai trò của Đảng tác động ra sao đến hiện trạng nhân quyền Việt Nam, mà chỉ đề cập đến quan điểm và chính sách của nhà nước. Dù vô tình hay hữu ý, việc bỏ sót chủ thể là đảng cầm quyền đối với vấn đề quyền con người là phớt lờ đi cái gốc, cái bản chất đã làm ra sự tiến bộ hay thoái lùi trong việc thụ hưởng quyền con người tại Việt Nam hiện nay.

Thật sự, chính sách của nhà nước và sự thi hành của cơ quan thẩm quyền sau đó đối với vấn đề nhân quyền ra sao lại hoàn toàn phụ thuộc vào quan điểm và chủ trương của Đảng. Điều này không chỉ phản ánh đúng với thực tế mà còn được đảm bảo thực hiện bằng Điều 4 Hiến pháp quy định Đảng CS VN lãnh đạo nhà nước và xã hội.

Dù đảng cầm quyền có các quan điểm, chủ trương và chính sách khác nhau qua từng giai đoạn của đất nước, nhưng cho tới hôm nay, khi thế giới đang thảo luận sôi nổi và vận động thúc đẩy "súc quyền", tức đảm bảo cho quyền của súc vật, thì đảng cầm quyền vẫn tiếp cận vấn đề quyền con người trong tâm lý dè dặt, với một trạng thái đầy nghi hoặc, và đôi khi thù địch với việc mở rộng quyền con người tại Việt Nam.

Gần đây nhất, chỉ một tháng trước khi Sách trắng được công bố, Đảng đã ban hành Quy định 102-QĐ/TW về kỷ luật đảng viên, nêu rõ: "Đảng viên sẽ bị kỷ luật bằng hình thức khai trừ nếu đòi thực hiện thể chế "tam quyền phân lập", "xã hội dân sự", "đa nguyên, đa đảng". Rõ ràng, với quy định này cho thấy, quan điểm và chủ trương của Đảng vẫn xem các thiết chế nền tảng trong việc thúc đẩy và bảo vệ quyền con người như "tam quyền phân lập", "xã hội dân sự", "đa nguyên, đa đảng" là không cùng chung dòng chảy tư tưởng với Đảng.

Làm sao có thể đảm bảo được quyền xét xử công bằng khi không có "tam quyền phân lập", tức tòa án không được độc lập khi xét xử? Dù rằng luật có quy định thẩm phán khi xét xử được độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, nhưng trên thực tế làm sao để một thẩm phán là một đảng viên khi xét xử dám khước từ sự chỉ đạo của đảng ủy cấp trên và dám chối bỏ điều 4 Hiến pháp về sự lãnh đạo của Đảng? Làm sao có thể giám sát, thúc đẩy quyền con người được hiệu quả khi xã hội dân sự là tiếng nói đại diện cho các cộng động, là tuyến đầu trong hoạt động đấu tranh bảo vệ nhân quyền không có không gian để sinh hoạt và phát triển? Làm sao đảm bảo được quyền tự do tư tưởng, tự do biểu đạt, tự do lập hội khi tiêu diệt đi tính đa nguyên của xã hội, và đa đảng trong chính trị?

Tiêu diệt các thiết chế nền tảng của một xã hội dân chủ nhân quyền như vậy, là đồng nghĩa với việc tiêu diệt luôn cả hệ thống vận hành phát huy nhân quyền, vì các quyền tự do là không thể tách rời, luôn có mối liên đới chặt chẽ với nhau.

Từ quan điểm và chủ trương của Trung ương Đảng như vậy, thì chính sách của nhà nước đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự thi hành quyền lực của cán bộ công chức nhà nước đều là đảng viên cũng không thể làm khác. Thực tế đó đã dẫn đến tình trạng, từ Chính phủ cho đến chính quyền địa phương vẫn còn các hành động tiêu cực thông qua việc liên tục bắt giam và kết án những tiếng nói đòi hỏi dân chủ và nhân quyền, tấn công bạo lực vào những người bảo vệ nhân quyền, kiểm soát chặt chẽ không gian xã hội dân sự tham gia vào quá trình thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền. Các hành động trấn áp này được đảm bảo thực thi bằng một hệ thống pháp luật quốc gia không thật sự phù hợp với tiêu chuẩn luật nhân quyền quốc tế, đặc biệt là các quy định liên quan đến an ninh quốc gia, dù Việt Nam đã có sự tích cực gia nhập các Công ước nhân quyền. Điều này dẫn đến việc thụ hưởng các quyền con người tại Việt Nam trên thực tế luôn bị giới hạn, việc thực hành nhân quyền trong trạng thái bị đe dọa, quấy rối và đầy mối hiểm nguy.

II. CÁC HẠN CHẾ CỦA VIỆT NAM TRONG VIỆC THÚC ĐẨY VÀ BẢO VỆ CÁC QUYỀN DÂN SỰ VÀ CHÍNH TRỊ

Khi theo dõi kết quả Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát (UPR) về nhân quyền ở chu kỳ II năm 2014 của Việt Nam, với việc từ chối 45 khuyến nghị, ta thấy nội dung các khuyến nghị bị từ chối này đều rơi vào nhóm quyền Dân sự và Chính trị. Một sự kiện khác liên quan đến nhóm quyền này, khi vào năm 2002 Việt Nam nộp báo cáo thực thi Công ước quốc tế về Các quyền Dân sự và Chính trị (ICCPR) lần thứ 2 nhưng không đạt yêu cầu, bị Ủy ban Nhân quyền yêu cầu báo cáo bổ sung lại vào năm 2004. Nhưng suốt 14 năm qua Việt Nam vẫn chưa thực hiện yêu cầu này của Ủy ban, và tiếp hành báo cáo định kỳ tiếp theo về việc thực hiện công ước ICCPR, mà theo quy định là 4 năm phải báo cáo một lần. Điều đó cho thấy Việt Nam rất "chật vật" khi phải đối diện với các quyền Dân sự và Chính trị, vì các hạn chế trong việc thụ hưởng nhóm quyền này tại Việt Nam là khá rõ ràng.

1. Quyền bình đẳng trước pháp luật, không được phân biệt đối xử
Việt Nam có quy định chung chung là mọi người đều bình đẳng trước pháp luật, nhưng khi áp dụng trên thực tế thì có một sự phân biệt khá rõ ràng giữa thường dân và cán bộ khi vi phạm pháp luật. Chỉ thị 15 cấm công an trinh sát đảng viên. Trong một số trường hợp, khi cán bộ, đảng viên vi phạm pháp luật thì các cơ quan tư pháp vẫn chưa thể tiến hành điều tra và khởi tố nếu chưa có quyết định xử lý của Đảng bộ. Việc xử lý các cán bộ cấp cao do Ban bí thư và Bộ chính trị của Đảng Cộng Sản VN xem xét kỷ luật, các cơ quan tư pháp dường như chỉ đóng vai trò thi hành các quyết định kỷ luật của Ủy ban kiểm tra Trung ương Đảng. Điều này đã gây nên sự bất bình đẳng trong việc áp dụng pháp luật, làm suy yếu vai trò bảo vệ pháp luật của thẩm phán và công tố.

Quy trình xét duyệt cho tại ngoại hầu tra thường không được minh bạch và thiếu rõ ràng. Điều này mang đến cơ hội cho các đối tượng là cán bộ nhà nước, có các mối quan hệ trong hệ thống trước đó, dễ dàng tiếp cận, hưởng lợi quy chế tại ngoại nhiều hơn thường dân khi phạm tội. Việc phân biệt đối xử giữa cán bộ nhà nước và thường dân khi phạm tội còn xảy ra trong quá trình truy tố và chấp hành án.

Nguyên tắc suy đoán vô tội không được đảm bảo. Trong quá trình điều tra, nếu nghi can không nhận tội sẽ bị quy vào việc không thành khẩn khai báo, ngoan cố, quanh co chối tội. Đây sẽ là một tình tiết tăng nặng khi lượng hình ở tòa án. Hệ thống truyền thông nhà nước, đặc biệt là báo chí của ngành Công an vẫn còn lối đưa tin theo hướng thay mặt cho tòa án kết án các nghi can khi bị bắt giữ.

Vị thế luật sư ngày càng suy yếu khi Bộ luật Hình sự 2015 vừa có hiệu lực quy định luật sư sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu không tố giác thân chủ phạm tội an ninh quốc gia hoặc các tội đặc biệt nghiêm trọng. Luật sư trong quá trình tham gia tố tụng phải viết đơn “xin” các cơ quan tố tụng để gặp mặt thân chủ, phải làm đơn xin bào chữa. Đơn của luật sư có được chấp nhận hay không tùy thuộc vào ý chí của những người tiến hành tố tụng. Hầu hết các luật sư đều bị cơ quan tố tụng từ chối cho tiếp xúc thân chủ với lý do "vụ án đang trong giai đoạn điều tra", hoặc nhằm "đảm bảo bí mật công tác điều tra". Tình trạng luật sư bị đuổi khỏi phiên tòa chính trị vì các lời bào chữa vẫn còn diễn ra. Luật sư khi bước vào phiên xử bị khám xét kiểm tra an ninh như ở sân bay, luật sư bị tước bỏ điện thoại và máy tính, và không được phép ghi âm, ghi hình trong phiên xử.

Quyền được theo dõi phiên tòa bị hạn chế. Các phiên xử tranh chấp dân sự và thuần túy hình sự được duy trì ở mức độ cởi mở cho tất cả mọi người vào theo dõi phiên xử. Nhưng tất cả các phiên xử những người bất đồng chính kiến, những nhà hoạt động nhân quyền đều bị ngăn cấm. Không một ai ngoại trừ các nhân viên an ninh, báo chí nhà nước và một số ít viên chức ngoại giao được vào trong phòng xử. Tình trạng nghiêm trọng đến mức người thân của các bị cáo cũng không được phép tham dự. Những người đến ủng hộ, theo dõi các phiên xử thường bị đuổi đi hoặc bắt giữ ngay tại trước cổng tòa án. Nhiều nhà hoạt động đã bị lực lượng an ninh canh giữ không cho ra khỏi nhà vào các ngày diễn ra phiên xử.

2. Quyền sống, quyền được tôn trọng nhân phẩm, và bất khả xâm phạm về thân thể
Bộ luật Hình sự 2015 đã giảm xuống còn 15 tội có thể chịu án tử hình. Mặc dù Việt Nam có những nỗ lực trong khuôn khổ luật pháp về việc giảm phạm vi hình phạt tử hình, nhưng vẫn duy trì đến 15 tội danh tử hình là không phù hợp với khoản 2 điều 6 của Công ước quốc tế về các quyền Dân sự và Chính trị (ICCPR). Công ước này quy định “ở những quốc gia mà hình phạt tử hình chưa được xoá bỏ thì chỉ được phép áp dụng án tử hình đối với những tội nghiêm trọng nhất”. Theo giải thích của Ủy ban giám sát ICCPR, tội phạm được coi là “nghiêm trọng nhất” chỉ có tội “giết người”. Các tội liên quan tới kinh tế, ma túy hay an ninh quốc gia không được xem là những tội phạm nghiêm trọng nhất để chịu án tử hình. Đáng lo ngại khi những hành vi liên quan đến an ninh quốc gia như “hoạt động lật đổ chế độ” có thể chịu án tử hình là rất mơ hồ và không phù hợp với đoạn 2, Điều 6 của Công ước.

Theo số liệu thống kê của Bộ Công an công bố, số người bị kết án tử hình từ ngày 30/6/2011 đến 30/6/2016 là 1.134 người, thuộc nhóm 3 nước có số lượng tuyên án tử hình cao nhất thế giới. Một phần của nguyên nhân tuyên án tử hình cao không thể bỏ qua giai đoạn điều tra, khi nghi can không được tiếp cận với luật sư ngay từ khi bị bắt giam, làm gia tăng nguy cơ bị ép cung, tra tấn dẫn đến oan sai khi tuyên phạt tử hình. Những bản án tử hình nhưng sau đó phát hiện có nhiều vi phạm tố tụng, có sự bức cung, nhục hình, tra tấn trong quá trình điều tra cũng không được xem xét thỏa đáng, tiêu biểu như các trường hợp Hàn Đức Long, Hồ Duy Hải, hay Nguyễn Văn Chưởng. Riêng trường hợp Hàn Đức Long từng bị tuyên án tử hình nhưng được trả tự do vào năm 2016 sau 11 năm bị giam cầm nhờ người khác đã "thú nhận phạm tội", cho thấy Việt Nam không có được cơ chế truy đòi khắc phục pháp lý liên quan tới quyền sống.

Quyền bất khả xâm phạm thân thể vẫn bị đặt trong tình trạng yếu hơn so với mục đích phòng chống tội phạm. Nhiều nghi can phạm tội bị trừng phạt bằng vũ lực một cách công nhiên được phát tán rộng rãi trên mạng xã hội, mà các hành vi gây thương thích, tấn công trả đũa đối với nghi can phạm tội thường không bị truy cứu.

Quyền tôn trọng nhân phẩm vẫn còn bị xem nhẹ. Nhâm phẩm là quyền cố hữu, tuyệt đối của mỗi con người, không thể bị tước đoạt cũng không thể mất đi. Việc đưa một người vào "Trại phục hồi nhân phẩm", dù mục đích là tốt đẹp, nhưng hành động của nó rõ ràng xuất phát từ ý thức khinh miệt nhân phẩm con người, nên mới nghĩ ra chuyện cần "phục hồi" lại nhân phẩm. Việc duy trì các Trại phục hồi nhân phẩm như hiện nay tại Việt Nam, đặc biệt dùng dể giam giữ những người phụ nữ bán dâm là sự chà đạp lên nhân phẩm của họ, là sự xúc phạm đến danh dự và uy tín của họ mãi về sau.

3. Quyền được bảo vệ bí mật riêng tư

Mời đọc ở các kỳ tiếp theo...
_________________

Loạt bài Phản hồi cho Sách trắng dự kiến chia làm 4 kỳ. Các kỳ tiếp theo sẽ sớm được ra mắt. Loạt bài Phản hồi sẽ được trình bày theo cấu trúc nội dung của Sách trắng, với các tiểu mục tương ứng nhưng khai thác ở khía cạnh tiêu cực, giới hạn trong việc thụ hưởng quyền con người ở Việt Nam.

Bạn đọc quan tâm có thể xem sách trắng về nhân quyền Việt Nam do Bộ Ngoại giao mới công bố, mô tả việc thụ hưởng quyền con người ở Việt Nam như đang ở "thiên đường".

Xem đường links bên dưới:










No comments:

Post a Comment