Nguyễn
Quang Dy - Viet Studies
30-1-2018
Quốc
gia không có bạn hay thù vĩnh viễn, chỉ có lợi ích vĩnh viễn
(“Nations
have no permanent friends or foes, they only have permanent interests”)
Lord
Palmerston.
Ngày
19/1/2018, tại Đại học John Hopkins, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis đã công
bố phiên bản rút ngắn của Chiến lược Quốc phòng – National Defense Strategy
(NDS), chỉ vài ngày trước khi đi thăm Đông Nam Á. Chiến lược Quốc phòng (NDS)
và Chiến lược An ninh Quốc gia (NSS) là hai văn kiện quan trọng nhất để ấn định
chính sách của chính quyền Trump sau một năm cầm quyền. Như tình cờ, ông Mattis
đến thăm Việt Nam (24-25/1/2018), chỉ vài ngày trước lễ kỷ niệm 50 năm “Tết Mậu
Thân”. Tại Hà Nội, ông Mattis đã gặp các lãnh đạo cao nhất của Việt Nam (một quốc
gia cựu thù, nay thành đối tác chiến lược). Sau khi thông báo tàu sân bay USS
Carl Vinson sẽ đến thăm Đà Nẵng (tháng 3/2018) bộ trưởng quốc phòng Mattis đã đến
thăm chùa Trấn Quốc như một cử chỉ có ý nghĩa tượng trưng.
Trong
không khí tràn đầy phấn khích (như lên đồng) sau mấy trận thắng ngoạn mục của đội
tuyển bóng đá U23 Việt Nam (trừ trận chung kết bị thua sát nút hơi đáng tiếc),
chúng ta hãy bình tĩnh thử giải mã một chuỗi sự kiện diễn ra đầu năm 2018 trong
quan hệ Mỹ-Việt (Từ NDS đến USS Carl Vinson đến chùa Trấn Quốc) xem có gì đặc
biệt.
Chiến
lược Quốc phòng mới
Trước
hết, NDS 2018 đã thay thế cho “Quadrennial Defense Review” (cứ bốn năm một lần
chính quyền Mỹ xem xét lại chính sách quốc phòng). Định hướng mới của NDS là “cạnh
tranh, răn đe, và chiến thắng” (compete, deter, and win). Với ngôn ngữ sắc gọn
và thẳng thừng (pithy and blunt), NDS đặt trọng tâm phải ưu tiên chuẩn bị cho
khả năng xảy ra xung đột trước mắt, tăng cường hoạch định chiến lược và hợp đồng
tác chiến với đồng minh và đối tác. NDS chuyển hướng bố trí lực lượng để tập
trung đánh thắng “một cường quốc lớn”, phù hợp với trọng tâm chiến lược cạnh
tranh (với Trung Quốc và Nga). NDS dựa trên mô hình tác chiến toàn cầu để có thể
“tiêu diệt, cơ động, và dẻo dai” (lethal, agile, and
resilient).
NDS
2018 xác định 5 thách thức lớn nhất đối với lợi ích an ninh quốc gia của Mỹ là
(1) Trung Quốc, (2) Nga, (3) Bắc Triều tiên, (4) Iran, (5) khủng bố, nhưng Mỹ sẽ
tập trung vào Châu Á-Thái Bình Dương và Châu Âu là hai khu vực được ưu tiên cao
nhất, trong khi khoanh lại những bất ổn tại Trung Đông. Trong khi Mỹ dự kiến sẽ
cạnh tranh quyết liệt với Trung Quốc và Nga, tại Biển Đông và Biển Hoa Đông
cũng như Châu Âu, có lẽ Trung Quốc mới là đối thủ số một (first among equals)
mà Mỹ phải đối phó trong bàn cờ chiến lược mới, nhằm bảo vệ nước Mỹ (homeland)
và để cạnh tranh tại các “vùng xám” (gray zones).
NDS
2018 xác định “cạnh tranh nước lớn” với Trung Quốc và Nga là hai mối đe dọa
lớn nhất đối với an ninh quốc gia (chứ không phải khủng bố). Đây là lần đầu
tiên (kể từ 9/11) Trung Quốc và Nga đã thay thế chủ nghĩa khủng bố như là mối
đe dọa lớn nhất. Theo ông Mattis, trọng tâm chiến lược của Mỹ là phải giành lại
lợi thế cạnh tranh với Trung Quốc và Nga. NDS 2018 là một bước điều chỉnh căn bản
(tuy vẫn là “rượu cũ bình mới”). Ngày nay, “những người săn rồng” (dragon
slayers) đang mài sắc vũ khí chống Tàu, trong khi “những người yêu gấu trúc”
(panda-huggers) dường như đang bị gạt ra rìa hoặc phải lánh mặt (sidelined or
gone hiding). Alibaba của Jack Ma từ lâu muốn mua công ty MoneyGram nhưng bị Mỹ
vận dụng luật Đầu tư Nước ngoài ngăn chặn với lý do an ninh quốc gia. Một số
doanh nghiệp Trung Quốc khác như ZTE và Hoa Vy (Huawei) cũng bị Mỹ phạt hoặc
ngăn cấm.
NDS
2018 phải giải quyết hai vấn đề nổi cộm hiên nay là “tư tưởng tác chiến”
(operational concepts) và “đào tạo quân sự chuyên nghiệp” (professional
military education). Ông Mattis đã phải dùng đến những lời lẽ nặng nề
để chỉ trích tình trạng đào tạo hiện nay là “trì trệ, chỉ chú trọng đến việc đạt
điểm bắt buộc, làm phương hại năng lực chiến đấu và sáng tạo” (stagnated,
focused more on the accomplishment of mandatory credit at the expense of
lethality and ingenuity). Vì vậy, “lợi thế so sánh của chúng ta đã bị xói mòn
trong mọi lĩnh vực chiến tranh” (our competitive advantage has eroded in every domain of warfare).
Muốn
thực sự thay đổi tình trạng thiếu sẵn sàng chiến đấu hiện nay, Mỹ phải tăng
ngân sách quốc phòng (sẽ công bố trong vài tuần tới). Ngân sách quốc phòng (dự
kiến hơn $600 tỷ) phải ưu tiên cho việc “xem xét lại bố cục hạt nhân và hệ thống
chống tên lửa đạn đạo (Nuclear Posture Review and Ballistic Missile Defense
Review). Nếu không duy trì đầu tư theo yêu cầu để khôi phục khả năng sẵn sàng
chiến đấu và hiện đại hóa quân đội nhằm đáp ứng tình hình mới, Mỹ sẽ mau chóng
mất ưu thế quân sự và năng lực hợp đồng tác chiến. Ông Mattis cũng cảnh
báo là chính phủ Mỹ có thể phải đóng cửa vì “hết ngân sách”, và nếu điều đó xảy
ra thì sẽ ảnh hưởng đến hoạt động quân sự gồm huấn luyện, bảo dưỡng, và tình
báo.
NDS
2018 rõ ràng mang đậm dấu ấn của ông Mattis, chắc được sự ủng hộ của ông
McMaster (Cố vấn An ninh Quốc gia) và ông John Kelly (Chánh văn phòng Nhà Trắng)
là ba ông tướng trong “trục người lớn”, cùng ông Rex Tillerson (Ngoại trưởng)
tuy vai trò Bộ Ngoại Giao bị suy yếu. Nếu ông Rex Tillerson mất chức và được
thay bằng ông Mike Pompeo (Giám đốc CIA) như đồn đoán thì đây vẫn là nhóm trụ cột
có quan điểm cứng rắn với Trung Quốc, đang có ưu thế sau một năm chính quyền chập
chững không có chiến lược rõ ràng. Ông Mattis và Lầu Năm góc có lập trường cứng
rắn tại Biển Đông, đã thông báo tàu sân bay USS Carl Vínon sẽ thăm Việt Nam
(3/2018), và cử tuần dương hạm USS Hopper tuần tra gần Scarborough Shoal
(17/1/2018) trước khi ông đi Việt Nam. (“In the Trump Era Vietnam Is Less Sure
of Its Bet on U.S. Ties”, Joshua Kurlantzick, World Politics Review, Jan 29,
2018).
Hợp
tác chiến lược Mỹ-Việt
Jim
Mattis và Trần Đại Quang
Trong
chuyến thăm Việt Nam, ông Mattis đã nhấn mạnh hai nước là “đối tác có suy nghĩ
giống nhau” (like-minded partners) cùng chia sẻ các giá trị như tôn trọng luật
lệ quốc tế và quyền tự do hàng hải tại Biển Đông. Đây là sự “phối hợp, cộng
tác, và tham vấn bình thường” (normal coordination, collaboration,
consultation) trong quan hệ hai nước, bỏ lại những vấn đề quá khứ sau
lưng để bắt đầu một thời kỳ mới. Người phát ngôn bộ Quốc phòng Mỹ thông báo hai
bên đã nhất trí để tàu sân bay USS Carl Vinson đến thăm Đà Nẵng vào tháng
3/2018. Ông Mattis cũng khẳng định “Mỹ không đánh đổi Biển Đông lấy Triều
Tiên”, và nhấn mạnh trong NDS 2018 Mỹ cam kết cộng tác với các đối tác trong
khu vực như Việt Nam để duy trì trật tự dựa trên pháp luật và hướng tới một
“khu vực Indo-Pacific tự do và rộng mở”.
Trong
Chiến lược Quốc phòng (NDS) công bố 1/2018, và Chiến lược An ninh Quốc gia
(NSS) công bố 12/2017, Chính quyền Trump tập trung vào cạnh tranh nước lớn với
với Trung Quốc trong mối tương quan với chống khủng bố và tăng cường liên kết với
đồng minh và đối tác ở Châu Á-Thái Bình Dương. NDS xác định quan hệ đối tác của
Mỹ với Indonesia và Việt Nam là “cơ chế liên kết an ninh” (networked security
architecture) để thúc đẩy “khu vực Indo-Pacific tự do và rộng mở” (a free and
open Indo-Pacific). Tuy vậy, cho đến nay Indonesia và Việt Nam vẫn muốn “quan hệ
gần gũi nhưng không quá gần với Washington” như một phần trong chính sách đối
ngoại đa phương của họ (Diplomat, January 23, 2018).
Gần
đây, quan hệ hợp tác quốc phòng Mỹ-Việt đã có nhiều tiến bộ, nhất là sau các
chuyến thăm Mỹ của lãnh đạo Việt Nam như Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang
(7/2013), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (7/2015), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc
(5/2017). Hai bên đã thảo luận về hợp tác chiến lược, bao gồm việc Mỹ sẽ cho
tàu sân bay đến thăm Việt Nam. Tháng 8/2018, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ngô Xuân Lịch
đã gặp bộ trưởng Bộ Quốc phòng Jim Mattis tại Wasington để trao đổi cụ thể hơn
về vấn đề này. Hai nước tiếp tục thúc đẩy hợp tác chiến lược theo nội dung
“Bản Ghi nhớ” (MOU, ký năm 2011), “Tuyên bố Tầm nhìn Chung về Quan hệ Quốc
phòng” (JVS, ký năm 2015), “Kế hoạch hành động 3 năm giai đoạn 2018-2020” và
các thoả thuận của lãnh đạo cấp cao hai nước. Theo giáo sư Alexander
Vuving, “Việt Nam nắm chìa khóa cân bằng lực lượng ở khu vực” (Vietnam holds a
key to the regional balance of power). (“The Evolution of US- Vietnam Ties”,
Eleanor Albert, CFR, November 9, 2017).
Theo
ông Nguyễn Mạnh Hùng (George Mason University), các nước khu vực hiểu rằng
Tổng thống Trump có thể ve vãn Trung Quốc (vì Triều Tiên), nhưng ông Mattis có
lập trường cứng rắn với Trung Quốc. Chiến lược Quốc phòng mà ông Mattis vừa
công bố nhấn mạnh Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh chiến lược số một. Tại một hội
nghị quốc phòng tại Ấn Độ giữa Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ với Chủ tịch Hội
đồng Tham mưu Liên quân của Nhật và Ấn Độ, Đô đốc Harry Harris cũng cảnh báo
“Trung Quốc là một lực lượng phá hoại… trong khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương…”
và kêu gọi các nước trong khu vực phải tăng cường khả năng phòng thủ và hợp tác
với nhau để bảo vệ quyền lưu thông hàng hải.
Từ
lâu, Việt Nam đã muốn có một đối tác chiến lược để “cân bằng mềm” (soft
balancing) với các nước lớn trong khu vực. Việt Nam muốn thăm dò xem mức độ cam
kết của Mỹ thế nào và khả thi đến đâu. Trong khi đó, ông Mattis nói
rõ mục đích của Mỹ là tìm cách tăng cường hợp tác quốc phòng với đồng minh và đối
tác. Vì vậy trên đường đến Đông Nam Á, ông Mattis đã nói với báo chí rằng ông đến
Việt Nam để lắng nghe nhiều hơn là nói. Ông muốn biết thái độ của Việt Nam đối
với nhu cầu hợp tác quốc phòng với Mỹ. Ông có thể bàn về vấn đề mua bán vũ khí
và tàu sân bay của Mỹ sẽ đến thăm Việt Nam trong năm nay. Đây cũng là cơ hội để
Việt Nam xác định chiến lược quốc phòng với Mỹ và vai trò của Mỹ trong chiến lược
đó, và qua đó nói rõ nhu cầu của Việt Nam hiện nay là gì. (VOA,
25/01/2018).
Theo
Diplomat (23/1/ 2018), Jim Mattis là bộ trưởng quốc phòng thứ ba của Mỹ đến
thăm Việt Nam, tiếp theo các vị tiền nhiệm đã đến thăm Việt Nam là ông Leon
Panetta (6/2012), ông Ash Carter (6/2015), và Đại tướng Martin Dempsey, Chủ tịch
Tham mưu trưởng Liên quân (8/2014). Từ năm 2016, TNS John McCain (chủ tịch Ủy
Ban Quân vụ Thượng Viện) đã thúc đẩy kế hoạch tăng cường hợp tác hải quân, bao
gồm tập trận và tăng cường năng lực tuần tra biển cho Việt Nam. Theo kế hoạch
này, các tàu chiến Mỹ đã đến Đà Nẵng và tập trận trên biển, rồi thăm cảng Cam
Ranh. Cho tới nay, các hoạt động tập trận và tăng cường năng lực tuần tra biển
cho Việt Nam mới chỉ là bước đầu. Năm 2017, Mỹ đã bàn giao cho Lực lượng Cảnh
sát Biển Việt Nam chiếc tàu tuần tra lớn nhất (Hamilton-class Coast Guard
cutter).
Tuyên
bố của Trump tại APEC Đà Nẵng (10/11/2017) về tầm nhìn “Indo-Pacific Tự do và rộng
mở” tuy làm dư luận chú ý, nhưng chưa làm rõ nội dung địa chiến lược. Chiến lược
An ninh Quốc gia của Mỹ (NSS, công bố 12/2017) cũng chỉ nhắc qua đến Việt Nam
trong danh sách “các đối tác an ninh và kinh tế đang nổi lên” (growing security
and economic partners) bên cạnh các nước khác như Indonesia, Malaysia, và
Singapore. Chiến lược Quốc phòng (NDS, công bố 1/2018) đã bổ xung cho tầm nhìn
“Indo-Pacific”. Trong khi đó, điểm cốt lõi trong Chiến lược Quốc phòng của Việt
Nam là mở rộng và phát triển quan hệ quốc phòng ở Đông Nam Á, cũng như với các
đối tác cùng suy nghĩ như Mỹ, Úc, Ấn và Nhật, để đối phó với tham vọng của
Trung Quốc tại Biển Đông. (“Can Vietnam’s Military Stand Up to China
in the South China Sea?” Derek Grossman, Rand Asia Policy vol. 13,
no. 1, January 2018).
Theo
khuyến nghị trong báo cáo này của Rand Corporation, “các nhà hoạch định chính
sách và tư lệnh quân đội Mỹ cần tận dụng diễn biến tích cực hiện nay, nhắm vào
các lĩnh vực cụ thể để hợp tác quốc phòng song phương sâu sắc hơn. Rand cho rằng
Quân đội Việt Nam vì nhiều lý do “có thể chưa sẵn sàng cho một xung đột trên biển
kéo dài với Trung Quốc tại Biển Đông” (likely unprepared for a sustained
maritime standoff with China in the South China Sea), vì thiếu hụt về “tư tưởng
tác chiến và đào tạo trong các lĩnh vực không quân và và hải quân, và khiếm
khuyết về năng lực hàng hải và hợp đồng tác chiến với các loại vũ khí”
(operational concepts and training in the air and sea domains to shortcomings
in MDA capabilities and the interoperability of its weapon systems). Nhưng dù Mỹ
có muốn giúp Việt Nam về các mặt đó thì sự hợp tác vẫn còn rất khó khăn vì lâu
nay Việt Nam vẫn nghi ngờ ý đồ của Mỹ và ngần ngại không muốn tỏ ra khiêu khích
Trung Quốc. (“Can Vietnam’s Military Stand Up to China in the South China
Sea?” Derek Grossman, Rand Asia Policy vol. 13, no. 1, January 2018).
Trung
Quốc không phản đối
USS
Carl Vinson trên biển
Ngày
19/10/2017, Bộ Hải Quân Mỹ cho biết Tướng Nguyễn Chí Vịnh (thứ trưởng Bộ Quốc
Phòng) cùng 11 sỹ quan Việt Nam đã đến tham quan tàu sân bay USS Carl Vinson
(ngoài khơi California). Tàu này là soái hạm của Carrier Strike Group 1, lớp
Nimitz, có hơn 60 máy bay chiến đấu và gần 3,000 thủy thủ. Tháng 2/2017, Carl
Vinson Strike Group bắt đầu hoạt động tại Biển Đông và tháng 4/2017 được điều đến
bán đảo Triều Tiên, tập trận với hải quân Nam Hàn tại Tây Thái Bình Dương và với
hải quân Úc tại Ấn Độ Dương. Tháng 1/2018, Carl Vinson lại rời căn cứ San Diego
(Mỹ) để triển khai tiếp tại Tây Thái Bình Dương.
Theo
chuyên gia hải quân Mỹ James Holmes, tác giả của Red Star Over the
Pacific: China’s Rise and the Challenge to US Maritime Strategy, “nếu chúng
ta coi việc tuần tra của USS Hopper qua Scarborough Shoal
là “đi qua vô hại” (innocent passage) thì chúng ta thừa nhận chính điều mà tự
do hàng hải lên án: Trung Quốc có chủ quyền hợp pháp đối với Scarborough”. Mấy
thế hệ người Mỹ đã được đào tạo để không dám “khiêu khích” và “làm mất lòng”
người Trung Quốc khi thách thức sự bành trướng của họ. Điều này vẫn còn, bất chấp
hai văn kiện chính sách mới của Mỹ là NSS và NDS vừa công bố nhằm thách thức chủ
nghĩa bành trướng trắng trợn của Bắc Kinh. (National Interest, January 24,
2018).
Theo
Reuters (26/1/2018), người phát ngôn Bộ Ngoại Giao Trung Quốc nói họ không phản
đối chuyến thăm Việt Nam của một tàu sân bay Mỹ (dự kiến đến Đà Nẵng tháng
3/2018): “Chừng nào hoạt động trao đổi quân sự này giữa Việt Nam và Hoa Kỳ có lợi
cho hòa bình và ổn định khu vực, thì tất nhiên là chúng tôi không phản đối”.
Tuy Bắc Kinh “không phản đối” nhưng chắc họ “không ủng hộ” và “không hài lòng”,
vì họ thường “nói vậy mà không phải vậy”. Theo Carl Thayer, Trung Quốc có thể lập
luận rằng Mỹ là “kẻ ngoại cuộc” ở Biển Đông, nên khi Mỹ cho tàu chiến tuần tra
(FONOP) họ có thể đẩy Trung Quốc vào tình thế phải có “hành động tự vệ” như tiếp
tục quân sự hóa 7 hòn đảo mà họ đã chiếm đoạt.
Năm
2010, một tàu sân bay của Hạm đội 7 đã thả neo ngoài khơi Đà Nẵng, để đón một
đoàn quan chức Việt Nam đến thăm. Nhưng theo Carl Thayer, thứ nhất, USS Carl
Vinson đến Đà Nẵng là một sự kiện đặc biệt vì lần đầu tiên có một tàu sân bay Mỹ
cặp cảng Việt Nam. Thứ hai, Đà Nẵng có vị trí đặc biệt đối với Biển Đông, nên sự
kiện này xác nhận Việt Nam ủng hộ sự hiện diện của Hải Quân Mỹ tại đây để đối
trọng với Trung Quốc. Thứ ba, sự kiện này chứng tỏ Hà Nội muốn mở rộng quan hệ
quân sự với Washington. Trung Quốc “không phản đối” là vì họ không làm gì được,
như là “một chuyện đã rồi” (fait accompli).
Việc
“Trung Quốc không phản đối” USS Carl Vinson đến thăm Việt Nam có thể được lý giải
theo nhiều cách khác nhau. Trung Quốc có thể lấy cớ để xây dựng thêm các hạng mục
quân sự trên các đảo họ chiếm đoạt ở Biển Đông. Họ không phản đối có thể ám chỉ
rằng tàu Mỹ hiện diện (để làm ổn định tình hình) thì được, nhưng tuần tra
(FONOP) thì không được. Theo Thayer, Bắc Kinh không phản đối vì không muốn làm
thay đổi quan hệ quân sự với Washington. “Trung Quốc và Mỹ đã có các hoạt động
quân sự chung, và họ đã từng cho tàu sân bay Mỹ đến thăm Hong Kong”. Việc phản
đối có thể làm gián đoạn quan hệ quân sự của Trung Quốc với Mỹ, trong đó có việc
tàu chiến Trung Quốc đến thăm Mỹ (Hawaii).
Tại
sao chọn Đà nẵng
Trong
chuyến thăm Việt Nam, ông Mattis đã khen kinh tế Việt Nam có tốc độ tăng trưởng
vào loại nhanh nhất khu vực, nên tự do hàng hải và việc tiếp cận Biển Đông là
thiết yếu cho kinh tế và an ninh quốc gia. Việt Nam có vị trí tiếp giáp với Biển
Đông nên là nước chủ chốt trong khu vực đang tranh chấp với Trung Quốc về lãnh
thổ và hải đảo. Ông Mattis cũng cảm ơn lãnh đạo Viêt Nam đã ủng hộ Mỹ về vấn đề
Bắc Triều Tiên. Trong buổi công bố NDS 2018, ông Mattis nói Trung Quốc là đối
thủ canh tranh chiến lược, dùng “kinh tế kẻ cướp” (predatory economics) để bắt
nạt các nước láng giềng, và quân sự hóa Biển Đông.
Theo
một số chuyên gia, đối sách của Việt Nam hiện nay về cơ bản vẫn là dựa vào Mỹ để
đối trọng với Trung Quốc như một giải pháp tình thế. Tuy Việt Nam không ưa Mỹ
và sợ Mỹ nhưng vẫn cần Mỹ. Đây là một nghịch lý phản ánh tình thế “lưỡng nan”
(catch-22) trong chính sách đối ngoại của Việt Nam, hầu như chưa thay đổi mấy từ
giữa năm 2014 đến nay, đặc biệt là trong một năm qua. Gần đây, khi
Trung Quốc trắng trợn gây sức ép, dọa tấn công Trường Sa (tháng 7/2017) nếu Việt
Nam không buộc hãng Repsol (Tây Ban Nha) dừng khoan dầu tại lô 136-03 (bãi Tư
Chính), Việt Nam đã phải nuốt hận nhân nhượng Trung Quốc, mặc dù ngân sách thâm
hụt đang rất cần tăng nguồn thu từ dầu khí. Kể từ khủng hoảng dàn khoan HD 981
(5/2014) đến khủng hoảng Bãi Tư Chính (7/2017) Việt Nam ngày càng cô đơn.
Việt
Nam không biết chắc lập trường của Chính quyền Trump đối với Đông Nam Á về lâu
dài như thế nào (với tình trạng “trống đánh xuôi kèn thỏi ngược”) nên phải tăng
cường quan hệ đa phương với các nước như Nhật, Ấn Độ, Úc, Singapore, Nam Hàn.
Việt Nam ủng hộ vai trò đứng đầu khu vực của Nhật và tranh thủ chính sách “hướng
Đông” của Ấn Độ, nhằm tăng cường an ninh của mình, và đối phó với tham vọng của
Trung Quốc. Trong khi NDS 2018 nhấn mạnh vai trò quan trọng của Indonesia và Việt
Nam là hai đối tác chính trong “Cơ chế Liên kết An ninh” (networked security
architecture), chuyến thăm của ông Mattis nhằm khẳng định cam kết của Mỹ vì tự
do hàng hải tại Biển Đông, và tăng cường hợp tác chiến lược với các quôc gia
đó. Mỹ muốn thúc đẩy hợp đồng bán 48 máy bay chiến đấu cho Indonesia (trị giá
$4,5 tỷ) và tàu sân bay USS Carl Vinson đến thăm Việt Nam. (Secretary of
Defense Mattis’s Trip to Southeast Asia: A Few Thoughts, Joshua
Kurlantzick, CFR, January 26, 2018).
Tuy
chính sách cân bằng (hay “đu dây”) không còn hiệu lực, buộc Việt Nam phải xích
lại gần Mỹ hơn, nhưng chính quyền Trump đã bỏ rơi TPP và ve vãn Trung Quốc vì vấn
đề Triều Tiên, làm Việt Nam (và ASEAN) lo ngại Donald Trump có thể bỏ rơi Biển
Đông. Dù Barack Obama đã bỏ cấm vận vũ khí, mở rộng cửa cho hợp tác chiến lược,
nhưng Việt Nam vẫn sợ Trung Quốc trả đũa nếu xích lại quá gần Mỹ, và nếu để Mỹ
sử dụng lá bài chiến lược Cam Ranh để đối trọng với Trung Quốc. Tuy đó có thể
là một lý do hai bên chọn Đà Nẵng để tàu sân bay Mỹ cập bến, nhưng cũng còn có
những lý do khác để lý giải quyết định này.
Một
số chuyên gia lập luận rằng họ chọn Đà Nẵng vì gần mỏ khí Cá Voi Xanh (cách đất
liền có 100 km). ExxonMobil đã ký hợp đồng trị giá $10 tỷ với PetroVietnam
(13/1/2017). Đây là dự án dầu khí lớn nhất Việt Nam, có thể đóng góp cho ngân
sách tới $20 tỷ, trong khi Việt Nam đang rất bí ngoại tệ để trả nợ đến hạn
($10-12 tỷ/năm). Dự kiến hai bên sẽ chính thức khởi động dự án khai thác khí
vào cuối năm 2017. Nhưng ngày 7/11/2017 đại điện ExxonMobil đột ngột quyết định
hoãn dự án này đến năm 2019, làm dấy lên tin đồn là Trung Quốc gây sức ép để dừng
dự án này, mặc dù cựu CEO của ExxonMobil là Rex Tillerson (ngoại trưởng Mỹ). Nếu
đúng như vậy thì thì khủng hoảng bãi Tư Chính (lô 136 của Repsol) có thể lặp lại
với dự án Cá Voi Xanh (lô 118 của ExxonMobil) và với Ấn Độ (lô 128 của ONGC
Videsh).
Nhưng
kịch bản cũ của Trung Quốc có hiệu quả hay không còn phu thuộc vào thái độ của
Mỹ và Ấn Độ (là hai cường Quốc Hải Quân). Nói cách khác, Mỹ và Ấn Độ không phải
là Tây Ban Nha, và hai cường quốc này đang liên kết với Nhật và Úc để hình
thành “Tứ giác Kim cương” (như một “Mini NATO”) tại khu vực “Indo-Pacific tự do
và rộng mở”. Vì vậy, sự kiện tàu sân bay USS Carl Vinson đến thăm Đà Nẵng (mặc
dù chưa phải Cam Ranh) có thể là một tín hiệu răn đe mới đối với Trung Quốc, vừa
nhằm bảo vệ lợi ích cụ thể của ExxonMobil, vừa có ý nghĩa tượng trưng để triển
khai Chiến lược Quốc phòng mới của Mỹ.
Theo
Greg Poling (AMTI director, CSIS), sẽ là một sai lầm nếu dựa vào thiện chí của
Trung Quốc... vì cơ hội hoàn tất một bộ Quy tắc Ứng xử tại Biển Đông đang tắt dần.
Trong khi đó, có vẻ như chẳng bao lâu nữa máy bay chiến đấu của Trung Quốc sẽ bắt
đầu hoạt động đều đặn từ các căn cứ không quân ở Trường Sa… Trung Quốc
đang ở tư thế sẵn sàng cho những cuộc leo thang mới ở Biển Đông. Đây sẽ là hồi
chuông cảnh tỉnh cho nhiều người…Nó cũng đặt ra cả thử thách và cơ hội cho
Chính quyền Mỹ, nhưng đến nay Washington vẫn làm quá ít để chuẩn bị đối đầu với
thử thách lẫn nắm bắt cơ hội. (“Why a South China Sea Diplomatic Breakthrough
Is Unlikely”, Gregory Poling, Foreign Affairs, January 25,
2018).
Thăm
Chùa Trấn Quốc
Jim
Mattis ở chùa Trấn Quốc
Không
biết ông Mattis có mê tín hay không, nhưng ngày 25/1/2018 giữa các cuộc gặp cấp
cao, đã đến thăm chùa Trấn Quốc (tại Hồ Tây, Hà Nội) như để “cầu an”. Trao đổi
với nhà sư trụ trì, ông Mattis ca ngợi không gian thanh bình của ngôi chùa cổ gắn
liền với sự ra đời của nhà nước đầu tiên ở Việt Nam. Sự quan tâm đến lịch sử,
văn hóa Việt Nam của ông Mattis cho thấy ông muốn tạo dựng lòng tin với người
Việt. Theo tiến sỹ Lê Hồng Hiệp, chuyến viếng thăm chùa Trấn Quốc của Bộ trưởng
Quốc phòng Mỹ “mang tính biểu tượng để gửi đi một thông điệp về sự tôn trọng và
hiểu biết về lịch sử của ông Mattis đối với Việt Nam”. (“Tàu
sân bay Mỹ sẽ có chuyến thăm lịch sử tới Việt Nam”, VOA, 26/01/2018).
Dư
luận cho rằng ông Mattis là người có lập trường cứng rắn với Trung Quốc, nên viếng
thăm chùa Trấn Quốc còn gửi đi một thông điệp sâu sắc hơn. Theo Lê Hồng Hiệp,
“Bản thân chữ Trấn Quốc liên quan đến bảo vệ đất nước và lãnh
thổ Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh bị đe dọa từ phương Bắc. Tôi nghĩ chuyến
thăm ngôi chùa này của ông Mattis còn gửi đi một thông điệp là Mỹ có thể tăng
cường hợp tác với Việt Nam để giúp Việt Nam bảo vệ tốt hơn lãnh thổ quốc gia của
mình, giống như ý nghĩa của tên ngôi chùa đó.”
Chỉ
ba ngày sau khi ông Mattis rời Hà Nội, một phái đoàn khác do bà Tina Kaidanow,
(phó trợ lý ngoại trưởng về quan hệ chính trị-quốc phòng) đã đến Việt Nam để
tham gia cuộc đối thoại lần thứ chín về chính trị, an ninh và quốc phòng song
phương (từ 28/1 đến 4/2/2018). Dư luận cho rằng phái đoàn này sẽ tập trung làm
việc với phía Việt Nam về các vấn đề cụ thể, có thể gồm công tác chuẩn bị cho
chuyến thăm của USS Carl Vinson, và khả năng Việt Nam mua vũ khí của Mỹ (như
máy bay tuần tra săn ngầm P-3C Orion, và máy bay trực thăng tấn công Supra
Cobra AH-1W). Tuy hai bên đều có nhu cầu mua/bán vũ khí và thiết bị, nhưng đến
nay công việc này vẫn dậm chân tại chỗ (vì những lý do “nhạy cảm”!).
Thay
lời kết
Trong
không khí sôi sục (như lên đồng) sau vài thắng lợi ngoạn mục (tuy chưa trọn vẹn)
của đội tuyển U23, những sự kiện hệ trọng liên quan đến vận mệnh quốc gia dường
như bị lu mờ. Năm Đinh Dậu sắp hết và Tết Mậu Tuất sắp đến, làm nhiều người Việt
nhớ lại bi kịch Tết Mậu Thân (cách đây một nửa thế kỷ) với những tâm trạng khác
nhau. Một nửa thế kỷ đã trôi qua, nhưng Việt Nam dường như vẫn loanh quanh tại
ngã ba đường như sa lầy hay bị nhốt trong cái hang tối của ý thức hệ. Tuy Việt
Nam cần đồng minh, nhưng muốn thoát ra khỏi hang phải tự mình, vì không ai có
thể làm thay được. Trong dòng chảy ồn ào của năng lượng bóng đá, bỗng văng vẳng
bên tai câu sấm của cụ Tản Đà “dân hai nhăm triệu ai người lớn, nước bốn ngàn
năm vẫn trẻ con”. Không biết câu đó có vận vào vận nước hay không, nhưng nhiều
người Việt vẫn hồn nhiên và bình chân như vại. Đúng là “Hà Nội không vội được
đâu!”
NQD.
30/01/2018
No comments:
Post a Comment