Wednesday, January 31, 2018

BẢN TIN TỐI 31/1/2018 (Báo Tiếng Dân)




Tin Việt Nam

Tin Biển Đông
Báo VnExpress đưa tin: Chuyên gia Mỹ lo 20 năm nữa vẫn chưa có COC ở Biển Đông. Bài viết dẫn lời chuyên gia Biển Đông Gregory Poling, từ Trung tâm CSIS, bình luận: “Tôi hoàn toàn nghĩ rằng có rủi ro trong tiến trình đàm phán COC hiện nay. ASEAN và Trung Quốc đã bàn về nó trong 20 năm qua và tôi đồ rằng họ sẽ mất thêm 20 năm nữa”, bởi vì “không có dấu hiệu chứng tỏ Trung Quốc đàm phán nghiêm túc một COC công bằng với ASEAN”.

Ông Poling nói thêm: “Dần dần, Bắc Kinh sẽ giành lợi thế trước các nước cùng có yêu sách ở Biển Đông. Cuối cùng họ sẽ biến đường 9 đoạn thành hiện thực, kể cả khi không ai chấp nhận tính hợp pháp của nó”.

Hình ảnh căn cứ ở đá Subi trên Biển Đông do Trung Quốc xây dựng trái phép hồi tháng 4/2017. Ảnh: FP/VNE

Quả bóng trách nhiệm bảo vệ chủ quyền đất nước bị đá cho lãnh đạo địa phương. Báo Thanh Niên đưa tin: Lãnh đạo địa phương phải chịu trách nhiệm việc tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài. Ông Huỳnh Thanh Cảnh, Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Bình Thuận, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh này cho biết, Bình Thuận đã có chỉ thị “phải chấm dứt tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài trước ngày 1.5“.

Ông Cảnh nói: “Nếu sau ngày 1.5 mà còn tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài thì người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương và các ban, ngành, đơn vị có liên quan phải chịu trách nhiệm trước Tỉnh ủy“.


Của nợ “tàu vỏ thép”
Báo Thanh Niên có bài: Tàu vỏ thép đắp chiếu: Công ty bán máy phải bồi thường. Bài viết bàn về “phiên phúc thẩm vụ kiện liên quan tàu cá vỏ thép QNa 94679”, HĐXX đã buộc Công ty Liên Á “bồi thường cho ngư dân Trần Văn Liên”. Ngày 18/3/2016, Công ty Liên Á cho hạ thủy “tàu cá vỏ thép công suất mạnh nhất Đà Nẵng”, hơn một tuần sau, tàu này hỏng máy khi chạy thử. Ông Liên quyết định khởi kiện Công ty Liên Á.

Bài báo cho biết thêm: “Số phụ tùng trị giá 700 triệu đồng, Ban Nghị định 67 tỉnh Quảng Nam đã kêu gọi đóng góp, trong đó Công ty Bảo Duy ủng hộ 600 triệu đồng hỗ trợ ông Liên để Liên Á mua phụ tùng”. Nghị định 67 của Chính phủ hồi năm 2014 chính là nghị định về “sáng kiến” đóng tàu vỏ thép để “giúp” ngư dân “bám biển”, thực chất là để mặc ngư dân tự xoay xở trước những chiếc “tàu lạ” sẵn sàng đâm chìm tàu của họ, dù là tàu vỏ gỗ hay tàu vỏ thép.


Quan hệ Việt – Trung
Báo Đất Việt đưa tin: Nhiều hàng nhập Trung Quốc thuế 0%: Nỗi buồn gấp bội. Bài viết dẫn lời chuyên gia bán lẻ Vũ Vinh Phú cảnh báo rằng: “hàng nghìn sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc được giảm thuế về 0% sẽ là thách thức vô cùng lớn đối với ngành sản xuất hàng hóa trong nước”.

Ông Phú nói thêm: “Trước đây, khi còn áp các thuế xuất đối với các sản phẩm nhập khẩu thì còn hạn chế được một phần hàng hóa từ Trung Quốc, tuy nhiên, bây giờ chỉ những mặt hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng từ Trung Quốc mới tìm cách đi theo con đường tiểu ngạch, còn những mặt hàng chính ngạch sẽ tràn vào một cách ồ ạt, không thể ngăn cản được”.


Nhân quyền ở Việt Nam
Thông Tấn Xã Việt Nam đưa tin: Phạt tù 3 bị cáo tuyên truyền chống Nhà nước trên mạng xã hội. Bài báo bàn về diễn tiến và kết quả phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án “Phong Trào Chấn Hưng Nước Việt”. Theo đó, các bị cáo: Vũ Quang Thuận, Nguyễn Văn Điển và Trần Hoàng Phúc bị VKSND TP Hà Nội truy tố về tội “Tuyên truyền chống Nhà nước”, một tội danh rất mơ hồ đã được lực lượng công an, an ninh và tòa án tận dụng để cầm tù những người đấu tranh ôn hòa.

Vì “tội” làm video “tuyên truyền chống Nhà nước”, HĐXX đã tuyên phạt “bị cáo Vũ Quang Thuận 8 năm tù, Nguyễn Văn Điển 6 năm 6 tháng tù, Trần Hoàng Phúc 6 năm tù”.

Từ trái sang: ông Vũ Quang Thuận, ông Nguyễn Văn Điển và anh Trần Hoàng Phúc. Ảnh: FB Thanh Niên Công Giáo

LS Trần Thu Nam viết: Chuyện bi hài nơi công đường“Các Luật sư, bị cáo đề nghị Hội đồng xét xử trình chiếu các video là chứng cứ dùng để buộc tội các bị cáo ngay tại phiên toà. HĐXX từ chối với lý do không đủ cơ sơ vật chất để thực hiện yêu cầu này”.

Facebooker Cát Linh chia sẻ“Là phiên toà công khai nhưng phụ huynh của các bị can không được vào. Đang ngồi ngoài vỉa hè giữa trời Hà Nội rét 11 độ. Riêng mẹ của anh Vũ Quang Thuận không thể đi vì có lính canh”.


Hồ sơ Formosa
Trang Thanh Niên Công Giáo chia sẻ các video clip về chuyện: “Bà con 4 thôn thuộc vùng Cồn Nâm – Giáp Tam ở Quảng Bình tiếp tục lên UBND xã Quảng Minh-Tx. Ba Đồn – Quảng Bình để đòi tiền thất nghiệp do Formosa gây ra”.

Video clip 1 của Thanh Niên Công Giáo:

Video clip 2 của Thanh Niên Công Giáo:

Trang Tin Mừng Cho Người Nghèo viết: Khi lãnh đạo nói chuyện với người dân! Tác giả cho biết: “Hôm nay 4 thôn vùng cồn, xã Quảng Minh, thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình, lên để tiếp tục đối chất với lãnh đạo địa phương về tiền đền bù về thảm họa Formosa , ngay lúc đó thì gặp phải người đàn ông này… xin các bạn hãy tiếp tục nghe tiếp những gì mà ông này nói trong đoạn video”.

Video clip của Tin Mừng Cho Người Nghèo quay cảnh cán bộ “đối thoại” với dân:

Công an Phú Quốc bêu danh người mua dâm
Báo Dân Việt có bài: Đại biểu Quốc hội nói về vụ công an bêu tên người bán dâm giữa phố. Bài viết nêu ý kiến của đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng, rằng: “Phải xem xét xem đây là sự việc của cá nhân hay là chủ trương của Công an Thị trấn Đông Dương. Nếu là chủ trương thì phải xử lý cả người đưa ra chủ trương đó”.

LS Trương Quốc Hòe phân tích: “theo các quy định tại Nghị định 167/2013/NĐ-CP hay BLHS 2015 thì không có quy định nào về việc cho phép công khai thông tin, danh tính của người những người vi phạm mà chỉ ghi nhận các hình phạt bao gồm: phạt tiền và phạt tù có thời hạn hoặc thông báo về nơi công tác, cư trú để giáo dục, xử lý kỷ luật”.

Báo Một Thế Giới viết: Bêu tên người mua bán dâm ở Phú Quốc: Người trong ngành công an nói gì? Theo bài báo, Thiếu tướng Đỗ Việt Thắng, cựu Giám đốc Công an tỉnh Bạc Liêu, cho rằng “từ trước đến giờ ông chưa từng gặp trường hợp nào công khai người bán dâm bằng cách đưa ra vỉa hè đường để bêu tên tuổi”.

Tác giả lưu ý một số tình tiết trong biên bản lấy lời khai:  “trong clip, có cả các em nhỏ ngồi ngay lề đường nghe từ đầu đến cuối, có cả 2 nữ sinh mặc đồ thể dục cũng tấp xe đạp vào chứng kiến. Rất trơ trẽn, khi trong clip, viên cảnh sát còn đọc lớn hành vi mua bán dâm của những người này”.

Trang Viet Times đặt câu hỏi: Công an Phú Quốc bêu riếu người mua bán dâm: Việc làm tốt hay phản cảm? Bài viết dẫn lời Đại tá Lê Văn Mót, Trưởng Công an huyện Phú Quốc, ngụy biện cho đồng đội: “Đây là việc làm rất tốt… có thể do anh em làm gấp gáp, muốn ổn định tình hình an ninh trật tự tại địa phương nên làm vội. Anh em có ý tốt thôi chứ không có gì xấu”.


Đất nước thời công an trị
Báo Pháp Luật TP HCM cho biết: Thành lập Đồn Công an trong sân bay Tân Sơn Nhất. Bài báo cho biết: “Quân số của đồn này được bố trí chốt tại sân bay Tân Sơn Nhất, có nhiệm vụ đảm bảo an ninh trật tự diễn ra tại sân bay. Do chưa có trụ sở độc lập nên lực lượng này bố trí làm việc cùng một cơ quan khác”.

Tác giả dẫn lời đại diện Cảng hàng không Tân Sơn Nhất giải thích: “Dịp Tết lượng hành khách đi lại rất đông, cảng cùng lực lượng công an của đồn sẽ phối hợp đảm bảo an ninh trật tự, đi lại thông suốt trong đợt cao điểm này”.

Có thực lý do lập Đồn Công an trong sân bay là “vô tư” như lời khẳng định trên, hay phía công an làm vậy để dễ dàng kiểm soát chuyện xuất/nhập cảnh của những người bất đồng chính kiến, như trong bài Việt Nam vi phạm quyền tự do đi lại tại cửa khẩu quốc gia trên RFA?


Kinh tế Việt Nam
TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng: Phải 5-10 năm nữa Việt Nam mới đáp ứng được tiêu chuẩn TPP11, báo Một Thế Giới đưa tin. Trong bài báo có đoạn: “Nhiều chuyên gia cho rằng Việt Nam đã tham gia rất nhiều hiệp định thương mại tự do, đa phương lẫn song phương nhưng vẫn chưa tận dụng hết lợi ích. Do đó, cần phải thúc đẩy cải cách mạnh mẽ hơn trong các hiệp định sau này”. Vấn đề then chốt là Việt Nam vẫn theo đuổi “kinh tế thị trường định hướng XHCN”, trong khi thế giới chỉ cần “kinh tế thị trường”.

Theo TS Hiếu, vấn đề then chốt để Việt Nam thích ứng được với TPP11 là “cải thiện thể chế và thay đổi từ chính sách”. Ông Hiếu nói thêm: “Với tốc độ cải cách như hiện nay thì hiện tại Việt Nam khó có thể đáp ứng được những tiêu chuẩn khắt khe của hiệp định này. Phải mất ít nhất từ 5 tới 10 năm nữa mới có thể tiến đến được với các tiêu chuẩn của CPTPP”.

Báo Thanh Niên đưa tin: Niềm tin của người tiêu dùng vào thương hiệu Việt bị ‘lung lay’. Bài viết bàn về hiện tượng hàng hóa Việt dần “đuối sức” ngay trên thị trường Việt Nam, dựa trên kết quả khảo sát HVNCLC 2017 và 2018.

Theo đó, năm 2017, “sản phẩm trong nước dù còn chiếm ưu thế trên thị trường với tỷ lệ người tiêu dùng yêu thích chiếm 51% và thường xuyên mua dùng chiếm đến 60%. Tuy nhiên, khảo sát 2018 cho thấy tỷ lệ này đã giảm mạnh, lần lượt chỉ có 27% người tiêu dùng yêu thích và 32% chọn mua”.


Xung quanh chuyện “bán lúa giống” của nhà nước
‘Tôi mà ký thì mọi người… vào tù thăm tôi’ là tiêu đề của bài viết trên báo Pháp Luật TP HCM, bàn về cuộc họp tổng kết nhiệm vụ cổ phần hóa, thoái vốn tại DNNN được tổ chức sáng nay. Bài viết dẫn lời bình của Chủ tịch SCIC Nguyễn Đức Chi về diễn tiến “bán lúa giống” của nhà nước: “Thực tế hằng ngày, hằng tuần vẫn phải bán vốn, vẫn phải kinh doanh nhưng không có người đại diện pháp luật thì rủi ro rất cao”.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công chia sẻ: “Chúng tôi đã sàng lọc, tìm kiếm lãnh đạo chủ chốt cho tổng công ty nhưng không được, đưa từ chuyên viên lên thì nhiều nhưng lại không đủ tiêu chuẩn. Với cương vị chủ tịch kiêm nhiệm tôi cũng không được ký tá, nhiều khi mọi người nói đùa là anh cứ ký đi, tôi cũng bảo tôi mà ký thì mọi người vào tù thăm tôi”.

VTV đưa tin: Giám sát chặt chẽ việc sử dụng đất đai trước và sau cổ phần hóa DNNN. Về chuyện “cổ phần hóa, thoái vốn, tái cơ cấu DNNN và phát triển doanh nghiệp năm 2017”, bài báo cho biết: “số lượng doanh nghiệp Nhà nước đã giảm mạnh. Cả nước hiện còn hơn 500 doanh nghiệp Nhà nước, dự kiến năm 2020 con số này sẽ là 150. Riêng năm 2017, Nhà nước đã thu về gần 140.000 tỷ đồng” từ chuyện “bán lúa giống”.


“Làm giàu” bằng tài nguyên
Trang VnEconomy bàn về bất cập trong ngành công nghiệp khai khoáng. Theo đó, “khai khoáng là ngành công nghiệp quan trọng của đất nước, đóng góp lớn cho ngân sách nhà nước, là nguồn lực để phát triển quốc gia. Tuy nhiên vẫn còn tồn tại việc quản lý và khai thác khoáng sản không hiệu quả, gây lãng phí tài nguyên”. Nghĩa là các quan chức CSVN làm không xong cả chuyện đào tài nguyên lên bán.

Chuyên gia Nguyễn Thành Sơn nhận định: “Hiện nay nhiều nước đang cố gắng để giữ nguồn tài nguyên khoáng sản thì Việt Nam lại tìm mọi cách để xuất khẩu. Nước nghèo mới xuất khẩu còn nước giàu nhập khẩu”.

Ảnh minh họa. Nguồn: VnEconomy


Sự thực “lực lượng nòng cốt” của Đảng
VTC đưa tin: Hàng trăm công nhân đình công vì bị giam lương trước Tết. Theo bài báo, sáng nay, “hàng trăm công nhân trong một phân xưởng của công ty TNHH RDM (66 Lê Lợi, phường 4, quận Gò Vấp, TP.HCM) tổ chức đình công tập thể. Nguyên nhân được cho là do bức xúc vì việc nợ lương trước Tết khiến các công nhân bất mãn”.

Tác giả cho biết thêm: “Trước đó, ngày 30/1, lãnh đạo công ty ra thông báo sẽ không trả lương cho công nhân trước Tết Nguyên đán 2018 mà hẹn ra Tết. Sau đó, đại diện của công nhân đã viết giấy yêu cầu ban giám đốc xuống làm việc trực tiếp, tuy nhiên, các lãnh đạo công ty không đồng ý”.

Các công nhân đồng loạt đình công vì bị ‘giam’ lương cận Tết. Ảnh: VTC

VTV viết: Chánh Thanh tra Bộ LĐTBXH: 100% doanh nghiệp điện tử có làm thêm giờ. Đó là thông tin do ông Nguyễn Tiến Tùng, Chánh Thanh tra Bộ LĐTBXH, xác nhận trong Tọa đàm Thúc đẩy việc làm bền vững tại các DN điện tử ở Việt Nam.

Theo đó, “sai phạm gặp nhiều nhất tại các DN điện tử là nội dung hợp đồng không đảm bảo quy định, chưa thể hiện được đầy đủ quyền và nghĩa vụ của người sử dụng lao động và người lao động, với 132 DN vi phạm; huy động người lao động làm thêm giờ quá thời gian quy định với 130 DN vi phạm”.


Kiếp làm nông ở Việt Nam
Báo Dân Việt đưa tin: Sắp tới, giá nông sản sẽ còn bấp bênh nữa nếu vẫn làm ăn manh mún. TS Lê Văn Bảnh, cựu Cục trưởng Cục Chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối, đã nhận định như vậy khi bàn về chiều hướng giảm giá của các loại nông sản, rằng: “Trong nhiều năm qua nông sản Việt Nam luôn phải đối mặt với tình trạng ‘được mùa mất giá, được giá mất mùa’, lúc thì cam, dưa hấu, lúc thì chuối, hành rớt giá thê thảm… Điệp khúc này cứ kéo dài mãi”.

Ông Bảnh bàn thêm về khả năng ngành mía đường Việt Nam mất thị trường ngay trên “sân nhà”: “Hiện giá đường trong nước khoảng 16.000-17.000 đồng/kg, trong lúc giá đường Thái Lan nhập lậu chỉ 12.000 đồng/kg. Còn ở Trung Quốc đang có sản phẩm đường bắp, đây là dạng đường lỏng, độ ngọt cao, giá rẻ, rất phù hợp để làm mứt, bánh kẹo”.


Vụ bê bối Vietjet Air
Báo Zing đặt câu hỏi: Vì sao chọn Vietjet thay vì VNA chở U23? Bài viết dẫn lời ông Vương Bích Thắng, Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục thể thao, giải thích: “Khi đội tuyển vào chung kết, Tổng cục nhận được văn bản của VFF kiến nghị hủy vé đối với VNA bởi trong văn bản nói rằng hãng Vietjet tài trợ chuyến bay riêng”.

Ông Thắng nói thêm: “Thứ nhất, Tổng cục muốn có một chuyến bay riêng cho đội tuyển U23 Việt Nam nên đồng ý đề xuất của VFF. Thứ hai, Vietjet tài trợ toàn bộ nên không mất chi phí vé từ Trung Quốc về Việt Nam”. Nghĩa là các lãnh đạo VFF vì tiếc tiền ngân sách mà để các cầu thủ dính vào bê bối của một hãng hàng không “rẻ tiền” từ dịch vụ đến nhận thức.

Ảnh biêm họa vụ bê bối Vietjet Air. Nguồn: internet


Gánh nặng “trồng người” ở Việt Nam
Trang Giáo Dục Việt Nam đặt câu hỏi: Chẳng lẽ, học sinh và giáo viên cứ mãi thi và thi…? Thầy giáo Thiên Ấn bàn về nỗi ám ảnh thi cử của học sinh, rằng: “nhiều địa phương, nhiều con em học sinh phải quay về với ‘ma trận’ ngày xưa, ôn luyện đêm ngày và thi cử đầy căng thẳng, cùng với nhiều hệ lụy, tiêu cực khôn lường”.

Tác giả nhận định: “Có lẽ, bậc giáo dục phổ thông Việt Nam, con em của chúng ta phải trải qua nhiều bài kiểm tra, kỳ thi cử liên quan đến điểm số, kết quả thi cử, thành tích thi đua… vào loại cao nhất trên thế giới và khu vực”.

Thời báo Kinh Tế Sài Gòn viết: Đổi mới giáo dục, giáo viên cũng lo. Bài viết nêu ý kiến của ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Du, về chương trình giáo dục “tích hợp” sắp được triển khai, rằng: “Chúng tôi biết bộ sẽ triển khai công tác đào tạo, tập huấn cho giáo viên trước khi áp dụng chương trình mới, nhưng không thể không lo ngại vì thời gian quá eo hẹp. Làm thế nào để một giáo viên vốn chỉ được đào tạo ra dạy chuyên sâu một môn nay lại phải ôm nhiều môn?”

Ông Phú nói thêm: “Lúc này sự phối hợp giữa các giáo viên với nhau là vô cùng quan trọng. Họ phải thống nhất được cách đánh giá, thời khoá biểu để tạo sự nhất quán giữa các môn, đảm bảo người này dạy không bị “hụt” hay chồng chéo với người kia. Như vậy, phải chăng là trao thêm áp lực cho giáo viên?”  


Ô nhiễm môi trường ở Việt Nam
Trang Môi Trường Và Cuộc Sống đưa tin: Khu du lịch Mũi Né đang bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm môi trường. Bài viết dẫn thông tin từ Hiệp hội Du lịch Bình Thuận cho biết: “Tình trạng các hộ kinh doanh chế biến cá cơm xả thải gây ô nhiễm môi trường tự nhiên của KDL được định hướng phát triển mang tầm quốc gia là đáng quan ngại”.

Tác giả lưu ý “trách nhiệm” của chính quyền địa phương trong vấn đề ô nhiễm ở Khu du lịch Mũi Né, rằng: Trước đó, “địa phương đã quy hoạch Cụm công nghiệp Mũi Né tại khu phố 12 với quy mô diện tích là 25,28 ha” để di dời các hộ dân chuyên chế biến cá cơm. Tuy nhiên, “mới đây vào cuối tháng 1/2018, Sở Công Thương Bình Thuận cho biết đến nay đơn vị này vẫn chưa hoàn chỉnh hồ sơ gởi UBND thành phố Phan Thiết”.

Khu du lịch Mũi Né đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi ô nhiễm môi trường. Ảnh: MT&CS


***


Tin quốc tế

Chính trường Mỹ
TT Trump đọc Thông điệp Liên bang là chủ đề được các báo khai thác tối đa hôm nay. Báo Dân Việt có bài: Thông điệp Liên bang của Trump: Những điểm nhấn ấn tượng. Bài viết đề cập đến những chủ đề chính trong thông điệp Liên bang đầu tiên của ông Trump như: Vấn đề di trú, xây tường biên giới, các mối đe dọa với nước Mỹ và đặc biệt là việc Trump “khoe thành tích”. Thông điệp lần này của Trump đều chứa các nội dung mà truyền thông dự đoán trước đó.

Cùng chủ đề trên, VOA có bài: Sau một năm biến động, TT Trump kêu gọi sự hợp tác và thống nhất. Bài viết cho hay, trong diễn văn Tình trạng Liên bang, ông Trump kêu gọi sự hợp tác của các nghị sĩ trong lưỡng đảng ở Quốc hội Mỹ, đặc biệt là trong vấn đề nhập cư. Quốc hội và người dân Mỹ đã trải qua một năm đầy biến động và chia rẽ dưới thời TT Trump.

VOA đặt ra câu hỏi: “Không rõ liệu ông Trump sẽ làm đúng như lời kêu gọi hòa hợp lưỡng đảng của mình hay không“. Trong quá khứ, ông Trump thường nói rồi quên. Các phát biểu của Trump thay đổi liên tục, không nhất quán. Điều này làm các nhà lập pháp phe Dân chủ tức giận, còn phe Cộng hòa thì bực mình. Rất có thể, Trump sẽ lại viết trên Twitter những dòng gây chia rẽ sâu sắc trong những ngày tới.

Thông điệp Liên bang của Trump được báo chí Mỹ quan tâm theo nhiều hướng khác nhau. Thông điệp mang tên “Xây dựng một nước Mỹ an toàn, mạnh mẽ và tự hào“, được Trump đọc sáng 31/1 (giờ Việt Nam) tại hội trường Hạ viện Mỹ. Báo chí đã có những phản ứng trái chiều về thông điệp của ông Trump. Tuy nhiên, người dân và báo chí Hoa Kỳ phần lớn đặt ra nhiều thắc mắc, nghi ngờ đối với chính sách của chính quyền ông Trump trong quá khứ cũng như tương lai sắp tới.


Tình hình Trung Đông
Trong Thông điệp Liên bang, ông Trump tuyên bố: Mỹ “sát cánh cùng người dân Iran” chống chính phủ Tehran. TT Trump nói “Nước Mỹ sẽ luôn sát cánh cùng người dân Iran trong cuộc chiến giành tự do“. Ngoài ủng hộ người dân Iran, Trump cũng đề nghị Quốc hội Hoa Kỳ “sửa đổi những ‘lỗ hổng’ căn bản trong bản thỏa thuận hạt nhân khủng khiếp của Iran“.

TTXVN đưa tin: Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục đẩy mạnh tấn công lực lượng người Kurd ở Syria. Thông tin cho biết, Ankara đang đẩy mạnh chiến dịch “Nhành ôliu” tấn công người Kurd ở Syria, với mức độ ngày càng tăng. Theo Tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria (SOHR), hiện có  ít nhất 67 dân thường cùng 85 tay súng YPG và 81 tay súng của lực lượng nổi dậy Syria đã thiệt mạng trong chiến dịch tấn công của Thổ. Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ cũng thiệt mạng 7 binh sĩ.


Bá quyền Bắc Kinh
Trang Infonet có bài: Thông điệp Liên bang Mỹ: Nga, Trung Quốc vẫn là “kỳ đà cản mũi”. Theo đó, ông Trump nói trong Thông điệp Liên bang: “Trên toàn thế giới, chúng ta đang phải đối mặt với các chế độ hiếu chiến, các nhóm khủng bố và các đối thủ như Trung Quốc và Nga đang thách thức các lợi ích của chúng ta, nền kinh tế và các giá trị của chúng ta“. Bắc Kinh chưa đưa ra phản ứng với phát biểu này của TT Trump.

Tham vọng bành trướng của Bắc Kinh tiếp tục được trang Soha phân tích: Đề phòng “quà” của Trung Quốc. Các hoạt động đầy tham vọng của Bắc Kinh gần đây đã làm cộng đồng quốc tế e dè, mới đây nhất là chuyện Trung Quốc xây trụ sở cho Liên minh Châu Phi, kèm theo “khuyến mại” máy nghe lén. Chính phủ Mỹ cũng đang có ý định xây dựng mạng 5G để chống lại việc Trung Quốc nghe lén, đánh cắp thông tin.

Cũng vấn đề Bắc Kinh gây hấn, VOA có bài: Trung Quốc hủy chuyến bay vì tranh cãi với Đài Loan. Theo bài viết, 2 hãng hàng không Trung Quốc là  Eastern Airlines và Xiamen Airlines, đã quyết định hủy 176 chuyến bay hai chiều đến Đài Loan trong dịp tết nguyên đán.

Thông tin trên được 2 hãng hàng không Trung Quốc đưa ra ngày 30/1, theo đó họ bắt buộc phải hủy các chuyến bay do Đài Loan không chấp thuận các đường bay mới, với lý do “quá gần” với Đài Loan. Những căng thẳng hai bên eo biển Đài Loan liên tục được đẩy lên cao, kể từ khi bà Thái Anh Văn người có tư tưởng đưa Đài Loan độc lập, lên cầm quyền ở quốc đảo này. Bắc Kinh  liên tục tập trận và gia tăng các hoạt động gây căng thẳng với Đài Loan, trong hơn một năm qua.


Tin bán đảo Triều Tiên
TT Mỹ Trump cũng “bêu tên” Bắc Hàn trong diễn văn Tình trạng Liên bang đầu tiên của mình trước Quốc hội Hoa Kỳ. Về chủ đề này VOA có bài: Trump gọi lãnh đạo Triều Tiên là ‘đồi bại,’ cảnh báo về mối đe dọa phi đạn. Ông Trump đọc diễn văn này trong tình trạng căng thẳng Mỹ- Triều gia tăng vì những màn đấu khẩu của cặp Trump- Kim Jong-un, kể từ khi Trump bắt đầu nhiệm kỳ TT Mỹ.

TT Trump nói trước Quốc hội: “Chúng ta chỉ cần nhìn vào bản chất đồi bại của chế độ Triều Tiên để hiểu được bản chất của mối đe dọa hạt nhân mà họ có thể đề ra cho Mỹ và các đồng minh của chúng ta“. Ngoài ra, mối đe dọa từ chương trình tên lửa hạt nhân của Bắc Hàn cũng được ông Trump đề cập: “Việc Triều Tiên liều lĩnh theo đuổi phi đạn hạt nhân không lâu nữa có thể đe dọa tới quê hương của chúng ta“.

Trong khi đó, Triều Tiên lại dọa ‘đập tan’ Mỹ, nếu nước này tiếp tục can thiệp vào khu vực và đe dọa Bình Nhưỡng. Cảnh báo trên được nhật báo Rodong Sinmun của Đảng Lao động Triều Tiên đưa ra mới đây. Với tựa đề “Mỹ là tội đồ phá rối hòa bình trên bán đảo Triều Tiên“, bài viết của Rodong Sinmun cho rằng: “Mỹ là kẻ phá rối hòa bình vì liên tục gây thêm căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên thông qua khiêu khích quân sự và đe dọa chiến tranh”.


***










No comments:

Post a Comment