Friday, January 26, 2018

BẢN TIN TỐI 26/1/2018 (Báo Tiếng Dân)




Tin trong nước

Tin Biển Đông
Báo Tuổi Trẻ đưa tin: Mỹ đánh tín hiệu trở lại Biển Đông trong năm 2018. Bài viết nhắc lại “tín hiệu mạnh” mà Washington đã gửi đến Bắc Kinh ngay trước chuyến công du của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đến Indonesia và Việt Nam, là: “Ngày 20/1… Hải quân Mỹ triển khai tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Hopper đi vào phạm vi 12 hải lý xung quanh bãi cạn Scarborough do Trung Quốc chiếm đóng”.

Tác giả bình luận về sức mạnh được tăng cường “đáng kể để đối phó với Trung Quốc” của Lầu Năm Góc dưới thời Tổng thống Trump, rằng: “Khác với người tiền nhiệm Barack Obama, ông Trump cho phép Bộ chỉ huy Thái Bình Dương tiến hành các nhiệm vụ tuần tra tự do hàng hải ở Biển Đông mà không cần xin phép trước”.

Tàu sân bay USS Carl Vinson từng thực hiện hoạt động tự do hàng hải ở Biển Đông. Ảnh: Reuters/TT.

Báo Giáo Dục Việt Nam dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Pháp: “không phải cứ cắm cờ xuống Biển Đông là có chủ quyền”. Trả lời phỏng vấn hãng thông tấn Nikkei Asia Review, “Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parly ám chỉ các hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông”, qua lời phát biểu: “Chỉ vì các vị cắm là cờ quốc gia mình ở đâu đó, điều này không có nghĩa là các vị xác lập chủ quyền lãnh thổ cho mình”.

Bài báo cho biết thêm: “Việc xây dựng các tiền đồn quân sự trong khu vực này là một sự vi phạm luật pháp quốc tế. Tàu hải quân Pháp vẫn tự do đi lại trên Biển Đông trong năm qua để chứng minh quyền tự do hàng hải phải được tôn trọng đầy đủ”.

Báo Thanh Niên bàn về mối đe dọa tàu đổ bộ ở Biển Đông. Bài viết dẫn thông tin từ trang Navy.81.cn, là trang con của báo PLA Daily, cơ quan ngôn luận của quân đội Trung Quốc, rằng: “6 tàu đổ bộ, trong đó có 2 chiếc lớp Type 071 mang tên Tỉnh Cương Sơn và Côn Lôn Sơn, vừa tham gia cuộc tập trận trên Biển Đông hồi đầu tuần này”.

Chuyên gia quân sự Lý Kiệt đã “ngang nhiên” tuyên bố với trang Hoàn Cầu Thời báo, “cuộc tập trận gửi thông điệp tới các bên khác rằng Trung Quốc có khả năng bảo vệ cái gọi là chủ quyền và lợi ích ở Biển Đông”.

Tàu đệm khí rời tàu đổ bộ Type 071 trong một cuộc diễn tập. Ảnh: PLA/TN


Quan hệ Việt – Mỹ
RFI bàn về chuyện tàu sân bay Mỹ sẽ tới thăm Việt Nam: USS Carl Vinson, biểu tượng mới của quan hệ Mỹ-Việt. Bài viết nhận định: “Đây sẽ là một chuyến viếng thăm lịch sử vì cho tới nay chưa bao giờ có một hàng không mẫu hạm của Hoa Kỳ cập bến Việt Nam. Trước đây, trong thời gian chiến tranh Việt Nam, các hàng không mẫu hạm của Mỹ chỉ hoạt động ở ngoài khơi, chứ không ghé vào các cảng của Việt Nam”.

Tác giả dẫn lời bình luận của Reuters, rằng: “Trong bối cảnh căng thẳng gia tăng với Trung Quốc do vấn đề Biển Đông, đa số người dân Việt Nam ủng hộ việc Hà Nội thắt chặt quan hệ với Washington”.




Hồ sơ Formosa
Trang Thanh Niên Công Giáo chia sẻ các video clip về chuyện: “Người dân 4 thôn vùng Cồn gồm: Đông Thành-Tân Định-Minh Tiến-Cồn Nâm tiếp tục lên UBND xã Quảng Minh để đòi lại những gì đáng thuộc về mình. Đã gần 1 năm nhưng UBND xã Quảng Minh lại không giải quyết tiền đền bù thất nghiệp cho người dân chịu ảnh hưởng trực tiếp ô nhiểm do Formosa gây ra”.


Phần 2:

Phần 3:

Trang An Ninh Thủ Đô đưa tin: 5 bộ phải kiểm điểm do liên quan vi phạm tại PVN và sự cố môi trường Formosa Hà Tĩnh. Theo bài viết, UBKT Trung ương “đã xem xét kết quả giám sát việc kiểm điểm của Ban cán sự đảng các bộ: Bộ Công Thương, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng” về những sai phạm xảy ra tại Tập đoàn PVN “và sự cố môi trường biển xảy ra tại dự án Formosa Hà Tĩnh”.


Nhân quyền ở Việt Nam
Trang Tin Mừng Cho Người Nghèo đưa tin: Cưỡng chế tại TP Vinh Nghệ An. Tác giả cho biết: Sáng nay, “nhà cầm quyền Nghệ An đã điều động hàng trăm CSCĐ, dân phòng, an ninh với máy ủi và xe thùng cưỡng chế 41.382,2 m2 đất canh tác của 54 hộ gia đình thuộc xóm 3 xã Nghi Phú Tp Vinh, Nghệ An, Việt Nam”.

“Nghiệp vụ” của dân phòng, an ninh tỉnh Nghệ An: “5 người đã bị bắt và sự việc đang có nguy cơ dẫn tới bạo động vì lực lượng an ninh được huy động về cưỡng chế rất đông”.

Cuộc cưỡng chế đất sáng nay tại xã Nghi Phú, TP Vinh, Nghệ An. Ảnh: FB TMCNN

Chuyện chính trường Quảng Nam
Báo Người Lao Động đưa tin: Ủy ban Kiểm tra Trung ương: Vi phạm của ông Lê Phước Thanh rất nghiêm trọng. Theo bài viết, “trong các ngày 3, 24 và 25/1, Ủy ban Kiểm tra Trung ương (UBKTTƯ) đã họp kỳ 21 và kỳ 22, kết luận những vi phạm, khuyết điểm của ông Lê Phước Thanh… là rất nghiêm trọng, đề nghị Ban Bí thư xem xét thi hành kỷ luật đối với ông Lê Phước Thanh”.

Tác giả cho biết thêm: “Những vi phạm, khuyết điểm của ông Đinh Văn Thu… và ông Huỳnh Khánh Toàn… là nghiêm trọng, UBKTTƯ quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Thu và ông Toàn”.


Phiên xử vụ án tham nhũng ở PVP Land: Ngày thứ 3
Trong phiên xử sáng nay, LS của Trịnh Xuân Thanh yêu cầu thực nghiệm đưa 14 tỷ vào vali, theo VietNamNet. Về hành trình của “số tiền 14 tỷ đồng mà Trịnh Xuân Thanh bị cáo buộc đã tham ô”, LS Nguyễn Quốc Hùng cho rằng, lời khai của bị cáo Đinh Mạnh Thắng “rất mâu thuẫn so với các sự kiện xảy ra”. Trước đây, “Thắng khai tiền chuyển cho Trịnh Xuân Thanh để ở thùng giấy”. Gần đây, Thắng khai tiền từ thùng giấy “được Thắng để vào vali”.

Bài báo cho biết thêm: “LS đề nghị thực nghiệm điều tra tại tòa khi thời gian xét xử vẫn còn, điều kiện tiến hành thực nghiệm không quá phức tạp, có thể mượn tiền, vali, thùng giấy để tiến hành thực nghiệm ngay tại tòa”.

Đến phần bào chữa của LS Nguyễn Văn Quynh, chủ tọa “dọa” cho LS của Trịnh Xuân Thanh ra khỏi phòng xử, báo Dân Việt đưa tin. Trong lúc LS Quynh đọc bút lục về dòng tiền chi cho bị cáo Huỳnh Nguyễn Quốc Duy, “chủ tọa yêu cầu dừng, cho rằng không liên quan phạm vi xét xử”. Tuy nhiên, LS Quynh “phản ứng lại và cho rằng, bút lục liên quan đến lời khai của bị cáo Lê Hòa Bình là rất quan trọng trong vụ án này”.

Thêm tình tiết trong vụ án tham nhũng ở PVP Land: Cơ quan tố tụng bỏ lọt tội phạm vụ án Trịnh Xuân Thanh, theo báo Tuổi Trẻ. Bài viết dẫn lời các LS của Trịnh Xuân Thanh, lập luận rằng: “Phải 7 năm sau khi hành vi xảy ra TAND cấp cao tại Hà Nội mới khởi tố vụ án tham ô tài sản, vậy thì các cơ quan tiến hành tố tụng đã có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm”.

Đến phiên xử chiều nay, Trịnh Xuân Thanh phát biểu: Bị cáo coi thường tất cả chứng cứ, theo báo Pháp Luật TPHCM. Bài viết dẫn lời ông Thanh nói trong phần tự bào chữa bổ sung, rằng: “Bị cáo coi thường tất cả những gì gọi là chứng cứ của vụ án, chỉ là suy diễn và suy luận. Người ta đưa tiền cho bị cáo, bị cáo đã trả lại nhưng lại bị quy kết là tham ô”.

Trịnh Xuân Thanh nói thêm về “nỗi oan” của bản thân: “Bị cáo cảm thấy mình bị quy chụp tội danh. Tiền thì người ta ném vào xe mình nhưng mình bị đề xuất hình phạt chung thân. Bị cáo giàu đầu óc đến đâu cũng không tưởng tượng ra mình bị đại diện VKS tiếp tục luận tội vào án chung thân”.


Vụ án Phạm Công Danh, Trầm Bê
Trong phiên xử buổi sáng, LS đề nghị HĐXX xem xét hình phạt cho các bị cáo. Theo đó, các LS bào chữa cho bị cáo Nguyễn Quốc Thịnh, bị cáo Nguyễn Vũ Bảo, bị cáo Nguyễn Ngọc Sơn, bị cáo Hoàng Long Hà trình bày lý do để HĐXX xem xét tình tiết giảm nhẹ cho những người này, điển hình là yếu tố “thành khẩn khai báo”.

Báo Dân Việt đưa tin: Vụ Phạm Công Danh: CB đòi 3 ngân hàng trả 6.126 tỷ nhưng bị từ chối. Đại diện VKS và Ngân hàng CB “đề nghị thu hồi số tiền thiệt hại 6.126 tỷ đồng. Tuy nhiên, đại diện các ngân hàng cho rằng, việc đề nghị thu hồi này là không có căn cứ và từ chối thẳng”.

Theo quan điểm phản biện của đại diện TPBank, chuyện đề nghị “thu hồi tiền của VNCB là vô lý. Các ngân hàng không thể đi tìm hiểu nguồn tiền gửi có từ đâu và việc cấn trừ, như đã trình bày là hợp lý. Do đó, đại diện TPBank đề nghị với HĐXX không yêu cầu thu hồi 1.740 tỷ của VNCB từng gửi tại TPBank vì đó là khoản giao dịch hợp pháp”.


Chuyện mờ ám ở cảng Quy Nhơn
Chuyện lạ ở cảng “chiến lược” được tư nhân hóa: Cảng Quy Nhơn “cấm cửa” báo chí tác nghiệp, theo báo Người Lao Động. Bài viết dẫn nguồn tin từ Công ty CP Cảng Quy Nhơn cho biết: Hôm nay, “lãnh đạo các phòng, ban, đội… của QNP đã yêu cầu cán bộ, công nhân viên (CB-CNV) của đơn vị không được tiếp xúc với các cơ quan báo chí”.

Tác giả lưu ý “một diễn biến khác”: Sau khi Bí thư Bình Định kiến nghị Thủ tướng “đòi” lại cảng Quy Nhơn cho Nhà nước, PV các báo “đã đến TP Quy Nhơn để tìm hiểu hoạt động sản xuất, kinh doanh của QNP. Tuy nhiên, khi các phóng viên đến khu vực cảng Quy Nhơn để tác nghiệp thì bị lực lượng bảo vệ ngăn cản, ‘mời’ ra khỏi cổng với lý do ‘vô phận sự cấm vào’.”

Báo Người Lao Động đặt câu hỏi: Mua cảng Quy Nhơn rồi “rút ruột”? Bài viết dẫn lời một công nhân làm việc trong đội xếp dỡ QNP, rằng: “Khi QNP còn thuộc nhà nước, thu nhập của chúng tôi từ 12-15 triệu đồng/tháng, tùy tăng ca nhiều hay ít. Thế nhưng, từ khi cảng thuộc về tư nhân, thu nhập anh em giảm khoảng 30%, chỉ còn 8-10 triệu đồng/tháng”.

Bài báo cho biết thêm: Trong khi Công ty Hợp Thành “không đầu tư, nâng cấp hạ tầng như cam kết trước khi mua lại phần vốn nhà nước”, thì “QNP lại tỏ ra ‘thoáng’ với đối tác của ‘ông chủ’. Cụ thể, năm 2017, QNP đã chi 100 tỉ đồng, tương đương 1/4 số vốn điều lệ để đầu tư vào Công ty CP Việt Xuân Mới – đối tác của Công ty Hợp Thành trong thương vụ thâu tóm cảng Vinalines Đình Vũ”.

Báo Công An TPHCM có bài: Cảng Quy Nhơn cổ phần hóa bán cho tư nhân với giá rẻ “bèo”: Ai chịu trách nhiệm? Bài viết tóm tắt “quy trình” tư nhân hóa cảng Quy Nhơn: Đến tháng 9/2015, “sau 3 lần Vinalines chuyển nhượng, Công ty Hợp Thành nắm giữ 86,23% cổ phần (440 tỷ đồng) tại cảng Quy Nhơn. Điều này trái với quyết định số 276/QĐ-TTg của Phó thủ tướng và quyết định số 37/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng”.

Ông Tô Tử Thanh, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định nhiệm kỳ 1996 – 2001, chia sẻ: “Giữa năm 2016, tôi phát hiện ra việc cổ phần hóa cảng Quy Nhơn có dấu hiệu làm thất thoái tài sản Nhà nước. Về tài sản, cảng trị giá hàng nghìn tỷ đồng, nhưng được cổ phần với giá rất “bèo”. Đó là chưa kể đến thương hiệu cảng có lịch sử lâu đời, nằm tại vị trí chiến lược về an ninh quốc phòng”.


Kinh tế Việt Nam
Facebooker Thanh Toàn cho rằng Việt Nam bên bờ vực nền kinh tế suy thoái. Tác giả điểm mặt một số nguy cơ lớn nhất của nền kinh tế: “Nợ công gia tăng, hàng hóa lạm phát phi mã, đồng tiền mất giá… đang là mối đe dọa lên nền kinh tế của Việt Nam hiện nay. Theo ngân hàng thế giới (world bank) nợ công VN hiện nay là 110 tỷ usd, con số này không bao gồm các khoản nợ của các doanh nghiệp quốc doanh nhà nước”.

Tác giả lưu ý: “Năm 2018 VN sẽ không còn nhận được nguồn viện trợ của ODA nữa ( nguồn hộ trợ vay lãi suất thấp, nguồn tín dụng ưu đãi của thế giới dành cho nước nghèo và kém phát triển). Cán cân nợ công VN không ngừng gia tăng ,trong khi đó nguồn thu ngoại tệ không đủ chi để trả nợ”.

Blogger Phương Thơ viết: Trong hồ sơ bài báo không có một chút hiểu biết gì về tỷ giá cố định đồng tiền VND neo vào đồng USD, để phản biện bài “Chính sách đô la Mỹ yếu sẽ tác động thế nào đến Việt Nam?”. Sự thật về “chính sách duy trì ổn định tỷ giá tiền Đồng” của Việt Nam là:

“Đối với VN thì quốc gia này thực chất không có giữ tỷ giá nào cả, mà quyết định giữ neo tỷ giá nó do cái NHNN VN này quyết định thông qua Bộ Chính trị. Đồng bạc VND tăng giá hay giảm giá nó tùy thuộc vào sự dự trữ ngoại hối của họ”.

Tác giả cho biết thêm: “Thí dụ trước đây đồng USD sụt giá kỷ lục trong năm 2008 thì tỷ giá đồng bạc VND cũng giảm giá, và khi đồng USD tăng giá mạnh thì đồng bạc VND còn sụt giá mạnh hơn, thậm chí là phá gia tới 4,5% trong mấy hôm vào tháng 8/2015”.


Đất nước thời “tận thu”
ANTV bình luận: Đề xuất thuế thu nhập cá nhân mới có nhiều điểm chưa hợp lý. Bài viết dẫn các thông tin, bình luận từ báo chí trong nước và dư luận mạng xã hội về những bất cập trong cách tính thuế thu nhập cá nhân mới, rằng chuyện thay đổi biểu thuế lần này “sẽ có lợi cho người giàu, trong khi những cá nhân có thu nhập thấp không có lợi”.

Thêm sự vô lý về luật thuế thu nhập cá nhân ở Việt Nam, là: “Có rất nhiều nguồn thu như thu nợ đọng thuế, thu trốn thuế… nhưng ngành thuế lại đang không nghĩ cách để thu. Khoản thu này lớn hơn rất nhiều các khoản thu từ thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng VAT”. Có phải “ngành thuế chọn cách thu dễ cho mình, còn cái khó thì đẩy cho người dân?”

TS Chu Mộng Long bàn về thủ tục làm người tử tế. Tác giả kể chuyện “làm đủ 7 thủ tục hành chính” để đóng thuế 15.000 đồng từ thu nhập của một bài viết 300.000 đồng. “Riêng đi lại làm thủ tục, tính tiền xăng xe, photo giấy tờ và tiền công, có lẽ đã ngốn hơn 300 ngàn tiền lao động bằng mồ hôi nước mắt của em rồi đấy”.


“Cải cách” Giáo dục Việt Nam
Báo Giáo Dục Việt Nam có bài: Xin mời thầy Nguyễn Minh Thuyết, thầy Mai Sỹ Tuấn dạy thị phạm 2 môn tích hợp. Bài báo cho biết: Bộ GD-ĐT công bố “thời gian dự kiến thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới bắt đầu từ năm học 2019 – 2020 ở lớp 1; 2020 – 2021 ở lớp 2 và 6; 2021 – 2022 ở lớp 3,7,10,…Trong đó có 2 môn ‘tích hợp’ là Khoa học tự nhiên,  Lịch sử và Địa lý ở cấp trung học cơ sở”.

Tác giả đề nghị các “chuyên gia” đang thực hiện chương trình “cải cách” SGK tự tay giảng dạy những gì họ đang “biên soạn” ở các trường THCS. “Nếu được nghe và thấy các thầy giảng dạy các tiết trên có hiệu quả thì không có lý do gì để chúng tôi phản đối. Nếu các thầy chỉ nói lý thuyết suông mà bắt chúng tôi phải theo thì đúng là trái lẽ thường, chúng tôi không tin”.

Cô giáo Phan Tuyết viết: Xin đừng quản lý giáo viên như học sinh tiểu học. Tác giả nêu áp lực mà giáo viên tiểu học đang phải chịu đựng, rằng: “Cả tuần đi dạy, thứ Bảy lo hội họp, tối về còn biết bao việc nhà. Vậy nên giáo viên sẽ nghiên cứu và soạn bài vào lúc nào?”

Báo Dân Trí đặt câu hỏi: Tích hợp môn Khoa học Tự nhiên: Giáo viên có kịp thay đổi? Bài viết dẫn lời PGS.TS Mai Sỹ Tuấn bàn về lý do tích hợp các môn Lý – Hóa – Sinh thành môn Khoa học tự nhiên: “Nội dung kiến thức của vật lý, hóa học, sinh học liên kết với nhau thông qua các nguyên lý và khái niệm chung của tự nhiên. Bên cạnh đó chương trình tích hợp còn thuận lợi trong việc thiết kế một số chủ đề tích hợp như chủ đề về biến đổi khí hậu, sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên”.

Ông Tuấn cho rằng chương trình “cải cách” giáo dục lần này sẽ “giảm tải” lượng kiến thức cho học sinh, vì “môn Khoa học tự nhiên có thay đổi làm cho chương trình nhẹ hơn và hấp dẫn hơn đối với người học do môn KHTN không đi sâu mô tả các đối tượng mà đi thẳng vào chức năng và ý nghĩa ứng dụng thực tiễn của chúng, làm cho nội dung có ý nghĩa thực tiễn và gần gũi với cuộc sống hơn”.


Tài xế vs BOT
Trang Thanh Niên Công Giáo bàn về cuộc chiến giữa tài xế và BOT. Bài viết nhận định: “Trong thời gian vừa qua, tình trạng ùn tắc giao thông tại BOT Cần Thơ – Phụng Hiệp trở nên nghiêm trọng hơn bao giờ hết. Các lái xe ở đây đã dùng nhiều biện pháp như dùng tiền lẻ, không trả tiền phí qua trạm,… Mục đích của những việc làm này của các lái xe cũng chỉ để phản đối việc BOT này thu phí quá cao”.

Tài xế Huỳnh Văn Năm nói: “Nhà tôi chỉ cách trạm thu phí này khoảng 700m, mỗi lượt đi tôi phải mua vé mất 30.000 đồng. Tôi đi có 700m thì phải bán vé với đúng mức tiền 700m, cớ sao lại bắt tôi mua mức vé là 30.000 đồng với chiều dài đường đi là 22km”.

Báo Dân Việt đặt câu hỏi: Tại sao Quảng Ninh vẫn quyết lựa chọn BOT trong thời điểm “nóng”? Bài viết dẫn lời ông Bùi Hồng Minh, Phó Giám đốc Sở GTVT Quảng Ninh giải thích: “Kêu gọi đầu tư theo hình thức BOT và BT, Quảng Ninh sẽ không phải sử dụng ngân sách vào đầu tư hạ tầng giao thông, cũng như thực hiện công tác duy tu, bảo dưỡng cho các dự án giao thông theo hợp đồng”.


***

Tin quốc tế

Trump và vấn đề nhập cư
VOA đưa tin: TT Trump: Tường biên giới 25 tỉ, quy chế công dân cho Dreamers. Theo bài viết, tuần tới TT Trump sẽ đưa ra luật di trú mới, trong đó ông ta đề xuất, Quốc hội phải cấp 25 tỷ USD để xây tường biên giới. Đổi lại, Trump sẽ xem xét cấp quy chế công dân cho những người thuộc diện DACA, tức những người tới Mỹ không có giấy tờ khi còn nhỏ.

Ông Trump nói với báo chí: “Xin các bạn nói với họ (dreamers) chớ có lo lắng. Chúng ta sẽ giải quyết vấn đề. Điều này tùy thuộc vào phe Dân Chủ, nhưng các dreamers không nên lo lắng“. Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hoà, Lindsey Graham cho rằng: “những phát biểu vừa kể của ông Trump là một bước đột phá quan trọng“.

Ông Trump nói với báo chí: “Xin các bạn nói với họ (dreamers) chớ có lo lắng. Chúng ta sẽ giải quyết vấn đề. Điều này tùy thuộc vào phe Dân Chủ, nhưng các dreamers không nên lo lắng“. Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hoà, Lindsey Graham cho rằng, “những phát biểu vừa kể của ông Trump là một bước đột phá quan trọng“.

Phát biểu hạ cấp của TT Trump về Haiti và châu Phi tiếp tục bị phản đối. Trang Soha đưa tin: Châu Phi không thể “yên lặng” trước bình luận của ông Donald Trump. Chủ tịch Ủy ban Liên minh châu Phi Moussa Faki Mahmat, ngày 25/1, cho biết, châu lục này đang thực sự bị sốc vì thông điệp thù hận và phân biệt chủng tộc của TT Mỹ Donald Trump.

Tại phiên họp với các ngoại trưởng châu Phi để chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Phi (AU), ông Mahmat nói, châu Phi đang cố “tiêu hóa” phát biểu của Trump, khi TT Mỹ gọi các quốc gia này là “hố phân“. Nhiều người châu Phi vẫn đang rất giận dữ về nhận xét kỳ thị mà Trump dành cho quốc gia họ.


Nghi án Nga can thiệp bầu cử Mỹ
VOA dẫn nguồn tin từ báo The New York Times, cho biết: Trump từng ra lệnh sa thải Mueller, nhưng thôi sau khi luật sư dọa từ chức. Tin cho biết, hồi tháng 6/2017, ông Trump đã ra lệnh sa thải Công tố viên đặc biệt Robert Muller, là người đang được chỉ định điều tra nghi án Trump thông đồng với Nga trong cuộc bầu cử 2016.

Lệnh sa thải này sau đó đã bị luật sư Nhà Trắng là Donald McGahn phản đối. Ông McGahn dọa sẽ từ chức nếu Trump bắt ông thực hiện lệnh này. Về nghi án Nga can thiệp bầu cử Mỹ, ông Muller đang điều tra liệu TT Trump có cản trở công lý hay không khi sa thải giám đốc FBI James Comey.


Mỹ và TPP
VOA có bài: Mỹ có thể trở lại TPP nếu có lợi. Năm ngoái ông Trump đã tuyên bố rút Mỹ khỏi TPP, ngay khi ông lên làm tổng thống, nhưng mới đây, phát biểu với báo chí tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos, Thụy Sĩ, ông Trump nói: “Tôi sẽ chấp nhận TPP nếu chúng ta có thể đạt một thỏa thuận tốt hơn“.

Ông Trump chưa nói cụ thể những “thỏa thuận tốt hơn” là gì, tuy nhiên ông vẫn để ngỏ khả năng Mỹ sẽ trở lại với hiệp định kinh tế quan trọng này. Ông nói: “Thỏa thuận trước đây thật kinh khủng; kết cấu thật kinh khủng. Nếu thật sự có một thỏa thuận khá hơn, tôi sẽ mở ngỏ khả năng vào TPP“.


Căng thẳng Trung Đông
Quanh xung đột tại Afrin, mới đây có tin: Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ thảo luận về khả năng lập vùng an toàn tại Syria. Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ, Trung tướng Kenneth McKenzie cho biết: Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ đang thảo luận về việc thiết lập “vùng an toàn” dọc biên giới Syria. Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson nói với ôngMevlut Cavusoglu, là người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ, rằng Washington ủng hộ thiết lập một “vùng an toàn” lên tới 30km bên trong lãnh thổ Syria.

Trong khi đó, Nga cáo buộc Mỹ thực hiện chiến lược mới nhằm chia nhỏ Syria. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga, Maria Zakharova tuyên bố ngày 25/1: “… việc thành lập các đội bảo vệ biên giới nào đó dưới sự bảo trợ của Mỹ tại miền Bắc Syria, nơi có đa số người Kurd sinh sống, chiến lược mới của Mỹ đối với Syria không là gì khác ngoài chính sách nhằm chia nhỏ quốc gia Trung Đông này“.

Nga luôn lên tiếng phản đối Mỹ “can thiệp” ở Syria. Moscow cho rằng, “không thể biến Syria thành vũ đài đối đầu của các lực lượng bên ngoài, đang theo đuổi những lợi ích riêng của mình. Chỉ có người dân Syria mới quyết định được tương lai của đất nước mình“. Thế nhưng chính Nga là nước can thiệp nhiều nhất vào Syria hiện nay.

TTXVN đưa tin: Palestine phản đối đưa vấn đề Jerusalem ra khỏi bàn đàm phán. Tại cuộc gặp Thủ tướng Israel, Benjamin Netanyahu, bên lề Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos, TT Trump cho biết, “Mỹ đã đưa vấn đề Jerusalem ra khỏi bàn đàm phán“. Ngay lập tức TT Palestine Mahmoud Abbas đưa ra lời chỉ trích về phát biểu của ông Trump.

Trưởng đoàn đàm phán Palestine Saeb Erekat khẳng định: “Mỹ đang đứng ngoài sự đồng thuận quốc tế“. Ông Erekat cho rằng, Jerusalem không thể đưa ra ngoài các cuộc đàm phán, không thể có hòa bình nếu bỏ vấn đề Jerusalem, vì thánh địa này “luôn có trong tim  mỗi người dân Palestine, người Arab, Cơ đốc giáo và Hồi giáo“.


Bán đảo Triều Tiên
Bộ Quốc phòng Hàn Quốc ngày 26/1 cho biết: Hàn Quốc và Mỹ sẽ nối lại các cuộc tập trận chung sau Olympic. Trước đó, Mỹ và Nam Hàn đã thống nhất hoãn các cuộc tập trận chung, cho đến khi Thế vận hội PyeongChang kết thúc. Quy mô và thời gian cuộc tập trận lần này chưa được công bố cụ thể.

Báo Tiền Phong có bài viết: Nga là điểm trung chuyển than từ Triều Tiên sang Hàn Quốc và Nhật Bản? Theo đó, nhiều nguồn tin tình báo của châu Âu cho rằng: Triều Tiên đã vận chuyển than tới Nga trong năm 2017 và sau đó số hàng này được chuyển tiếp cho Nam Hàn và Nhật Bản. Đã có ít nhất 3 lần, Bắc Hàn vận chuyển than đến các cảng Nakhodka và Kholmsk của Nga.

Bắc Hàn đã bị LHQ cấm xuất khẩu than từ ngày 5/8/2017. Việc nước này xuất than sang Nga là vi phạm các lệnh trừng phạt. Bộ Ngoại giao Nga vẫn chưa lên tiếng về việc này. Trước đó, Mỹ đã lên tiếng tố cáo Nga, khi nước này bất chấp lệnh cấm vận để làm ăn với Bắc Hàn.


Bá quyền Trung Quốc
TTXVN đưa tin: Sách Trắng Trung Quốc cam kết khai thác hòa bình Bắc Cực. “Chính sách Bắc Cực của Trung Quốc” là tên Sách Trắng mới công bố của Trung Quốc. Trong Sách Trắng có đoạn: “Hòa bình và ổn định ở Bắc Cực là sự đảm bảo quan trọng cho tất cả các hoạt động tại khu vực này, đồng thời phục vụ những lợi ích cơ bản của tất cả các quốc gia, trong đó có Trung Quốc“.

Trung Quốc đang bị cộng đồng quốc tế nhìn với ánh mắt “nghi ngờ”, qua các chính sách và hành động tham lam của nước này tại Bắc Cực. Những tuyên bố về “hòa bình, ổn định” mà Bắc Kinh nói đến không biết thực hư ra sao, đặc biệt trong bối cảnh, Trung Quốc bành trướng và gây hấn khắp nơi trên thế giới.

Hãng thông tấn Nga, Ferghana News cho biết: Trung Quốc sẽ xây căn cứ quân sự ở miền bắc Afghanistan. Đáp lại, TQ đã bác bỏ tin xây căn cứ quân sự ở Afghanistan. Tại cuộc họp báo thường kỳ, người phát ngôn của Bộ Quốc phòng Trung Quốc, ông Ngô Khiêm nói: “Cái gọi là vấn đề Trung Quốc xây căn cứ quân sự ở Afghanistan là tin hoàn toàn vô căn cứ“.

RFA đưa tin: Trung Quốc nói được Mỹ mời tập trận hải quân. Cũng ông Ngô Khiêm, cho biết: Bắc Kinh được Washington mời tham gia cuộc tập trận có tên, Vành đai Thái Bình Dương, RIMPAC. Cuộc tập trận này sẽ diễn ra vào tháng 6 và tháng 7, tại quần đảo Hawaii của Mỹ. Cuộc tập trận RIMPAC có Trung Quốc tham dự. Hiện Bắc Kinh chưa đưa ra quyết định về cuộc tập trận lần này.


***








No comments:

Post a Comment