Wednesday, January 24, 2018

BẢN TIN TỐI 24/1/2018 (Báo Tiếng Dân)




Tin trong nước

Tin Biển Đông
TS Trần Công Trục bàn về mũi tiến công chủ lực của Trung Quốc trong cuộc chiến pháp lý ở Biển Đông. Bài viết nhắc lại lời TS Jay L. Batongbacal bình luận về lộ trình quân sự hóa Biển Đông của Bắc Kinh: “Nếu các căn cứ quân sự hiện diện ở đó và vũ khí được bố trí, Trung Quốc đã hoàn thành kế hoạch của họ để thống trị vĩnh viễn Biển Đông. Bởi vì một khi họ làm được điều đó, nó sẽ không bao giờ bị đảo ngược”

Đá Chữ Thập nằm trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam, hiện cấu trúc này bị Trung Quốc chiếm đóng bất hợp pháp, bồi đắp và quân sự hóa thành pháo đài quân sự. Ảnh: Straits Times/GDVN

TS Trục giải thích cách Trung Quốc cố tình áp dụng sai quy định trong Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 để thực hiện mưu đồ bá quyền ở Biển Đông, rằng: “Trung Quốc đã cố tình lấy quy định về hệ thống đường cơ sở của các quốc gia quần đảo để áp dụng cho các quần đảo xa bờ không phải là quốc gia quần đảo”. Theo đó, Trung Quốc khẳng định “chủ quyền” ở vùng biển và thềm lục địa gần nhóm đảo mà họ gọi là “Tứ Sa”, trong đó có Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.


RFI đưa tin: Biển Đông : Mỹ hậu thuẫn Indonesia đối đầu với Trung Quốc.  Bài viết nhắc lại sự kiện: “tháng 7 năm ngoái, Jakarta đặt tên vùng đặc quyền kinh tế phía bắc quần đảo Natuna là Biển Bắc Natuna (trong khi trước đây vùng này được xem là thuộc Biển Đông)” và bình luận: “Đây rõ ràng là một hành động thách thức tham vọng độc chiếm Biển Đông của Bắc Kinh”.

Trong cuộc họp báo ngày 23/1/2018, bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ James Mattis nói với với đồng nhiệm Indonesia Ryamizard Ryacudu rằng: “Washington sẵn sàng công nhận tên mới mà Jakarta đặt cho vùng biển chung quanh quần đảo Natuna”.

Báo Người Lao Động đưa tin: Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis tới Hà Nội. Trong bài có đoạn: “Giới quan sát nhận định Việt Nam là một đối tác ngày càng quan trọng của Mỹ trong khu vực. Dự kiến, ở Việt Nam,  ông Mattis sẽ bàn bạc vấn đề tự do đi lại ở Biển Đông, cùng những vấn đề mà hai bên cùng quan tâm”.


Nhân quyền ở Việt Nam
Facebooker Phu Cuong Nguyen viết“Có người hỏi tại sao từ một người nông dân hiền lành chất phát chú Thả lại phải chịu một bản án tù nặng nề như vậy? Chú đi tù vì ai vì chính chúng ta và con cháu chúng ta những thế hệ đang bị cai trị như những người nô lệ trên quê hương mình, những người mang dòng máu Việt”.

Đã đến lúc quan chức CSVN sợ hãi trước cả một ông nông dân ý thức được quyền tự do tôn giáo: “Chúng gán cho chú tội tuyên truyền chống phá đảng vậy hóa ra đất nước này của đảng chứ đâu phải của nhân dân? Mặc khác đảng lại tận dụng cái gọi là ban tuyên giáo để chống phá, lừa gạt cả nhân dân và dân tộc này trong cả thế kỷ dài vậy kẻ nào là người chống phá đất nước này”.

Facebooker Janet Tran đặt câu hỏi: Vì đâu dân ta lên nỗi?Trong bài có đoạn: “Có thể nói, gia đình chú thực sự bi thương. Trong thời gian chú, con chú và hai người cháu bị tạm giam, đó cũng là thời gian mẹ chú mất. Một gia đình có tiếng nói bất đồng chính kiến với nhà nước rất mạnh mẽ ở An Giang này, nay chính quyền xét xử chú với mức án 12 năm tù vì tội ‘tuyên truyền chống phá nhà nước’!”

Facebooker Phan Vân Bách đưa tin khẩn“Sáng nay thứ 4 ngày 24/01/2018, tại thôn Sơn Dương xã Tam Sơn thị xã Từ Sơn có cuộc cưỡng chế đất. Nhà báo độc lập Đỗ Công Đương đến hiện trường tác nghiệp thì bị lực lượng CA thị xã Từ Sơn bắt giữ trái pháp luật”.

Video clip của Facebooker Phan Vân Bách về cảnh cưỡng chế đất:


Facebooker Lê Văn Sơn đưa tin“Kính mong mọi người theo dõi và cầu nguyện cho Cha JB Nguyễn Đình Thục được bình an trong tay Chúa. Hôm nay, 24.1.2018, cha Thục quyết định đi làm việc với công an để đòi quyền được làm chứng trước tòa bảo vệ anh Hoàng Bình và Nam Phong”.

Linh mục Nguyễn Đình Thục chia sẻ“Nhiều người khuyên tôi không đi, vì có đi cũng không được tham dự phiên toà. Nhưng dù chỉ 1% tôi vẫn thử, để được góp tiếng nói minh oan cho con cái của tôi. Và để được nhìn thấy họ sau một thời gian dài vắng mặt”.

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền bình luận: Việt Nam: Đàn áp các nhà hoạt động nhân quyền. Ông Brad Adams, Giám đốc Ban Á châu của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền bàn về vụ án Hoàng Đức Bình – Nguyễn Nam Phong: “Đây là một nghịch cảnh vừa hài vừa bi, ở chỗ chính quyền Việt Nam cáo buộc một nhà bảo vệ nhân quyền với tội danh lợi dụng quyền tự do dân chủ, trong khi sự thực là người dân Việt Nam chẳng hề có tự do, dân chủ hay nhân quyền”.

Chuyện chính trường Thanh Hóa
Báo Người Lao Động đưa tin: HĐND họp bất thường bãi nhiệm ông Ngô Văn Tuấn, báo chí không được dự. Gần một tuần sau khi ông Ngô Văn Tuấn mất chức phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, “HĐND tỉnh Thanh Hóa tổ chức kỳ họp bất thường xử lý bãi nhiệm chức danh đại biểu HĐND tỉnh Thanh Hóa nhiệm kỳ 2016-2021 đối với ông Ngô Văn Tuấn. Tuy nhiên, ngoài 95 đại biểu được mời, HĐND tỉnh Thanh Hóa không cho bất cứ phóng viên báo chí nào được vào dự”.

Bài viết: Ông Ngô Văn Tuấn bị bãi nhiệm đại biểu HĐND tỉnh Thanh Hóa trên báo VnExpress cho biết thêm: ông Ngô Văn Tuấn có tên trong danh sách được triệu tập đến cuộc họp, “song vắng mặt không lý do. Sau 40 phút, đến gần 9h kỳ họp kết thúc. Ông Trịnh Văn Chiến, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh và một số cán bộ có chức năng phát ngôn, đã từ chối trả lời về kết quả kỳ họp”.

Ông Ngô Văn Tuấn có tên trong danh sách đại biểu song vắng mặt không rõ lý do. Ảnh: VNE.


Vụ án Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm ở PVP Land
Trong phiên xử sáng nay, người đưa tiền cho Trịnh Xuân Thanh thay đổi lời khai, theo báo Thanh Niên. Về cuộc gặp giữa Trịnh Xuân Thanh và một số người liên quan về chuyện bán cổ phần PVP Land, bị cáo Đinh Mạnh Thắng “cho rằng mình chỉ là người sắp xếp cuộc gặp gỡ, nhưng việc mua bán hay thỏa thuận chênh lệch giá như thế nào thì không được biết. Tuy nhiên, bị cáo này thừa nhận có nhận được một khoản tiền cảm ơn”.

Bài báo cho biết thêm: “Tại phiên tòa sáng nay, các luật sư đề nghị HĐXX cách ly các bị cáo, bởi các lời khai này ảnh hưởng đến các bị cáo khác. Mặt khác, các bị cáo đã có sự thay đổi về lời khai tại tòa, nếu không cách ly sẽ không đảm bảo tính khách quan của vụ án”.

Báo Dân Việt bàn về điều bất ngờ xảy ra tại phiên xử Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm. “Điều bất ngờ” đó là “trường hợp bị cáo Lê Hòa Bình, vì lý do sức khỏe nên có đơn xin xét xử vắng mặt”. Đại diện VKS cho biết: “lời khai của bị cáo Lê Hòa Bình đã có trong hồ sơ vụ án, nếu có vấn đề gì cần làm rõ thì sẽ triệu tập bị cáo này tới tòa. Trong phiên tòa này còn vắng 2 điều tra viên… và một số người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan”.

Báo Pháp Luật TP HCM đưa tin: LS của Trịnh Xuân Thanh đề nghị tòa không xử quá muộn. Bài viết dẫn lời LS Lê Văn Thiệp, người bào chữa cho bị cáo Trịnh Xuân Thanh, đề nghị “kết thúc phiên xử theo giờ đúng quy định, không kéo dài như phiên tòa trước (xét xử ông Đinh La Thăng và các đồng phạm – PV), tránh ảnh hưởng đến sức khỏe của các LS”.

Thông Tấn Xã Việt Nam có đồ họa về phiên tòa xét xử vụ án tham ô tài sản tại PVP Land.

Đến phiên xử chiều nay, bị cáo Trịnh Xuân Thanh nói: ‘Án chung thân rồi còn gì đâu mà phải nói dối’, báo Thanh Niên đưa tin. Lúc HĐXX lưu ý một số mâu thuẫn trong lời khai của các bị cáo, ông Trịnh Xuân Thanh thể hiện sự bất bình: “Bị cáo chỉ gặp Hương duy nhất một lần và như thế thì không ai người ta đi thỏa thuận đòi hỏi những khoản tiền lớn. Ai khai như vậy là vô lý. Ở vụ án trước, bị cáo đã nhận án chung thân rồi, còn gì nữa đầu mà phải nói dối”.

Báo Tiền Phong đưa tin: Trịnh Xuân Thanh và em trai ông Thăng tranh cãi vali 14 tỷ đồng. Trong lúc đối chất, “bị cáo Đinh Mạnh Thắng cho rằng Trịnh Xuân Thanh nhớ nhầm. Theo ông Thắng, số tiền 14 tỷ đồng nói trên được chuyển vào ngày 7/4/2010 khi Cty Minh Ngân giải ngân. Sau đó, khi vụ án lừa đảo tại Cty 1/5 bị khởi tố, Thái Kiều Hương đề nghị trả lại, các ông Thắng và Thanh mới trả”.


Vụ án Đinh La Thăng và các đồng phạm ở Oceanbank
Trang An Ninh Tiền Tệ đưa tin: Ông Đinh La Thăng tiếp tục hầu tòa với một cáo buộc khác. Bài báo cho biết: “ông Đinh La Thăng sẽ còn phải ra hầu tòa trong một vụ án khác cũng về tội Cố ý làm trái… Cụ thể, theo truy tố của VKSND Tối cao, ông Đinh La Thăng, Chủ tịch HĐQT PVN đã có hành vi ký thỏa thuận 6934 ngày 18/9/2008 tham gia góp vốn với Hà Văn Thắm, Chủ tịch HĐQT Oceanbank nhưng không thông qua HĐQT”.

Sai phạm của ông Đinh La Thăng trong vụ góp vốn ở Oceanbank: “tuy biết rõ hiện trạng của Oceanbank là yếu kém, biết rõ yêu cầu của bộ Tài chính nhưng ông Thăng vẫn quyết định góp vốn 800 tỷ đồng vào Oceanbank… Hậu quả là toàn bộ số tiền 800 tỷ đồng của PVN bị mất hoàn toàn khi Oceanbank kinh doanh thua lỗ, mất vốn chủ sở hữu và Ngân hàng Nhà nước phải mua lại Oceanbank”.


Vụ án Phạm Công Danh, Trầm Bê
Trong phiên xử sáng nay, các giám đốc “bù nhìn” khóc nức nở, theo báo Công An TP HCM. Tác giả ghi nhận: “Một trong 19 giám đốc “bù nhìn”, bị cáo Hồ Thị Đi đã bật khóc nức nở tại tòa khi tự bào chữa bổ sung cho mình. Đi rất xấu hổ với gia đình và các con thơ khi bị bắt. Bị cáo cũng chỉ là người làm công, không ý thức được hành vi sai phạm”.

Báo Trí Thức Trẻ đưa tin: Phiên tòa chiều 24/1: Luật sư đề nghị HĐXX tuyên bị cáo Trầm Bê vô tội. Theo LS Trần Quốc Khánh, “nguyên nhân bị cáo Trầm Bê bị cáo buộc sai phạm là do Viện kiểm sát cho rằng bị cáo Trầm Bê là đồng phạm với bị cáo Phạm Công Danh”. LS Khánh lý giải rằng các bằng chứng cho thấy “bị cáo Bê không đồng phạm với bị cáo Danh”.

LS Nguyễn Thị Mai Hồng phân tích rằng bị cáo Trầm Bê không biết nội tình của VNCB. “Bị cáo Bê chỉ biết Phạm Công Danh cần tiền nhưng không vay được tiền của VNCB”. LS Mai lưu ý: “Các câu hỏi tại tòa như lời khai của bị cáo Phan Thành Mai hay Phạm Công Danh đều cho thấy bị cáo Trầm Bê không biết vấn đề đằng sau của VNCB”.


“Mình phải thế nào” thì người ta mới…
VOA bình luận: ‘Vây cá mập’ làm lộ tiêu cực ngoại giao. Theo bài viết, “một số người dân tại Việt Nam cho rằng câu trả lời của Đại sứ quán Việt Nam tại Chile về vụ “phơi vây cá mập” là thiếu thuyết phục, thậm chí mang tính “bao che”, “trí trá cho qua chuyện”, trong khi vụ bê bối đã làm lộ ra nhiều tiêu cực và gây hổ thẹn cho người Việt Nam”.

VOA dẫn lời bình của bà Bích Phượng, một người dân ở Hà Nội, cho rằng: “Họ trả lời như thế là họ thiếu tôn trọng bản thân họ. Một là họ không hiểu biết về pháp luật. Hai là họ trí trá, nói cho qua chuyện. Người làm công tác ngoại giao thì thứ nhất phải hiểu về phong tục, tập quán của nước sở tại, thứ hai là luật quốc tế”.


Chuyện “trồng người” ở Việt Nam
Thầy giáo Nhật Duy đặt câu hỏi: Tích hợp 1 sách 2, 3 thầy nếu thất bại, ai sẽ chịu trách nhiệm? Không ai cả? Tác giả nói thẳng: “Ghép cơ học 2, 3 môn khác nhau vào 1 sách mà vẫn do 2, 3 thầy dạy là phản khoa học, là đánh tráo khái niệm ‘tích hợp’.”  Để bào chữa chuyện “tích hợp SGK”, GS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng: “xu thế chung của khoa học là nghiên cứu liên ngành”, nghĩa là các học sinh phải tư duy được… như các nhà khoa học!?

Về chuyện “đội ngũ viết chương trình mới vẫn là những gương mặt cũ, trong đó nhiều vị đã tham gia làm chương trình, viết sách giáo khoa năm 2000”, thầy Duy bình luận: “Điều này trái với lẽ tự nhiên, vì thứ nhất các quý thầy đã từng tham gia làm chương trình – sách giáo khoa 2000 bất cập ngay từ ngày đầu áp dụng, thì quý thầy sẽ khó có thể vượt ra khỏi các giới hạn về tư tưởng, tư duy của chính mình”.


Lãnh đạo tiếp sức BOT “hút máu” dân
Quan chức ngành giao thông công bố quy định mới: Từ 25-1, xử phạt ô tô dừng quá 5 phút ở trạm BOT, theo báo Tuổi Trẻ. Bài báo đưa tin: “Tổng Cục đường bộ Việt Nam vừa gửi công điện hỏa tốc đến các nhà đầu tư BOT, Cục cao tốc, các cục quản lý đường bộ 1, 2, 3, 4 và Sở Giao thông vận tải các tỉnh, thành yêu cầu chủ đầu tư lắp biển báo phân làn đường, biển báo cấm dừng, cấm đỗ xe tại trạm thu phí và phải hoàn thành trước ngày 25-1”.

TCĐB Việt Nam không quên yêu cầu các nhà đầu tư lắp đặt thêm camera ở khu vực trạm, để thu thập dữ liệu về các tài xế phản đối BOT, sau đó “trích xuất các file dữ liệu hình ảnh, thống kê các tình huống cố tình gây rối, kích động mất trật tự an toàn giao thông, gửi về TCĐB để gửi Bộ Công an và UBND các tỉnh xử lý”.

VNTB đặt câu hỏi: Nếu các hợp đồng BOT đường bộ là vô hiệu? Gần một tuần trước, Thủ tướng ra công điện yêu cầu Bộ Công an vào cuộc vụ gây rối BOT. Tuy nhiên, theo bài viết trên VNTB, “diễn biến vài ngày gần đây cho thấy phía chính quyền địa phương, dường như không mấy ‘mặn mà’ với nội dung công điện đóng dấu ‘hỏa tốc’ này của văn phòng Chính phủ”.

Bài viết bàn về nghịch lý trong quá trình triển khai, vận hành các dự án BOT: “Nhà nước huy động tư nhân vào đầu tư hạ tầng vì Nhà nước thiếu tiền. Nhưng nhà đầu tư tham gia đầu tư hạ tầng cũng lại chỉ dựa vào vốn vay để thực hiện dự án”.

Báo Tuổi Trẻ bàn về BOT và thể chế. Bài viết dựa vào chính quyển sách “Vì sao các quốc gia thất bại – Nguồn gốc của quyền lực, thịnh vượng và nghèo đói” mà Thủ tướng Phúc từng trích dẫn, để lý giải về bản chất của hệ thống BOT: “với phép thử đầu tiên đã thấy ngay những dự án BOT… đang bị dân chúng phản ứng đều thuộc loại ‘thể chế loại trừ’. Ở mức độ tệ hại nhất, đó có thể là sự bắt tay giữa quan chức và các sân sau để vẽ ra dự án”.
“Các dự án BOT cho đến bây giờ vẫn chưa có luật riêng để giải quyết các vấn đề do thực tế đặt ra. Thử hỏi nếu có khung pháp lý hoàn thiện thì làm gì có chuyện Thanh tra Chính phủ kết luận 27 dự án BOT giao thông có sai sót như tính lố thời gian thu phí đến cả trăm năm”. Vấn đề pháp lý của các BOT vẫn chưa rõ ràng, nhưng các quan chức đã muốn dùng hệ thống này để “hút máu” dân.

VTV đưa tin: Đảm bảo trật tự tại các trạm BOT. Sáng nay, Bộ Công an tổ chức “hội nghị triển khai công tác… đảm bảo an ninh trật tự tại các trạm thu giá BOT… xung quanh vấn đề liên quan đến các trạm thu giá BOT, công an tại những tỉnh thành đặt trạm đã báo cáo chi tiết về tình trạng gây rối và đưa ra những giải pháp chấn chỉnh tình trạng này”. Lực lượng công an bắt đầu thực hiện lệnh của các lãnh đạo về nhiệm vụ bảo vệ BOT.


***

Tin quốc tế

Chính trường Mỹ
Vấn đề người nhập cư tiếp tục gây căng thẳng tại Quốc hội Hoa Kỳ. Ngày 23/1, phe Dân chủ rút lui sự hợp tác về vấn đề tường biên giới. Theo đó, lãnh đạo đảng Dân chủ tại Thượng viện, Chuck Schumer tuyên bố, “rút lại đề nghị tài trợ cho bức tường biên giới đề xướng bởi TT Mỹ Donald Trump”. Ông Schumer cho rằng, TT Trump đã “không theo đúng những gì nêu lên trong thỏa thuận với ông hồi thứ sáu tuần trước“.

Các cuộc thương lượng về dân nhập cư vẫn sẽ tiếp tục, cho đến khi đạt được thỏa thuận và từ đó, có dự luật chi tiêu dài hạn. Thượng nghị sĩ Cộng hòa, John Cornyn đã lên tiếng chỉ trích ông Schumer, vì phe Dân chủ rút lại sự hợp tác về vấn đề tường biên giới. Và số phận của Dreamers cũng đang bấp bênh, theo các cuộc tranh cãi tại Quối hội sắp tới.

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có chủ tịch mới. Ngày 23/1, Thượng viện Mỹ phê chuẩn ông J.Powell giữ chức Chủ tịch FED. Ông Jerome Powell sẽ thay thế bà Janet Yellen, người sẽ rời chức Chủ tịch FED vào tháng tới. Ông Powell được đích thân TT Trump lựa chọn, và được coi là người “một người cứng rắn, thông minh và có đủ sự khôn khéo, cũng như kỹ năng lãnh đạo để dẫn dắt nền kinh tế Mỹ“.


Nghi án Nga can thiệp bầu cử Mỹ
Thông tin trên Infonet dẫn lại từ CNN cho biết: Tổng chưởng lý và cựu Giám đốc FBI bị thẩm vấn do cáo buộc Nga can thiệp bầu cử. Theo đó, ông Jeff Sessions, Bộ trưởng Tư pháp Mỹ đã bị thẩm vấn bởi nhóm điều tra của Công tố viên đặc biệt Robert Muller, về nghi án Nga can thiệp bầu cử Mỹ năm 2016. Ông Sessions đã bị thẩm vấn vào tuần trước, và cũng giống Cựu cố vấn Steve Bannon, Tổng chưởng lý Sessions sẽ không phải hầu tòa.

Nhóm điều tra của Robert Muller cũng đã thẩm vấn cựu  giám đốc FBI James Comey vào năm ngoái. Cả 2 cuộc thẩm vấn trên đều được giữ bí mật đến ngày 23/1. Ông Comey đã bị TT Trump sa thải hồi tháng 5/2017, khi đang điều tra nghi án Nga can thiệp bầu cử. James Comey cho rằng, lý do mà TT Trump loại ông là: “Tôi bị sa thải, phần nào đó là do mong muốn thay đổi cách thức cuộc điều tra cáo buộc Nga đang được tiến hành“.

Trước thông tin, giám đốc FBI Christopher Wray dọa từ chức, trước những áp lực từ TT Trump và Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions, đòi ông Wray phải loại bỏ người phó hàng đầu là Andrew McCabe. Mới đây, TT Trump bác tin ông Wray dọa từ chức. Trước đó, Trump đã lên tiếng đòi sa thải McCabe trên Twitter.

Ông McCabe đã từng giữ chức giám đốc FBI gần 3 tháng sau khi TT Trump “cưa ghế” của James Comey. Cả 2 ông, Comey và McMabe đều là những người trong nhóm FBI điều tra nghi án, Trump thông đồng với Nga trong vụ bầu cử năm 2016.


Căng thẳng Trung Đông
Các cuộc giao tranh dữ dội giữa quân đội Thổ Nhĩ Kỳ và người Kurd tiếp tục diễn ra tại miền Bắc Syria. Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố, họ đã tiêu diệt ít nhất 260 tay súng người Kurd ở Syria. Về phía người Kurd, Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) cho biết, ít nhất 53 lính Thổ Nhĩ Kỳ và các lực lượng được Ankara hậu thuẫn bị thiệt mạng, trong các cuộc đấu súng tại Afrin.

Trong khi chiến sự xảy ra rất ác liệt ở Afrin, các cuộc khẩu chiến giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ cũng được đẩy lên cao độ. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis cho rằng, Ankara đang “làm phân tán nỗ lực của cộng đồng quốc tế trong cuộc chiến tiêu diệt phiến quân IS”. Về phần mình, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu tuyên bố, tấn công lực lượng YPG ở Syria là việc Ankara phải làm, và nước này sẽ “không e ngại bất cứ ai. Nếu phải chết, chúng tôi sẽ chết nhưng chúng tôi sẽ không sống trong sợ hãi“.

Liên quan đến cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học mới đây tại Đông Ghouta, Syria. Mỹ đã cáo buộc chính quyền TT Bashar al-Assad, tiếp tục sử dụng vũ khí hóa học để chống lại người dân của chính mình. Bên cạnh đó, Mỹ lên tiếng tố cáo Nga che đậy đồng minh Syria.

Một cuộc tấn công bằng khí chlorine làm hơn 20 người thương vong, chủ yếu nạn nhân là trẻ em, xảy ra tại khu vực phiến quân kiểm soát. Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson lên tiếng cáo buộc: “Nga phải chịu trách nhiệm cuối cùng về nghi vấn vụ tấn công bằng vũ khí hóa học của chính quyền Syria“. LHQ đã nhiều lần cáo buộc chính quyền Assad sử dụng vũ khí hóa học trước đây.


Tình hình bán đảo Triều Tiên
Trước việc Triều Tiên đổi ngày thành lập quân đội, tổ chức duyệt binh quy mô lớn trước ngày khai mạc Thế vận hội tại Hàn Quốc. Truyền thông, cùng các nhà phân tích rất quan tâm đến sự kiện này. VOV đặt câu hỏi: Duyệt binh trước thềm Thế vận hội, Triều Tiên muốn gửi thông điệp gì?.

Theo phân tích của chuyên gia Daniel Pinkston tại Đại học Troy ở Seoul, mục tiêu cuộc duyệt binh lần này của Bắc Hàn là nhằm thực hiện ý đồ của Kim Jong-un, cho thế giới thấy năng lực quân sự của Bình Nhưỡng. Ngoài ra, ông Pinkston cho rằng: “[cuộc duyệt binh sẽ] tạo ra sự chia rẽ và xáo trộn trong nội bộ xã hội Hàn Quốc, cũng như mối quan hệ giữa Hàn Quốc với Mỹ và các thành viên khác của HĐBA LHQ, được xem là điều Triều Tiên mong muốn”.

Trên trang Infonet có bài: Nhật “chộp” được cảnh Triều Tiên bơm dầu của Dominica gần Thượng Hải. Theo đó, máy bay tuần tra của Nhật bản đã phát hiện và chụp được một số hình ảnh, về cuộc trao đổi dầu giữa tàu của Bắc Hàn và Dominica. Cuộc mua bán trái phép diễn ra trên biển Hoa Đông, gần Thượng Hải, Trung Quốc.

Trong cuộc họp báo về việc này, Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono nói: “Triều Tiên đang ngày càng có nhiều mánh khóe để né tránh lệnh trừng phạt của LHQ. Chúng tôi sẽ có những hành động hợp tác cùng cộng đồng quốc tế“. Bắc Hàn bị cắt 90% lượng dầu vì lệnh trừng phạt mới đây của LHQ, do đó nước này đang rất “khát dầu”. Trước đó, Trung Quốc đã bị “bắt quả tang” nhiều lần tiếp dầu cho Triều Tiên, bất chấp cấm vận của LHQ.


Bá quyền Trung Quốc
Báo Thanh Niên có bài: ‘Mắt thần’ của quân đội Trung Quốc đe dọa tiêm kích tàng hình Mỹ. Theo báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng, Trung Quốc đang phát triển loại máy bay cảnh báo sớm mang tên KJ-600. Theo giới phân tích, KJ-600 có thể được dùng trên tàu sân bay thứ ba của Trung Quốc đang được đóng ở thành phố Thượng Hải.

Trung Quốc công bố thông tin về loại máy bay mới này trong bối cảnh, Mỹ triển khai tiêm kích tàng hình F-35 đến các căn cứ quân sự tại Nhật Bản và nhiều nơi khác ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương trong năm 2017. Bắc Kinh coi đó là mối đe dọa với họ. Theo đánh giá, KJ-600 có khả năng phát hiện các loại máy bay tàng hình F-22, F-35 của Mỹ.

***













No comments:

Post a Comment