Tuesday, January 23, 2018

BẢN TIN TỐI 23/1/2018 (Báo Tiếng Dân)




Tin trong nước

Tin Biển Đông
Báo Giáo Dục Việt Nam nhận định: Nếu Mỹ không coi trọng Biển Đông, vị thế ở Thái Bình Dương sẽ vào tay Trung Quốc. Theo bài viết, chuyện Bắc Kinh tiếp tục quân sự hóa Biển Đông, bồi đắp đảo nhân tạo, vũ trang khí tài trên hệ thống căn cứ tiền phương, triển khai máy bay, tàu chiến ở vùng tranh chấp lãnh hải, cho thấy mục đích “độc chiếm các tài nguyên khoáng sản, kiểm soát toàn bộ các tuyến đường hàng hải và tạo ra lợi thế địa chính trị để chi phối toàn bộ khu vực”.

Trung Quốc xây đảo nhân tạo phi pháp trên đảo Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ảnh: EPA/ GDVN

Chiến lược quân sự của Bắc Kinh ở Biển Đông: “Trung Quốc thực hiện chiến lược chống tiếp cận/chống xâm nhập (A2/AD) để tạo ra những vùng kiểm soát chồng lấn trên một khu vực rộng lớn ở Biển Đông”. Trung Quốc liên tiếp triển khai các loại khí tài cho phép theo dõi và phản công trên diện rộng, như radar, tên lửa, các mạng lưới quan sát trên không và dưới nước, để ngăn “Hoa Kỳ và các nước trong khu vực vào những nơi mà Bắc Kinh rêu rao thuộc ‘chủ quyền’ của họ”.

Báo Thanh Niên bàn về ý đồ mới của Trung Quốc ở Biển Đông. Diễn biến truyền thông Trung Quốc sau sự kiện “tàu khu trục USS Hopper của Mỹ đi vào khu vực 12 hải lý gần bãi cạn Scarborough”“Trong bài xã luận hôm qua, tờ Nhân Dân nhật báo cáo buộc Mỹ ‘quân sự hóa khu vực’,” còn Hoàn Cầu Thời báo “đăng liên tiếp 2 bài xã luận phản đối ‘hành động khiêu khích’ của Mỹ”.

Bà Bonnie Glaser, cố vấn cấp cao về châu Á tại Trung tâm CSIS, cho rằng, “có thể Trung Quốc đang kiếm cớ để bắt đầu vận hành hạ tầng quân sự trên các đảo mà nước này ngang nhiên tuyên bố chủ quyền phi pháp ở Biển Đông và quyết định lợi dụng FONOP của Mỹ làm lý do”.

Linh mục Vĩnh Sang viết: Thà làm quỷ Nước Nam. Bài viết bàn về dịp tưởng niệm 44 năm Hải chiến Hoàng Sa vừa qua và nhiều dịp tưởng niệm trước đó. “Từ lâu, một số người dân muốn tổ chức tưởng niệm các chiến sĩ VNCH thuộc lực lượng Quân Đội VNCH đã bỏ mình trong trận chiến ấy, người Miền Nam gọi cái chết đó bằng ba chữ rất thân thương: ‘Đền nợ nước’.”

Tuy nhiên, lãnh đạo CSVN không muốn tri ân những người chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa đã ngã xuống để bảo vệ chủ quyền ở quần đảo Hoàng Sa: “Nhà cầm quyền cộng sản không muốn, vì thế năm nào cũng vậy, một bên quyết tâm tổ chức, mang vòng hoa và nhang đèn đến làm lễ, một bên bằng đủ mọi cách ngăn cản, phá đám, xua đuổi, bắt bớ”.


Nhân quyền ở Việt Nam
Thông Tấn Xã Việt Nam đưa tin: Hơn 30 năm tù cho 4 bị cáo phạm tội tuyên truyền chống Nhà nước. Hôm nay, TAND tỉnh An Giang xử sơ thẩm và “tuyên phạt hơn 30 năm tù cho nhóm 4 bị cáo phạm tội ‘Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam’,” gồm ông Vương Văn Thả, án 12 năm tù, Vương Thanh Thuận 7 năm tù, Nguyễn Nhật Trường 6 năm tù, Nguyễn Văn Thượng 6 năm tù.

Cáo trạng của VKSND tỉnh An Giang cho rằng, “khoảng năm 1988, Vương Văn Thả theo đạo Phật giáo Hòa Hảo… để tạo thanh thế cá nhân, có thêm lợi nhuận, Thả thường xuyên lôi kéo, tụ tập nhiều người thuyết giảng đạo trái phép”. Chính quyền đặt ra tội “giảng đạo trái phép” nhưng thường xuyên tuyên truyền về tự do tôn giáo.

Facebooker Hiệp Khách Hành đưa tin: Dân oan biểu tình!Theo bài viết, khoảng 9 giờ sáng nay, dân oan từ các tỉnh: Đồng Nai, Bình Đị̣nh, Ninh Thuận, Thái Bình, Bình Duơng, An Giang, Long An, trong đó có mẹ của tử tù Hồ Duy Hải, đã “cùng biểu tình từ phố Quán Thánh đến: 1/ Phủ Thủ tướng CP Nguyễn Xuân Phúc. 2/ Toà nhà Quốc Hội”.

Lý do người dân biểu tình: “Tố cáo quan tham chính quyền tham nhũng cướp sạch đất đai, đập phá tanh bành nhà cửa. Đẩy dân oan vào cảnh sống vô gia cư, chết vô địa táng”.

Video clip của Facebooker Hiệp Khách Hành về người dân oan biểu tình:

Facebooker Hành Nhân chia sẻ về cuộc đối thoại với nhân viên Cục Quản lý Xuất nhập cảnh sáng 19/1/2018: “Anh Nguyễn Đức Thành làm việc chính với tôi. Anh cho biết tôi trong dạng bị cấm xuất cảnh vì những ‘hoạt động’ trước nay của mình và giờ đây phải có thái độ hợp tác đáp ứng những yêu cầu của cơ quan an ninh thì mới có cơ may nhận lại Hộ chiếu để xuất cảnh định cư đoàn tụ với gia đình”.

Hội Sinh Viên Nhân Quyền đưa tin: Tinh thần sinh viên Phan Kim Khánh trong tù rất tốt. Cô Trương Thị Hà, bạn gái sinh viên Phan Kim Khánh cho biết: “Tối nay, bố mới thăm anh Khánh ở trại giam Nam Hà. Tinh thần anh rất tốt, cán bộ trại giam thân thiện, môi trường trại giam trong sạch. Sách, thư và nhật ký Hà viết, các cán bộ trại giam đã nhận và ngâm cứu lần 2 để xét duyệt gửi cho Khánh”.


Chính trường Việt Nam
Báo Giáo Dục Việt Nam đặt câu hỏi: Kiểm soát quyền lực khó hay dễ? Ông Hồ Chí Minh khẳng định, “mọi quyền lực đều thuộc về nhân dân”, thế nhưng “thực tế cho thấy các hội đoàn mà dân chúng lập ra không phải là cơ quan quyền lực và do đó không có tiếng nói quyết định. Dân chúng chỉ có thể hoặc là ủy thác quyền lực (thông qua Quốc hội) hoặc là bị chiếm dụng quyền lực bởi tổ chức, cá nhân lãnh đạo”.

Tác giả đề xuất một hướng kiểm soát quyền lực: “Muốn động viên quần chúng thì việc đầu tiên là phải có cơ chế để quần chúng không ‘sợ’, nói cách khác quần chúng phải biết được quyền và nghĩa vụ khi tham gia quản lý nhà nước”. Tuy nhiên, luật biểu tình, một trong những luật cho phép công dân trực tiếp thể hiện quyền làm chủ và khả năng giám sát quyền lực, có trong Hiến pháp mấy chục năm qua nhưng luật pháp “vẫn chưa được ban hành”.


Vụ án Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm
Báo Lao Động bàn về mục đích của bản án cho ông Đinh La Thăng và đồng phạm: Lời cảnh báo cần thiết. Theo bài viết, đó là “sự cảnh báo cần thiết cho sự lạm dụng quyền lực, tùy tiện, vi phạm pháp luật, gây ra những hậu quả đặc biệt nghiêm trọng cho lợi ích của đất nước, lợi ích của nhân dân”.

Báo Pháp Luật TPHCM đưa tin: Ngày mai, ông Trịnh Xuân Thanh tiếp tục hầu tòa. Theo cáo buộc do VKS công bố, “nhóm mua cổ phần của PVP Land đã thông qua ông Đinh Mạnh Thắng và một số người trung gian, gặp được Trịnh Xuân Thanh. Lê Hòa Bình đã phải chi cho Trịnh Xuân Thanh, Đinh Mạnh Thắng, Đào Duy Phong (Chủ tịch PVPLand), Đặng Sỹ Hùng (nguyên Trưởng phòng kinh doanh PVPLand) tổng số tiền tiền 49 tỉ đồng”.

VKS cho rằng ông Trịnh Xuân Thanh đã quyết định chuyện chuyển nhượng cổ phần PVP Land  “với giá thấp  hơn thực tế. Ông Đinh Mạnh Thắng là người móc nối, tác động để ông Thanh cho chuyển nhượng cổ phần tại PVP Land”.


Ngày thứ 12 tòa xử Phạm Công Danh và đồng phạm
Báo Zing có bài: Cựu Giám đốc VNCB: ‘Ông Danh phải làm sai để cứu ngân hàng’. Trong phần bào chữa sáng nay, bị cáo Mai Hữu Khương cho rằng: “Ông Danh nhiều lần xin giãn tiến độ tăng vốn điều lệ. Đơn giản vì tiền đâu ra? Ngoài một số ngân hàng quốc doanh lớn, chưa từng có ngân hàng nào tăng vốn điều lệ một mạch từ 3.000 lên 7.500 tỷ đồng cả. Tình thế đó bắt buộc ông Danh phải làm sai. Làm sai để cứu ngân hàng”.

Đến phiên xử chiều nay, HĐXX nhắc nhở các luật sư không làm xấu tình trạng tội danh của các bị cáo khác, theo trang Việt Nam Mới. LS Nguyễn Duy trả lời: “Luật sư không muốn làm xấu đi tình trạng của các bị cáo khác nhưng đó là thực tế khách quan, lời khai của ông Khương không đủ căn cứ thể hiện Tùng thành lập báo cáo tài chính của cả 6 công ty”.

Báo Đất Việt đặt câu hỏi: Ông Trần Bắc Hà đi chữa bệnh đường vòng: Có bình thường? GS.TS Phạm Gia Khải, cựu Viện trưởng Viện Tim mạch quốc gia cho biết: “Điều tôi thắc mắc ở đây, đó là tính ra nếu đã dính đến tòa án thì trước khi xét xử dù đi đâu cũng không được đi, huống chi đi gần 2 tháng, về nguyên tắc là không được xuất cảnh. Cho nên việc ông Trần Bắc Hà đi lâu như vậy tôi thấy là bất bình thường”.


“Lỗi hệ thống”
Báo Dân Trí đưa tin: Cán bộ hải quan thoát tội “cố ý làm trái” nhờ Bộ luật hình sự mới. Theo bài viết, VKSND tối cao “đang thụ lý vụ án Thái Huy và đồng phạm phạm tội về buôn lậu do Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an khởi tố. Cơ quan Điều tra đề nghị truy tố tội ‘Buôn lậu’ và ‘Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng’.” Tuy nhiên, theo luật mới, “hành vi phạm tội của ông Tống Đức Tiến thuộc trường hợp được áp dụng các quy định có lợi cho người phạm tội”.

VKSND tối cao đã “ban hành quyết định huỷ bỏ khởi tố bị can của Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an đối với ông Tống Đức Tiến” trong ngày 11/1/2018.

Facebooker Nguyễn Hoài Nam viết: Vụ trộm cắp dầu máy bay ở TP.HCM, thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến bỏ lọt hàng chục tội phạm! Tác giả chia sẻ: “Ngay từ ban đầu tôi đã không tin Công an nên đã quyết tâm thu thập chứng cứ, để bàn giao rõ nhằm tránh CA bỏ lọt tội phạm. Tuy nhiên, CA bất chấp tất cả, bỏ lọt hàng chục tài xế của Công ty TNHH MTV Nhiên liệu Hàng không Việt Nam và Petrolimex bắt tay với mạng lưới trộm cắp”.


Đổi môi trường lấy dự án
Trang VietNamNet đưa tin: Chặn sông Lô làm thủy điện, tận thu trái phép 150.000m3 cát sỏi. Theo bài viết, công trường thi công dự án thủy điện Sông Lô 8A ở huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang “hệt như một bãi khai thác cát sỏi khổng lồ. Hai tàu cuốc hoạt động hết công suất ngày đêm khiến thượng nguồn dòng Lô đổi màu”. UBND tỉnh Tuyên Quang đã “cấm dùng tàu cuốc trên toàn tỉnh từ tháng 10/2016” nhưng công ty Lam Sơn, chủ đầu tư dự án thủy điện 8A, vẫn có thể khai thác cát trên sông Lô trong “gần một tháng qua”.

Vai trò của quan chức tỉnh Tuyên Quang trong dự án đổi sông Lô lấy thủy điện: “Trước đó, ngày 21/11/2017, Phó chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang Trần Ngọc Thực đã ký văn bản đồng ý về chủ trương phương án thi công hạng mục đê quây ngăn dòng thủy điện Sông Lô 8A theo đề xuất của chủ đầu tư”.


“Mình phải thế nào” thì người ta mới…
Bộ Ngoại giao công bố lý do phơi vây cá mập ở Chile: Vây cá mập mua ngoài chợ Chile để sử dụng trong nhà. Trả lời PV báo Tuổi Trẻ, Bộ Ngoại giao cho biết “số vây cá mập trên được thân nhân của một cán bộ thuộc Văn phòng Thương vụ Việt Nam tại Chile mua tại chợ dân sinh ở trung tâm thủ đô Santiago de Chile để sử dụng trong gia đình”. Theo lý lẽ của Bộ Ngoại giao, “ít nhất 100 cái” vây cá mập được phơi trên nóc một tòa nhà tại Đại sứ quán Việt Nam ở Chile chỉ vì… lý do gia đình!?

Bài viết dẫn lời ông Alex Munoz, giám đốc National Geographic khu vực Mỹ La Tinh, khẳng định rằng: “Không thể tin được. Tôi luôn muốn biết rằng vây cá được phơi khô ở đâu nhưng tôi không thể ngờ rằng người ta phơi ngay trong khu vực Providence. Đây là lần đầu tiên tôi thấy điều này tại Chile”.


Sự thật về “lực lượng nòng cốt” của Đảng
Báo Nông Nghiệp Việt Nam đưa tin: Thủy nông Hà Nội nợ đầm đìa, quỹ tiền lương cùng các quỹ khác đều ‘vỡ’. Theo bài viết, 5 công ty thủy nông ở TP Hà Nội đã nợ lương công nhân trong suốt… 2 năm qua. Ông Trần Thanh Nhã, PGĐ Sở NN-PTNT thừa nhận: “Trước đây, cán bộ Sở NN-PTNT, Sở Tài chính… vẫn rủ nhau đi kiểm tra các đơn vị thủy nông để nắm bắt khó khăn từ cơ sở. Nhưng bây giờ thì ngại rồi. Thấy anh em quá nheo nhóc khổ sở nên… ngại”.

“Hiện nay, Công ty Sông Đáy nợ tiền điện gần 30 tỷ đồng, nợ BHXH khoảng 3 tỷ đồng và chưa quyết toán tiền lương năm 2016 đối với CBCNV. Do quỹ tiền lương cạn kiệt, từ tháng 9 đến tháng 12 năm 2017, công ty không có nguồn để trả lương công nhân”. Hệ thống công đoàn nhà nước do Đảng Cộng sản kiểm soát đã không thể làm gì để giúp những người công nhân kiệt quệ này.

Công nhân thủy nông công ty Sông Đáy mòn mỏi chờ đợi lương. Ảnh: NNVN


Giáo dục ở Việt Nam
Facebooker Nguyễn Ngọc Chu viết: Giáo dục Việt Nam: Nỗi đau nhiều kiếp chưa tan. Về chuyện “chương trình Giáo dục Phổ thông mới đã tiến hành gộp 3 môn Vật Lý – Hóa Học – Sinh Vật vào một môn để cho một giáo viên dạy, và gộp 2 môn Lịch Sử – Địa Lý cũng vào một môn”, tác giả khẳng định, “đó sẽ là tai họa lớn cho nền Giáo dục Việt Nam”.

Niềm tin không bình thường của những quan chức làm giáo dục ở Việt Nam: “Chương trình cải cách dự kiến trong vòng 3,4 năm tới đào tạo lại các giáo viên về Sinh Vật, ra trường đã hàng chục năm, đi học Vật Lý và Hóa Học để dạy 3 môn Lý – Hóa – Sinh”.

Thầy giáo Nhật Duy viết: Tích hợp kiểu này, “giết” môn Sử. Tác giả phân tích “tính ưu việt” của lộ trình tích hợp môn Lịch sử và Địa lý vào chung một SGK cho chương trình THCS. “Theo chúng tôi, nếu chương trình chỉ ‘tích hợp’ có bấy nhiêu thôi thì việc gộp 2 môn học độc lập hiện nay ở cấp trung học cơ sở thành 1 môn học tích hợp là một việc làm không thuyết phục và phản khoa học”.

Trong chương trình cải cách giáo dục năm 2000, “chính quý thầy biên soạn chương trình SGK” đã “tích hợp” kiến thức về quản lý nhà nước, văn hóa, kinh tế, chính trị vào môn Lịch sử. “Cách làm này đã giết môn Lịch sử, vì trước Chương trình 2000, thế hệ chúng tôi đến bậc trung học cơ sở mới bắt đầu học Lịch sử, Địa lý, thì chương trình hiện hành đã đưa 2 môn này xuống bậc tiểu học”.


Người dân tiếp tục phản đối BOT
Báo Pháp Luật TP HCM đưa tin: BOT Cần Thơ – Phụng Hiệp kẹt xe hơn 1 tiếng. Khoảng 10 giờ sáng nay, các tài xế tiếp tục dừng xe phản đối ở BOT Cần Thơ – Phụng Hiệp. “Một số tài xế lưu thông hướng Cần Thơ – Hậu Giang điều khiển xe đến đậu tại cabin trạm thu phí và không đồng ý mua vé… Lúc này ở hướng Hậu Giang – Cần Thơ cũng xuất hiện xe phản ứng. Các xe đến chiếm đậu tất cả các làn xe khiến giao thông 2 chiều bị ùn tắc hàng trăm mét”.

Trang Thanh Niên Công Giáo bình luận: BOT Sóc Trăng vẫn chưa được hạ nhiệt. Tác giả viết: “Sở dĩ lãnh đạo BOT Sóc Trăng nói rằng các lái xe cố tình gây ùn tắc giao thông tại đây, là bởi vì họ không thể chứng mình các lái xe phạm lỗi gì, nên đã gán cho họ là cố tình gây ùn tắc giao thông. Để hạch sách các tài xế xe trong thời gian tới”.


***


Tin quốc tế

Chính trường Mỹ
Báo Người Việt đưa tin: Tòa Bạch Ốc: Quan trọng nhất là chính phủ hoạt động trở lại. Về chuyện chính phủ Mỹ mở cửa trở lại, phát ngôn viên tòa Bạch Ốc Sarah Sanders nói về lập trường của TT Trump: “Điều đầu tiên và quan trọng nhất là chúng ta phải để chính phủ hoạt động trở lại. Chúng ta phải tài trợ cho mọi hoạt động của chính phủ. Khi nào việc này được thi hành, chúng tôi sẽ rất sẵn sàng để thương thảo về các biện pháp cải cách di trú”.
Ông Lindsey Graham, Thượng Nghị sĩ đảng Cộng hòa, cho rằng, không có gì rõ ràng trong lập trường của Trump. Ông Graham nói: “Chúng ta không có một đối tác đáng tin cậy ở Tòa Bạch Ốc để thương thảo“. Nhưng theo bà Sanders thì “TT Trump muốn có thỏa thuận về DACA“.

Chính phủ Mỹ vẫn chưa hết lo nguy cơ đóng cửa là bài viết trên VOV. Việc chính phủ Mỹ mở cửa trở lại chỉ là tạm thời cho đến ngày 8/2, nếu vẫn không đạt được thỏa thuận, có thể sẽ đóng cửa tiếp. Chính phủ Mỹ được cấp tiền để hoạt động trở lại là nhờ những nhượng bộ từ phe Cộng hòa, khi đưa ra đảm bảo với phe Dân chủ: Sẽ thảo luận về DACA trong thời gian tới.

Các Dreamers, những người được đưa vào Mỹ từ nhỏ lo lằng cho tương lai của mình. Báo Thanh Niên có bài: Dreamers hoang mang trước dự luật mới của chính quyền Mỹ. Theo bài viết: “Những người trẻ nhập cảnh trái phép đến Mỹ từ nhỏ đang rất thất vọng vì không được nhắc đến trong dự luật ngân sách chi tiêu tạm thời vừa được chính quyền phê chuẩn“.


Quan hệ Mỹ- Trung
VOA có bài: Mỹ-Trung tố cáo nhau đe dọa thương mại toàn cầu. Cuộc đấu khẩu liên quan đến vấn đề thương mại đã diễn ra giữa Mỹ và Trung Quốc. Phía Mỹ cho rằng, Bắc Kinh “không tuân thủ các lời hứa tiến đến kinh tế thị trường“, đồng thời Washington thấy “sai lầm khi ủng hộ Trung Quốc gia nhập WTO“. Đáp lại Trung Quốc cho rằng, chính Hoa Kỳ mới là mối đe dọa hệ thống mậu dịch toàn cầu.

Báo Một Thế Giới đưa tin: Trung Quốc lắp cảm biến gần căn cứ Guam để theo dõi tàu ngầm Mỹ. Bài viết cho biết, phía Trung Quốc đã xác nhận, nước này đưa vào sử dụng các cảm biến âm thanh dưới nước. Những thiết bị này được lắp đặt ở vùng Challenger, gần căn cứ quân sự của Mỹ ở đảo Guam.

Trang Infonet đặt câu hỏi: Trung Quốc “bắt tay” Nga chống lại áp lực từ Washington? Bị Mỹ coi là các quốc gia đối đầu, thậm chí Mỹ còn cho rằng “Nga và Trung Quốc nguy hiểm hơn khủng bố“, Tùy viên quân sự đại sứ quán Trung Quốc tại Nga, Thiếu tướng Qi Yan-wei kêu gọi: “Bắc Kinh và Moscow nên cùng nhau chống lại áp lực từ phía Washington“.

Nga và Trung Quốc bắt tay nhau, vốn đã có từ trước. Nay dưới áp lực của Mỹ, có lẽ 2 nước độc tài khổng lồ này sẽ gắn chặt vào nhau hơn nữa. Chuyện thiết lập liên minh tạm thời Nga – Trung sẽ kéo theo hàng loạt những vấn đề bất ổn trên thế giới. Sẽ có những căng thẳng như thời “Chiến tranh Lạnh” xuất hiện trong thời gian tới.


Căng thẳng Trung Đông
Trong chuyến công du đến châu Âu của Ngoại Trưởng Mỹ Rex Tillerson, vấn đề Thỏa thuận hạt nhân Iran đã được đem ra thảo luận. Báo Người Việt đưa tin: Mỹ vận động thêm hậu thuẫn Âu Châu để thay đổi thỏa thuận với Iran. Theo bài viết, Mỹ đang tìm kiếm sự hậu thuẫn của châu Âu, để gia tăng trừng phạt Tehran, thay vì rút khỏi thỏa thuận.

Chiến trường Syria vẫn đang nóng rực. Các cuộc tấn công của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ vào Lực lượng người Kurd ở Bắc Syria (YPG) vẫn chưa dừng lại. Sự phức tạp của vấn đề người Kurd nói riêng, giữa các bên liên quan ở Syria nói chung, đã làm cho các nhà quan sát lo ngại. Nếu cuộc chiến không được định đoạt sớm, việc Ankara tấn công Syria sẽ là đốm lửa nhỏ có thể thổi bùng đám cháy lớn

Cũng liên quan đến tình hình Syria, ngày 22/1, HĐBA LHQ tiến hành cuộc họp khẩn về chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ, tấn công người Kurd ở Syria. Theo VOV, HĐBA LHQ đang lúng túng trước chiến dịch của Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria.


Bá quyền Trung Quốc
Báo Thanh Niên đặt câu hỏi: Trực thăng tấn công của Trung Quốc khó xâm nhập Đài Loan? Được biết, Trung Quốc đang dự định thành lập “lữ đoàn tấn công trên không”, bao gồm khoảng 100 chiếc trực thăng, với mục đích đem quân tấn công nhanh Đài Loan trong vòng 1 giờ.

Trước đe dọa đó, chuyên gia quân sự Đài Loan Tống Triệu Văn cho rằng, Trung Quốc dù có 1000 chiếc trực thăng cũng không thể xâm nhập vào Đài Loan. Hiện nay, Đài Loan đang sở hữu hệ thống phòng không rất mạnh, thuộc loại khét tiếng trên thế giới.

Trang Soha có bài: Tân Cương xây “Vạn lý trường thành” bảo vệ biên giới. Theo lời ông Shohrat Zakir, Chủ tịch tỉnh Tân Cương, khu vực này sẽ đẩy mạnh các biện pháp ở biên giới để tạo ra một “Vạn lý trường thành”. Biện pháp này trước đây đã được ông Tập Cận Bình nhắc đến: “Tân Cương cần xây dựng một ‘Vạn lý trường thành sắt’ để bảo vệ sự ổn định“.

Khu vực Tân Cương là nơi trước đây vốn của người Duy Ngô Nhĩ, đã bị Trung Quốc xâm lược và chiếm đóng từ thập niên 1950. Các cuộc nổi dậy của người Duy Ngô Nhĩ liên tục bị Bắc Kinh đàn áp. Trung Quốc cho rằng, việc “quây chuồng” Tân Cương nhằm mục đích “chống ly khai, khủng bố, cực đoan tôn giáo“. Tuy nhiên, RFI dẫn lời báo Le Monde cho rằng đó là: “Nhà tù lớn của người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương“. 


Bán đảo Triều Tiên
Báo Đất Việt đặt câu hỏi: Ai đang tiếp dầu cho Triều Tiên?Hai nước bị tình nghi đang nuôi dưỡng chế độ Bắc Hàn là Nga và Trung Quốc. Cả Moscow lẫn Bắc Kinh lên tiếng phủ nhận việc tiếp dầu cho Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, qua những hình ảnh và bằng chứng gần đây của Mỹ đưa ra, cho thấy Trung Quốc vẫn lét lút “đi cửa sau” với Bình Nhưỡng.

Hãng tin KCNA của Triều Tiên cho biết, Triều Tiên sẽ đổi ngày thành lập quân đội. KCNA đưa tin: “Ngày 8/2 sẽ là ngày kỷ niệm thành lập quân đội Triều Tiên. Nội các và các cơ quan liên quan sẽ có những bước chuẩn bị để  kỷ niệm ngày lễ  lớn này”.  Trước đây, ngày thành lập quân đội Bắc Hàn được ấn định là ngày 25/4.

Mục đích của Triều Tiên trong việc “đổi ngày” là: Bình Nhưỡng sẽ huy động một lực lượng lớn để tổ chức duyệt binh. Như vậy, Triều Tiên sẽ duyệt binh quy mô lớn vào ngày 8/2, chỉ trước một ngày Thế vận hội Mùa đông khai mạc ở Hàn Quốc. Khoảng 100.000 binh lính Bắc Hàn được huy động để duyệt binh.


***









No comments:

Post a Comment