Saturday, January 27, 2018

BẢN TIN SÁNG 27/1/2018 (Báo Tiếng Dân)




Tin trong nước

Tin Biển Đông
Thông Tấn Xã Việt Nam đưa tin: Mỹ xem xét nối lại các chiến dịch tự do hàng hải trên Biển Đông. Tác giả dẫn thông tin từ trang National Interest cho biết: “Giới chức Bộ Quốc phòng Mỹ tuyên bố quân đội nước này có thể lại thực hiện Các chiến dịch Tự do Hàng hải (FONOPS) trên Biển Đông trong năm 2018”.

Giới chức Lầu Năm Góc không cung cấp thông tin chi tiết về khả năng Mỹ tiếp tục thách thức Trung Quốc trong giới hạn 12 hải lý ở các khu vực mà Bắc Kinh tuyên bố “chủ quyền”, nhưng vẫn nói thêm rằng, “đây là khả năng có thể xảy ra. Cho đến nay, Mỹ luôn chỉ trích Trung Quốc có các hoạt động tôn tạo, xây dựng trái phép tại các vùng biển tranh chấp”.

Tàu chiến USS Fort Worth của hải quân Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Trang National Interest có bài: Năm 2018 có thể là năm Trung Quốc và Mỹ đụng độ ở Biển Đông. Bài viết dẫn lời của Trung tá Thủy quân Lục chiến Jamie Davis, là người phát ngôn của Lầu Năm Góc, nói rằng: “Chúng tôi vẫn đang tiến hành các cuộc tuần tra FONOP thường nhật (Chiến dịch toàn tra vì tự do hàng hải), như chúng tôi đã thường xuyên làm trong quá khứ và sẽ tiếp tục làm trong tương lai”.

RFI có bài: Biển Đông: Paris lên án chính sách “chuyện đã rồi” của Bắc Kinh. Bài viết dẫn lời bà Florence Parly, bộ trưởng bộ Quân Lực Pháp, “lên án hành động lấn chiếm của Trung Quốc tại Biển Đông và cho biết Pháp và Nhật sẽ nâng cấp các cuộc tập trận chung”. Nước Pháp và nước Nhật dự định tiến hành tập trận chung ở vùng Ấn Độ – Thái Bình Dương, khu vực gắn liền với khái niệm “tứ giác kim cương”, được Mỹ và các nước đồng minh xây dựng để kiềm chế Trung Quốc.

RFI cho biết thêm: “Trong năm nay, hải quân Pháp sẽ đi xuyên qua biển Đông nhiều lần để thực thi quyền tự do lưu thông. Trung bình mỗi năm, tàu chiến Pháp qua lại khu vực Trung Quốc tranh chấp với Đông Nam Á từ ba đến bốn lần, nhất là gần quần đảo Trường Sa”.

RFI đưa tin: Biển Đông: Ấn Độ – ASEAN yêu cầu giải quyết tranh chấp theo luật quốc tế. Trong bản “Tuyên bố chung Delhi”, được công bố trong “cuộc họp thượng đỉnh lịch sử” với sự tham gia của Ấn Độ và 10 nước ASEAN, “hai bên đặc biệt nhấn mạnh rằng các tranh chấp tại Biển Đông phải được giải quyết thể theo luật pháp quốc tế”.

Theo bài viết, “Biển Đông là khu vực địa chiến lược duy nhất được Ấn Độ và ASEAN nêu tên trong văn bản nói trên. Tuyên bố chung Delhi khẳng định ủng hộ việc thực thi ‘hoàn toàn và đầy đủ’ Tuyên Bố về Ứng Xử của Các Bên ở Biển Đông (gọi tắt là DOC) và kêu gọi các bên liên quan sớm hoàn tất Bộ Quy Tắc Ứng Xử ở Biển Đông (COC)”.


Quan hệ Mỹ – Việt – Trung
VOA đưa tin: Trung Quốc lên tiếng vụ tàu sân bay Mỹ thăm Đà Nẵng. Bài viết dẫn nguồn từ hãng tin Reuters, cho biết: Ngày 26/1/2018, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh khẳng định, Bắc Kinh “không phản đối chuyến thăm của tàu sân bay Mỹ đến Đà Nẵng dự kiến vào tháng 3/2018”. Tác giả cho biết thêm: “Trước đó, hãng tin AP nhận định chuyến thăm của tàu sân bay Mỹ có phần chắc sẽ làm Trung Quốc tức giận”.

GS Nguyễn Mạnh Hùng, thuộc đại học George Mason, bang Virginia, nói với VOA rằng: “Khi Hải quân Mỹ tuần tra tự do hàng hải thì Bắc Kinh đã phản ứng rất dữ dội. Người phát ngôn của Trung Quốc từng nói sẽ không thể nhân nhượng vấn đề Biển Đông và họ chuẩn bị sẵn sàng để thắng Mỹ nếu có cuộc chiến tranh xảy ra”.

Tàu sân bay Mỹ USS Ronald Reagan. Ảnh: AP/VOA


Quan hệ Việt – Indonesia
Báo VnExpress đưa tin: Việt Nam đề nghị Indonesia cân nhắc việc tiêu huỷ tàu cá. Theo bài viết được đăng tối qua, “Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hôm nay nêu rõ mong muốn Indonesia xem xét lại chính sách tiêu huỷ tàu cá, khi gặp Tổng thống Joko Widodo bên lề cuộc họp ở Ấn Độ, theo thông cáo của Bộ Ngoại giao”.

Về chuyện Indonesia liên tục đánh chìm các tàu cá nước ngoài “với cáo buộc đánh bắt trái phép trong vùng biển của nước này”, tác giả cho biết: “Đây là chính sách cứng rắn của Indonesia từ khi Tổng thống Widodo lên nắm quyền năm 2014. Hồi tháng 4/2017, trong số hơn 80 tàu bị phá huỷ có các tàu của Việt Nam, Philippines, Malaysia và Thái Lan”. Trong khi Indonesia mạnh tay như vậy, quan chức CSVN vẫn để yên cho các “đồng chí lạ” vào tận ngư trường Việt Nam và đâm chìm tàu Việt.


Nhân quyền ở Việt Nam
RFA đưa tin: Cưỡng chế đất tại xã Nghi Kim, Nghệ An. Theo bài viết, trong cuộc cưỡng chế đất diễn ra sáng hôm qua ở xã Nghi Kim, Thành Phố Vinh, tỉnh Nghệ An, “người dân phản đối biện pháp cưỡng chế với lý do bồi thường không thỏa đáng so với một số dự án khác cũng trên cùng địa bàn; cụ thể mức được đưa ra là 170 triệu cho 500m2 đất thuộc dự án phòng cháy chữa cháy của Thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An”.

RFA dẫn lời chia sẻ của Bà Liệu, một người dân có đất bị cưỡng chế: “Đất của nhà bà là thời cha ông để lại nhưng mà hôm nay cơ quan phòng cháy chữa cháy lấy, mà cái giá cả gia đình 54 hộ là chưa đồng ý và nhất trí nhưng mà họ vẫn cưỡng chế mấy lần rồi, nhưng mà bà vẫn cương quyết giữ đến cùng”.

Facebooker Sơn Tiên Xinh có clip, cho lực lượng công quyền đàn án dân khi cưỡng chế tại đất gần sân bay Vinh:

Trang Thanh Niên Công Giáo bình luận: Ôi đất nước tôi công an nhiều hơn dân. Bài viết bàn về “thành tựu” của công an Nghệ An trong cuộc cưỡng chế đất ở xã Nghi Kim: “Chỉ mới ra quân trong một thời gian ngắn, các lực lượng tinh nhuệ đã cưỡng chế thành công hàng ngàn m² đất vàng của người dân tay không tấc sắt”.

Trang Thanh Niên Công Giáo có video clip quay cảnh cưỡng chế:

Trong khi ở “thiên đường XHCN”, quyền con người và quyền sở hữu đất đai của người dân không có, thì ở các nước “tư bản giãy chết”, người ta đã lo xong vấn đề nhân quyền và tính đến… súc quyền: Thụy Sĩ cấm nấu tôm hùm còn sống, theo báo Người Việt. Theo luật Thụy Sĩ, tôm hùm “phải bị làm cho bất tỉnh trước khi được bỏ vào nấu, hoặc giết ngay lập tức“.

Chiến dịch “đốt lò” vẫn tiếp diễn
Vinashin, một trong các “quả đấm thép” của “đồng chí X” vừa bị nhóm “đốt lò” sờ tới. Báo Tuổi Trẻ đưa tin: Bắt nguyên chủ tịch hội đồng thành viên Vinashin Nguyễn Ngọc Sự. Bài viết dẫn tin từ Bộ Công an cho biết, chiều ngày 26/1/2018, C46 “đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam ông Nguyễn Ngọc Sự, nguyên chủ tịch hội đồng thành viên Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam Vinashin (SBIC), để điều tra về tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Tác giả cho biết thêm: “Hiện Cơ quan Cảnh sát điều tra đang tập trung mở rộng điều tra vụ án, làm rõ hành vi phạm tội và thu hồi kê biên tài sản do phạm tội mà có”.

Ông Nguyễn Ngọc Sự, cựu Chủ tịch Tập đoàn Vinashin vừa bị bắt. Nguồn: internet

BBC đưa tin: Vinashin: Ông Nguyễn Ngọc Sự bị bắt. Bài viết có nói về những sai phạm của ông Sự liên quan đến Ngân hàng Đại Dương (OceanBank): “Trong vụ đại án OceanBank, hồi tháng 9/2017, Viện kiểm sát nhân dân Tối cao đã tuyên án Hà Văn Thắm cùng 50 bị cáo khác. Theo đó, cựu Chủ tịch HĐQT OceanBank Hà Văn Thắm bị mức án chung thân”. Sau đại án OceanBank cuối năm 2017, tòa án Việt Nam đã xử tiếp đại án VNCB ngay đầu năm 2018.

Bài viết điểm mặt cả một số “đại gia” vướng vòng lao lý như ông Phạm Công Danh, bà Hứa Thị Phấn, trong chuỗi đại án ngân hàng gần đây. Ông Nguyễn Ngọc Sự và tất cả các “đại gia” này, đều có liên quan đến “đường dây quyền lực” của cựu Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình và cựu Thủ tướng Việt Nam giai đoạn 2006 – 2016.

RFA viết: Vietnam bắt nguyên chủ tịch Tập đoàn Vinashin. Bài báo dẫn lời nhận định từ hãng tin Reuters: “Một loạt các vụ bắt giữ các quan chức cao cấp chính phủ gần đây cho thấy trình độ quản lý yếu kém và chủ nghĩa gia đình trị trong các công ty nhà nước tại thời điểm chính phủ đang đẩy nhanh quá trình tư nhân hoá và đã dẫn đến hành vi lũng đoạn và tha hoá của một số cán bộ Đảng”.

Trang Nhà Đầu Tư bàn về đường thăng tiến của nguyên Chủ tịch Vinashin Nguyễn Ngọc Sự vừa bị bắt. Theo bài viết, ông Sự từng là Phó Tổng giám đốc phụ trách tài chính của Tập đoàn PVN, trước khi làm Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Vinashin từ ngày 9/10/2010. Khi chuyển sang làm lãnh đạo Vinashin, ông Sự bàn giao trách nhiệm tại OceanBank cho ông Nguyễn Xuân Sơn, là “người đã bị tuyên tử hình trong vụ án tại nhà băng này”.

Đường thăng tiến của ông Sự trải qua ngành ngân hàng, đóng tàu và dầu khí, 3 lĩnh vực điển hình đã làm nên tiền tài và quyền lực một thời của đường dây “lợi ích nhóm” có 2 điểm cuối là ông Nguyễn Văn Bình và “đồng chí X”.


“Nghĩa tử là nghĩa tận” của người Cộng sản?
Ông Đinh Văn Nhu, bố của ông Đinh La Thăng và Đinh Mạnh Thắng đã qua đời chiều 26/1 tại Hà Nội. Báo Pháp Luật TPHCM hỏi: Cha mất, anh em ông Đinh La Thăng có được về chịu tang? Trước đó, nhà báo Phạm Việt Thắng cho biết: “Chiều nay, trước khi bố ông Đinh La Thăng trút hơi thở cuối cùng vào lúc 16 giờ, ông được cho về nhà để nhìn cha lần cuối“.

Tiếng Dân có bài: Với người Cộng sản, không có chuyện “nghĩa tử là nghĩa tận”! Với người Việt, thì nghĩa tử là nghĩa tận, nhưng với người Cộng sản thì không có cái gọi là “nghĩa tử, nghĩa tận”. Người tù chính trị dù qua đời khi sắp mãn án, cũng không được mang xác về nhà chôn, nói chi tới chuyện cha mẹ ruột chết được cho ra ngoài nhìn mặt lần cuối.

Trường hợp người tù chính trị Bùi Đăng Thủy cựu thiếu úy phi công Quân lực VNCH, vì tham gia tranh đấu cho một đất nước VN có tự do, dân chủ hơn, nên ông lãnh án 18 năm tù. Ông Thủy ở tù được gần 16 năm thì qua đời vào ngày 20-1-2013, tại trại giam Z30, Xuân Lộc, Đồng Nai, nhưng gia đình ông không được mang xác về nhà chôn.

Ông Bùi Đăng Thủy (trái) và người tù chính trị Nguyễn Văn Trại trước lúc qua đời. Nguồn: internet

Tương tự, người tù chính trị Nguyễn Văn Trại qua đời ngày 11/07/2011, tại nhà tù Z30A, Xuân Lộc, Đồng Nai. Ông Trại bị kết án 15 năm tù vì đã tham gia các tổ chức chính trị đấu tranh cho tự do, dân chủ ở Việt Nam. Ông ở tù được 14 năm 7 tháng, thì qua đời. Sau khi chết, gia đình ông cũng không được mang xác ra khỏi trại giam, lý do phía trại giam cho biết: “Nguyễn Văn Trại là một tù nhân chính trị, chứ không phải là con người”!


Vụ án Trịnh Xuân Thanh, Đinh Mạnh Thắng
Tác giả Linh Quang có bài viết, nói về sự chuyển biến qua thái độ của Trịnh Xuân Thanh trong phiên xử chiều 26/1/2018Từ lúc bị bắt về nước đến nay, lần đầu tiên ông Thanh công khai phát biểu về bản chất của chiến dịch “đốt lò”: “Đấu tranh chống tham nhũng chứ không phải như một cuộc đấu đá, thanh trừng. Bị cáo không thuộc nhóm lợi ích của ai cả, không thuộc nhóm lợi ích của anh Thăng”.

Báo Dân Trí đặt câu hỏi: Vì sao riêng Trịnh Xuân Thanh dám chối tội tham ô?Bài viết được đăng vội rạng sáng nay, trong tình hình Trịnh Xuân Thanh bắt đầu có dấu hiệu “cứng đầu”. Tác giả cho rằng Trịnh Xuân Thanh dám từ chối các cáo buộc của tòa, vì… biết cách “chùi mép”, và không đề cập gì đến lời nhận định của ông Thanh về tính chất “quy chụp” của “phiên tòa lịch sử” và chiến dịch “đốt lò”.

Theo bài viết, “Trịnh Xuân Thanh liên tục chối tội tham ô, bất chấp các lời khai của thuộc cấp đối chất tại tòa nói rõ việc chỉ đạo của Trịnh Xuân Thanh”. Tuy nhiên, từ giai đoạn thứ nhất của “phiên tòa lịch sử” đến phiên xử vụ án tham nhũng ở PVP Land, các LS đã liên tục đề cập đến yếu tố mâu thuẫn trong lời khai của các bị cáo là cấp dưới hoặc đồng phạm của Thanh.


Tự do ngôn luận “trong khuôn khổ” ở Việt Nam
Báo Tuổi Trẻ đưa tin: Bộ Thông tin truyền thông mời Daniel Hauer lên làm việc. Chiều 26/1/2018, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử thuộc Bộ 4T xác nhận đã gửi “giấy mời Daniel Hauer – chủ tài khoản facebook Daniel Hauer – đến làm việc vào sáng 30-1 tới. Nội dung buổi làm việc liên quan tới hoạt động đăng tải thông tin vi phạm pháp luật trên mạng xã hội Facebook”.

Lý do Bộ 4T triệu tập ông Daniel Hauer, thầy giáo tiếng Anh người Mỹ, là: “Dan Hauer đã nhắc đến Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong một câu đùa có ý tục tĩu”, khi bình luận về chủ đề “kỳ vọng vào chiến thắng của đội U23 Việt Nam” trên mạng xã hội. Với một người Mỹ, cả George Washington còn có thể trở thành trò đùa, nhưng những quan chức và “cảm tình viên” của Đảng CSVN không thể chấp nhận chuyện “thần tượng” của họ bị xúc phạm.

Ông Daniel Hauer xin lỗi vì đã xúc phạm cố đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ảnh: VNN/VOA

Báo Lao Động bình luận: Dan Hauer đi quá xa rồi, anh ta không xứng đáng làm thầy. Ông Daniel Hauer không làm hại ai, trình độ sư phạm của anh ta được thể hiện qua khả năng dạy tiếng Anh của anh ta. Tuy nhiên, tác giả vẫn cho rằng, ông này “không xứng đáng làm thầy” chỉ vì… anh ta đã đùa cợt một trong những “thần tượng” được Đảng CSVN dựng lên để mị dân.

TC Luật Khoa có bài: Nhập gia tuỳ… lãnh tụ. Theo bài viết, những gì ông Daniel phải đối mặt hôm nay là hệ quả của chính sách mị dân mà lãnh đạo CSVN đã áp dụng trong suốt hơn 4 thập niên: “Cơn giận dữ của những người sùng bái ông Giáp, có thể không có hàm ý ủng hộ chính quyền vi phạm tự do ngôn luận, nhưng sẽ là nguồn dinh dưỡng nuôi sống tham vọng kiểm soát ngôn luận của chính quyền. Đến đây, tất cả chúng ta sẽ là bị hại”.

Trong bài: Triệu chứng đám đông và cuộc đấu tố Daniel Hauer, Facebooker Mai Tú Ân bình luận: “Không có điều luật nào đưa ông Võ Nguyên Giáp vào hàng thánh thần để người dân phải thờ cúng và không được xúc phạm cả. Ông ta cũng chỉ là một quân nhân như bao triệu quân nhân khác đã cầm súng trên đất nước này và có nhiều người còn đáng được tôn trọng hơn ông ta”.

Tác giả nhận định về bản chất chuyện chính quyền và các định hướng viên cùng công kích ông Daniel: “Với chính quyền Việt Nam thì bất cứ biện pháp hành chính nào đối với ông thầy giáo Tây Daniel Hauer cũng đều là hành động vi phạm quyền con người cũng như vi phạm các quyền tự do ngôn luận”.

Facebooker Nguyễn Anh Tuấn bàn về hai đúng hai sai vụ ông Dan đùa cợt, xúc phạm tướng Giáp. Tác giả lưu ý hiện tượng “chính trị hóa” quyền tự do ngôn luận: “Đồng một lối nghĩ, chung một thần tượng, cùng một nhịp điệu vui buồn ái oán, thì chẳng những là biểu hiện của một cộng đồng đơn điệu, mà tệ hơn, còn làm xói mòn xã hội ngay ở thuộc tính cố hữu đồng thời là vẻ đẹp của nó: tính đa dạng”.

Mấy năm nay, các quan chức CSVN liên tục bàn về “cải cách” giáo dục, vì chính họ hiểu rằng nền giáo dục Việt Nam đang dần rơi vào thế bế tắc. Tuy nhiên, với kiểu tư duy “chính trị hóa” mọi vấn đề, họ sẵn sàng dùng “pháp luật” để “đối thoại” với một thầy giáo người nước ngoài chỉ vì một câu đùa về ông Giáp. Có lẽ họ sẽ còn mất rất nhiều thời gian để “thực sự” cải cách giáo dục.


“Ngôn ngữ” của công an Việt Nam
Báo Đất Việt đưa tin: Tố CSGT đánh người: Nhào người trúng giày? Theo bài viết, đó là trường hợp anh Bùi Văn Giang, bị một thượng úy CSGT công tác tại Công an huyện Thới Bình, Cà Mau đánh đến chấn thương ngực.

Tuy nhiên, Đại tá Trương Ngọc Danh, Phó giám đốc Công an tỉnh Cà Mau đã “đính chính”, không phải anh Giang bị công an đánh, mà là: “Lúc lực lượng làm nhiệm vụ lập biên bản anh Giang thì anh này có ý chống cự, xô ngã một CSGT. Khi cảnh sát giao thông ngã ngửa ra sau thì 2 chân giơ lên. Đúng lúc đó Giang nhào người tới thì trúng mũi giày của cảnh sát giao thông”.

Công an Việt Nam đã nổi tiếng như cồn qua các thuật ngữ: “Gạt tay vào má” qua vụ công an hành hung nhà báo Quang Thế, “súng đập vào má làm cướp cò”,trong vụ Trung úy CSGT Nguyễn Tấn Phước nổ súng giết người, “giơ chân hơi cao”, trong trường hợp Trung úy CSGT Hoàng Anh đạp lên ngực người dân.

***

Tin quốc tế

Chính trường Mỹ
VOA có bài: Tin nói cố vấn Tòa Bạch Ốc ‘ngán ngẩm’ Trump. Về tin ông Trump từng ra lệnh sa thải Công tố viên đặc biệt Robert Muller, khi trả lời phỏng vấn báo chí tại Davos, TT Trump đã bác bỏ tin ông ta ra lệnh sa thải Robert Mueller. Ông Trump cho rằng, thông tin chấn động mà báo New York Times đưa ra là “tin giả”. Trump bác bỏ và nói: “Tin vịt, các bạn ạ, tin vịt“.

Ông Muller được chỉ định điều tra về nghi án Nga can thiệp bầu cử Mỹ, cũng như có hay không chuyện ban vận động tranh cử của Trump thông đồng với Nga trong mùa bầu cử năm 2016. Theo báo New York Times, ông Trump đã ra lệnh sa thải ông Muller hồi tháng 6/2017, nhưng sau đó phải rút lại, do ông Donald McGahn, luật sư Tòa Bạch ốc, đe dọa sẽ từ chức vì cho rằng việc sa thải ông Mueller được xem là cản trở cuộc điều tra.

VOA đưa tin: Facebook: Nga tạo ra 129 sự kiện bầu cử ở Mỹ. Theo các văn bản điều trần mà Facebook gửi đến Quốc hội Mỹ, các đặc vụ Nga đã tạo ra 129 “sự kiện” trên mạng xã hội Facebook, trong chiến dịch bầu cử TT Mỹ 2016. Facebook cho hay 338.300 tài khoản khác nhau đã theo dõi các “sự kiện” đã nêu.

Bài viết có đoạn “[các thông tin điều trần của Facebook] phơi bày ra trước ánh sáng các cáo buộc cho rằng Nga đã tung những thông tin không trung thực nhắm vào cử tri Mỹ“. Nga đã bác bỏ tất cả các cáo buộc họ can thiệp vào bầu cử TT Mỹ năm 2016, còn TT Trump gọi các cuộc điều tra của Công tố viên đặc biệt Robert Muller là một cuộc “săn phù thủy“.


Căng thẳng Trung Đông
TTXVN đưa tin: TT Mỹ tuyên bố sắp đánh bại hoàn toàn IS ở Iraq và Syria. Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) ở Davos, Thụy Sĩ, TT Donald Trump tuyên bố: “Liên quân với mục tiêu đánh bại IS đã giành lại gần 100% lãnh thổ bị những kẻ sát nhân đó kiểm soát tại Iraq và Syria“.

Trong khi đó, trang Viet Times có bài: Mỹ mất tới 7.000 tỷ USD cho các chiến dịch quân sự ở Trung Đông. Theo bài viết, ông Trump nói với đài truyền hình CNBC: “Theo dữ liệu tính đến tháng trước, chúng ta đã chi 7 nghìn tỷ USD ở Trung Đông. Đó là tốn phí rất lớn. Và chúng ta dù sao vẫn trụ ở đó, tôi đã chiến thắng IS,… chúng ta đã làm tốt công việc“.

Con số 7000 tỷ USD tính đến tháng 1/2018, mà ông Trump đưa ra, không rõ đã chi trong khoảng thời gian cụ thể nào. Các công bố của Lầu Năm Góc, hay của Viện Watson của Đại học Brown, đều đưa ra các con số khác nhau về số tiền Mỹ bỏ ra cho các chiến dịch quân sự kể từ năm 2001 đến nay.

Về cuộc tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ nhằm vào người Kurd ở Syria, ngày 26/1, TT Tayyip Erdogan tuyên bố: Thổ Nhĩ Kỳ xác nhận khả năng mở rộng chiến dịch ‘Nhành Ôliu’ tại Syria. Ông Erdogan cho biết, Ankara sẽ tiếp tục các hoạt động quân sự cho đến khi quét sạch các chiến binh người Kurd ra khỏi khu vực dọc biên giới Thổ Nhĩ Kỳ-Syria. TT Erdogan nói thêm, chiến dịch quân sự này chỉ nhằm “chống khủng bố” và nước này không có ý định chiếm đóng Afrin.

Báo Pháp Luật TPHCM đưa tin: NATO bất ngờ ủng hộ chiến dịch của Thổ Nhĩ Kỳ. NATO lên tiếng ủng hộ phần nào chiến dịch “Nhành ô liu” mà Ankara đang thực hiện ở Syria. Tổng Thư ký NATO, ông Jens Stoltenberg cho rằng, Thổ Nhĩ Kỳ đã phải chịu hậu quả của khủng bố nhiều năm nay, và nước này cần được tư vệ. Tuy nhiên, NATO cũng kêu gọi Ankara “chừng mực” khi thực hiện chiến dịch “Nhành ôliu”.


Bán đảo Triều Tiên
Ngày 26/1, tại cuộc họp báo ở Moscow, khi trả lời câu hỏi về cáo buộc Nga nhập khẩu lại than đá từ Triều Tiên, ông Dmitry Peskov, người phát ngôn Điện Kremlin đã phủ nhận tin này. Ông Peskov cho biết,  Nga luôn tuân thủ mọi quy tắc của luật pháp quốc tế. Một quan chức Đại sứ quán Nga ở Triều Tiên cũng lên tiếng phủ nhận: “Đây là thông tin sai lệch. Nga không hề mua than đá từ Triều Tiên và cũng không là điểm trung chuyển than đá tới một quốc gia thứ 3“.


Bá quyền Trung Quốc
VOA có bài: Trung Quốc phác thảo viễn kiến cho ‘Con đường Tơ lụa Bắc Cực’. Theo bài viết: “Trung Quốc đang phác thảo những tham vọng bành trướng của mình, bằng Sáng kiến Vành đai và Con đường mang dấu ấn của Chủ tịch Tập Cận Bình, sang tới Bắc Cực“. Trung Quốc tuy không nằm gần Bắc Cực, nhưng nước này đang là “kẻ tham lam nhất” trong kế hoạch khai thác nơi đây.

Với việc băng tan ở Bắc Cực, Trung Quốc đang đẩy mạnh phát triển các tuyến vận tải hàng hải đến đó. Điều này đồng nghĩa với việc, Bắc Kinh nắm huyết mạch vận tải đến đây, khi đó kế hoạch khai thác Bắc Cực của Trung Quốc sẽ được thực hiện ồ ạt.

Trong Sách Trắng về Bắc Cực mới đây, Trung Quốc cho biết, nước này khuyến khích các doanh nghiệp tăng tốc triển khai cơ sở hạ tầng, để có thể tạo thành một “tạo thành một ‘Con đường Tơ lụa Bắc Cực‘”. Các nhà quan sát quốc tế đang lo ngại về mức độ tham lam của Trung Quốc tại Bắc Cực, như vơ vét tài nguyên, tàn phá môi trường thế giới của Trung Quốc.


***








No comments:

Post a Comment