Saturday, January 20, 2018

BẢN TIN SÁNG 20/1/2018 (Báo Tiếng Dân)




Tin trong nước

Về tưởng niệm Hải chiến Hoàng Sa
VTC có clip “44 năm Hải chiến Hoàng Sa”:

RFA đưa tin: Hà Nội hoãn ca nhạc Trung Quốc vào ngày mất Hoàng Sa. Bài viết cho biết: “Hãng tin AP của Mỹ cũng loan tải sự việc này và đề cập đến sự phản đối của dân chúng Việt Nam vì cho rằng một sự kiện liên quan đến Trung Quốc được tổ chức trong một ngày mất mát của quốc gia như thế là một sự xúc phạm”.

Lý do hoãn đêm diễn đoàn nghệ thuật Nội Mông đêm 19-1-2018, cựu đại tá Nguyễn Đăng Quang cho biết ông đã gọi điện cho ông Nguyễn Ngọc Thiện, Bộ trưởng Bộ Văn – Thể Du: “Ngay sau khi biết tin, 15h04 phút chiều qua (18/1/2018), tôi đã gọi điện thoại cho ông Nguyễn Ngọc Thiện yêu cầu ông Thiện với danh nghĩa Bộ trưởng Bộ Văn hóa ra quyết định hủy bỏ ngay buổi trình diễn nói trên của Đoàn Văn công Nội Mông.

Ông Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện nói là đang đi trên đường, và hứa là sẽ sớm xem xét, kết quả thế nào sẽ hồi âm cho tôi biết sớm! Lúc 10h09 phút sáng nay, ông Nguyễn Ngọc Thiện đã nhắn tin cho tôi, xin trích nguyên văn: ‘Tôi đã xử lý việc hôm qua rồi, bác nhé! Cảm ơn bác đã góp ý. Rất mong tiếp tục nhận được các ý kiến góp ý với Ngành’!”

Không chỉ ông Quang nhắn tin cho ông Thiện, mà rất nhiều nhà hoạt động đã làm công việc tương tự. Facebooker Tung Dang cho biết, anh đã nhắn tin cho ông Thiện và kêu gọi mọi người hãy làm như mình. Anh viết: “Lúc đầu, ông ấy nhắn tin là do Liên hiệp các tổ chức Hữu nghị tổ chức, nhưng sau đó có điện thoại lại, nói cho mình là: Các anh nói đúng và hứa sẽ kiểm tra, xem xét việc này“.

VOA có bài của nhà báo Trân Văn: Có thể chín người… một ý không? Tác giả gợi ý: “Khi thảo luận với Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam về việc tổ chức các hoạt động kỷ niệm 68 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Trung Quốc và Việt Nam, những viên chức hữu trách của Bộ Văn hóa – Thể thao – Du lịch không nhớ sự kiện 19 tháng 1 năm 1974 – nay dựa trên dân ý, chúng tôi quyết định hoãn buổi biểu diễn đó, đồng thời tái khẳng định, quần đảo Hoàng Sa là của Việt Nam…”

BBC có bài: Hoàng Sa 1974: Chính phủ Mỹ nói gì? Bài viết cung cấp một số thông tin về cái nhìn của Chính phủ Mỹ đối với Hải chiến Hoàng Sa, “dựa theo các tài liệu đã giải mật của Hoa Kỳ”Báo cáo cho biết, căng thẳng bắt đầu khi chính phủ VNCH tuyên bố khẳng định chủ quyền ở quần đảo Trường Sa hồi tháng 9/1973.

Bắc Kinh bỏ qua tuyên bố này, nhưng đến ngày 11/1/1074 Bộ Ngoại giao TQ tái khẳng định chủ quyền ở Trường Sa, Hoàng Sa và Bãi Macclesfield. Rồi hai phía đưa quân tới các nhóm đảo Hoàng Sa. Căng thẳng diễn ra, CIA nói Trung Quốc ‘rõ ràng đã có chuẩn bị’ cho diễn biến đánh chiếm Hoàng Sa.

Giám đốc tình báo CIA, ông William Colby trả lời về phản ứng của phía Bắc Việt trong ngày “bạn vàng” thâu tóm Hoàng Sa: “Họ bỏ qua, nói rằng nó nằm dưới Vĩ tuyến 17 và vì thế không có ảnh hưởng đến họ. Nói chung, họ không đưa ra lập trường, không theo bên nào”.

Clip phỏng vấn cựu Thiếu tá Hải quân Lương Văn Phước, là người từng tham gia trận Hải chiến Hoàng Sa ngày 19-1-1974:

Blogger Hoàng Trần nhắc lại cuộc đụng độ năm 1974, tại Tân Sơn Nhất giữa Trung tướng Ngô Du và Thiếu tướng Lê Quang Hòa và ý kiến của Lê Đức Thọ, Lê Duẩn ngay sau khi Trung Quốc chiếm Hoàng Sa 19-1-1974.

Bài viết có đoạn: “Cũng trong mấy ngày đó, đài Sài gòn và BBC liên tục đưa tin về sự kiện Hoàng sa. Những người nghe lén đài địch phát rất rõ đã rỉ tai nhau về việc này tại Hà nội. Nhưng giải thích mơ hồ, ngây ngô  và vắn tắt từ trên đưa xuống tới các chi bộ Tiểu khu (cấp phường) là bạn giải phóng giúp, sẽ trả lại sau này làm dư luận bớt xầm xì“.

VTC có clip đánh giá về hải chiến Hoàng Sa 1974:

Blogger Phương Thơ lưu ý“Chủ quyền biển đảo của VN sau này nó sẽ nâng đỡ đến 70% giá trị kinh tế GDP của VN, nó là những tài sản vô giá mà người VN cần bảo vệ nó. Vì địa thế chiến lược trong kinh tế vận chuyển toàn cầu của VN vô cùng quan trọng. TQ thì biết điều này nên họ hay ve vãn những kẻ thân Tàu”.
Chuyện chính trường Việt Nam
Lãnh đạo không lấy dân làm gốc nữa, bây giờ cán bộ mới là gốc. TBT Nguyễn Phú Trọng đã nói: “Cán bộ đóng vai trò quan trọng trong thực hiện đường lối, nhưng có lúc cán bộ nào đường lối đó. Cho nên ngày càng thấy công tác cán bộ là quan trọng, cán bộ là cái gốc của công việc, nguyên nhân của mọi nguyên nhân”.

Báo Dân Trí nhận định: “Then chốt trục trặc” bởi quyền lực tác oai tác quái. Bài viết bàn đến hiện tượng ở phần ngọn: “Khi bổ nhiệm không đúng người vào đúng vị trí, thì cái sai của một cá nhân, một nhóm cá nhân rất dễ trở thành ‘sai hệ thống’,” nhưng bỏ qua “lỗi hệ thống” ở phần gốc, đã khiến những cá nhân “hồng hơn chuyên” được bổ nhiệm làm lãnh đạo.

Nhờ khái niệm “đúng quy trình”, hiện tượng “tham nhũng quyền lực” vẫn còn là vấn nạn quốc gia tiếp tục làm nghèo đất nước. “Không dưng những người bổ nhiệm lại lách quy trình, lại bất chấp dư luận để cài cắm người thân, con cháu, người nhà vào hệ thống. Việc này nhằm tạo “vây cánh” để củng cố quyền lực và lũng đoạn tổ chức”.

VOA đưa tin: Đầu tư nước ngoài quan tâm việc Việt Nam chống tham nhũng. Bài viết dẫn lời GS Carl Thayer, bình luận hiện tượng tham nhũng “dường như không ảnh hưởng đến dòng vốn đầu tư nước ngoài nhưng nó làm tổn thương Việt Nam”.


“Phiên tòa lịch sử” và những bất ổn của thể chế
VOA có bài: Xử Thăng-Thanh sao cho không ‘vỡ bình’. TS Nguyễn Quang A nhận định, vụ xử ông Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh đã được tính toán kỹ lưỡng từ trước, để vừa có vẻ “chống tham nhũng”, nhưng không gây nhiều tác hại đến thể chế. “Nếu xử dở, xử lấy lệ thì rất có hại cho họ. Nhưng nếu xử rất nghiêm túc thì lúc đấy có thể còn có hại hơn nữa bởi vì sẽ đụng đến không biết bao nhiêu người”.

Bản chất của chiến dịch “đốt lò” vẫn là hành động lạm quyền, là yếu tố hợp thức hóa quá trình tập trung quyền lực vào tay Bộ Chính trị, vào tay Tổng Bí thư. Cho nên, bàn về “hiệu quả” của phiên tòa lịch sử, TS Hà Hoàng Hợp cho rằng, “tham nhũng không thể chống bằng tham nhũng hay bằng bất kỳ hình thức nào không đúng pháp quyền”.

BBC đặt câu hỏi: VN trả giá mô hình qua vụ Thăng – Thanh? TS Jonathan London phân tích về diễn biến đằng sau “phiên tòa lịch sử”: “Những gì mà chúng ta đang thấy tiếp diễn không phải là vấn đề pháp luật, nó là một chuyện chính trị, một quá trình chính trị. Nó cũng là một cách thức và một hậu quả của một quá trình đã kéo dài khoảng 20 hoặc 30 năm”.

Ông London lưu ý thêm một số hậu quả kinh tế, ngoại giao trong chiến dịch “đốt lò”: “Chẳng hạn vấn đề ‘bắt cóc’ Trịnh Xuân Thanh ở bên Đức có khả năng có hậu quả với hiệp định thương mại giữa Việt Nam và châu Âu, là một hiệp định vô cùng quan trọng cho nền kinh tế của Việt Nam”.  


Khi quân đội “giỏi” kinh tế
BBC có bài: Tại sao Chính phủ Việt Nam đổi tên Tập đoàn Viettel? Về nghị định 05/2018/ND-CP, cho phép “Viettel quản lý hệ thống viễn thông cũng như ‘thiết kế, nghiên cứu, phát triển, sản xuất, lắp ráp và sửa chữa hệ thống liên lạc quân sự và các thiết bị khác’,” ông Jon Grevatt, nhà phân tích công nghiệp quốc phòng, cho rằng, đây “có thể là hướng phát triển hệ thống C4ISR, là hệ thống chỉ huy, kiểm soát, thông tin liên lạc tình báo và trinh sát”.

Tuy nhiên, theo GS Carl Thayer, nhà nghiên cứu và phân tích chính trị Việt Nam, nói rằng đây chỉ là “vỏ bọc hoàn hảo” để “hợp thức hóa và thu giữ lợi nhuận”. Ông Thayer cho biết thêm, “ông nghi ngờ liệu chính phủ Việt Nam có bất cứ hệ thống nào giám sát hiệu quả các hoạt động thu chi ngân sách của Bộ Quốc Phòng”.

Ô nhiễm môi trường
Báo Người Lao Động đưa tin: TP HCM: Xuất hiện mù khô ảnh hưởng tầm nhìn và sức khỏe. Trung tâm Quan trắc – Sở Tài nguyên Môi trường TPHCM lý giải về hiện tượng “mù khô”, tức sương mù quang hóa: “TP HCM có mật độ đô thị hoá cao, nhiều phương tiện giao thông, nhiều nhà máy có khí thải… Ngoài ra, TP đang phải tiếp nhận thêm ô nhiễm không khí từ các thành phố công nghiệp ở Đồng Nai, Bình Dương khuếch tán theo hướng gió”.
Người dân Sài Gòn không còn được hưởng bầu không khí của “hòn ngọc Viễn Đông” ngày nào: “Khi xuất hiện hiện tượng này, người dân hạn chế ra ngoài và tham gia giao thông. Nếu có nhu cầu ra ngoài cần đeo khẩu trang, kính che toàn bộ mắt và che chắn khi tiếp xúc trực tiếp với sương mù ô nhiễm… Hạn chế phơi áo quần, thực phẩm. Hạn chế sử dụng nước mưa”.

Những ngày qua, bầu trời ở TP HCM có màu trắng đục và người đân lưu thông trên đường có cảm giác cay mắt. Ảnh: NLĐ

Báo Pháp Luật TP HCM cho biết: TP.HCM xuất hiện sương mù nguy hiểm. Bài viết có đoạn: “Hiện tượng sương mù quang hóa xảy ra tại TP.HCM mang tính chu kỳ vào khoảng 4-7 ngày trong tháng 10 hằng năm khi gió mùa Tây Nam suy yếu và khối không khí lạnh từ phía Bắc được khuếch tán xuống phía Nam”.

Báo Một Thế Giới nhận định: Không khí tại TP.HCM ở mức rất có hại cho sức khỏe. Bài viết có đoạn: “Không khí ở TP.HCM ít ô nhiễm hơn Hà Nội nhưng lại có chiều hướng tăng. Theo thống kê, trong 3 tháng đầu năm 2017, có 6 ngày nồng độ PM 2.5 vượt quá quy chuẩn quốc gia… Đặc biệt, số giờ có chỉ số AQI ở mức “có hại cho sức khỏe” của năm 2017 tăng hơn 15 lần so với 2016”.

Quyết định đổi môi trường lấy kinh tế vẫn là một trong các nguyên nhân chính: “Nguồn gây ô nhiễm được cho là đến từ các nhà máy nhiệt điện than, các hoạt động giao thông, công nghiệp và theo gió thổi từ các nước láng giềng”.

                     https://www.youtube.com/watch?v=Ptb7hq9HFZ8

Nhân quyền ở Việt Nam
RFA có bài: Luật Tín ngưỡng, tôn giáo 2018: Đi ngược với tự do tôn giáo thế giới. LM Nguyễn Thanh Tịnh, Giáo phận Vinh, chỉ ra những rào cản tôn giáo trong Luật Tín ngưỡng Tôn Giáo bắt đầu có hiệu lực từ tháng 1/2018: “Trong Luật Giáo dục thì không công nhận để cho tổ chức tôn giáo mở các trường tư thục của tôn giáo. Cho nên chính Luật Giáo dục lại hạn chế lại Luật Tôn giáo… Nhưng luật đất đai không công nhận không cho tổ chức tôn giáo thừa kế hoặc tặng, mua bán, chỉ có con đường là nhà nước cấp thôi”.
Mục sư Nguyễn Mạnh Hùng nhận xét cách chính quyền làm luật về tôn giáo: “Thật sự họ thòng thêm 1 câu phía sau là ‘theo qui định của pháp luật’, rồi lại thêm những văn bản hướng dẫn. Thành ra tự do nhưng phải theo qui định của người ta, tức là những văn bản dưới luật là những văn bản thực hiện. Thật sự mà nói là nó không tự do như trước kia và nó còn đi lùi lại”.
RFA nhận định: Ảnh hưởng Trung Quốc hạn chế dân chủ tại Việt Nam. Ông Arch Puddington, đại diện tổ chức Freedom House, bình luận về tình hình nhân quyền Việt Nam: “Về cơ bản, Việt Nam vẫn tiếp tục nằm trong số các quốc gia không có tự do. Chúng tôi đánh giá điều này dựa trên những tiêu chí liên quan đến các quyền tự do về chính trị, mức độ tham nhũng, cải cách dân chủ, tự do báo chí, tự do internet…”
Theo ông Puddington, mối liên hệ giữa ĐCSVN và “bạn vàng” là một lý do khiến người Việt phải sống trong một môi trường phản dân chủ: “Ở Việt Nam thì tự do dân chủ vẫn đang bị kiểm soát và một trong những lý do chính là liên quan tới Trung Quốc, nơi mà quyền tự do dân chủ của người dân cũng đang bị kiểm soát chặt chẽ”.
Thực trạng buồn của quyền tự do ngôn luận ở Việt Nam: Viết Facebook, nhiều người bị ‘mời lên phường’. Nhà hoạt động Nguyễn Thúy Hạnh kể với BBC: “Đã ít nhất sáu lần bị ‘mời lên phường’, trong đó bốn lần do nội dung bà viết trên Facebook”. Theo bà Hạnh, “nhiều người trong giới hoạt động đòi dân chủ tại Việt Nam cũng bị nhiều lần ‘mời lên phường’, hoặc ‘ép lên phường’ vì những nguyên nhân tương tự”.
Theo LS Phùng Thanh Sơn, những người được “mời” theo kiểu như vậy hoàn toàn có quyền từ chối lời mời. “Hiện tại không có bất kỳ quy định nào quy định khi người dân nhận được giấy mời của cơ quan có thẩm quyền (kể cả công an) thì phải đi hoặc là sẽ bị chế tài”. LS Sơn lưu ý: “Nếu là lệnh ‘triệu tập’ thì rắc rối hơn, nhưng ‘chỉ những người tiến hành tố tụng như điều tra viên, thẩm phán được phân công thụ lý vụ án mới được triệu tập’.”
***

Tin quốc tế

Chính trường Mỹ 
Nghi án Nga can thiệp bầu cử Mỹ năm 2016 có thêm diễn biến mới. Luật sư Nhà Trắng Ty Cobb, ngày 18/1 nói với báo chí: TT Trump sẵn sàng chịu thẩm vấn của công tố viên đặc biệt Mueller. Theo lời ông Cobb,  ông Trump “rất muốn giải thích mọi điều với công tố viên đặc biệt… và cung cấp những lời khai cần thiết để kết thúc vụ việc”.

Công tố viên đặc biệt Muller, cùng các cộng sự đang điều tra nghi án TT Trump thông đồng với Nga trong bầu cử 2016. Trước đây ít ngày, Trump đã từ chối trả lời thẩm vấn của nhóm điều tra do Muller dẫn đầu, giờ đây ông lại đồng ý. Với tính cách thay đổi như trẻ con, có trời mới biết, tuần sau Trump có đổi ý tiếp hay không?

Trên VOA có bài phân tích: Ngân sách chính phủ Mỹ mắc kẹt vì vấn đề di dân. Theo bài viết, cả TT Trump và các đảng viên Cộng hòa ủng hộ ông, những người đảng Dân Chủ phản đối chính sách di dân của Trump, đều đang ở thế “tiến thoái lưỡng nan”, chỉ vì vấn đề dân nhập cư.

Những tranh luận nổ ra triền miên nhưng chưa đạt được thỏa thuận nào đáng kể, đã đặt chính phủ Mỹ vào cảnh phải đóng cửa tạm thời. Ông Trump đã phải hủy chuyến đi nghỉ mát ở Florida vì lý do chính phủ Mỹ có nguy cơ bị đóng cửa.

Theo nhận xét của Facebooker Phạm Thanh Giao: Đảng Dân chủ muốn bất cứ dự luật ngân sách nào cũng phải gắn với bảo vệ cho các di dân trẻ tuổi, yếu thế khỏi bị trục xuất. Còn phe Cộng hòa thì chỉ “muốn có cái chi phiếu trắng để tha hồ ký cho Trump xài thả ga”. Chỉ tính riêng tiền bảo vệ cho TT Trump đi đánh golf năm 2017 đã ngốn 100 triệu USD ngân sách.

Quan hệ Mỹ – Nga – Trung
Ngày 19/1, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis công bố chiến lược an ninh quốc gia mới. Theo đó, Mỹ đổi trọng tâm chiến lược an ninh quốc gia, tập trung vào Trung Quốc và Nga. Để đối phó với Nga và Trung Quốc, Mỹ đã chuyển trọng tâm của chiến lược an ninh từ chống khủng bố, chuyển sang “ưu tiên đương đầu với sự thách thức và cạnh tranh của các nước khác như Trung Quốc và Nga“.

Ông Mattis nói: “Chúng tôi sẽ tiếp tục tiến hành chiến dịch chống chủ nghĩa khủng bố như đang làm ngày hôm nay, nhưng sự cạnh tranh của các cường quốc khác như Trung Quốc và Nga, giờ sẽ là trọng tâm của an ninh quốc gia, chứ không phải chủ nghĩa khủng bố“.

RFI có bài phân tích, có tựa đề: Donald Trump làm lung lay thế giới tự do, Nga-Trung thủ lợi. Theo đó, trong một năm cầm quyền ông Trump đã làm thế giới tự do xáo trộn. Năm thứ 2 của nhiệm kỳ, có thể Trump còn làm lung lay, hỗn loạn thế giới tự do hơn nữa. Từ việc TT Trump rút khỏi TPP, hủy tham gia Hiệp ước chống biến đổi khí hậu 2015, hay đe dọa rút khỏi NAFTA, WTO… Chưa dùng ở đó, chính quyền của TT Trump liên tục đe dọa xem xét các thỏa thuận hạt nhân với Iran và Bắc Hàn.

Trong khi đó, với chính sách thuế mới, Trump đang làm xói mòn niềm tin của dân chúng vì một tương lai nợ nần. Việc Mỹ cắt giảm viện trợ các nước, những phát biểu kỳ thị của Trump về Haiti và châu Phi cũng làm hình ảnh Mỹ trở nên “xấu xí”. Vladimir Putin, Tập Cận Bình, Rodrigo Duterte đều được Trump ca ngợi vì “tính hiệu quả”. Trong tất cả các bài phát biểu của mình, Trump chưa bao giờ nói đến các giá trị tự do, dân chủ, nhân quyền… Với hàng loạt bê bối như thế, Trump đang sẽ làm lung lay thế giới tự do.

Và những nhà độc tài khét tiếng như: Tập Cận Bình, Putin và thậm chí là cả Việt Nam đều thấy rất vui mừng với những chính sách và lời nói của Trump. Bài viết có đoạn: “Cứ mỗi lần Donald Trump gây rắc rối, có ít nhất hai ‘đồng nghiệp’ đắc chí, đó là Vladimir Putin và Tập Cận Bình. Riêng về việc làm xấu đi hình ảnh của nền tự do dân chủ, ông Trump là vô địch”. 


Bá quyền Trung Quốc
VOA đưa tin: TQ dự định đưa ‘tư tưởng Tập’ vào hiến pháp nhà nước. Theo bài viết, Điều lệ ĐCS của Trung Quốc đã được sửa đổi để đưa vào “Tư tưởng Tập Cận Bình về Chủ nghĩa Xã hội với Đặc trưng Trung Quốc cho Kỷ nguyên Mới“. Mới đây, các quan chức Trung Quốc còn bàn đến chuyện “nhét tư tưởng Tập” vào Hiến pháp nước này. Đây là một trong những bước đi nhằm củng cố ngai vàng tuyệt đối của ông Tập ở đế chế Trung Hoa.

Về chiến lược dùng tiền mua chuộc các nước khác của Bắc Kinh, Soha có bài: Mặt trái của viện trợ Trung Quốc dành cho Campuchia. Bài viết cho biết, những năm gần đây, Trung Quốc đã đổ rất nhiều tiền vào Campuchia, từ các khoản đầu tư đến viện trợ. Điều này đã làm cho chính phủ Hun Sen biến thành cái bóng và là “đứa em nhỏ nhoi” của Bắc Kinh. Việc nhận được quá nhiều tiền từ chính sách mua chuộc của Bắc Kinh, tất nhiên sẽ làm Phnom Penh rất vui. Nhưng nhiều mặt trái của “đồng tiền Trung Hoa” cũng đang chờ đợi nước này.

Mặt trái đầu tiên đó là, do bị Trung Quốc mua chuộc, Campuchia đã xa rời, thậm chí đoạn tuyệt với Mỹ và EU. Điều này làm cho các giá trị dân chủ của quốc gia này đi xuống một cách tồi tệ. Những hệ lụy từ môi trường trong các dự án Trung Quốc đang triển khai ở đây cũng là điều mà thế giới lo ngại. Vấn đề thứ 3 là, Campuchia sẽ trở thành con nợ không có khả năng chi trả, khi đó việc bán đất, cắt đất cho Trung Quốc với thời hạn 99 năm là điều chắc chắn xảy ra.


Bán đảo Triều Tiên
VOV đưa tin: Trung Quốc bác bỏ cáo buộc giao dịch hàng cấm với Triều Tiên. Trước thông tin WSJ công bố về việc 6 tàu của Trung Quốc có giao dịch với Bắc Hàn, ngày 19/1, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã phủ nhận các cáo buộc của Mỹ, về việc nước này “đi cửa hậu” để giao dịch bất hợp pháp với Bắc Hàn.

Bắc Kinh tuyên bố: “Trung Quốc luôn tuân thủ các nghị quyết trừng phạt của LHQ đối với Triều Tiên, đồng thời khẳng định, bất cứ biện pháp nào do HĐBA LHQ đưa ra cần căn cứ vào bằng chứng và sự thật tin cậy“. Đây là lần thứ 2 Bắc Kinh bị bắt quả tang khi đang “chui cửa sau” để lén lút làm ăn với Bình Nhưỡng, bất chấp cấm vận của LHQ.


***

***







No comments:

Post a Comment