Wednesday, January 10, 2018

BẢN TIN SÁNG 10/1/2018 (Báo Tiếng Dân)




Tin trong nước

Tin Biển Đông
Trang VOA đưa tin: Mỹ đả kích TQ về các hành động quân sự hóa Biển Đông. Ông Brian Hook, cố vấn cấp cao của Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson, nói rằng, Washington sẽ chống đối bất kỳ hành động đơn phương nào của Trung Quốc trên Biển Đông. Ông Hook nhấn mạnh: “Hành động khiêu khích của Trung Quốc, quân sự hóa Biển Đông, cho thấy Trung Quốc đang thách thức luật pháp quốc tế. Bắc Kinh đang hiếp đáp các nước nhỏ hơn theo những cách đã làm tăng căng thẳng cho hệ thống toàn cầu”.

Ông Hook nói thêm: “Chúng tôi mạnh mẽ tin rằng sự trỗi dậy của Trung Quốc không thể diễn ra bằng cách phương hại tới các giá trị và trật tự thế giới dựa trên khái niệm pháp quyền. Trật tự đó là nền tảng của hòa bình và ổn định trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và trên toàn cầu”.

VOA đưa tin: Philippines phản đối TQ quân sự hóa đá Chữ Thập. Ông Delfin Lorenzana, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines tuyên bố, Philippines “sẽ nộp đơn khiếu nại chính thức đối với Trung Quốc, nếu xác minh được rằng cơ sở vật chất trên đá Chữ Thập đã được ‘quân sự hóa’.”

Thời báo Manila trích lời ông Lorenzana, nói rằng, “chính phủ Trung Quốc đã đồng ý một cách cụ thể về không quân sự hóa các hòn đảo khi chúng được Philippines bàn giao“, nhưng “nếu họ đã đưa binh lính lên đó và thậm chí cả vũ khí có thể tăng cường phòng thủ của họ ở đó … đó sẽ là một sự vi phạm những gì họ đã nói“.


Cuộc chiến trên không gian mạng
Nỗ lực “kiểm soát tư tưởng” của Đảng trong kỷ nguyên số: Việt Nam tăng cường ‘bảo vệ Tổ quốc và Đảng’ trên mạng. Sau khi quân đội công khai “lực lượng 47” để đấu tranh, tuyên truyền trên mạng, chẳng bao lâu sau, đến lượt Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc công bố thành lập Bộ tư lệnh tác chiến không gian mạng.

Các “lực lượng tác chiến” trên không gian mạng này được “trang bị vũ khí đồng bộ, hiện đại nhất”. Một chuyên gia IT giấu tên nói với VOA: “Cụ thể trang bị cái gì, huấn luyện thế nào, phương án tác chiến ra sao thì thuộc về bí mật quân sự”. Cho dù lực lượng tác chiến này có được trang bị đến tận răng, được trả lương bằng những đồng tiền thuế của dân chúng, nhưng họ không thể thắng mạng xã hội khi cư dân mạng chỉ có một thứ vũ khí duy nhất là “sự thật”.


Phiên xử Đinh La Thăng và đồng phạm: ngày thứ 2
Ông Đinh La Thăng lý giải sai lầm của mình: Sáng tạo với vi phạm rất mong manh. Trả lời chất vấn trong phiên tòa chiều 9/1/2018, ông Thăng cho rằng điều kiện bối cảnh, hành lang pháp lý của 10 năm trước “chưa hoàn thiện”: Do “vừa làm vừa rút kinh nghiệm, vì vậy giữa cái quyết liệt, năng động, sáng tạo với cái vi phạm khuyết điểm rất mong manh, khó tránh khỏi”.

Báo Thanh Niên đưa tin: Bị cáo Đinh La Thăng kiến nghị xác định lại giá trị thiệt hại. Cuối phiên xử buổi chiều 9/1/2018, lúc trả lời câu hỏi về các kết quả giám định, ông Đinh La Thăng cho biết: “Vì thời gian hơi gấp, và do quy định trong Trại giam T16”, nên ông đã không có điều kiện đọc bản kết luận của các cơ quan giám định. Ông Thăng vẫn tôn trọng kết luận giám định của Bộ Tài Chính, “nhưng đề nghị HĐXX và cơ quan giám định cho xác định lại giá trị thiệt hại”.

Kết thúc phiên xử chiều 9/1/2018, ông Đinh La Thăng nhận trách nhiệm của người đứng đầu. Mâu thuẫn trong lời khai của ông Thăng và ông Thanh: Ông Thăng cho rằng, “PVC có đủ năng lực tài chính để triển khai dự án”, thậm chí, chuyện chỉ định PVC làm tổng thầu là “chủ trương đúng, có ý kiến chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ”.

Ông Trịnh Xuân Thanh lại thừa nhận: “Bị cáo và các lãnh đạo PVC rất mừng vì được lựa chọn làm tổng thầu. Mặc dù bị cáo biết năng lực của PVC chưa đạt”. Về chuyện hợp đồng số 33, ông Thanh khai rằng lãnh đạo PVN, trong đó có ông Thăng, đã yêu cầu “phải thành công trong quý I-2011”. Ban tổng giám đốc PVC báo cáo không thể làm kịp hồ sơ, nhưng lãnh đạo PVN vẫn “quyết định bảo đảm khởi công theo đúng kế hoạch”.

Chuyện ông Đinh La Thăng thừa nhận: chỉ định thầu là do chủ trương của Bộ Chính trị, Facebooker Ngô Trường An viết“Phiên tòa xử Trịnh Xuân Thanh và Đinh La Thăng hôm nay cho ta thấy rõ ai mới là kẻ phá hoại đât nước, ai mới là kẻ ngáng chân không cho đất nước phát triển và ai mới là kẻ gây cho dân tộc lâm vài cảnh đói nghèo!”.



Dư luận nói về phiên xử: Người dân quan tâm đến đại án Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh ra sao? Một nghệ sĩ tại Đà Nẵng đánh giá: “Cái vụ này thật ra là đấu đá nội bộ với nhau, lấy từ quyền lợi của phe này chuyển qua phe khác thôi chứ có gì đâu. Chứ như nói về dầu khí thì có biết bao nhiêu thằng, có bao nhiêu thằng mà sao nó không lôi ra, nói chung đụng là loạn”.

Một nhà văn từ Sài Gòn chia sẻ: “Bây giờ nước mình nát bấy rồi, thành ra bây giờ cứ để nó đánh tham nhũng coi chơi,… mặc dù diệt tham nhũng này tham nhũng khác mọc ra, nhưng việc đó tính sau chứ giờ diệt tham nhũng thì mình khoái đã, đằng nào mình cũng không thể xấu hơn được nữa”.

Dịch giả Hùng Hà có bài dịch từ báo Đức: Việt Nam đã hành xử bên lề quốc tế như thế nào? Chuyên gia nghiên cứu chính trị Việt Nam, ông Carlyle Thayer không thể lý giải được “điều gì thực sự đã thúc đẩy” những lãnh đạo và an ninh Việt Nam tới bước đường vi phạm luật pháp Đức. LS Petra Schlagenhauf của Trịnh Xuân Thanh cho rằng, “Việt Nam không phải là một quốc gia pháp quyền”.


Những khuất tất trong vụ án Phạm Công Danh, Trầm Bê
Kết luận của Viện kiểm sát trong ngày xử thứ 2: Hành vi của ông Trầm Bê trái quy định, gây hậu quả nghiêm trọng. Theo VKS, ông Trầm Bê cùng Phan Huy Khang đã cho ông Phạm Công Danh vay 1.800 tỷ đồng dựa trên hồ sơ khống. Cáo trạng nhận định: Trầm Bê đã “giúp sức tích cực” cho Phạm Công Danh gây thiệt hại lớn ở VNCB, “hành vi này đã phạm vào tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.

Báo Dân Việt đặt câu hỏi: Sao lại truy tố Phạm Công Danh và Trầm Bê tội “Cố ý làm trái…”? Tác giả cho rằng, hành vi lập chứng từ khống, lấy tiền từ Ngân hàng VNCB “làm tài sản đảm bảo cho khoản vay 1.800 tỷ đồng”“sử dụng các khoản vay không đúng cam kết” trong vụ án Phạm Công Danh, Trầm Bê phù hợp với tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, hơn là tội “Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.

Tuy nhiên, “chưa chuyên gia pháp luật nào dám lên tiếng về điều này (?!)”. Kịch bản “sai phạm một đằng, tuyên tội một nẻo” khi xuất hiện thường gắn liền với một nút thắt chính trị – kinh tế vẫn chưa lộ diện. Điển hình là trường hợp Vũ “nhôm”, một “mafia đỏ” chuyên thao túng đất công sản lại bị kết tội “Cố ý làm lộ bí mật nhà nước”.


Đất nước thời “tận thu”
Báo Người Lao Động có bài phân tích tổng hợp: Nóng bỏng giá và phí. Khái niệm “bình ổn giá” thực tế chỉ là sự ngụy biện để “nhóm lợi ích xâu xé, đưa hàng bình ổn ra thị trường giá vẫn cao”. Hàng Việt thì có dấu hiệu “đuối sức” trên chính thị trường Việt: “Chỉ có 100/700 điểm siêu thị trên cả nước nhưng các doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài chiếm trên 50% thị phần bán lẻ vì một điểm bán của họ gấp 5-7 lần siêu thị Việt Nam”.

Cục Quản lý giá – Bộ Tài chính thừa nhận, “lạm phát năm 2018 dự báo sẽ chịu ảnh hưởng trước hết bởi lộ trình điều chỉnh giá các dịch vụ do nhà nước quản lý”, gồm giá dịch vụ khám chữa bệnh, giá nhóm dịch vụ giáo dục, giá điện. Giá cả các dịch vụ thiết yếu này đều được dự báo sẽ tăng.


Vì dân hay vì BOT
Lãnh đạo bắt đầu có dấu hiệu chọn BOT thay vì chọn dân: Xử lý nghiêm hành vi quá khích tại các trạm BOT. Truyền hình nhà nước ghi nhận: “Những ngày qua tình trạng căng thẳng tại các trạm BOT Cần Thơ – Phụng Hiệp và Sóc Trăng đã lên đến đỉnh điểm”.

Về chuyện các tài xế dùng tiền lẻ để đấu tranh ôn hòa, Đoàn công tác của Bộ Giao thông vận tải cho rằng, đó là hành vi “cố tình làm tắc nghẽn giao thông”“hành vi quá khích, thậm chí hủy hoại tài sản”. Vẫn giọng điệu quen thuộc, các quan chức dùng ngay từ “quá khích” khi chưa hề lý giải biểu hiện và nguyên do. Trước đó, đã có chuyện công an huyện Châu Thành hành hung tài xế phản đối BOT Sóc Trăng.

Về chuyện “hủy hoại tài sản”, do dân hay nhân viên BOT: Nhân viên BOT Sóc Trăng hạ barie làm vỡ kính ô tô, tài xế nổi đóa đòi đền bù. Sự kiện xảy ra lúc 15 giờ ngày 9/1/12018, ngày thứ 3 liên tiếp, tài xế phản đối trạm thu phí Sóc Trăng, “một ô tô khi đi qua trạm thì bị thanh barie bất ngờ hạ xuống, đập vào làm vỡ kính”. Tài xế đã chấp nhận lái xe đi để kịp giao hàng và cho biết “sẽ quay lại yêu cầu trạm thu phí đền bù thiệt hại”.

Trong khi chưa tìm ra được giải pháp cho BOT Sóc Trăng, nhà đầu tư quyết định: BOT Bạc Liêu giảm giá thu phí cho dân vùng lân cận. Thông báo về chuyện “giảm giá vé cho người dân lân cận của BOT Bạc Liêu, bắt đầu từ 0h ngày 10/1”được ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH BOT Quốc lộ 1 Bạc Liêu, là chủ đầu tư BOT Sóc Trăng, công bố.

Trang Thanh Niên Công Giáo chia sẻ: Tài xế Long Huỳnh là khắc tinh của “lộ tặc”. Tác giả cho biết: “Suốt tuần qua anh Long Huỳnh và một số chiến hữu đã có chuyến ‘thăm gặp’ các BOT trên Quốc lộ 1A khu vực Miền Trung. Hôm nay (09/1/2017) các anh ấy tiếp tục xuôi về Miền Tây”.


Phản biện
Báo Giáo Dục VN có bài: Đâu là vực thẳm của xã hội? Bàn về phản biện, tác cho rằng, “Không thừa nhận phản biện là dập tắt mâu thuẫn, dập tắt mâu thuẫn là kìm hãm sự phát triển, kìm hãm sự phát triển được hiểu theo nghĩa Hán – Nôm là ‘phản động’. Tức là phản lại sự vận động tiến bộ“.

Tác giả viết tiếp: “Vực thẳm của xã hội là thấy sai không dám nói, thấy đúng không dám bảo vệ, xun xoe tất cả hòng vun vén lợi ích cá nhân… Tôn trọng phản biện là tôn trọng quy luật khách quan, tôn trọng quy luật khách quan là không đi vào vết xe đổ của lịch sử“.

Ô nhiễm môi trường ở Việt Nam
Về chuyện học sinh ngất xỉu do khí độc từ nhà máy hôm 6/1/2018: Kiến nghị di dời nhà máy thép làm học sinh ngất xỉu hàng loạt. Sở TNMT Hải Phòng đánh giá rằng Công ty CP Thép Việt Nhật “có hoạt động luyện phôi thép từ các loại phế liệu có lẫn tạp chất, phát sinh khí thải độc hại ảnh hưởng đến môi trường, sức khỏe của giáo viên, học sinh và nhân dân xung quanh khu vực”.

Lãnh đạo Sở TNMT Hải Phòng cho biết, họ đã đề xuất với UBND TP Hải Phòng để yêu cầu Công ty Thép Việt Nhật “tạm dừng hoạt động của dây chuyền luyện thép để khắc phục sự cố; báo cáo việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường, không sử dụng phế liệu trong nước có nhiều tạp chất”.


Chuyện dẹp vỉa hè của ông Đoàn Ngọc Hải
Về chuyện ông Đoàn Ngọc Hải xin từ chức, Facebooker Phạm Lan Phương viết: Ông Hải và người bán hàng rong. Bài viết không bàn đến chuyện ông Hải giữ lời hứa, chỉ so sánh chuyện ông Hải “dẹp vỉa hè” một cách chủ quan, với các quá trình chuyên nghiệp hóa ngành hàng rong rất công phu bên Singapore và Thái Lan.

Ở Singapore thòi ông Lý Quang Diệu, để vừa “làm sạch thành phố”, vừa giúp người bán hành rong giữ kế sinh nhai: “Toàn bộ quy trình trên diễn ra từ thập niên 1950 đến 1980, 30 năm tròn giữa nghiên cứu, thỏa thuận, cân đong chính sách, giáo dục”. Ông Hải quả thực đã giữ lời hứa, nhưng về cách làm trước đó, ông đơn giản là xuống đường, thấy gánh hàng rong nào chướng mắt thì dẹp, rồi mọi chuyện lại đâu vào đấy.

Ông Đoàn Ngọc Hải. Ảnh: internet

***
Tin quốc tế

Tin nước Mỹ
Về thỏa thuận hạt nhân với Iran, VOA có bài: Chuyên gia Mỹ ủng hộ hiệp ước hạt nhân với Iran. Theo bài viết, 52 chuyên gia an ninh quốc gia của Mỹ, gồm các cựu quan chức đồng ký tên trong một thư ngỏ, “yêu cầu chính quyền của Tổng thống Donald Trump không phá bỏ thỏa thuận hạt nhân với Iran“.

Thư ngỏ có đoạn: “Để đáp ứng với những diễn biến tại Iran, hiện nay và trong tương lai, Hoa Kỳ nên thận trọng chớ có những bước có thể phá vỡ thỏa thuận hạt nhân JCPOA vốn quan trọng đối với an ninh quốc gia Mỹ“. Các chuyên gia này cũng nhấn mạnh: “Chúng tôi ủng hộ quyền tự do ngôn luận và biểu tình ôn hòa của công dân Iran và chúng tôi lên án việc sử dụng vũ lực chống lại những người biểu tình ôn hòa“.


Trump nói: “Ồ, bà Oprah à, tôi sẽ đánh bại bà ấy. Bà ấy thú vị đấy. Tôi hiểu rõ bà ta… Nhưng tôi nghĩ bà Oprah sẽ không ra tranh cử. Tôi rất hiểu bà ta“.

President Donald Trump: ‘I Can Beat Oprah’ In 2020 Presidential Race | NBC News


Bán đảo Triều Tiên
Trong cuộc gặp ngày 9/1, Nam – Bắc Hàn đã đạt được một số thỏa thuận quan trọng, đó là: Hàn Quốc, Triều Tiên nối lại đường dây nóng quân sự. Theo đó, đường dây này sẽ được nối lại trong ngày 10/1. Bắc Hàn đã cắt đường dây liên lạc quân sự với Nam Hàn từ năm 2016.

Tuyên bố chung giữa 2 miền Triều Tiên cũng được đưa ra, sau cuộc đàm phán cấp cao kéo dài 11 giờ. Trong đó cả Hàn Quốc và Triều Tiên đều nhất trí đàm phán quân sự để giảm căng thẳng. Tuy nhiên, Phái đoàn Triều Tiên nổi đóa khi Hàn Quốc đề cập vấn đề phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Theo phái đoàn Hàn Quốc, trưởng phái đoàn Triều Tiên Ri, Son Gwon, đã không hài lòng khi nghe Hàn Quốc đề cập vấn đề giải trừ vũ khí.

Ông Ri Son Gwon giận dữ: “Đây không phải là vấn đề chỉ riêng giữa Triều Tiên và Hàn Quốc, và việc nêu vấn đề này sẽ gây hậu quả nghiêm trọng, có khả năng biến tất cả những gì tốt đẹp đạt được ngày hôm nay thành con số 0“.

RFI không lạc quan cho lắm về sự nồng ấm mới đây ở bán đảo Triều Tiên, bài viết: Quan hệ liên Triều hòa dịu, nhưng khủng hoảng hạt nhân vẫn còn đócho thấy điều đó.
Những tín hiệu hòa dịu mới đây của Bắc Hàn đã nhen nhóm hy vọng cho khu vực, vốn được mệnh danh là thùng thuốc súng hạng nặng này. Trong bối cảnh, thế giới đang lo ngại một cuộc chiến tranh hạt nhân giữa Mỹ và Bắc Hàn sẽ nổ ra, những diễn biến mới đây của hai nước này đã làm thế giới tạm thở phào. Theo nhận định của Time: “có thể đó là do tác động của việc Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc đã gia tăng trừng phạt Bắc Triều Tiên“, chính là nguyên nhân sự xuống thang của Kim Jong -un.

Tuy tình hình đã hạ nhiệt, nhưng thì khủng hoảng hạt nhân chưa kết thúc. Bài viết kết luận: “Tuy hai miền Triều Tiên đã nối lại đối thoại, nhưng khủng hoảng hạt nhân vẫn còn đó, nhất là vì Kim Jong Un không từ bỏ tham vọng cường quốc nguyên tử“.

Tin Trung Quốc
Để ứng phó với Trung Quốc, Tổng tham mưu trưởng quân đội Đài Loan, Lý Hỉ Minh đề xuất ý tưởng: Chế tạo 60 tàu tên lửa tàng hình đối phó. Theo Bộ Quốc phòng Đài Loan, đây là tàu tên lửa cỡ nhỏ nặng 45 tấn, có khả năng tàng hình,có khả năng trà trộn với tàu cá.

Đây là kế hoạch nằm trong “phương thức tác chiến phi đối xứng” mà Đài Loan đưa ra, nhằm đối phó với Trung Quốc. Phương thức Tác chiến Phi đối xứng được Đài Loan phát triển, nhằm chống lại tiềm lực quân sự mạnh hơn nhiều lần từ Trung Quốc. Về hành động này của Đài Loan, Trung Quốc cho rằng, “việc các thế lực thúc đẩy Đài Loan độc lập là ‘mối đe dọa lớn nhất’ của hòa bình, ổn định eo biển Đài Loan“.

Bào Người Lao Động đưa tin: Cựu tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc sắp bị khởi tố. Bài báo dẫn nguồn từ Tân Hoa Xã cho biết, cựu Tổng Tham mưu trưởng Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) Phòng Phong Huy, sẽ bị khởi tố vì tình nghi nhận hối lộ. Tuy nhiên, chưa có thông tin chi tiết về việc này.

Như vậy, Phòng Huy Phong là quan chức quân đội cấp cao tiếp theo bị cách chức, điều tra và khởi tố. Cho đến nay, hàng chục sĩ quan cao cấp của PLA đã “xộ khám”, những cái tên nổi bật như: Từ Tài Hậu và Quách Bá Hùng đều từng là phó chủ tịch Quân ủy Trung ương. Cuộc “thay máu” quân đội, dưới danh nghĩa chống tham nhũng được ông Tập Cận Bình tiến hành rất gắt gao.


Tình hình Trung Đông
Đại giáo chủ Ali Khamenei, lãnh tụ tinh thần tối cao của Iran cho biết: Iran đập tan âm mưu gây bạo loạn. Đại giáo chủ Khamenei khẳng định, Iran đã đập tan những âm mưu của Mỹ và Anh nhằm gây ra bạo loạn trong làn sóng biểu tình thời gian qua. Khamenei cho rằng, những cuộc biểu tình phản đối chính phủ thời gian qua ở Iran là “hành động xấu xa”. Ông ta cũng ca ngợi người dân (ủng hộ chính phủ), đã xuống đường ngay từ đầu để đập tan các “thế lực thù địch”.

Cũng tin liên quan, RFI có bài: Giới lãnh đạo Iran chia rẽ trên đối sách giảm bất bình trong dân chúngTheo đó, phe tổng thống Rouhani, chủ trương nới rộng thêm các quyền tự do chính trị và xã hội cho người dân. Ông Rouhani nhấn mạnh: “Cho rằng các đòi hỏi của người dân chỉ giới hạn ở các vấn đề kinh tế là một sự xúc phạm và đi lạc hướng”.

Phe bảo thủ, với đa số các lãnh tụ tôn giáo thì cho rằng, nên chủ trương “ban hành các biện pháp xã hội”, chống lại các cải cách kinh tế của chính phủ. Phe bảo thủ Iran cũng liên tục đưa ra các lời đe dọa sắt máu, đòi đàn áp mạnh tay với người dân Iran, trong các cuộc biểu tình chống chính phủ vừa qua.


***

Các tin thế giới khác: 







No comments:

Post a Comment