Nguyễn
Văn Lục
Posted
on December
16, 2017 by editor Posted in Đất
Nước Con Người, Nguyễn Văn Lục— 1
Comment
(Nhân
có những tranh luận chung quanh vấn đề loại bỏ tác phẩm Chí Phèo(1) của nhà văn
Nam Cao ra khỏi chương trình trung học phổ thông môn Ngữ văn, lớp 11.)
Nhắc lại
một quá khứ
Sau
1954, một số lớn nhà văn thuộc lớp tiền chiến đã chọn ở lại miền Bắc thay vì di
cư vào Nam. Đó là một chọn lựa đem lại thiệt thòi cho những người di cư từ miền
Bắc vào Nam. Hầu hết các nhà văn chọn di cư vào Nam đều thuộc lớp nhà văn trẻ,
chưa có tiếng tăm trên Văn đàn.
Thật
vậy, các nhà văn có tầm cỡ đã chọn ở lại như Nguyễn Tuân, Xuân Diệu, Thế Lữ,
Nguyên Hồng, Tô Hoài, Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Huy Tưởng, Nam Cao, Đặng Thái
Mai, Nguyễn Công Hoan, Huy Cận, Trần Tiêu, Bùi Hiển, Lan Khai (với cuốn Mực mài
nước mắt), Lưu Trọng Lư, Chế Lan Viên, Tú Mỡ, v.v..
Nhóm
các nhà văn trong Nhân Văn Giai Phẩm như Trần Dần, Văn Cao, Phan Khôi, Phùng
Quán, Hoàng Cầm, Lê Đạt, Sỹ Ngọc, Nguyễn Sáng, Nguyễn Hữu Đang, Phùng Cung, Hữu
Loan và Thụy An, v.v. và có Đoàn Giỏi, người Nam Kỳ tập kết độc nhất có bài
đăng trên báo Nhân Văn.
Lại
có những nhà văn cũng được kể là thuộc nhóm Nhân Văn Giai Phẩm, nhưng ít ai
nghe tên tuổi như Hoàng Yến, người khu 5 dám phê bình thơ Tố Hữu Hữu là “những
vạc nước lã, trong khi chúng ta cần những cốc sữa đặc” . Hoàng Quế
cũng chống đối kịch liệt, sau bị đưa xuống Hải Phòng lao động. Hoàng Tố Nguyên,
thi sĩ người Nam Kỳ đã dám mắng Xuân Diệu là “tên địa chủ trong văn học”. (Xuân
Vũ, “Hà Nội – Hà ngoại. Những mẩu chuyện về đời hoạt động của ông Phó chủ tịch
hội ve chai”. Trang 72)
Sự
chọn lựa của các nhà văn có tiếng một thời nay số phận họ ra sao? Chúng tôi chắc
khỏi cần nhắc lại làm gì ở đây. Nhưng chắc chắn là số phận của họ kém may mắn
hơn những nhà văn lớp trẻ đã chọn vào Nam.
Nếu
chỉ nói riêng về trường hợp nhà văn Nam Cao (tên thật là Trần Hữu Trí) bắt đầu
cầm bút từ năm 1936) và các truyện ngắn của ông gần 20 chục truyện được đăng
trên các báo: Tiểu thuyết thứ bảy và Ích Hữu. (Tiểu thuyết thứ bảy là nơi tập
trung rất nhiều nhà văn sau này nổi tiếng một thời ở ngoài Tự Lực Văn Đoàn)
Truyện
Chí Phèo mà chúng ta sẽ nói ở đây được sáng tác vào năm 1941. Nghĩa là trước
khi Nam Cao tham gia vào cuộc Cách Mạng tháng 8. Còn số phận các truyện viết
sau đó của Nam Cao thì như thế nào?
Tôi
chỉ nhận ra có một truyện ngắn có tựa đề: Đôi mắt, được ghi năm 1948. Truyện
này được chọn đăng trong: Truyện ngắn Việt Nam. 1945-1985. (Nam Cao, truyện
ngắn Đôi Mắt, Văn Học, nxb Văn Học, Hà Nội – 1985, trang 248-258)
Đây
là một truyện không ra truyện, nhạt nhẽo đến vô duyên.
Đọc
truyện Đôi Mắt, tôi tự hỏi phải chăng đây có thực sự là nhà văn Nam Cao viết
hay không? Câu hỏi tiếp theo là XHCN miền Bắc đã có được cái may mắn có một gia
tài văn hóa với đội ngũ các nhà văn có tiếng tăm hàng đầu mà không nơi đâu có
được như cụ Phan Khôi, như Nguyễn Tuân, như Văn Cao và Nam Cao! Miền Bắc cũng
là nơi có được một triết gia như Trần Đức Thảo có tầm vóc quốc tế đã bị đầy đọa
trong suốt cuộc đời của ông. Giả dụ những vị này ở miền Nam thì số phận của họ
sẽ như thế nào?
Các
nhà văn, nghệ sĩ trên phải được kể là những nhân tài của đất nước. Trường hợp
Văn Cao, ông sáng tác được bao nhiêu bản nhạc sau 1954? Trong khi Phạm Duy ở
trong miền Nam sáng tác trên dưới 1000 bài ca.
Tôi
chỉ tiếc cho một thế hệ nhà văn đáng lẽ làm nên sự nghiệp lớn lao cho cả đất nước
đã bị chôn vùi trong bóng tối của một thứ chủ nghĩa đáng nguyền rủa. Chỉ vì một
cái mà Eric J. Hobsbawm gọi tên nó là “Thời đại của những thái cực”(3).
Có
một điểm khá đặc biệt là tất cả những nhà văn ở miền Bắc bị vứt bỏ cách này
cách khác thì họ lại được trân trọng ở miền Nam.
Trong
bài viết này, tôi muốn tự nhắc nhở mình, phải nhớ lấy, trong một tuyển tập Truyện
ngắn của Bảo Ninh, “Hà Nội lúc không
giờ” đã nhận xét một cách khinh bỉ văn học miền Nam như thế nào:
“Chúng
tôi phát hiện dưới tầng hầm tòa nhà chính một cái kho tối om đầy ự sách báo giấy
má đã mốc meo. Chỉ một mình Tú, một tay mọt sách, nguyên sinh viên trường Tổng
Hợp là không ngại rúc vào đó, ngụp lặn lục tìm trong bụi, tha về phòng một bao
tải nặng chịch những cuốn tiểu thuyết chưa bị mối xông. Nhưng bởi tất cả đều rặt
một nòi thối tha mục nát văn chương chống cộng, chữ nghĩa tối tăm, mờ ám, nội
dung láo toét, ít ai kiên nhẫn đọc nổi quá nửa trang, chất giấy lại không hợp để
vấn thuốc và khổ thì quá nhỏ để gói bọc một thứ gì, thành thử đống sách của Tú
chẳng mấy ai buồn ngó, dù rằng nó cứ vơi đi. Người ta thấy các mẩu vụn của những
Chu Tử, những Xuân Vũ, những gì đó nữa quanh chỗ đựng điếu cầy và trong nhà bếp,
nhà cầu.”
(Bảo
ninh, “Hà Nội lúc không giờ”. Truyện ngắn. nxb Văn Hóa Thông Tin.
Hà Nội-2002, trang 83.)
Sự
khinh miệt các nhà văn miền Nam đến thế là cùng.
Thưa
các anh, ngày hôm nay, tôi muốn gửi đến các anh một thông điệp là những người
các anh triệt hạ, bôi xóa tên tuổi họ — những nhà văn thời tiền chiến — những
nhà văn trong Nhân Văn Giai Phẩm, ngay cả những nhà văn miền Nam, rồi bắt họ tù
đầy thì ở miền Nam trước 1975, họ được trân trọng tìm đọc hoặc được mang giảng
dạy công khai tại chương trình trung học thi Tú tài I và tại giảng đường đại học.
Thật
vậy, toàn bộ các tác giả trong Tự Lực Văn Đoàn như Nhất Linh, Khái Hưng, Thạch
Lam, Hoàng Đạo, Thế Lữ, Xuân Diệu, Tú Mỡ đều nằm trong chương trinh giáo dục, kỳ
thi Tú tài I. Không kể các nhà thơ như Lưu Trọng Lư, Huy Cận, Chế Lan Viên hay
các nhà văn Hiện thực xã hội như Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Công Hoan cũng được tự
do giảng dạy tại miền Nam.
Chỉ
riêng trường họp nhà văn Nam Cao thì được đưa lên giảng dạy tại Đại Học Văn
Khoa với tác phẩm Chí Phèo. Nguyễn Văn Trung trách nhiệm việc giảng dạy này.
Nên
có thể nói không gì mà chúng tôi không được học. Không một nhà văn, một nhà
thơ, một nhạc sĩ nổi tiếng nào ở miền Bắc trước 1954 mà không được giảng dạy hoặc
phổ biến công khai trong nhà trường, tại giảng đường đại học, tại các đài phát
thanh hay đài truyền hình, hay được in lại trong các nhà sách. Và cuối cùng,
còn được lưu trữ đầy đủ trong các thư viện.
Cá
nhân tôi đọc Nguyễn Công Hoan, Nguyên Hồng, Trần Tiêu, Bùi Hiển, Tô Hoài trong
thư viện. Không một bài hát nào của Văn Cao thời Tiền Chiến mà không được trình
diễn công khai qua các giọng ca như Thái Thanh.
Có
thể nói, văn học miền Nam không thẹn với hai chữ Khai Phóng vì nó đã không quan
tâm, phân biệt biên giới địa lý, không phân biệt ý thức hệ hay chủ nghĩa giáo
điều.
Là
người cầm bút ở miền Nam, tôi phải biết tạ ơn miền Nam đã cho tôi những cơ hội
vô cùng quý giá được học, được đọc những tác giả đương thời, từ thời tiền chiến
nổi tiếng một thời mà giới trẻ thanh niên miền Bắc đã không có được cái may mắn
đó. Họ bị bịt mắt và họ chỉ được đọc những gì mà Đảng cho phép.
Tôi
xin trích một đoạn của Bùi Văn Nam Sơn trong bài ông giới thiệu cuốn sách Triết
học Kant của Trần Thái Đỉnh như sau:
“Muốn
tìm ‘lối vào’ triết Đông ư? Chúng tôi có thầy Nguyễn Đăng Thục uyên bác và bừng
bừng tâm huyết (trong một giờ học, Thầy chỉ mạnh tay vào một cuốn sách chữ Hán-
hình như là quyển ‘Đạo giáo nguyên lưu’ — rồi gằng giọng hỏi: ‘Thế hệ chúng tôi
mất rồi, ai trong các anh chị còn đọc được những quyển này?’); có thầy Kim Định
bay bổng, thầy Nguyễn Duy Cần cặm cụi, Thầy Lê Xuân Khoa hào hoa.
Còn
triết Tây? Chúng tôi có thầy Nguyễn Văn Trung (Những vấn đề cơ bản, Mác-xít),
Thầy Lý Chánh Trung (Đạo đức học), Thầy Lê Thành trị (Huserl, Sartre…) Nhưng “sợ”
nhất vẫn là thầy Nguyễn Văn Kiết! Thầy nổi tiếng nghiêm khắc, lại dạy rất khó.
Bốn
tác giả lớn nhất và khó nhất của triết học cổ điển Đức (Kant, Fichte,
Schellling, Hegel) được thầy dồn lại trong một “cours” (giáo trình) chỉ ngót
trăm trang, đọc muốn vỡ đầu mà chỉ có thể hiểu được lõm bõm. Mà nào phải chỉ cần
đọc để tìm hiểu thôi đâu, còn “phải học” để đi thi nữa chứ; thi hỏng thì.. Thủ
Đức đang chờ sẵn.”
(Trần
Thái Đỉnh. “Triết học Kant”, nxb Văn Hóa Thông tin, 2005. Bài viết
giới thiệu của Bùi Văn Nam Sơn có nhan đề“Nhân cuốn ‘Triết Học Kant’ của gs Trần
thái Đỉnh được tái bản lần 3: Hồi niệm và viễn cảnh”.)
Bùi
Văn Nam Sơn từng là sinh viên du học Triết ở Đức. Ông cũng là tác giả dịch và
chú giải cuốn sách đồ sộ: Phê phán Lý tính thuần túy (Kritik Der Reinen
Vernunft) của Immanuel Kant do nxb VH, năm 2004. Cuốn sách dày 1261.
Hiện
ông đang sống ở Việt Nam. Làm nghề gì thì tôi không biết(2).
Nhưng
tôi xin phép được đào sâu thêm nữa về vấn đề giáo dục ở miền Nam.
Chương
trình và mục đích của việc giáo dục ở miền Nam không phải do chính quyền Đệ I
hay Đệ II Cộng Hòa đề ra. Chương trình ấy do một đại hội giáo dục gồm các nhà
giáo dục, các vị giáo sư soạn mà mục đích và tôn chỉ là tinh thần Nhân Bản,
Khai Phóng..
Nhân
bản có nghĩa là giáo dục để đào tạo con người, vì con người và cho con người.
Việc đào tạo mang ý nghĩa cao cả theo như Vercors gọi là “ cái làm cho người là
người” (qualité d’homme).
·
Thứ
nhất là dạy cho con người biết yêu mến cái đẹp trong thiên nhiên, trong nghệ
thuật, trong thi ca, trong hội họa và trong văn chương triết lý mà chúng ta đã
kế thừa được từ truyền thống văn minh Hy Lạp.
·
Điều
thứ hai dạy cho con người biết yêu mến và tôn trọng quyền lực pháp lý, tôn trọng
sự công bằng mà chúng ta được thừa hưởng từ trong thể chế của đế quốc La Ma và
sau này từ Cách Mạng Pháp.
·
Và
điều thứ ba quan trọng hơn cả và cũng khó khăn hơn cả, đòi hỏi hơn cả là làm thế
nào để con người biết yêu mến và tôn trọng con người. Điều khó khăn này, một số
trong chúng ta đã học được trong lời giảng dạy của truyền thống Ki Tô giáo.
Và
đó là những đòi hỏi khẩn thiết nhất trong bất kỳ thời đại nào. Mỗi khi con người
không được tôn trọng, con người bị chà đạp, con người bị khinh bỉ, con người bị
giam cầm tù đầy một cách bất công thì kể như xã hội ấy đã có nguy cơ bị diệt
vong và nền văn hóa của nó kể như đã chết. Và như lời lên án của Vercors:
“L’homme a perdu sa qualité d’homme”. Con người ngày nay đã đã làm mất hết phẩm
giá làm người của nó.
Nếu
chúng ta chia xẻ được những suy nghĩ như trên thì sẽ dễ dàng hiểu được tại sao,
Chuyện Chí Phèo là một tác phẩm lớn, lớn của Việt Nam mà lớn của nhân loại nữa.
Cái
nhìn đó cũng là cái nhìn nhân bản. Nói đơn giản là một chủ nghĩa vì con người,
coi trọng giá trị làm người dù đó là những con người thấp kém, vô học, dù đó là
Chí Phèo hay Thị Nở. Một chủ nghĩa vì con người sẽ vượt qua những ranh giới địa
lý, ranh giới chủng tộc, ranh giới ý thức hệ, ranh giới tốt xấu, ranh giới giầu
nghèo, ranh giới giai cấp xã hội..
Và
muốn hiểu được điều ấy phải vượt hay phá bỏ tất cả những rào cản như vấn đề
giai cấp, vấn đề xã hội, vấn đề luân lý thông tục, vấn đề thế thái nhân tình,
cái nhìn theo thói quen của xã hội thường khinh bỉ Chí Phèo, miệt thị nhan sắc
của Thị Nở.
Xin
thú thực với lòng mình, tôi đã mang và ấp ủ trong lòng từ nhiều năm nay về hình
ảnh quá đẹp nối kết thân phận Chí Phèo với Thị Nở. Tôi thường tự so sánh họ với
hai nhân vật trong một cuốn film của Ý. Film La Strada (Con đường) của đạo diễn
Federico Fellini. Chí Phèo là hình tượng của Zampano. Và Gelsomina và Thị Nở đều
là những phụ nữ bất hạnh.
(Đạo
diễn film La Strada, 1954, Federico Fellini đã dựng nên hai mẫu hình nhân vật.
Người thứ nhất là anh chàng Zampano, khỏe mạnh, lực lưỡng, tính nết cục cằn, bạo
tàn như súc vật. |Anh làm nghề bán thuốc dạo, bằng cách giật đứt sợi giây xích
sắt sau khi uống thuốc. Nhân vật thứ hai là một thiếu nữ yếu đuối –Gelsomina-
còn thơ dại, con nhà nghèo vùng quê mà mẹ nàng vì không có tiền đã bán nàng cho
anh chàng Zampano. Không nên quên là trước đây, chị của Gelsomina cũng đã được
bán cho Zampano và sau đó cô đã bị chết.
Số
phận hay định mệnh đã ràng buộc hai thân phận người ấy lại với nhau mà nhiều lần
Gelsomina đã có ý định bỏ trốn đi vì sự đối xử tàn bạo của Zampano. Sau này, vì
nghề bán dạo thuốc không còn thu hút nổi khách làng quê. Zampano quyết bỏ đi để
bớt đi một miệng ăn. Nhưng cũng kể từ đó, sự mất mát của cả đôi bên như thể
không thể nao thiếu vắng được. Zampano thì buồn bã rồi rượu chè. Gelsomina dù
được hai chị em nhà kia đem về nuôi nấng, nhung cô cứ buồn bã rồi bệnh mà chết.
Zampano say khướt đi tìm lại hình bóng Gel Somina, đến khi gặp thì được hai chị
em nhà kia cho biết cô đã chết.
Đó
là một bi kịch về thân phận người.)
Số
phận hẩm hiu đã nối kết họ lại, tình người đã hé lộ. Nhưng rồi để vuột tay.
Rất
tiếc là sau này tôi đã trót dại tìm mua cuốn film về Chí Phèo. Tôi trách những
người làm film Chí Phèo vì đã bôi nhọ Thị Nở và đã vẽ hề cho Chí Phèo một cách
không cần thiết.
Họ
đã quá xúc phạm đến nhân phẩm Thị Nở khi đưa ra hình ảnh một người phụ nữ cực kỳ
xấu xí cả về nhân dạng đến tính nết và ông đã giết chết chẳng những Thị Nở, mà
còn giết chết cả Nam Cao nữa. Và tôi nghĩ rằng những ai không có một tâm hồn,
không có một tấm lòng thì tốt hơn hết nên vứt tác phẩm của Nam Cao vào thùng
rác.
Cái
đẹp nhất cũng như cao cả nhất, dù là một Chí Phèo thì anh vẫn là một con người,
có một con tim và từ chỗ đó tình người đã nở hoa giữa hai thân phận khốn khổ nhất.
Thị Nở lần đầu tiên được để vào, được chan hòa sung mãn và hạnh phúc, được trở
thành một người đàn bà như những người đàn bà khác.
Chí
Phèo cũng lần đầu tiên được có người chăm sóc, được đút cho ăn cháo và hiểu thế
nào là ở trên đời này vẫn còn những người tử tế. Từ đó lóe lên một tia hy vọng
về thân phận người, dù trong hoàn cảnh cực đoan vẫn là nguồn hy vọng và đáng sống.
Đây cũng là lần đầu tiên, cả hai nhận thức được một cách trọn vẹn là họ cũng có
cơ may được làm người như mọi người.
Trên
đời này, dù là một sợi tóc đi nữa, xem ra thừa thãi, vô ích, nhưng dù nhỏ nhoi
nó vẫn cần thiết và có ý nghĩa để tồn tại huống chi một con người, dù là một
con người như Thị Nở, như Chí Phèo.
Tháng
7 năm 1950, nhà văn Nam Cao cùng Nguyễn Huy Tưởng đang trên đường đi chiến dịch
Biên giới. Từ trái sang phải: Tô Hoài, Xuân Thủy, Nguyễn Huy Tưởng, Nam Cao.
Lúc này, Nam Cao đã là tác giả của nào là Chí Phèo, Sống mòn, Đôi mắt, Ở rừng…
những tác phẩm đóng đinh vào văn học Việt Nam. (Nguồn: Nguyễn Huy Thắng con
trai của Nguyễn Huy Tưởng, “Nhà văn Nam Cao và cái sự tương đối”, Tiền Phong,
2008)
Hiểu
như thế, Nam Cao là một nhà văn nhân bản lớn, một nhà văn vượt mọi kích thước
thông thường. Ông mang theo một sứ điệp phản bác tất cả những trào lưu tư tưởng,
những chủ thuyết bất nhân biến con người thành những công cụ.
Chính
những chủ thuyết ấy đã tàn phá xã hội và thời đại chúng ta, vì họ gieo rắc sự
khủng bố, sự giam cầm và đưa toàn thể xã hội đến chỗ tuyệt vọng.
Vì
thế, trong Hội Nghị bảo vệ Hòa Bình và Văn Minh Ky tô giáo tại Florence năm
1955, các đại diện đã công khai tuyên bố:
“Thời
đại chúng ta là một thời đại hy vọng” (Notre temps est un temps d’espérance)
Và
để củng cố cho lập luận, tôi xin đưa ra một vài trường hợp cụ thể sau đây:
·
Khi
một binh sĩ VNCH, giữa khói lửa chiến tranh, can đảm bế một em bé ra khỏi vùng
lửa đạn, anh là một con người nhân bản, có tình con người. Cuộc chiến nào cũng
có bắn giết tàn bạo, nhưng nó không giết được tình con người.
·
Khi
một bác sĩ quân y VNCH gọi một trực thăng đến tải thương một thương binh về bệnh
viện Cộng Hòa, ông không cần biết danh tính người thương binh thuộc phe ta hay
phe địch, nhiều phần thương binh ấy là một người lính phía bên kia. Bổn phận của
ông là cứu sống người thương binh nhân danh con người. Và khi một viên y sĩ
khác mổ xẻ để cứu sống người thương binh ấy thì hiển nhiên ông cũng không cần
kiểm tra xem đó là một người lính quốc gia hay một Việt Cộng. Chỉ biết đó là một
con người cần được cứu sống. Cái đẹp của cuộc chiến tranh đôi khi là ở chỗ đó.
·
Cuốn
Nhật Ký Đặng Thùy Trâm có một số phận thật kỳ diệu. Sau một trận càn quét. Bệnh
viện của bác sĩ Trâm bị tiêu hủy và Trâm trở thành liệt sĩ. Một người Mỹ có tên
là Frederic Whitehurst, một sĩ quan quân báo, đã nhặt được hai cuốn nhật ký của
cô. Ông đã giữ nó trong một phần ba thế kỷ và tìm mọi cách làm thế nào tìm được
gia đình của liệt sĩ Đặng Thùy Trâm. Và cuối cùng ông đã tìm được gia đình của
Đặng Thùy Trâm để trao lại. Ngày 29 tháng tư 2005, Frederick Whitehurst đã viết
một lá thư như sau:
“Tôi
là Frederick Whitehurst. Tôi đã giữ ký ức về chị cô, bác sĩ Đặng Thùy Trâm ba
mươi lăm năm nay… Sau bao nhiêu năm tìm kiếm, điều này giống như một giấc mơ và
việc tìm ra gia đình cô khiến tôi bật khóc.”
(Nhật
ký Đặng Thùy Trâm, bìa sau cuốn nhật ký)
Câu
chuyện thật là đẹp, đầy tình người.
Tuy
nhiên, câu chuyện đã mất đi một phần cái đẹp khi người ta cố tình xóa bỏ danh
tính một trung sĩ Thông dịch viên, một người lính Quốc gia trong câu chuyện. Thật
sự người tìm ra cuốn nhật ký này là một trung sĩ thông dịch viên. Anh ta đã đọc
và thấy nó cần được giữ lại. Anh đã cắt nghĩa nội dung nhật ký đó và bàn thảo với
viên cố vấn Mỹ và trao cho Frederick Whitehurst yêu cầu ông này giữ lại. Nếu
không có người trung sĩ thông dịch yêu cầu giữ lại thì có thể cuốn nhật ký đã
không còn nữa. Nó đã bị đốt như các tài liệu không cần thiết khác.
Vậy
mà trong lời giới thiệu cuốn nhật ký, nhà phê bình Vương Trí Nhàn đã không nêu
tên người lính VNCH đó, và chỉ nói trống gần như một cách khinh bỉ là:
“bởi
theo lời của một người lính ngụy, thông dịch viên người Việt trong đơn vị anh
ta, thì “ở trong đó có lửa.”
Người
trung sĩ thông dịch viên đó là ông Đỗ Trung Hiếu, hiện nay đang ở Mỹ và đã gặp
hai chị em của bác sĩ Đặng Thùy Trâm đến thăm và tặng sách.
Tình
người hình như chỉ có thể nở từ một phía chăng? Thật là đáng tội nghiệp cho
Vương Trí Nhàn vì ông ta vẫn chưa học được bài học mà đáng nhẽ ông phải học được
qua hai nhân vật Đỗ Trung Hiếu và người sĩ quan quân báo Mỹ.
Nhà
văn Thảo Trường, một nối tiếp, một Nam Cao thời đại
Nhà
văn Thảo Trường (2008). Nguồn Báo Trẻ Online 2015
Thảo
Trường vừa là một thiếu tá trong quân đội VNCH, vừa là một nhà văn với tác phẩm
“Thử Lửa”, rồi “Chạy trốn” và nhất là tập truyện “Người đàn bà mang thai trên
kinh Đồng Tháp” (Trình bày 1966). Sau 1975, như mọi sĩ quan khác, ông bị đi tù
cải tạo gần 17 năm sau đó được sang Mỹ đoàn tụ gia đình.
Trong
lời giới thiệu mở đầu cho cuốn Thử Lửa, Nguyễn Văn Trung đưa ra nhận xét về nhà
văn Thảo Trường như sau:
“Tôi
coi Thảo Trường như một trong những người đang đi vào truyền thống của nhà văn
mà sứ mệnh là nhắc nhở cho con người những giá trị làm người thường xuyên bị
quên lãng hay bị chà đạp bởi chính con người.” (…) Đối với người làm văn nghệ,
cái làm cho họ thắc mắc và rung động là những vấn đề của con người mà chế độ nọ
hoàn cảnh kia chỉ là những dịp cho người đau xót, nhận định bày tỏ và bênh vực
những giá trị nhân loại nhân danh quyền sống của con người.
Cái
làm cho nhà văn thắc mắc, đau đớn không phải là chế độ nọ chế dộ kia, nhưng là
sự chia rẽ giữa con người. Con người ở đâu và bao giờ cũng vẫn thế: cũng đều lo
lắng, hy vọng, yêu đương, và sai nhầm yếu hèn. Người chỉ khác nhau và chia rẽ,
thù địch khi đeo mặt nạ của những chủ nghĩa, những ý nghĩ vay mượn.”
(Thảo
trường, Thử lửa. “Con người bị lường gạt đã nhiều. Hãy nghĩ đến nó và để nó tự
do”. Vài cảm nghĩ của người đọc. Nguyễn Văn Trung, trang 155)
Trong
truyện ngắn “ Cái hố” trong tuyển tập Thử Lửa, Thảo Trường kết luận:
“Dù
tội lỗi, dù tàn tật, dù không còn là gì cả, con người vẫn có tâm hồn, vẫn là sự
sống, biết thèm thuồng đói khát. Và đáng hiện diện.”
(Thảo
Trường, Thử Lửa, truyện ngắn Cái Hố, trang 151)
Trong
truyện ngắn “Đò Dọc”, ông kể lại lúc ở Hà Nội, trước 1954, ông có quen biết một
người con gái tên Kim. Hai người yêu nhau. Nhưng sau đó Kim quyết định ở lại
còn tác giả thì vào Nam. Vậy là họ vĩnh viễn xa nhau. Phần tác giả sau này ra
Huế làm nghề dậy học. Một tình cờ có tính định mệnh. Một lần đi dọc sông Hương,
chỗ đầu cầu Gia Hội, có một người lái đò mời tác giả ngủ đò. Tác giả đồng ý.
Nhưng không ngờ người con gái bán dâm tên Ngọc lại chính là Kim thuở nào. Bất
ngờ qua di và họ đã sống lại dĩ vãng qua một đêm như những đôi tình nhân. Gần
sáng bị kiểm tục vây bắt, thay vì trốn chạy, tác giả ở lại với Kim. Sau đó, anh
bị đuổi việc. Phần anh thì nghĩ rằng, anh yêu Kim vì Kim có những cái đẹp mà
chính Kim không biết. Em đẹp ở cái trầm lặng, em đẹp ở cái chân thật. Anh yêu
nhũng thứ đó. Và em là vợ anh.(…)
Kim thì yêu tôi như hồi còn ở Hà Nội.
Kim thì yêu tôi như hồi còn ở Hà Nội.
Truyện
ngắn “Người đàn bà mang thai trên Kinh Đồng Tháp”
Đối
với tôi và có thể đối với nhiều người khác như các nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng,
Nguyễn Mạnh Trinh, Đặng Tiến, v.v. thì đây là truyện ngắn đắt giá nhất của Thảo
Trường. Truyện này sau được Nguyễn Ngọc Lan dịch ra tiếng Pháp với nhan đề: La
femme enceinte du canal de Đong Tháp và đăng trong tuyển tập “Le crépuscule de
la violence” (Hoàng hôn của bạo lực), do nxb Trình Bày của Nguyễn Văn Trung và
nhà in Nam Sơn xuất bản tại Sài gòn năm 1970 và sau này in lại ở Montréal năm
2000.Truyện này cũng được đăng trên báo Témoignage Chrétien bên Pháp.
Truyện
kể: có một người đàn bà mang thai vốn là cán bộ nằm vùng tên là Chị Tư. Chồng
bà đi tập kết từ 10 năm nay mà vốn chỉ ở với nhau được 6 tháng. Người mẹ chồng
chết cách đây đã hai năm để lại mình chị Tư trong một căn lều trống trải.
Hy
vọng chồng về ngày trở thành vô vọng. Người chồng đã không bao giờ trở lại.
Những
người chiến binh phía chồng bà buộc bà phải hợp tác với họ và cài một cán bộ giả
làm em. Họ mở một quán ăn và rồi việc gì phải đến đã đến. Họ đã ăn ngủ với
nhau. Nhưng ban ngày nhiều khi bà cũng bắt buộc “chiều khách” như trường hợp một
anh lính truyền tin của quân đội VNCH. Bà đã sống trong hoan lạc với cả hai người
đàn ông ấy.
Nhưng
một ngày kia, bà nhận thức được là bà đã có thai và bà tự hỏi thai nhi trong bụng
bà là con của ai? Của lính quốc gia hay của người bộ đội? Bà đau khổ và buồn phiền
vì không có câu trả lời.
Đối
với bà, nó là con của ai cũng được, nhưng phải được minh bạch. Bà hỏi người cán
bộ và khóc lóc yêu cầu người cán bộ nhận đứa trẻ là con của anh ta. Người cán bộ
đã bối rối và bập bẹ trả lời: “Nó là con của Đảng. Tất cả đều thuộc về Đảng.”
Bà
muốn bỏ cuộc. Nhưng người cán bộ đã hành hạ bà và buộc bà để một tấm bảng gỗ
trên đó có ghi “đả đảo Đế quốc Mỹ” mà bên dưới có gài trái lựu đạn.
Toán
lính VNCH đi bình định giải tỏa biết được đã buộc Chị Tư phải tháo gỡ tấm ván.
Chị dùng một cây gậy, gỡ khẩu hiệu, lựu đạn đã rớt xuống may không nổ. Chị đã
chạy trốn và ngất sỉu trước cửa nhà. Và sau đó, người sĩ quan đã đưa chị vào
nhà săn sóc suốt đêm. Sáng sớm hôm sau người đàn bà bất hạnh bị động thai và đẻ
non.
Viên
sĩ quan chỉ huy toán lính VNCH đã làm công việc đỡ đẻ cho người đàn bà và lo
toan cho đứa bé. Khi phải làm khai sinh cho đứa bé, Viên Xã trưởng đã hỏi tên
cha của nó. Chị Tư đã lắc đầu. Nó không có cha. Người sĩ quan sau đó đã đồng ý
“cho nó mang họ của ông ta”.
Trước
khi rút lui khỏi đó, viên sĩ quan đã viết một lá thư gửi đưa trẻ khi nó được 20
tuổi (lời nhắn tin chỉ gửi đến cậu khi cậu đã trên 20 tuổi).
Nội
dung lá thư tóm lược như sau:
“Nhắn
với cậu nhỏ mang dòng họ cùng với tôi. 20 năm nữa, cậu khôn lớn. Lúc đó tôi
không biết cậu sống trong một hoàn cảnh nào, trong xã hội nào. Cậu cho tôi xin
cậu một điều là trước khi cậu hành động, trước khi tranh đấu, trước khi cách mạng,
trước khi hành quân, trước khi thuyết pháp, trước khi cầu nguyện, trước khi hội
thảo, trước khi thụt két, trước khi hành lạc, trước khi đập phá, trước khi hy
sinh, nghĩa là trước khi quyết định làm một điều gì. Xin cậu, chỉ xin cậu hãy
nghĩ đến người đàn bà mang thai khốn khổ, hãy nghĩ tới những người mẹ bị rất
nhiều những chủ nghĩa với những danh từ khoa trương hành hạ. Xin cậu cũng hãy
nghĩ tới cái hình ảnh đó, tôi cầu xin cậu như thế vì tôi chính là tên sĩ quan
đã hành hạ mẹ cậu, đã đỡ đẻ cho mẹ cậu sau khi các đồng chí của tôi chết vì những
khẩu hiệu Đả đảo đế quốc Mỹ.”.
Câu
chuyện chấm dứt ở đây.
Sau
này ở hải ngoại, tôi lại là người có hân hạnh đăng một truyện ngắn khác của ông
nhan đề, “Những đứa trẻ đầu thai giữa hàng rào” trong số Tân
văn, số 2, ra ngày 1 tháng 9, 2007. từ trang 77-86. Trong đó, ông đề tựa cho
truyện ngắn “Đi tơ xong, con đực con cái đều bị kẽm gai cào rách da thịt.”
Xin
trích đoạn:
“Sau
lần gặp ấy chị thương anh vô cùng, chị diễn tả ‘không biết thế nào mà nói’. Thế
rồi chị tính toán theo ý chị. Chị sẽ không mặc đồ lót. Chị sẽ mặc một cái quần
mỏng, mở chỉ hở dưới đáy. Cái quần cũng được luồn dây thung nhẹ. Chị thử kéo
lên tụt xuống thấy nhẹ thì rất ưng ý. Chị cũng thử khom khom lưng và nghĩ làm
sao cho anh được dễ dàng nhanh chóng, phải tạo điều kiện thuận tiện nhất cho
anh ta hành sự. Thời gian không có nhiều. Tất cả chỉ trong nhấp nháy. Chớp mắt.
Là phải xong.” (…)
“Khi
trở về, hai người ôm hai xoong cơm, liếc nhìn không thấy thi đua trật tự đâu, đến
một chỗ hàng rào khu, kẽm gai đơn thưa thớt mấy sợi, chị bèn đúng lại khom lưng
xuống chổng mông sang phía anh, xoong cơm của đội chị vẫn ôm nơi bụng, từ bên
kia những sợi kẽm gai, anh luồn tay sang níu hai bên hông chị ghì tới.. Chị
nghe có tia nước phóng sang và chị cảm thấy thành công và thắng lợi. Hai tay
anh buông lỏng ra, chị còn nghe tiếng anh thở hổn hển…”
Rồi
khi biết mình có bầu, chị dấu kín…”
Năm
2009, biết mình sức khỏe không còn nữa, anh đã trao cho tôi toàn bộ các số báo
Đất Nước mà anh đã giữ và dấu kín trong nhiều năm, rồi sau này mang sang Mỹ.
Tôi nhận và đã in photocopy toàn bộ các số báo đó và trả lại cho gia đình anh bản
chính.
Cũng
trong thời gian này, ông có viết thư cho tôi và nói rằng: xin ông cứ nói thực,
nếu thấy tôi không viết được nữa cứ cho biết để tôi ngưng viết.
Tôi
trả lời ngay, vắn tắt: xin anh cứ tiếp tục.
Tháng
8 năm 2010, ông ra đi vĩnh viễn.
Vài
lời kết lá thư
Cho
dù quý vị trong nước quyết định thế nào về số phận truyện Chí Phèo của Nam Cao
đối với tôi không quan trọng.
Miền
Nam trước 1975 và cho đến hiện nay, đối với riêng cá nhân tôi, ông vẫn là một
Nam Cao, nhà văn lớn có tầm cỡ bởi vì chiều kích của tác phẩm của ông lớn, đề
cao tình người, vượt lên trên mọi bèo bọt phôi pha của thế gian thường tình.
Nam
Cao đã vậy. Bên cạnh Nam Cao, chúng tôi còn có thêm một Thảo Trường.
Amen!
©
2017 DCVOnline
Nếu
đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ
DCVOnline.net
Nguồn: Bài của tác giả.
DCVOnline minh hoạ và chú thích.
DCVOnline:
(1)
Chí Phèo của Nam Cao là tác phẩm được giảng dạy trong những tiết 52, 54 và
55 (tuần 13, 14) trong chương trình trung học phổ thông môn Ngữ văn, lớp 11.
Nguồn: Chương trình trung học phổ thông môn Ngữ văn, lớp 11.
(2)
Bùi Văn Nam Sơn sinh năm 1947 tại Duy Xuyên, Quảng Nam. Nay ông đã quá tuổi nghỉ
hưu. 2007 ông được trao giải thưởng Phan Châu Trinh về Dịch thuật. Hiện
nay ông vẫn hoạt động trong lãnh vực nghiên cứu và dich thuật; Bùi Văn Nam Sơn
có trang riêng ở mạng xã hội Facebook.
https://www.facebook.com/buivannamsontphcm/
Năm 2017 ông vừa được chọn là một trong 60 gương mặt cựu sinh viên tiêu biểu của Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia Tp. HCM.
Năm 2017 ông vừa được chọn là một trong 60 gương mặt cựu sinh viên tiêu biểu của Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia Tp. HCM.
(3)
“The Age of Extremes: The Short Twentieth Century, 1914–1991”, xuất bản năm
1994, nxb Michael Joseph (UK) và Vintage Books (U.S.) . Trong tác phẩm này
Hobsbawm bình luận về những gì ông coi là những thất bại thảm khốc của chủ
nghĩa xã hội, chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa dân tộc; ông đưa ra một sự
hoài nghi tương tự về tiến bộ của nghệ thuật và những thay đổi trong xã hội
trong nửa sau của thế kỷ hai mươi.
No comments:
Post a Comment