28/12/2017
Sáng nay, trời lành lạnh và mưa đã làm ướt cỏ đêm
qua. Ánh bình minh đang ghé thăm phòng khách. Trong nhà cũng thưa đi tiếng cười.
Nghỉ lễ nên đọc sách. Bạn già của tôi, Uyên Nguyên, tặng cuốn sách Những
Câu Chuyện về Đàn Bà hôm trước mà chưa có dịp đọc. Đây là một tạp bút
của Nhạc sỹ Tuấn Khanh do NXB Phụ Nữ xuất bản năm 2016. Quen anh Khanh cũng đã
lâu, nay mới có cơ hội đọc nguyên một tập sách.
Ns. Tuấn Khanh: Photo: Người-Việt
Mỗi khi nghe nhạc, đọc bình luận hay sách báo của
anh, thì tôi càng thấy tấm lòng yêu nước sắc son vô bờ bến của người nhạc sỹ với
tấm lòng trung trực và nhân hậu. Ngòi bút của Tuấn Khanh hiện thân là một tiếng
nói lương tri, vững chắc, lẻ loi, và trí thức mang tâm hồn Phật giáo nói riêng
và cho người con Việt thao thức với đất nước nói chung. Tạp bút này cũng không
ngoại lệ. Bài đầu tiên là Quyền Năng của Trí tưởng tượng, bắt đầu
hai chữ “Con người”, thì anh cũng kết luận trong bài Tổ Quốc là gì? bằng
hai chữ “TỔ QUỐC”. Thì rõ ràng chỉ có một con người yêu quê hương giống
nòi của mình, mới suy nghĩ, nói năng, hành động và viết lách như thế. Con
người – TỔ QUỐC.
Mà Tổ Quốc là gì, Đất Mẹ là gì? Xin mời quý vị đón đọc
tạp bút này. Một tạp bút ngắn chỉ có 187 trang, được chia ra 3 phần.
Phần
I – Những Câu Chuyện về Đàn Bà.
Mà anh đâu phải viết gì chuyên về Đàn Bà, anh kể câu
chuyện bé Darrell hỏi Mẹ, “Mẹ ơi, sau biển là gì? - Người trả lời, “Là gì? Con
thử tưởng tượng xem?” Không những thế, văn anh rất nhân bản, anh vẫn luôn nhắc
nhở chúng ta “Hãy nhớ đốt một nén hương trầm với lòng thành kính. Với những ai
còn mẹ, hãy mỉm cười hạnh phúc vì đó chính là mùa xuân đẹp nhất ghé qua đời
mình mà chúng ta cần níu giữ.” (trang 50). Ôi nhân văn làm sao. Chắc có lẽ
chúng tôi cũng mất Mẹ nên đồng cảm cùng anh.
Nghĩ về Mẹ thôi là đã hạnh phúc lắm rồi. Phần một
anh kết bằng bài “Cõi của Mẹ, trong âm nhạc Phạm Duy" mà Phạm Duy là thiên
tài âm nhạc rồi, người đã thổi hồn vào âm nhạc Việt Nam. Anh nhắc đến Bài hát
Bà Mẹ Gio Linh và Giọt Mưa Trên Lá như nhắc đến lịch sử khắc khoải đau thương của
Bà Mẹ Việt Nam để rồi khéo léo nhắc với nhau rằng “(hãy) làm sống lại những chồi
dân tộc, những mầm nhân đạo có sẵn trong chúng ta. Càng xa nước, ta lại cần nguồn,
cần nghĩa mẹ, như nước trong người chảy ra. Mát ngọt, trong trẻo và vô tận”
(Trang 56). Vì Mẹ là mênh mông vô tận, nên chúng ta đều biết:
MẸ VẦNG TRĂNG THÁI KHÔNG
Mẹ vầng trăng sáng tỏ
Soi nẻo đường con đi
Càng ngày con càng rỏ
Tâm Mẹ luôn từ bi.
Phần
II. Sài Gòn, Ngồi Nhớ Ân Cần.
À, thì chỉ vài từ “Sài Gòn" --Hòn Ngọc Viễn
Đông hay “Người Sai Gòn" thôi thì cũng đã hiểu rồi. Chữ mực cũng không cần
thiết. Như nhạc sỹ Tuấn Khanh nói “Đôi khi phải ngồi ở vỉa hè, nhìn chiếc lá
rơi cạnh chân mình, mới hiểu.” Xin chấm dứt đoạn này bằng một câu hỏi của anh
trong bài Cafe Sài Gòn, Internet rằng, “...Nhưng nếu không là vậy, hoá ra,
chúng ta đã trở thành loài súc vật công cụ vô tri sao?
Phần
III. Mật Mã Hạnh Phúc.
Đúng là mật mã hạnh phúc. Vậy thì bạn chỉ phải đọc
mà thôi. Ở đây, xin được kết bằng lời của anh: “Mong rằng đất nước này sẽ thôi
những điều oan trái. Và lương tâm, chỉ có một lương tâm được vinh danh vì thái
độ biết làm người.”
Tôi tin chắc rằng, tất cả những ai còn yêu thương tiếng
Việt, hoài niệm về Sài Gòn hay trải tình cho Con người phụ nữ và Đất nước Việt
Nam, sẽ tìm cuốn sách này quý giá. Cuốn sách này cũng dành cho những ai thử tìm
hiểu xem, “Bối rối nhỉ? Những bài học ứng xứ đời thường; Phụ nữ Việt có tệ lắm
không?; Thành phố tụi mình đã rất khô khan; Khi tâm hồn là cố máy; Người Việt
mình rồi sẽ sống ra sao?; Tự do và sợ hãi, Mật mã hạnh phúc, Tổ quốc là gì?
V.v…) thì hãy cố tìm đọc.
Tôi cũng tin như Nhà thơ Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu
(1888-1939) trong bài Thề Non Nước.
“Dù như sông cạn đá mòn.
Còn non, còn nước, hãy còn thề xưa.”
Mà lời thề đó là gì? Thì chỉ có bạn mới hiểu và biết
được. Riêng tôi, nỗi niềm chung hay riêng rồi cũng qua đi. Nỗi buồn hay vui
cũng thế. Đọc xong tập sách buồn vui lẫn lộn, nhưng tôi vui vì đã hiểu thêm anh,
một người bạn trong văn học nghệ thuật và một pháp hữu thầm lặng. Thôi thì mượn
lời của Nhà văn Vĩnh Hảo để mà trải lòng mới nhau vậy… “Niềm vui ấy sâu lắng tự bên trong. Hương vị của nó là thứ hương vị
không có tên gọi hay ngôn ngữ nào của trần gian có thể diễn đạt. Tịch mịch. Cô
liêu. Không thể cùng ai chia sẻ.
Chỉ có thể lẳng lặng cảm nhận, bằng sự trở về của những bước chân cẩn trọng,
nhẹ nhàng trên phiến băng tâm, không lưu vết tích; bằng đường bay cô tịch của
cánh chim qua chân trời hoàng hôn bảng lảng ráng hồng. Chính ở nơi cùng tuyệt
hiu hắt, không một bóng người, không một âm thanh, không một ý niệm, không một
cảm giác hay ý chí truy cầu khởi lên, niềm vui ấy mới ngập tràn, mênh mông,
trùm khắp.”
Vậy mong bạn hãy tìm đọc sách của nhạc sỹ Tuấn Khanh
nhé!
Bạch X. Phẻ
No comments:
Post a Comment