Friday, December 15, 2017

NHÀ VĂN THUẬN Ở PHÁP TỪ CHỐI GIẢI THƯỞNG CỦA HỘI NHÀ VĂN HÀ NỘI (Người Việt Online)


December 13, 2017

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – “‘Tôi từ chối giải thưởng của Hội Nhà Văn Hà Nội vì hội chưa làm đúng trách nhiệm – bảo vệ quyền tự do sáng tác của các nhà văn.’ Hôm qua, khi được phỏng vấn nhanh, mình có trả lời rõ ràng như vậy (vẫn còn lưu trong messenger). Bây giờ nhà báo lại bảo mình từ chối vì ‘lý do cá nhân.’ Thôi thì nhờ anh Phây đưa tin hộ.”

Nhà văn Thuận. (Hình: Facebook Anh Thuan Doan)

Dòng chia sẻ này được nhà văn Thuận, người sống tại Pháp và được biết đến qua một số tác phẩm in bằng tiếng Pháp lẫn tiếng Việt, viết trên trang Facebook cá nhân vì cho rằng báo Zing đã diễn giải sai ý bà về việc từ chối nhận giải thưởng của Hội Nhà Văn Hà Nội.

Bà dẫn bài báo của Zing “Nhà văn Thuận và Lê Ngọc Mai từ chối giải thưởng HNV Hà Nội” khi cho rằng bà không nhận giải thưởng “vì lý do cá nhân” cho bản dịch tác phẩm “Ngôn Từ” của Jean Paul Sartre.

Nhà văn Thuận đã xuất bản các tác phẩm “Chinatown” (ấn hành năm 2005), “T Mất Tích” (2007), “Thang Máy Sài Gòn” (2013), “Chỉ Còn 4 Ngày Là Hết Tháng Tư” (2015)…

Hồi Tháng Năm, 2017, trả lời BBC Việt Ngữ, bà Thuận nói phải “mất hơn ba năm thương thảo với cơ quan kiểm duyệt Việt Nam” để xuất bản được cuốn tiểu thuyết “Thang Máy Sài Gòn” bởi vì chính quyền Việt Nam lo ngại cuốn sách có thể… “ảnh hưởng tới quan hệ Hà Nội-Bình Nhưỡng.”

Hồi Tháng Sáu, một vụ lùm sùm diễn ra trong Hội Nhà Văn Hà Nội khi ông Phạm Xuân Nguyên, chủ tịch hội, từ chức.

Ở Việt Nam, khái niệm “quyền tự do sáng tác” gần như hiếm khi được bàn luận tới trên mặt báo và các hội đoàn nhà văn không bao giờ lên tiếng về chuyện này. Hồi Tháng Chín, báo Người Lao Động tường thuật việc Cục Xuất Bản yêu cầu đình chỉ phát hành cuốn tiểu thuyết “Mối Chúa” của tác giả Đãng Khấu (một bút danh khác của nhà văn Tạ Duy Anh) để tái thẩm định nội dung “vì quá u tối.”

Tờ báo viết: “Nội dung cuốn sách phản ánh những vấn đề nổi cộm trong xã hội hiện nay. Qua đó, tác giả đã vạch trần những tiêu cực và bất công trong xã hội. Tuy nhiên, phần lớn các nhân vật trong tác phẩm từ thấp đến cao đều được xây dựng với hình ảnh đen tối, vô vọng, đau đớn. Một số chi tiết được viết với giọng điệu giễu nhại, sâu cay, miêu tả tiêu cực có phần cường điệu khiến cho hiện thực trở nên đen tối, u tối.” Đến nay đã ba tháng nhưng công chúng không được biết kết quả “tái thẩm định nội dung” cuốn này thế nào. Mạng xã hội dấy lên suy đoán cuốn này bị đình chỉ phát hành vì bút danh “Đãng Khấu” nói nôm na là “đảng cướp” nên rất “nhạy cảm” với Hà Nội. Tuy nhiên, đó chỉ là suy đoán.

Hồi Tháng Năm, một vụ khác gây xôn xao không kém là bản in lại tác phẩm “Miếng Ngon Hà Nội” của nhà văn Vũ Bằng bỗng nhiên bị thu hồi và phạt 240 triệu đồng (khoảng $10,644), công ty Văn Hóa Minh Tân-nhà sách Minh Thắng bị đình chỉ hoạt động sáu tháng vì “những sai sót” khi xuất bản cuốn sách này.

Hình chụp một trang sách trong bản in này rò rỉ trên mạng xã hội ở thời điểm đó có đoạn: “Tôi ao ước một ngày kia miền Bắc được giải thoát khỏi nanh vuốt Cộng Sản, quốc gia trở lại thanh bình và thống nhất…” (T.K.)

-----------------------------

LIÊN QUAN









No comments:

Post a Comment