Sunday, December 17, 2017

BẢN TIN NGÀY 17-12-2017 (Báo Tiếng Dân)



Tin trong nước

Tin Biển Đông
Trang Đại sự ký Biển Đông có bài dịch từ AMTI: Trung Quốc với Một Năm Thầm Lặng Tích Cực Xây Dựng Căn Cứ ở Biển Đông. Bài viết cho biết, năm 2017 là năm mà cuộc tranh chấp lãnh hải Biển Đông diễn tiến tương đối “chậm chạp”, tuy nhiên, Trung Quốc vẫn tiếp tục bồi đắp đảo nhân tạo, củng cố các căn cứ tiền phương ở quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa.

AMTI cũng đã thống kê tất cả những công trình Trung Quốc đã hoàn thành trên đảo nhân tạo tại đá Chữ Thập, Subi, và Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa, và đá Bắc, đá Cây và đá Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa”, một khu vực rộng khoảng 72 mẫu Anh.

LS Lê Văn Luân có bài: Bành trướng lãnh thổ. Trong khi các quan chức trên bờ chỉ lo tìm cách cấm người dân bàn về thể chế xã hội dân sự, đa nguyên tư tưởng, đa nguyên chính trị, suốt ngày chỉ biết tuyên truyền chuyện mất đảng, mất chế độ là mất tất cả, thì ở ngoài quần đảo Trường Sa, các “bạn vàng, bạn tốt” của đảng vẫn tiếp tục xây dựng các công trình lưỡng dụng – dân sự, quân sự – như sân bay, kho chứa đạn dược, vũ khí, và tiếp tục triển khai máy bay chiến đấu tuần tra không phận Biển Đông.

Tác giả đánh giá: “Trung Quốc chưa bao giờ là một quốc gia biết tuân thủ luật pháp và luật pháp quốc tế. Nên Bắc Kinh dù to về diện tích và nhiều về dân số cũng chỉ là một tên côn đồ và không thể nào hoà nhập để sống chung một cách hoà bình với thế giới văn minh”.

Báo Người Lao Động đưa tin: Đại sứ Việt Nam tại Indonesia kêu gọi 5 thuyền trưởng không tuyệt thực. Về việc 4 thuyền trưởng các tàu cá tỉnh Kiên Giang bị bắt, hiện đang tuyệt thực để phản đối quyết định của tòa án Ranai ở Indonesia, ông Hoàng Anh Tuấn, Đại sứ Việt Nam tại Indonesia, đánh giá đây là vụ việc đơn lẻ mà ĐSQ Việt Nam tại Indonesia dồn nhiều công sức và nguồn lực nhất từ trước đến nay.

Tác giả dẫn lời Đại sứ Hoàng Anh Tuấn, thông báo tình hình hiện tại: “Tiếc rằng, cho đến nay kết quả của vụ việc vẫn chưa như mong muốn của người trong cuộc, của dư luận, và đặc biệt là của những cán bộ ĐSQ trực tiếp tham gia xử lý vụ việc. Phía các ngư dân, và các luật sư bảo vệ vẫn tiếp tục kháng cáo, đòi công lý. Còn phía Tòa án Indonesia thì ra phán quyết dựa trên bản khai có chữ kí của ngư dân, cáo trạng do Viện Công tố cung cấp“.

Đại sứ Tuấn cho biết, ĐSQ Việt Nam ở Indonesia sẽ bảo vệ lợi ích chính đáng và hợp pháp của các ngư dân và kêu gọi các thuyền trưởng ngừng tuyệt thực, đề nghị các cơ quan chức năng Indonesia trông chừng tình hình các ngư dân, không để xảy ra bất cứ sự việc đáng tiếc nào xảy ra. Có nghĩa là lời hứa của Đại sứ chưa dứt câu thì ông đã đẩy trách nhiệm trông coi ngư dân Việt sang tay nước bạn.

Thuyền trưởng Lưu Văn Lý, Hứa Minh Trung, Lê Thanh Thiện (từ phải sang) cùng nhau nắm chặt tay bên ngoài khu tạm giam ở Natuna quyết tâm tuyệt thực phản đối. Nguồn ảnh: Báo Tuổi Trẻ.

Báo Tuổi Trẻ có bài phân tích: Làm rõ vùng biển chồng lấn Việt Nam – Indonesia. Theo tác giả, việc các thuyền trưởng tàu cá tỉnh Kiên Giang bị bắt giữ là hệ quả mới nhất của quá trình đàm phán về vùng chồng lấn lãnh hải giữa Việt Nam và Indonesia chưa đạt được hiệu quả thực chất. Sau 25 năm đàm phán, mặc dù Chính phủ 2 bên đã kí được một hiệp định, nhưng chỉ xác định ranh giới thềm lục địa tại vùng biển chồng lấn, và sẽ không ảnh hưởng đến bất kỳ hiệp định nào được ký trong tương lai giữa các bên ký kết về phân định ranh giới vùng đặc quyền kinh tế.

Câu chữ của Bộ Ngoại giao và Chính phủ về việc các thuyền trưởng Việt Nam bị phía Indonesia bắt giữ vẫn đúng “tông”, đúng “bài bản” quen thuộc. Thứ nhất, họ cho rằng tình hình “phức tạp”, cần phải xử lý “thận trọng”. Thứ hai, họ tuyên bố sẵn sàng bảo vệ quyền lợi của ngư dân Việt Nam. Còn các thuyền trưởng, để tự bảo vệ mình, đã phải tuyên bố: Nếu không được minh oan, chúng tôi quyết chết ở Indonesia.

Báo Tuổi Trẻ đưa tin: Viện công tố Indonesia gặp 4 thuyền trưởng Việt Nam tuyệt thực. Bài viết cho biết, đến ngày 16/12/2017, 4 thuyền trưởng tàu cá Kiên Giang bị Indonesia bắt giữ đã tuyệt thực được 4 ngày. Thuyền trưởng Lưu Văn Lý kể rằng, các thuyền trưởng người Việt khác đang bị tạm giam ở đây đều ủng hộ họ, đã nhịn ăn 4 ngày nên họ rất đói và mệt.

Trưa ngày 16/12/2017, cả bốn thuyền trưởng được mời lên làm việc với trưởng phòng hình sự Viện công tố Ranai, Waher T.J Tarihoran. Thông qua phiên dịch, ông Lý khẳng định họ là công dân Việt Nam đi đánh cá theo giấy phép và bản đồ của Nhà nước Việt Nam.

Lời trần tình của thuyền trưởng Lưu Văn Lý: “Không có ai minh oan nên chúng tôi đành phải chọn cách phản ứng mạnh mẽ như vậy và quyết định tuyệt thực, không ăn”, cho thấy khoảng cách giữa chữ “sẵn sàng” thường hiện diện trên môi của Bộ Ngoại giao, khác xa với hiện thực mà những người ngư dân phải tự đối mặt khi hành nghề gần vùng chồng lấn lãnh thổ.


“Đảng lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối”!
Nhân dịp bác Tổng sắp tham dự phiên họp cuối năm của Chính phủ, Facebooker Nguyễn Anh Tuấn có bài bình luận: Tổng Bí thư dự họp Chính phủ có phạm luật? Tác giả viết: “Nhiều báo gọi đây là sự kiện ‘chưa có tiền lệ. Nhưng có lẽ cần nói rõ thêm, đây còn là hành vi trái pháp luật.

Vì sao trái pháp luật? Nội dung của chính Luật Tổ chức Chính phủ 2015 quy định rõ, chỉ cho phép Thủ tướng mời những thành phần ngoài Chính phủ sau tham dự phiên họp chính phủ như: thủ trưởng các cơ quan thuộc Chính phủ; chủ tịch cấp tỉnh/thành; Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội; Chủ tịch Ủy ban Trung Ương Mặt trận Tổ Quốc; người đứng đầu cơ quan trung ương của các tổ chức chính trị – xã hội; Chủ tịch nước được quyền tham dự.
Vậy nên, “Thủ tướng mời Tổng Bí thư là trái pháp luật, mà nếu Tổng Bí thư nhận lời cũng không ổn chút nào”. Chỉ tiếc là chính người từng phát biểu “nhốt quyền lực vào lồng” đã nhận lời rồi.

Nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh có bài: Từ chuyện ông Trọng trực tiếp tham gia họp chính phủ. Tác giả cho rằng, việc bác Tổng tham gia cuộc họp chính phủ thường niên bất chấp luật pháp của chính Nhà nước Việt Nam hiện tại, hay việc bác Tổng tiện tay nắm luôn Quốc hội, quân đội, công an, tòa án, Viện Kiểm sát, báo chí và tất cả các đoàn thể xã hội thuộc Đảng, cũng chẳng có gì sai. Bởi vì: “Chế độ độc đảng thì Đảng nắm hết, lãnh đạo toàn diện” mà.

Theo tác giả, vấn đề là, ngày trước bác Tổng còn tin các cơ quan, ban ngành, đoàn thể dưới quyền thì bác “chỉ đạo gián tiếp thông qua cuộc họp Bộ Chính trị”, giờ bác Tổng không tin nữa thì bác phải trực tiếp chỉ đạo. Nên việc người đứng đầu thể chế đảng trị làm việc bất chấp pháp luật chẳng thể gọi là sai nữa, vì vốn dĩ mọi việc đã như vậy từ đầu.

Sai là ở lỗi hệ thống, lỗi cấu trúc thể chế: “Tất cả các cơ quan tổ chức ấy đều là của Đảng, tồn tại nhằm bảo vệ và phục vụ Đảng nhưng lại dùng tài nguyên của quốc gia do cha ông để lại và tài sản của người dân làm ra trang trải chi phí”. Đến lượt những chi phí phải tính bằng đơn vị “ngàn tỉ” lại trở thành gánh nặng cho dân và nước. Thuế, phí thì ngày càng tăng, tài nguyên thì ngày càng giảm.


Hàng loạt “củi” bị cho vào lò
Báo VnExpress đưa tin: Hàng loạt cán bộ bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị kỷ luật. Kết thúc kỳ họp thứ 20 vừa qua, Ủy  ban Kiểm tra Trung ương, lực lượng giữ lửa cho lò bác Tổng đã bổ sung thêm một loạt tên tuổi cho danh sách “củi vào lò”, trước khi năm 2017 kết thúc.

Ở Thanh Hóa, ông Ngô Văn Tuấn, Tỉnh uỷ viên, Phó chủ tịch UBND tỉnh, đã trở thành củi vì các lý do: “Làm trái quy định của Hội đồng thi tuyển công chức tỉnh Thanh Hóa năm 2011; ban hành quyết định không đúng thẩm quyền về thành lập Hội đồng tuyển chọn cán bộ, công chức của Sở Xây dựng”,  “bổ nhiệm nhiều trưởng phòng, phó trưởng phòng chưa đủ điều kiện, tiêu chuẩn, trong đó điển hình là trường hợp bà Trần Vũ Quỳnh Anh”.

Vào lò chung với ông Tuấn là ông Đào Vũ Việt, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Thanh Hoá (từ tháng 12/2015 đến nay), vì ký quyết định thành lập các ban bệ trái thẩm quyền, vượt số lượng quy định; ký quyết định bổ nhiệm nhân sự không đủ điều kiện, tiêu chuẩn.

Ở Quảng Nam, ông Lê Phước Thanh, cựu Bí thư Tỉnh ủy, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam bị cho vào lò với lý do đề nghị bổ nhiệm, luân chuyển, điều động một số nhân sự không đúng quy định, “có biểu hiện ưu ái, vun vén cho gia đình”. Vậy nên, quý tử nhà ông Thanh là Lê Phước Hoài Bảo cũng theo bước ông Thanh để trở thành củi.

Đồng hành cùng cha con nhà Bí thư Thanh là ông Đinh Văn Thu, Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, bởi trách nhiệm liên đới trong các sai phạm của Ban cán sự đảng UBND tỉnh và Ban thường vụ Tỉnh ủy, và có biểu hiện chăm lo gia đình, bạn bè giống ông Thanh. Ông Huỳnh Khánh Toàn, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh hóa củi vì bổ nhiệm, điều động nhân sự vượt quyền hạn. Tất cả các khúc củi này đều sắp bị xử lý kỷ luật.

Ở Vĩnh Phúc, ông Phạm Văn Vọng, cựu Ủy viên Trung ương Đảng, cựu Bí thư Tỉnh ủy và ông Phùng Quang Hùng, cựu Chủ tịch UBND tỉnh vào lò bởi việc lạm quyền trong sử dụng đất, phê duyệt dự án, gây lãng phí, thất thoát vốn đầu tư.

Ở Đắk Nông, ông Nguyễn Thanh Sơn, cựu Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh và ông Lê Ân Tình, cựu trưởng Công an huyện Đắk Song hóa củi bởi những sai phạm liên quan tới sử dụng đất, rừng.

Báo Thanh niên có bài: Tiếp tục xem xét trách nhiệm lãnh đạo ‘nâng đỡ không trong sáng’ hot girl Quỳnh Anh. Tác giả dẫn thông tin từ kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương: ông Ngô Văn Tuấn đã có hành vi lạm quyền trong tuyển chọn cán bộ, công chức của Sở Xây dựng.

Một vết nhơ khá nổi trong quan lộ của ông Tuấn là việc ông nâng đỡ cô Trần Vũ Quỳnh Anh. Đành rằng việc người có chức, có quyền lập “phòng nhì” với các “chân dài” đã trở thành “chuyện thường ngày ở huyện”, nhưng trong trường hợp ông Tuấn, cách ông giúp người tình thăng tiến thần tốc như vậy thể hiện thái độ rất không đúng mực ở người tuổi tác như ông: “Điều động bà Trần Vũ Quỳnh Anh từ nhân viên hợp đồng ở đơn vị sự nghiệp về làm công chức chuyên môn; trong một thời gian rất ngắn bổ nhiệm làm Phó Trưởng phòng, Trưởng phòng, đề nghị quy hoạch chức danh Phó Giám đốc Sở”.


Thêm “thái tử Đảng” vào lò
Báo Tuổi Trẻ có bài: Yêu cầu xóa tên đảng viên, hủy quyết định bổ nhiệm ông Lê Phước Hoài Bảo. Tác giả dẫn kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương về sai phạm của “thái tử Đảng” gốc Quảng Nam: “Ý thức tổ chức kỷ luật kém; vi phạm nguyên tắc tổ chức sinh hoạt của Đảng, bỏ sinh hoạt Đảng nhiều tháng, không chuyển sinh hoạt Đảng theo quy định trong thời gian đi học thạc sĩ tại nước ngoài”.

Thời chưa thành củi, đến cả người trộm chim quý của “thái tử Đảng” gốc Quảng Nam cũng bị truy tố, giờ thì bao nhiêu áo mũ cân đai đều bị lột hết: không những bị xử lý kỷ luật, mà tên của “thái tử” trong danh sách đảng viên cũng bị xóa, Ủy ban Kiểm tra Trung ương cũng quyết định “hủy bỏ các quyết định về công tác cán bộ không đúng đối với ông Lê Phước Hoài Bảo”.

Nhà báo Trương Duy nhất có bài: Thanh trừng “thái tử Đảng”. Theo tác giả, chưa có thời nào mà “con ông cháu cha” xuất hiện nhiều ở các cơ quan quyền lực như thời này. Tác giả đánh giá: “Những đứa trẻ ranh mới hôm rồi chỉ biết vọc tiền, chơi gái, thoắt cái khoác áo vét cà vạt chễm chệ trên đỉnh cao quyền lực cai trị, hoạch định chính sách kinh tài quốc gia”.


Vụ án Trịnh Xuân Thanh
Trang Thời Báo đưa tin: Quốc hội Đức cử 2 đại biểu sang Việt Nam dự phiên tòa xét xử ông Trịnh Xuân Thanh. Tác giả dẫn nguồn từ Quốc hội Đức, cho biết: “Một vị nghị sĩ của đảng cầm quyền Liên minh dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) sẽ sang Việt Nam vào đầu tháng 1.2018 trong dịp mở phiên tòa xét xử và một nữ nghị sĩ của Đảng Cánh tả (Die Linke) cũng đang cân nhắc cùng đi, quyết định cuối cùng của bà sẽ được đưa ra vào thứ 3 tuần tới”.

Như vậy, nước Đức đã giữ đúng lời: họ muốn Trịnh Xuân Thanh được xử trong một phiên tòa với đầy đủ thủ tục, trình tự của nhà nước pháp quyền, và họ sẽ cử quan sát viên sang Việt Nam để chứng thực. Vấn đề còn lại là liệu lò củi của bác Tổng có thể tổ chức được một phiên tòa công khai, dân chủ, tôn trọng nhân quyền. Bác Tổng và những người giúp bác nhóm lò lại thường hay làm việc bất chấp pháp luật, kể cả pháp luật do chính người phe bác đề ra.

Về việc bắt cóc Trịnh Xuân Thanh ngay trên lãnh thổ Đức, ông Martin Patzelt, nghị sĩ Quốc hội thuộc Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU), thành viên Ủy Ban Nhân Quyền Quốc Hội CHLB Đức, đánh giá: “Việc bắt cóc thật là kinh khủng. Nếu Việt Nam muốn hòa nhập với các quốc gia văn minh, họ phải tôn trọng nhân quyền”.

Báo Đất Việt đưa tin: Luật sư bào chữa cho Trịnh Xuân Thanh: Không áp lực. Trao đổi với phóng viên báo Đất Việt, luật sư Lê Văn Thiệp chia sẻ rằng ông không bị áp lực gì khi nhận bào chữa vụ án này. Cùng tham gia bào chữa với luật sư Lê Văn Thiệp còn có luật sư Trần Hồng Phúc, Đoàn Luật sư TP Hà Nội và 2 luật sư khác thuộc Văn phòng luật sư Nguyễn Chiến.

Tác giả dẫn ý kiến luật sư Đỗ Hải Bình về vai trò của nhà nước đối với vụ án Trịnh Xuân Thanh: “Còn nhà nước cũng thể hiện mình khách quan vô tư khi có biên bản lấy lời khai người này người kia có luật sư của bạn được mời ở đó. Kể cả có chỉ định đi chăng nữa thì luật sư không được quyền làm trái, tạo bất lợi cho bị can bị cáo. Họ là người công tâm theo dõi từ đầu”. Một luật sư thực sự công tâm sẽ không đánh giá như vậy nếu theo dõi đầy đủ tình tiết từ lúc Trịnh Xuân Thanh bị bắt cóc trên đất Đức!

Vụ án Đinh La Thăng
Báo Dân Việt có bài: Từ việc bắt ông Đinh La Thăng, nhớ về vụ án Trần Dụ Châu. Tác giả so sánh trường hợp ông Thăng với Đại tá Trần Dụ Châu, Cục trưởng Cục Quân nhu, là người đã ra tòa án binh cùng đồng phạm vào năm 1950, và bị xét xử vì tội tham ô, biển thủ công quỹ. Khi ấy, Đại tá Châu đã gửi đơn xin ân xá lên tận ông Hồ và bị bác đơn.

Tác giả đã có ý tứ hay khi so sánh khúc củi tẩm dầu trong lò bác Tổng với trường hợp “giết gà dọa khỉ” xảy ra vào giữa thế kỷ trước. Tuy nhiên, tác giả lại kết luận rằng: “Đảng đang đẩy mạnh công cuộc chống tham nhũng theo đúng hướng đó khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tuyên bố: ‘Cuộc đấu tranh chống tham nhũng không có vùng cấm’.”. Những ai hiểu được bản chất “nhận mặt người quen” của cái lò bác Tổng sẽ không kết luận như vậy.

Trang VietNamNet đưa tin: Thêm 2 luật sư bào chữa cho ông Đinh La Thăng. Trả lời báo VietNamNet ngày 16/12/2017, luật sư Nguyễn Huy Thiệp cho biết ông vừa nhận được giấy chứng nhận bào chữa cho ông Đinh La Thăng. LSThiệp chia sẻ: “Tham gia bào chữa cho anh em ông Đinh La Thăng tôi chịu áp lực lớn, không thoải mái gì và cần có sự thận trọng lớn, nỗ lực cao độ”. Tác giả cho biết, luật sư Phan Trung Hoài và luật sư Đào Hữu Đăng cũng xác nhận là người tham gia bào chữa cho ông Đinh La Thăng.

Nhân quyền ở Việt Nam
Nhà báo độc lập Nguyễn Hữu Vinh có bài: Hai năm để chứng tỏ một nhà cầm quyền bất chấp luật pháp của chính họ. Tác giả ghi nhận: “Ngày hôm nay, 16/12/2017, tròn 2 năm nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam bắt luật sư Nguyễn Văn Đài”. Đây cũng là lần thứ 2 luật sư Đài bị bắt, sau lần đầu tiên với bản án 5 năm tù và 4 năm quản chế. Theo tác giả, chính những người từng xử anh Đài cũng phải thừa nhận: “Nó là đứa yêu nước”.

Luật sư Đài bị bắt sau khi bị khởi tố, nhưng chưa từng được xét xử, nghĩa là ông vẫn đang ngồi tù với tư cách là một người vô tội. Theo tác giả, việc một người vô tội bị bắt giam và bị kéo dài thời gian tạm giam một cách tùy tiện đã làm rõ “bộ mặt nhơ nhớp, lỳ lợm và bẩn thỉu của một cái gọi là ‘Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa’.”.

Hồ sơ Đồng Tâm
Blog Tễu có bài: Tin Đồng Tâm: Bản tường trình đặc biệt của bà Nguyễn Thị Lan. Tác giả nhắc lại sự kiện xảy ra ngày 13/12/2017: Hội đồng Nhân dân (HĐND) xã Đồng Tâm (huyện Mỹ Đức, Hà Nội) tổ chức buổi “đấu tố”, nhằm bãi nhiệm chức danh Chủ tịch HĐND xã đối với bà Nguyễn Thị Lan, chính quyền Hà Nội và Mỹ Đức gửi khoảng 300 công an có sắc phục xuống để tổ chức buổi họp. Theo tác giả, có hàng ngàn người dân đã kéo đến bao vây hội trường, đòi vào trong để phản đối bãi nhiệm bà Lan.

Tác giả ghi nhận: “Sau màn đấu tố ghê rợn và kinh tởm của chính quyền, bà Lan đã ra khỏi hội trường và được người dân chào đón như chào đón một nhà vô địch… Trong lời cảm ơn mai mỉa, bà Lan nói ‘Cảm ơn đảng đã trí tuệ, sáng suốt khai trừ tôi…’.”

Ảnh chụp trang đầu bản tường trình của bà Nguyễn Thị Lan trong buổi họp bất thường của HĐND xã Đồng Tâm. Ảnh: FB Lê Công

Tin quốc tế

Tình hình nước Mỹ
VOA đưa tin: TT Trump công bố chiến lược an ninh quốc gia vào thứ Hai. Bài báo cho biết, thứ Hai tuần tới, Tổng thống Trump sẽ công bố chiến lược của ông nhằm chống lại điều mà ông cho là “những mối đe dọa toàn cầu nghiêm trọng nhất đối với Mỹ”.

Ông H.R. McMaster, Cố vấn An ninh Quốc gia của chính quyền Trump, nói rằng, nói rằng, “chính sách của ông Trump được thúc đẩy bởi bốn ưu tiên chính: bảo vệ quê nhà, thăng tiến và bảo vệ sự thịnh vượng của Mỹ, duy trì hòa bình thông qua sức mạnh và thăng tiến ảnh hưởng của Mỹ”. Ông McMaster cũng nói rằng, mối đe dọa chính đối với an ninh của Mỹ là Nga, Trung Quốc, Bắc Hàn và Iran.

Facebooker Đinh Ngọc Thu có bài: Chuyện chỉ xảy ra dưới thời Trump làm tổng thống. Tổng thống Trump đề cử ông Matthew Petersen làm thẩm phán liên bang, hôm 13/12, ông Petersen ra điều trần trước Ủy ban Tư pháp Thượng viện, trả lời những câu hỏi của các thượng nghị sĩ, nhưng ông ta không trả lời được một câu hỏi cơ bản nào về luật, bởi ông ta anh ta chưa từng làm luật sư, chưa từng bào chữa cho bất kỳ ai, ở bất kỳ phiên tòa nào.
Thượng nghị sĩ John Kennedy hỏi ông Petersen: Ông đã từng tham gia vụ án nào chưa? Chưa. Dân sự? Chưa. Hình sự? chưa. Phiên xét xử bởi thẩm phán? Chưa. Tòa án liên bang? Chưa? Tòa án tiểu bang? Chưa. Sau đó là những câu hỏi rất dễ như thủ tục pháp lý, chuẩn Daubert (Daubert standard: là tiêu chuẩn áp dụng đối với việc thu thập bằng chứng trong các vụ án hình sự trong quá trình tố tụng),… chỉ cần là sinh viên năm thứ hai trường luật là có thể trả lời, nhưng Petersen vẫn không trả lời được câu nào.

Mời xem clip, Thượng nghị sĩ John Kennedy chất vấn ông Petersen, nhưng ông không trả lời được câu nào:
MUST WATCH: Republican @SenJohnKennedy asks one of @realDonaldTrump’s US District Judge nominees basic questions of law & he can’t answer a single one. Hoo-boy. pic.twitter.com/fphQx2o1rc
— Sheldon Whitehouse (@SenWhitehouse) December 15, 2017

Nhà báo Nguyễn Tiêu Quốc Đạt viết: “Ngay cả trong một thể chế dân chủ vẫn có chuyện một người thiếu năng lực được cấp trên đề bạt nhờ tài nịnh nọt. Nhưng cũng nhờ cơ chế điều trần như thế này người ta cũng dễ dàng nhìn ra những khiếm khuyết như thế này. Vừa hề vừa đau đớn cho nước Mỹ“.


Cánh tay Trung Quốc nối dài khắp nơi
RFI có bài: «Quyền lực bén», vũ khí lũng đoạn thâm hiểm của Trung Quốc. RFI dẫn nguồn từ báo The Economist của Anh viết về Trung Quốc, tựa đề: “Quyền lực bén, một dạng mới của ảnh hưởng Trung Quốc”. Bài viết phân tích việc chính quyền Trung Quốc thâm hiểm, dùng mọi cách xâm nhập chính trường các nước, “dẫn dắt công luận và dập tắt những tiếng nói chỉ trích của các nước khác trên thế giới“, trong đó có Mỹ, Úc, New Zealand, Canada, Đức, Anh… đều có bàn tay lông lá của Trung Quốc thò vào.

RFI cho biết: “Tại châu Âu, cơ quan tình báo Đức tuần này tố cáo Bắc Kinh sử dụng mạng xã hội để liên lạc với 10.000 công dân Đức, kể cả dân biểu và công chức, nhằm ‘thu thập thông tin và tạo nguồn’. Có những báo cáo cho biết tình báo Trung Quốc cố gắng dựng lên những chính khách ở Anh, đặc biệt những người có quan hệ làm ăn. Mới nhất hôm 13/12, một ủy ban của Quốc Hội Mỹ bắt đầu xem xét các âm mưu gây ảnh hưởng chính trị của Bắc Kinh“.












No comments:

Post a Comment