Tuesday, November 7, 2017

TRONG CHỦ NGHĨA XÃ HỘI, ĐẠO ĐỨC CÒN KHAN HIẾM HƠN CẢ BÁNH MÌ (Marian L. Tupy)




Marian L. Tupy
Phạm Nguyên Trường dịch
07/11/2017

Chủ nghĩa xã hội không chỉ được chống đỡ bằng bạo lực, nó còn làm cho người ta thoái hóa về mặt đạo đức.

Cách đây vài tuần, tôi đã đến thăm New Orleans, tôi có buổi nói chuyện về sự tiến bộ của con người. Buổi nói chuyện của tôi tập trung vào việc cải thiện mức sống trên toàn thế giới trong 200 năm qua - giai đoạn tăng trưởng chưa từng thấy trong lịch sử mà cuộc cách mạng công nghiệp và thương mại toàn cầu đã tạo ra.

Một trong những câu hỏi của khán giả liên quan đến đạo đức của chủ nghĩa tư bản. “Ông đã chứng minh rằng chủ nghĩa tư bản tạo nhiều của cải hơn là chủ nghĩa xã hội”, một chàng trai trẻ thừa nhận. “Nhưng nó có đạo đức không?”, anh ta hỏi.

Đạo đức của chủ nghĩa tư bản

Đáp lại, tôi nói tới những khía cạnh tự nguyện và ích lợi mang tính xã hội của chủ nghĩa tư bản.

Để kiếm tiền, các nhà tư bản cần phải làm những việc hoặc sản xuất các món hàng hoá mà người khác muốn. (Có, có ngoại lệ. Ví dụ, các nhà tư bản được các quan chức tham nhũng bảo vệ, không phải đối mặt với các lực lượng thị trường, thu được lợi tức độc quyền mà họ không có quyền hưởng. Đó là ý nghĩa của cụm từ “chủ nghĩa tư bản thân hữu”).

Tương tự như thế, những vụ giao dịch giữa các nhà tư bản và người tiêu dùng thường là tự nguyện. Các nhà tư bản không thể ép khách hàng mua hàng hoá và dịch vụ của khu vực tư nhân. (Một lần nữa, có ngoại lệ. Ví dụ, theo chương trình bảo hiểm y tế của Obama (Obamacare), chính phủ Mỹ có thể buộc người dân mua bảo hiểm y tế của các cơ sở tư nhân.)

Bảo vệ chủ nghĩa tư bản như một hệ thống kinh tế vững mạnh về đạo đức là rất quan trọng, vì, như tôi đã nói trước đây: “Cho đến nay, chủ nghĩa tư bản chỉ là định nghĩa gần đây nhất về nền kinh tế dựa trên trao đổi, tài sản cá nhân và tìm kiếm lợi nhuận, bao giờ cũng có những người cho rằng ba cái đó là không thể chấp nhận được [về mặt đạo đức]”.
Những lời hứa hão của chủ nghĩa xã hội

Chủ nghĩa xã hội, như người hỏi tôi ở New Orleans ngụ ý, thường được giả định là đạo đức. Giả định này có hợp lý không?

Chủ nghĩa xã hội là một lý tưởng không tưởng nhằm giải quyết tất cả các vấn đề của con người, trong đó có nghèo đói và bất bình đẳng. Nhưng than ôi, lý thuyết và thực hành lại mâu thuẫn với nhau.

Karl Marx vẽ ra lợi ích trong tương lai của xã hội xã hội chủ nghĩa như sau:

“Nếu chúng ta chọn vị trí trong cuộc đời, để có thể làm hầu hết mọi việc vì nhân quần thì không có gánh nặng nào có thể làm chúng khom lưng, vì đấy là sự hi sinh vì lợi ích của tất cả mọi người; lúc đó chúng ta sẽ không còn niềm vui ích kỉ, nhỏ nhen và giới hạn, mà hạnh phúc của chúng ta sẽ thuộc về hàng triệu người, việc làm của chúng ta sẽ sống lặng lẽ nhưng mãi mãi hữu ích và những giọt nước mắt nóng bỏng của những con người cao quý sẽ rơi trên tro cốt của chúng ta”.

Leon Trotsky, nhà cách mạng Liên Xô, viết rằng trong xã hội xã hội chủ nghĩa:

“Con người sẽ trở nên mạnh mẽ hơn, khôn khéo hơn và tinh tế hơn gấp nhiều lần; cơ thể sẽ trở nên hài hòa hơn, đi lại nhịp nhàng hơn, giọng nói du dương hơn. Cuộc sống sẽ trở nên ấn tượng hơn. Người trung bình cũng sẽ vươn lên đỉnh cao của Aristotle, Goethe, hay Marx. Và trên những đỉnh cao này, sẽ xuất hiện những đỉnh cao mới”.

Fidel Castro tuyên bố rằng cuộc Cách mạng ở Cuba là “cuộc cách mạng của những người khiêm nhường, cùng với những người khiêm nhường và vì những người khiêm nhường” và cuộc đấu tranh vì chủ nghĩa xã hội của ông ta là “cuộc đấu tranh vì cuộc sống của tất cả trẻ em trên toàn thế giới”.

Che Guevara, nhân vật số hai sau Castro, thì nói rằng, “Có nguy cơ dường như vô lý, tôi xin nói rằng cuộc cách mạng chân chính được hướng dẫn bởi cảm giác tuyệt vời của tình yêu. Nghĩ tới cuộc cách mạng thực sự mà không có phẩm chất này là điều bất khả thi”.

Điều đó, đối với nhiều người là tình cảm cao quý, vẫn được ghi trong cương lĩnh của Đảng Xã hội Mỹ, với khẳng định rằng “Chúng tôi cam kết chuyển hóa chủ nghĩa tư bản thông qua quá trình xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa dân chủ dựa trên lòng từ bi, thông cảm và tôn trọng ...”

Chủ nghĩa tập thể tạo ra chế độ chuyên chế

Đưa các tư tưởng của chủ nghĩa xã hội vào thực tiễn tạo ra nhiều vấn đề hơn hẳn. Một trong những khuyết tật rõ ràng nhất của chủ nghĩa xã hội khi áp dụng vào cuộc sống thực là khuynh hướng dẫn tới chế độ độc tài. Hiện nay, quan hệ giữa chủ nghĩa xã hội và độc tài thể hiện rõ nhất là ở Venezuela. Nhà kinh tế học Friedrich Hayek, Nobel kinh tế, là người đầu tiên viết về hiện tượng này trong tác phẩm Đường Về Nô Lệ.

Năm 1944, khi chấp bút tác phẩm này, Hayek nhận xét rằng những tội ác của những người xã hội chủ nghĩa quốc gia Đức và tội ác của những người cộng sản Liên Xô phần lớn là kết quả của sự kiểm soát ngày càng gia tăng của nhà nước đối với nền kinh tế.

Ông giải thích rằng, sự can thiệp ngày càng gia tăng của nhà nước vào kinh tế dẫn đến tình trạng kém hiệu quả trên diện rộng và những hàng người dài dằng dặc bên ngoài những cửa hàng trống rỗng. Tình trạng khủng hoảng kinh tế thường trực như thế sẽ dẫn đến những lời kêu gọi kế hoạch hóa nhiều hơn nữa.

Nhưng kế hoạch hóa kinh tế thù địch với tự do. Vì trong xã hội tự do, người ta không thể đồng ý với nhau về một kế hoạch duy nhất, việc tập trung hoá quá trình ra quyết định về kinh tế phải song hành với tập trung hóa quyền lực chính trị vào tay một nhóm nhỏ. Cuối cùng, thất bại của kế hoạch hóa tập trung trở thành hiện tượng không thể nào phủ nhận được, các chế độ toàn trị thường bịt miệng những người bất đồng chính kiến - đôi khi bằng những vụ giết người hàng loạt.

Bất đồng chính kiến trong chủ nghĩa xã hội là việc khó khăn, vì nhà nước là người sử dụng lao động duy nhất. Xin trích dẫn Trotsky một lần nữa: “Ở đất nước mà nhà nước là người sử dụng lao động duy nhất thì đối lập nghĩa là chết đói một cách từ từ. Nguyên tắc cũ: Không làm việc thì không được ăn, đã được thay bằng nguyên tắc mới: Không vâng lời thì không được ăn”. Nói cách khác, kinh tế tự do là điều kiện cần, mặc dù chưa đủ, cho tự do chính trị.

Rõ ràng là, không phải mọi người đều nghĩ rằng chế độ độc tài và những vụ giết người hàng loạt là cái giá quá cao, nếu có được bình đẳng. Ví dụ, có người hỏi Eric Hobsbawm, nhà sử học theo trường phái Marxist ở Anh, rằng nếu chủ nghĩa cộng sản đạt được mục đích của mình, nhưng chỉ có 15 đến 20 triệu người bị giết chứ không phải là 100 triệu người như từng xảy ra Nga và Trung Quốc thì ông có ủng hộ hay không? Câu trả lời của ông là một từ duy nhất: Có. Ngay cả hôm nay, nhiều người, trong đó có Thủ tướng Canada, Justin Trudeau, còn xun xoe trước chế độ độc tài ở Cuba, vì nước này có nền giáo dục và chữa bệnh được cho là miễn phí.

Tôi viết “được cho là”, vì trong chủ nghĩa xã hội, hối lộ (ví dụ, trả ngay bằng tiền mặt hay móc ngoặc) là hiện tượng phổ biến. Bác sĩ cảm thấy rằng nhà nước trả lương quá thấp, đòi phải hối lộ thì mới chăm sóc bệnh nhân. Các giáo viên cũng như vậy, họ ưu ái con của bác sĩ để được chăm sóc sức khỏe tốt hơn. Quá trình này kéo dài tới cửa hàng bán thực phẩm.

Hối lộ và trộm cắp thường song hành với nhau. Ở các nước xã hội chủ nghĩa, nhà nước nắm tất cả các cơ sở sản xuất, như nhà máy, cửa hàng và trang trại. Để có cái gì đó trao đổi với nhau, đầu tiên là phải “ăn cắp” của nhà nước. Ví dụ, người bán thịt ăn cắp thịt để đổi lấy rau mà người bán rau ăn cắp được..v.v…

Trong chủ nghĩa xã hội, móc ngoặc có thể xảy ra được theo những cách khác. Ví dụ, ở Đông Đức, người ta thường theo dõi những người hàng xóm, thậm chí theo dõi cả vợ/chồng.

Tổng số cảnh sát mật và các cộng tác viên không chính thức chiếm khoảng 2% dân số.

Nếu tính cả những chỉ điểm không thường xuyên, thì cứ sáu người Đông Đức có một người, lúc này hay lúc khác, đã từng theo dõi những người đồng bào của mình.

Nói cách khác, chủ nghĩa xã hội không chỉ được chống đỡ bằng bạo lực, nó còn làm người ta thoái hóa về mặt đạo đức. Nói dối, ăn cắp và chỉ điểm là hiện tượng phổ biến và niềm tin giữa người với người đã không còn. Không những không khuyến khích tình huynh đệ giữa người với người, chủ nghĩa xã hội làm cho mọi người đều trở thành đáng ngờ và đầy sân hận.

Tôi đã khẳng định từ lâu rằng, thiệt hại lớn nhất mà chủ nghĩa xã hội gây ra không phải là kinh tế. Mà là tinh thần. Nhiều nước vứt bỏ chủ nghĩa xã hội đã xây dựng lại nền kinh tế của mình và trở nên thịnh vượng. Nhưng không thể nói như thế các thiết chế của họ, ví dụ, thượng tôn pháp luật, cách hành cử của công dân và nạn tham nhũng.

Thịnh vượng là kết quả của việc dỡ bỏ những rào cản đối với việc trao đổi giữa những con người tự do. Nhưng làm thế sao để làm có xã hội ít tham nhũng hơn và tuân thủ pháp luật hơn?

Nói cách khác, di sản thực sự của chủ nghĩa xã hội không phải là bình đẳng, mà là vô đạo đức.

*
Marian L. Tupy là biên tập viên trang HumanProgress.org và là nhà phân tích chính sách cao cấp tại Center for Global Liberty and Prosperity.


-----------------------------------

Jonathan Miltimore
Phạm Nguyên Trường dịch
08 Tháng 11, 2017

Tất cả chúng ta đều biết Marx muốn xóa bỏ tư hữu, nhưng ông còn rất thẳng thắn khi nói về việc muốn xóa bỏ năm thứ sau đây nữa.

Một trong những đặc điểm nổi bật của Tuyên ngôn Cộng sản là tính trung thực của nó.

Karl Marx có thể không phải là một người cực kì tốt, nhưng ông là người ngay thẳng khi nói về mục đích của chủ nghĩa cộng sản. Có thể khẳng định rằng thái độ quyết liệt như thế đã ăn sâu vào tâm lý của những người cộng sản.

Marx nói rõ trong bản tuyên bố của mình:“Những người cộng sản coi là điều đáng khinh bỉ nếu giấu giếm những quan điểm và ý định của mình. Họ công khai tuyên bố rằng mục đích của họ chỉ có thể đạt được bằng cách dùng bạo lực lật đổ toàn bộ trật tự xã hội hiện hành. Mặc cho các giai cấp thống trị run sợ trước một cuộc Cách mạng cộng sản chủ nghĩa!” (tất cả các trích dẫn ở đây đều lấy từ Tuyên ngôn của Đảng cộng sản: https://www.marxists.org/vietnamese/marx-engels/1840s/tuyen/phan_02.htm)

Tương tự như cuốn Cuộc đấu tranh của tôi (Mein Kampf) của Hitler, độc giả thấy một tầm nhìn tinh khiết, không bị pha loãng của ý thức hệ của tác giả (dù nó rất đen tối).

Tuyên ngôn của Marx nổi tiếng vì nó đã tóm tắt lý thuyết về chủ nghĩa cộng sản của ông bằng một câu duy nhất: “Bãi bỏ tư hữu”. Nhưng đây hầu như không phải điều duy nhất mà nhà triết học này tin rằng sẽ phải bãi bỏ trong cuộc diễu hành của giai cấp vô sản từ xã hội tư bản sang xã hội không tưởng. Trong bản tuyên ngôn của mình, Marx nhấn mạnh năm tư tưởng và thiết chế cần phải xóa bỏ.

1. Gia đình

Marx thừa nhận rằng phá hủy gia đình là chủ đề gai góc, ngay cả đối với những người cách mạng. “Xoá bỏ gia đình! Ngay cả những người cấp tiến cực đoan nhất cũng phẫn nộ về cái ý định xấu xa ấy của những người cộng sản”, ông viết.

Nhưng ông nói rằng những người chống đối tư tưởng này không hiểu được sự kiện quan trọng nhất liên quan tới gia đình.

“Gia đình tư sản hiện nay dựa trên cơ sở nào? Dựa trên tư bản, trên lợi nhuận cá nhân. Gia đình dưới hình thái hoàn toàn phát triển của nó, chỉ tồn tại đối với giai cấp tư sản thôi”, ông viết tiếp.

Tốt nhất là xóa bỏ gia đình tư sản sẽ diễn ra một cách tương đối dễ khi tài sản tư nhân bị xóa bỏ. “Gia đình tư sản dĩ nhiên là sẽ tiêu tan cùng với cái vật bổ sung đó của nó, và cả hai cái đó đều mất đi cùng với sự tan biến của tư bản”.

2. Tính cá nhân

Marx tin rằng tính cá nhân là phản đề của chủ nghĩa bình quân mà ông ta mường tượng. Vì vậy, “cá nhân chắc chắn cần phải thủ tiêu”.
Tính cá nhân là một cấu trúc xã hội của xã hội tư bản và gắn bó chặt chẽ với tư bản.

“Trong xã hội tư sản, tư bản có tính độc lập và cá tính, còn cá nhân người lao động lại mất tính độc lập và cá tính,” ông viết. “Và chính việc xoá bỏ những quan hệ như thế, là việc mà giai cấp tư sản cho là xoá bỏ cá tính và tự do! mà cũng có lý đấy. Vì quả thật, vấn đề là phải xoá bỏ cá tính tư sản, tính độc lập tư sản và tự do tư sản.”

3. Những chân lý vĩnh cửu

Marx dường tin rằng ngoài đấu tranh giai cấp thì không còn sự thật nào hết.
“Những tư tưởng thống trị của một thời đại bao giờ cũng chỉ là những tư tưởng của giai cấp thống trị”, ông khẳng định. “Khi thế giới cổ đại đang suy tàn thì những tôn giáo cũ bị đạo Cơ Đốc đánh bại. Vào thế kỷ XVIII, khi tư tưởng của đạo Cơ Đốc nhường chỗ cho những tư tưởng tiến bộ thì xã hội phong kiến đang giao chiến trận cuối cùng với giai cấp tư sản, lúc bấy giờ là giai cấp cách mạng”.

Ông nhận thức được rằng độc giả sẽ coi tư tưởng này cấp tiến đến mức nào, đặc biệt là khi Chủ nghĩa Cộng sản không tìm cách thay đổi chân lý, mà tìm cách vứt nó đi. Nhưng ông khẳng định rằng những người này không thấy được bức tranh rộng lớn hơn.

Có người sẽ nói:"Cố nhiên là những quan niệm tôn giáo, đạo đức, triết học, chính trị, pháp quyền,... đã biến đổi trong tiến trình phát triển lịch sử. Nhưng tôn giáo, đạo đức, triết học, chính trị, pháp quyền, vẫn luôn luôn được bảo tồn qua những biến đổi không ngừng ấy.

Vả lại, còn có những chân lý vĩnh cửu như tự do, công lý,... là những cái chung cho tất cả mọi chế độ xã hội. Thế mà chủ nghĩa cộng sản lại xoá bỏ những chân lý vĩnh cửu, xoá bỏ tôn giáo và đạo đức chứ không đổi mới hình thức của tôn giáo và đạo đức; làm như thế là nó mâu thuẫn với toàn bộ tiến trình phát triển lịch sử trước kia”.

Lời buộc tội ấy rút cục lại là gì? Lịch sử của toàn bộ các xã hội, từ trước đến nay, đều diễn ra trong những đối kháng giai cấp, những đối kháng mang hình thức khác nhau tuỳ từng thời đại”.

4. Quốc gia, dân tộc

Những người cộng sản, Marx nói, bị chỉ trích vì muốn xoá bỏ các quốc gia. Những người này không hiểu bản chất của giai cấp vô sản.
“Công nhân không có tổ quốc. Người ta không thể cướp của họ cái mà họ không có. Vì giai cấp vô sản mỗi nước trước hết phải giành lấy chính quyền, phải tự vươn lên thành giai cấp lãnh đạo của dân tộc, phải tự mình giành dân tộc, tuy hoàn toàn không phải theo cái nghĩa như giai cấp tư sản hiểu”.

Hơn nữa, chủ yếu là vì chủ nghĩa tư bản, mà ông đã nhận thấy lòng hận thù giữa những người có nguồn gốc khác nhau đang giảm dần. Khi giai cấp vô sản nắm quyền, sẽ không còn cần quốc gia dân tộc, ông viết.

“Với sự phát triển của giai cấp tư sản, tự do buôn bán, thị trường thế giới sự đồng đều của sản xuất công nghiệp và những điều kiện sinh hoạt thích ứng với nền sản xuất ấy thì những sự cách biệt dân tộc và những sự đối lập giữa nhân dân các nước cũng ngày càng mất đi”.

5. Quá khứ


Marx coi truyền thống là công cụ của giai cấp tư sản. Bám vào quá khứ là làm sao lãng công cuộc tìm kiếm sự giải phóng và quyền uy tối thượng của giai cấp vô sản.

“Trong xã hội tư sản”, Marx viết, “quá khứ chi phối hiện tại; còn trong xã hội cộng sản thì chính hiện tại chi phối quá khứ”.

*
Jonathan Miltimore là biên tập viên cao cấp của web Intellectual Takeout.








No comments:

Post a Comment