Friday, November 17, 2017

THẾ GIỚI TRONG MẮT DONALD TRUMP MỘT NĂM SAU NGÀY ĐẮC CỬ TT MỸ (Tú Anh - RFI)


Tú Anh - RFI
Phát Thứ Năm, ngày 16 tháng 11 năm 2017

« Nước Mỹ trước đã ». Lời cam kết hết lòng phục vụ quyền lợi nước Mỹ và người Mỹ đã giúp tỷ phú Donald Trump đánh bại đối thủ dạn dày kinh nghiệm chính trị Hillary Clinton trong cuộc bầu cử ngày 08/11/2016. Một năm sau, trên chính trường quốc tế, nước Mỹ bị cô đơn hơn bao giờ hết. Uy tín của Washington giảm dần, đồng minh từ Âu sang Á lo ngại Hoa Kỳ bỏ vai trò lãnh đạo thế giới tự do.

Tổng thống Mỹ Donald Trump nói về chuyến đi Châu Á. Ảnh tại Nhà Trắng, ngày 15/11/2017. REUTERS/Kevin Lamarque

« Tôi sẽ làm việc với những quốc gia muốn làm việc với Mỹ. Tôi muốn nói với cộng đồng quốc tế điều mà chúng tôi bảo vệ trước tiên là quyền lợi nước Mỹ nhưng chúng tôi cũng đối xử bình đẳng với tất cả mọi người, cùng tìm một đồng thuận chung, không xung đột, đối tác mà không đối địch». Đây là lập luận đã đưa Donald Trump vào Nhà Trắng.

Đặt quyền lợi của Mỹ vào trọng tâm của chương trình hành động bao quát và một chính sách ngoại giao không rõ nét, tổng thống Mỹ pha trộn tinh thần dân tộc chủ nghĩa dân túy với tính khí thất thường, dễ cáu và tuyên bố thiếu chín chắn làm đồng minh hoang mang và giới phân tích Mỹ không biết đường nào mà suy đoán.

Chiến thuật « chao đảo để trị »
Sau 9 tháng va chạm với thực tế, chủ nhân Nhà Trắng tìm cách « điều chỉnh » tọa độ, ít ra là trong hình thức. Trong bài « Donald Trump và ngoại giao chao đảo », Le Monde nhận định : tổng thống Mỹ, từ sau những lời tuyên bố theo văn hóa doanh nhân, đặt lên bàn cân « an ninh quốc phòng đi đôi với tiền », không còn mấy ai là bạn ở châu Âu. Gần đây, ông đã phải trấn an châu Âu nhất là các nước Đông Âu là Hoa Kỳ trước sau như một, cùng NATO bảo vệ đồng minh trước đe dọa của Nga. Ở châu Á, Nhật và Hàn Quốc cũng được bảo đảm tương tự trước vũ khí hạt nhân của Bắc Triều Tiên. Nhưng nhìn chung, Donald Trump không thay đổi : « tâm cơ khó đoán » và vẫn « tweet » liên miên.

Liệu có thể nhận định gì về đường lối đối ngoại của Donald Trump ? Thế giới trong mắt tổng thống thứ 45 của Mỹ như thế nào ? Động cơ nào hướng dẫn các quyết định gây chao đảo của tổng thống siêu cường ?

Laurence Nardon, chuyên gia Bắc Mỹ của Viện Quan Hệ Quốc Tế Pháp IFRI phân tích :

« Trước hết, phải nói rằng, với Donald Trump mỗi tuần gây ra một chuyện náo động , giới nghiên cứu như chúng tôi không một phút giây nhàm chán. Nhưng điều quan trọng hơn hết là lần đầu tiên siêu cường lãnh đạo thế giới lại bầu một vị tổng thống dân túy, vuốt ve thị hiếu nhất thời của đại chúng bình dân : sống khép kín, tập trung vào trong bản sắc…người da trắng để tự trấn an. Vấn đề là sự lựa chọn mang tinh thần dân tộc chủ nghĩa này lại tác động đến toàn cầu với những hệ quả khủng khiếp lan đến tận các nước Trung Âu, đe dọa nước Pháp và đưa đến quyết định Brexit ở Anh Quốc…

Donald Trump là một đề tài nghiên cứu tại Mỹ và làm tấm gương đối chiếu với những gì xảy ra tại Pháp vừa lý thú nhưng cũng vừa làm xuống tinh thần do cá tính của một nhân vật không có gì thu hút. Vấn đề là với tư cách nhà nghiên cứu, chúng tôi không có quyền ngả theo bên nào, bênh vực hay chống ông Trump.

Trẻ lên năm
Khác với hai người tiền nhiệm Barack Obama và George W Bush có chính sách ngoại giao nhất quán, tổng thống đương nhiệm nổi bật với tính khí thất thường như một đứa trẻ lên năm, thay đổi như chong chóng, mỗi tuần có một đường lối khác nhau. Nhận định này của truyền thông và kể cả một số bác sĩ tâm thần chính xác đến mức độ nào ? Hư thực ra sao ? 

Laurence Nardon :
Về chính trị quốc tế, ứng cử viên Donald Trump vận động cử tri theo một đường lối mị dân nhưng rất nhất quán. Ông theo chủ nghĩa dân túy của phe hữu châu Âu lẫn phe tả ở Mỹ.
Dân túy cánh hữu tức là kích động dân chúng chống người nước ngoài. Về điểm này, ông Trump theo một chiều hướng nhất quán qua các lời tuyên bố kỳ thị sắc tộc, kỳ thị dân châu Mỹ La tinh, xây bức tường ở biên giới Mêhicô, ban sắc lệnh chống di dân từ các nước theo đạo Hồi tuy bốn lần bị tư pháp chận lại.

Cùng lúc, ông Trump theo chủ nghĩa dân túy của cánh tả không khác chi chủ trương của ứng cử viên Bernie Sanders đối thủ của bà Hillary Clinton . Bernie Sanders cũng kích động dân chúng bình dân chống lại một bộ phận khác , ở đây là thành phần ưu tú, thành đạt trong xã hội Mỹ. Trump cũng y như thế, kêu gọi chống lại tầng lớp chính trị gia truyền thống ở Washington, chống Wall Street tài chính, chống các đại gia tập đoàn truyền thông.

Chủ thuyết dân túy Jackson thế kỷ 19
Trào lưu dân túy, mị dân này không phải chủ trương hay do ông Trump sáng tạo. Thật ra nó bắt nguồn từ lịch sử lập quốc của Mỹ. Nhiều chuyên gia chính trị Hoa Kỳ như Walter Russell Mead, không ngần ngại nhận định « nước Mỹ sống lại thời kỳ Jackson », tên của vị tổng thống thứ 7 của Mỹ là Andrew Jackson, một chính trị gia Dân chủ rất đặc biệt, cha đẻ của chủ thuyết « dân túy co cụm » xem chính sách rộng lượng bao che các nước yếu hơn chỉ là thái độ tự đắc mà bị trói buộc với nhiều bổn phận của nước đàn anh. Cụ thể nhãn quan của Trump ra sao ? 

Laurence Nardon :
Chủ nghĩa dân túy vừa mang sắc thái cánh hữu pha trộn với cánh tả phát xuất từ vị tổng thống thứ 7 của Hoa Kỳ, Andrew Jackson, thuộc đảng Dân Chủ, từ năm 1829 đến 1837. Đó là hình ảnh của một dân tộc đi tiên phong, tự lập, tự cường, không cần ai, một mình chống lại mọi kẻ thù dù là thổ dân da đỏ.

Đối với ông Trump, chủ nghĩa Jackson trong chính sách đối ngoại là « nước Mỹ trước đã » đương nhiên rồi. Nói cách khác, đó là một chủ nghĩa dân tộc « co cụm », tập trung nỗ lực lo cho nước Mỹ cái đã , chứ không phải là loại dân tộc chủ nghĩa « bá quyền, bành trướng ». Theo ông Trump, Hoa Kỳ không nên tiếp tục làm « cảnh sát quốc tế bảo vệ hành tinh ». Đó là một quan điểm rõ rệt ở Donald Trump. Đồng ý Hoa Kỳ là một cường quốc « phi thường » nhưng không phải vì thế mà « xuất khẩu cái phi thường » này. Khác với tổng thống George W Bush, hãnh diện về nền dân chủ Mỹ và muốn Irak áp dụng giá trị này, tổng thống Trump không tìm cách gieo rắc ảnh hưởng đạo đức để toàn cầu noi theo.

Tổng thống Trump từng tuyên bố : một nước nào đó trên thế giới bị một chế độ độc tài cai trị thì đó không phải là chuyện để Mỹ quan tâm. Nói như ông Trump thì Saddam Hussein vẫn còn ngồi tại Bagdad và đại tá Kadhafi vẫn tồn tại ở Libya vì như thế, « thế giới ổn định hơn ».

« Thế giới » ở đây phải hiểu là « nước Mỹ ». Bởi vì theo cách diễn giải của chủ nhân Nhà Trắng, an ninh Mỹ, quyền lợi dân Mỹ hiện nay đang bị đe dọa. Do vậy, không phải vô cớ mà Donald Trump bổ nhiệm những tướng lĩnh kinh nghiệm ở bộ Quốc Phòng làm cố vấn an ninh… và đi đến đâu ông luôn đòi hỏi đối tác phải « cân bằng cán cân thương mại » với Mỹ.

Chuyên gia Laurence Nardon phân tích ý nghĩa « nước Mỹ trước đã » theo quan điểm Trump :
Theo đúng chủ nghĩa dân tộc của tổng thống thứ 7 của Mỹ thì lính Mỹ phải rút hết về nước thay vì bố trí khắp nơi bảo vệ an ninh quốc tế. Tuy nhiên, sự thật không phải như thế. Khi xảy ra bất ổn tại một nơi nào đó mà đe dọa trực tiếp đến an ninh của công dân Mỹ hay nước Mỹ thì sao ?. Đối với Donald Trump, có hai lãnh vực Mỹ phải dấn thân : thứ nhất là chống khủng bố. Nước Mỹ đã bị ba vụ thảm sát mà thủ phạm tự xưng là chiến binh của Daech, gần đây nhất là vụ khủng bố ở New York ngày lễ Halloween 31/10/2017.

Đối với Donald Trump thì những vụ khủng bố này biện minh cho thái độ dấn thân của Mỹ trong lãnh vực quân sự. Ông tiếp tục chính sách can thiệp của Barack Obama trong Liên minh quốc tế chống Daech ở Irak và Syria.

Lãnh vực thứ hai mà chủ nghĩa dân tộc theo mô hình Jackson buộc Donald Trump phải hành động là bảo vệ quyền lợi của tầng lớp bình dân và trung lưu ở Mỹ bị mất việc làm do hãng xưởng dời sang các nước có nhân công rẻ. Đó là trường hợp Trung Quốc.

Trong suốt thời gian vận động tranh cử tổng thống Mỹ, Trung Quốc bị Donald Trump xem là kẻ thù. Nhưng không phải vì nhân quyền bị chà đạp mà vì chính sách trợ giá xuất khẩu để cạnh tranh của Bắc Kinh. Trung Quốc là thủ phạm làm nhiều nhà máy ở Mỹ phải đóng cửa. Nhiều nhà kinh tế cũng xác nhận như thế.

Bên cạnh yếu tố tiến bộ khoa học, sử dụng rô-bô thay người, xu hướng dời hãng xưởng qua Trung Quốc đã làm cho tầng lớp công nhân kém tay nghề ở Mỹ bị hy sinh.


Donald Trump tin rằng với khả năng quân sự và kinh tế vượt trội, nước Mỹ đủ mạnh để tự làm theo ý mình. Do vậy, chủ nhân Nhà Trắng xem nhẹ vai trò của các nước đồng minh. Trong khi đó, người tiền nhiệm cùng đảng Cộng Hoà, George W Bush, cho dù trong hoàn cảnh nào, cũng luôn xây dựng một liên minh rộng rãi.

Mời quý thính giả theo dõi tiếp lần sau với bài « Donald Trump một nhà chính trị tâm cơ khó lường ».

-------------------------------

Cùng chủ đề :









No comments:

Post a Comment