Saturday, November 11, 2017

NGƯỜI LÍNH MIỀN NAM VIỆT NAM : KÝ ỨC VỀ CHIẾN TRANH VIỆT NAM & SAU ĐÓ (Nguyễn Quốc Khải giới thiệu)




10/11/2017

Hình bìa sách :  South Vietnamese Soldiers : Memories of the Vietnam War and After

Cuốn sách trên đây của GS Nathalie Nguyễn đã được ra mắt tại Melboune, Úc vào tháng 5, 2016. Hơn một năm sau, vào ngày 08-11-2017, tác giả đã được mời đến Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược Quốc Tế (Center for Strategic and International Studies – CSIS) tại Washington-DC để nói chuyện về cuốn sách này với một cử tọa gồm những chuyên gia và những người lưu tâm về lịch sử chiến tranh Việt Nam.

Cuốn sách Người Lính Miền Nam Việt Nam dựa vào 52 chuyện lịch sử được kể lại bởi hai thế hệ của cựu quân nhân VNCH thuộc mọi binh chủng. Một trong những lý do khiến tác giả quyết định viết cuốn sách này là vai trò của người lính miền Nam Việt Nam đã bị bỏ quên trong những cuốn sách lịch sử về chiến tranh Việt Nam mà tác giả tin rằng đây là một cuộc chiến tranh ủy nhiệm giữa những nước cộng sản và những nước dân chủ.

Theo tác giả, cuộc di cư vĩ đại của một triệu người miền Bắc vào Nam vào năm 1954-1955 và bản chất tàn bạo và phi nhân của Cộng Sản là động cơ khiến cho người lính miền Nam quyết tâm chiến đấu. Ngay cả đến bây giờ, hơn 40 năm sau khi chiến tranh chấm dứt, những cựu chiến binh miền Nam vẫn tin rằng họ đã chiến đấu cho chính nghĩa và hãnh diện đã phục vụ đất nước.

Sau khi chiến tranh chấm dứt, đời sống càng trở nên tồi tệ với những trại tù cải tạo của cộng sản, những vùng kinh tế mới, gia đình bị ngược đãi, hàng trăm ngàn người vượt biên bất chấp nguy hiểm. Ngày nay 92 triệu người dân Việt hiện đang phải sống trong chế độ độc tài công an trị, tham nhũng lan tràn khắp nơi, tôn giáo và nhân quyền bị chà đạp. Đây là những hệ quả tất nhiên khi Cộng Sản miền Bắc chiến thắng như chúng ta cũng thấy ở Trung Quốc và Bắc Hàn.

Sách báo Tây phương thường suy luận rằng tình trạng tham nhũng và sự bất tài về chính trị và quân sự của miền Nam Việt Nam là nguyên nhân của thua trận. Nhưng các cựu chiến bình miền Nam cho đây những yếu tố được thổi phồng lên. Lý do chính là binh sĩ miền Nam đã không được trang bị đầy đủ, chưa kể đến tình trạng chia rẽ cực kỳ trầm trọng trong nội bộ của Hoa Kỳ. VNCH được đồng minh dùng làm bung xung một cách thuận tiện.

Cá nhân tôi thấy rằng chiến tranh tại Afghanistan và Iraq cũng mang một âm hưởng như vậy khi Hoa Kỳ gặp khó khăn không thể chấm dứt mau chóng chiến tranh ở hai quốc gia này. Thật là dễ dàng đổ lỗi cho chính quyền địa phương và quân đội của hai quốc gia này.

Từ trái : Ô. Mark, TS Nathalie Nguyễn, và ông Jay Veith

Qua kinh nghiệm của những cựu binh sĩ miền Nam, tác giả nhận định rằng trong thời kỳ chiến tranh, Hoa Kỳ đã trang bị cho người lính miền Nam những võ khí lỗi thời so với võ khí do Nga và Trung Cộng viện trợ cho miền Bắc. Thí dụ Xe tăng M24 và M28 không thể so sánh với T4, T52 của Nga. Đại bác 105 mm và 155 mm không thể so sánh với đại bác 130 mm của Trung Cộng. Súng Carbine, Garand M1, M16 không thể so sánh với AK 47 và AK 50. Súng chống chiến xa M7, M72 không thể so sánh với B41, B42, và hỏa tiến SR7. Và cuối cùng Hoa Kỳ đã bỏ rơi người lính miền Nam Việt Nam.

Cuốn sách Người Lính miền Nam Việt Nam là tiếng nói của những người không có cơ hội nói lên quan điểm của mình. Cuốn sách Người Lính miền Nam Việt Nam cũng được dành để tưởng nhớ đến cha đã qua đời của tác giả, Ô. Nguyễn Triệu Đan, một nhà ngoại giao của VNCH. Ông từng là thành phần của phái đoàn VNCH tại Hội Nghị Paris dẵn tới Hiệp Định 1973. Chức vụ sau cùng của ông là Đại Sứ tại Nhật Bản vào 1974-1975.

TS Nathalie Nguyễn là giáo sư của Monash University, Úc. Cô tốt nghiệp tiến sĩ tại Oxford University, một trong những trường đại học nổi tiếng nhất thế giới. Những sách tác giả đã xuất bản gồm Memory is Another Country: Women of the Vietnamese Diaspora; Voyage of Hope: Vietnamese Australian Women’s Narratives; Vietnamese Voices: Gender and Cultural Identity in the Vietnamese Francophone Novel. Tên đầy đủ của tác giả là Nathalie Huynh Chau Nguyen. Cô thông thạo hai tiếng Anh và Pháp.

Nguyễn Quốc Khải








No comments:

Post a Comment