Thanh Hà–RFI | ĐIỂM
BÁO
Đăng ngày 18-11-2017
Courrier
International tổng kết chuyến công du châu Á đầu tiên của tổng thống Hoa Kỳ :
Trong cuộc chạy đua tranh giành ảnh hưởng địa chính trị tại châu lục này,
"không có gì thay đổi giữa một nước Trung Quốc đang lên vươn lên và một nước
Mỹ đang trên đà tuột dốc". Trên bàn cờ ấy, Việt Nam lại đóng vai trò
"hàng đầu".
Tuần báo Pháp Courrier International trích lại một
bài viết được đăng trên South China Morning Post số ra ngày 13/11/2017. Nhà
nghiên cứu Timothy Heath, thuộc viện nghiên cứu Hoa Kỳ Rand Corporation
(Reseach and Development) khẳng định : "Cuộc
chiến tranh giành ảnh hưởng tại châu Á có chiều hướng gia tăng cường độ, bởi
tương lai kinh tế của thế giới được đặt tại châu lục này. Mỹ không thể lơ là với
châu Á".
Dự án con đường tơ lụa thế kỷ 21 của ông Tập Cận
Bình gây lo ngại, nhất là khi biết rằng, vết tích của những hiềm khích lịch sử
vẫn chưa được xóa nhòa, cho nên Hoa Kỳ vẫn được xem là một yếu tố bảo đảm cho
hòa bình và ổn định tại khu vực này.
Trước những tham vọng về lãnh thổ của Bắc Kinh,
trong mắt chuyên gia Alexander Vuving, thuộc Trung Tâm Nghiên Cứu Châu Á
Thái Bình Dương Daniel K. Inouye Asia-Pacific Center for Security Studies,
nguyên tắc của nhiều nước châu Á trong cách tiếp cận với Washington và Bắc Kinh
được áp dụng từ một phần tư thế kỷ qua đang bị lỗi thời: đó là gần Mỹ vì lợi ích an ninh, thân
Trung Quốc vì quyền lợi kinh tế. Nguyên tắc này trong tương lai sẽ
"hại nhiều hơn lợi". Alexander Vuving cho rằng trên vế "an ninh
khu vực, các nước trong vùng đang đi tìm một hướng đi mới".
Chiến
lược đường biển "Ấn Độ -Thái Bình Dương"
Trung Quốc bực mình vì chiến lược "Ấn Độ-Thái
Bình Dương", đang được chính quyền Trump làm sống lại sau hơn một chục năm
được nhắc tới lần đầu. Theo chuyên gia về quan hệ quốc tế đang làm việc tại Bắc
Kinh, Bàng Trung Anh (Pang Zhongying), đây không hơn không kém là chính sách
"xoay trục sang châu Á" được khởi động dưới thời Barack Obama nhằm
làm đối trọng với Trung Quốc.
Trong dự án Ấn Độ-Thái Bình Dương này, Nhật Bản là
nước tham gia ngay từ đầu. Úc và Ấn Độ mới chỉ hưởng ứng từ một vài tháng nay.
Canberra bực mình vì Bắc Kinh can thiệp vào chính trị Úc và bành trướng ở Biển
Đông, xem thường luật pháp quốc tế. Còn với Ấn Độ, những căng thẳng thường
xuyên xảy ra ở vùng biên giới trên bộ dường như là động lực đẩy New Delhi về
phía Washington.
Còn các nước Đông Nam Á thì sao ? Giáo sư Jay
Batongbacal, chuyên gia về luật biển ở đại học Philippines cho rằng khối này
không có nhiều chọn lựa. Không thể đối kháng trước sức mạnh của Trung Quốc, như
Nhật Bản, Hàn Quốc hay Úc từng làm. Bị Bắc Kinh chèn ép, các nước Đông Nam Á
"có khả năng nhanh chóng liên kết với nhau để tự vệ".
Sự chọn
lựa nào cho Việt Nam ?
Trong cuộc chạy đua tranh giành ảnh hưởng giữa hai
ông khổng lồ, là Trung Quốc và Mỹ, theo tờ South China Morning Post được
Courrier International trích lại, Việt Nam "chiếm vị trí hàng đầu".
Hà Nội và Bắc Kinh cùng đòi hỏi chủ quyền ở Biển Đông. Thế nhưng liên hệ mật
thiết về kinh tế, thương mại giữa hai quốc gia này khiến Việt Nam không thể
tách rời quỹ đạo của Trung Quốc.
Trong hoàn cảnh đó, như ghi nhận của chuyên gia
Alexander Vuving, thuộc Trung Tâm Nghiên Cứu Châu Á Thái Bình Dương, Việt Nam
đã xem xét tất cả các giải pháp : vừa hướng về phía một số thành viên ASEAN, vừa
xem Mỹ, Nhật và Ấn Độ là những đối tác then chốt có thể giúp Việt Nam giải tỏa
bớt ảnh hưởng của Trung Quốc.
Trước sự bành trướng không còn che đậy
của Trung Quốc, chính sách ngoại giao không nhất quán của tổng thống Donald
Trump đối với châu Á càng cho thấy ảnh hưởng của Mỹ trong vùng bị "đổ dốc",
làm lộ rõ nghi kỵ của các đồng minh đối với Hoa Kỳ và mở rộng cả một con đường
thênh thang cho Trung Quốc khẳng định vị thế lãnh đạo trong khu vực, cả về mặt
thương mại hay khí hậu và kể cả trên những hồ sơ quan trọng khác.
Liban,
"mặt trận mới" trong cuộc đọ sức giữa Iran và Ả Rập Xê Út ?
Thời sự quốc tế trong tuần nổi bật với nguy cơ một
"lò lửa mới" bùng lên tại Trung Đông : Ả Rập Xê Út tìm một "mặt
trận mới" để gây hấn với Iran, như ghi nhận trên tuần báo L'Express. Trang
bìa Courrier International đăng bức hí họa : hai cây cổ thụ là Iran và Ả Rập Xê
Út cơ bắp nổi cuồn cuộn, đang gờm nhau. Israel, kẻ thù của Iran, tưới nước cho
cái cây tượng trưng cho chính quyền Riyad.
Theo Courrier International, một cuộc xung đột khác
đe dọa Trung Đông. Tất cả những yếu tố dẫn tới kịch bản đó đều đã được bày hết
cả lên mặt bàn. Một bên là Ả Rập Xê Út đang quyết tâm kềm hãm ảnh hưởng của
Teheran trong khu vực, còn bên kia là một nước Iran gián tiếp thâu tóm quyền lực
trong vùng. Trong cuộc đọ sức giữa Teheran và Riyad này, Ả Rập Xê Út nhận được
sự ủng hộ từ phía Israel.
Trong bài nhận định trên L'Express, bình luận gia
Chistian Makarian nhắc lại mối thâm thù giữa hai nước Hồi Giáo, một bên theo hệ
phái Shia và bên kia theo Suni. Hiềm khích mang nặng màu sắc tôn giáo và ý thức
hệ đó gần đây như đã được thêm củi lửa, để bùng lên.
Yếu tố "châm ngòi" thứ nhất là chính sách
ngoại giao của Donald Trump, gián tiếp để cho Riyad đương đầu Iran. Ngòi lửa thứ
hai là những thắng lợi liên tiếp của Iran ở bên ngoài lãnh thổ. Không ai có thể
phủ nhận ảnh hưởng của lực lượng quân sự Iran với các nước láng giềng chung
quanh, từ Irak đến Yemen, từ Syria đến giải Gaza của người Palestine. Nhưng điểm
khiến Ả Rập Xê Út nhức nhối nhất là sự can thiệp ngày càng rõ nét của Iran tại
Liban.
L'Express nhắc lại : tháng 06/2017 Ả Rập Xê Út và một
số đồng minh trong vùng Vịnh phong tỏa Qatar với lý do chính thức là Doha dung
túng quân khủng bố. Trên thực tế, Riyad tố cáo Qatar liên kết với Iran. Giờ đây
đến lượt Liban kẹt giữa hai ông khổng lồ khu vực. Ả Rập Xê Út muốn dùng Liban để
trừng phạt Iran, bù lại thất bại ê chề mà Riyad đã phải hứng chịu trên trận địa
Syria.
Thế kẹt của Ả Rập Xê Út như tóm lược của tuần báo
Courrier International : Riyad sa lầy tại Yemen, dỗi hờn với Qatar và thất bại
trong việc thành lập một liên minh giữa các nước Hồi Giáo Suni đoàn kết chống lại
Iran theo hệ phái Shia.
Công
nhân Việt Nam, rốt cuộc cũng tậu được nhà
Trong lĩnh vực xã hội Courrier International trích
đoạn một phóng sự trên báo Singapore, The Straits Times, nói về hoàn cảnh công
nhân Việt Nam ở Bình Dương. Theo một nghiên cứu do Trường Đại Học Khoa Học Xã Hội
và Nhân Văn thành phố Hồ Chí Minh thực hiện gần đây, tìm được nhà ở là vấn đề
gay go nhất đối với người lao động từ nông thôn lên thành phố kiếm sống.
Trung bình họ sống trên diện tích chừng 18 mét
vuông, thuê với cái giá "cắt cổ" ; 46 % phải bằng lòng với giang sơn
bị thu hẹp còn từ 6 đến 12 thước vuông. Trong hoàn cảnh đó, chính phủ Việt Nam
hứa xây 250.000 căn hộ từ nay đến 2020 cho công nhân. Tới nay mới chỉ có 28 %
khối lượng nhà ở này đã hoàn tất.
Riêng tỉnh Bình Dương, với diện tích rộng gấp ba lần
Singapore, thu hút 22 tỷ euro đầu tư nước ngoài, năm 2013, Bình Dương bán một số
các căn hộ với giá 100 triệu đồng cho công nhân có thu nhập thấp. Đó là những
căn nhà chung cư sơ sài, rộng không quá 30 mét vuông và ở gần các nhà máy, để
công nhân không mất nhiều thời gian di chuyển. Nguyễn Đình Khang, thợ máy 27 tuổi
là một trong những công nhân may mắn có được mái ấm trong diện này. Khi đó
lương của anh là khoảng 4,5 triệu đồng hàng tháng. Bốn năm sau, Khang và vợ con
nhìn xa hơn và đang mơ về một mảnh đất cũng ở gần nhà máy để tự xây nhà.
The Straits Times của Singapore nói rõ : tới nay, tỉnh
Bình Dương đã bán ra 7.500 căn hộ với giá rẻ cho công nhân và đang xây thêm
7.500 căn hộ khác.
Philippines,
cuộc đấu tranh thầm lặng của một vài tu sĩ Công Giáo
Nhìn sang Philippines, nơi chiến dịch bài trừ ma túy
đẫm máu của tổng thống Rodrigo Duterte làm ít nhất 13.000 người bị sát hại mà
không được xét xử, L'Express nói đến một "Cuộc nổi dậy của các thầy tu họ
đạo".
Người khởi xướng phong trào này là cha Amado
Picardal ở phía nam thủ đô Manila : cứ đúng 8 giờ mỗi tối, ông gióng hồi
chuông, chiêu hồn những người chết trong chiến dịch bài ma túy do Duterte tiến
hành, bởi theo giải thích của vị linh mục này, tổng thống Philippines chẳng mấy
quan tâm đến mạng sống của mỗi con người. Cha Picardal từng được bổ nhiệm ở
Davao, thành phố mà một thời Rodrigo Duterte là thị trưởng. Vị tu sĩ này nhớ lại
trường hợp "hàng trăm người bị thanh toán" một cách lạnh lùng.
Tới nay, đã có khoảng hơn một chục nhà tu
Philippines trên toàn quốc đứng về phía cha Picardal. Riêng đại diện của
Vatican tại Manila thì vẫn im lặng trên hồ sơ nhậy cảm này. L'Express đặt câu hỏi
: phải chăng vì đức giáo hoàng sắp công du châu Á nên Tòa Thánh muốn tránh gây
tranh cãi, tránh tạo cơ hội để tổng thống Duterte lại phát biểu hồ đồ ?
Chính
trị Mỹ : Đảng Dân Chủ và thắng lợi khiêm tốn
Liên quan tới Hoa Kỳ, Courrier International đăng bức
hí họa : một con lừa – biểu tượng của đảng Dân Chủ, đá đít Donald Trump. Ở bên
trên là hàng tựa : "Mỹ, thắng lợi khiêm tốn của phe Dân Chủ".
Tờ báo này trích lại bài viết trên The Baltimore
Sun, số ra ngày 07/11/2017, tức đúng một năm sau ngày Donald Trump đắc cử tổng
thống, đảng Cộng Hòa bị thua tại New York, New Jersey và Virginia. Thêm một tin
vui nữa với đảng Dân Chủ là nhiều cuộc thăm dò dư luận về ý định bỏ phiếu cho
thấy, năm 2018, phe đối lập có nhiều cơ hội chiếm đa số ở Quốc Hội Hoa Kỳ trong
cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ - midterm.
Thế nhưng tờ báo của Baltimore cho rằng, đảng Dân Chủ
đang rất thận trọng, bởi còn quá nhiều chia rẽ nội bộ, vết hằn từ sau chiến dịch
tranh cử của bà Hillary Clinton, một năm qua vẫn chưa nhạt phai.
Vả lại, để chiếm được đa số ở Quốc Hội lưỡng viện
phe này cần giành thêm 3 ghế ở Thượng Viện và thắng lợi tại 25 trên tổng số 33
ghế ở Hạ Viện. Đó không phải là chuyện dễ làm. Đành là đảng Cộng Hòa cũng đang
bị chia năm sẻ bảy nhưng ngoài một vài tiếng nói có trọng lượng bài Trump, như
cựu tổng thống Hoa Kỳ George W.Bush, thượng nghị sĩ John McCain… nhưng đừng
quên rằng thành phần cử tri ủng hộ Donald Trump vẫn "vững chắc hơn bao giờ
hết".
Văn
hóa, mặt trận mới giữa Ukraina và Nga
Bốn năm sau Cách Mạng Maidan, vùng Donbass ở miền
đông Ukraina sa lầy, tại Kiev người dân thủ đô tiếp tục chiến đấu chống lại nước
Nga. Trận chiến chuyển sang địa hạt văn hóa. Ukraina từng bước đoạn tuyệt với
những ảnh hưởng to lớn của văn hóa Nga, của nước Nga trong ngôn ngữ, trong văn
chương.
Nhưng liệu rằng cắt giảm các chương trình truyền
thanh và truyền hình được phát bằng ngôn ngữ của Tchekov có làm tổn thương đến
di sản văn hóa của bản thân Ukraina hay không ? Đó là câu hỏi đang gây tranh
cãi trong công luận Ukraina.
Từ anh
đổ rác Nhật Bản đến lãnh đạo đảng cực hữu tại Cộng Hòa Séc
Tomio Okamura, 45 tuổi, một người mang hai dòng máu
Nhật và Séc, liệu có cơ may trở thành tổng thống Cộng Hòa Séc trong nay mai ?
Courrier International giới thiệu với độc giả lãnh đạo đảng cực hữu mang tên Tự
Do và Dân Chủ Trực Tiếp. Đảng này vừa tạo bất ngờ, về thứ tư trong cuộc bầu cử
Quốc Hội tại Praha hồi tháng 10/2017, giành được 22 trên tổng số 200 ghế.
Tomio Okamura, nuôi tham vọng trở thành tổng thống của
nước Cộng Hòa Séc, với chủ trương thành lập một « nền dân chủ trực tiếp » nơi
các phương tiện truyền thông không được cắt lời ông. Tomio Okamura bài đạo Hồi,
bài châu Âu, chống người nhập cư, đề cao những giá trị "trong một gia đình
truyền thống" trong lúc, như ghi nhận của tờ báo Reflex ấn hành tại Praha
được Courrier International trích dẫn, bản thân ông ta lại bay bướm hơn ai hết,
nay với người đẹp này, mai với người mẫu chân dài kia ... họ là những cô gái trẻ
hơn ông ta rất nhiều.
Sinh ra tại Tokyo năm 1972 bố Nhật, mẹ Séc. Sống
trên quê mẹ cho đến năm 18 tuổi trước khi trở lại Nhật Bản một thời gian. Những
năm tháng trên xứ hoa anh đào, Tomio Okamura sống vất vưởng, học hành không là
bao. Lúc thì làm nghề đổ rác, khi thì bán ngô rang ở rạp chiếu bóng. Thấy tương
lai quá mịt mờ trên quê cha, Tomio trở lại về Séc, mở hãng du lịch đưa người Nhật
đi tham Cộng Hòa Séc. Vận may đã đến. Tomio Okamura liên tiếp mở cửa hàng buôn
bán thực phẩm Nhật, mở cửa hàng điện tử và trở thành một doanh nhân thành đạt.
Hiện tại Okamura có tài sản lớn thứ ba trong số các dân biểu Séc.
2015, Tomio Okamura ra tranh cử thượng nghị sĩ và một
lần nữa đã dễ dàng tìm được một chỗ đứng trên bàn cờ chính trị Séc. Tham vọng
chính trị của anh chàng đổ rác Nhật Bản này không dừng lại ở đây. Ông định ra
tranh cử tổng thống, nhưng phải bỏ cuộc vì không hội đủ chữ ký ủng hộ.
Một năm sau Tomio Okamura lập đảng cựu hữu mang tên
Rạng Đông của một nền Dân Chủ Trực Tiếp. Lập trường cực đoan của ông đã khiến một
phần trong hàng ngũ Rạng Đông lo ngại. Tomio Okamura bỏ đảng này thành đảng Tự
Do Dân Chủ Trực Tiếp, với lập trường còn bảo thủ hơn, cực đoan hơn.
Tomio Okamura, viết sách và không hề giấu diếm là đã
ít nhiều chịu ảnh hưởng của một doanh nhân Mỹ rất thành đạt tại New York mà ông
gọi một cách thân mật là "Donald".
"Taxi
bay", không còn là chuyện "khoa học giả tưởng"
Đóng lại các trang báo về thời sự quốc tế, để nhìn tới
tương lai : chỉ nay mai loài người thực hiện được giấc mơ, thuê những chuyến
"taxi bay", không người lái để dùng làm phương tiện di chuyển trong
thành phố. Tạp chí Le Point dành hai trang giới thiệu phiên bản mẫu của loại
"taxi bay -City Airbus". Chuyến bay thử nghiệm đầu tiên sẽ được thực
hiện vào cuối 2018, bay với tốc độ 120 cây số giờ, mỗi chuyến bay có 4 chỗ ngồi.
Khác với những chiếc trực thăng hiện tại, loại
"taxi bay" do hãng chế tạo máy bay châu Âu sản xuất, chủ yếu hoạt động
ở các thành phố, những nơi bị kẹt xe kinh niên. Airbus đang nhắm tới những
thành phố như là Bắc Kinh, Thượng Hải, Jakarta hay Sao Paulo. Với phương tiện
này trong tương lai, bạn chỉ cần 10 phút thay vì mất từ hai đến ba giờ đồng hồ
để đi từ đông sang tây thủ đô Mehico.
Hiện tại ta có thể thuê trực thăng trên những chuyến
bay tương đối dài, thí dụ như là Paris, Monaco. Còn với "taxi bay",
ta có thể thuê để di chuyển trong nội thành. Taxi bay không cần bãi đáp, bãi đậu
quá lớn như là đối với trực thăng.
Ở Sao Paulo và Bắc Kinh hiện có nhiều tòa nhà chọc
trời đã có sẵn những trạm dành cho "taxi bay". Một khác biệt nữa với
những chiếc trực thăng hiện tại, là "taxi bay" sử dụng điện thay
xăng, dầu, tránh để gây ô nhiễm không khí.
No comments:
Post a Comment