Huỳnh
Hoa dịch
Viet
Studies 19-11-2017
Chỉ
vài tiếng đồng hồ sau khi ông Donald Trump được bầu làm tổng thống Hoa Kỳ, tôi
có cuộc trò chuyện với một cố vấn của tập đoàn cai trị một quốc gia vùng Vịnh.
Ông ta bảo tôi, các ông chủ của ông rất ngạc nhiên nhưng vui mừng với kết quả bầu
cử ở Mỹ. Ông Trump là kiểu người mà họ tín nhiệm. Vẻ “thanh lịch của nhà độc
tài” của nhiều cung điện của ông Trump – tất cả đều dát vàng lấp lánh – và các
chức vụ chính quyền được ban phát cho con cái của nhà lãnh đạo, kể cả cho con
dâu con rể: đây đúng là cách làm ăn mà các nhà độc tài xứ Arab rất ưa thích.
Nhưng
còn có những thứ khác để chào mừng chứ không đơn giản là sự quen thuộc về phong
cách. Các nhà lãnh đạo vùng Vịnh và nhiều người khác đã thích thú với triển vọng
ông Trump làm tổng thống bởi vì, như họ lập luận, cái “khoảng cách đạo đức” giữa
họ và Hoa Kỳ sẽ được thu hẹp lại.
Nguồn
tin của tôi giải thích rằng, trong nhiều thập niên, Washington luôn rao giảng
cho họ (và mọi người khác nữa) với cung cách bề trên về những quy tắc của nền
dân chủ, tính minh bạch và tham nhũng. Mỗi hội nghị ngoại giao đều phải bắt đầu
bằng những lời dọa dẫm về nhân quyền, quyền bình đẳng của phụ nữ, hoặc tự do
ngôn luận. Họ không chờ đợi những thứ như vậy từ ông Trump, vì xuyên suốt cuộc
vận động tranh cử, ông ta đã thể hiện sự ngạo mạn bất chấp những quy tắc đó, hoặc
bằng cách tấn công báo chí tự do, hoặc công khai bày tỏ ước muốn bỏ tù đối thủ
chính trị chính của mình hoặc xóa nhòa ranh giới ngăn cách vai trò công của người
lãnh đạo với lợi ích kinh doanh của cá nhân ông ta.
Cũng
sẽ qua đi cái động lực quen thuộc, đôi khi phiền toái, mà qua đó Hoa Kỳ - dù
cũng có nhiều khiếm khuyết – tự đề cao mình như một tấm gương để noi theo; đặc
biệt là ở những khu vực của thế giới còn xa lạ với nền dân chủ. Từ nay trở đi,
Hoa Kỳ và những nhà cai trị các quốc gia vùng Vịnh sẽ ngồi cạnh nhau, nếu không
như những kẻ bằng vai phải lứa thì ít ra cũng như là những tay chơi ngang ngửa
trong một trò chơi giao dịch giống nhau: những người có đầu óc thực tế và người
của thế giới, tiến hành những vụ mặc cả mang lại lợi ích cho đất nước và cũng đồng
thời làm giàu có cho bản thân và gia đình họ. Barack Obama và vầng hào quang của
ông ta sẽ rơi vào quên lãng, được thay thế bằng những cái bắt tay với một chàng
con rể và nghệ thuật thương lượng.
Trong
một năm trôi qua từ ngày ấy, niềm lạc quan của các nhà cai trị chuyên chế các
quốc gia giàu dầu mỏ ở vùng Vịnh trông có vẻ vững chắc. Thật vậy, nước Mỹ dưới
quyền ông Trump đã bỏ trống nền tảng đạo đức, cả trực tiếp và gián tiếp. Hoa Kỳ
đã từ bỏ việc thuyết giảng của thời quá khứ mà chỉ thích nhún vai bàng quan, thậm
chí vỗ tay cổ võ, trước hành vi của các nhà độc tài ở nước ngoài. Hãy xem những
tin ngắn tweet mà ông Trump gửi ông Tập Cận Bình hồi tháng Mười,
chào mừng người tương nhiệm Trung Quốc của ông nhân dịp ông này củng cố thêm nữa
sự nắm giữ quyền lực tối cao trong một nhà nước độc đảng. Hoặc hãy xem sự thán
phục tương tự mà ông biểu lộ trong tháng này đối với cuộc thanh trừng mà thái tử
xứ Saudi cùng các tay sai của ông ta tiến hành: “họ biết chính xác họ đang làm
gì”, ông Trump viết như vậy. Bài diễn văn mà tổng thống Mỹ trình bày ở Warsaw hồi
tháng Bảy cũng nói lên điều tương tự, ít nhất là với những gì nó không đề cập tới.
Ông Trump đã không tiếc lời ngợi ca chính phủ cánh hữu theo chủ nghĩa dân tộc của
Ba Lan mà không hề nhắc tới sự trấn áp mà chính phủ này áp đặt lên cả báo chí lẫn
hệ thống tòa án.
Nhưng
ông Trump không chỉ leo xuống khỏi vị thế bề trên về đạo đức của Hoa Kỳ, ông
còn lao xuống mương để nhập bọn với những người mà Hoa Kỳ có thời tự thấy mình
có nghĩa vụ phải lên án.
Hãy
xem vụ bế tắc với Bắc Hàn. Các cây bút châm biếm khắp thế giới đã chế giễu sự
giống nhau giữa ông Trump và đối thủ của ông ở Bình Nhưỡng. Họ vẽ những bức
tranh về cả hai người, đánh đồng cả hai như là “một nhà độc tài điên khùng, dễ
tự ái, hùng hổ để sẵn ngón tay trên nút bấm hạt nhân – và Kim Jong-un”. Lời đùa
cợt ấy chỉ ra một sự thật u ám rằng nhiều người đã bắt đầu thấy ông Trump như
là người không kém phần đồng bóng so với ông Kim, là mối đe dọa cho hòa bình thế
giới không kém nhà độc tài đang thống trị một đất nước toàn trị và nô dịch. Một
cuộc khảo sát toàn cầu do trung tâm nghiên cứu Pew thực hiện ở 37 quốc gia hồi
tháng Sáu cho thấy, chỉ trong vòng sáu tháng, điểm xếp hạng về thiện ý đối với
Hoa Kỳ đã giảm 15 điểm phần trăm, từ 64% xuống 49%. (Chỉ ở Nga và Israel ông
Trump giành được sự ủng hộ lớn hơn so với ông Obama). Uy tín toàn cầu của Hoa Kỳ
từng giảm xuống mức tương tự vào thời gian cuối nhiệm kỳ của tổng thống George
W. Bush, sau hai cuộc xâm lược Iraq và sụp đổ tài chính.
Trong
một năm, tại các hội thảo về chính sách ngoại giao ở nước ngoài, chỉ cần nhắc tới
tên ông Trump là cũng đủ để gây ra những cái trợn mắt ngạc nhiên hoặc những
tràng cười nham hiểm. Trong giới chuyên gia, có một niềm hy vọng mơ hồ rằng
chúng ta đang trải qua một quãng thời gian chuyển tiếp, kinh hoàng nhưng chỉ tạm
thời, và chẳng bao lâu nữa tình trạng bình thường sẽ được tái lập. Một dấu hiệu nhỏ của chuyện này
là sự chào đón nồng nhiệt dành cho bà Hillary Clinton trong chuyến hành trình
quốc tế giới thiệu sách của bà mới đây. Nhiều người không phải là người
Mỹ đã ca ngợi bà, họ cảm thấy vui được nhớ lại những gì mà sự lãnh đạo bình thường
của Hoa Kỳ từng thể hiện và làm thế nào một ngày nào đó nó có thể lại vang lên
lần nữa.
Vì
bên dưới nỗi tức giận hàng ngày và sự căm ghét mà ông Trump gây ra – và dân Mỹ
không phải là những người duy nhất mỗi sáng thức dậy đều kiểm tra các dòng tin
trên mạng xã hội để xem ông tổng thống của mình vừa phạm thêm một sai lầm nào mới
– là một nỗi lo sợ sâu sắc: sợ ông Trump đang phá hủy cái hệ thống quốc tế đã
giữ cho phần lớn thế giới này phát triển hòa bình và thịnh vượng kể từ năm
1945.
Hãy
xem cuộc tấn công của ông Trump vào cơ cấu toàn cầu thời hậu chiến. Các nước
thành viên NATO đã choáng váng với sự miễn cưỡng lặp đi lặp lại của ông Trump
trong việc tái khẳng định cam kết của Hoa Kỳ đối với Điều 5, điều khoản một nước
vì tất cả và tất cả vì một nước, ràng buộc tất cả các đồng minh vào lời hứa bảo
vệ lẫn nhau. Trong diễn văn của ông Trump tại Brussels hồi tháng Năm, văn bản
chính thức có bao gồm một lời cam kết như vậy, nhưng khi phát biểu ông ta đã
không nói lời nào về điều đó.
Trump
cũng đã làm gióng lên những hồi chuông báo động tương tự với cung cách hiếu chiến
và ngớ ngẩn khi ông ta đảm nhận những công cụ tế nhị về lãnh đạo đất nước có vũ
khí hạt nhân. Việc ông ta
từ chối tái chuẩn thuận hiệp định hạt nhân với Iran chẳng hạn đã khiến cho nhiều
người nghi ngờ rằng biện pháp ngoại giao với Bắc Hàn sẽ không thể nào vận hành
được: tại sao Bình Nhưỡng phải ký vào một
thỏa thuận giải trừ vũ khí hạt nhân khi biết rằng một tổng thống Mỹ tương lai
có thể xé bỏ nó, như ông Trump rõ ràng đã xé bỏ thỏa thuận ký với Tehran?
Những
vụ đoạn tuyệt chính thức mà ông Trump đã thực hiện với hệ thống quốc tế, bao gồm
cả việc rút ra khỏi hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, đã gây ra quá nhiều nỗi
khó chịu. Nhưng những người bên ngoài nước Mỹ còn lo sợ những vụ phá hoại tinh
vi hơn mà ông Trump đang gây ra cho cơ cấu toàn cầu. Việc ông từ chối lên án, hoặc thậm chí thừa nhận,
sự can thiệp của Nga vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016 chắc chắn đã tiếp
thêm sức mạnh cho Moscow trong việc tái diễn thủ đoạn đó ở bất kỳ đâu, bất cứ
lúc nào họ có thể, trong khắp thế giới dân chủ. Giờ đây, không cuộc bầu cử nào còn có thể an toàn.
Và việc ông Trump khuyến khích chủ nghĩa da trắng thượng đẳng – ông cho rằng trong
số người mặc trang phục đảng Klan và giương cao lá cờ chữ thập ngoặc (swastika –
biểu tượng của Đức quốc xã) ở thành phố Charlottesville có cả “một số người rất
tốt” – cũng có tác động trên toàn cầu. Nó đã tiếp thêm hưng phấn cho các đảng
phân biệt chủng tộc ở khắp nơi, quyết tâm của họ thêm mạnh mẽ nhờ niềm tin rằng
kẻ được cho là nhà lãnh đạo của thế giới tự do đang đứng về phía họ. Cho dù đó
là những người ủng hộ bà Marine Le Pen ở Pháp hoặc đảng Sự thay thế cho nước Đức
(AfD) hoặc những người theo chủ nghĩa dân tộc vị chủng đều nhìn thấy ông Trump
là người cầm cờ cho lý tưởng của họ, một người bạn tri âm tri kỷ mà thành công
của người ấy ở một đất nước đa dạng như Hoa Kỳ bảo cho họ rằng thời của họ đã đến.
Một vài kẻ đã nói tới một phong trào “Quốc tế phi tự do” (Illiberal
International) mới, một số người khác đề cập tới một “Quốc tế các nhà
dân tộc chủ nghĩa) (Nationalist International). Cả hai đường, ông Trump đều là người đứng mũi chịu sào!
Cho
tới một năm trước đây, Hoa Kỳ vẫn còn là người dẫn dắt theo một kiểu rất đặc biệt.
Vị tổng thống da đen đầu tiên của Mỹ có vẻ như sẽ mở đường cho nữ tổng thống đầu
tiên. Một lần nữa, Hoa Kỳ lại đưa ra một mẫu mực cho thế giới, cung cấp một cái
nhìn thoáng qua về nền dân chủ của thế kỷ 21 trông sẽ như thế nào. Thay vì vậy,
ông Trump đưa ra một cái nhìn thoáng qua về một tương lai ảm đạm hơn, tương lai
của những lời dối trá, chia rẽ sắc tộc, độc tài chuyên chế và ám ảnh chiến
tranh luôn treo lơ lửng. Sẽ công bằng khi nói rằng, phần lớn những người sống
bên ngoài nước Mỹ đang đếm từng ngày, giống như tù nhân vạch từng dấu lên tường
xà lim, chờ lúc ông Trump ra đi để cho thế giới lại cảm thấy ổn định hơn, an
toàn hơn.
*
Bài
này là một phần của loạt bài nhìn lại một năm từ ngày Donald Trump đắc cử tổng
thống.
Nguồn:
(New York Review of Books 16-11-17)
-----------------------------------
XEM THÊM :
Minh Anh – RFI
Đăng ngày
29-11-2016
Trong suốt cuộc vận động
tranh cử tổng thống, Donald Trump đã không ngần ngại tố cáo Trung Quốc là
nguyên nhân của mọi vấn đề tại Mỹ : Trung Quốc là kẻ thù của Hoa Kỳ, Trung Quốc
đánh cắp việc làm của người dân Mỹ, đã đến lúc phải chấm dứt tình trạng để Trung
Quốc cưỡng hiếp Hoa Kỳ… Với những phát biểu hùng hồn như vậy, Trung Quốc buộc
phải theo dõi sát sao việc Donald Trump đắc cử.
Thế nhưng, Les Echos
ngày 29/11/2016, trong bài phân tích đề tựa « Tại sao Trump đắc cử là
cơ may cho Trung Quốc ? » giải thích rằng thắng lợi của Donald Trump lại
tạo ra một cơ hội lịch sử cho Bắc Kinh mở rộng tầm ảnh hưởng ra bên ngoài lĩnh
vực kinh tế và thực hiện được mục tiêu của mình là trở lại vị trí hàng đầu trên
chính trường quốc tế.
Những đòn trả đũa
Trước tiên, các đe dọa
tiến hành chiến tranh thương mại của ứng cử viên Donald Trump có nguy cơ vấp phải
thái độ thực dụng của chính bản thân ông Trump. Không một kinh tế gia nào tin
vào lời đe dọa của Trump là sẽ đánh thuế nhập khẩu hàng hóa Trung Quốc đến 45%.
Nếu biện pháp này được áp dụng, thì đây sẽ là một vố đau cho Trung Quốc nhưng
trong thời buổi các nền kinh tế tùy thuộc lẫn nhau, thì Hoa Kỳ cũng bị thiệt hại
rất nhiều.
Hoàn Cầu Thời Báo,
chi nhánh của Nhân Dân Nhật Báo, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc,
liệt kê danh sách trả đũa : Trung Quốc sẽ mua máy bay của Airbus thay vì đặt
hàng ở Boeing, số lượng xe hơi và điện thoại Iphone của Mỹ được bán tại Trung
Quốc sẽ giảm, Trung Quốc ngừng xuất khẩu sang Mỹ đậu nành và ngô. Tờ báo Trung
Quốc nói thẳng là không bao giờ ông Trump, một doanh nhân khôn ngoan, lại ấu
trĩ đến như vậy.
Ngay cả khi Donald
Trump tố cáo Trung Quốc thao túng tiền tệ, thì cũng khó mà tưởng tượng được là
tổng thống tương lai của Hoa Kỳ lại gây sự với Trung Quốc, một trong những chủ
nợ hàng đầu của Mỹ, bởi vì Bắc Kinh nắm trong tay tới 20% tổng số nợ của Hoa Kỳ
ở nước ngoài.
Về lập trường bảo hộ
của Donald Trump, Trung Quốc chẳng có gì phải lo ngại, ngược lại còn được hưởng
lợi. Nước Mỹ của Donald Trump muốn co cụm lại, thì nước Trung Hoa của Tập Cận
Bình sẵn sàng lấp chỗ trống đó. Ví dụ điển hình nhất là hiệp định Đối Tác Xuyên
Thái Bình Dương – TPP. Donald Trump tuyên bố sẽ rút Hoa Kỳ ra khỏi TPP ngay
trong ngày đầu tiên ông vào Nhà Trắng vì coi đây là một thảm họa tiềm tàng đối
với Hoa Kỳ.
Quyết định này mở ra
một con đường rộng thênh thang cho Trung Quốc : Không chỉ chôn vùi được TPP vốn
được thiết kế nhằm khống chế ảnh hưởng của Trung Quốc, Bắc Kinh giờ đây rảnh
tay hành động, thúc đẩy các sáng kiến hợp tác kinh tế của mình, cụ thể là dự án
Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (Regional Comprehensive Economic
Partnership – RCEP), được ký kết với 16 nước trong vùng châu Á-Thái Bình Dương
mà không có Hoa Kỳ.
Hoa Kỳ co cụm, Trung Quốc vươn vòi
Đó là về kinh tế và
thương mại. Việc Donald Trump thắng cử cũng đánh dấu sự chấm hết của chiến lược
« tái cân bằng » - hay còn gọi là « xoay trục »
sang châu Á được thực hiện dưới thời tổng thống Barack Obama. Les Echos trích dẫn
nhận định của chuyên gia Celine Pajon, thuộc Viện Quan hệ Quốc tế Pháp (IFRI) :
Việc từ bỏ TPP là tiếng chuông báo tử một nhân tố chủ chốt trong chiến lược
xoay trục sang châu Á của Hoa Kỳ.
Theo công ty tư vấn
Capital Economics, « nếu Hoa Kỳ ít dấn thân hơn vào châu Á, Bắc Kinh sẽ
có cơ hội kiến tạo lại tiến trình hội nhập kinh tế và chính trị theo cách của
mình ». Vấn đề là phải xem liệu các đề xuất của Trung Quốc có đáp ứng
các mong đợi của những nước láng giềng hay không, vì những quốc gia này luôn cảnh
giác, dè chừng với ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Trung Quốc. Nhiều tiêu chí
đề ra trong RCEP thấp hơn nhiều so với các chuẩn mực của TPP.
Mặt khác, cũng không
nên lầm tưởng rằng Trung Quốc sẽ ra tay hành động vì Mỹ co cụm. Bắc Kinh không
đợi Donald Trump đắc cử thì mới đưa ra các sáng kiến. Từ nhiều năm nay, Trung
Quốc đã liên tục vận động cho dự án « các con đường tơ lụa mới ».
Les Echos cũng lưu ý
là việc Hoa Kỳ và Nga có thể cải thiện quan hệ cũng làm cho Trung Quốc lo ngại.
Chủ nghĩa biệt lập của Trump chắc chắn tạo cơ hội cho Trung Quốc, nhưng đồng thời
cũng gây ra nhiều yếu tố bấp bênh, không rõ ràng.
Cuối cùng, theo Les
Echos, chắc chắn trong lĩnh vực nhân quyền, Trung Quốc rất vui mừng khi Donald
Trump đắc cử. Chuyên gia Alice Ekman và John Seaman, thuộc IFRI nhận định,
« thắng lợi của Trump báo hiệu vấn đề nhân quyền và các giá trị phổ
quát bị đặt xuống hàng thứ yếu, đó là những vấn đề nhạy cảm nhất đối với Bắc
Kinh ».
No comments:
Post a Comment