Dữ liệu rất quan trọng cho công tác nghiên cứu và hoạch
định chính sách. Nhưng sử dụng các số liệu từ Đức, Hàn Quốc… thậm chí từ Trung
Quốc để so sánh với Việt Nam cũng giống như so sánh hai số hạng không cùng đại
lượng (mét so với kg)
Người Đức, người Mỹ… sử dụng MXH đôi khi chỉ để đáp ứng
những nhu cầu bạn bè trong từng group nhỏ. Người Việt Nam sử dụng MXH ngoài những
nhu cầu thông thường, còn là để thực hiện các quyền Hiến định – quyền tự do
ngôn luận, bày tỏ chính kiến; quyền làm công tác từ thiện, giúp đỡ người yếu thế.
Những quyền mà báo chí nhà nước và không gian chính trị của Việt Nam không có
khả năng cung cấp.
Tự do biểu đạt chính kiến quan trọng đến nỗi, tổng
thống của một quốc gia tự do như D. Trump cũng phải sử dụng MXH để tuyên ngôn
khi ông không còn tin báo chí. Đừng so với Trung Quốc, chỉ trong một quốc gia
mà việc người dân chỉ trích lãnh đạo, chỉ trích chính quyền được coi là “văn
hoá” thì quốc gia đó mới có cơ may được coi là văn minh, chính quyền của quốc
gia đó mới được coi là chính quyền mạnh.
Với những tiến sỹ rừng như ông Trương Minh Tuấn thì
tôi không chấp, tôi rất tiếc khi nghe phát biểu của PTT Vũ Đức Đam. Ông có một trí
nhớ tuyệt vời, một khả năng diễn thuyết rất thuyết phục, nhưng ông đã mơn trớn
các đại biểu có chức có quyền trong quốc hội thay vì giúp phần lớn trong họ nắm
được MXH là môi trường sống của thế giới ngày nay. Nó chứa chấp đủ thứ dịch bệnh
của loài người nhưng nó cũng giúp chính loài người từng bước loại bỏ các dịch bệnh
đó và nuôi nấng từng mầm tích cực.
Chỉ từ khi có internet, Việt Nam mới tốt lên như vậy
và chính quyền mới mạnh như vậy (dù bị chỉ trích nhiều hơn, dù nhiều người chỉ
trích chính quyền không muốn thế).
Dân trí của Việt Nam như ông nói, chưa bằng Thái và
tất nhiên là chưa bằng Đức. Nhưng vì sao. Chưa có một quốc gia nào (tôi không
tính Trung Quốc và Bắc Hàn) mà Bộ Luật Hình Sự chứa đựng nhiều điều luật để đe
doạ người sử dụng MXH như Việt Nam. Tuy nhiên, các công cụ này chủ yếu nhắm vào
những người sử dụng MXH để “nói xấu lãnh đạo và tuyên truyền chống chế độ”.
Danh dự, nhân phẩm và bí mật đời tư của thường dân, trong thi hành luật, chưa
bao giờ được ưu tiên bảo vệ.
Đừng lẫn lộn các khái niệm trong an ninh mạng. Những
gì thuộc về bí mật quốc gia phải thuộc trách nhiệm của những người được giao nắm
giữ nó. Có thể vận đông ý thức của công dân trừ những vụ việc nhân danh bí mật
quốc gia để lén lút chia chác tài sản của dân. Trong thời đại ngày này, quốc
gia nào cũng phải có ý thức lập nhiều tầng dữ liệu (cái gì local, cái gì
international). Còn thông tin cá nhân thì kể từ khi ta mua vé máy bay, mua hàng
trên Alibaba, xin visa… từng cá nhân đã chấp nhận tiết lộ bí mật đời tư của
mình, đừng đổ hết cho MXH.
Cũng không nên dùng con số doanh thu quảng cáo 300
triệu USD (như anh Đam nói) hay 100 triệu (như anh Tuấn nói) để kích thích dạ
dày quốc hội. Facebook, Google không kinh doanh ở VN, họ kinh doanh toàn cầu.
Ngay cả các cường quốc cũng vẫn còn đang phải tranh cãi việc đánh thuế như thế
nào. Các nhà cung cấp dịch vụ internet phải tuân thủ luật thương mại điện tử
nhưng các quốc gia cũng phải tuân thủ các cam kết “tránh đánh thuế hai lần”.
Đành rằng, thu được đồng thuế nào từ con số 300 triệu
đó đều tốt. Nhưng chỉ chăm bẵm vào những con số đó là đã để lá che mất rừng. Thử
tính, nếu người dân Việt đã bỏ ra 300 triệu USD quảng cáo trên MXH toàn cầu thì
doanh thu có đóng thuế cho ngân khố quốc gia phải tăng lên đến nhường nào.
Đành rằng, để MXH phát triển thì việc nhũng nhiễu
dân sẽ không còn như chỗ không người nữa; việc đưa con đàn cháu đống vào bộ máy
quyền lực sẽ bị săm soi; công trình nghìn tỷ đắp chiếu sẽ không thể che mắt dân
cho đến khi mục nát… Nhưng, cầm quyền thì phải nhận ra rằng, MXH không chỉ đang
chỉ trích chính quyền – giúp Chính phủ tu sửa để rồi vừa có quyền vừa có dân –
mà còn đang chỉ trích những thói hư tật xấu trong xã hội, đang “khai dân trí và
chấn dân khí” chứ không chỉ mắng nhiếc nhau. Hãy vì lợi ích bền lâu của Việt
Nam, đừng vì những mục tiêu ngắn hạn.
PS: Những ai hay lấy Đức ra làm ví dụ thì nên đoc kỹ
cái này:
No comments:
Post a Comment