Friday, November 3, 2017

KINH TẾ HỌC HÀNH VI LÀM THAY ĐỔI XÃ HỘI (Nobel Kinh Tế Richard Thaler)




Thứ Tư, ngày 01 tháng 11 năm 2017

Giải Nobel Kinh tế năm 2017 được trao cho giáo sư người Mỹ, gốc Do Thái,  Richard Thaler. Ông là người đứng sau rất nhiều chính sách đã làm thay đổi xã hội nước Anh trong thời gian qua. Những thay đổi đó giờ có thể được xem như là bài học cho nhiều tổ chức cộng đồng muốn làm thay đổi thói quen tập quán và chuyển đổi xã hội theo hướng ổn định hơn và có lợi hơn.

Giáo sư Richard Thaler, giải Nobel Kinh Tế năm 2017.REUTERS/Kamil Krzaczynski

Theo tường thuật của thông tín viên Lê Hải tại Luân Đôn, giáo sư Thaler là cố vấn khoa học cho cơ quan nghiên cứu kinh tế học hành vi đầu tiên trên thế giới do chính phủ Anh lập ra để làm thay đổi suy nghĩ của dân chúng theo hướng được cho là có lợi hơn cho họ.

Với trên dưới 100 nhân viên, cơ quan này chuyên đưa ra các biện pháp ứng dụng từ ngành khoa học hành vi để nâng cao hiệu quả tác động từ các chính sách mà chính phủ đưa ra. Một trong số những vụ việc được GS Thaler cố vấn cho chính phủ Anh là chính sách hưu trí.

Trả lời phỏng vấn tạp chí MoneyWeek, giáo sư Thaler giải thích:
« Chúng tôi triển khai chính sách lương hưu mới được nhiều năm rồi, mà chính sách này dựa rất nhiều vào lý thuyết kinh tế học hành vi. Trước đây, bá tước Adair Turner phụ trách ủy ban chuyên trách các vấn đề tài chính hưu trí, và sau khi đọc các nguồn tham khảo đã quyết định là không bắt buộc người dân phải tham gia đóng góp như trước nữa, mà áp dụng phương pháp mà chúng tôi gọi là tự động ghi tên.
Tức là người lao động mặc nhiên được ghi tên vào quĩ lương hưu và đóng góp hàng tháng, cho đến khi họ quyết định muốn rút ra. Kết quả chỉ có khoảng 10% rút tên. Thường thì người ta hay lười và không tự mình đi mở quĩ hưu trí cho nên sẽ rất khó đạt được con số 90% người tham gia như trong trường hợp này. »

Vẫn theo thông tín viên Lê Hải, đó chỉ là một ví dụ trong số rất nhiều vụ việc mà chính phủ Anh đã tác động thành công trong việc làm thay đổi xã hội, nhờ các nghiên cứu ứng dụng về tâm lý của người dân khi đưa ra quyết định trước những vấn đề cụ thể. Chỉ vì thay đổi cách đặt câu hỏi mà rất nhiều người khi đăng ký bằng lái xe đã tự nguyện xin hiến nội tạng khi qua đời để có thể cấy ghép cho người khác đang cần đến.

Trong một quyển sách vừa là hồi ký mà cũng vừa để trình bày một cách đơn giản nhất hệ thống lý thuyết mà giáo sư Richard Thaler đã theo đuổi suốt 40 năm qua, ông kể lại chuyện hồi đầu tiên đi dạy bị sinh viên đánh giá là ra đề quá khó khi đa số đạt điểm trung bình là 72%. Giải pháp cuối cùng lại là một ứng dụng tâm lý, thay thang điểm dễ tính nhẩm là 100 thành 137 điểm, và khi đó điểm trung bình của đa số là 96, và từ đó trở về sau không còn ai than vãn về điểm số nữa.

Quyển sách này cũng được một kinh tế gia gốc Việt nổi tiếng mà cũng là fan hâm mộ của Thaler là GS Trần Hữu Dũng đánh giá là nên đọc, giới thiệu riêng một chương trên trang nhà của mình. Nếu quí vị thính giả quan tâm đến việc mua nhà, thì có lẽ nên tìm đọc bản dịch của chương sách này, kể chuyện các đồng nghiệp của kinh tế gia đoạt giải Nobel chọn phòng làm việc trong tòa nhà mới xây của trường đại học Booth Chicago.

« Giáo sư Luigi Zingales muốn chọn một văn phòng ở tầng 5, và với bản tính nghi ngờ của người gốc Ý, ông hỏi ngay diện tích của căn phòng ông định chọn. Bà kiến trúc sư lúc đầu từ chối nhưng sau phải lôi bản vẽ ra đo đạc và nói rằng phòng đó nhỏ hơn khoảng chừng 2 mét vuông so với phòng của đồng nghiệp. […]
Thế là giáo sư Luigi bí mật đo đạc trên bản vẽ rồi chọn xong thì mới thông báo chuyện này và thế là mọi người bắt đầu loạn lên đòi đổi phòng và cuối cùng thì đến 3 giờ chiều người ta phải tạm ngưng, xóa sổ chờ cung cấp lại thông số về diện tích phòng ốc rồi mọi người mới chọn lại. […] Một năm sau, tòa nhà mới khánh thành, và các giáo sư bắt đầu dọn vào văn phòng mới.
Tầng 5 cao nhất tưởng chừng oai nhất hóa ra cũng chẳng hơn gì tầng 4, mà lại bị kẹt thang máy. Dãy phòng ở phía bắc mới là nơi có góc nhìn đẹp nhất, bao quát hết cả Chicago, vậy mà hồi đầu chẳng mấy ai quan tâm. Xét về góc độ kinh tế thì nếu là nhà ở thì đây sẽ là những căn hộ cao giá nhất, nhưng cuối cùng trong quá trình chọn lựa người ta lại chỉ tập trung vào con số ghi diện tích.
Đối với những có diện tích trong khoảng trên dưới 20 mét vuông thì khác biệt thật sự giữa phòng to nhất và phòng bé nhất hầu như là không thể nào nhận biết được đối với đa số khách vào đây. Nhưng con số 2 mét vuông khác biệt ghi trên bản vẽ thì lại khiến người ta vô cùng chú ý vào. »

Từ những quan sát kiểu như vậy, GS Richard Thaler đã kết hợp với các chuyên gia toán và tâm lý học để xây dựng thành lý thuyết kinh tế hành vi, nghiên cứu xem điều gì tác động vào quyết định của con người, và tổng hợp thành giải pháp mà ông đặt tên là Nudge.

Giải pháp này đã được ông trình bày cặn kẽ trong một quyển sách được Đại học Chicago xuất bản năm 2008, tức là mô tả động tác khều tay người ta để tỷ tê bỏ nhỏ nhằm tác động vào tâm lý chọn lựa của họ. Nói một cách khác, GS Thaler chỉ ra các phương pháp dẫn dụ dân chúng bằng cách sắp đặt lại tình huống hay câu chữ khi chính phủ hoạch định chính sách và nhờ vậy mà sẽ dễ dàng thay đổi xã hội hơn.

Khi hội đồng trao giải thưởng Nobel kinh tế 2017 cho GS Richard Thaler, thì thực sự là tên tuổi của ông không lạ gì trong giới chuyên gia hoạch định chính sách ở châu Âu, ở Mỹ, và đặc biệt là ở Anh. Thậm chí vì nước Anh đi đầu trong việc ứng dụng ngành khoa học hành vi vào cuộc sống, mà rất nhiều điều sinh viên ở các nước phải học trong sách giáo khoa, thì trẻ em ở nước Anh đã biết từ lâu qua cách xây dựng logic câu để dẫn dụ hay thuyết phục người khác.

Ví dụ như khi hỏi bạn muốn chọn ngồi ghế này hay ngồi ghế kia, thì chúng ta đã khóa đối phương vào hoàn cảnh sẽ suy nghĩ để xem sẽ ngồi ở đâu, mà quên mất rằng khi bước tới cửa phòng này lẽ ra mình cần phải tính coi có đứng lại xem hay đi tiếp. Dẫn dụ hành vi của người nghe, tức là nudging bằng lời nói, từ lâu đã là một phần trong câu chữ tiếng Anh.

GS Thaler còn muốn lý thuyết của mình ảnh hưởng nhiều hơn nữa ra thế giới, đặc biệt là trong giáo dục. Ông nói:

« Vấn đề thực sự không phải là liệu chúng ta có nên dạy cho học sinh phổ thông trung học kiến thức kiểu như là các loại lãi suất vay khi mua nhà hay không chỉ vì là cần phải dạy. Điều đáng quan tâm ở đây là chúng ta nên nghĩ xem việc truyền bá những kiến thức đó có giúp giải quyết được vấn đề gì trong xã hội hay không.
Và bất luận câu trả lời có ra sao cũng không có ảnh hưởng gì cả. Lý do là bởi vì các vấn đề mà người ta phải đối mặt trong cuộc sống hàng ngày quá khó mà tất cả những gì chúng ta dạy học sinh ở bậc phổ thông hay thậm chí là đại học không ích lợi gì cho lắm.
Quí vị thử nhớ lại xem, cũng như tôi hay hỏi khán thính giả còn nhớ đã học gì từ môn hóa học hay không, nếu không phải là nhà bào chế thì chắc là không còn nhớ gì cho mấy. Cho nên nếu ta dạy trẻ con về lãi suất ngân hàng thì có ích lợi gì cho việc quyết định mua nhà tận những 20 năm sau đó hay không? Nhiều khả năng là không.
Cho nên là cần phải hướng dẫn cho người dân vừa đúng lúc trước khi họ đưa ra quyết định chọn mua nhà theo kiểu lãi suất nào, và bên cạnh đó là yêu cầu ngân hàng đơn giản hóa các sản phẩm tín dụng của họ để người dân dễ tính toán và lựa chọn. »

Đó cũng chính là nội dung mà GS Richard Thaler đã cố vấn cho chính phủ Anh. Hiện nay vào trang tổng kết các nghiên cứu và đề xuất của ủy ban đặc biệt của chính phủ Anh về hành vi của xã hội, chúng ta có thể thấy đầy đủ từ thay đổi trong chính sách khuyến học, chương trình giáo dục, cho đến chuyển đổi cơ cấu an sinh xã hội cho trẻ em, hay chế độ dinh dưỡng, hay như cả khuyến nghị về cách tính tiền điện, hay làm sao để giảm số lượng vụ trộm cắp điện thoại cầm tay.

Công thức để làm thay đổi hành vi của toàn xã hội có thể được gói gọn vào bốn chữ viết tắt là EAST (Easy, Attractive, Social and Timely), tức là giới thiệu các hành động dễ thực hiện, dễ gây chú ý, mang tính xã hội và hợp thời. Hi vọng rằng các nội dung vừa trình bày sẽ bổ ích cho công việc và cuộc sống hàng ngày của quí vị.






No comments:

Post a Comment