Sunday, November 12, 2017

KATHY TRẦN TRANH CHỨC DÂN BIỂU HẠ VIỆN LIÊN BANG, TẠO LỊCH SỬ TẠI VIRGINIA (Viễn Đông Daily)




Viễn Đông Daily
Sunday, 12/11/2017 - 03:14:44

Bà Kathy Trần được 7 tháng tuổi khi được mẹ bồng tại trại tị nạn Pulau Bidong ở Mã Lai Á đầu thập niên 1980. (Courtesy Kathy Tran)

FAIRFAX - Trong ngày bầu cử tuần qua tại Virginia, thứ Ba, ngày 7 tháng 11, 2017, một phụ nữ gốc Việt tị nạn cộng sản đã tạo lịch sử tại tiểu bang này. Bà Kathy Trần, 38 tuổi, đã trở thành phụ nữ Mỹ gốc Á Châu đầu tiên đắc cử chức dân biểu liên bang tại Virginia. Bà Kathy Trần sẽ đại diện khu vực cử tri 42 nằm ở Bắc Virginia.

Kathy Trần . (Courtesy Kathy Tran)

Cuộc bầu cử tại Virginia cũng được quan sát trên toàn quốc, vì năm nay tiểu bang này đã có số phụ nữ tranh cử dân biểu tiểu bang ở mức kỷ lục, 43 nữ ứng cử viên Dân Chủ. Hầu hết muốn tranh cử vì phản đối chính sách chống di dân và chống phụ nữ của chính phủ Trump.

Trong hai thập niên qua, khu vực cử tri Hạ Viện này là nơi đã có sự thay đổi về thành phần người bỏ phiếu mà ngày nay đang có nhiều di dân hơn trước, không còn thuần túy đa số người da trắng mà thôi.

Kết quả bỏ phiếu cho thấy bà Kathy Trần thuộc đảng Dân Chủ đã đè bẹp bà Lolita Mancheno-Smoak thuộc đảng Cộng Hòa với tỉ lệ 61 phần trăm trên 39 phần trăm. Số phiếu chênh lệch giữa bà Kathy và bà Lolita là khoảng 7,000 lá phiếu (bà Kathy được gần 19,000 phiếu, bà Lolita được gần 12,000 phiếu).

Ghế dân biểu liên bang này nằm trong tay đảng Cộng Hòa suốt 24 năm. Thành phần cử tri bỏ phiếu cho bà Lolita Mancheno-Smoak phần lớn xuất phát từ khi khu vực thượng lưu, nơi có những ngôi nhà trị giá lên tới $5 triệu Mỹ kim.

Bà Charniele Herring, chủ tịch nhóm Dân Chủ tại Virginia, đã mô tả bà Kathy Trần với báo chí Mỹ như sau, “Bà Kathy là con của những người tị nạn Việt Nam. Bà có thành tích là người lãnh đạo và tranh đấu cho quyền lợi của người dân, và đó là một tuyên ngôn mạnh mẽ cho tinh thần Ước Mơ Của Người Mỹ. Bà Kathy Trần đã từng chứng minh bà là người làm việc cho những gia đình lao động, tại cả hai Bộ Lao Dộng và Diễn Đàn Di Dân Quốc Gia.”

Về phần mình, Kathy Trần cho biết động lực khiến bà phải bước vào cuộc tranh cử là vì không đồng ý với những quan điểm của Tổng Thống Donald Trump. Bà Kathy Trần là một trong 11 phụ nữ đã giật được ghế dân biểu của đảng Cộng Hòa trong năm nay.

Trong cuộc vận động tranh cử vừa qua, bà Lolita Mancheno-Smoak từng là người ủng hộ ông Trump. Bà Lolita đã đề cao vị tổng thống thường gây tranh cãi này là “một người gây rối tích cực.” Thế nhưng kết quả cho thấy đa số cử tri tại khu vực số 42 đã phản đối chính phủ Trump và chủ nghĩa Trump.

“Sức mạnh của sự chống đối đã lên tới mức sóng thần,” bà Stephanie Taylor nhận xét. Bà này là đồng sáng lập viên của Ủy Ban Thay Đổi Tiến Bộ (Progressive Change Campaign Committee). “Trong những cuộc đua vào quốc hội, điều làm cho một ứng cử viên có sức mạnh chính là hành động phản đối của họ, và sự việc họ tranh đấu cho những vấn đề gần với người dân như mở rộng chương trình trợ cấp y tế Medicaid, nâng cao đầu tư vào việc làm và giáo dục.”

Bà Kathy Trần cùng bé gái út Elise đi vận động tranh cử trong tháng 10 vừa qua. (Washington Post)

Thành tích lịch sử của bà Kathy Trần đã phản ảnh sự thay đổi thành phần cử tri trong khu vực 42, nơi mà di dân từ Á Châu đang chiếm  58 phần trăm dân số. Hiện nay Bắc Virginia cũng đã có một dân biểu tiểu bang khác gốc Á Đông, và đó là ông Mark Lee Keam (khu vực 35). Ông này là một luật sư gốc Đại Hàn trước khi bước vào chính trị.

Gốc thuyền nhân

Trước chính sách chống di dân của chính phủ Trump, trên mạng vận động tranh cử, bà Kathy Trần đã kể về thân thế như sau, “Tôi là người tị nạn từ Việt Nam, đến Hoa Kỳ vào đầu thập niên 1980 khi chưa đầy hai tuổi. Hội The International Rescue Committee (IRC-Ủy Ban Cứu Nguy Quốc Tế) tại Los Angeles đã giúp gia đình chúng tôi định cư.”

Bà Kathy Trần và chồng Matthew Reisman cùng bốn con. (Courtesy Kathy Tran)

Gia đình bà Kathy Trần đã được đề nghị định cư tại một số quốc gia khác, vì mẹ của bà là thông dịch viên cho các phòng lãnh sự tại trại tị nạn ở Mã Lai Á. Thế nhưng cha mẹ bà đã nhắm tới nước Mỹ.

“Đối với cha mẹ tôi, Hoa Kỳ là đất nước biểu tượng cho niềm hy vọng, cơ hội và tự do. Vì vậy họ chọn đến đây thay vì được đi đến các nước khác sớm hơn. Họ đã đợi hơn 13 tháng trước khi được hoàn tất hồ sơ để đến Mỹ.”

Như hầu hết những thuyền nhân và người tị nạn Việt Nam khác, gia đình bà Kathy Trần đến Hoa Kỳ với hai bàn tay trắng. Nhưng họ đã có đầy hy vọng vì “biết rằng hội IRC có chương trình giúp chúng tôi được định cư.”

Để đền đáp công ơn mà nước Mỹ đã dành cho những gia đình tị nạn, bà Kathy Trần đã bước vào một sự nghiệp mà trong đó phần lớn là để trợ giúp những di dân và người tị nạn được hội nhập vào cuộc sống mới tại Hoa Kỳ. Bà đã làm việc cho hội Tin Lành Lutheran Immigration Refugee Service, dạy tiếng Anh tại cơ sở Elizabeth Detention Facility, và làm việc với diễn đàn di trú  National Immigration Forum để thành lập những chính sách giúp người tị nạn và di dân. Bà cũng đã làm việc cho hội IRC tại thành phố Boston, nơi bà giúp người tị nạn Việt Nam và Kosovo Albania học tiếng Anh, viết thư xin việc làm, và tập phỏng vấn để có thể đi tìm việc làm.

Trong thời gian trên thì bà tốt nghiệp cử nhân tại trường Duke University và thạc sĩ tại University of Michigan.

Đến khi lập gia đình thì bà chọn về sống tại Virginia, nơi bà đã làm việc cho Bộ Lao Động trong 12 năm qua.

Bà đã quyết định tranh cử sau khi đứa con thứ tư chào đời, đúng ngày 20 tháng Giêng, 2017, tức ngày tuyên thệ nhậm chức tổng thống của ông Donald Trump.

Khi bé út được một tháng tuổi, bà quyết định tranh cử vào Hạ Viện Virginia.

“Sau ngày bầu cử (tổng thống 2016), chồng tôi và tôi đã rất quan tâm về hướng đi mới của đất nước chúng ta,” bà kể. “Và vì vậy mà chúng tôi muốn đặt tên bé gái với một cái tên phản ánh quan điểm của chúng tôi.”

Thế là bé út được bà Kathy Trần và chồng Matthew Reisman đặt tên là Elise Minh Khánh. “Elise” được gợi ý từ Ellis Island, tên của đảo nổi tiếng ở thành phố New York, nơi mà hàng triệu di dân và người tị nạn từ Âu Châu đã đặt chân đến trước khi vào nước Mỹ trong thế kỷ thứ 20. Trong số hàng ngàn người Do Thái chạy thoát chế độ diệt chủng thời Đệ Nhị Thế Chiến để đến Mỹ có cả gia đình của chồng bà Kathy Trần.

“Minh Khánh” có nghĩa là “chuông sáng,” được gợi ý từ biểu tượng Chuông Tự Do “Liberty Bell” của Hoa Kỳ.

Bà Kathy Trần giải thích, “Đối với chúng tôi, tên của con gái chúng tôi có nghĩa là gióng tiếng chuông cho tự do và cơ hội cho tất cả mọi người. Thành thử tôi quyết định bước ra tranh cử khi con mới có một tháng tuổi. Tôi không muốn con tôi và các thế hệ tương lại phải nhận trách nhiệm tranh đấu cho tự do và cơ hội, nên tôi ra tranh cử để đảm nhận trách nhiệm đó ngay từ bây giờ.”







No comments:

Post a Comment