Phạm Phú Khải
01/11/2017
54 năm về trước, vào những giờ phút này tính mạng của
hai ông Ngô Đình Diệm và Ngô Đình Nhu đang bị “ngàn cân treo sợi chỉ”.
Cố tổng thống Việt Nam Cộng Hòa, Ngô Đình Diệm.
Những tính toán và quyết định sai lầm của lãnh đạo
Hoa Kỳ, cùng với sự tiếp tay của thành phần chống đối ông Diệm ông Nhu tại miền
Nam, đã đưa đến cái chết bi thương của hai ông và nền Đệ Nhất Cộng Hoà.
Biến cố 1 tháng 11 năm 1963 là điểm ngoặc đưa đến
bao nhiêu bất ổn chính trị, để rồi chiến tranh Việt Nam leo thang và, 12 năm
sau, kết thúc như một định mệnh không thể đảo ngược.
42 năm, gần hai thế hệ sinh ra và lớn lên sau cuộc
chiến. Nhưng những hậu quả mà chiến tranh để lại cho đến nay vẫn còn quá to tát.
Một phần vì những vết thương quá sâu, về mặt tinh thần, nên vẫn chưa lành, đối
với mọi bên. Phần khác vì bởi các lý do chính trị, nhất là khi không bên nào muốn
thừa nhận vai trò và trách nhiệm của mình về hậu quả của cuộc chiến này.
Trong khi đó nhà cầm quyền hiện tại vẫn chủ trương
kiểm soát toàn bộ “sự thật lịch sử” đối với những gì xảy ra trước, trong và sau
cuộc chiến này.
Đâu là sự thật lịch sử? Trên thực tế, không có một sự
thật lịch sử, dù là lịch sử về chiến tranh Việt Nam hay, nói chung, bất cứ một
cuộc chiến hay biến cố chính trị lớn nào. Tính đa diện, phức tạp và vô cùng
chia rẽ của cuộc chiến Việt Nam cho thấy tất cả mọi nhận xét, dù khách quan và
thành tâm cách mấy, cũng chỉ là cách nhìn nhận vấn đề ở các góc cạnh khác nhau,
ngay cả từ phía cùng chiến tuyến.
Điển hình là phim tài liệu mới nhất về cuộc chiến Việt
Nam được đạo diễn tiếng tăm Ken Burns (và Lynn Novick) thực hiện, mất hơn 10
năm, gồm 10 tập kéo dài 18 tiếng đồng hồ. Tập phim tài liệu này được giới truyền
thông chính mạch tại Hoa Kỳ và ngoài Mỹ phê bình một cách tích cực. Các báo, tạp
chí, truyền hình lớn và nhiều ảnh hưởng như The New York Times, Washing Post,
Guardian, Economist, Newsweek, Vanity Fair, PBS, CNN v.v..., tuy có phê bình một
số thiếu sót hay sai sót, nhưng phần lớn khen ngợi công trình đồ sộ của Ken
Burns: chi tiết, kỹ lưỡng, chuyên nghiệp, độc đáo, với bao nhiêu phỏng vấn
nguyên thuỷ của các nhân vật trực tiếp tham gia cuộc chiến từ mọi phía cũng như
bao nhiêu hình ảnh, phim ảnh và âm nhạc được sáng tác liên quan đến cuộc chiến
này.
Về phía Việt Nam, thì có lẽ nhiều người sinh ra hoặc
lớn lên sau khi cuộc chiến chấm dứt mong muốn được tìm hiểu một cách đầy đủ, nhất
là trong bộ phim tài liệu này Novick đã nỗ lực về Việt Nam phỏng vấn những người
trong cuộc. Thế hệ trẻ hình như chưa đánh giá mà chỉ muốn được xem rồi nhận xét
sau.
Tuy nhiên nhận xét sơ khởi của thế hệ đi trước thì
không tích cực chút nào. Một số người cho rằng bộ phim tài liệu này không phản ảnh
trung thực lịch sử cuộc chiến và bối cảnh đưa đến chiến tranh Việt Nam.
Trong số những người lên tiếng cho Việt Nam Cộng
Hoà, giáo sư Nguyễn Tiến Hưng, tác giả của Hồ Sơ Mật Dinh Độc Lập, Khi Đồng
Minh Tháo Chạy và Khi Đồng Minh Nhảy Vào, đã phân tích chi tiết về những khuyết
điểm, thành kiến, thiếu sót và sai sót của bộ phim tài liệu này trong bài “Viết
về bộ phim The Vietnam War” [1]. Nhưng tiến sĩ Hưng cũng chỉ mới xem có năm tập
đầu, chưa xem hết, cho nên những thắc mắc ông nêu ra như tại sao có chiến tranh
Việt Nam, trách nhiệm của người Mỹ trong cuộc đảo chánh và hạ sát ông Ngô Đình
Diệm v.v... có được trình bày đầy đủ và nghiêm chỉnh chứ không thiên vị và
thành kiến không thì chính ông cũng chưa rõ!
Trong khi đó thì có nguồn tin bán chính thức cho rằng
lãnh đạo hàng đầu tại Hà Nội rất không hài lòng về bộ phim này [2]. Họ cách chức
vài viên chức trong Bộ Ngoại Giao đã phụ giúp dàn dựng các cuộc phỏng vấn cho bộ
phim. Họ tức tối vì bộ phim phơi bày cuộc thảm sát Mậu Thân năm 1968, những
tranh chấp trong hàng ngũ lãnh đạo chóp bu tại Hà Nội trong thời chiến, hay sự
đối xử tồi tệ của bên thắng cuộc đối với người dân miền Nam khi chiến tranh chấm
dứt v.v...
Tựu chung chiến tranh nào cũng chết chóc, thảm khốc,
mất mát và tan thương. Chiến tranh Việt Nam thì khốc liệt bội phần. Trong vòng
hơn 10 năm, khoảng một triệu người chết trong cả hai miền Nam Bắc, trong đó 58
ngàn lính Mỹ, và hàng triệu người khác bị thương tích. Tất cả các diễn biến
này, qua hình ảnh chết chóc hay hàng triệu tấn bom rơi, được trình chiếu hàng
ngày trên truyền hình Mỹ và khắp thế giới, điều mà không xảy ra trong Thế Chiến
Hai hay trước đó. Chính những hình ảnh đó là một trong những nguyên nhân mà chiến
tranh buộc phải kết thúc bằng mọi giá.
Tuy cuộc chiến Việt Nam vô cùng phức tạp và gây nhiều
tranh cãi, mục tiêu chiến lược của các bên tham gia tương đối đơn giản dễ hiểu.
Mục tiêu của Hoa Kỳ, và đồng minh, khuynh hướng đại
diện cho thế giới tự do/tư bản, trong cuộc chiến này là để ngăn chặn sự bành
trướng của cộng sản tại Đông Nam Á (mặc dầu ngay cả lý thuyết gia hàng đầu của
thuyết ngăn chặn George Kennan không đánh giá cao vai trò chiến lược của Việt
Nam trong chủ trương ngăn chặn chủ nghĩa cộng sản toàn cầu).
Mục tiêu của miền Nam, trong nền Đệ Nhất lẫn Đệ Nhị
Cộng Hoà, là phải ngăn chặn chủ nghĩa cộng sản để toàn đất nước không bị nhuộm
đỏ. Những người quốc gia từng hiểu biết và kinh nghiệm xương máu với cộng sản,
nhất là trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, không tin rằng chủ nghĩa này mang
lại sự phát triển cần thiết cho đất nước và dân tộc, nếu không phải là thảm hoạ.
Mục tiêu của miền Bắc, về mặt tuyên truyền, là để
“chống Mỹ cứu nước”, độc lập và thống nhất dân tộc, nhưng thực tế họ đã chứng
minh là đệ tử trung thành của cộng sản quốc tế, thi hành nghiêm chỉnh các chỉ
thị từ đàn anh như Liên Sô và Trung Cộng trong việc đối đầu với khối tự do, bằng
chính xương máu của đồng bào họ. Độc lập và thống nhất dân tộc, theo tư duy của
lãnh đạo miền Bắc, cũng chỉ là mục tiêu hay phương tiện phụ. Mục tiêu chính,
quan trọng hơn, là phải tiến nhanh tiến mạnh trên con đường xã hội chủ nghĩa và
sau đó là cộng sản chủ nghĩa. Những gì xảy ra sau 30 tháng Tư năm 1975 cho đến
khi Đổi Mới chứng minh điều này.
Chỉ có mỗi ông Ngô Đình Diệm là người có tầm lãnh đạo
quốc gia lớn, có tư duy độc lập thật sự, và có tầm nhìn chiến lược và mục tiêu
vì đất nước dân tộc Việt Nam. Dù có những lỗi lầm chiến lược và chiến thuật -
điều mà không một vị lãnh tụ nào tránh khỏi dù tài giỏi và kiên cường đến mấy
khi đối diện với bao thử thách khắc nghiệt của thời cuộc - cuộc đời dấn thân
xuyên suốt của ông Diệm đã chứng minh điều này. Ông Diệm không hề muốn Hoa Kỳ
đưa quân vào Việt Nam. Lãnh đạo Hoa Kỳ tuy có lúc không tin tưởng khả năng ông
Diệm có thể vượt qua bao thử thách cam go, và tuy có lúc bất bình với ông,
nhưng họ không hề coi thường ông. Ông luôn có suy nghĩ độc lập, đặt mình ngang
hàng với Hoa Kỳ, và không bao giờ nghe theo lời khuyên của Hoa Kỳ nếu nó đi ngược
lại quyền lợi của dân tộc Việt Nam. Hoa Kỳ đứng đằng sau cuộc đảo chánh ông Diệm
vì họ không thuyết phục được ông trong các vấn đề chiến lược mà lại quá chủ
quan về sức mạnh quân sự của mình [3].
Trong cuốn “Nền tảng Chung” (Common Ground), cố Thủ
tướng Úc Malcolm Fraser cũng xác định là ông đã rút ra được một số bài học quan
trọng về cuộc chiến Việt Nam. Đọc hồi ký của cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert
McNamara xuất bản năm 1996, với tựa đề “Nhìn lại: Bi kịch và Bài học của Việt
Nam” (In Retrospect: The Tragedy and Lessons of Vietnam), ông Fraser đặc biệt
chú tâm đến cung cách đối xử của Hoa Kỳ đối với nguyên thủ quốc gia miền Nam Việt
Nam Ngô Đình Diệm [4].
Ông McNamara kể chi tiết về cuộc đảo chánh và ám sát
ông Ngô Đình Diệm mà vào thời điểm đó chỉ là tin đồn là có bàn tay của Hoa Kỳ
hoặc CIA nhúng vào. Ám sát là ý kiến của nhân viên Nhà Trắng. Khi quyết định xảy
ra, cả ông McNamara và Ngoại trưởng Hoa Kỳ Dean Rusk không có mặt ở Nhà Trắng.
Có gợi ý cho rằng Tổng thống John F Kennedy đưa ra quyết định này ở sân chơi
golf. Quyết định này của Tổng Thống Kennedy không tham khảo ý kiến của Rusk hay
McNamara. Mật tin được truyền đi qua Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam và mật vụ CIA tại
Sài Gòn. Đại sứ Hoa Kỳ Henry Cabot Lodge sau khi nhận mật tin, đi tìm một số tướng
Việt Nam được ủy quyền lật đổ ông Diệm. Ông Diệm và ông Nhu bị ám sát. Ông Đại
sứ ngạc nhiên vì Hoa Kỳ chỉ muốn ông Diệm bị lật đổ, không phải bị giết như thế!
Ông Đại sứ được phe đảo chánh cho hay rằng ông Diệm phải bị giết đi vì ông là
người duy nhất có được sự ủng hộ đáng kể tại Việt Nam. Sau cuộc đảo chánh, ông
McNamara đặt câu hỏi “Có ai đủ khả năng/tốt hơn để thay thế ông Diệm?”
Những ai đã đọc hồi ký của McNamara, kể cả những người
từng là tướng lãnh và lãnh đạo chính trị Việt Nam Cộng Hòa thời đó, có thấy điều
gì bất ổn với sự kiện kể trên? Riêng ông Fraser cảm thấy cung cách hành xử của
Hoa Kỳ hoàn toàn sai trái. Thứ nhất, McNamara qua cuốn hồi ký không hề phê bình
tính cách Hoa Kỳ loại bỏ ông Diệm. Theo ông Fraser thì ông Diệm là người đứng đầu
chính phủ và là nguyên thủ của một quốc gia mà Hoa Kỳ đang là đồng minh. Quyết
định loại bỏ một đồng minh trong hoàn cảnh như thế là cực kỳ bất thường. Nó chỉ
chứng tỏ tính độc đoán loại bỏ tất cả các quyền lợi khác ngoài mình. Thứ hai, một
nước mà có thể thực hiện những hành động như thế, qua sự nhận thức về các sự kiện
mang tính hệ trọng và bao quát như thế, là điều làm cho ông Fraser ngờ vực về
khả năng và quyền lực của Hoa Kỳ.
Nhìn lại lịch sử cận đại và hiện đại Việt Nam, Nguyễn
Ánh đánh bại nhà Nguyễn Tây Sơn để thống nhất đất nước để rồi sáu thập niên sau
lại mất độc lập. Nhưng lần này thì không phải Bắc thuộc mà là Tây thuộc, gần một
trăm năm. Nguyên do chính yếu là vì giới lãnh đạo Việt Nam cực kỳ bảo thủ, giáo
điều, tư tưởng lệ thuộc phương Bắc một cách vô thức, nên không hề đặt nặng cải
cách, canh tân. Không cách tân thì tụt hậu, nghèo túng, thua kém, rồi không có
sức mạnh để đối phó với nạn ngoại xâm luôn chờ chực nước nhà. Và một khi đã mất
độc lập thì làm sao canh tân!?
Quan sát tình hình Việt Nam hơn 200 năm qua, đặc biệt
là ngày hôm nay, tất cả những vấn đề nhức nhối, những thử thách lớn lao vẫn còn
đó. Nó còn có dấu hiệu trầm trọng hơn, nhất là thảm hoạ của môi trường sống.
Không có môi trường sống lành mạnh ổn vững thì mọi kế hoạch cho tương lai sẽ bất
định.
Ngay vào thời điểm lãnh đạo miền Bắc âm mưu xâm chiếm
miền Nam, lãnh đạo miền Nam đã có tầm nhìn và kế hoạch dài hạn vì quyền lợi của
đất nước.
Trên 200 trang trong “Chính Đề Việt Nam”, Tùng Phong
Ngô Đình Nhu đã biện luận sâu sắc về những vấn đề quan yếu đối diện với Việt
Nam trong thời đại của mình. Một, canh tân đất nước để phát triển, nhưng phải
biết “trụ mà không trụ”, để bảo đảm sự phát triển không ngừng. Hai, để có được
sự phát triển đó, vị trí trụ vào phải là vị trí dân tộc, chứ không phải vào lý
thuyết Cộng Sản, và không phải dựa vào vị trí của Trung Cộng hay các thế lực
ngoại bang nào. Ba, mối đe dọa triền miên của dân tộc Việt Nam, từ xưa đến nay,
là Trung Quốc/Cộng [5].
Mối quốc nguy mà thế hệ ông Nhu đã quan tâm thời đó
cũng là điều mà lãnh đạo quốc gia trước thời bà Trưng bà Triệu mãi cho đến hôm
nay đều quan tâm.
Nên nhớ thời ông Ngô Đình Diệm, dân số Trung Cộng chỉ
là 800 triệu. Sự bành trướng của Trung Cộng, cho dầu ở mức ôn hoà nhất, như nhu
cầu dân sinh thôi, đã là khủng khiếp rồi. Sau gần 60 năm, dân số đã tăng lên gần
600 triệu dân nữa. Giới lãnh đạo Trung Cộng ngày nay có những toan tính thâm độc
hơn, với tham vọng xâm chiếm toàn Biển Đông và trở thành cường quốc số một với
quân đội hùng mạnh hơn cả Hoa Kỳ, thì Trung Cộng lại càng là mối đe doạ tối
nguy và thường trực của Việt Nam hơn nữa. Các viện Khổng Tử mà Trung Cộng đã ra
công xây dựng trong nhiều năm qua trên khắp thế giới và bàn tay nối dài của
Trung Cộng để gây ảnh hưởng lên cộng đồng người Hoa ở khắp nơi, hay các nỗ lực
xâm nhập tạo ảnh hưởng lên các sinh hoạt chính trị dòng chính, hay các chính
sách ngoại giao của các nước sở tại, như Úc, chẳng hạn, cho thấy giấc mộng
Trung Hoa quả là ác mộng Việt Nam.
Ông Ngô Đình Nhu đã nhận định rất rõ bài toán và giải
pháp của Việt Nam thời đó, và đã kêu gọi lãnh đạo miền Bắc hãy kịp thời nhìn ra
được nhu cầu tiến hoá của dân tộc để không trụ đóng vào phương tiện cộng sản nữa,
nhất là vào phía Trung Cộng.
Lãnh đạo miền Bắc, tất nhiên, hoàn toàn không chia sẻ
quan điểm của ông Nhu.
Lãnh đạo Hoa Kỳ, và phần lớn tướng lãnh của Việt Nam
Cộng Hoà, cũng không chia sẻ các quan điểm này.
Tất cả đều muốn biểu dương sức mạnh bắp thịt, xem ai
mạnh hơn, to gan hơn.
Kết quả là hai ông Diệm và ông Nhu bị sát hại.
Vài
lời kết
Lãnh đạo cộng sản tự bản chất không hề đề cao vai
trò trí tuệ trong việc trị nước hay giữ nước. Họ đã từng đề cao “hồng hơn
chuyên”, “yêu nước là yêu xã hội chủ nghĩa” v.v... Qua các hành động của họ từ
xưa đến nay, họ muốn người dân và đảng viên trung thành với đảng hơn với nước.
Họ tiếp tục dùng thành quả chiến tranh để đề cao hoặc bảo vệ tính chính nghĩa của
họ bấy lâu nay. Họ không chỉ say sưa trong chiến thắng mà còn sử dụng nó để biện
minh cho tất cả tội ác của họ trong chiến tranh và về sau, từ Mậu Thân cho đến
Đại Lộ Kinh Hoàng cho đến tù cải tạo khắp nước khi chiến tranh chấm dứt. Kết quả
của những chính sách vô cùng sai lầm này đã làm kiệt quệ sức sống của dân tộc,
làm thui chột các thế hệ trẻ lẽ ra là rường cột nước nhà, và làm mất đi bao
nhiêu cơ hội để xây dựng lại con người và đất nước.
Trong khi đó, vấn đề cấp bách ngày hôm nay, cũng như
của hai thế kỷ qua, là sự phát triển bền vững của Việt Nam trước hiểm họa ngày
càng to lớn của Trung Quốc. Không phải phát triển kinh tế bằng mọi giá, mà là
phát triển bền vững, trong đó môi trường xã hội và con người là yếu tố then chốt.
Một khi người dân Việt Nam có được tư duy đúng đắn và tích cực thì cái gì cũng
làm được cả, và đó mới là sức mạnh thật sự. Sự thành công của người Việt trên
khắp thế giới về mặt trí tuệ và chuyên môn cho thấy khả năng và sức mạnh thật sự
của dân tộc mình. Nếu có những lãnh đạo quốc gia tài giỏi và đức độ để huy động
và khai dụng tiềm năng dân tộc cho quyền lợi quốc gia và quốc dân thì con đường
phát triển đất nước sẽ thênh thang.
Để xây dựng cái mới, chúng ta phải can đảm dứt khoát
đoạn tuyệt cái cũ. Phải can đảm nhìn ra cái dở cái sai cái hư cái thối của
mình. Đừng tự mê và tự sướng với những cái quá lỗi thời, hủ lậu, thuộc viện bảo
tàng, nhất là mặt tư tưởng. Nỗ lực nghiên cứu những giá trị văn minh nhân bản của
các quốc gia tiên tiến hàng đầu có thể là bước đầu cho một sự thay đổi bền vững
và cần thiết cho đất nước và dân tộc Việt Nam hôm nay.
Nhưng điều căn bản và quan trọng trước tiên là phải
tìm hiểu lịch sử để học hỏi, rút tỉa kinh nghiệm. Muốn học hỏi rốt ráo thì phải
từ bỏ lối suy nghĩ một chiều, độc tôn độc đoán, và biết tôn trọng sự thật, không
bóp méo nó. Tôn thờ sự thật và nỗ lực đi tìm nó sẽ giúp con người tránh lập lại
những đau thương mất mát từ sự thiển cận, thù hận, tham lam, dối trá và hèn hạ
mà quyền lực tạo ra.
Qua bao nhiêu bài học lịch sử như thế, điều đáng nói
là nhóm lãnh đạo Việt Nam hôm nay vẫn trụ đóng vào Trung Cộng. Tổ quốc dân tộc
chẳng là gì cả đối với họ. Quyền lực và quyền lợi là tất cả ngày hôm nay, trên
mọi thứ.
(Úc Châu, 01/11/2017)
---------------------------------------
Tài
liệu tham khảo:
1. Nguyễn Tiến Hưng, “Viết về bộ phim The Vietnam
War”, Người Việt, 27/09/2017.
2. Jeff Stein, “Vietnam War: New Ken Burns
Documentary Dismisses The Origins Of The Futile, Disastrous Conflict”, tạp chí
Newsweek, 9/17/2017.
3. Phạm Văn Lưu, “Lịch Sử Chính Trị Cận Đại Việt Nam
- Quyển I: Ngô Đình Diệm và Bang Giao Việt Mỹ 1954-1963”, Centre For Vietnamese
Studies, 2016.
4. Malcolm Fraser, “Common Ground”, Viking, 2002,
trang 95 đến 97.
5. Tùng Phong – Ngô Đình Nhu, “Chính Đề Việt Nam”,
Sài Gòn, Nhà Xuất Bản Đồng Nai, 1964.
No comments:
Post a Comment