Monday, November 6, 2017

BẢN TIN NGÀY THỨ HAI 6/11/2017 (Báo Tiếng Dân)





Tin trong nước

Biển Đông
Trang Dự án Đại Sự Ký Biển Đông có bài: TS Nguyễn Hồng Thao Nói về Lập Trường của Việt Nam đối với Các Vấn Đề trên Biển Đông. “TS. Nguyễn Hồng Thao cho rằng Việt Nam đã hành xử phù hợp với Công ước Luật Biển khi xem xét đến quy chế không một thực thể địa lý nào ở Trường Sa tạo ra vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa riêng. Một ví dụ ông dẫn ra là đệ trình chung Malaysia – Việt Nam về ranh giới thềm lục địa mở rộng tới Uỷ ban Ranh giới thềm lục địa của Liên Hợp Quốc vào tháng 5/2009 trong đó hai bên đã không cho các đảo ở Trường Sa một thềm lục địa riêng“.

Quan hệ Việt – Trung
Facebooker Nguyễn Trung Thuần dẫn tin từ Nhân Dân Nhật báo Trung Quốc, cho biết, tuyến Đường sắt Cát Linh – Hà Đông nằm trong sáng kiến ‘Một vành đai, Một con đường’ (Nhất đái nhất lộ) của Trung Quốc. Bài của Nhân Dân Nhật báo đưa tin nhân sự kiện ga La Khê – Hà Đông ra mắt vào ngày 20/5/2017: “Nhất đái nhất lộ Hai bên cùng có lợi: Nhà ga mẫu đường sắt thành phố ‘Made in China’ ra mắt tại Việt Nam“. Tiếc là giờ đang “đắp chiếu” vì Trung Quốc không giải ngân vốn.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Báo Sputnik của đồng chí “lái súng” Putin có bài: Chuyến thăm Việt Nam của ông Tập Cận Bình có ý nghĩa quan trọng. Bài báo viết: “Rõ ràng, giữa hai đảng cộng sản và hai nhà nước xã hội chủ nghĩa có nhiều điểm tương đồng, có điều kiện thực hiện nhiều dự án chung, cùng có lợi phát triển mối quan hệ tốt đẹp láng giềng. Có thể nhớ lại rằng Tổng Bí thư đảng CS Việt Nam Nguyễn Phú Trọng là người đã tạo sự khởi đầu cho những dự án này khi ông thăm chính thức Trung Quốc vào tháng Một năm nay“.
Bài viết cho rằng: “Tất nhiên, khó có giải pháp đơn giản cho tình hình ở Biển Đông, đặc biệt khi tồn tại những thế lực muốn can thiệp vào tranh chấp, nhưng hy vọng quyết tâm của các bên sẽ không để vấn đề bất đồng thêm trầm trọng.

Đài Tàu CRI có bài: Bộ Ngoại giao Trung Quốc tổ chức buổi họp báo về việc Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình tham dự Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ 25 và thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam, Lào. Ông Trần Hiểu Đông, trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc cho biết, ông Tập sẽ trao đổi với các lãnh đạo chóp bu Việt Nam để thảo luận về việc “bố trí và quy hoạch toàn diện đường lối đi lên phía trước của quan hệ hai nước trong thời kỳ mới“.


Quan hệ Việt – Mỹ
VnExpress có bài: Tân Đại sứ Mỹ Daniel Kritenbrink tới Hà Nội. Hôm 4/11, tân Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink đã đặt chân xuống sân bay quốc tế Nội Bài. Tại đây, ông cho biết, “vô cùng vinh dự khi trở lại Việt Nam lần thứ tư với tư cách đại sứ Mỹ“. Được biết, ông Kritenbrink sẽ trình Quốc thư tới Chủ tịch nước Trần Đại Quang vào ngày 7/11, trước khi bắt đầu công việc trong thời gian ông Trump tói Việt Nam.

Tân Đại sứ Mỹ, ông Daniel Kritenbrink. Nguồn: internet

Còn trên trang Facebook Ambassador Ted Osius, ông Daniel Kritenbrink cho biết: “Tôi mong đợi hợp tác với các bạn để làm cho quan hệ đối tác của chúng ta phát triển thêm mạnh mẽ”.

VOA đưa tin: Quan chức Mỹ: ‘Việt Nam là đối tác xuất sắc’. Một quan chức cao cấp nói trong buổi cung cấp thông tin về chuyến đi của ông Trump hôm 31/10 tại Nhà Trắng: “Chúng tôi nghĩ rằng Việt Nam là một đối tác xuất sắc trong khu vực, và rằng còn có nhiều cơ hội để chúng tôi trao đổi, tìm ra cách thức cùng nhau làm việc cả song phương và cả khu vực nhằm thúc đẩy tăng trưởng khắp khu vực”.

Mời đọc thêm: Tân đại sứ Mỹ đến Hà Nội ngay trước hội nghị APEC (VOA). – Tân Đại sứ Mỹ chuẩn bị trình Quốc thư lên Chủ tịch nước Việt Nam (PLVN). – Đại sứ Ted Osius: Việt Nam luôn có vị trí đặc biệt trong tim tôi (báo QT). – Dân Sài Gòn: Tổng thống Mỹ đến là vinh dự cho người dân (NV). Còn đa số dân Mỹ thì đã quá chán Trump rồi. Theo cuộc thăm dò do báo Washington Post và ABC thực hiện, cho thấy, hầu hết người Mỹ đồng ý với cuộc điều tra Trump – Nga, gần phân nửa số người tham gia cuộc thăm dò cho rằng Trump đã phạm tội.

Hội nghị APEC 2017
TTXVN có bài viết của Chủ tịch nước Trần Đại Quang: Vun đắp cho một tương lai chung trong thế giới chuyển đổi. Bài viết có đoạn: “Việt Nam mong muốn tiếp tục khẳng định chủ trương đa dạng hóa, đa phương hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng, là bạn và đối tác tin cậy của cộng đồng quốc tế, phấn đấu cùng các nền kinh tế thành viên vun đắp cộng đồng châu Á-Thái Bình Dương hòa bình, ổn định, năng động, gắn kết và thịnh vượng“.

Báo Thanh Niên có clip “giải ngố về APEC”: https://www.youtube.com/watch?time_continue=4&v=dCr3dIGS3FU


Về cơn bão số 12
Báo Làng Mới có bài: 58 người chết và mất tích do bão số 12. Theo báo cáo của cơ quan chức năng Việt Nam, tính đến chiều ngày 5/11, bão số 12 đã làm 29 người chết; 29 người mất tích; 626 căn nhà bị sập; 228 tàu cá bị chìm, hư hỏng; nhiều tài sản của người dân bị thiệt hại nặng nề. Việc để xảy ra thiệt hại rất lớn về người và của được cho là các địa phương vẫn chủ quan, chưa có kinh nghiệm ứng phó với bão lớn, công tác dự báo cũng như cứu hộ còn nhiều bất cập.

Tuy nhiên, ông Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai, cho rằng, hậu quả mưa lũ sau bão sẽ còn lớn hơn nhiều. Do vậy, cần phân tích làm rõ những thiệt hại về người là có chủ quan hay không?

Báo SGGP cho biết, đã cứu vớt được 80/99 thủy thủ gặp nạn trên biển Quy Nhơn, Bình Định. Tuy nhiên, rất tiếc là trong đó có 4 người đã tử vong, còn 19 người mất tích trên biển hiện vẫn chưa được tìm thấy.

Đồ họa cơn bão số 12. Hình: Báo TT





Bão chết người, vẫn tổ chức thi hoa hậu
Báo Người Việt có bài: Dù 20 người chết vì bão, cuộc thi hoa hậu ở Nha Trang vẫn diễn ra. Mặc dù cơn bão số 12 hoành hành ở các tỉnh Nam Trung Bộ, làm thiệt mạng hàng chục người, nhưng Việt Nam vẫn tổ chức cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ tại Nha Trang, Khánh Hòa, nơi bị thiệt hại nặng nề nhất về người và tài sản. Điều đáng nói nữa là cuộc thi được VTV truyền hình trực tiếp, thay vì tập trung đưa tin về cơn bão.

Một bạn đọc nêu ý kiến trên báo Zing: “Không thể hiểu nổi tại sao cuộc thi vớ vẩn này lại diễn ra trong lúc dân Nha Trang đang khổ sở vì bão lụt, nhiều nơi bị cô lập, các tuyến đường bị tắc nghẽn vì cây cối, trụ điện đổ, điện thì không có vậy mà vẫn hồn nhiên tổ chức một cuộc thi sắc đẹp…

Trang Phụ Nữ TP có bài: VTV nói gì khi vẫn truyền hình trực tiếp ‘Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2017’ lúc cả nước đau lòng vì bão lũ? VTV thì từ chối trả lời, còn Ban tổ chức thì cho biết: “Chương trình đã được lên kế hoạch trước 1 năm nên phải thực hiện đúng quy định. Đây là cuộc thi cấp quốc gia, ngoài BTC thì khách mời gồm lãnh đạo rất nhiều ban ngành của các địa phương cùng tề tựu về tham dự nên không thể nói hoãn là hoãn được”.


Đặc khu kinh tế
Blog Phương Thơ có bài: Khi quan chức VN mơ sảng “đặc khu kinh tế”. Tác giả cho rằng, Việt Nam đang vẽ ra viễn cảnh ở các đặc khu Phú Quốc, Vân Đồn, Vân Phong là “xuất phát từ cảm hứng ở các khu kinh tế đặc biệt nằm ở Thâm Quyến, Thượng Hải của Trung Quốc đại lục“. Còn ở Việt Nam thì “các đặc khu kinh tế của VN mở ra nó là nơi người ta rửa tiền và lợi ích nhóm kiếm lợi, cộng với quan chức bất tài tham lam, thậm chí là bán rẻ tài nguyên như cho thuê đất cả trăm năm gì đó, hay đầu cơ đất…

Tác giả viết tiếp: “Đặc khu kinh tế của VN là nơi thu hút đầu cơ bơm bong bóng tài sản chứ nó chẳng thể nào gọi là đặc khu cả. Vì cánh tay của đảng là những người thiếu năng lực kinh tế, nhưng hay thò bàn tay áp đặt vào thị trường thì đừng có háo danh đặc khu kinh tế đặc biệt gì ở đây cả. Đó là điều dễ hiểu là hãy nhìn những thành tích của những lãnh đạo của họ trong quá khứ và hiện tại thì thấy rõ cả”.


Nhân quyền ở Việt Nam
Nhà hoạt động Bùi Thị Minh Hằng có clip tố cáo việc bà bị khủng bố, bắt giữ trái luật, cũng như việc công an, an ninh Hà Nội và thị xã Sơn Tây đã cưỡng đoạt tài sản của bà Hằng vào chiều ngày 1-11-2017. Bà Hằng yêu cầu công an Sơn Tây mang tiền trả lại cho bà. Bà nói sẵn sàng khởi kiện việc này ra tòa :

Báo VnExpress có bài: 34 loại tội phạm mới sẽ bị trừng phạt từ ngày 1/1/2018. Trong đó Điều 167: Xâm phạm quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, quyền biểu tình của công dân, quy định:

Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc thủ đoạn khác cản trở công dân thực hiện quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, quyền biểu tình của công dân, đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm. Mức phạt cao nhất năm năm tù áp dụng cho tội phạm có tổ chức, lợi dụng chức vụ, quyền hạn, gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội… Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ 1-5 năm“.


Về dự thảo luật An ninh mạng
Báo NLĐ có bài: NÓI THẲNG: Nếu Facebook, Google… tạm biệt chúng ta. Đi ngược lại thế giới văn minh, định tước đoạt quyền lợi của người dân trong nước nên lần này Công an Việt Nam câm miệng không dám nói là “cho phù hợp thông lệ quốc tế” nữa.

Lãnh đạo xứ này có được bao nhiêu người dám công khai dùng mạng xã hội, ngoại trừ một vài vị như Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng 4T Trương Minh Tuấn…, còn Fanpage Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thì chỉ để làm cảnh, có khi hai tháng mới có được status, dẫn lại từ báo trong nước, thật hổ thẹn khi so sánh với Facebook của Thủ tướng Campuchia Hun Sen.

Thống kê đến hết năm 2016 cho thấy, có tới gần 40 triệu người Việt Nam sử dụng internet, trong số này có 50% sử dụng mạng xã hội Facebook, Youtube. Trong khi trang go.vn được cho là mạng xã hội số 1 Việt Nam thì im như thóc.

Báo Dân Việt có bài: Dự thảo Luật An ninh mạng: Rào cản với nền kinh tế số (DV). Ông Adam Sitkoff, Giám đốc Điều hành, Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Hà Nội, cho rằng, “những quy định tại Dự thảo Luật an ninh mạng có thể cản trở sự phát triển của nền kinh tế kỹ thuật số tại Việt Nam… Ngoài ra, dự thảo Luật có nguy cơ trở thành rào cản đối với nền kinh tế kỹ thuật số tại Việt Nam. Bởi sự thiếu rõ ràng trong quy định và gánh nặng trách nhiệm mà các doanh nghiệp sẽ phải thực hiện có thể cản trở tính sáng tạo, đổi mới trong hoạt động cung cấp dịch vụ Internet“.

Facebooker Phạm Ngọc Hưng viết: “Dự thảo luật an ninh mạng giống luật TQ cho thấy điểm chung của 2 chế độ: sự thủ thế trước các giá trị tự do từ bên ngoài. Một mặt khác, Việt Nam lại chung tuyến với thế giới chống lại quyền lợi của TQ trên biển, cần bên ngoài để củng cố vị thế của mình. Hai lằn ranh thù-bạn ấy đặt chính quyền vào vị thế mong manh: liên minh TQ trong an ninh đối nội, và liên minh với Mỹ – Nhật chống TQ bành trướng”.

Vạn Lý Hỏa Thành của TQ. Nguồn: internet

Sổ hộ khẩu: Bao giờ bỏ?
BBC có bài: ‘Phải mất thêm một thời gian mới bỏ hộ khẩu trên thực tế’. Luật sư Phùng Thanh Sơn, Giám đốc công ty Luật Thế Giới Luật Pháp, cho biết: “Trên cơ sở Nghị quyết của Chính phủ, các bộ ngành sẽ đề xuất sửa đổi luật, nghị định và ban hành thông tư hướng dẫn… nhằm đáp ứng các yêu cầu, mục tiêu mà Nghị quyết đề ra. Để Nghị quyết 112 này được thực thi trên thực tế, tôi nghĩ phải mất thêm một thời gian nữa“.

Báo VN Finance có bài: Khi nào chính thức bỏ sổ hộ khẩu, chứng minh nhân dân? Một vị đại diện Cục Cảnh sát đăng ký, quản lý cư trú và dữ liệu quốc gia về dân cư, Bộ Công an, cho biết, việc bỏ sổ hộ khẩu tại thời điểm hiện tại là “chưa thể được”. Lý do là vì “Chúng ta chỉ có thể bỏ sau khi đã xây dựng xong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư”.

Có vẻ như báo Tiền Phong vui mừng quá sớm khi cho rằng đã đến thời điểm “Vĩnh biệt” hộ khẩu. Trong khi ông Trần Hồng Phú, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát đăng ký quản lý cư trú và dữ liệu quốc gia về dân cư cho biết: Thông tin “từ đầu năm 2019 xóa bỏ sổ hộ khẩu” là chưa chính xác. Theo vị đại diện Bộ Công an, việc bỏ sổ hộ khẩu cần phải có “lộ trình”, và ít nhất cũng phải đến năm 2020 may ra mới thực hiện được.

LS Lê Văn Luân viết: “Khi tháo bỏ quá nhiều gông cùm trói buộc vào thân thể con người, từ việc tháo bỏ những áp đặt và trói buộc tư tưởng và trí tuệ, chúng ta mới mong có thể có một cơ thể đủ nhẹ để bay cao lên được khỏi mặt đất”.

Theo nhà hoạt động Dương Đại Triều Lâm: “Việc bỏ sổ hộ khẩu sẽ loại bỏ sự bất đình đẳng, phân biệt đối xử về quyền lợi giữa người có hộ khẩu thường trú và không có như: Vay vốn, xác lập quyền tài sản, lắp đặt Internet, công tơ điện, nước… Việc này sẽ tạo tiền đề cho sự cống hiến, đóng góp, phát triển của địa phương cũng như của quốc gia“.

Báo Thanh Niên có bài: Vĩnh biệt sổ hộ khẩu. Bài viết có đoạn: “Cuốn sổ hộ khẩu tai ách này nay bị xóa sổ, nhưng có lẽ chúng ta phải lưu lại vài cuốn như một thứ chứng tích về loại công cụ đè nén, kìm hãm xã hội và con người kéo dài suốt bao năm. Cho con cháu đến ngắm và kinh.”

VTV có clip: Bỏ hộ khẩu, chứng minh nhân dân, …


Kẻ “hốt rác”
Báo NLĐ có bài: Tổng Bí thư: Cách mạng Tháng Mười Nga đã làm rung chuyển thế giới. Trong khi tại quê hương của cuộc đảo chính tháng 10 Nga, “thành trì XHCN“, không chỉ có giới chính trị gia Nga mà đa số người Nga thấy nên mai táng thi hài Lê Nin, thì tại Việt Nam, “tiền đồn XHCN“, kẻ cuồng tín lại cùng đồng đảng tổ chức Lễ kỷ niệm 100 năm Cách mạng tháng 10 Nga một cách trọng thể.

Facebooker Chu Mộng Long có bài: Kỉ niệm 100 năm Cách mạng tháng 10 Nga: Nhìn nhận khách quan từ lịch sử. Theo tác giả, “chủ nghĩa tư bản khôn ngoan hơn người cộng sản nhầm tưởng. Nó không giãy chết trong thứ dục vọng vơ vét tài nguyên và bóc lột người một cách man rợ nữa. Nó nhanh chóng ‘tự chuyển hóa’ từ chủ nghĩa tư bản hoang dã thành chủ nghĩa tư bản văn minh. Nó biết mang lợi ích tư bản chia sẻ cho phúc lợi xã hội, biến người lao động từ vô sản thành một phần máu thịt tư bản“.

Tác giả cho rằng: “Xu thế tất yếu của loài người là vươn đến kiến tạo một thế giới văn minh ngay tại cuộc sống trần thế, ở đó người lao động có mọi quyền được hưởng: quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc. Bất cứ nhà nước nào tước đoạt những quyền tối thiểu đó ắt sụp đổ. Nhưng nghiệt ngã thay, trong lúc đam mê quyền lực và đam mê làm giàu, kẻ có quyền không bao giờ nghĩ đến bài học xương máu đó, ngoài hô to khẩu hiệu tự sướng: muôn năm!

Nhà báo Nguyễn Thông viết: “Nói chính xác, nó đã kìm hãm nhân loại suốt trăm năm nay, đã đẩy nhân loại vào sự chia rẽ hai phe, đã gây ra bao nhiêu cuộc chiến tranh, đấu đá, đã chồng chất xương máu của cả trăm triệu sinh mạng ở khắp nơi. Nói đâu xa, chính nước Nga nếu không bị cuộc cách mạng này, có lẽ giờ đây nước Nga chả kém gì những nước phồn vinh cực thịnh hàng đầu thế giới. Chính vì vậy, họ phải xóa sạch, làm lại từ đầu, chỉ có điểu vẫn còn vướng một tay gốc KGB hung hăng độc tài nên chưa bay cao được“.


Tiếng Việt biến tướng
BBC có bài: Tiếng Việt của chúng ta: ‘Nhau’ hay ‘rau’? Tác giả nêu ý kiến: “Về mặt giáo dục, nhà xuất bản Giáo Dục đã vi phạm một nguyên tắc cơ bản của sách giáo khoa là cung cấp cho học sinh phổ thông những kiến thức xác thực, nền tảng. Khi thầy cô giáo phải diễn giảng theo địa phương mình thì tính nhất quán, tính xác thực ổn định của sách giáo khoa phổ thông không còn nữa. Giáo dục nước ta cho phép tuỳ tiện được sao?”

Tin quốc tế

Tình hình châu Á
BBC đưa tin: Trump đến Nhật, bắt đầu chuyến thăm châu Á. Tổng thống Trump đến thăm căn cứ Không quân Hoa Kỳ Yokota ở tây Tokyo vào sáng 5/11. Trước các binh sĩ, ông Trump cảnh báo Bắc Hàn: “Không ai, không nhà độc tài nào, không chế độ nào… nên đánh giá thấp quyết tâm của Mỹ”. RFI dẫn tin từ KCNA của Bắc Hàn, đáp trả“Những lời đe dọa của tổng thống Mỹ là thiếu trách nhiệm và có thể làm cho nước Mỹ bị hạt nhân tiêu diệt”.

Ảnh minh họa. Nguồn: Daily Star

VOA đưa tin: TT Trump ‘để ngỏ’ khả năng gặp Kim Jong Un. Trong chương trình truyền hình “Full Measure” hôm 5/11, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump nói: “Tôi sẽ ngồi xuống với bất kỳ ai. Tôi không nghĩ nó thể hiện sức mạnh hay sự nhu nhược. Tôi nghĩ rằng ngồi xuống với ai đó không phải là điều tồi”.

Phản đối chiến tranh: Người Hàn Quốc phản đối chuyến thăm của ông Trump. VOA cho biết, hôm 5/11 hàng ngàn người Nam Hàn đã biểu tình phản đối chuyến thăm sắp tới của Tổng thống Mỹ Donald Trump. AFP dẫn lời một nhà hoạt động, nói: “Cả Trump và Kim đang sử dụng sự giằng co quân sự hiện thời cho mục đích chính trị của riêng mình, trong khi người dân Hàn Quốc chúng ta run rẩy vì lo sợ chiến tranh”.

VOA có bài: Người Việt và Châu Á nghĩ gì về Tổng thống Trump? Dẫn nguồn Reuters, giáo viên Trung Quốc, Luo Min, 32 tuổi, nói: “Tôi nghĩ rằng ông Trump sẽ thấy Trung Quốc hiện nay ra sao, con người cũng như các cảnh đẹp của Trung Quốc. Ông ấy có thể nghĩ rằng ông ấy có thể làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại, nhưng Trung Quốc sẽ trở nên vĩ đại hơn Mỹ trong tương lai”.

RFI có bài: Người dân Nhật Bản cần Mỹ nhưng ít tin cậy Donald Trump. Theo một kết quả thăm dò ý kiến, 3/4 số người được hỏi tỏ ra không tin tưởng vào tổng thống Mỹ. Một phụ nữ tên Sana cho biết: “Trump không tạo được hình ảnh tốt tại nước Nhật do những lời tuyên bố cực đoan và đường lối chính sách quá ư đơn giản. Trump ưu tiên lo cho quyền lợi riêng nhiều hơn”. – Tổng thống Trump tới Nhật, sát cánh cùng đồng minh (VOA).

Tin nước Mỹ
RFI có bài: Mỹ giải mật những ghi chép của FBI « lên án thậm tệ » Martin Luther King. Một báo cáo của FBI trong số hồ sơ giải mật về vụ ám sát cố tổng thống John Kennedy, “mô tả mục sư như là một người trung thành với Mác-xít, có nghiên cứu về chủ nghĩa Mác, tin tưởng Mác, nhưng bởi vì ông là mục sư nên không thể công khai bày tỏ những ý tưởng của mình”.

Lại thêm một vụ xả súng: Mỹ: Xả súng ở Texas, nhiều thương vong. VOA cho biết, kẻ sát nhân đã bước vào nhà thờ First Baptist Church ở Sutherland Springs, cách San Antonio 65 km về phía đông, rồi xả súng. Theo AFP, một số cơ quan truyền thông của Mỹ, cho biết, “con số người thiệt mạng lên tới 27”.

BBC có bài: Bush cha gọi Trump là ‘kẻ khoác lác’ và bầu cho Clinton. Trích từ một cuốn sách mới mang tên ‘The Last Republicans’ (Những tổng thống cộng hòa cuối cùng), cựu tổng thống Hoa Kỳ George Bush Sr (hay Bush cha) xác nhận, ông đã bỏ phiếu cho ứng viên đảng Dân chủ Hillary Clinton trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2016, và gọi Donald Trump là một “gã khoác lác”.

Trong khi đó con trai của ông Bush cha, ông George W. Bush, tỏ ra lo lắng khi nói: “Tôi sẽ là tổng thống đảng Cộng hòa cuối cùng”.

Châu Âu
Khủng hoảng Catalonia: Ông Puigdemont ra đầu thú cảnh sát Bỉ. BBC đưa tin: “Lãnh đạo bị phế truất của vùng Catalonia, Carles Puigdemont và 4 cựu cố vấn của ông, đã ra đầu thú cảnh sát Bỉ”.

RFI có bài: Bầu cử tại Catalunya: Phe đòi độc lập tìm kiếm chiến lược. Dẫn nguồn AFP cho biết, các đảng chính trị chủ trương độc lập độc đang cố gắng thành lập liên minh để tham gia cuộc bầu cử vào ngày 21/12/2017.

Trung Đông
Khủng bố tại trại tị nạn: Syria: Daech tấn công một trại tị nạn, hàng chục người chết. RFI dẫn nguồn đài Quan Sát Nhân Quyền Syria, cho biết, “tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo đã tiến hành một vụ khủng bố tại một trại tị nạn Syria, tỉnh Deir Ezzor, làm nhất 75 người chết, và hàng chục người bị thương”.

Diệt tham nhũng hay thanh trừng? Ả Rập Xê Út: Bài trừ tham nhũng ở thượng tầng lãnh đạo. RFI đưa tin, vài giờ sau khi ủy ban chống tham nhũng được thành lập, hàng chục quan chức có thế lực bị tống giam, bao gồm 11 hoàng tử, 4 bộ trưởng đang tại chức và nhiều chục cựu bộ trưởng.

--------------------------------------------------

Bài Mới Nhất
06/11/2017
06/11/2017
06/11/2017
06/11/2017
06/11/2017
06/11/2017
05/11/2017
05/11/2017
05/11/2017
05/11/2017









No comments:

Post a Comment