Saturday, November 11, 2017

BẢN TIN NGÀY THỨ BẢY 11/11/2017 (Báo Tiếng Dân)





Tin trong nước

Tin Biển Đông
RFA có bài: Chủ tịch Tập Cận Bình kêu gọi Việt Nam cùng giải quyết tranh chấp Biển Đông. Bài viết của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trên báo Nhân Dân của Đảng Cộng Sản Việt Nam hôm 10/11 có đoạn: “Chúng ta cần xuất phát từ đại cục cải cách, phát triển, ổn định của mỗi nước và hữu nghị Trung – Việt, kiểm soát các mâu thuẫn và bất đồng, kiên trì hiệp thương hữu nghị, tìm kiếm giải pháp cơ bản và lâu dài cho vấn đề trên biển mà hai bên đều có thể chấp nhận được”.

Trang Sputnik có bài: Vấn đề Biển Đông đang được giải quyết mà không cần Mỹ. Ông Shen Shishun, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu vùng Nam Thái Bình Dương, thuộc Viện nghiên cứu quốc tế Trung Quốc, nói:

Trung Quốc giữ lập trường rõ ràng và nhất quán: vấn đề Biển Đông với Việt Nam phải được giải quyết song phương. Trên thực tế, đây là một phương pháp hiệu quả. Sự tham gia của các nước nằm ngoài khu vực Biển Đông chỉ có thể làm phức tạp thêm vấn đề. Họ có những lợi ích khác, vì vậy họ có cách tiếp cận khác để giải quyết vấn đề, cách tiếp cận của họ là không công bằng, hơn nữa, nó tạo ra những mâu thuẫn“.


Quan hệ Việt – Trung
VOA có bài: Trước thềm APEC, Việt-Trung ký hợp đồng tổng cộng tỷ đô. Bộ Thương mại Trung Quốc và Bộ Công thương Việt Nam ngày 8/11 đã tổ chức lễ ký kết các dự án hợp tác thương mại song phương trị giá tổng cộng 1,94 tỷ đô la. Còn truyền thông nhà nước Trung Quốc nói “Bắc Kinh sẵn sàng bắt tay với Việt Nam duy trì tinh thần Con đường Tơ lụa hợp tác và hòa bình“.


Anh Tuấn viết: “Đây là lần thứ 3 tôi nêu vấn đề chậm trễ tiến độ của công trình Bảo tàng Hoàng Sa ở Đà Nẵng. Thực tình không thể nào hiểu nổi một công trình mà chính lãnh đạo thành phố trong lễ khởi công đã tuyên bố là có ‘ý nghĩa chính trị đặc biệt’, ‘góp phần nâng cao ý thức người dân về chủ quyền quốc gia’, ‘tố cáo luận điệu sai trái của Trung Quốc’ lại chậm tiến độ hơn 1 năm: Dự kiến khánh thành vào quý III năm 2016, mà giờ đã là quý IV năm 2017 vẫn chưa thể đi vào hoạt động

Nếu không có lời giải thích thỏa đáng nào từ phía chính quyền, rất khó để người dân chúng tôi không nghi vấn rằng, chính vì chuyến đi của Tập Cận Bình – Chủ tịch nước kiêm Tổng Tư lệnh Quân đội Trung Quốc – đến Đà Nẵng dự APEC trong những ngày tháng 11 này mà công trình phải bị trì hoãn tiến độ, để tránh làm phật ý họ Tập?

Quan hệ Việt – Mỹ
RFI có bài tìm hiểu về mối quan hệ Việt – Mỹ: Việt Nam có nhận được hậu thuẫn của Donald Trump? Theo nhận định của ông Michael Mazza, một nhà nghiên cứu của Viện Doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Washington và là chuyên gia về chính sách quốc phòng châu Á-Thái Bình Dương: “Một mối quan hệ song phương vững chắc có tiềm năng làm tăng thêm thịnh vượng cho cả hai nước, tạo điều kiện cho Mỹ lan rộng trong vùng, ngăn chặn hành vi xấu của Trung Quốc, và, nói chung, hình thành một Đông Nam Á và rộng hơn khu vực châu Á-Thái Bình Dương dẫn tới lợi ích của Mỹ”.

VOA có bài: TT Trump chuẩn bị tới Việt Nam, gặp gỡ cựu chiến binh Mỹ. Hôm thứ Sáu, TT Trump đã rời Trung Quốc sang Việt Nam. Phái bộ Mỹ xác nhận với VOA, ông Trump sẽ có cuộc gặp gỡ với các cựu chiến binh Mỹ ở Đà Nẵng nhân nhân Ngày Cựu Chiến binh của Mỹ 11 tháng 11. Cuộc gặp sẽ diễn ra ở một khách sạn và mang tính chất riêng tư.

Mời xem clip dân Đà Nẵng đón Tổng thống Trump:


Hội nghị APEC 2017
VOA có bài: APEC Việt Nam 2017: Những điều cần biết. Kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế ở California, nhận định: “Để diễn đàn APEC không chỉ là một ‘talk-show’ mà là một hạt giống mang trái ngọt đến cho Việt Nam, Hà Nội cần chú ý đến những ‘hạ tầng cơ sở’ từ thực thể cho tới phi thực thể như luật lệ và sự minh bạch hóa thông tin, vốn là những yếu tố ảnh hưởng tới uy tín của Việt Nam lâu nay”.

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump có bài phát biểu tại Hội nghị APEC. Mở đầu là lời chia sẻ với người dân VN về cơn bão Damrey, ngay sau đó ông Trump bắt đầu nổ về “thành tích” của ông ta, rằng kinh tế tăng trưởng 3,2%, rằng thất nghiệp thấp nhất trong 17 năm, rằng thị trường chứng khoán cao kỷ lục, rằng cả thế giới được nâng lên bởi sự hồi phục của nước Mỹ (the whole world is lifted by America’s renewal), mà cư dân mạng gọi là bài phát biểu nổ – Explosive Speech.

Nhưng ông Trump cũng có những lời khích lệ người dân Việt Nam khi ca ngợi dũng khí Hai Bà Trưng trong bài diễn văn này. “Vào khoảng năm 40 sau công nguyên, Hai Bà Trưng đã tiên chinh đánh thức tinh thần dân tộc của người dân trên mảnh đất này. Đó là lần đầu tiên người Việt Nam đứng lên vì nền độc lập và niềm tự hào dân tộc“.
Kết thúc bài phát biểu, ông Trump nói: “Cuối cùng, chúng ta đừng quên rằng, trên thế giới có rất nhiều nơi chốn, nhiều ước mơ và nhiều con đường. Nhưng, trên khắp thế giới sẽ chẳng nơi nào giống như nhà mình. Chính vì thế, vì gia đình, vì quốc gia, vì tự do, vì lịch sử và vinh danh Chúa, hãy bảo vệ ngôi nhà của chúng ta và hãy yêu quý ngôi nhà của chúng ta ngày hôm nay và cho muôn đời sau“.

Trump là người chống dân nhập cư, không muốn dân nước khác vào Mỹ, dù Mỹ là đất nước của dân nhập cư. Phát biểu trên, có lẽ Trump muốn kêu gọi mọi người hãy trở về ngôi nhà của mình, đừng có chạy qua Mỹ hay nước khác định cư vì không đâu bằng nhà của mình. Ý trên của Trump cũng là để Mỹ dọn đường trục xuất gần 9.000 người gốc Việt ở Mỹ.

Full Thuyết minh Tiếng Việt Bài Phát Biểu Của Tổng Thống Donald Trump Tại APEC 2017

Mời đọc toàn văn phát biểu của Tổng thống Mỹ Donald Trump tại CEO Summit của VOV. Có nhiều đoạn dịch không chính xác, xin mời đọc nguyên văn tiếng Anh của bài này, đăng trên website tòa Bạch Ốc.

Đến Việt Nam, TT Trump phát đi một thông điệp thương mại không khoan nhượng cho châu Á. VOA dẫn lời Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump tại hội nghị thượng đỉnh CEO Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) tại Trung tâm Hội nghị Aryana ở Đà Nẵng, nói: “Từ hôm nay trở đi, chúng ta sẽ cạnh tranh trên cơ sở bình đẳng và công bằng. Chúng tôi sẽ không để cho Hoa Kỳ bị lợi dụng nữa”.

BBC có bài điểm báo: Báo Anh nói gì về APEC 2017 và Trump? Nhật báo Anh, The Guardian viết: “Donald Trump đột ngột chấm dứt ‘đường lối ngoại giao’ mà ông đã thể hiện trong chuyến đi vòng quanh châu Á 12 ngày bằng cách tung ra một bài diễn văn chống lại hành động ‘vi phạm, gian lận hoặc gây hấn kinh tế’ trong khu vực, chỉ vài giờ sau khi đã khen ngợi Trung Quốc”.

RFI đưa tin: Tổng thống Trump: Châu Á không thể là con tin của hạt nhân Bắc Triều Tiên. Phát biểu tại Hội Nghị Thượng Đỉnh Doanh Nghiệp APEC tại Đà Nẵng, tổng thống Hoa Kỳ tuyên bố: Tương lai của châu Á không thể bị “một nhà độc tài dùng lá bài nguyên tử bắt làm con tin”.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng có bài phát biểu tại APEC, trong đó có bốn lần ông ta nhắc tới cụm từ “hòa bình”, mặc dù ông ta hành xử rất hiếu chiến, nhất là trên Biển Đông, như cho tàu hải giám TQ truy đuổi, cướp bóc, đánh đập ngư dân Việt Nam.

Đoạn kết sau đây, ông ta nhắc tới cụm từ “hòa bình” ba lần: “Trung Quốc luôn coi trọng hòa bình và coi đây là giá trị quan trọng nhất. Chúng tôi cam kết tạo ra sự phát triển hòa bình ổn định ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương, tạo ra khuôn khổ hợp tác quốc tế bình đẳng, cùng có lợi. Người dân trong khu vực cần được luôn luôn sống trong môi trường hòa bình ổn định. Chúng ta cần sự hợp tác, hành động hiệu quả để tạo ra tương lai tốt đẹp hơn cho khu vực chúng ta“.

RFI có bài: APEC: Tập Cận Bình bảo vệ toàn cầu hóa. Trong một bài diễn văn ngắn ngủi tại Hội Nghị Thượng Đỉnh Doanh Nghiệp APEC, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh: “Toàn cầu hóa là một ‘xu thế lịch sử không thể đảo ngược’.”

Trump nhường vị thế lãnh đạo thế giới cho Tập: APEC trước hai chiến lược thương mại đối kháng Mỹ-Trung. RFI dẫn một bài bình luận trên New York Times, cho biết, ông Tony Blinken, cựu trợ lý ngoại trưởng Mỹ thời tổng thống Barack Obama than phiền: “Donald Trump đã nhượng vai trò lãnh đạo thế giới cho Tập Cận Bình. Trong khi ‘Trump chạy trốn chủ nghĩa đa phương và vai trò lãnh đạo thế giới thì Tập càng ngày càng nắm lấy thời cơ’.”

VOA có clip: Phu nhân Melania Trump bận việc gì, không đi thăm Việt Nam? “Trong khi Tổng thống Donald Trump sang Việt Nam họp APEC, Đệ nhất Phu Nhân Hoa Kỳ Melanie Trump đã ở lại Trung Quốc để du ngoạn. Cựu người mẫu 47 tuổi này đã ghé thăm chú gấu trúc Gu Gu ở Vườn thú Bắc Kinh, rồi sau đó đi tham quan Vạn lý Trường thành trong khoảng một tiếng“.

10 THÁNG 11, 2017

Báo Tuổi Trẻ có bài: Chủ tịch nước dẫn ‘anh em bốn bể là nhà’ tại tiệc chiêu đãi APEC. Chủ tịch nước nói: “Ca dao Việt Nam có câu ‘Anh em bốn bể là nhà’. Nhưng còn hơn thế nữa, cùng sống bên hai bờ Thái Bình Dương, suốt hàng chục năm qua, chúng ta may mắn được chia sẻ trái ngọt của hòa bình, hợp tác và phát triển ở khu vực“.


Báo Người Việt có clip phỏng vấn người dân Đà Nẵng nhân dịp thành phố này tổ chức APEC:


Về TPP-11
TS Nguyễn Đức Thành cho rằng: “Hẳn là phải rất nên thận trọng với TPP-11. Việt Nam có thể lợi bất cập hại. Cơm áo của dân tộc không chơi theo kiểu hội hè đình đám cố đấm ăn xôi được”. Ông Thành hoài nghi: “Tôi nghi ngờ các lợi ích mà Việt Nam đạt được trong TPP-11. Đất nước sẽ bị chôn vùi trong TPP-11 thay vì trỗi dậy thì sao? Ai sẽ chịu trách nhiệm cho quyết định chưa được tính toán kỹ lưỡng này?

Báo Tuổi Trẻ có bài: Canada có thể rút khỏi TPP. Sau cuộc họp được cho là rất căng thẳng trong đêm 9/10, đến chiều 10/11, cuộc họp TPP đã phải hoãn lại, khi các bộ trưởng vẫn “chưa tìm được tiếng nói chung” cho số phận của hiệp định này.

Thủ tướng New Zealand, bà Jacinda Ardern cho biết: “Đã có những sự kiện ngoài tầm kiểm soát của chúng tôi diễn ra. Đúng là Canada không muốn tham gia vào cuộc họp đó, và những buổi thảo luận trong kế hoạch đều đã bị hoãn. Chúng tôi chưa có cập nhật chính thức lúc nào thì sẽ có các cuộc họp thay thế“.

Báo Dân Trí đưa tin: Đàm phán TPP gặp trở ngại vào phút chót: Thủ tướng Canada không dự họp. Bài viết cho biết, “lãnh đạo của các nước thành viên TPP gồm Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe hôm nay đã tỏ ra không hài lòng sau khi Thủ tướng Canada Justin Trudeau bất ngờ không tham dự cuộc họp giữa các nhà lãnh đạo TPP, vốn dự kiến sẽ thông qua một thỏa thuận“.

Cũng báo Dân Trí, đặt câu hỏi: Vì sao Thủ tướng Canada bỏ họp TPP vào phút chót? Không biết lý do, chỉ biết hôm qua, trong chuyến thăm Đại học Tôn Đức Thắng ở TPHCM, Thủ tướng Trudeau cho biết: “Chúng tôi sẽ chưa ký một thỏa thuận chỉ vì chúng tôi cảm thấy sức ép phải ký kết. Chúng tôi phải đảm bảo rằng, thỏa thuận đó là hợp lý với Canada, hợp lý với thế giới. Chúng tôi sẽ không vội vã, vì vậy chúng tôi sẽ cần thêm thời gian và theo dõi sát sao các vòng đàm phán”.

RFI có bài: Đàm phán TPP-11 tại Đà Nẵng thất bại. Phóng viên RFI cho biết: “Dường như Canada và một số nước như Việt Nam, Malaysia đã có những bất đồng trên một số điểm. Canada muốn duy trì các tiêu chuẩn quan trọng trong thỏa thuận, như bảo đảm duy trì quyền của người lao động tại các nước tham gia. Việt Nam và Malaysia, hai nền kinh tế mà khu vực nhà nước chiếm đa số, giờ lại không muốn nhượng bộ trên những lĩnh vực được cho là nhậy cảm này”.

Thủ tướng Canada Justin Trudeau. Ảnh: Reuters

Facebooker Ann Đỗ dẫn tin của phóng viên Canada cho biết: “Không phải Canada rút khỏi TPP mà là ‘chưa vội đặt bút ký’ vì có nhiều vấn đề cần bàn thảo trong đó liên quan đến bảo vệ văn hóa thiểu số (Canada thuộc khối Pháp ngữ?), trong khi Nhật thì phản đối điều này. Ngay từ đầu, Thủ tướng Justin đã không có kế hoạch tham dự cuộc họp ngày hôm nay, trước đó, Justin cũng họp với Thủ tướng Nhật Abe hơn 50 phút (gấp đôi thời gian hoạch định). Và Canada nói rằng, không chỉ 1 mình Canada có vấn đề mà còn nhiều quốc gia khác”.


Việt Nam và thế giới
RFA đưa tin: Đặc phái viên LHQ về lương thực sẽ thăm Việt Nam. Bản tin cho biết, “Đặc phái viên Liên Hiệp Quốc về quyền được tiếp cận lương thực bà Hilal Elver sẽ đến thăm Việt Nam từ ngày 13 đến ngày 24 tháng 11 tới đây. Mục tiêu được nêu rõ nhằm thu thập thông tin cụ thể về tình hình thực phẩm ở Việt Nam cũng như tác động của biến đổi khí hậu”.

Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull ‘seffie’ cùng người dân Đà Nẵng sáng 10-11 – Ảnh: Facebook Australia in Vietnam


Đặc khu kinh tế
Báo Tầm Nhìn đưa tin: Quốc hội hôm nay bàn về ba đặc khu kinh tế. Chiều 10/11, các đại biểu Quốc hội thảo luận về dự án cho ba đặc khu Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc. Theo dự luật được Chính phủ trình, đặc khu Vân Đồn sẽ phát triển các ngành công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao. Đặc khu Bắc Vân Phong sẽ phát triển các ngành công nghệ thông tin, điện tử, cơ khí chính xác; còn đặc khu Phú Quốc sẽ phát triển du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái …

VnExpresss co bài: Đại biểu Quốc hội lo thừa nếu ‘cả ba đặc khu cùng xây casino’. Đại biểu Đỗ Văn Sinh, Uỷ viên thường trực Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội góp ý, không nên xây dựng casino tại cả ba đặc khu kinh tế, mà chỉ cho xây một casino ở đặc khu nào đó: “Chúng ta đã có bài học không thành công từ mô hình dịch vụ casino ở Đồ Sơn, giờ cho cả ba đặc khu phát triển casino thì có thực sự cần, có bị thừa hay không?

Trí Thức Trẻ có bài: Đặc khu kinh tế 20 năm chờ đợi: Sẽ là tổ cho phượng hoàng hay tổ cho… đến đẻ trứng? Về mặc ưu đãi, chuyên gia Võ Trí Thành đã nhận xét, “ưu đãi chỉ là yếu tố xếp thứ 3 mà chúng ta cần quan tâm. Để đặc khu kinh tế thực sự trở thành ‘tổ phượng hoàng’ chứ không phải ‘tổ gà’, thứ cần quan tâm nhất vẫn là các vấn đề về chính sách và giải pháp để thực thi các chính sách đó“.

Vịnh Vân Phong, Nha Trang. Ảnh: internet

Báo Tiền Phong có bài: Vân Đồn ‘quay cuồng’ trong cơn sốt đất. Chưa biết khi nào chính thức trở thành đặc khu, nhưng giá đất tại Vân Đồn đã nhảy từ vài triệu lên vài chục triệu đồng mỗi m2 trong vòng vài tháng trở lại đây.

Một chuyên gia bất động sản ở TP. Hạ Long, cho biết: “Cơn sốt này là do giới buôn bán đất ở các tỉnh khác về, cấu kết với hệ thống cò mồi để cùng nhau làm giá để bán kiếm tiền chênh lệch. Ngay khi Quốc hội đề cập đến sự phát triển của đặc khu kinh tế, họ chớp thời cơ để đầu cơ vào đất, thổi giá đất Vân Đồn lên đỉnh điểm chỉ trong vài tháng. Nhưng đây là giá đất ảo, không phải giá trị thực của đất. Như quả bóng, thổi quá nhiều nó sẽ tự nổ mà thôi”. 


Hậu quả của cơn bão số 12
Báo Tiền Phong có bài: 100 người thiệt mạng do bão số 12. Theo thống kê của Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, cho biết, tính đến 17h ngày 10/11, hậu quả của cơn bão số 12 đã làm giết chết 100 người và 18 người mất tích. Trong đó, Khánh Hoà có 43 người chết, Quảng Nam 15 người, Bình Định 8 người, Quảng Ngãi 5 người… và 11 người chết trong sự cố 8 tàu vận tải bị đánh chìm tại Bình Định. Số người mất tích đến nay là 18 người, trong đó Quảng Nam 7 người, Quảng Ngãi 1 người, Bình Định 5 người, Phú Yên 2 người, Khánh Hòa 1 người và 2 người do sự cố tàu vận tải ở Bình Định.


Nhân quyền ở Việt Nam
Facebooker Nguyễn Hồ Nhật Thành trích dịch đoạn đài truyền hình ABC của Mỹ phỏng vấn bé Nấm, 11 tuổi, con gái blogger Nguyễn Ngọc Như Quỳnh:
PV: Em nghĩ mẹ em là người như thế nào? Nấm: Mẹ em là một người tốt và mẹ em luôn muốn bảo vệ mọi người.
PV: Vì sao em lại gửi cho bà phu nhân mà không phải là tổng thống? Nấm: Vì em nghĩ bà cũng là một người mẹ nên bà sẽ hiểu cảm giác đứa con cần mẹ như thế nào và có thể bà sẽ giúp được gia đình em.
PV: Em mong muốn điều gì qua việc này? Nấm: Điều duy nhất con muốn là mẹ được về với con và gia đình con.
PV: Em đã cảm thấy như thế nào về việc mẹ em bị bắt? Nấm: Dạ em rất là buồn và cảm thấy cô đơn, và em không muốn đi học nữa“.

Clip: Các bạn trẻ ở Canada gửi thông điệp đến Thủ tướng Justin Trudeau của họ, khi ông này đang ở Việt Nam, rằng: “Thưa Thủ tướng Justin Trudeau, khi ông ở Việt Nam, đàm phán về thương mại. Hãy nhớ rằng, Quyền Con Người là không thể thương lượng“.

Các bạn trẻ ở Canada gửi thông điệp đến Thủ tướng của họ, Justin Trudeau, khi ông này đang ở Việt Nam.

Thủ Tướng Canada Justin Trudeau nói: “Tôi mong đợi gặp gỡ giới lãnh đạo Việt Nam để thúc đẩy các vấn đề quan trọng như quản trị tốt và vấn đề nhân quyền, tăng cường hợp tác thương mại và đầu tư, và tạo ra nhiều cơ hội hơn cho giới trung lưu của chúng ta”.

Một bạn trẻ Canada đáp: “Chúng tôi dẫn lời ông Justin Trudeau ở đây và hy vọng ông ấy sẽ xiển dương các giá trị Canada bằng cách đòi hỏi trả tự do cho những tù nhân lương tâm như Phan Kim Khánh, Trần Thị Nga và Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (tức Mẹ Nấm)”.


Vụ “mượn nhà không trả”
Nhạc sĩ Tuấn Khanh viết, sau khi đọc bài của tác giả Dương Đức Quảng: “Mượn nhà không trả, cướp nhà… những chuyện đó không lạ trên đất nước này kể từ ngày Việt Minh cướp chính quyền vào năm 1945. Đặc biệt người miền Nam sau năm 1975 thì lại càng rất quen với hành động này. Hãy để kẻ cướp bị vạch mặt trọn vẹn. Đừng tô vẽ lên lịch sử màu của dối trá và hèn hạ. Đó là lý do đọc bài ông Đức, vừa buồn cho giới trí thức, lại vừa buồn nôn cho cái gọi là ‘hoàn cảnh khiến chính quyền không thể trả nhà hay tài sản đã lấy’.”

Facebooker Trương Quang Thi viết: “Mượn mà trả người ta gọi là đối tác. Mượn mà lâu trả người ta gọi là con nợ cù nhầy. Mượn mà xù người ta gọi là giựt nợ. Mượn mà không trả, bàn tới bàn lui xong nói là tặng lại rồi cuối cùng vẫn không chịu trả lại cho chủ nhân của nó người ta gọi là Cộng Sản Việt Nam”.

Ông viết tiếp: “Rốt cuộc thì điều gì đã khiến cho một nhà nước với danh xưng chủ nghĩa xã hội tốt đẹp lại không chịu trả nhà cho ân nhân của mình sau gần một thế kỷ mượn và dùng nó? Chính là lo sợ cái hiệu ứng đòi lại nhà của dân diễn ra trên diện rộng. Sợ cái việc trả lại nhà cho ông bà Trịnh Văn Bô sẽ tạo ra một tiền lệ và dân vin vào đó để đòi nhà. Như thế chúng ta tạm có cái nhìn toàn cảnh việc họ từng cướp của dân nhiều đến mức nào“.

Quan chức và tài sản
Bài báo Pháp luật VN đã bị gỡ: Nghi vấn Giám đốc Sở Xây dựng Phú Thọ có biệt thự “siêu đẹp”. Ngôi biệt thự bề thế nằm trên khu “đất vàng” với 20 mét mặt tiền ngay mặt đường Phù Đổng lên nút giao IC7 cao tốc Nội Bài – Lào Cai, thuộc phường Dữu Lâu, TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ, được cho là của ông Bùi Sơn Thủy, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Phú Thọ.

Cửa chính vào trong căn biệt thự. Ảnh: báo PLVN

Căn biệt thự này đang trong quá trình hoàn thiện. Một người thợ xây nơi đây cho biết: “Đây là nhà của bác Thủy – Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Phú Thọ”. Khi được hỏi, ông Thủy cho biết: “Đây là biệt thự của bố vợ tôi đứng tên, bố vợ tôi tên Phạm Thức – Nguyên giám đốc Sở Nông nghiệp tỉnh Vĩnh Phú, sau này ông là nguyên Phó giám đốc Sở Nông nghiệp tỉnh Phú Thọ. Chú cứ hỏi tên đại gia Phạm Thức thì cả cái tỉnh Phú Thọ này ai cũng biết”.

Khu vực trên và vùng lân cận như đường Hòa Phong kéo dài hay đường Nguyễn Du, được biết là nơi rất nhiều quan chức thành phố Việt Trì cũng như tỉnh Phú Thọ có biệt thự “khủng”, như dinh cơ “đồ sộ” của cựu Bí thư Thành ủy Việt Trì, cũng đã được báo Pháp luật VN đăng tải.

Báo PLTP có bài: 19 tuổi có biệt phủ nguy nga, thật kỳ lạ! ĐB Nguyễn Anh Trí, cựu Giám đốc Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương, cho rằng: “Biệt phủ đứng tên sở hữu của con gái cán bộ. Nhưng con gái mới 19 tuổi đã có biệt phủ nguy nga như vậy thì thật là kỳ lạ! Trường hợp này dễ thấy điểm bất thường ở đây”.

Báo Tuổi Trẻ có bài: Đề xuất đưa quan chức đi thăm nhà tù để ngừa tham nhũng. Đại biểu Trần Hoàng Ngân, Giám đốc Học viện Cán bộ TP.HCM, thì cho rằng: “Nhà tù là nơi mà tội phạm, những người tham nhũng đang bị xử lý, trả giá cho hành vi tham nhũng của mình. Tôi nghĩ rằng việc tham quan nhà tù sẽ là một bài học thực tiễn”.

Về sự kiện xã Diễn Hoàng ở tỉnh Nghệ An xây cổng làng bằng gỗ quý trị giá 4 tỉ đồng, phá kỷ lục của cổng làng khủng 3 tỉ đồng tại Quỳnh Lưu, báo Tuổi Trẻ có bài: Phô trương cổng làng ‘khủng’ mà dân nghèo, có ích chi? “Nhiều người đặt câu hỏi cổng làng hoành tráng là vậy nhưng hãy xem cuộc sống của người dân phía sau cổng làng như thế nào mới là điều quan trọng!

Chống tham nhũng ở Việt Nam
Báo Tuổi Trẻ đưa tin: Nguyên kế toán trưởng Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ nộp lại 13,5 tỉ. Ông Sơn Minh Thắng, Phó trưởng Ban thường trực Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ, cho biết, việc xử lý sai phạm thu hồi tài chính, tài sản tính đến ngày 10/11, có bà Lê Thị Thu Hằng, phó vụ trưởng Vụ kinh tế, nguyên kế toán trưởng nộp lại 4 lần với số tiền trên 13,5 tỉ đồng.

Ông Thắng cho biết thêm: “Đây chỉ là khoản tiền mặt do chi sai qui định, lập quĩ trái phép, các cá nhân tạm ứng chiếm dụng nhiều năm chưa trả mà Ủy ban kiểm tra trung ương yêu cầu phải thu nộp vào ngân sách nhà nước. Còn một lượng tiền lớn hàng chục tỉ đồng mà các cá nhân sai phạm đã chi sai, chi khống… tiền ngân sách và tiền vận động, vẫn chưa được nộp lại”.

Tin quốc tế

Chuyến công du Châu Á của Tổng thống Mỹ
RFA đưa tin: Liên Hiệp Quốc kêu gọi nêu vấn đề nhân quyền tại thượng đỉnh ASEAN. Bốn chuyên gia nhân quyền của Liên Hiệp Quốc lên tiếng kêu gọi thành viên Hiệp Hội Các Quốc Gia Đông Nam Á- ASEAN phải “giải quyết những vấn đề nhân quyền cấp bách tại hội nghị cấp cao lần thứ 31 của khối này diễn ra từ ngày 10 đến 14 tháng 11 tại Philipines”.

RFI có bài: Tổng thống Philippines Duterte tuyên bố từng “đâm chết người”. Gặp gỡ kiều bào Philippines tại Đà Nẵng tối 09/11/2017, tổng thống Rodrigo Duterte khoe: “Ông đã giết một người, bằng xương bằng thịt, tẩn cho nạn nhân nhiều cú trước khi dùng dao đâm chết hắn chỉ vì một ánh mắt”.


Chính trường Mỹ
RFI có bài điểm báo: Mỹ: Donald Trump làm được gì sau một năm ở Nhà Trắng. Theo báo Le Monde, “Donald Trump vẫn thành công trong việc lừa gạt cử tri của ông bằng cách liên tục tấn công vào những quyết định mà người tiền nhiệm đã đưa ra, như trong lĩnh vực môi trường, đối ngoại. Về điểm này, Le Monde nhấn mạnh, nhiều người đã đánh giá thấp mức độ phản đối của một bộ phận cử tri trước các quyết định của Obama. Những người này đã im lặng bất bình trong suốt 8 năm qua”.

RFI đưa tin: Mỹ: Một ứng viên nghị sĩ đảng Cộng Hòa bị tai tiếng sàm sỡ. Bản tin cho biết, ông Roy Moore, nghị sĩ bang Alabama bị tố cáo có hành động không đứng đắn với một thiếu nữ 14 tuổi vào cuối thập niên 1970. “Ứng cử viên Roy Moore, người được cho là rất bảo thủ, rất ngoan đạo, có thể chiến thắng dễ dàng, đã được đề cử sau cuộc bỏ phiếu sơ bộ trong đảng trong lúc đối thủ của ông được sự ủng hộ của tổng thống Donald Trump”.

Châu Âu
Phong trào độc lập suy yếu dần: Tây Ban Nha: Cựu chủ tịch Nghị Viện Catalunya nộp tiền thế chân để được tại ngoại. RFI cho biết, bà Carme Forcadell đã “chấp nhận để chính quyền trung ương trong tay thủ tướng Mariano Rajoy giành lại quyền kiểm soát vùng Catalunya. Bà cũng công nhận là tuyên bố độc lập do chính quyền ở Barcelona đơn phương tuyên bố hôm 27 tháng 10 vừa qua, chỉ mang tính cách tượng trưng”.

RFA có bài: Vatican kêu gọi đối thoại về đe dọa nguyên tử. Tòa thánh Vatican vào ngày 10 tháng 11 kêu gọi “lãnh đạo của các quốc gia trên thế giới tránh bất kỳ hành động đơn phương và nên tìm kiếm giải pháp đối thoại để đối phó với mối đe dọa vũ khí hạt nhân”.


-----------------------------------

Bài Mới Nhất
11/11/2017
11/11/2017
11/11/2017
11/11/2017
11/11/2017
11/11/2017
11/11/2017
10/11/2017
10/11/2017
10/11/2017










No comments:

Post a Comment