Tuesday, November 7, 2017

BẢN TIN NGÀY THỨ BA 7/11/2017 (Báo Tiếng Dân)





Tin trong nước

Tin Biển Đông
RFA có bài: Trung Quốc chạy thử tàu nạo vét hiện đại gây lo ngại về căng thẳng ở biển Đông. Về con tàu nạo vét Thiên Côn Hiệu mà TQ cho hạ thủy ngày 3/11, ông Collin Koh, một chuyên gia về an ninh hàng hải, thuộc Đại học Công nghệ Nanyang của Singapore được báo Bưu điện Hoa nam buổi sáng trích lời, nhận định rằng, “trừ khi Trung Quốc làm rõ ý định của mình, chiếc tàu nạo vét mới vẫn sẽ gây những lo lắng về việc xây dựng thêm những đảo nhân tạo mới ở biển Đông và có thể dẫn tới các biện pháp phản ứng từ các nước“.


Quan hệ Việt – Trung

Ông Phùng Hữu Phú cho biết: “Chuyến thăm Việt Nam của Tổng Bí thư Tập Cận Bình là chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của Lãnh đạo Đảng và Nhà nước Trung Quốc sau Đại hội 19 Đảng Cộng sản Trung Quốc, nêu bật tầm quan trọng của quan hệ Trung – Việt. Chuyến thăm lần này sẽ tiếp thêm động lực mạnh mẽ cho phát triển quan hệ hai Đảng và quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Trung Quốc – Việt Nam, cũng sẽ tiếp tục thúc đẩy trao đổi lý luận giữa hai Đảng“.

BBC có bài: Ông Tập tới thăm VN ‘chỉ mang tính biểu tượng’. Trong cuộc phỏng vấn của BBC, Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, nhà nghiên cứu cao cấp về chính trị thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS) ở Singapore, nói: “Nhìn chung thì chuyến thăm Việt Nam của ông Tập chỉ mang tính biểu tượng, thể hiện chuyện Việt Nam là nước đầu tiên ông đi thăm sau khi tái đắc cử. Theo tôi hiểu thì trước chuyến đi của ông Tập, hai ngoại trưởng Việt Nam, Trung Quốc đã gặp nhau, thỏa thuận sẽ giải quyết tranh chấp trên Biển Đông một cách hòa bình”.

Blogger Phương Thơ có bài: Doanh gian VN học gì được Jack Yun Ma, Executive Chairman (Alibaba Group). Tác giả cho rằng: “Bởi vì chế độ Bắc Kinh dù độc đoán, nhưng họ rất thoáng cho doanh nghiệp họ tư chủ và độc lập khỏi những giáo điều kinh tế lẫn chính trị. Bắc Kinh không độc đoán chuyên quyền như một số  lãnh đạo ở VN là hay áp đặt lối tư duy của chủ trương như ‘chủ trương của đảng và nhà nước’ thò bàn tay vào mọi thứ trong kinh tế và kinh doanh”.

LS Lê Văn Luân có bài: Sống giữa bầy sói. Ông Luân cho rằng, sở dĩ người ta cho mời Jack Ma tới Việt Nam nói chuyện truyền cảm hứng là “vì người ta muốn chứng minh cho các bạn thấy rằng, ở cái xứ mà các bạn chửi bới và có vẻ như căm ghét từ xương tuỷ, vẫn chê bai chế độ cộng sản TQ là ác ôn, tàn bạo và không có cơ hội để làm giàu, thì có sẵn một Alibaba nổi lên trên một nền thị trường như thế đấy”.

Ông Luân cho biết thêm: “Đừng ảo mộng có miếng mồi ngon hay lớn lên giữa một bầy sói mà bạn không phải là sói hoặc liên kết cùng những con sói để săn mồi. Thị trường còn chẳng có để tạo ra công việc cho các cử nhân, thạc sỹ thì lấy đâu ra cơ hội mà đầu tư và làm lớn trong một nền kinh tế èo uột và bị thao túng như thế?

Facebooker Trần Song Hào viết về Chính phủ 4.0 và Jack Ma: “Những sự kiện và câu chuyện của Việt Nam gần đây, nếu liên kết lại với nhau thì sẽ thấy, ‘chính phủ kiến tạo’ của anh Phúc đang tạo ra một môi trưởng kinh tế chính tri theo khuôn mẫu Trung quốc thời đế chế Tập Cận Bình!… Đặc biệt 3 nhân vật hôm nay gồm 3 thủ và phó tướng của CP cùng anh Ma nổi đình nổi đám truyền thông và câu bán hàng online thanh toán qua MOBILE chứng minh một điều: CP kiến tạo của ông Phúc đang hướng tới xây mô hình Trung Quốc cho Việt Nam!

Jack Ma cùng TT Nguyễn Xuân Phúc và các phó TT lên TV chém gió. Ảnh: internet

Facebooker Trịnh Hữu Long viết: “Kiếm được 40 tỷ đô, Jack Ma hẳn phải là thiên tài. Nhưng một trong những yếu tố lớn nhất khiến cho Jack Ma thành công là chính phủ Trung Quốc đã đuổi hết các công ty nước ngoài đi hoặc áp đặt những điều kiện kinh doanh bất lợi nhất cho họ”.

Ông Long viết tiếp: “Không ai biết đằng sau những chính sách đó là gì và mối quan hệ giữa Jack Ma với chính quyền như thế nào. Những đề tài như vậy thì không thể được bàn ở Trung tâm Hội nghị Quốc gia, nhất là lại do một MC mặc áo xanh đoàn thanh niên dẫn chương trình. Nghe theo những lời khuyên của một người mà tách họ ra khỏi môi trường thể chế đã tạo điều kiện cho họ làm giàu thì không khéo lại tiền mất tật mang“.

– Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sắp thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam  —  Quân đội Trung Quốc trung thành tuyệt đối với Chủ tịch Tập Cận Bình (TTXVN). Quân đội không trung thành với dân, với tổ quốc, mà lại trung thành với ông đảng trưởng?

Quan hệ Việt – Mỹ
Báo Tiền Phong có bài: Tổng thống Donald Trump rất coi trọng APEC và Việt Nam. Ông Phạm Phú Phúc, chuyên gia bình luận các vấn đề quốc tế cho rằng: “Chuyến thăm càng chứng tỏ Nhà Trắng đang rất coi trọng vị trí chiến lược của Việt Nam ở châu Á này, và Nhà Trắng cũng hy vọng rất nhiều vào việc mở mang quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư… với Việt Nam”.

RFA có bài: Việt Nam ca ngợi lập trường tự do hàng hải ở biển Đông của Mỹ. Trong buổi tiếp tân Đại sứ Mỹ ông Daniel Kritenbrink đến trình quốc thư, chủ tịch Trần Đại Quang cho biết: “Việt Nam đánh giá cao lập trường của Hoa Kỳ về vấn đề tự do hàng hải và hàng không trong khu vực” và rằng, Việt Nam đánh giá cao nỗ lực của Hoa Kỳ đã “giúp Việt Nam trong việc tẩy độc dioxin còn sót lại từ thời chiến tranh Việt Nam tại sân bay Đà Nẵng“.

Đại sứ Dan Kritenbrink có clip giới thiệu bản thân bằng tiếng Việt. Ông Kritenbrink cho biết, trong hơn 20 năm qua, Việt Nam và Hoa Kỳ đã có những bước phát triển nhanh chóng trên nhiều lĩnh vực như kinh tế, ngoại giao nhân dân và an ninh quốc phòng…


Hội nghị APEC 2017
Báo Tuổi Trẻ có bài: Tuần lễ cấp cao APEC chính thức khai mạc tại Đà Nẵng. Ngày 6/11, Tuần lễ cấp cao của Diễn đàn kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) chính thức khai mạc tại TP Đà Nẵng với Hội nghị tổng kết quan chức cao cấp APEC (CSOM).

Báo Zing có bài: Đàm phán nước rút của TPP-11 bắt đầu bí mật tại Đà Nẵng. Được biết, sáng 6/11, cuộc đàm phán TPP-11 ở cấp trưởng đoàn đã chính thức bắt đầu. Các trưởng đoàn đang gấp rút đàm phán với mong muốn đưa ra được một thoả thuận, để các bộ trưởng và các lãnh đạo của 11 nước thành viên còn lại của TPP “có thể thống nhất thông qua bên lề tuần lễ cấp cao APEC lần này“.

Trang Facebook Chính phủ có clip 28 năm hình thành và phát triển của APEC:


Hậu quả của cơn bão số 12
Báo Kiến Thức có bài: Thiệt hại “khủng khiếp” do bão Damrey: Các con số tăng chóng mặt. Theo thống kê của cơ quan chức năng, cơn bão số 12 đến nay “đã khiến 44 người chết, 19 người mất tích, 114.866 nhà tốc mái, hư hỏng, nhiều diện tích lúa, hoa màu, hệ thống lưới điện bị thiệt hại…”

Báo Thanh Niên có clip “Hội An chìm trong nước”:

Báo NLĐ có bài: Dự báo một nơi, bão vào một ngả? Lãnh đạo tỉnh Phú Yên cho rằng “trong khi dự báo tâm bão số 12 sẽ ở phía Nam Khánh Hòa, Bắc Ninh Thuận thì nó lại vào Nam Phú Yên, Bắc Khánh Hòa nên không kịp trở tay“.

Lại giở giọng trốn tránh trách nhiệm. Đây là cơn bão được cảnh báo là rất mạnh, ảnh hưởng đến không chỉ riêng tỉnh Khánh Hòa mà nó còn ảnh hưởng đến toàn bộ vùng Nam Trung bộ. Mặt khác, do công tác dự báo thời tiết của Việt Nam bao năm qua vẫn còn bất cập, không chính xác, nên không thể chủ quan để rồi nói là “không kịp trở tay” như lãnh đạo tỉnh Phú Yên được.

Trong khi đó, ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng NN&PTNN cho biết: Dự báo bão số 12 chính xác. Ông Cường còn khẳng định: “Dự báo tâm bão vào Phú Yên, Khánh Hoà là đúng quá còn gì. Đến giờ này qua kiểm tra, công tác dự báo bão số 12 là chính xác“. Ông cũng nói thêm: “Tôi khẳng định trong cơn bão số 12, bên khí tượng thuỷ văn, các anh ấy dự báo rất sát, kể cả về hướng bão, tốc độ, cường độ bão, lượng mưa”.

Trong khi các ông lo cãi nhau, thì ở Thừa Thiên Huế: Hàng trăm tấn cá bè chết trắng sông, người dân khóc nức nở. Do mưa lũ lớn trên sông Bồ, xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền, Thừa Thiên Huế, hàng trăm tấn cá nuôi trên các bè đã chết, ước tính thiệt hại từ 16 đến 18 tỷ đồng. Nhiều người dân khóc ròng vì cá đang gần mùa thu hoạch, bất ngờ trắng tay.

Cá chết trắng bè của gần 50 hộ dân xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền từ đêm 5/11 đến sáng 6/11. Ảnh: Dân Trí



Nhân quyền ở Việt Nam
Facebooker Hiệp Khách Hành có clip cho biết: Sáng 6/11 có khoảng 30 dân oan các tỉnh: Đồng Nai, An Giang, Bình Định, Ninh Bình, Hà Nội đã biểu tình dọc trên đường phố và trước trụ sở Thanh Tra Chính Phủ – Lô D29 – Yên Hoà – Cầu Giấy – Hà Nội và Bộ Tài Nguyên & Môi Trường – Số 10 – Tôn Thất Thuyết – Hà Nội. Dân oan các tỉnh tố cáo lãnh đạo chính quyền điạ phương tham nhũng “cướp đất, cướp nhà” của dân. Người dân cũng yêu cầu Trung ương giải quyết “trả nhà, trả đất để dân oan ổn định cuộc sống.”

RFA đưa tin: Sách nhiễu mạnh tay trước Hội nghị APEC. Đã có 4 người bị Cơ quan An ninh Thành phố Đà Nẵng gửi giấy mời lên làm việc, đó là anh Trần Lê Quang Vĩnh, Bùi Tuấn Lâm, Khúc Thừa Sơn và chị Hoàng Hồng Thái.

Anh Trần Lê Quang Vĩnh cho biết: “Chính quyền quan tâm mình, mời giấy mời mình vì cái clip, nhưng mình nghĩ cái mục đích của nó cũng vì vấn đề APEC. Đương nhiên khi mà một người bị công an mời thì tâm lý thứ nhất, thứ 2 là gia đình họ cũng ảnh hưởng vì cái tâm lý đó, thứ ba là nó sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến công ăn việc làm của họ, khi mà họ phải bỏ thời gian để lên theo giấy mời. Nếu không lên theo giấy mời thì họ sẽ có cái biện pháp tiếp theo“.


VOA đặt câu hỏi: Việt Nam sẽ có ‘dê tế thần’ cho vụ Trịnh Xuân Thanh? Về việc bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, Tiến sỹ Đoàn Xuân Lộc, chuyên gia nghiên cứu về các mối quan hệ của EU với các nước Đông Nam Á, cho rằng: “Nó sẽ làm cho Việt Nam suy yếu cả về mặt ngoại giao lẫn chiến lược“.

TS Nguyễn Quang A cho rằng, Hà Nội nên tìm một “con dê tế thần” để giải quyết mối căng thẳng trong quan hệ với Đức: “Dùng một ‘con dê tế thần’ nào đấy. Đấy là 1 giải pháp mà tôi cũng khuyến nghị ngay từ ngày đầu. Họ không chịu nghe. Nhưng mà bây giờ thì bên EU họ cũng nói rằng nếu mà dùng một dê tế thần nào đấy ví dụ như ông đại sứ Việt Nam ở Đức chẳng hạn thì hiệp định tự do thương mại song phương giữa Việt Nam và EU có thể không bị ảnh hưởng“.

TS Nguyễn Quang A viết: Cấm tư nhân hóa công an. Tác giả cho biết, việc tư nhân hoá công an rất đáng lo ngại, vì: “Một số doanh nghiệp (nhất là ngân hàng) thuê cảnh sát, thậm chí quân đội làm dịch vụ bảo vệ. Vài đại gia thực sự sở hữu một số đơn vị công an khi yêu cầu cảnh sát hạch sách người dân mà họ không thích (công an yêu cầu các phụ huynh phản đối trường winschool tăng học phí; ông Vũ nhôm yêu cầu công an cấm nhà báo xuất cảnh; cảnh sát giữ trật tự giúp doanh nghiệp thu phí BOT, thu đất;…). Có sự mập mờ giữa việc công an giữ trật tự công cộng và làm thuê cho các đại gia và doanh nghiệp (thực hiện những việc bất hợp pháp như mời người, cấm xuất cảnh,…)
Đấy là các dấu hiệu đáng lo ngại và việc tư nhân hoá công an phải bị cấm tiệt. Lực lượng cảnh sát và quân đội phải là của nhà nước chứ không phải là sở hữu của bất kể ai hay tổ chức nào. Các đại gia, doanh nghiệp làm bậy như nêu trên chắc cũng do họ học ‘tấm gương’ của ĐCSVN vì nó đã tư nhân hoá các lực lượng vũ trang cho bản thân nó, nhưng lại rêu rao rằng chúng là ‘công an nhân dân’, ‘quân đội nhân dân’.”

Về dự thảo luật An ninh mạng
Nhà báo Huy Đức có bài: Luật An ninh mạng: Thách thức uy tín chính trị của Thủ tướng và Chủ tịch QH. Tác giả cho rằng, nếu như những cải cách thủ tục hành chính như nghị quyết 112 về việc bãi bỏ sổ hộ khẩu của Thủ tướng nguyễn Xuân Phúc và Bộ trưởng Công an Tô Lâm gây tiếng vang, thì ngược lại, Dự thảo luật An ninh mạng có thể nhấn chìm uy tín của họ.

Tác giả cũng cho rằng, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phải là những người chịu trách nhiệm trước quyết định mang tính “lịch sử” có đưa dự thảo này thành luật hay không. Còn “nếu ông bà cho phá vỡ các cam kết quốc tế của những người tiền nhiệm – không buộc nhà cung cấp các dịch vụ mạng phải đặt máy chủ tại VN – thì không những uy tín chính trị của ông bà trên trường quốc tế sẽ bị thách thức mà ông bà có thể sẽ trở thành những nhà lãnh đạo đầu tiên của Đảng Cộng sản để lọt một đạo luật thắt chặt không gian tự do nhất kể từ khi VN đổi mới”.

Báo VTC có bài: Có thách tiền tấn, Facebook, Google cũng không bao giờ rời Việt Nam. Bài viết cho rằng: “Dù yêu cầu Google hay Facebook phải đặt máy chủ ở Việt Nam có thể gây khó khăn cho các doanh nghiệp này, nhưng tôi tin rằng, có thách tiền tấn, Facebook, Google cũng không bao giờ rời Việt Nam“. Họ không rời, nhưng họ không đặt máy chủ tại Việt Nam thì tính sao?

Theo Facebooker Chi Trần thì, ngay cả Facebook chấp nhận đặt máy chủ ở Việt Nam theo tiêu chuẩn NATO thì Việt Nam cũng không dám nhận. Lý do là trung tâm dữ liệu của Facebook cần môi trường sạch, nhiệt độ thấp, có thể dưới -40 độ C về mùa đông để làm mát hệ thống máy chủ khổng lồ của họ. Trung tâm này cũng là nơi phải “xử lý 350 triệu tấm hình ảnh mỗi ngày và thống kê tới 4,5 tỉ lượt thích của cộng đồng mạng, và khoảng 10 tỉ tin nhắn được gửi đi“.

Trung tâm dữ liệu của Facebook. Ảnh: internet


Sổ hộ khẩu: Bao giờ bỏ được?
Báo Soha có bài: Bộ trưởng Công an: Bỏ sổ hộ khẩu nhưng “chắc chắn phải có quản lý”. Ông Tô Lâm, Bộ trưởng Công an khẳng định: “việc Chính phủ quyết định bỏ sổ hộ khẩu, chứng minh thư nhân dân… là nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính để phục vụ nhân dân nhưng “chắc chắn phải có quản lý“.

Còn ông Nguyễn Hữu Cầu, Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An thì cho biết: “Tôi nhận thức rằng trong tất cả các vấn đề quản lý xã hội thì quản lý con người là khó nhất. Tuy nhiên, khi chúng ta có công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin thì việc quản lý sẽ dễ dàng hơn“. Thế nên đừng có mà đưa luật An ninh mạng ra để siết cổ các hãng công nghệ thông tin nữa.

Cũng báo Soha có bài: TIN TỐT LÀNH 6/11: Từ Ủy viên Trung ương bị hành đến thường dân lên tiếng ông chủ. Kể từ khi “hai nhân vật thuộc ngành cần quản lý bằng sổ hộ khẩu nhất là công an và tư pháp, lại đồng thanh muốn xóa xổ hộ khẩu“, đến nay cũng đã  hơn 12 năm rồi mà có bỏ được sổ hộ khẩu đâu. Thế nên, từ UVTƯ đến thường dân sẽ vẫn bị hành tiếp nhé.

Ảnh minh họa: Báo Soha

Báo PLTP có bài: Ráo riết bỏ hộ khẩu, sổ tạm trú (PLTP). Người dân cho biết: “bỏ sớm chừng nào tốt chừng đó”. Tuy nhiên, tiến độ hoàn toàn phụ thuộc vào việc Bộ Công an có khẩn trương bắt tay ngay vào công việc hay lại tìm cớ trì hoãn?

Tác giả Trung Nguyễn có bài: Bãi bỏ hộ khẩu: một bước tiến đáng khen! Tác giả mơ mộng: “Biết đâu đấy, một sáng mai thức dậy, tôi đọc báo và thấy hàng tít ‘Nhà nước trả tự do cho tất cả tù nhân chính trị, lương tâm, tôn giáo và bắt đầu lộ trình xây dựng một xã hội dân chủ, công bằng, văn minh’. Đó sẽ là ngày mà người cộng sản và không cộng sản cũng đều có thể nhìn nhau như đồng bào, chứ không phải là ‘thế lực thù địch’ của nhau nữa“.

Tác giả Thạch Đạt Lang có bài: Cộng sản Việt Nam mưu toan gì trong chuyện bỏ sổ hộ khẩu và chứng minh nhân dân? Tác giả cho rằng, nếu bảo sổ hộ khẩu, nhưng công an vẫn có toàn quyền sinh sát trong tay, “việc tập trung đưa toàn bộ dữ kiện cá nhân của công dân vào một trung tâm lưu trữ do Bộ Công An quản lý sẽ tạo điều kiện cho công an, cảnh sát dễ dàng thao túng, sách nhiễu người dân hơn trước, đồng thời cho phép công an, cảnh sát bao che, giúp đỡ cho nhau, xóa bỏ những bằng chứng tội phạm khi đồng nghiệp hoặc thuộc hạ của họ vi phạm… Ghi mã số định danh vào trong căn cước công dân chỉ giúp cho công an nhanh chóng bắt giữ, tống giam, dẹp gọn những người phản kháng chế độ“.

Báo Thanh Niên có cilp phỏng vấn người dân về nỗi ám ảnh của sổ hộ khẩu:


Cách mạng tháng 10 Nga
Trang Dân Luận có bài dịch: Một trăm năm Cách mạng Nga: Cách mạng Nga đã gây ra những tổn thất kinh hoàng. Bài viết khẳng định, cuộc “đảo chính” của Lenin ngày 7/11/1917 đã tạo ra “chế độ nô lệ dành cho tất cả mọi người“. Chế độ kế hoạch hóa nền kinh tế tập thể đã dẫn tới tình trạng “cưỡng bức, bạo lực và giết người hàng loạt”.

Liên Xô sau 70 năm từ “đất nước lớn nhất hành tinh, với những nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, nhưng không thể đáp ứng được những nhu cầu cơ bản của người dân. Không có quyền sở hữu và các thể chế thị trường dựa trên quyền sở hữu, hệ thống không có những phương tiện phân bổ hợp lý nguồn lực.

Facebooker Phạm Nguyên Trường cũng chỉ ra sai lầm chết người của Chủ nghĩa Mark, đó là xóa bỏ chế độ sở hữu tư nhân. Còn “xã hội dựa trên sở hữu tập thể là xã hội đơn điệu, nghèo nàn, bàng bạc, thiếu sức sống, thậm chí là thoái hóa dần cả về vật chất lẫn nhân cách. VÀ CHẮC CHẮN LÀ KHÔNG THỂ TỒN TẠI MÃI ĐƯỢC”.

Trong khi tại “tiền đồn XHCN” thì “từ trung ương tới địa phương, trong cộng đồng cựu lưu học sinh, công nhân, và cả trên… Facebook”, người ta vẫn rộn ràng kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười Nga. Không chỉ có vậy, thay vì hướng tới người dân các tỉnh Nam Trung Bộ đang gồng mình chống chọi mưa bão, người ta lại kéo nhau ra dâng hoa tưởng niệm tại Tượng đài V.I.Lenin.

Nhà báo Nguyễn Thông viết“Không thể hiểu nổi, một đám người vẫn được coi (hoặc tự nhận) là tinh hoa của đất nước mà lại ngồi nghe ông lão cổ hủ chê bai ‘việc xa rời những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lênin của những người lãnh đạo cao nhất của đảng (CS Liên Xô) lúc đó’, coi sự thay đổi của Liên Xô là ‘biến cố đầy bi kịch’, chê chủ nghĩa tư bản tàn bạo bóc lột… rồi cùng nhau vỗ tay tán thưởng“.

Ông Thông viết tiếp: “Tôi nói thật, nhiều người dân như tôi vẫn hằng trông đợi xứ này có được những con người như Gorbachov, Eltsin để dân này nước này tháo cũi sổ lồng mà bay lên, chứ các ông đứng đó ngồi đó mà chê bai mạt sát người ta, không biết ngượng“.

GS Trần Đình Sử viết: “Liên xô rất đông đảng viên, song khi sụp đổ không một đảng viên nào đứng ra cứu đảng. Sụp đổ là tất yếu cho chế độ chuyên chế, do lí thuyết viễn vông phản khoa học. Mọi chế độ chuyên chế viễn vông như thế rồi sẽ sụp đổ“.

Blogger Phương Thơ viết: Hậu quả do cơn bão số 12 gây ra gây tổn thất tài sản và nhân mạng quá lớn lao, “ấy vậy mà ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vẫn ung dung như không hề có chuyên gì, và ông này còn phát biểu khai mạc tại lễ kỉ niệm 100 năm Cách mạng Tháng Mười (October Revolution). Những người mà lãnh đạo đất nước như vậy chỉ có thể họ không phải là sinh ra và lớn lên ở VN hoặc họ không phải là người VN“.

Báo QĐND lại lên đồng: Không thế lực chính trị nào có thể phủ nhận được vai trò lịch sử trọng đại của Cách mạng Tháng Mười. TS Cao Đức Thái, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, bác bỏ quan điểm của “các thế lực thù địch”, cho rằng: “Đảng Cộng sản Việt Nam xây dựng kinh tế theo mô hình Liên Xô”.

TS Thái nói rằng, từ 1986 đến nay, ĐCSVN không còn theo mô hình Liên Xô, mà “mô hình xây dựng xã hội XHCN của nhân dân ta theo mô hình CNXH kiểu mới với nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân, vì dân; với nền kinh tế thị trường định hướng XHCN“. Ông Thái nói sai rồi, VN là nhà nước “đảng quyền”, “của đảng, do đảng, vì đảng” thì đúng hơn.
Facebooker Ngô Trường An viết: “Có một điều hết sức kỳ lạ là người cộng sản luôn luôn đi ngược lại trào lưu văn minh, tiến bộ của nhân loại… Những thứ nhân loại vứt đi, thì CSVN cố níu kéo giữ lại. Những thứ mà nhân loại cần nó để kết nối, phát triển thì CSVN muốn vứt đi. Điều này cho thấy: Đảng CSVN còn lãnh đạo, thì dân tộc này sẽ không bao giờ ngóc đầu lên được. Chắc chắn là như thế!”

Ối, ông Nhị Lê có bài “khủng” trên Tạp chí Cộng sản: Đối thoại Chân lý Tháng Mười: Chủ nghĩa xã hội – Cái tất yếu hiện thực trăm năm thành xu thế! Bài viết kết luận: “Tiếp bước Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917, Cách mạng Tháng Tám năm 1945 dẫn dắt Dân tộc Việt Nam đã đi, đang đi, và tiếp tục đi một cách kiên định trên Đường Lớn Tháng Mười… dù không nhanh như chúng ta mong đợi!“

VOA có bài: Lãnh đạo VN kỷ niệm, giới trẻ ‘không nhớ’ CM tháng 10 Nga. Dẫn lời nam sinh viên Triệu Quang Minh, 17 tuổi, nói: “Thực ra cuộc cách mạng này bọn cháu học từ mấy năm trước rồi, cho nên là bây giờ cháu cũng không nhớ nữa ạ. Người ta quan tâm làm sao học cho giỏi, sau này kiếm được nhiều tiền. Theo xu thế, mọi người muốn là nếu có điều kiện thì đi du học, ra nước ngoài học càng nhiều càng tốt. Tại vì môi trường bên đấy vừa tốt hơn, sau này bằng cấp cũng sẽ tốt hơn ở Việt Nam, sau này sẽ kiếm được thu nhập nhiều hơn”.

Facebooker Nguyễn Ngọc Chu đặt câu hỏi: Sao chúng ta cứ phải một mình lạc lõng một đường? Tác giả cho biết: “Nhà nước Việt Nam là nhà nước duy nhất trên quả địa cầu kỷ niệm Cách Mạng Tháng Mười Nga“, trong khi “Cách mạng Tháng Mười đã chết ở nước Nga từ năm 1991“. Vì vậy, “không kẻ ký sinh nào sống được khi cơ thể mà nó ký sinh nhờ đã chết. Kéo dài tư tưởng Cách mạng Tháng mười Nga ở Việt Nam là đi ngược với quy luật khách quan”.


Bất lực trước tham nhũng
Báo Tiền Phong có bài: ĐBQH: 92% số tiền tham nhũng bị tẩu tán, không thu hồi được. Đại biểu Nguyễn Văn Hiển (Lâm Đồng) cho rằng: “Tổng kết 10 năm thi hành luật Phòng chống tham nhũng thì hơn 92% số tiền tham nhũng bị tẩu tán, không kiểm soát và thu hồi được. Với những số liệu nêu trên cho thấy việc thu hồi tài sản là quá nhỏ so với thiệt hại lớn mà tội phạm tham nhũng gây ra cho ngân khố quốc gia“.

Đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) cho biết: “Nguyên nhân là do đa số tội phạm tham nhũng là tội phạm ẩn, người phạm tội thường là người có vị trí, có trí thức nên che giấu rất tinh vi, tẩu tán tài sản, tiêu xài hoang phí… Trong việc xử lý các vụ việc tham nhũng, các cơ quan cần kịp thời áp dụng biện pháp cưỡng chế như kê biên, phong toả tài sản ngay từ đầu”.

Không hoàn toàn như vậy đâu, bà đại biểu Phương Hoa. Rõ ràng là, ông Cục trưởng Phạm Trọng Đạt nói: “Luật không quy định truy nguồn gốc tài sản vợ chồng ông Quý”. Luật không cho phép truy nguồn gốc của kẻ tham nhũng thì làm sao mà thu hồi tài sản tham nhũng cho được?


Tinh giản biên chế
Báo Đất Việt có bài: Sáp nhập cấp Bộ: Khó cũng phải làm. PGS. TS. Ngô Thành Can, cho rằng, về công tác quản lý cán bộ phải xác định rõ từ trên xuống dưới: Một trưởng chỉ có 2 hoặc 3 cấp phó. “Quan điểm chung là phải xác định được rõ ràng mục tiêu của việc sáp nhập là hướng tới tính hiệu quả của tổ chức bộ máy, được thể hiện bằng công việc được giải quyết mang tinh thần phục vụ nhân dân“.

GS.TS. Nguyễn Đăng Dung nhấn mạnh: “Công chức là người lo cho dân. Chứ không phải dân đi lo công chức không có việc làm“.


Giáo dục
Trang GDVN có bài: Cần cắt bỏ biên chế lực lượng nào trong giáo dục? Tác giả cho rằng, cần bỏ biên chế cho chức danh “phó giám đốc trung tâm GD cộng đồng” ở mỗi xã, phường, thị trấn, bởi các giáo viên làm việc ở các trung tâm này không có công việc cụ thể, nhưng mỗi tháng phải chi gần chục triệu tiền lương và tiền phụ cấp cấp chức vụ.
Tác giả viết, “có 11.164 ông bà phó giám đốc trung tâm giáo dục cộng đồng… ngồi chơi rồi hết tháng nhận lương. Một sự lãng phí vô cùng lớnLiệu chúng ta có cần duy trì các trung tâm giáo dục cộng đồng nữa hay không?


Người hiến hơn 5000 lượng vàng cho cách mạng qua đời
Trang VN Finance có bài: Vĩnh biệt bà Hoàng Thị Minh Hồ, người từng hiến 5.000 lượng vàng cho cách mạng. Cụ bà Hoàng Thị Minh Hồ, vợ nhà tư sản Trịnh Văn Bô, là người đã hiến tặng cho nhà nước 5.147 lượng vàng trong Tuần lễ vàng năm 1945, vừa qua đời hồi 23h20 đêm 5/11, hưởng thọ 104 tuổi.

Bà Hoàng Thị Minh Hồ. Ảnh: Thanh niên

Blog Tễu dẫn bài của blogger Quốc Phong: Tượng đài kinh doanh tơ lụa đích thực của Việt Nam đã ra đi. Không chỉ hiến hơn 5000 lượng vàng, mà vợ chồng cụ Trịnh Văn Bô cònhiến cả ngôi nhà số 48 Hàng Ngang, điện tích đất cả ngàn mét vuông, trị giá cả trăm tỷ đồng để làm di tích Cách mạng. Tác giả viết: “Đây có thể coi là một hình mẫu doanh nhân Việt Nam tiêu biểu, đã giỏi làm ăn lại có đạo đức, thương người và luôn biết hy sinh, một lòng một dạ phụng sự nền độc lập, tự do của dân tộc“.

Hơn bốn năm trước, báo Tiền Phong có bài viết kể lại chuyện gian nan đi đòi nhà của cụ bà Hoàng Thị Minh Hồ. Đó là căn nhà số 34 Hoàng Diệu, mà vợ chồng bà cho Thiếu tướng Hoàng Văn Thái mượn từ năm 1954, với thời hạn 2 năm (1954-1956). Sau nhiều lần đòi nhà, với bao nhiêu giấy tờ và lời hứa trả nhà từ các lãnh đạo cao cấp nhất, mãi đến gần 50 năm sau, ngày 9/10/2003, gia đình cụ mới lấy lại được căn nhà bằng cách, ban đêm “vượt rào bí mật đột nhập vào chính nhà mình“.

Vụ ám sát Kim Jong-nam
VOA có bài: Đoàn thị Hương, Aisyah ‘gặp giới chức Triều Tiên’ sau khi giết Kim Jong Nam. Trưởng đoàn điều tra của cảnh sát, ông Wan Azirul Nizam Che Wan Aziz nói trước tòa rằng, “Siti Aisyah và Đoàn thị Hương được thâu hình khi gặp gỡ với giới chức sứ quán Triều Tiên và quản trị viên Air Koryo tại cổng chính của phi trường chưa đầy 1 giờ sau cuộc tấn công”.

RFI đưa tin: Vụ sát hại Kim Jong Nam: Malaysia công bố tên bốn nghi can Bắc Triều Tiên. “Theo sĩ quan phụ trách cuộc điều tra Wan Azirul Nizam Che Wan Aziz, bốn người đó là Hong Song Hac, 34 tuổi, được cho là nhân vật “M.Chang’ ; Ri Ji Hyon, 33 tuổi (Mr Y) ; Ri Jae Nam, 57 tuổi (Hanamor) và O Jong Gil (James). Cả bốn đã đào tẩu khỏi Malaysia sau vụ ám sát, hiện đang bị Interpol truy nã quốc tế“.

Tin quốc tế

Tin châu Á
RFI có bài điểm báo: Châu Á: Sàn đấu tay ba cho « Trump – Tập – Kim »? Báo Le Figaro bình luận: “Chuyến thăm Trung Quốc lần này của nguyên thủ Mỹ lộ rõ một nét tương phản về vị thế giữa hai nguyên thủ cường quốc hàng đầu thế giới. Một bên là Tập Cận Bình đầy quyền lực sau kỳ Đại Hội Đảng Cộng Sản lần thứ 19. Và bên kia là một Donald Trump, uy tín đang bị suy yếu trong các cuộc thăm dò sau một năm lên nắm quyền vì những tiến triển cuộc điều tra Nga can dự vào bầu cử tổng thống Mỹ”.

RFI có bài: Chuyến công du nhạy cảm của Donald Trump tại châu Á. Đối với Trung Quốc, theo đánh giá của ông Ryan Hass, chuyên gia về châu Á của trang Brooking Institution, “ông Tập có lẽ sẽ hài lòng về chuyến công du mang tính biểu tượng cao, nhưng lại nhẹ nhàng về mặt nội dung, chủ yếu là do ông Tập không muốn, hoặc không cần nhiều từ phía ông Trump”.

RFI có bài bình luận về những “thành công” trong chuyến công du Châu Á: Donald Trump liệu có thất thế trước Tập Cận Bình ở châu Á? Theo tờ báo có uy tín tại Anh Quốc, The Observer, “các nhà quan sát dự đoán là ông Tập Cận Bình sẽ có một số nhượng bộ về thương mại có vẻ to tát, nhưng chủ yếu là mang tính chất hình thức, để thỏa mãn chương trình ‘Nước Mỹ Trên Hết’ của ông Trump, cho phép ông khoe khoang một thành công lớn. Trung Quốc cũng có thể hứa giúp gây sức ép lên Bắc Triều Tiên, nhưng Bắc Kinh sẽ không đi xa hơn những biện pháp hiện hành”.

BBC có bài: Trump thăm châu Á: Những điều cần biết. Nhà Trắng cho biết ông Trump có 3 mục tiêu: “Củng cố nỗ lực quốc tế để bãi bỏ chương trình hạt nhân của Bắc Hàn; Thúc đẩy khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do, cởi mở; Giúp Hoa Kỳ phồn thịnh nhờ thương mại công bằng”.

RFI có bài: Chống Bình Nhưỡng, Donald Trump biểu dương đồng thuận với Shinzo Abe. Trong cuộc họp báo chung với thủ tướng Shinzo Abe tại Tokyo ngày 06/11/2017, “tổng thống Mỹ Donald Trump xác định tinh thần liên đới với Nhật Bản, trên tuyến đầu đối phó với Bắc Triều Tiên”.

Chuẩn Đô đốc Mỹ nêu ý kiến: ‘Tấn công là cách duy nhất giải giáp Bắc Hàn’. BBC đưa tin về một bức thư của Chuẩn đô đốc Michael Dumont, thay mặt cho Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, gửi Nghị sĩ Ted Lieu. Ông Dumont cho biết: “Cách duy nhất để định vị và tiêu diệt toàn bộ tất cả các cơ sở của chương trình vũ khí hạt nhân tại Bắc Hàn là tấn công thực địa”.

Tại Hồng Kông, không tôn trọng quốc ca Trung Quốc có thể bị phạt nặng. RFI cho biết, “Luật mới về việc tôn trọng quốc ca sẽ được trình lên nghị viện Hồng Kông”. Đây là một biện pháp của Bắc Kinh nhằm thắt chặt quyền tự do của người dân Hồng Kông. Ở Trung Quốc, việc không tôn trọng quốc ca có thể bị phạt tù tới ba năm và bị tước các quyền chính trị.


Tin nước Mỹ
Liên quan tới vụ rò rỉ hồ sơ “Thiên đường thuế”: Bộ trưởng Mỹ giải thích liên hệ với Nga. BBC dẫn lời Bộ trưởng Thương mại của Mỹ, ông Wilbur Ross, cho rằng, “không có gì sai trái về liên hệ làm ăn của ông với những nhân vật người Nga đang chịu lệnh trừng phạt từ Mỹ”.

Thông tin về hồ sơ rò rỉ cho biết, ông Ross đã đầu tư vào công ty tàu thủy Navigator Holdings, có doanh thu hàng triệu đôla mỗi năm nhờ vận chuyển dầu khí cho tập đoàn Sibur. Hai cổ đông của Sibur đã nhận lệnh trừng phạt của Mỹ gồm: Tỉ phú Nga Gennady Timchenko và Leonid Mikhelson.

Báo Người Việt đưa tin: Giơ ngón tay giữa vào đoàn xe TT Trump, bị đuổi việc. Bà Juli Briskman, giơ ngón giữa vào hướng đoàn xe của Tổng Thống Donald Trump trong lúc bà đang đi xe đạp. Mặc dù mất việc, bà Briskman không hối hận với việc mình làm. Bà nói: “Tôi tức giận về hiện trạng của đất nước chúng ta. Tôi cảm thấy kinh hoàng. Đây là cơ hội để tôi nói lên điều gì đó”.

VOA đưa tin: 26 người chết trong vụ xả súng ở nhà thờ bang Texas. Nhân viên an ninh Freeman Martin cho biết, “hung thủ sau đó được xác định tên là Devin P. Kelley, một thanh niên da trắng, mặc đồ màu đen và mặc áo chống đạn. Hung thủ dùng loại súng trường tấn công, trước tiên nổ súng bên ngoài nhà thờ First Baptist, rồi tiến vào trong nhà thờ và tiếp tục nhả đạn”.

VOA đưa tin: Flanagan, phụ nữ Mỹ đầu tiên đoạt giải Marathon New York. Cô Flanagan trở thành “phụ nữ Mỹ đầu tiên thắng cuộc đua marathon thành phố New York trong 40 năm qua, với thành tích 2 giờ, 36 phút và 45 giây”.


Châu Âu, Trung Đông
BBC có bài: Thiên đường thuế: Rò rỉ bí mật tài chính giới siêu giàu. Tin cho biết, “Bộ hồ sơ tài chính mới bị rò rỉ đã cho thấy cách tầng lớp siêu giàu và đầy quyền lực, gồm cả công ty đầu tư của Nữ hoàng Anh, đã đầu tư tiền vào các ‘thiên đường thuế’.” RFI: “Paradise papers”: Thêm một vụ lách luật tránh thuế lớn bị phát lộ.

Về khủng hoảng Catalonia: Cựu chủ tịch Catalunya và bốn cộng sự được tự do có điều kiện tại Bỉ. RFI cho biết về các điều kiện: “Ba điều kiện để tránh bị bắt giam ngay lập tức: Thứ nhất là họ phải có địa chỉ cố định và có thể xác định được; thứ hai là họ phải có mặt ở tất cả các giai đoạn trong quá trình tố tụng hoặc phải ra trình diện khi có lệnh triệu tập và cuối cùng là họ không được phép rời khỏi Bỉ nếu không có sự chấp thuận của thẩm phán điều tra”.

RFI có bài: Hai tỉ người thừa cân, hàng trăm triệu trẻ suy dinh dưỡng. Báo cáo của Global Nutrition Report công bố hôm nay 04/11/2017 cho biết: “Trên 155 triệu trẻ em dưới 5 tuổi tăng trưởng chậm vì thiếu ăn, và 52 triệu em bị nhẹ cân. Ngược lại, hai tỉ trong số bảy tỉ người trên thế giới hiện nay có trọng lượng vượt mức trung bình hoặc béo phì. Riêng tại Bắc Mỹ, một phần ba dân số trưởng thành bị béo phì”.

Về hậu quả của biến đổi khí hậu: Thiên tai ‘ngày càng làm khổ nhân loại’. BBC dẫn báo cáo của tổ chức Oxfam cho biết: “Gần 200 triệu người trên thế giới phải sơ tán do ảnh hưởng của thiên tai trong vòng 9 năm qua”.

------------------------------------------

Bài Mới Nhất
07/11/2017
07/11/2017
07/11/2017
07/11/2017
07/11/2017
07/11/2017
07/11/2017
07/11/2017
07/11/2017
07/11/2017










No comments:

Post a Comment