Posted on 15/11/2017
Người
ta có thể yêu ghét một quan điểm, có thể cổ vũ nó hoặc phê phán nó, đó là chuyện
thường. Song cái ý muốn đàn áp kẻ nói chướng tai mình thì lại không bình thường
chút nào. Bởi lẽ, tuy công luận không nắm trong tay vũ khí và sức mạnh cưỡng
chế như nhà cầm quyền, nó lại là một bàn tay vô hình có khả năng bóp chết tự do
hiệu quả không kém gì những kẻ mang dùi và súng.
Ở bài
xã luận trước, tôi viết để thảo luận về việc hành động biểu tình
chống Donald Trump của Mai Khôi là một cách biểu đạt hết sức thông thường trong
các nền dân chủ.
Song nay, tôi nhận thấy rằng câu chuyện không chỉ dừng
lại ở đó. Bên cạnh những tiếng nói phản biện ôn hòa, còn là vô vàn lời đòi hỏi
phải hạn chế quyền tự do biểu đạt vì lẽ công – dung – ngôn – hạnh của nữ nhân,
vì thuần phong mỹ tục vân vân.
Sẽ tốt thôi nếu chúng ta đăng đàn một cuộc tranh luận
bài bản cho cái vấn đề “đâu là giới hạn của tự do biểu đạt”.
Nhưng thiết nghĩ, trong một xã hội mà chỉ một chút
hơi hướm tự do mới ngoi lên đã bị nhà cầm quyền đóng bẹp xuống và công luận dẫm
nát như tương, thì việc lôi vấn đề “hạn chế tự do” ra có vẻ quá sớm so với việc
“làm sao để có được tự do”. Chẳng khác nào đòi rào giữ một con chim để ngăn nó
bay xa khi mà nó hãy còn bị nhốt ở trong lồng.
Cái lồng
sắt vốn đã chật hẹp…
Cũng tầm tháng 11 này năm 2015, khi người Việt đổ ra
đường phản đối chuyến thăm Việt Nam của Chủ tịch Trung Quốc Xi Jinping (Tập Cận
Bình), chính quyền đã bắt dân biểu tình ở Sài Gòn về đồn, dồn người phản kháng ở
Hà Nội lên xe buýt.
Hai năm sau, một cô gái giăng tấm biểu ngữ chỉ trích
Tổng thống Mỹ Donald Trump khi ông này đến Hà Nội, ngay lập tức cô bị an ninh
sách nhiễu, buộc phải rời khỏi căn hộ mà cô đang sinh sống yên lành.
Bởi thực thi quyền tự do của mình, mà họ đều bị nhà
cầm quyền đàn áp thậm tệ. Nhưng đây không phải là điều gì mới mẻ.
… lại
còn chằng chịt kẽm gai
Cái lạ ở đây là, trong khi đa số người Việt cổ vũ cuộc
biểu tình hai năm trước, thì nay nhiều người trong số họ lại ủng hộ cái cách
chính quyền đàn áp cô gái đã “dám mắng khách khi khách tới chơi nhà”. Trong
khi, xét về mặt bản chất, hai hành động biểu tình này đều là cách các cá nhân
thể hiện quyền tự do biểu đạt, cụ thể là bày tỏ thái độ đối với một chính khách
nước ngoài khi họ tới Việt Nam.
Người ta có thể yêu ghét một quan điểm, có thể cổ vũ
nó hoặc phê phán nó, đó là chuyện thường. Song cái ý muốn đàn áp kẻ nói chướng
tai mình thì lại không bình thường chút nào. Bởi lẽ, tuy công luận không nắm
trong tay vũ khí và sức mạnh cưỡng chế như nhà cầm quyền, nó lại là một bàn tay
vô hình có khả năng bóp chết tự do hiệu quả không kém gì những kẻ mang dùi và
súng.
Mai Khôi rõ ràng là một cá nhân độc lập, có quyền tự
do đối với tư tưởng của chính mình. Cô không đại diện cho phái nữ. Cô không đại
diện cho giới trẻ. Lại càng không đại diện cho toàn thể người Việt. Không một mối
ràng buộc xã hội nào có thể tước đi của cá nhân cái quyền tự do biểu đạt khi cá
nhân ấy hoàn toàn mang tư cách là một chủ thể tự trị về mặt đạo đức.
Làn sóng phẫn nộ của cư dân mạng mấy ngày qua khi
đòi bịt miệng Mai Khôi (hiểu theo nghĩa đòi giới hạn quyền tự do biểu đạt) dù
nhân danh phẩm giá phái nữ, hay văn hóa giới trẻ, hay đạo đức người Việt, đều
cho thấy rõ một điều rằng, hành
trình đi đến tự do ở Việt Nam không chỉ bị ngáng trở bởi một chính quyền độc
tài, mà nó còn phải đối mặt với một bộ phận công luận cũng có vẻ độc tài không
kém.
Phải dỡ
kẽm gai mới tháo được lồng sắt
Có một câu nói của triết gia John Stuart Mill mà tôi
rất tâm đắc, rằng “nếu tất cả nhân loại, trừ một người, có chung một quan điểm,
và chỉ một người đó có quan điểm trái ngược, thì việc nhân loại bắt người đó im
lặng cũng không chính đáng gì hơn việc anh ta bắt cả nhân loại phải im lặng nếu
anh ta có quyền lực”.*
Chính vậy, chừng nào con người còn mang tiêu chuẩn
kép về tự do, rằng tôi ghét chính quyền chuyên chế, song chính tôi lại muốn độc
tài tư tưởng, thì chừng đó họ còn bế tắc trên con đường tìm đến tự do.
Để đạt được tự do, trước hết xã hội cần chấp nhận
cái giá của nó. Ấy là mỗi người sẽ tự nới rộng những giới hạn của chính mình để
sẵn lòng chung sống với những quan điểm bất đồng.
Rõ ràng, tư duy của công luận cởi mở được chừng nào
thì không gian tự do sẽ thoáng đãng chừng ấy. Từ đó, các quan điểm khác biệt được
thể hiện, những tranh luận được nảy sinh, cuộc va chạm giữa những luồng tư tưởng
chính là tiền đề cho sự tiến bộ của xã hội. Khi ấy, người ta sẽ không cần phải
hao công tổn sức để tranh cãi về “có được phép nói” và “nói như thế nào”, mà họ
chỉ việc tập trung vào “nói cái gì”.
Cụ thể, trong trường hợp của Mai Khôi, chúng ta
có thể tranh luận về nguyên nhân cô chỉ trích Tổng thống Trump và Trump có đáng
bị chỉ trích như vậy hay không, hoặc liệu Trump có phải chịu trách nhiệm về những
vấn đề nhân quyền trên thế giới hay không, v.v. Thế nhưng, thay vào đó, người
ta lại tấn công sự tự do của cô vì các lý do như đạo đức, văn hóa và tập tục,
rõ ràng với hàm ý ngăn chặn những hành động tương tự trong tương lai. Đó không
phải là cách làm của một công luận tự do và phê phán, mà là của một công luận độc
tài.
Chính John Mill, một người ra sức bảo vệ quyền tự do
biểu đạt, cũng “phủ nhận quyền của người dân khi họ hành xử sự ép buộc như thế
[ép buộc đòi kiểm soát sự tự do của người khác], kể cả việc họ tự mình hoặc
thông qua chính quyền thực hiện điều đó. Tự thân quyền lực đó luôn luôn có tính
chất bất hợp pháp”.*
Vậy thì, trong tình huống này, chúng ta, người Việt,
phải lựa chọn.
Hoặc mãi mãi sống trong tâm thức độc tài (cũng chính
là thứ “dưỡng chất” nuôi nấng thể chế độc tài) để thỏa thích đàn áp những kẻ
làm ta chướng tai gai mắt.
Hoặc phải chung đụng với những quan điểm ngược ngạo
khó ưa, nhưng sống và hành xử như một con người tự do.
Những hạt mầm tự do có sinh sôi, nảy nở được hay
không, chính là nhờ phần lớn vào độ màu của đất.
—
Chú thích: Các trích đoạn
của John Stuart Mill trong bài viết này được trích từ cuốn “Luận về tự do” nổi
tiếng của ông.
Đón
đọc kỳ tới: Đâu là giới hạn của quyền tự do ngôn luận
-----------------------------
14/11/2017
No comments:
Post a Comment