Sunday, October 15, 2017

TRUNG CỘNG NUÔI TƯ BẢN ĐỊA ỐC (Ngô Nhân Dụng)




Ngô Nhân Dụng
October 13, 2017

Ai là người giầu nhất nước Tàu?

Nhiều người đã nghĩ ngay tới các tỷ phú nổi tiếng thế giới nhờ khai thác kỹ thuật tin học và mạng internet, như hai ông họ Mã: Mã Hóa Đằng (馬化騰, Ma Huateng), thường gọi là Pony Ma, và Mã Vân, (馬雲, Jack Ma). Mã Hóa Đằng làm chủ công ty internet Tencent (騰訊, Đằng Tấn), có tài sản khoảng $37 tỷ. Mã Vân nổi tiếng ở nước ngoài hơn, sáng lập công ty Alibaba, giàu tới 30 tỷ.

Nhưng năm nay hai ông họ Mã chỉ đứng hàng thứ hai và thứ ba trong danh sách tỷ phú đô la bên Tàu. Đệ nhất hào phú là Hứa Gia Ấn  (許家印 Xu Jiayin, nói tiếng Quảng là Hui Ka Yan), 59 tuổi, với tài sản đáng giá $43 tỷ. Năm ngoái Hứa chỉ đứng hàng thứ chín. Hứa Gia Ấn đã chiếm ghế khôi nguyên của tỷ phú Vương Kiện Lâm (王健林, Wang Jianlin), chủ nhân công ty địa ốc Đại Liên (大連, Dalian Wanda), năm vừa qua thất bại vì đầu tư quá liều lĩnh rủi ro.

Đứng hàng thứ tư trong danh sách tỷ phú đô la cũng là một nhà kinh doanh địa ốc: Dương Huệ Nghiên (杨惠妍, Yang Huiyan), cô con gái 36 tuổi của nhà tỷ phú Dương Quốc Cường (杨国强, Yang Guoqiang), mới được hưởng tài sản của bố trị giá $24 tỷ, phần lớn là cổ phần công ty địa ốc Bích Quế Viên (碧桂園,Country Garden).

Những nhà xây cất địa ốc đứng hàng đầu các tỷ phú ở Trung Quốc là điều không ngạc nhiên. Vì thị trường nhà đất suốt mấy chục năm qua, cùng với các món nợ, lúc nào cũng căn phồng lên đe dọa sắp bùng nổ, giống cuộc khủng hoảng năm 2007 ở Mỹ. Chính quyền luôn tuyên bố sẽ kiềm chế không cho gia lên cao quá, bằng đủ các biện pháp từ tài chánh (tăng lãi suất) tới hành chánh (cấm mua bán). Nhưng cuối cùng đều lùi bước không dám mạnh tay, vì sợ sẽ kích động một vụ sụp đổ lớn. Nhà nước cứu chữa, giá nhà đất và cổ phần các công ty khai thác địa ốc lại tăng vọt. Giá cổ phiếu công ty Hằng Đại (Evergrande Group, 恒大) của Hứa Gia Ấn đã tăng gấp bốn lần so với năm ngoái, nhờ thế ông vọt lên đứng đầu bảng.

Nguyên do nào đã khiến thị trường địa ốc ở Trung Quốc lên cao như vậy? Tất nhiên nước Tàu đông dân và số dân bước vào hàng ngũ trung lưu tăng lên đều đều, họ cần mua nhà ở. Điều đáng ngạc nhiên là ở các thành phố và thị xã lớn trong lục địa dư nhà, nhà xây xong bán không được vì đắt quá! Ai cũng thấy nhan nhản những khu chúng cư đêm nào đèn đóm cũng tối thui không người ở, kéo dài ngày này sang tháng khác. Không ai mua, cũng không cho thuê được. Nhưng trong lúc đó, các công ty địa ốc vẫn tiếp tục xây dựng thêm nhà cửa và cao ốc mới! Hiện tượng này hoàn toàn trái ngược với quy tắc cung cầu của thị trường!

Giá nhà cửa tăng lên đều đều năm này qua năm khác khiến ai có tiền cũng tìm cách mua nhà trong lúc giá chưa lên; và các công ty địa ốc càng đầu tư thêm vì biết chắc sẽ có lời. Giá nhà tăng từ 8% đến 16% mỗi năm, trong lúc tổng sản lượng nội địa (GDP) chỉ tăng trên 6%! Có cái gì kỳ lạ trong cơ cấu kinh tế này?

Một bí mật trong thị trường địa ốc mà người đi qua đường không biết, là vai trò của chính phủ.

Chính quyền các địa phương luôn bỏ tiền ra mua, hoặc trợ cấp cho các người ta mua những ngôi nhà và cao ốc ế không bán được. Năm ngoái, chính quyền các tỉnh, huyện đã mua 18% diện tích những căn hộ mới bán. Tổng số tiền họ bỏ ra lên tới $100 tỷ.

Vì nhà nước biết rằng nếu các công ty địa ốc hãm tốc độ, không xây cất theo nhịp độ trước nữa, thì kinh tế không lên. Họ phải bơm tiền vô, để làm đẹp bản báo cáo thành tích “tăng trưởng kinh tế!”

Đằng sau chính sách xây nhà mua nhà này là một cái vòng luẩn quẩn. Các địa phương vay tiền ngân hàng của đảng để mua nhà. Công ty địa ốc bán xong, lại có tiền đi mua thêm đất công của tỉnh, của huyện, xã mà xây tiếp.  Bán đất công được tiền, nhà nước trả nợ ngân hàng một phần, rồi lại vay thêm nữa, nợ mới lớn hơn nợ cũ, ngày càng cao hơn. Quả bom nợ phồng to hơn.

Các nhà xây dựng cũng đi vay các ngân hàng. Khi xây xong nếu không bán được nhà mới, lo phá sản, thì nhà nước lại bước vào giúp một tay. Những căn hộ được nhà nước giúp mua phần lớn để cấp hay bán giá rẻ cho những người bị đuổi nhà (để chiếm đất trao cho các nhà tư bản khai thác). Họ mất nhà mất đất nhưng được đền bù bằng những căn hộ trong chúng cư, dù giá trị thấp hơn nhưng cũng gọi là an ủi.

Đồng tiền cứ chạy qua chạy lại giữa các quan chức nhà nước và ngân hàng, cũng của nhà nước. Người dân phải đổi chỗ ở cũng chạy lòng vòng chung quanh. Các món nợ khổng lồ của chính quyền địa phương và của các công ty địa ốc ngày càng lớn, đe dọa có ngày gây khủng hoảng.

Đằng sau trên sân khấu địa ốc này, các quan chức có cơ hội chấm mút và các đại gia địa ốc làm giầu. Các ông Hứa Gia Ấn, Vương Kiện Lâm và bà Dương Huệ Nghiên đã trở thành những người giầu nhất nước. Công ty Hằng Đại (Evergrande Group, 恒大), của ông Hứa Gia Ấn cuối năm ngoái nợ 50 tỷ đô la. Các nhà phân tích tính rằng số nợ lớn gấp mười lần giá trị cổ phần của công ty.

Đảng Cộng Sản Trung Quốc vẫn tự xưng là đại biểu của giai cấp lao động. Trong thực tế, họ  đang phục vụ các đại gia địa ốc. Nhưng câu chuyện địa ốc trên đây chỉ là một phần nhỏ trong chính sách kinh tế của Trung Cộng. Các lãnh tụ đảng cộng sản cũng không quên chính họ. Một chính sách lớn khác đang được chuẩn bị thi hành sau đại hội thứ 19 của đảng, khai mạc trong tuần tới: Họ sẽ kìm hãm đà phát triển của lãnh vực tư nhân trong kinh tế, để củng cố thế lực các doanh nghiệp nhà nước, vẫn được coi là rường cột của đảng.

Đảng Cộng Sản cần giữ các xí nghiệp quốc doanh. Vì đó là dụng cụ để ban phát quyền lợi cho các cán bộ trung thành với phe nhóm đang nắm quyền. Đó cũng là nơi nuôi dưỡng các đảng viên cấp dưới không có khả năng cạnh tranh trong một thị trường đích thực. Mỗi lần các lãnh tụ mới lên đều tìm cách gạt bỏ tay chân của các lãnh tụ cũ, như Tập Cận Bình đã ra tay truy sát những đàn em của Hồ Cẩm Đào và Giang Trạch Dân. Hơn nữa, các xí nghiệp và ngân hàng quốc doanh cũng là dụng cụ để nhà nước điều chỉnh chính sách kinh tế từng giai đoạn, khi cần tăng giảm mức sản xuất một ngành nào đó, mà nếu để cho tư nhân quyết định trong thị trường tự do thì không đạt được mục tiêu.

Các xí nghiệp tư đóng góp 70% trong kinh tế Trung Quốc hiện nay. Đó là nhờ từ thời Đặng Tiểu Bình đổi mới “cho tự do làm giàu.” Nhưng khi nhiều tư nhân vươn lên, độc lập với chính quyền về mặt kinh tế, thì quyền uy của đảng bị giảm bớt. Tập Cận Bình đang chặn bớt lãnh vực tư để củng cố quyền chỉ huy kinh tế. Có hai cách, dành thị trường cho các doanh nghiệp nhà nước và cứu các xí nghiệp này khỏi bị vỡ nợ.

Bắc Kinh đã can thiệp trắng trợn. Chính quyền ép các đại công ty tin học Tencent và Alibaba phải góp $4 tỷ để mua 13% cổ phần của China Unicom, trong lúc chính công ty quốc doanh này đang trên đà khủng hoảng vì nợ.

Trung Cộng cũng ngăn cản không cho các mỏ than nhỏ và lò luyện thép nhỏ của tư nhân, để bảo vệ thị trường cho các công ty của nhà nước. Trong năm 2017, đảng Cộng Sản ra lệnh toàn quốc giảm sản xuất thép vì kho hàng ứ đọng không xuất cảng được khi giá cả trên thế giới xuống thấp quá. Những lò luyện thép tư nhân bị bắt đóng cửa. Hai đại công ty thép của nhà nước Baosteel và Wuhan Stell đã hợp nhất để tăng thế lực; cũng như hai công ty than đá và điện lực Guodian (Quốc Điện tập đoàn,电集团) và Shenhua (Thân Hoa, 申花). Đảng Cộng Sản dành độc quyền cho các xí nghiệp công, chúng muốn bán giá cao bao nhiêu cũng được, để nuôi các đảng viên. Nhờ được đảng hỗ trợ, Tháng Tám năm nay các xí nghiệp quốc doanh đã đạt mức lời 6.3% trên giá bán, tăng vọt từ lợi suất 3.8% đầu năm ngoái. Trong khi đó mức lời trung bình của các xí nghiệp tư chỉ là 5.7% không thay đổi.

Đảng Cộng Sản phải can thiệp để cứu các doanh nghiệp nhà nước vì những con khủng long kinh tế này không thể tự sống được trong thị trường cạnh tranh. Công ty dầu lửa quốc doanh Trung Quốc Thạch Du, CNPC (China National Petroleum Co.) sản xuất số lượng dầu và khí không hơn công ty Exxon Mobil của Mỹ bao nhiêu, nhưng sử dụng số nhân viên đông gấp bảy lần. Lợi suất trên vốn nhà (urn on equity) của công ty quốc doanh Trung Cộng là 1.7%, còn Exxon được 7%. Đấy là sau khi CNPC đã được nhà nước cho độc quyền và ấn định giá bán bắt dân tiêu thụ phải chịu.

Tập Cận Bình vẫn hô hoán đòi cải tổ, cải tổ, hô to khẩu hiệu “thị trường hóa” kinh tế. Nhưng trong thực tế, mối quan tâm chính của người cộng sản là quyền hành. Quyền của chính bản thân, và quyền của đảng. Để củng cố quyền hành, vẫn phải bóp cổ người tiêu thụ, tức là người dân bình thường, bắt chẹt cả giới làm ăn nhỏ và các nhà tư bản độc lập. Trước nguy cơ trái banh địa ốc và nợ nần nổ bùng, để lo bảo vệ đảng, họ thả cho các quan chức địa phương tiếp tục bơm tiền vào thị trường nhà cửa, khiến hai trái banh nhà cửa và cùng nợ phồng to thêm. Khi nào hai trái banh chứa đầy hơi nóng đó nổ cùng một lúc thì cũng chỉ những người dân bình thường gánh họa.







No comments:

Post a Comment