Tuesday, October 3, 2017

TIN CẬP NHẬT THỨ HAI 2/10/2017 (Lê Minh Nguyên)





Tin Thế Giới

1.
Tổng thống Hoa Kỳ tiếp đón Thủ tướng Thái

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump vào ngày 2/10 tiếp đón Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-Ocha tại Nhà Trắng.
Đây là chuyến thăm Hoa Kỳ đầu tiên sau ba năm Thủ tướng Prayuth lên lãnh đạo chính quyền quân sự Thái Lan và diễn ra không bao lâu sau khi cựu Thủ tướng Yingluck Shinawatra bị kết án 5 năm tù vì tội xao nhãng trách nhiệm trong chương trình trợ giá lúa gạo của chính phủ.
Một phát ngôn nhân của Hội đồng An ninh Quốc gia Hoa Kỳ, yêu cầu giấu tên, nói rằng Mỹ sẽ tiếp tục thúc giục Thái Lan khôi phục nền dân chủ và tự do dân sự. Ông này từ chối bình luận về chi tiết buổi gặp mặt nhưng nói rằng hai nhà lãnh đạo có thể sẽ thảo luận về các chính sách tăng cường mối quan hệ hai quốc gia.
Ông John Sifton, thuộc Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Human Rights Watch, cho rằng hai ông sẽ không bàn luận nhiều đến vấn đề nhân quyền trong chuyến thăm lần này, vì bấy lâu nay vị chủ nhân mới của Nhà Trắng luôn ca ngợi những nhân vật độc tài trên khắp thế giới mà không màng đến sự đàn áp của họ.
Các nhà phân tích nhận định rằng việc Hoa Kỳ trải thảm đỏ tiếp đón Thủ tướng Thái cho thấy có sự chuyển biến trong chính sách ngoại giao của Mỹ vì bấy lâu nay Tổng thống Trump luôn nhắc đi nhắc lại lý thuyết là “Hoa Kỳ trước” tức là ưu tiên lợi ích chiến lược và thương mại của Washington lên hàng đầu. - RFA
|
|
2.
Anh: Thủ tướng May đối mặt với nhiều rủi ro tại hội nghị Đảng Bảo Thủ

Hôm qua, 01/10/2017, tại Manchester, Đảng Bảo Thủ họp hội nghị thường niên. Đây là dịp để thủ tướng Theresa May cố gắng giành lại quyền kiểm soát trong bối cảnh bà phải đối mặt với những chỉ trích ngay trong đảng của mình về chiến lược Brexit cũng như kết quả tồi tệ trong cuộc bầu cử lập pháp hồi tháng Sáu vừa qua.
Từ Manchester, đặc phái viên Muriel Delcroix gửi về bài tường trình :
« Đây gần như là một hội nghị đầy hiểm nguy đối với Theresa May. Bị coi là người phải chịu trách nhiệm về sự thất bại trong cuộc bầu cử lập pháp hồi tháng Sáu do chính bà chủ xướng, thủ tướng Anh đến Manchester trong vị thế không thuận lợi : phe bảo thủ chỉ trích bà không biết cách thu hút phiếu bầu của giới trẻ và đặt nước Anh vào vị thế yếu trong các cuộc đàm phán với Bruxelles về Brexit.
Bởi vì, cho dù cách nay vài ngày, tại Floriencia, bà có đưa ra một số đề nghị phù hợp hơn, nhưng thủ tướng Anh dường như vẫn chưa lấy lại được thế chủ động. Đặc biệt là bà đã bị một số nhân vật quan trọng trong Đảng Bảo Thủ coi thường. Đây là những người chủ trương một Brexit cứng rắn và cho rằng bà đã chấp nhận quá nhiều thỏa hiệp quan trọng đối với Liên Hiệp Châu Âu. Những nhân vật cạnh tranh với thủ tướng Anh tranh thủ sự yếu thế này để phá hoại uy thế của bà và nhăm nhe gần như công khai vị trí lãnh đạo của bà, nhất là ngoại trưởng Boris Johnson.
Bầu không khí trở nên nặng nề hơn khi mà ở hành lang hội nghị có nhiều tiếng nói bất bình và ở bên ngoài, trên đường phố của Manchester thì vang lên những khẩu hiệu của những người biểu tình phản đối.
Hôm qua, hai cuộc tuần hành lớn, chống phe bảo thủ và chống Brexit đã diễn ra gần trung tâm hội nghị, nơi mà thủ tướng bảo thủ Anh đang tìm mọi cách để sống sót". - RFI
|
|
3.
ĐH Oxford gỡ bỏ ảnh bà Suu Kyi --- Myanmar đề nghị nhận lại người tỵ nạn Rohingya

Đại học Oxford, nơi bà Aung San Suu Kyi từng là sinh viên, đã gỡ bỏ bức chân dung của bà khỏi một trường (college), theo sau chỉ trích quốc tế về vai trò của bà trong khủng hoảng nhân đạo ở Myanmar.
Bạo lực tại Myanmar đã khiến hơn 400 nghìn người Hồi giáo Rohingya vượt biên sang quốc gia láng giềng Bangladesh.
Nữ lãnh đạo thực quyền của Myanmar bị chỉ trích là đã bác bỏ cáo buộc thanh trừng sắc tộc của Liên Hiệp Quốc.
Trường St. Hugh's College nói rằng bức chân dung của bà đã bị thay thế bằng một bức họa của Nhật Bản.
Trường này đã thay bức họa được treo trước đó bởi một tác phẩm của họa sỹ Nhật Bản Yoshihiro Takada. Lý do gỡ bỏ bức chân dung không được đưa ra rõ ràng.
Quản lý truyền thông Benjamin Jones cho biết bức chân dung đã được chuyển tới một "địa điểm an toàn" trong thời gian bức tranh của Takada được trưng bày.
Bức họa mới được giới thiệu tại trường vào đầu tháng này và hiện đang được trưng tại sảnh tòa nhà chính của trường St. Hugh's.
Bà Suu Kyi, một cựu tù nhân chính trị đã trở thành lãnh đạo thường dân Myanmar từ sau khi thắng cử năm 2015, đang chịu áp lực từ cộng đồng quốc tế.
Trong một diễn văn tuần trước, người chiến tháng giải Nobel lên án việc xâm phạm quyền con người nhưng không khiển trách quân đội hay nhắc tới việc thanh trừng sắc tộc.
Bà tốt nghiệp từ trường St Hugh's thuộc đại học Oxford năm 1967 và được trao bằng danh dự vào tháng 6/2012.
Đại học Oxford cho biết sẽ không tước bằng danh dự của bà.
Thành lập năm 1886, St Hugh's là một trong những college lớn nhất của đại học Oxford với khoảng 800 sinh viên. - BBC

***
Một vị bộ trưởng cấp cao của Myanmar vào ngày 2 tháng 10 đưa ra đề nghị với phía Bangladesh sẽ nhận lại hằng trăm ngàn người Hồi giáo Rohingya phải chạy sang Bangladesh để xin tỵ nạn sau đợt bạo loạn mới nhất tại bang Rakhine.
Bộ trưởng ngoại giao Bangladesh, ông Mahmood Ali nói như vậy tại thủ đô Dhaka, sau vòng nói chuyện với một đại diện của của lãnh tụ chính quyền dân sự Myanmar, bà Aung San Suu Kyi.
Ông nói thêm là hai bên đang làm việc với nhau để lập một nhóm làm việc, tiến hành các bước cần thiết để có thể hồi hương những người tị nạn.
Hiện chưa có bình luận nào về vấn đề này từ phía người đại diện của Myanmar.
Cuộc khủng hoảng nhân đạo liên quan đến người Rohingyia đã bùng nổ sau khi có hơn nửa triệu người của sắc tộc này bỏ chạy sang nước láng giềng Bangladesh lánh nạn.
Nhiều tổ chức nhân quyền đã lên tiếng chỉ trích quân đội Miến đang thực hiện một cuộc thanh lọc sắc tộc chống người thiểu số Rohingya không được xem là công dân Miến Điện, một quốc gia có đa số người theo đạo Phật, dù họ đã sống nhiều đời ở đó.
Phía Chính phủ Miến thì nói rằng họ chỉ chống lại bọn khủng bố cực đoan Hồi giáo.
Bản thân lãnh tụ Miến Điện, bà Aun San Suu Kyi, người từng được giải Nobel Hòa Bình cũng bị chỉ trích đã nhắm mắt làm ngơ cho quân đội Miến giết người đốt nhà của người Rohingya một cách có hệ thống.
Theo ghi nhận của các hãng truyền thông quốc tế thì hàng trăm người tị nạn đã thiệt mạng khi họ vượt qua con sông biên giới giữa hai nước. - RFA
|
|
4.
Lãnh tụ đối lập Campuchia bác cáo buộc phản quốc --- Hun Sen: Phe đối lập là những kẻ ''phiến loạn trong thành phố''

Lãnh tụ đối lập Campuchia hiện đang bị giam giữ vì bị chính phủ của Thủ tướng Hun Sen cáo buộc tội phản quốc, ngày 2/10, lần đầu tiên lên tiếng bác bỏ những truy tố đối với ông kể từ khi ông bị bắt trong tháng trước.
Ông Kem Sokha, người đứng đầu đảng Cứu quốc Campuchia (CNRP) bị cáo buộc nỗ lực lật đổ chính phủ với sự giúp đỡ của Hoa Kỳ và tội gián điệp. Ông gọi các cáo buộc này mang động cơ chính trị.
Vụ bắt giữ ông tháng trước nằm trong khuôn khổ những nỗ lực của chính phủ nhằm bóp nghẹt những đối thủ chính trị và truyền thông độc lập trước cuộc tổng tuyển cử vào năm tới.
Sáng ngày 2/10, ông Hun Sen, người đã cai trị Campuchia trong hơn 3 thập niên, tấn công phe đối lập là “phiến quân trong thành phố” nhằm phát động một cuộc cách mạng.
Trong một bức thư 3 trang đưa lên Facebook ngày 2/10, ông Kem Sokha nói ông tìm những thay đổi tích cực tại Campuchia qua thùng phiếu chứ không phải qua cuộc cách mạng như cáo buộc.
“Là lãnh tụ của CNRP và là đại diện của hơn một nửa dân số, tôi luôn luôn chọn những thay đổi qua những cuộc bầu cử không bạo động,” ông nói trong thư.
Các tổ chức nhân quyền nói ông Hun Sen, 65 tuổi, quyết tâm mở rộng sự cai trị và triệt phá đảng CNRP đang được quần chúng ưa chuộng. CNRP đạt được thắng lợi do quần chúng bức xúc vì nạn bất bình đẳng và chủ nghĩa thân hữu trong nước dưới sự cai trị của ông Hun Sen.
Tòa đại sứ Hoa Kỳ bác bỏ bất cứ chỉ trích nào về việc tòa đại sứ can thiệp vào các vấn đề chính trị ở Campuchia.
Việc bắt giữ ông Kem Sokha vào ngày 3/9 đã làm dấy lên làn sóng lên án của các nước phương Tây, và CNRP cho biết là một nửa thành viên của đảng trong Quốc hội đã rời khỏi Campuchia vì sợ đàn áp.
Trong thư ông Kem Sokha gọi việc bắt giữ ông là bất hợp hiến và thúc đẩy những người ủng hộ đừng lo sợ.
“Hỡi dân chúng Campuchia, hãy nhớ là tôi ở cùng các bạn, dù cho thân tôi ở trong tù, nhưng không ai có thể giam cầm lương tâm của tôi,” ông nói.
Ông cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế giúp đỡ.
“Dân chủ tại Campuchia đang trút hơi thở cuối cùng,” ông nói.
Một phát ngôn viên của Đảng Nhân dân Campuchia do ông Hun Sen đứng đầu nói ông Kem Sokha đã nhận tội. - VOA

***
Thủ tướng Hun Sen ngày 02/10/2017 cho biết có thể có thêm nhiều người có liên quan đến âm mưu lật đổ chính phủ bị bắt giữ. Lãnh đạo Cam Bốt còn tấn công phe đối lập, gọi họ là kẻ « phiến loạn trong thành phố » cố tâm tổ chức một « cuộc cách mạng màu », bất chấp các thất bại.
Tại lễ khai trương một khách sạn ở Siem Reap, thủ tướng Hun Sen, lãnh đạo đất nước từ hơn 30 năm qua, đã có lời nhắn gởi đe dọa đến phe đối lập : « Cho bắt giữ một người chưa kết thúc vụ việc ».
Ông cáo buộc phe đối lập có âm mưu lật đổ chính phủ khi cho rằng : « Tổ chức này hoạt động có hệ thống ». Và ông cảnh báo là « Những kẻ phiến loạn trong thành phố với ý định thực hiện cuộc cách mạng mầu chắc chắn không được chấp nhận ».
Những tuyên bố của lãnh đạo Cam Bốt cho thấy chính quyền nước này đang mở rộng trấn áp sang cả những chính khách đối lập và truyền thông độc lập hay chỉ trích chính phủ, cũng như là các tổ chức đấu tranh nhân quyền.
AFP nhắc lại vào tháng 9/2017, chính quyền Phnom Penh đã cho bắt giữ Kem Sokha, lãnh đạo đảng đối lập Cứu Nguy Dân Tộc (CNRP), với tội danh « phản quốc » và làm gián điệp nhằm lật đổ chính phủ với sự trợ giúp của Hoa Kỳ. - RFI
|
|
5.
Philippines 'nâng cấp hạ tầng ở đảo Thị Tứ'

Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana cho biết nước này sẽ nâng cấp phi đạo dài 1.300 mét trên đảo Thị Tứ, hòn đảo do Philippines gọi tên là Pag-Asa và đang kiểm soát ở Trường Sa.
Việt Nam vẫn tuyên bố đảo Thị Tứ thuộc chủ quyền của Việt Nam nhưng nói là bị "Philippines chiếm đóng phi pháp".
Tuy vậy, quan hệ giữa quân đội hai nước tại vùng Trường Sa là hữu hảo.
Chương trình Hiện đại hóa các Lực lượng Vũ trang Philippines vào năm tới cũng sẽ nâng cấp các doanh trại, hệ thống nước và cấu trúc hạ tầng khác trên 9 đảo nhỏ ở Trường Sa hiện do Philippines kiểm soát, theo trang The Diplomat.
Ông Duterte, nhậm chức tổng thống từ tháng Bảy 2016, đã thi hành chính sách kết thân với Trung Quốc, sau nhiều năm căng thẳng.
Hôm 20/9 tại New York, Ngoại trưởng Philippines Alan Peter Cayetano nói chính phủ Duterte vẫn bảo vệ chủ quyền biển đảo nhưng theo "cách chiến lược hơn".
"Chúng tôi không phải lúc nào cũng than phiền về Trung Quốc, không có nghĩa là chúng tôi ngồi im."
Ngoại trưởng Cayetano nói: "Chúng tôi tiếp tục thách thức mọi nước đòi chủ quyền" ở Biển Đông. - BBC
|
|
6.
Hải Quân Ấn Độ thăm Philippines

Trong khuôn khổ chương trình mừng 25 năm quan hệ đối tác Ấn Độ - ASEAN, hai tầu chiến Ấn Độ đến ghé thăm giao lưu với Hải Quân Philippines.
Phát ngôn viên Hải Quân Philippines, thuyền trưởng Lued Lincuna, ngày 01/10/2017 cho biết thêm là hai tầu chiến Ấn Độ, INS Satpura – tầu chiến tàng hình đa năng và INS Kadmatt - tầu hộ tống chống tầu ngầm, sẽ cập cảng South Harbor ở Manila từ ngày 03-06/10/2017.
Nội dung chi tiết về chuyến thăm không được tiết lộ. Ông Lued Lincuna chỉ cho biết có buổi giao lưu giữa hai tầu chiến Ấn Độ và tầu chiến Rajah Humabon. Phát ngôn viên Hải Quân Philippines nhấn mạnh chuyến thăm này là nhằm thúc đẩy hơn nữa quan hệ song phương trong khuôn khổ chương trình mừng 25 năm quan hệ ASEAN - Ấn Độ.
Sự kiện đã được New Dehli thông báo vào đầu tháng 9 năm nay. Theo đó, hai tầu chiến Ấn Độ tiến hành một vòng viếng thăm 12 cảng quân sự trong vòng 3 tháng.
Xuất phát từ cảng Visakhapatnam, bắt đầu từ ngày 08/09, hai tầu chiến này sẽ lần lượt đến các nước ở Đông và Đông Nam châu Á: Singapore, Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Việt Nam, Cam Bốt, Philippines, Brunei, Hàn Quốc, Nhật Bản và Nga.
The Diplomat nhắc lại năm 2017 đặc biệt quan trọng cho quan hệ đối tác Ấn Độ và ASEAN, đánh dấu kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ hợp tác với ASEAN. Dù rằng các mối quan hệ văn hóa đã có hơn 2 000 năm qua, nhưng Ấn Độ chính thức trở thành đối tác đối thoại khu vực với ASEAN vào ngày 28/01/1992; đối tác đối thoại toàn diện năm 1996; đối tác cấp cao năm 2002 và đối tác chiến lược năm 2012. - RFI
|
|
7.
Hoa Kỳ cam kết bảo vệ đồng minh Nhật, Hàn

Chuẩn đô đốc Marc Dalton, chỉ huy nhóm tàu tác chiến USS Ronald Reagan, phát biểu với báo giới tại Hong Kong về cam kết ‘chắc như đính đóng cột’ của Hoa Kỳ là bảo vệ các quốc gia đồng minh, trong đó có Nhật Bản và Hàn Quốc.
Ông Marc Dalton lặp lại lời của tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump là ‘quyết sử dụng mọi phương thức có sẵn để thuyết phục Bắc Hàn thay đổi hành xử nguy hiểm và hiếu chiến.’
Phát biểu của chuẩn đô đốc Marc Dalton được đưa ra khi có phóng viên hỏi ông về tuyên bố của tổng thống Donald Trump hôm 1 tháng 10 với bộ trưởng ngoại giao Rex Tillerson là nổ lực đàm phán với chủ tịch Bắc Hàn Kim Jong- un là phí thời gian. - RFA
|
|
8.
Siêu hàng không mẫu hạm Mỹ diễn tập tại Biển Đông

Siêu hàng không mẫu hạm Hoa Kỳ, USS Ronald Reagan vào ngày 30 tháng 9 vừa qua tiến hành cuộc diễn tập quân sự tại Biển Đông.
Hãng tin Reuters loan tin này dẫn lời các sĩ quan trên chiếc USS Ronald Reagan rằng tàu của Trung Quốc theo dõi chặt chẽ hoạt động diễn tập được nói là thường lệ này của hàng không mẫu hạm Hoa Kỳ.
Chuẩn đô đốc Marc Dalton, chỉ huy nhóm tàu tác chiến USS Ronald Reagan, nói với Reuters là không gặp phải vấn đề gì và phía tàu của ông thường xuyên thấy tàu của Trung Quốc bám theo.
Cuộc diễn tập quân sự của nhóm tàu tác chiến USS Ronald Reagan diễn ra vào khi tình hình khủng hoảng Bắc Hàn tiếp tục leo thang.
Vào ngày 30 tháng 9, ngoại trưởng Hoa Kỳ Rex Tillerson gặp chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình để thảo luận những nổ lực nhằm ngăn chặn tham vọng hạt nhân của Bắc Triều Tiên, cũng như để chuẩn bị cho chuyến thăm Trung Quốc sắp đến của tổng thống Donald Trump. - RFA
|
|

Tin Hoa Kỳ

9.
Hé lộ lai lịch nghi can xả súng ở Las Vegas

Số người thiệt mạng đến lúc này ít nhất là 59 người, 527 người khác bị thương. Truyền thông Mỹ nói đây là vụ xả súng đẫm máu nhất trong lịch sử hiện đại nước Mỹ.
Thoạt đầu, tưởng như Stephen Paddock, 64 tuổi, chuẩn bị bước vào cuộc sống thầm lặng trong một cộng đồng những người hưu trí ở Mesquite, Nevada, nơi ông đã mua một ngôi nhà mới vào năm 2015 gần những sòng bạc ông ưa thích.
Từ đó chỉ mất 1 giờ đồng hồ để lái xe đến Las Vegas, nơi ông ta đã thực hiện một vụ nổ súng tệ hại nhất trong lịch sử nước Mỹ trước khi tự sát hôm 1/10.
Ông Eric Paddock em trai nghi phạm mô tả anh trai mình là người ôn hòa, chuyển về sống ở khu đồi sa mạc đỏ tại Nevada một phần vì nơi đây cờ bạc được xem là hợp pháp và vì ông chán ghét khí hậu ẩm ướt của trung bộ Florida.
“Anh ấy khá giả, thích chơi xì-phé trên video và đi du lịch bằng tàu,” ông Eric Paddock phát biểu từ thềm nhà tại Orlando, Florida. “Anh ấy không bao giờ rút súng. Thật khó hiểu.”
Anh trai của Eric có một vài khẩu súng được giữ trong két sắt, và có lẽ cũng có một khẩu súng trường, “nhưng không có súng tự động.”
Hai anh em liên lạc với nhau hồi tháng trước, gởi tin nhắn về việc bị cúp điện sau khi bão Irma đổ bộ vào Florida.
“Anh ấy không dính gì đến bất cứ tổ chức chính trị hay tôn giáo nào,” ông Eric Paddock cho biết.
Thân phụ của họ ông Patrick Benjamin Paddock, một tay cướp ngân hàng tàn bạo bị liệt vào danh sách những người bị truy nã hàng đầu của FBI trong những năm 1960. Tuy nhiên, tay súng giết người tại Las Vegas không có thành tích tội phạm hình sự nào, trừ một vài vụ vi phạm giao thông, cảnh sát tại Las Vegas cho biết.
Em trai của nghi phạm nói anh em ông không biết về cha của mình.
Trong những tuần gần đây, Paddock chuyển tiền cờ bạc trị giá hàng chục ngàn đô la, dù không rõ là tiền ăn hay thua, hãng tin NBC dẫn tin từ các giới chức thi hành luật pháp dấu tên.
Không có biểu hiện bất thường
Hồ sơ cho thấy Paddock có mặt tại miền Tây nước Mỹ và vùng Đông Nam, một vài năm tại California, một vài năm tại những phần đất khác thuộc Nevada.
Paddock có giấp phép săn bắn tại Texas, nơi ông từng lưu trú một thời gian. Ông cũng có bằng lái máy bay và có ít nhất một máy bay động cơ đơn đăng ký dưới tên ông.
Vào đầu năm 2015, Paddock mua một ngôi nhà hai tầng bình thường tại một khu nhà mới dành cho những người về hưu ở Mesquite, một thị trấn nhỏ vùng sa mạc, nơi cư ngụ của những tay chơi gôn và cờ bạc, nằm giữa biên giới Nevada và Arizona.
“Đó là một ngôi nhà sạch, đẹp, không có gì bất thường,” ông Quinn Averett, một phát ngôn viên sở cảnh sát Mesquite nói với các phóng viên ngày 2/10.
Một số súng ống và đạn dược được tìm thấy trong tư gia nghi phạm, dù không có gì đáng để ý tại khu vực có nhiều người sở hữu súng này.
Gần một giờ đồng hồ lái xe về phía tây nam là Las Vegas. Tại đây, Paddock lấy một phòng tại lầu 32 của Khu Nghỉ mát và Sòng bài Mandalay Bay hôm 28/9, mang theo ít nhất 10 khẩu súng trong vụ nhã đạn bừa bãi giết chết ít nhất 58 người và làm bị thương hơn 500 người khác.
Cảnh sát nói Paddock không có liên hệ gì với các nhóm chủ chiến quốc tế.
Trước khi chuyển đến Mesquite, Nevada, Paddock sống tại một thị trấn khác có tên là Mesquite tại Texas. Tại đây, ông từng đảm trách vai trò quản lý khu chung cư phức hợp Central Park.
Hồ sơ gần đây nhất vào khoảng năm 2015 cho thấy ông Paddock là một người độc thân dù dường như ông ta từng kết hôn lúc sống tại California trong những năm 1980.
Hồ sơ cảnh sát và hồ sơ công cộng cho thấy ông sống với bà Marilou Danley trong cộng đồng hưu trí ở Nevada. Theo tin của CNN, bà này không liên hệ gì đến cuộc tấn công.
Cảnh sát Las Vegas đang điều tra động cơ vụ nổ súng tại một buổi hòa nhạc ngoài trời tối ngày 1/10 ở Las Vegas khiến ít nhất 58 người thiệt mạng, và làm bị thương hơn 500 người khác. Đây là vụ xả súng gây thương vong nhiều nhất trong lịch sử nước Mỹ.
Cảnh sát Đô thị Las Vegas cho hay Stephen Paddock, 64 tuổi, cư dân Mesquite, bang Nevada, nhã đạn tấn công đám đông hơn 22.000 người tại một buổi hòa nhạc ngoài trời từ phòng ngủ trên tầng 32 của khách sạn Mandalay Bay.
Cảnh sát Tư pháp Đô thị Las Vegas, Joseph Lombardo, cho biết đội đặc nhiệm SWAT đã phá cửa phòng khách sạn và phát hiện Paddock đã chết, nghi là tự sát. Cảnh sát tìm thấy ít nhất 10 khẩu súng trong phòng của đương sự.
Ông Lombardo không gọi vụ việc là tấn công khủng bố:
“Trước tiên chúng tôi phải tìm hiểu xem động cơ của vụ nổ súng là gì, và có những yếu tố liên hệ đến khủng bố hay là chỉ là một người quẩn trí chỉ muốn gây nên những thiệt hại to lớn. Cần một tiến trình tìm hiểu để xác định.”
Ngày 2/10, Tổng thống Donald Trump lên án vụ nổ súng là hành động “tàn ác” và khen ngợi cảnh sát Las Vegas đã phản ứng nhanh chóng:
“Tôi muốn cám ơn sở cảnh sát đô thị Las Vegas và tất cả những người đáp ứng đầu tiên vì những nỗ lực can đảm của họ và vì cứu được rất nhiều sinh mạng. Hành động nhanh chóng của họ như là một phép lạ, ngăn không để thương vong tăng thêm. Chúng ta luôn cảm kích và biết ơn họ vì đã tìm ra hung thủ nhanh chóng sau những phát súng đầu tiên. Điều này cho thấy sự chuyên nghiệp của cảnh sát.”
Nhà nước Hồi Giáo nhận trách nhiệm trong vụ tấn công này nhưng không đưa ra bất cứ bằng chứng nào.
Phó Chủ tịch Cộng đồng Việt Nam tại Las Vegas cho VOA biết chưa có thông tin gì về người Việt có thể nằm trong số các nạn nhân.
Thân phụ của nghi phạm nổ súng ở Las Vegas từng cướp nhiều ngân hàng ở Arizona, vượt ngục ở Texas, và cố tạo dựng một cuộc sống mới trong vai trò quản lý một sòng lotto ở Oregon, truyền thông Mỹ dẫn các bài báo lịch sử trước đây cho hay.
Nghi can Stephen Craig Paddock tối ngày 1/10/17 từ phòng ngủ tầng 32 của khách sạn Mandalay Bay đã xả súng xuống đám đông xem ca nhạc ngoài trời, giết chết ít nhất 58 nạn nhân và làm bị thương trên 500 người khác.
Eric, em trai của nghi can, cho tờ Orlando Sentinel biết thân phụ của ông tên là Benjamin Hoskins Paddock, sinh năm 1926 tại Wisconsin. Ông này có rất nhiều tên giả lẫn biệt danh và từng nằm trong danh sách 10 người bị FBI truy nã gắt gao nhất từ 1969 đến 1977.
Trong năm 1960, ông Paddock cha từng bị buộc 3 tội danh cướp các chi nhánh của Ngân hàng Valley Toàn Quốc ở Phoenix, theo báo Arizona Republic tường thuật ngày 6/10/1960. Ông bị tố cáo đánh cướp gần 25 ngàn đô la và bị bắt vào mùa hè cùng năm tại Las Vegas.
“FBI cho hay ông Paddock đã tìm cách kháng cự và toan dùng xe cán chết một mật vụ của FBI,” theo tường thuật của tờ Tuscon Daily Citizen ngày 28/7/1960.
Ông bị tuyên án 20 năm tù, nhưng đã vượt ngục ở Texas vào năm 1969, tờ Eugene Register-Guard loan tải.
Khoảng nửa năm sau ngày vượt ngục, ông Paddock cha dính líu tới một vụ cướp có võ trang tại một ngân hàng ở San Francisco.
FBI cho biết Paddock cha nhiều năm sinh sống trong khu vực Eugene-Springfield, Oregon, dưới danh xưng Bruce Werner Ericksen và ‘qua mặt’ cảnh sát bằng cách thường xuyên thay đổi ngoại diện và tránh bất cứ việc gì có thể đụng mặt với cảnh sát có thể dẫn tới việc lấy dấu vân tay, tờ Eugene Register-Guard thuật lại.
Ông bị cảnh sát tóm vào năm 1978, nhưng được thả và một năm sau trở lại hành nghề ở tiệm lô-tô.
Năm 1987, ông bị Văn phòng Tổng Chưởng lý Oregon truy tố 7 cáo trạng về gian lận, lừa đảo liên quan đến tiệm lô-tô. Ngoài ra, ông còn bị truy tố tội gian lận đồng hồ công-tơ-mét trên ô tô.
Ông Paddock cha chịu chi 623 ngàn đô la nộp phạt cho các cáo trạng gian lận và không chối cãi tội gian lận đồng hồ xe, cùng lúc công bố mình bị mắc ung thư.
Thẩm phán quyết định bắt ông Paddock nộp phạt 100 ngàn đô la và không tuyên án tù.
Sau đó, ông về Texas sống đến khi qua đời vào năm 1998.
Cảnh sát cho hay nghi can Stephen Paddock bắn chết ít nhất 58 người và làm bị thương hơn 500 người tại Las Vegas tối ngày 1/10/17 là con trai trưởng của ông Paddock.
Khi Paddock cha bị bắt về tội cướp các ngân hàng ở Phoenix, Paddock con mới lên 7 và là anh cả trong số 4 anh em.
Một người hàng xóm tên Eva Price đã đưa cậu bé Paddock đi bơi lúc các mật vụ FBI khám xét tư gia nhà cậu.
Bà Price lúc bấy giờ nói với tờ Tucson Citizen rằng: “Chúng tôi tìm cách không cho cậu bé Steve biết bố cậu bị bắt vì cướp ngân hàng. Tôi không biết rõ gia đình này lắm, nhưng cậu Steve là một cậu bé ngoan hiền.”
Trước khi đi cướp ngân hàng, Paddock cha từng ở tù tại Illinois về tội ăn cắp xe cùng vài tội khác. Ông ở tù trong ba năm đầu đời của con trai trưởng Stephen Paddock, nghi phạm vụ thảm sát hàng loạt tại Las Vegas.
Các sòng bạc, hộp đêm, và trung tâm mua sắm của Las Vegas mỗi năm thu hút 3,5 triệu du khách từ khắp nơi trên thế giới và khu vực xảy ra vụ xả súng sau 10h tối ngày 1/10/17 chật kín du khách, phần đông là khán giả dự khán một buổi hòa nhạc ngoài trời. - VOA
|
|
10.
Ba người Mỹ được trao giải Nobel Y khoa 2017

Giải Nobel Y khoa năm 2017 được trao cho 3 khoa học gia Mỹ.
Uỷ ban Nobel ngày 2/10 loan báo giải thưởng từ trụ sở uỷ ban tại Stockholm.
Thư ký Hội đồng Nobel Thomas Perlman nói về những người được giải và công việc khai phá của họ:
“Hội đồng Nobel tại Viện Karolinska ngày hôm nay quyết định trao Giải Nobel Y khoa cho Jeffrey C. Hall, Michael Rosbash và Michael W. Young vì những khám phá của họ về cơ chế phân tử kiểm soát nhịp sinh học. Ông Jeffrey Hall sinh trưởng tại New York, và làm việc tại Trường đại học Brandeis. Ông hiện đã nghỉ hưu và sống tại Cambridge, Boston. Ông Michael Rosbash nguyên quán ở Oklahoma City và cũng nghiên cứu công trình đoạt giải này tại trường đại học Brandeis nơi ông vẫn là một thành viên ban giảng huấn. Và ông Michael Young sinh quán ở Miami và nghiên cứu tại Trường đại học Rockefeller ở New York, nơi ông đang giảng dạy.
Nhịp sinh học giúp thích ứng tâm lý của con người với nhiều giai đoạn khác nhau trong ngày, ảnh hưởng đến giấc ngủ, thái độ, mức kích thích tố, nhiệt độ cơ thể và sự chuyển hóa trao đổi chất.
Giải thưởng y khoa là Giải Nobel được trao tặng đầu tiên mỗi năm, trị giá 1,1 triệu đô la.
Các Giải Nobel về vật lý, hóa học, văn chương và hòa bình sẽ lần lượt được loan báo từ ngày 3/10 tới 6/10; và giải Nobel kinh tế sẽ được loan báo vào đầu tuần tới 9/10. - VOA
|
|
11.
‘Không thông cảm’ với nạn nhân Las Vegas, giám đốc đài CBS bị đuổi việc

Đài CBS hôm Thứ Hai vừa sa thải một nữ giám đốc điều hành, sau khi bà này công bố là không “thông cảm” với nạn nhân vụ thảm sát ở Las Vegas.
“Tôi thực sự không thông cảm với họ, vì những người hâm mộ nhạc country thường là những người cổ động quyền mua súng của Đảng Cộng Hòa.” Cựu tổng giám đốc Hayley Geftman-Gold viết trên trang Facebook của mình.
Ít nhất 59 người đã thiệt mạng và hơn 520 người khác bị thương sau khi một người nổ súng vào đại nhạc hội của nhạc đồng quê (country music) ở Las Vegas vào tối Chủ Nhật.
“Nhân viên này, người đã làm việc với chúng tôi khoảng một năm, đã vi phạm tiêu chuẩn của công ty chúng tôi và không còn là nhân viên của CBS nữa.” Hệ thống CBS tuyên bố trong một văn bản gửi đi hôm Thứ Hai.
“Quan điểm của bà ấy, như đươc bày tỏ qua các phương tiện truyền thông xã hội là điều không thể chấp nhận được với tất cả chúng tôi tại CBS. Trái tim của chúng tôi hướng tới những nạn nhân ở Las Vegas và gia đình họ”, đài CBS viết.
Tuyên bố của bà Hayley Geftman-Gold được trang báo mạng The Daily Caller nhắc đến đầu tiên.
“Nếu họ [đảng Cộng Hòa – NV] đã không làm bất cứ điều gì khi trẻ em bị tàn sát, thì tôi không hy vọng gì là đám Cộng Hòa đó sẽ làm điều gì đúng.” Bà Hayley Gottenman-Gold, người từng giữ chức phó chủ tịch và cố vấn cao cấp về chiến lược tại CBS, bình luận.
Lời bình của bà trên Facebook đã được nhanh chóng lan truyền với các cụm từ “Geftman-Gold” và “CBS Exec” cả hai đều trở thành chủ đề được đọc hàng đầu trên Twitter. - nguoiviet
|
|

Tin Việt Nam

12.
VN tìm cách cân bằng quan hệ với Trung Quốc và Hoa Kỳ

Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi Sáng nhận định các cuộc hội đàm Việt-Trung gần đây mang dấu hiệu hòa giải hơn, tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng vẫn có bức tường lớn ngăn cách giữa Việt Nam và Trung Quốc khi Việt Nam đang tìm cách cân bằng mối quan hệ với cả Bắc Kinh và Washington.
"Vì địa thế chiến lược của mình ở Châu Á, Việt Nam luôn có một lợi thế trong vai trò cân bằng quyền lực giữa các nước lớn như Trung Quốc, Liên Xô cũ," chuyên gia về Đông Nam Á tại trường đại học Jinan, ông Trương Minh Lượng nói.
Tờ báo này nhận định chiến thuật của Hà Nội là gần gũi với Bắc Kinh để đạt lợi thế về kinh tế, nhưng mật thiết Washington về an ninh. Và điều này sẽ thể hiện rõ tại hội nghị APEC vào tháng 11 năm nay, với Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đều dự kiến sẽ tham dự.
Việt Nam và Hoa Kỳ đang tăng cường hợp tác an ninh đường biển và đang tiến hành tổ chức chuyến thăm của chiếc hàng không mẫu hạm Hoa Kỳ đến Việt Nam.
"Một mối quan hệ tăng cường với Hoa Kỳ là vô cùng quan trọng đối với Việt Nam, vì Hoa kỳ là cường quốc duy nhất có đủ khả năng quân sự và mục tiêu chính trị để thách thức những tham vọng chiến lược của Trung Quốc, bao gồm Biển Đông," Tiến sỹ Lê Hồng Hiệp, nhà nghiên cứu cao cấp về chính trị thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS) ở Singapore nói.
Tuy nhiên, chuyên gia Trương Minh Lượng nói để ổn định thể chế thì Việt Nam vẫn lựa chọn Trung Quốc làm đồng minh chính.
Hàng chục năm qua, mối quan hệ Việt-Trung vẫn luôn là một mối quan hệ nhạy cảm và phức tạp.
Cuối tuần trước, tại buổi Giao lưu Hữu nghị Quốc phòng tại hai tỉnh Lai Châu và Vân Nam, Tướng Phạm Trường Long, Phó Chủ tịch Quân ủy Trung Quốc đã gặp Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam, Tướng Ngô Xuân Lịch.
"Quân đội Trung Quốc sẵn lòng hợp tác với quân đội Việt Nam để kiểm soát đúng đắn những bất đồng giữa hai bên và truyền năng lượng tích cực vào việc phát triển mối quan hệ song phương," Tướng Phạm được Tân Hoa Xã trích lời nói.
Hôm Thứ Năm rồi, quan chức hai nước cũng thống nhất gia tăng thông thương hàng hóa và xây dựng khu hợp tác kinh tế xuyên biên giới.
Trong khi hồi tháng Tám, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã hủy Ngoại trưởng Phạm Bình Minh vì đã vận động đưa ngôn ngữ mạnh mẽ vào bản tuyên bố chung của các nước ASEAN.
Trước đó nữa có tin cho hay Việt Nam đã phải ngưng khoan thăm dò khí đốt tại khu vực có tranh chấp ở Biển Đông, sau khi bị Trung Quốc đe dọa dùng vũ lực tại Trường Sa.
Tuy nhiên, Tờ Bưu điện Hoa nam Buổi Sáng nhận định hai người láng giềng Cộng Sản vẫn cần sự hỗ trợ của nhau để củng cố thể chế trong khu vực.
Tuy cả hai đều không muốn có bất cứ cuộc đối đấu quân sự nào trước thềm hội nghị APEC tuy nhiên căng thẳng ở Biển Đông vẫn là có thể là một ngòi nổ.
Hôm 1/10, theo Đài tiếng nói Việt Nam, các nhà lãnh đạo cao cấp Việt Nam đã gửi điện mừng chúc mừng Ngày Quốc Khánh Trung Quốc. Nội dung điện mừng ghi rõ: "Các đồng chí Lãnh đạo Đảng và Nhà nước Việt Nam chúc mừng những thành tựu mà nhân dân Trung Quốc đạt được trong 68 năm qua;
"chúc Đại hội lần thứ 19 Đảng Cộng sản Trung Quốc thành công tốt đẹp và bày tỏ tin tưởng dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc do đồng chí Tập Cận Bình làm hạt nhân, nhân dân Trung Quốc sẽ thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng thành công Nhà nước hiện đại, xã hội chủ nghĩa, giàu mạnh, dân chủ, văn minh, hài hòa.
"Khẳng định Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam hết sức coi trọng việc phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác toàn diện với Trung Quốc, sẵn sàng cùng Đảng, Nhà nước và nhân dân Trung Quốc tiếp tục phát huy quan hệ hữu nghị truyền thống, đi sâu hợp tác thực chất, đưa quan hệ hai Đảng, hai nước không ngừng phát triển ổn định, lành mạnh, mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước, góp phần vào hòa bình, ổn định và thịnh vượng chung của khu vực cũng như thế giới." - BBC
|
|
13.
Hoa Kỳ ra cảnh báo tội phạm ở Tp. Hồ Chí Minh

Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội và Tổng Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại thành phố Hồ Chí Minh vừa cảnh báo công dân nước này về việc có rất nhiều báo cáo về các vụ đột nhập nhà riêng, trộm cắp, và cả hành hung nhằm vào cộng đồng ngoại kiều.
Cảnh báo của phái bộ ngoại giao có đoạn: “Xin nhắc nhở công dân Hoa Kỳ rằng tỷ lệ tội phạm tại thành phố Hồ Chí Minh đang ở mức cao, nên quý vị không nên chủ quan mà hãy luôn nâng cao cảnh giác và sử dụng mọi biện pháp an ninh phù hợp tại nơi cư ngụ. Chúng tôi đã nhận báo cáo và xác minh rất nhiều trường hợp móc túi, giật giỏ xách, và các vụ đột nhập tại khu dân cư nhằm vào cộng đồng ngoại kiều.”
Trong khi đó báo Người Lao động dẫn lời công an thành phố nói rằng tội phạm có “chiều hướng giảm khi Đại sứ quán Mỹ phát thông báo tội phạm đang ở mức cao."
Phản hồi về cảnh báo của phái bộ ngoại giao Mỹ, ngành phụ trách an ninh nói trong thời gian qua “công an thành phố đã nỗ lực kéo giảm tội phạm và thực hiện nhiều giải pháp phòng ngừa, trấn áp tội phạm.”
"Từ năm ngoái đến năm nay tình hình tội phạm đã giảm và người dân thành phố nhìn thấy rõ rệt. Chúng tôi vẫn ngày đêm tăng cường giữ gìn sự bình yên ở thành phố nghĩa tình, mến khách này," công an thành phố nói với báo Người Lao động.
Một đại lý du lịch chuyên phục vụ du khách trên địa bàn thành phố nhận định rằng vấn đề an ninh du khách hiện không có gì báo động:”
“Không có vấn đề gì cả. Tình hình hiện này là tốt hơn rồi. Những năm trước thì hơi phức tạp hơn. Một năm trở lại đây thì tình hình an ninh rất là tốt.”
Truyền thông trong nước nói bản tin của Đại sứ quán và Lãnh sự quán Mỹ tại Việt Nam chỉ là nhắc nhở, kêu gọi công dân cảnh giác hơn.
Cảnh báo này đưa ra sau vụ đạo diễn phim Kong, Jordan Vogt-Roberts, bị đánh tại một quán bar và vụ ông J.B - Trưởng Phòng Chính trị của Tổng lãnh sự quán Mỹ tại TP HCM, bị cướp khi đi taxi.
Vào khuya ngày 8/9 tại một quán bar ở trung tâm TP.HCM, ông Jordan cùng bạn bè xảy ra mâu thuẫn với một nhóm đối tượng khác có mặt tại đây. Đạo diễn Kong Skull Island và hiện là Đại sứ Du lịch Việt Nam, đã phải nhập viện ngay trong đêm do bị đập chai thủy tinh vào đầu
Báo VietnamNet cho biết vào ngày sáng sớm ngày 24/9 ông J.B, trưởng phòng chính trị Tổng Lãnh sự quán Mỹ, bị hai thanh niên tấn công trên một chiếc taxi, một người kẹp cổ ông và một người khác lấy đi một điện thoại di động cùng số tiền 1 triệu đồng và thẻ tín dụng, sau đó cả hai tẩu thoát.
Vụ xô xát và vụ cướp tài sản này đang được Công an TP HCM nói đang tiếp tục điều tra. - VOA
|
|
14.
Nhà hàng thứ hai của Triều Tiên tại Việt Nam ‘đóng cửa’

Một nhà hàng Triều Tiên ở Việt Nam đã ngưng hoạt động, sau khi các biện pháp chế tài quốc tế nhằm tăng cường nhằm cắt giảm nguồn thu ngoại tệ cho Triều Tiên được áp dụng, một nguồn tin cho hãng tin Yonhap biết hôm 2/10.
Nhà hàng Koryo tại thành phố Hồ Chí Minh đã đóng cửa vào tuần trước, theo những người Hàn Quốc sống thành phố lớn nhất của Việt Nam cho biết. Nhà hàng Koryo khai trương vào năm 2014, thuê khoảng 15 người Triều Tiên làm việc.
Một thông báo tại nhà hàng nói rằng nhà hàng tạm thời đóng cửa để nâng cấp sửa chữa, nhưng một nhân viên tại một nhà hàng gần đó nói rằng doanh nghiệp này của Triều Tiên đã bán lại cho chủ khác và hiện đang đóng cửa.
Vào tháng 2 năm ngoái, một nhà hàng Triều Tiên tại thành phố Đà Nẵng đã đóng cửa do doanh số bán hàng thấp, theo tờ Korea Herald.
Được biết rằng nhà hàng tại thành phố Hồ Chí Minh cũng ế khách hàng do các biện pháp trừng phạt quốc tế được thắt chặt.
Tuy nhiên, nhà hàng khác của Triều Tiên tại thủ đô Hà Nội thì vẫn đang hoạt động. Nhưng hai nhà hàng này cũng đang phải vật lộn trong lúc có một sự sụt giảm khách hàng ở Việt Nam, một đồng minh truyền thống của Triều Tiên.
Mặc dù có quan hệ gần gũi với Triều Tiên, Việt Nam cùng cộng đồng quốc tế đã lên án những lời khiêu khích của Bình Nhưỡng, sau thử nghiệm hạt nhân thứ sáu hồi tháng trước và một loạt các vụ phóng tên lửa đạn đạo.
Là một phần trong nỗ lực thực thi các nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ trừng phạt Triều Tiên, Việt Nam cũng đã trục xuất người đứng đầu và người thứ nhì của chi nhánh ngân hàng thương mại Tanchon tại Việt Nam.
Hai người này bị Hội đồng Bảo an LHQ đưa vào danh sách đen.
Ngân hàng Triều Tiên bị nghi là rửa tiền và chuyển tiền mua vũ khí ở nước ngoài. - VOA
|
|
15.
Ông Lê Khả Phiêu: Cần 'cách mạng bộ máy'

Cựu Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam than phiền nhiều ban bệ 'rườm rà, không nên tồn tại', và kêu gọi 'cách mạng bộ máy'.
Trả lời báo Tuổi Trẻ trước thềm Hội nghị Trung ương 6, ông Lê Khả Phiêu nói thẳng nên bỏ cả ba ban chỉ đạo Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ.
"Mình từ đầu đã đề nghị thôi. Bây giờ thì thấy rồi đấy, các anh ấy đang xem xét để thôi rồi."
Ông Phiêu cũng than phiền bộ máy Đảng chồng chéo, ít hiệu quả.
"Như Chính phủ có Ban Cán sự Đảng thì được rồi và ở cấp bộ cũng vậy, chính ra chỉ cần ban cán sự thôi, sau này lại "đẻ" thêm ra đảng ủy bộ nữa."
Ông nói thêm: "Còn hai "ông" Đảng ủy khối doanh nghiệp nhà nước và Đảng ủy khối các cơ quan trung ương mới sinh ra sau này chứ trước đây làm gì có."
Hội nghị Trung ương 6 khai mạc ngày 4/10, sẽ bàn đề án "Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả".
Ông Lê Khả Phiêu gợi ý nhập lại những đơn vị có chức năng tương đồng.
"Như Bộ Công an, nhiều tổng cục quá, hoàn toàn có thể sắp xếp tổ chức lại. Nếu không sẽ phát sinh tầng nấc trung gian, chồng chéo (chức năng nhiệm vụ)."
Ông lại than phiền bộ máy đảng, nhà nước phình to.
"Gặp các anh lãnh đạo, tôi nói đổi mới gì thì đổi mới, nhưng các anh cần phải cách mạng bộ máy đi đã. Tôi nói là "cách mạng", tức là xây dựng lại để cho nó đúng là tinh gọn, hiệu lực hiệu quả.
"Tôi nói thế, các anh ấy đồng ý, nhưng làm được hay không là chuyện khác."
Cùng ngày 2/10, tiếng nói của ông Lê Khả Phiêu cũng xuất hiện trên một số tờ báo khác, bàn về chống tiêu cực.
Theo VnExpress, cựu Tổng Bí thư đề cập vụ kỷ luật mới đây với dàn lãnh đạo thành phố Đà Nẵng.
"Tuỳ điều kiện, hoàn cảnh từng trường hợp để xử lý, như vụ Đà Nẵng là phải xử lý, nhưng quan trọng là mức độ nào."
"Riêng thời kỳ này, tôi thấy rằng ta dám làm, làm kiên quyết và tinh thần là cấp cao cũng không né tránh. Nhưng còn nữa thì sao, nếu như cấp cao khác hoặc cấp cao hơn có tiêu cực thì sao? Tôi cho rằng cũng phải mạnh mẽ đấu tranh, đừng để tinh thần chống tiêu cực nguội đi."
Ông Lê Khả Phiêu cho biết ông vừa gặp Tổng Bí thư hiện nay Nguyễn Phú Trọng, theo trang VietnamNet.
"Tôi và Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng mới ngồi với nhau cũng có nói đến vấn đề này. Chúng ta vừa qua đã làm được nhiều việc, nhưng tại sao mấy ông phụ trách về kinh tế, ngân hàng lại để xảy ra nhiều sai phạm như vậy."
Còn trang web Đài Tiếng nói Việt Nam lại dẫn lời ông Lê Khả Phiêu khen ngợi quyết tâm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
"Vừa qua làm được như thế là đáng mừng, không phải hời hợt đâu, tiến bộ đấy, nhưng cũng không phải như thế là hết, mà vẫn còn."
"Qua thực hiện có kinh nghiệm và tiếp tục làm hơn nữa, cứ như thế nhân dân và trong Đảng ủng hộ để các đồng chí Trung ương và Tổng Bí thư làm mạnh mẽ."
Ông Lê Khả Phiêu được bầu giữ chức Tổng Bí thư tại một hội nghị trung ương tháng 12/1997, sau khi ông Đỗ Mười có đơn đề nghị chuyển giao chức vụ.
Đến tháng Tư 2001, tại Đại hội IX của Đảng, ông Nông Đức Mạnh được bầu làm Tổng Bí thư. - BBC
|
|
16.
Thanh trừng phe nhóm trước thềm Hội nghị Trung ương 6?

Thời gian gần đây thêm một số viên chức doanh nghiệp và quan chức trong bộ máy Nhà nước bị kết án hay kỷ luật với cáo buộc sai phạm trong quá trình quản lý, trách nhiệm điều hành.
Phe nhóm bài trừ nhau?
Viên chức cấp cao doanh nghiệp bị kết án gần đây nhất là ông Nguyễn Xuân Sơn, nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam PVN, nguyên Tổng Giám đốc Ngân hàng Đại dương (Ocean Bank) với mức án án tử hình và Hà Văn Thắm, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Ocean Bank án chung thân.
Cuối tháng 9 vừa qua, Kế toán trưởng của PVN là ông Lê Đình Mậu cũng bị bắt vì tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Trong một đại án ngân hàng khác, ông Trầm Bê, nguyên Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng quản trị, kiêm Chủ tịch Hội đồng tín dụng của ngân hàng Sacombank, bị truy tố vì đã làm thất thoát 1835 tỉ đồng.
Ngay trước đó, hai nhân vật đứng đầu Thành phố Đà Nẵng là ông Chủ tịch Thành phố Huỳnh Đức Thơ và ông Bí thư Thành ủy Nguyễn Xuân Anh cũng bị cáo buộc mắc nhiều sai phạm trong điều hành, quản lý.
Từ Đà Nẵng, blogger Trương Duy Nhất, một người theo dõi sát tình hình chính trị của Việt Nam, cho rằng những vụ kết án, kỷ luật các cán bộ Nhà nước và doanh nghiệp gần đây thể hiện một cuộc đấu đá giữa các phe nhóm trong Đảng để dàn xếp nhân sự trước thềm Hội nghị Trung ương 6 và xa hơn nữa là sau nhiệm kỳ Đảng lần này:
Việc đó có hai luồng ý kiến. Thứ nhất, bây giờ Nhà nước gọi đó là cuộc đấu tranh chống tham nhũng do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Những vụ như Ocean bank, Tổng công ty Dầu khí Việt Nam hay những vụ việc như ở Đà Nẵng.
Nhưng các nhà quan sát lại cho rằng đây là cuộc thanh trừng phe phái trong nội bộ Đảng chứ không chỉ đơn thuần là công cuộc đấu tranh chống tham nhũng.
Bởi vì thực tế hàng loạt vụ việc được khui ra nhưng không phải vụ việc nào cũng được xử lý.
Ông lấy ví dụ về những vụ việc mang tính chất rất nghiêm trọng nhưng không được xử lý đến nơi đến chốn. Một trường hợp được nêu ra là việc công bố kết luận thanh tra tài sản ông Phạm Sỹ Qúy, giám đốc sở Tài nguyên – Môi trường Yên Bái bị trì hoãn hết lần này tới lần khác. Hay các sai phạm của Bí thư Thành ủy Hà Giang Triệu Tài Vinh và Bí thư Tỉnh Uỷ Thanh Hóa Trịnh Văn Chiến,…
Một số trường hợp sai phạm nghiêm trọng nhưng được tạo điều kiện cho “hạ cánh an toàn” chẳng hạn như ông Võ Kim Cự, người mắc nhiều sai phạm liên quan đến thảm họa môi trường Formosa năm ngoái, nhưng đã được cho về hưu cuối tháng 9 vừa qua.
Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển cũng đồng tình với quan điểm rằng đây là dấu hiệu của một cuộc chiến phe phái rất gay gắt trong nội bộ Đảng. Ông giải thích:
Những vụ án liên quan đến ngân hàng, một bị cáo họ chẻ làm ba, bốn tội. Nhiều khi một tội hàng chục người mắc phải, là tội mà trên thế giới không có một nơi nào có cả. Và bản thân luật hình sự của Việt Nam cũng đã dẹp tội đó đi rồi. Nhưng để phục vụ cho mục đích của mình, họ hoãn thi hành luật đã được thông qua và tiếp tục theo luật cũ.
Chuyện ở Đà Nẵng, những tội của hai ông trùm này so với những ông khác còn phạm tội nặng hơn vậy nhiều. Nhưng nó lại thuộc phe mình chẳng hạn, thì mình hơi đâu đánh những người đấy.
Giáo sư Zachary Abuza thuộc National War College ở Washington từng nói với hãng tin AFP rằng ông Trọng không thể truy ông Dũng, nhưng trả thù mạng lưới tay chân của ông Dũng, cho truy các đệ tử của ông này.
Vào tháng 5 vừa qua, một nhân vật thân cận của ông Dũng là ông Đinh La Thăng bị kỷ luật mất chức bí thư thành ủy thành phố Hồ Chí Minh, với những cáo buộc sai phạm khi lãnh đạo Tập Đoàn Dầu Khí Việt Nam trước đây.
Tiếp đến là vụ ông Trịnh Xuân Thanh trốn sang Đức xin tỵ nạn nhưng xuất hiện trên truyền hình Nhà nước ở Hà Nội với lời tự thú. Chính phủ Đức nói Hà Nội cho người sang bắt cóc ông này đưa về Việt Nam.
Trong một buổi phỏng vấn với báo chí trong nước hôm 2/10, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu nói rằng việc kỷ luật cán bộ đã và đang diễn ra nói lên quyết tâm chống tham nhũng “không có vùng cấm “ của Đảng. Ông nói rằng đây là một bước đi tốt cần được duy trì. Nhận xét về chiến dịch chống tham nhũng “lò nóng củi tươi cũng cháy” của ông Nguyễn Phú Trọng, ông Lê Khả Phiêu nói rằng thời kỳ này ta dám làm, kiên quyết làm, không chỉ dừng lại ở cấp bộ trưởng mà còn cao hơn nữa.

Cuộc chiến "lò nóng, củi tươi"
Luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên Phó Chủ Nhiệm Văn phòng Quốc hội lại có cái nhìn khác. Theo ông, hàng loạt các vụ án doanh nghiệp hay kỷ luật quan chức được giải quyết “thẳng tay” là kết quả của chiến dịch chống tham nhũng quyết liệt bấy lâu nay:
Câu chuyện chống tham nhũng ở Việt Nam kéo dài mấy chục năm nay rồi. Đại hội lần thứ XI đã đẩy mạnh và Đại hội XII khẳng định phải chồng tham nhũng từ trên xuống.
Tham nhũng thì ta phải chống và khi có dấu hiệu tội phạm ta phải xử. Trong những vụ án gần đây, tội như vậy và người ta xử như thế tôi cho rằng cũng phù hợp với pháp luật và nguyện vọng của nhân dân.
Luật sư Trần Quốc Thuận cũng không phủ nhận chuyện các phe nhóm nội bộ đấu đá nhau. Ông cho rằng đó là hai phe chống tham nhũng và không muốn chống tham nhũng:
Trước kia người ta nói đến nhóm lợi ích, đồng chí X, đồng chí Y gì đó. Nhưng giờ thất thế thì phải xử theo pháp luật. Tôi cho rằng chuyện xử là cần thiết.
Nhưng nhìn ra thì đây là cuộc đấu tranh diện rất rộng, và tập trung kỷ luật từ trên xuống. Đó cũng là một điều đặc biệt, ít có và đang diễn ra rất ác liệt. Tôi cho rằng nếu kiểm soát được chuyện tham nhũng này, thì có thể tạo niềm tin cho nhân dân.
Ông Trương Duy Nhất lại bày tỏ lo ngại về chiến dịch chống tham nhũng này, bởi vì ông cho rằng nó luôn ẩn lấp đằng sau là sự đấu đá quyền lực giữa các phe chứ không phải là một cuộc chống tham nhũng thuần túy:
Đó có phải là công cuộc chống tham nhũng đến nơi đến chốn để dân người ta tin hay không thì vẫn là câu hỏi. Bởi vì thực tế ở một chế độ độc tài như vậy thì diệt bè phái này sẽ sinh ra bè phái khác thôi.
Điều quan trọng là bây giờ tạo ra một cơ chế thế nào để hạn chế quan chức tham nhũng thì vẫn chưa thấy đề cập đến, mà chủ yếu vẫn là diệt cánh này, phe kia.
Luật sư Trần Quốc Thuận cho rằng nếu Việt Nam cương quyết thì trong thời gian tới sẽ có nhiều vụ đại án nữa được phanh phui, trong đó có cả dự án BOT.
Việt Nam chưa bao giờ thừa nhận chuyện phe phái nội bộ đấu đá nhau nhưng đã nhiều lần công khai thảo luận về vấn đề nhóm lợi ích. Trung tuần tháng 9 vừa qua, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội kết luận rằng “nói nhóm lợi ích hay sân sau” là có căn cứ. - RFA
|
|
17.
Nợ công Việt Nam chạm đỉnh 65% GDP: Chính phủ phải làm gì?

Bộ Tài Chính hồi hạ tuần tháng 9 thông báo nợ công của Việt Nam chiếm 61% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), tính đến cuối năm 2015 và dự báo đỉnh nợ công sẽ xấp xỉ ở mức 65% GDP vào thời điểm 2017-2018.

Gánh nặng nợ công
Theo số liệu về quyết toán ngân sách nhà nước tính đến cuối năm 2015, Ủy ban thường vụ quốc hội hồi trung tuần tháng 5 công bố nợ công của Việt Nam vào khoảng 363 tỷ đô la Mỹ (USD), chiếm đến 61% GDP, trong đó dư nợ Chính phủ đã chạm trần 50% GDP.
Căn cứ theo số liệu vừa nêu, Bộ Tài Chính trong tháng 9 thông báo Chính phủ Việt Nam mắc nợ trị giá gần 94,3 tỷ USD; bao gồm 39,6 tỷ vay của nước ngoài và phần còn lại là vay trong nước. Bộ Tài Chính còn cho biết nợ Chính phủ bảo lãnh gần 21 tỷ USD, trong đó vay của nước ngoài hơn 11,3 tỷ. Bộ trưởng Bộ Tài Chính Đinh Tiến Dũng cho rằng đây là một trong những áp lực đối với nợ công và trách nhiệm trả nợ của Chính phủ đè nặng lên ngân sách eo hẹp của Việt Nam, trong xu hướng nợ công được dự báo sẽ đạt đỉnh xấp xỉ ở mức 65% GDP vào thời điểm 2017-2018.
Vấn đề được Chính phủ cũng như giới chuyên môn quan tâm là nợ công của Việt Nam được tái cơ cấu như thế nào để luôn ở ngưỡng an toàn cũng như Việt Nam cần làm gì để có khả năng trả nợ trong bối cảnh thiếu nguồn vốn cho phát triển kinh tế giai đoạn đến năm 2035?
Truyền thông trong nước dẫn lời của Chuyên gia cao cấp Cao Viết Sinh rằng theo nhận định của ông thì áp lực nợ công và trả nợ của Việt Nam hiện tại không nằm ở các khỏan vay nước ngoài dài hạn với lãi suất thấp, mà nằm ở các khỏan vay ngắn hạn ở trong nước. Theo tính toán của giới chuyên gia, Chính phủ hàng năm phải chi trả khoảng 14% tổng số nợ Chính phủ vay và nợ Chính phủ bảo lãnh.
Một số các chuyên gia mà Đài RFA tiếp xúc cho rằng Việt Nam đang loay hoay trong mối tương quan giữa vay vốn để phát triển và vì sử dụng các nguồn vốn vay không đạt hiệu quả nên dẫn đến trở thành một trong những quốc gia có tỉ lệ nợ công tăng nhanh nhất, theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới-World Bank; mà nếu không tiếp tục vay thì làm sao phục vụ cho phát triển và trả nợ.
Trong vòng suốt 20 năm, tính từ 2005 đến 2015, Việt Nam nhận được hỗ trợ từ nguồn vốn ODA dưới ba hình thức chủ yếu gồm nguồn vốn viện trợ không hoàn lại, chiếm khoản 10-12%; nguồn vốn vay ưu đãi, chiếm đến 80% và vốn hỗn hợp chiếm 8-10%. Theo thống kê, từ năm 1993 đến năm 2014, tổng giá trị vốn ODA cam kết cho Việt Nam lên đến con số gần 90 tỷ USD. Tuy nhiên, Chính phủ Việt Nam thừa nhận vẫn còn nhiều dự án sử dụng các nguồn vốn ODA chưa hiệu quả, điển hình như 4 dự án đường sắt đô thị tại thủ đô Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh chậm trễ nghiêm trọng hay dự án Đại lộ Đông-Tây là một trong những đại án tham nhũng gây rúng động trong dư luận.
Thời gian sắp tới, Bộ Kế hoạch-Đầu tư dự trù Việt Nam cần phải huy động khoảng 39,5 tỷ USD vốn ODA và vốn vay ưu đãi để đáp ứng nhu cầu đầu tư phát triển đến năm 2020. Trong khi đó, thời điểm cuối năm 2017, Việt Nam không còn được vay vốn ODA từ Ngân hàng Thế giới-World Bank nữa. Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) có thể cũng sẽ ngừng cung cấp các khoản vay ưu đãi đối với Việt Nam. Các quốc gia Châu Âu, bao gồm Anh, Phần Lan và Na Uy cũng thông báo sẽ dừng cấp vốn hay cắt giảm dần vốn ODA cho Việt Nam đến năm 2020.

Trả nợ bằng cách nào?
Trước tình hình bế tắc về nguồn vốn để đầu tư và phát triển cũng như nợ công của Việt Nam ngày càng tăng, các chuyên gia cho rằng việc đi vay với lãi suất thị trường để chi tiêu thì không phải là giải pháp tốt cho Việt Nam. Các chuyên gia đề nghị một trong những biện pháp cần thiết quan trọng là Chính phủ Việt Nam phải ưu tiên giảm chi ngân sách, để có thêm tiền chi cho đầu tư thì khi đó áp lực đi vay và trả nợ sẽ vơi bớt phần nào. Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Vũ Quang Việt, một cựu chuyên viên thuộc Cục Thống kê Liên Hiệp Quốc nhận định đây là một thách thức lớn đối Hà Nội:
“Số liệu trong nước thì họ cố giấu nên không thể biết rõ ràng được. Nhưng theo cách tính của tôi thì Việt Nam chi tiêu cho vấn đề an ninh quốc gia chiếm đến 21% ngân sách. Mức chi tiêu như thế là cực kỳ lớn và chi nhiều nhất 12% cho công an, hơn cả quân đội nữa. Với mức chi như vậy và còn tiếp tục tăng cao thì có cách gì mà giải quyết được?”
Liên quan thông tin đại diện của Ngân hàng Thế giới-World Bank, tại một hội thảo quốc tế được tổ chức ở Hà Nội vào hôm 26 tháng 9 vừa qua, cam kết giúp Việt Nam đẩy mạnh tiến độ giải quyết nợ xấu, các khỏan vay không hoạt động trong hệ thống ngân hàng để đảm bảo việc phân phối vốn hiệu quả cho phát triển kinh tế; trả lời câu hỏi của chúng tôi rằng liệu World Bank hay các tổ chức tài chính quốc tế sẽ can thiệp trực tiếp để giải quyết hay không, Tiến sĩ Vũ Quang Việt cho biết những tổ chức này chỉ đưa ra các giải pháp cho Việt Nam nên làm, nhưng Việt Nam nghe theo hay không là lựa chọn của họ. Cựu chuyên viên của Liên Hiệp Quốc trưng dẫn trường hợp Tổ chức Tiền tệ Quốc tế (IMF) một khi can thiệp trực tếp thì sẽ kèm theo rất nhiều điều kiện đối với quốc gia mà tổ chức này giúp đỡ
“IMF từ xưa giờ có chương trình giải quyết giúp đỡ là khi có một quốc gia nào mất khả năng trả nợ nước ngoài. Việt Nam chưa phải nằm trong tình trạng đó. Nếu như mất khả năng trả nợ nước ngoài thì IMF có thể cho vay tiền để trả nợ kèm theo các điều kiện như đòi hỏi phải cắt ngân sách nhà nước, đòi hỏi phải cắt chi tiêu, đòi hỏi phải tăng thuế…Nghĩa là đòi hỏi rất nhiều thứ và còn đưa ra chương trình hàng năm phải xém xét sổ sách v.v. Từ sau năm 1975 đến giờ, Việt Nam chưa bao giờ bị rơi vào tình trạng này.”
Từ trong nước, Tiến sĩ kinh tế Phạm Chí Dũng lên tiếng Việt Nam cần phải nhanh chóng cải cách thể chế như Chính phủ Hà Nội từng tuyên bố, mà ông gọi là “cải cách chính thể”. Tiến sĩ Phạm Chí Dũng nêu lên Chính phủ Việt Nam cần tiến hành bốn bước quan trọng:
“Thứ nhất là phải minh bạch. Làm gì thì làm nhưng phải minh bạch, đặc biệt là vấn đề tài chính ngân sách. Thứ hai là không được làm nhái những sản phẩm của nước ngoài, có nghĩa là phải tôn trọng quyền sở hữu của người ta. Thứ ba nữa là phải tạo ra cạnh tranh bình đẳng giữa khối doanh nghiệp tư nhân với khối doanh nghiệp nhà nước, không ưu tiên doanh nghiệp nhà nước mà đặc biệt trong bối cảnh doanh nghiệp nhà nước quá kém hiệu quả. Thứ tư là phải chống tham nhũng. Cho đến giờ việc chống tham nhũng quá chậm lụt.”
Bên cạnh đó, Tiến sĩ Phạm Chí Dũng còn đề nghị Chính phủ Việt Nam bắt buộc phải cải cách chính trị như bỏ cơ chế sở hữu toàn dân về đất đai, ban hành các luật định về tự do lập hội, tự do truyền thông cũng như tích cực hơn trong việc cải thiện tình hình nhân quyền ở trong nước. Ông Phạm Chí Dũng nhấn mạnh chỉ khi nào Việt Nam đạt được sự thay đổi như thế thì mới đáp ứng đủ tiêu chí của kinh tế thị trường được quốc tế công nhận.
Đài Á Châu Tự Do ghi nhận ý kiến của Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, một chuyên gia tài chính-ngân hàng độc lập, cho rằng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong hạ tuần tháng 9 đề nghị World Bank tìm các nguồn tại trợ với những khỏan vay không hoàn lại giúp cho giai đoạn phát triển quốc gia đến năm 2035 trong bối cảnh nợ công chạm đỉnh ở ngưỡng 65% GDP là điều hợp lý. Tuy nhiên, một số chuyên gia đánh giá trong bối cảnh hiện nay của Việt Nam và tình hình khó khăn chung của các quốc gia trên thế giới thì Chính phủ Hà Nội sẽ khó có thể tiếp cận nguồn vốn vay không hoàn lại, như quan điểm của Tiến sĩ Vũ Quang Việt rằng“Không ai cho không Việt Nam bây giờ nữa. Trừ trường hợp Trung Quốc may ra cho không”. Và không chỉ giới chuyên gia mà cả dân chúng tại Việt Nam đều tin rằng người bạn láng giềng “4 tốt-16 chữ vàng” cũng sẽ kèm theo những yêu sách một khi Trung Quốc thực hiện nghĩa cử cao đẹp tài trợ không hoàn lại cho Việt Nam. - RFA

Link:
http://bit.ly/2kWPNo9












No comments:

Post a Comment