Sunday, October 22, 2017

TIN CẬP NHẬT THỨ BẢY 21/10/2017 (Lê Minh Nguyên)





Tin Thế Giới

1.
Quan hệ Mỹ-Ấn cải thiện, láng giềng dò xét

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Rex Tillerson tuần tới sẽ có chuyến công du đầu tiên tới Nam Á kể từ khi Nhà Trắng nêu ra chiến lược mới đối với khu vực. Chuyến thăm này có chặng dừng chân ở Ấn Độ, nước có mối quan hệ với Hoa Kỳ đã phát triển thành một liên minh trên thực tế, trong khi các nước láng giềng của Ấn Độ cảm thấy đầy ngờ vực.

Hoa Kỳ và Ấn Độ sử dụng rất nhiều tên khác nhau để mô tả mối quan hệ đang phát triển tốt đẹp trong thời gian gần đây. Nhưng một cụm người ta không nghe thấy là "liên minh". Trên thực tế, các quan chức Mỹ và Ấn Độ đôi khi nói dài dòng đến mức trở thành hài hước để tránh sử dụng cụm từ đó.

Dù đó có vẻ như là một kỹ thuật ngoại giao, nhưng trên thực tế nó phản ánh lịch sử không liên kết của Ấn Độ.

Arpana Pande thuộc Viện Hudson nói với VOA qua Skype: "Ấn Độ không muốn bất cứ ai gọi là đồng minh, và lý do là lịch sử thuộc địa của Ấn Độ".

Điều đó có thể từ từ thay đổi.

Thương mại Hoa Kỳ-Ấn Độ hiện gấp gần sáu lần so với năm 2000.

Và Hoa Kỳ gần đây đã gọi New Delhi là một "đối tác quốc phòng chủ chốt".

Trong một bài phát biểu hôm 18/10, Ngoại trưởng Rex Tillerson nói ông muốn đi xa hơn.

"Chính quyền của ông Trump quyết tâm làm sâu sắc thêm những cách thức để Hoa Kỳ và Ấn Độ thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ đối tác này".

Ông Tillerson cũng làm Trung Quốc tức giận khi ông nói rằng Ấn Độ nên giúp cho việc duy trì "trật tự quốc tế dựa trên luật lệ" mà Hoa Kỳ nói rằng Trung Quốc đang cố gắng làm cho suy yếu.

Pakistan, đối thủ địa chính trị của Ấn Độ, cũng hoài nghi về sự cải thiện quan hệ giữa Hoa Kỳ và Ấn Độ, và phê phán những chỉ trích của Mỹ rằng Pakistan có liên kết với các nhóm khủng bố.

Ông Tillerson sẽ phải cân bằng các mối quan hệ một cách khôn ngoan trong một khu vực ngày càng trở nên quan trọng đối với chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ. - VOA
|
|

2.
Thủ tướng Tây Ban Nha nói sẽ loại bỏ lãnh đạo Catalonia

Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy cho biết hôm 21/10 rằng chính phủ của ông muốn loại bỏ các nhà lãnh đạo của chính quyền khu vực Catalonia và tổ chức bầu cử mới càng sớm càng tốt.

Các biện pháp chưa từng có - nhằm chấm dứt nỗ lực giành độc lập của các nhà lãnh đạo Catalonia - sẽ được đưa ra theo Điều 155 của hiến pháp Tây Ban Nha và phải được trình lên Thượng viện Tây Ban Nha để phê duyệt. Điều này sẽ diễn ra trong tuần tới, Rajoy nói.

Chính phủ Madrid tuyên bố hôm 19/10 rằng họ sẽ viện dẫn Điều 155, một điều khoản cho phép chính quyền trung ương đình chỉ quyền tự trị của chính quyền Catalan.

Động thái này xuất hiện sau vài tuần có những chia rẽ gây ra bởi một cuộc trưng cầu độc lập bị cấm hôm 1/10.

Hôm 19/10, Thống đốc Catalonia Carles Puigdemont đe dọa rằng vùng đông bắc giàu có này có thể chính thức tuyên bố độc lập nếu chính phủ Tây Ban Nha không tham gia đối thoại.

Theo các biện pháp do ông Rajoy đề xuất hôm 21/10, ông Puigdemont, phó thống đốc và các bộ trưởng của ông ta sẽ bị đình chỉ và thay thế bởi chính quyền ở Madrid nếu cần.

Khi thực hiện các bước này, chính phủ có bốn mục tiêu, ông Rajoy nói. Đó là: mang trở lại tính pháp lý; phục hồi trạng thái bình thường và cùng tồn tại ở Catalonia; tiếp tục phục hồi kinh tế khu vực; và tổ chức các cuộc bầu cử trong điều kiện bình thường.

Ông Rajoy cho biết cuộc bầu cử mới nên được tổ chức ở Catalonia trong vòng sáu tháng nhưng ông muốn nó diễn ra càng sớm càng tốt. - VOA
|
|

3.
Tấn công liều chết ở Kabul giết chết 15 người

Bộ Quốc phòng Afghanistan cho hay một vụ đánh bom liều chết hôm 21/10 bên ngoài học viện quân sự ở Kabul đã giết chết ít nhất 15 người và làm bị thương một số người khác.

Cuộc tấn công xảy ra một ngày sau khi một kẻ đánh bom tự sát của Nhà nước Hồi giáo đã tấn công một nhà thờ Hồi giáo Shi'ite đông đúc trong thành phố, giết chết 50 người và làm bị thương hàng chục người khác.

Cảnh sát Afghanistan và các nhân chứng cho biết vụ tấn công hôm 21/10 do một kẻ đánh bom tự sát thực hiện gần một chiếc xe buýt nhỏ chở các học viên ở lối vào chính của Học viện Quân sự Marshal Fahim.

Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Dawlat Waziri xác nhận về số người chết và nói 4 người khác bị thương.

Phiến quân Taliban tuyên bố nhận trách nhiệm về vụ đánh bom này. - VOA
|
|

4.
TT Trump sẽ cho công bố tài liệu mật về vụ ám sát TT Kennedy


Tổng thống Trump thông báo trên Twitter rằng ông sẽ cho phép công bố hàng ngàn tài liệu mật về vụ ám sát Tổng thống John F. Kennedy sau nhiều năm trì hoãn.

Động thái bất ngờ này có nghĩa là các tài liệu chưa từng thấy trước đây sẽ được Cục Hồ sơ Lưu trữ Quốc gia công bố muộn nhật là vào ngày 26/10.

Quốc hội đã yêu cầu hồi năm 1992 rằng tất cả các tài liệu về vụ ám sát được công bố trong vòng 25 năm, trừ khi tổng thống khẳng định rằng làm như vậy sẽ gây tổn hại cho công tác tình báo, thực thi luật pháp, các hoạt động quân sự hoặc quan hệ ngoại giao.

Các tài liệu vẫn còn trong vòng bí mật bao gồm hơn 3.000 văn bản chưa bao giờ được đưa ra công chúng và hơn 30.000 đã được công bố trước đó, nhưng có một số cắt xén.

Các học giả nghiên cứu về ông John F. Kennedy tin rằng các tập tài liệu có thể cung cấp thông tin sâu về việc sát thủ Lee Harvey Oswald đi tới Mexico City vài tuần trước khi xảy ra vụ ám sát, trong thời gian đó hắn ta đã đến các đại sứ quán của Liên Xô và Cuba.

Theo Ủy ban Warren, cơ quan điều tra được Tổng thống Lyndon B. Johnson thành lập, Oswald khai rằng lý do hắn đã đi là để xin visa cho phép hắn nhập cảnh vào Cuba và Liên bang Xô viết, nhưng vẫn còn nhiều điều chưa biết về chuyến đi đó. - VOA
|
|

5.
Đảng của ông Andrej Babis thắng cử ở CH Czech

Ứng viên tỷ phú dân túy Andrej Babis và đảng của ông giành thắng lợi trong cuộc tổng tuyển cử tại Cộng hòa Czech.

Ông Babis, 63 tuổi, cựu đảng viên cộng sản Slovakia, người từng bị cho là cộng tác viên an ninh StB, nhưng nay có 4 tỷ đôla, là người giàu thứ nhì tại nước này.

Đảng ANO (Đúng thế) của ông nhận được gần 30% trên tổng số phiếu được kiểm - gần gấp ba lần so với đối thủ. ANO có nghị trình "chống tầng lớp cầm quyền" dù ông Babis từng làm Phó thủ tướng, Bộ trưởng trong chính phủ liên minh trước đây.

Đảng Dân chủ Công dân và đảng Cướp biển (Pirates) về nhì và ba với hơn 10% số phiếu cho mỗi đảng.

Số người đi bầu là gần 61%.

Ông Babis, người sắp thành thủ tướng, nói với Reuters rằng ông "mời tất cả mọi người tham gia đàm phán" nhưng không sẵn sàng "hợp tác" với đảng cực hữu chống EU và đảng Dân chủ Trực tiếp hay đảng Cộng sản.

Ông nói sẽ không đưa Czech vào khu vực đồng euro nhưng ông muốn nước ông ở lại EU. Ông cũng cho hay sẽ đề xuất thay đổi với Hội đồng Châu Âu về các vấn đề như chất lượng lương thực và "giải pháp di dân".

Ông sinh ra ở Slovakia thời Tiệp Khắc và được cho là thân Moscow.

Hồi nhỏ, là con một nhà ngoại giao Tiệp Khắc, ông đi học ở Paris và Geneva.

Các báo châu Âu gọi ông là Donald Trump của Czech vì các phát biểu chống người nhập cư, và vì ông cũng là tỷ phú.

Toà án tại Slovakia đã mở điều tra về các cáo buộc ông Babis là nhân viên an ninh thời cộng sản, điều ông bác bỏ.

Ông cũng phủ nhận các thông tin nói ông từng làm việc cho KGB.

Bị cáo buộc biển thủ

Ông cũng từng bị buộc tội biển thủ 2 triệu euro tiền trợ cấp của EU cho công ty riêng nhưng ông nói ông là nạn nhân của vụ việc có động cơ chính trị.

Một số tiếng nói trong chính trường Czech lo ngại rằng không chỉ đã làm chủ các doanh nghiệp lớn trong ngành nông nghiệp, hoá chất và thực phẩm, ông Babis còn mua luôn hai tờ báo ở Czech và một đài truyền hình, động thái giúp ông có tiếng nói trong ngành truyền thông.

Bầu cử nghị viện Cộng hòa Czech bắt đầu từ hôm 20 và kết thúc một ngày sau.

Các khẩu hiệu công kích EU và chính sách tái định cư người tỵ nạn Trung Đông ở châu u của đảng ANO thu hút cử tri Czech cả ở phe tả và phe hữu.

Một số báo châu Âu đặt câu hỏi nếu ông Babis làm thủ tướng, Czech có nghiêng về phía các nước Ba Lan và Hungary để hãm đà liên kết EU mà Brussels mong muốn hay là không.

Hồi 2015, ông Babis đã gặp Ngoại trưởng Áo khi đó, Sebastian Kurz, người lên làm thủ tướng tuần trước.

Ông Kurz có quan điểm giảm bớt hội nhập châu u và chia sẻ nghị trình của phe cực hữu Áo.

Từng ủng hộ việc Nga sáp nhập Crimea, ông Babis bị nhà báo Mỹ, bà Anne Applebaum nêu tên trong một cuốn sách về chính trị Đông Âu như một trong những chính trị gia có quan hệ chặt với quyền lợi của Nga dưới thời ông Vladimir Putin. - BBC
|
|

6.
Bầu cử Quốc Hội Nhật Bản: Thủ tướng Abe có thể chiến thắng áp đảo

Bầu cử Quốc Hội Nhật Bản sẽ diễn ra ngày mai, 22/10/2017. Theo một số thăm dò dư luận mới nhất, đảng Tự Do Dân Chủ của thủ tướng Shinzo Abe có thể giành thắng lợi lớn. Theo một điều tra của báo kinh tế Nikkei, liên đảng Tự Do Dân Chủ và đảng Komeito, có khả năng giành được khoảng từ 300 đến 465 ghế tại Hạ Viện.

Hai đối thủ chính của liên đảng cầm quyền là đảng Hy Vọng của nữ thống đốc Tokyo Yuriko Koiko, mới thành lập hồi cuối tháng 9, và đảng trung hữu Dân Chủ Hiến Pháp cũng mới ra đời ít ngày gần đây. Mỗi đảng dự kiến được khoảng 50 ghế.

Đảng Hy Vọng của nữ thống đốc Tokyo thoạt tiên được coi là một đối thủ đáng gờm của ông Abe, nhưng đảng này đã nhanh chóng mất đi sự ủng hộ sau khi bà Koiko quyết định không trực tiếp ra tranh cử, điều này cũng có nghĩa là nữ thống đốc Tokyo không thể trở thành thủ tướng, cho dù đảng của bà có giành chiến thắng.

Nếu thắng lợi, thủ tướng Abe có thể tiếp tục cầm quyền đến năm 2021, nhưng điều quan trọng hơn là ông Shinzo Abe có cơ hội thực thi việc sửa đổi bản Hiến pháp chủ hòa, nhằm gia tăng gấp bội sức mạnh quân sự của Nhật Bản, trong bối cảnh hạt nhân Bắc Triều Tiên được coi là mối đe dọa hàng đầu. Tuy nhiên, cử tri Nhật Bản có thực sự lo ngại về đe dọa hạt nhân Bắc Triều Tiên ? Sau đây là phóng sự về ngày tranh cử cuối cùng, do thông tín viên Alexandre Barbe tại Kyoto thực hiện.

« Trên đường phố Kyoto, các ứng cử viên vận động tranh cử bằng loa phóng thanh. Tuy nhiên, nếu như Bắc Triều Tiên có mặt trong mọi diễn văn, thì không phải ai cũng quan tâm đến chủ đề này.

Ông Kenko không tin vào chiến tranh. Ông nói : ‘‘Tên lửa bay vọt qua Nhật Bản, rõ ràng là vậy, nhưng tôi không cảm thấy mối đe dọa nào cụ thể. Tất nhiên, điều quan trọng là phải bảo vệ đất nước, nhưng Nhật Bản cũng còn có những vấn đề nội bộ khác cần giải quyết’’.

Ngược lại, đối với bà Ai, gốc Hiroshima, thì nỗi lo là thực sự : ‘‘Tôi thường đi du lịch Hàn Quốc, nhưng kể từ khi có vấn đề tên lửa, tôi không đi nữa. Điều này làm tôi sợ’’, bà thừa nhận.

Chính mối lo ngại này giúp thủ tướng Abe lấy lại được cảm tình trong công luận, sau hàng loạt bê bối của chính phủ. Một sinh viên tên Jo bình luận : ‘‘Tôi có cảm tưởng là người ta đang thổi bùng một nỗi lo hãi không có cơ sở. Tôi cho rằng chính phủ Abe đã khuấy động đe dọa Bắc Triều Tiên và dùng điều này để lấy lòng dân chúng’’.

Cuối cùng thì cuộc khủng hoảng tên lửa Bắc Triều Tiên làm sống dậy một cuộc tranh luận mà ông Abe rất muốn, đó là việc biến lực lượng phòng vệ Nhật Bản thành một quân đội thực sự. Nếu thủ tướng Abe giành được đa số, thì mục tiêu này là nằm trong tầm tay”. - RFI
|
|

7.
Thủ tướng Singapore công du Mỹ để siết chặt hợp tác

Hôm nay, 21/10/2017, thủ tướng Singapore Lý Hiển Long bắt đầu chuyến công du Mỹ 6 ngày. Theo báo chí Singapore, mục đích của chuyến đi này của lãnh đạo Singapore là nhằm xây dựng quan hệ đối tác « vững chắc » hơn với Hoa Kỳ.

Thủ tướng Lý Hiển Long sẽ hội kiến với tổng thống Mỹ Donald Trump vào ngày thứ Hai, 23/10. Thủ tướng Singapore là khách mời của Blair House, Nhà khách riêng của tổng thống Mỹ, trong thời gian công du. Ông Lý Hiển Long là lãnh đạo Đông Nam Á đầu tiên được mời lưu lại khách sạn này, kể từ khi Donald Trump làm tổng thống.

Thủ tướng Singapore cũng sẽ có các buổi làm việc riêng với bộ trưởng Tài Chính Steve Mnuchin, bộ trưởng Thương Mại Wilbur Ross, cố vấn an ninh quốc gia McMaster và giám đốc Hội Đồng Kinh Tế Quốc Gia Gary Cohn. Một hợp đồng mua máy bay Boeing dự kiến sẽ được ký kết trong dịp này.

Singapore là một đối tác chủ chốt của Hoa Kỳ về kinh tế và an ninh tại châu Á. Buôn bán và đầu tư Singapore tạo 250.000 việc làm tại Mỹ, trong lúc thương mại song phương với Mỹ tương đương 20% GDP của Singapore. Singapore là đối tác châu Á duy nhất đóng góp về nhân sự và phương tiện quân sự cho cuộc chiến chống Daech của liên quân do Hoa Kỳ lãnh đạo.

Một vấn đề mà một số chuyên gia nhấn mạnh là, trong chuyến công du này, thủ tướng Singapore có thể mang lại những tư vấn quan trọng cho Hoa Kỳ về các ứng xử cần có với Trung Quốc. Viện tư vấn Mỹ The Heritage Foundation, theo xu hướng bảo thủ, bình luận là việc Washington « quản lý kém » mối quan hệ với Trung Quốc sẽ là « một đe dọa với sự ổn định » của khu vực Đông Nam Á. Thủ tướng Singapore vừa có chuyến công du Trung Quốc hồi cuối tháng 9.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn hãng tin Mỹ CNBC được công bố hôm qua, ngay trước chuyến công du, lãnh đạo Singapore khẳng định tầm quan trọng của việc bảo vệ quyền tự do hàng hải tại Biển Đông.

Singapore sẽ đảm nhiệm chức vụ chủ tịch luân phiên khối ASEAN trong năm tới. Năm 2018 cũng được coi là một năm bản lề trong các thương thuyết giữa ASEAN và Trung Quốc về Bộ Quy Tắc Ứng Xử tại Biển Đông (COC). - RFI
|
|

8.
Trung Quốc và sự cám dỗ của mô hình Singapore --- Gió ngược mang ô nhiễm đến Bắc Kinh trong Đại Hội Đảng

Nhân dịp diễn ra Đại hội đảng Cộng Sản Trung Quốc lần thứ 19, tuần báo Courrier International đặt tựa trang bìa : « Trung Quốc : những đứa con của Tập Cận Bình » và dành hồ sơ 10 trang giới thiệu những phân tích trên các báo châu Á về dấu ấn của « nhân vật số 1 Trung Hoa »trong lĩnh vực xã hội. Đáng chú ý là bài viết với tiêu đề « Sự cám dỗ từ mô hình Singapore », Le Courrier International trích dịch từ báo Lianhe Zaobao của Singapore.

Những ngày qua, trước thềm diễn ra Đại Hội Đảng Cộng Sản Trung Quốc lần thứ 19, người ta không ngừng đặt câu hỏi về tương lai của Trung Quốc. Kể từ Đại Hội Đảng lần thứ 18 hồi tháng 11/2012 tới nay, hai sự kiện trung tâm trong mọi cuộc thảo luận trong nội bộ đảng Cộng Sản Trung Quốc là kỷ niệm 100 năm ngày thành lập đảng (2021) và 100 năm ngày thành lập nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa (2049). Từ nay tới đó, « ưu tiên của mọi ưu tiên » là cải cách hệ thống chính trị. Ngay cả khi chủ đề này như « cái gai trong mắt », đảng Cộng Sản Trung Quốc chưa bao giờ tìm cách né tránh. Từ thời Đặng Tiểu Bình, nhiều hướng cải cách đã được vạch ra, mang lại ít nhiều thành công.

Xét về các thành tựu, cần nói rõ là từ sau vụ đàn áp đẫm máu ở Thiên An Môn năm 1989, Trung Quốc có đời sống chính trị ổn định, các nhà lãnh đạo đảng không gây ra việc gì có hại cho chế độ. Không có sự ổn định chính trị nói trên, không thể có những thành tựu kinh tế và xã hội như trong những năm qua. Tuy nhiên, vẫn còn đó những vấn đề nghiêm trọng và đòi hỏi các giải pháp cấp thiết. Trước Đại hội đảng Cộng Sản Trung Quốc lần thứ 18, tham nhũng, lợi ích nhóm và sự can thiệp của quân đội vào công tác chính trị là các vấn đề lớn.

Trong bối cảnh đó, đảng Cộng Sản Trung Quốc tiến hành thâu tóm quyền lực trung ương, rồi từ đó tung ra chiến lược quy mô lớn chống tham nhũng, đấu tranh chống lợi ích nhóm, một xu hướng vốn đang dần trở nên phổ biến không chỉ trong nội bộ đảng mà còn trong bộ máy hành chính và cả quân đội.

Tuy nhiên, mục tiêu lớn nhất của việc thâu tóm quyền lực trung ương là nhằm tiến hành các cải cách. Vấn đề giờ đây là làm thế nào để hoàn thiện cải cách và đưa Trung Quốc thành một Nhà nước pháp quyền. Theo nghĩa rộng, cuộc cải cách này liên quan tới đảng cầm quyền, chính phủ, quân đội, nền kinh tế, xã hội và cả các mối liên hệ giữa các yếu tố trên. Việc xây dựng Nhà nước pháp quyền phải phù hợp với hoàn cảnh riêng của Trung Quốc, hơn nữa Bắc Kinh lại không muốn bắt chước một cách mù quáng mô hình của các nước khác.

Theo suy đoán của nhiều người, rất khó xảy ra chuyện Bắc Kinh theo mô hình của Matxcơva. Bởi vì tại nước Nga của tổng thống Vladimir Putin, quyền lực tập trung trong tay một cá nhân chứ không phải thuộc về một định chế. Trong khi đó, Trung Quốc lại muốn quyền lực trung ương do một định chế nắm giữ, chứ không do một cá nhân thâu tóm. Đó là điểm khác biệt giữa hai quốc gia.

Một số người khác cho rằng Trung Quốc có thể sẽ học theo mô hình của Đài Loan thời Tưởng Kinh Quốc 1978-1988, nói cách khác, đó là mô hình của phương Tây. Nhưng khả năng thay đổi hệ thống chính trị này cũng khó xảy ra vì nếu nhiều yếu tố cấu thành một chế độ chính trị (dân chủ trong nội bộ đảng, ban lãnh đạo đảng, sự tiến bộ đều đặn của tư tưởng dân chủ trong xã hội …) tiến triển từng bước, rất có thể sẽ đó sẽ là những bước tiến đầu của quá trình dân chủ hóa rộng rãi. Ở Đông Á, người ta thấy là dân chủ hóa, nếu có, thường là theo mô hình kiểu Mỹ. Đó chính là trường hợp của Hàn Quốc và Đài Loan. Tuy nhiên, nền kinh tế suy yếu của các nước này đã cho thấy hệ quả của mô hình dân chủ kiểu này tới xã hội.

Khả năng thứ ba là Trung Quốc học theo mô hình chính trị của cố thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu, « cha đẻ » của Singapore hiện đại. Đó chính là mô hình tiêu biểu nhất về tập trung quyền lực trung ương vào một định chế. Cố thủ tướng Lý Quang Diệu đương nhiên là có nhiều quyền lực, nhưng ông đã không lạm dụng quyền lực để trở thành một nhà độc tài. Thủ tướng Singapore giai đoạn 1959-1990 đã biến mọi quyền lực mà ông có thành một thứ quyền lực mang tính định chế, dựa trên sự tôn trọng pháp luật. Và chỉ sau một thế hệ, Singapore từ một nước thuộc « thế giới thứ ba » đã vươn lên thành nước có nền kinh tế và xã hội phát triển, người dân có thu nhập cao.

Hiện nay, mặc dù Singapore cũng đang có những thay đổi về mặt chính trị, nhưng xã hội không phải đối mặt với nguy cơ bị rối loạn mạnh, nhờ tính vững chắc của các định chế, và chắc chắn Singapore sẽ tiếp tục dẫn đầu châu Á. Còn về Trung Quốc, tác giả viết khẳng định nhiều yếu tố có thể sẽ dẫn dắt Bắc Kinh theo con đường của Singapore để xây dựng thành công nhà nước pháp quyền thông qua tập trung quyền lực vào các định chế. Trên cơ sở đó, Trung Quốc sẽ có thể vươn lên thành một nền kinh tế trình độ cao và xây dựng hệ thống xã hội phát triển. - RFI

***
Tuy đã cấm các nhà máy và nhà hàng trong khu vực hoạt động để giữ cho bầu trời Bắc Kinh được xanh trong vào dịp Đại hội Đảng lần thứ 19, nhưng một làn gió ngược từ phương nam từ hôm qua 20/10/2017 đã mang đến những đám mây ô nhiễm, làm hỏng mất ngày đại lễ long trọng của đảng Cộng Sản Trung Quốc.

Trong bài diễn văn hôm khai mạc 18/10, tổng bí thư Tập Cận Bình đã hùng hồn tuyên bố : « Cần phải chận đứng nạn ô nhiễm ngay từ gốc, tiếp tục đấu tranh chống ô nhiễm không khí và giành thắng lợi trong cuộc chiến đấu cho một bầu trời xanh ».

Cả 2.300 đại biểu đồng loạt vỗ tay hoan nghênh nhiệt liệt. Nhưng bên ngoài Đại lễ đường Nhân Dân, tỉ lệ vi phân tử độc hại (có đường kính dưới 2,5 micron) đo được từ hôm qua đã vượt quá ngưỡng 200, theo công ty AirVisual. Trong khi đó, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo tỉ lệ này tối đa chỉ có 25.

Nhà cầm quyền Trung Quốc, một trong những nước ô nhiễm nhất thế giới, mỗi dịp hội nghị lớn đều muốn có được một bầu trời xanh trong trên màn ảnh truyền hình. Đến nỗi có lần người dân đặt tên là « màu xanh APEC », do nhờ hội nghị APEC, các nhà máy bị đóng cửa, mới thấy lại được màu trời xanh.

Trong Đại hội Đảng 19, các nhà máy luyện thép ở cách Bắc Kinh 160 km đã bị buộc phải ngưng hoạt động, các công trường xây dựng bị ngưng, thậm chí các nhà hàng bán món thịt nướng cũng bị tạm đóng cửa.

Tuy nhiên cơ quan khí tượng cho biết một trận gió đã ập vào thủ đô, mang theo khói mù từ các nhà máy thuộc ngành công nghiệp nặng của các tỉnh miền nam đến Bắc Kinh. Đám mây độc hại « ô nhiễm ở mức trung bình đến cao » này sẽ tồn tại ít nhất là đến hết cuối tuần. - RFI
|
|

Tin Hoa Kỳ

9.
Mỹ cảnh báo tấn công điện toán nhắm vào công ty điện

Chính phủ Mỹ mới vừa đưa ra lời cảnh báo hiếm thấy về nguy cơ tấn công điện toán nhắm vào các công ty cung cấp năng lượng và công ty sản xuất ở Mỹ, theo tin hãng thông tấn Reuters.

Đây là chỉ dấu mới nhất là các cuộc tấn công này đang là nguy cơ ngày càng cao cho hệ thống hạ tầng cơ sở trong quốc gia này.

Bộ Nội An và cơ quan FBI vào chiều ngày Thứ Sáu đưa ra lời cảnh báo cho hay các nhà máy nguyên tử, năng lượng, nước, cơ quan hàng không, cùng là các cơ xưởng sản xuất quan trọng ở Mỹ đã bị tấn công cùng với các cơ quan chính phủ kể từ ít nhất là Tháng Năm tới nay, hãng thông tấn Reuters cho biết.

Bộ Nội An và FBI cho hay tin tặc có thể đã thành công trong việc xâm nhập một số mục tiêu, nhưng không nói rõ các nạn nhân hoặc cho biết chi tiết về các vụ tấn công phá hoại qua mạng.

Giới hữu trách Mỹ khởi sự theo dõi các hành động tấn công này từ mấy tháng qua, vốn được trình bày chi tiết trong một báo cáo mà Reuters có hồi Tháng Sáu.

Bản báo cáo này được gửi tới các công ty cũng như các cơ quan liên hệ, cho thấy có các cuộc tấn công nhắm vào những lãnh vực đã nêu.

Theo một chuyên gia về an ninh mạng, ông Robert Lee, giám đốc điều hành công ty Dragos, thì bản báo cáo cũng cho thấy các nhóm bị coi là liên hệ trong các cuộc tấn công này làm việc cho chính phủ Nga. - nguoiviet
|
|

10.
Thiếu phi công tác chiến, Không Quân Mỹ có thể gọi lại 1,000 người nghỉ hưu

Tổng Thống Donald Trump hôm Thứ Sáu ký ban hành một sắc lệnh, theo đó cho phép Không Quân Mỹ nếu cần có thể gọi tới 1,000 phi công nay đang nghỉ hưu trở lại hoạt động, trước tình trạng thiếu trầm trọng các phi công tác chiến, theo Tòa Bạch Ốc và Ngũ Giác Đài.

Bản tin của tờ báo USA Today nói rằng trước đây, theo luật, các quân binh chủng Mỹ chỉ được phép đưa tối đa là 25 sĩ quan đã nghỉ hưu trở lại tình trạng hiện dịch.

Nay lệnh của Tổng Thống Trump hủy bỏ giới hạn này bằng cách nới rộng tình trạng khẩn cấp quốc gia được Tổng Thống George W. Bush đưa ra sau cuộc tấn công 9/11, một điều cho thấy có sự leo thang quan trọng trong cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu kéo dài đã 16 năm nay.

“Chúng tôi chờ đợi là Bộ Trưởng Quốc Phòng sẽ giao thẩm quyền này cho Bộ Trưởng Không Quân để gọi lại tới 1,000 phi công đã nghỉ hưu để phục vụ thêm tối đa là ba năm nữa,” theo Trung Tá Gary Ross, một phát ngôn viên Ngũ Giác Đài.

Tuy nhiên, lệnh của Tổng Thống Trump không chỉ giới hạn vào quân chủng Không Quân mà có thể dùng trong tương lai để gọi lại các sĩ quan trong các quân binh chủng khác.

Không Quân Mỹ hiện đang thiếu khoảng 1,500 phi công. Các chương trình cấp tiền thưởng tái đăng hay các món tiền thưởng khác không giúp giảm bớt sự thiếu hụt này, bản tin USA Today cho hay.

Hồi Tháng Sáu, Thượng Nghị Sĩ John McCain (Cộng Hòa-Arizona), Chủ Tịch Ủy Ban Quốc Phòng Thượng Viện, nói rằng việc thiếu phi công là cuộc khủng hoảng khiến Không Quân không hoàn tất được nhiệm vụ của mình.

Một chuyên gia ngành hàng không, ông Richard Aboulafia, nói rằng sự thiếu hụt này là do nhiều lý do, trong số có cả việc lãnh vực hàng không dân sự thu hút quá nhiều phi công. - nguoiviet
|
|

11.
Tòa hủy quyết định đòi Johnson & Johnson bồi thường $417 triệu

Một chánh án ở Los Angeles hôm Thứ Sáu bác bỏ quyết định của một bồi thẩm đoàn theo đó cho một phụ nữ được đòi công ty dược phẩm Johnson & Johnson bồi thường $417 triệu vì bà này cho rằng bị ung thư buồng trứng do dùng phấn rôm của công ty này.

Chánh Án Maren Nelson chấp thuận yêu cầu của công ty Johnson & Johnson cho có vụ xử lại do có lỗi lầm và hành vi sai trái của thành viên bồi thẩm đoàn trong phiên xử chấm dứt hai tháng trước đây.

Vị chánh án cũng nói rằng không có bằng chứng nào cho thấy Johnson & Johnson hành xử có ác ý, và tiền bồi thường quá cao, không hợp lý.

Luật Sư Mark Robinson Jr. của nguyên cáo Eva Echeverria cho hay sẽ kháng án dù bà Echeverria đã qua đời.

“Chúng tôi sẽ tiếp tục tranh đấu vì quyền lợi của tất cả phụ nữ bị sản phẩm nguy hiểm này ảnh hưởng,” ông Robinson cho hay trong bản thông cáo gửi tới báo chí.

Luật sư của bà Echeverria nói rằng các tài liệu có được cho thấy Johnson & Johnson biết về các rủi ro của loại phấn talc liên quan tới ung thư buồng trứng trong ba thập niên.

Công ty Johnson & Johnson nói họ hài lòng về phán quyết mới nhất và khẳng định rằng ung thư buồng trứng không do phấn rôm Baby Powder của họ gây ra. - nguoiviet
|
|

Tin Việt Nam

12.
Hàng nghìn người biểu tình đòi tự do cho Trần Thị Xuân

Hàng nghìn người đã biểu tình ở một xã của tỉnh Hà Tĩnh hôm 21/10 để đòi tự do cho nhà hoạt động nữ Trần Thị Xuân mới bị bắt trước đó 4 ngày.

Các nhà hoạt động Lê Văn Sơn và Chu Mạnh Sơn dẫn lại thông tin bao gồm video và ảnh chụp từ địa phương cho hay khoảng 3.000 người dân đã tuần hành trên một đoạn đường dài, kết thúc phía trước ủy ban nhân dân xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà.

Những người biểu tình mang theo biểu ngữ viết “Yêu cầu trả tự do cho Trần Thị Xuân”, “Trần Thị Xuân vô tội”, “Phản đối bắt người trái pháp luật”. Họ cũng hô vang nội dung của biểu ngữ khi biểu tình, nhất là lúc tập trung trước trụ sở ủy ban.

Chính quyền Việt Nam hôm 17/10 đã bắt giam nhà tranh đấu Trần Thị Xuân, 41 tuổi, thành viên của Hội Anh em Dân chủ tại Hà Tĩnh.

Truyền thông nhà nước hôm 18/10 loan tin rằng công an “bắt khẩn cấp” bà Xuân về hành vi “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân,” theo Điều 79 của Bộ luật Hình sự.

Cuối ngày 18/10, ông Trần Quyết Tiến, anh của bà Xuân, nói với VOA rằng lý do chính quyền đưa ra để bắt em gái ông là “rất vu vơ, không chứng cứ”.

Ông Tiến nói bà Xuân không làm gì “ảnh hưởng đến an ninh chính trị của đất nước cả”. Ông cho biết thêm em ông hay đi gom ve chai, làm thiện nguyện, giúp người nghèo hoặc gặp hoàn cảnh khó khăn trong xã. Ông khẳng định: “Tôi chả thấy có tội gì mà để họ bắt cả. Việc này rất vô lý”.

Theo tường thuật trong video dài hơn 12 phút được nhà hoạt động Chu Mạnh Sơn đăng trên Facebook, trong số những người biểu tình, có nhiều người nói họ từng được chị Xuân giúp đỡ.

Trong ý kiến ngắn đăng kèm với video, ông Chu Mạnh Sơn nói ông ủng hộ những người biểu tình là giáo dân và linh mục giáo xứ Cửa Sót, xã Thạch Kim.

Ông bình luận rằng cho dù nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam gia tăng đàn áp và bỏ tù người yêu nước như hiện nay, họ vẫn sẽ thất bại một lần nữa, theo cách dùng từ của ông.

Ông viết: “Họ nghĩ rằng, với cường độ và mức án tù từ 8-9-10 năm tù cho những người yêu nước hiện nay sẽ khiến người dân hoảng loạn, lo sợ và bỏ cuộc. Tuy nhiên, họ đã lầm khi 1 người bị bắt vì ‘tội yêu nước' thì sẽ có thêm hàng ngàn người khác cùng đứng lên. Trường hợp tù nhân lương tâm Trần Thị Xuân là một minh chứng cụ thể”.

Hãng tin Reuters hôm 18/10 nói nếu tính cả vụ bắt bà Trần Thị Xuân, từ đầu năm đến nay chính quyền Việt Nam đã bắt ít nhất 17 người bất đồng chính kiến.
Kể từ cuối tháng 7, Việt Nam đã bắt giữ 7 nhà tranh đấu, được cho là thành viên của Hội Anh em Dân chủ, gồm các ông Nguyễn Trung Tôn, Phạm Văn Trội, Trương Minh Đức, Nguyễn Văn Túc, Nguyễn Trung Trực và ông Nguyễn Bắc Truyển với cáo buộc “lật đổ chính quyền”. - VOA
|
|

13.
Mất chức ‘sếp’ cảnh sát giao thông, 14 năm sau trở lại với chức cao
hơn

Trả lời câu hỏi tại sao 14 năm trước bị kỷ luật và điều chuyển khỏi lực lượng cảnh sát giao thông tỉnh Đồng Nai, đến nay ông Võ Đình Thường lại được bổ nhiệm tới chức vụ là cấp phó lãnh đạo của lực lượng cảnh sát giao thông tỉnh này, chánh Văn Phòng Bộ Công An nói đây là “vấn đề bình thường.”

“Việc kỷ luật, thông thường có thể không cho giữ chức vụ đó trong vòng 2-3 năm, khi tiến bộ thì lại tiếp tục. Hồi đó anh Thường với vai trò là người quản lý, để cho cán bộ sai phạm nên phải chịu trách nhiệm quản lý. Hình thức kỷ luật không phải là cho ra khỏi ngành mà là không làm cảnh sát giao thông nữa, chuyển sang quản lý hành chính.”

Đó là lời ông Lương Tam Quang, chánh Văn Phòng Bộ Công An, nói với báo Pháp Luật TP.HCM vào chiều tối 21 Tháng Mười, liên quan đến vụ việc của ông Võ Đình Thường, phó trưởng Phòng Cảnh Sát Giao Thông Đường Bộ Đường Sắt (PC67) Công An tỉnh Đồng Nai, từng bị kỷ luật 14 năm trước khi là trưởng Trạm Cảnh Sát Giao Thông Dầu Giây, tỉnh Đồng Nai, đã ăn chặn tiền của tài xế đi trên đoạn đường này. Sau khi bị báo chí thời điểm đó phanh phui tiêu cực, ông Thường bị điều chuyển khỏi lực lượng cảnh sát giao thông.

Nói với báo Pháp Luật TP.HCM, ông Quang khẳng định, quá trình ở vị trí công tác mới, ông Thường có nhiều tiến bộ và phát triển trong nhiều năm, căn cứ nhu cầu công tác tăng cường nên được điều động trở lại. “Điều này là hết sức bình thường, không có gì cả,” phát ngôn viên Bộ Công An nhấn mạnh.

Tiếp tục đặt vấn đề từng vi phạm tới mức bị điều chuyển ra khỏi lực lượng cảnh sát giao thông nhưng nay lại giữ cương vị cao của chính lực lượng này, dư luận đang đặt câu hỏi về “chất lượng công tác” của ông Võ Đình Thường liệu có bảo đảm?

Ông Quang cho rằng sau khi có vi phạm nhưng đã có sự phấn đấu thì cần ghi nhận, việc ông Thường đảm nhiệm chức vụ hiện nay “đương nhiên là bảo đảm, chẳng có vấn đề gì cả.”

Cùng ngày, nói với báo Người Lao Động, ông Thường xác nhận ông chính là trưởng Trạm Cảnh Sát Giao Thông Dầu Giây những năm 2003-2004. Thời điểm đó, ông cùng một số cán bộ sai phạm đã bị ban giám đốc Công An tỉnh Đồng Nai kỷ luật cách chức và luân chuyển công tác.

Ông Thường cho biết sau vụ kỷ luật trên, ông được đưa về công tác tại Phòng Cảnh Sát Quản Lý Hành Chính Về Trật Tự Xã Hội (PC64) Công An tỉnh Đồng Nai. Năm đầu tiên công tác, ông phấn đấu làm việc tốt và được công nhận chiến sĩ thi đua. Tại đây, lãnh đạo quyết định xóa kỷ luật đối với ông.

Ba năm sau, ông về công tác tại Đội Cảnh Sát Trật Tự 113 và “được tặng nhiều giấy khen.” Năm 2010, ông được bổ nhiệm làm phó Phòng Cảnh Sát Phòng, Chống Tội Phạm Về Môi Trường (PC49).

Theo ông Thường, đến Tháng Sáu, 2015, ông được luân chuyển về làm phó Phòng Cảnh Sát Giao Thông Đường Bộ Đường Sắt (PC67) Công An tỉnh Đồng Nai đến nay.

“Là cán bộ, được phân công nhiệm vụ thì phải thực hiện…” ông Thường nói ngắn gọn.

Trước đó, truyền thông Việt Nam loan tin về việc ông Thường ký giấy mời các tài xế liên quan đến trạm thu phí BOT (dự án giao thông được nhà đầu tư ứng tiền trước để làm công trình rồi mới thu phí) Biên Hòa lên làm việc. Lý do là trạm thu phí đặt không đúng chỗ, thu tiền giá cao, nên tài xế phản ứng.

Nói với báo Tuổi Trẻ về việc ký giấy mời tài xế qua trạm thu phí BOT Biên Hòa lên làm việc, ông nói: “Chuyện tài xế trả tiền lẻ, gây hỗn loạn ở trạm thu phí BOT khiến cả hệ thống chính trị của tỉnh Đồng Nai vào cuộc giải quyết. Việc tôi ký thư mời đều theo chỉ đạo của cấp trên.”

“Hơn nữa tuyến giao thông quốc lộ 1 là do tôi phụ trách nên tôi được phân công ký chứ không thể tự ý ký thư mời. Việc mời tài xế cũng trên tinh thần giải thích pháp luật, ổn định trật tự xã hội địa bàn chứ tôi đã xử phạt, nói nặng tài xế câu nào đâu. Vậy mà trên mạng họ chĩa vào đời tư của tôi nên tôi rất buồn…” ông giãi bày.

Từ chuyện ông ký giấy mời này, dư luận râm ran ông Thường chính là trạm trưởng Trạm Cảnh Sát Giao Thông Dầu Giây từng bị kỷ luật cho ra khỏi lực lượng cảnh sát giao thông 14 năm trước. Thời điểm đó, năm 2003, giám đốc Công An tỉnh Đồng Nai đã có quyết định cách chức trạm trưởng Võ Đình Thường, cho ra khỏi lực lượng; 10 cán bộ, chiến sĩ dưới quyền ông Thường cũng bị kỷ luật từ khiển trách đến cảnh cáo.

Công An tỉnh Đồng Nai thời điểm đó kết luận ông Thường đã thiếu tinh thần trách nhiệm, để xảy ra tình trạng cấp dưới vi phạm quy trình tuần tra kiểm soát giao thông, có biểu hiện tiêu cực. Sai phạm của ông Thường làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của ngành.

Vụ tiêu cực ở Trạm Dầu Giây được phanh phui với việc nhận hối lộ, tổ chức làm luật với xe hơi, xe tải trên các tuyến đường do Trạm Dầu Giây quản lý đã thành hệ thống nhờ đoạn băng ghi âm mà báo Pháp Luật TP.HCM thuê mấy trẻ đánh giày cài đặt ông Thường nói trong cuộc giao ban chiều 16 Tháng Sáu, 2003, tại trạm này.

“Làm lâu năm trong nghề phải biết kinh nghiệm. Làm sao phải nhanh tay lẹ mắt, phải gọn gàng. Chứ làm mà ai liếc vô cũng biết thì yếu quá. Làm thế báo nó chụp vô là thấy liền… Phức tạp lắm đâu phải đơn giản. Báo chí nó nhao lên rồi, mai mốt Thanh Tra Bộ, rồi đoàn này đoàn kia đi kiểm tra…” trích băng ghi âm.

“Với báo chí, các anh thấy rồi. Tình hình rất phức tạp. Nó đánh tùm lum hết, nên các anh phải cố gắng. Làm mà để nó chụp hình lên báo là toi. Riêng tôi, còn sống với anh em ngày nào, tôi còn lo cho anh em ngày đó. Anh em làm sao thì làm, đừng để bị gài máy ghi âm hoặc là tiền bạc mà để bị chụp hình, rất khó giải quyết… Từ thời gian này trở đi, các đồng chí cố gắng đi làm phải để ý,” ông Thường bày cách cho thuộc cấp ăn tiền mãi lộ. - nguoiviet

Link:
http://bit.ly/2kWPNo9






No comments:

Post a Comment