Monday, October 23, 2017

TIN CẬP NHẬT CHỦ NHẬT 22/10/2017 (Lê Minh Nguyên)





Tin Thế Giới

1.
Biển Đông: Trung Quốc lập đơn vị cứu hộ mới cho hạm đội Nam Hải

Hạm đội Nam Hải thuộc Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) - lực lượng chuyên trách các hoạt động của Hải Quân Trung Quốc ở Biển Đông, đang được bổ sung một đơn vị cứu hộ mới. Trung Quốc muốn tăng cường sự hiện diện và khả năng của mình trong vùng biển đang có tranh chấp.

Như vậy là hạm đội Nam Hải sẽ có hai đơn vị cứu hộ. Báo Straits Times, hôm nay 22/10/2017, cho biết là theo các chuyên gia quân sự, đơn vị mới này sẽ tăng cường khả năng thực hiện các nhiệm vụ ở vùng biển xa hơn nữa của hải quân Trung Quốc. Còn một chuyên gia quân sự giấu tên nói với tờ Global Times là đơn vị cứu hộ mới có thể tăng khả năng phòng thủ của Hạm đội Nam Hải dọc theo bờ biển và trên biển, cũng như trong chiến đấu.

Nhiệm vụ chính của đơn vị cứu hộ hàng hải bao gồm triển khai các thiết bị cứu hộ, thiết bị lặn và các thiết bị khác trong mọi trường hợp khẩn cấp, để giảm thiểu tổn thất trong các tai nạn và bảo vệ các kỹ sư hàng hải. Đơn vị này cũng có thể tham gia vào các hoạt động cứu nạn trên biển.

Hạm đội Bắc Hải của Hải Quân Trung Quốc đã thành lập một đơn vị như vậy vào năm 2011, vì hạm đội Bắc Hải chịu trách nhiệm về các hoạt động cứu hộ trên tất cả các khu vực pháp lý của hải quân Trung Quốc. Các nguồn lực của hạm đội này đã được nâng cao trong quá trình hải quân Trung Quốc mở rộng tầm hoạt động trong những năm gần đây.

Theo hình ảnh vệ tinh mà các cơ quan tư vấn nước ngoai thu thập được, Trung Quốc đã triển khai hầu hết các tàu ngầm hạt nhân tiên tiến ở Biển Đông. Tuy nhiên, việc ngày càng có nhiều tàu ngầm trong khu vực đã làm tăng nguy cơ xảy ra tai nạn. Theo ông Collin Koh, chuyên gia về an ninh hàng hải tại Đại học Công nghệ Nanyang của Singapore, nói: «Khi xảy ra tai nạn, tàu ngầm không thể dựa vào đơn vị cứu hộ của Hạm đội Bắc Hải».

Ông Ke Hehai, chính ủy của đơn vị, trong một phiên họp nghiên cứu báo cáo chính trị của chủ tịch Tập Cận Bình trong phiên khai mạc Đại Hội Đảng Cộng Sản Trung Quốc lần thứ 19 giải thíchlà việc thành lập đơn vị cứu hộ mới cho hạm đội Nam Hải nằm trong khuôn khổ "cuộc cải cách quân sự mới nhất". - RFI
|
|
2.
Học giả Trung Quốc: Bắc Triều Tiên ‘‘tự đẩy mình vào chỗ chết’’, nếu thử tiếp tên lửa

Tham vọng làm chủ vũ khí hạt nhân của Bắc Triều Tiên dường như ngày càng đẩy đồng minh Trung Quốc, và trước hết là lãnh đạo Tập Cận Bình, vào thế kẹt. Đúng vào lúc Đảng Cộng Sản Trung Quốc họp Đại Hội, một học giả Trung Quốc cho biết nếu thử tên lửa thêm một lần nữa, chế độ Bình Nhưỡng sẽ « tự đẩy mình vào chỗ chết ».

Báo mạng Anh Quốc Expresse, ngày hôm nay, 22/10/2017 dẫn lại một cuộc phỏng vấn « gây sốc », của học giả Chong Sho Hu, giáo sư quan hệ quốc tế Đại Học Nhân Dân Bắc Kinh, với BBC. Vị giáo sư này cho hay Bắc Triều Tiên « đang tìm đến cái chết » khi tiếp tục phát triển vũ khí hạt nhân. Ông khẳng định kỷ nguyên bạn hữu giữa Trung Quốc và Bắc Triều Tiên đã kết thúc, « chủ tịch Tập Cận Bình đã ngán ngẩm với các hành xử bất định của nhà độc tài Bắc Triều Tiên Kim Jong Un ».

Trong một lần gần đây, lãnh đạo Trung Quốc cho biết đã « sôi lên vì giận », sau khi Bình Nhưỡng thử vũ khí mới ngay vào lúc Trung Quốc chuẩn bị đón một hội nghị quốc tế toàn cầu quan trọng (ngụ ý nhắc đến vụ thử bom nhiệt hạch đầu tiên ngay trước thượng đỉnh của nhóm BRICS tổ chức tại Hạ Môn-Xiamen hồi đầu tháng 9).

Theo báo mạng Anh Quốc, cựu đại sứ Mỹ tại Trung Quốc, ông Max Baucus, từng cho biết lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình chỉ có một lần duy nhất sử dụng «ngôn từ không mang tính ngoại giao», đó là khi nói về Kim Jong Un.

Trung Quốc và Bắc Triều Tiên có thể từ bạn thành thù

Học giả Chong Sho Hu nhận định là việc quan hệ giữa Trung Quốc và Bắc Triều Tiên chuyển từ bạn thành thù không phải là điều không thể xảy ra, bởi trong lịch sử Bắc Kinh đã từng có lúc coi những quốc gia một thời đồng minh chí cốt, như Liên Xô và Việt Nam, là kẻ thù, chiến tranh đã xẩy ra giữa hai bên.

Giáo sư quan hệ quốc tế ở Bắc Kinh còn nói thêm là « Bắc Triều Tiên đang ở trong một tình thế hết sức mong manh. Chưa từng có quốc gia nào phải chịu các trừng phạt quốc tế nặng nề như vậy». Ông ví Bình Nhưỡng như «mấp mé bên miệng vực », chỉ cần «một làn gió nhẹ» cũng đủ tiêu vong.

Học giả Chong Sho Hu được coi là người có quan hệ mật thiết với các cơ quan ngoại giao, quốc phòng Trung Quốc.

Khủng hoảng Bắc Triều Tiên dường như tạm lắng lại trong thời gian Đảng Cộng Sản Trung Quốc họp Đại Hội 19. Tuy nhiên, theo các nhà quan sát, một khi quyền lực của ông Tập Cận Bình được củng cố sau Đại Hội, Hoa Kỳ chắc chắn sẽ gia tăng áp lực lên chủ tịch Trung Quốc, buộc Bắc Triều Tiên chấm dứt tham vọng hạt nhân.

Theo lãnh đạo CIA Mỹ, Mike Pompeo, phát biểu hôm thứ Năm, 19/10, Bắc Triều Tiên chỉ còn «vài tháng nữa» là làm chủ được vũ khí hạt nhân có thể tấn công Hoa Kỳ, mà đây là điều mà tổng thống Trump tuyên bố không chấp nhận. - RFI
|
|
3.
Thủ lĩnh đối lập Nga ra tù

Thủ lĩnh đối Nga Alexei Navalny hôm 22/10 cho biết rằng ông đã được thả sau khoảng 3 tuần bị cầm tù.

Theo Reuters, ông Navalny bị cảnh sát bắt cuối tháng Chín rồi sau đó bị kết án 20 ngày tù giam vì cáo buộc liên tiếp vi phạm pháp luật khi tổ chức các cuộc tuần hành công khai.

Sau khi được phóng thích, ông Navalny cho biết rằng ông tính sẽ phát biểu tại một cuộc gặp mặt chính trị tại thị trấn Astrakhan ở miền nam nước Nga cuối ngày 22/10.

Theo Reuters, tại Moscow, một biểu ngữ treo trên một cây cầu gần Điện Kremlin hôm 22/10 kêu gọi người dân bầu cho ông Navalny và loại bỏ Tổng thống Vladimir Putin.

Ông Navalny hy vọng sẽ chạy đua trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2018, dù ủy ban bầu cử trung ương Nga nói rằng ông không đủ điều kiện vì một án tù treo, mà ông nói là có động cơ chính trị.

Tới nay, ông Putin vẫn từ chối tiết lộ liệu ông có ra chạy đua vào Điện Kremlin hay không. Nếu ông ra tranh cử nhiệm kỳ thứ tư, ông nhiều khả năng sẽ giành thắng lợi. - VOA
|
|
4.
Trung Quốc: Lòng dân không “đỏ” như ý Đảng

Cứ mỗi năm năm, Đại hội Đảng Cộng Sản Trung Quốc (ĐCSTQ) lại được tiến hành trọng thể, với sự hỗ trợ rầm rộ của bộ máy tuyên truyền. Tuy vậy AFP ghi nhận trong những ngày tháng 10 này, chỉ có một nhúm người về hưu đến Thượng Hải, thăm địa điểm tổ chức đại hội lần đầu tiên của « đảng lớn nhất thế giới », được chế độ khoác cho màu sắc thiêng liêng của lòng ái quốc.

Chính trong thành phố tô giới của Pháp trước đây, mà Mao Trạch Đông và các đồng chí của ông ta năm 1921 đã họp hội nghị đầu tiên thành lập ra đảng Cộng Sản, để rồi sau đó lên nắm quyền vào năm 1949.

Gần một thế kỷ sau, tòa nhà âm u bằng gạch khiêm tốn vẫn ngự trị ở trung tâm một khu phố gồm các cửa hàng sang trọng và các nhà hàng thời thượng, như một biểu tượng cho « nền kinh tế thị trường theo khuynh hướng xã hội chủ nghĩa », được những người kế nhiệm Mao lập nên.

Cai Tian, một khách tham quan « trẻ », « mới có » 46 tuổi thú nhận : « Ngày nay chẳng còn mấy ai quan tâm đến nơi này, chỉ có những người già nhất mới đến thôi. Người dân không dân tộc chủ nghĩa lắm đâu, hằng ngày họ chỉ nghĩ đến việc làm và cuộc sống ».

Cách đó hơn một ngàn cây số, tại Bắc Kinh, chủ tịch Tập Cận Bình sắp được Đại hội Đảng 19 tiếp tục giao phó nhiệm vụ lãnh đạo nền kinh tế thứ nhì thế giới. Trong nhiệm kỳ 5 năm vừa qua, chế độ Trung Quốc đã nỗ lực lay động lòng ái quốc, thách thức các nước láng giềng, từ Ấn Độ, Hàn Quốc cho đến các nước ven Biển Đông.

Trong bài diễn văn tràng giang đại hải hôm khai mạc Đại hội 18/10/2017, Tập Cận Bình nhiều lần nêu ra « sự phục hưng vĩ đại » của Trung Hoa, sau những ô nhục phải chịu đựng từ thế kỷ 19, trong cú sốc đối đầu với nền văn minh phương Tây.

Nhưng một nghiên cứu về dư luận gần đây cho thấy việc tuyên truyền cho chủ nghĩa dân tộc chỉ có tác dụng hạn chế lên người dân, tuy đã được đẩy lên cao độ hồi Thế vận hội Bắc Kinh 2008. Công trình do giáo sư Alastair Johnston, trường đại học Havard chủ trì, được công bố vào đầu năm nay khẳng định : « Theo nhiều tiêu chí, thì mức độ dân tộc chủ nghĩa ở Trung Quốc đã khựng lại hoặc thụt lùi từ năm 2009. Rõ ràng là những người trẻ ít mang đặc tính này hơn so với người lớn tuổi ».

« Wolf Warrior 2 » (Chiến binh sói 2), một bộ phim hành động dân tộc chủ nghĩa, trong đó một đội đặc nhiệm Trung Quốc đã chiến thắng các nhân vật phản diện phương Tây, mùa hè này đã đánh bại tất cả các kỷ lục ở rạp chiếu. Hàng đàn hàng lũ những kẻ khẩu chiến trên mạng xã hội, trong đó có không ít dư luận viên được Nhà nước trả công, luôn sẵn sàng « ném đá » những ai có vẻ thiếu tôn trọng tổ quốc. Nhưng các nỗ lực này cùng với chế độ kiểm duyệt siêu gắt gao cũng không loại trừ được những quan điểm khác biệt – theo nghiên cứu của Viện Mercator, công bố trong tháng này.

Các tác giả bản báo cáo cho biết : « Rất lạ lùng là không có ý thức hệ nào thống trị trên các diễn đàn Trung Quốc, nơi mà người ta tranh cãi gay gắt về quan điểm chính trị, kinh tế, xã hội ». Những cảnh báo của chế độ về « các lực lượng thù địch » dường như không được chú ý lắm trong các cuộc tranh luận trên mạng xã hội.

Các chuyên gia cảnh báo, tình cảm dân tộc vẫn có thể trỗi dậy trong trường hợp xảy ra căng thẳng với các nước khác, hay khủng hoảng kinh tế.

Bắc Kinh nhiều khi làm ngơ để cho chủ nghĩa dân tộc cực đoan bùng lên, nhất là đối với Nhật Bản. Nhưng chính quyền cũng lo ngại các vụ biểu tình chống Nhật chẳng hạn, quay ngược lại chống chính phủ, nên nhanh chóng huýt còi.

Nhà Trung Quốc học Kaiser Kuo, phụ trách mục Sinica trên trang web SupChina.com nhấn mạnh : « Chủ nghĩa dân tộc là con dao hai lưỡi, và Bắc Kinh cố ngăn chận ».

Năm ngoái, khi Tòa án Trọng tài Thường trực La Haye bác bỏ yêu sách của Trung Quốc trên Biển Đông, những người biểu tình - cho rằng phía sau quyết định này có bàn tay của Washington - đã tấn công vào các nhà hàng KFC ở nhiều thành phố. Tiếp đó có một cuộc tranh luận trên mạng về « yêu nước một cách thiếu suy nghĩ », rồi đến lượt báo chí kêu gọi những người này quay về nhà.

Kaiser Kuo giải thích : « Chắc chắn đa số giới trẻ nhận ra rằng sở dĩ Trung Quốc thịnh vượng là nhờ hợp tác với các nước khác trên thế giới, nên họ không chấp nhận ý thức hệ cứng rắn”. - RFI
|
|
5.
Con Đường Tơ Lụa Mới : Bắc Kinh ngỏ ý đàm phán với Ấn Độ


Dự án Một Vành Đai, Một Con Đường của Trung Quốc, tổ chức hồi tháng 5/2017, bị nhiều nước châu Âu và Ấn Độ tẩy chay. Gần đây, Bắc Kinh tỏ ý muốn mở cánh cửa đối thoại với Ấn Độ để kéo New Delhi vào một dự án, mà Trung Quốc coi là trụ cột trong chính sách đối ngoại, nhằm khẳng định vị trí trung tâm của Bắc Kinh trên trường quốc tế.

Báo Ấn Độ The Indian Express, ngày 21/10/2017, dẫn lời một quan chức vụ châu Á, bộ Ngoại Giao Trung Quốc, theo đó, Bắc Kinh sẵn sàng «trao đổi sâu» với phía Ấn Độ, để xua tan các lo ngại từ phía New Delhi. Giới chức nói trên bày tỏ hy vọng là Ấn Độ «hiểu» lập trường của Trung Quốc, và tham gia vào sáng kiến Một Vành Đai, Một Con Đường của lãnh đạo Tập Cận Bình.

Một trong các lo ngại lớn của New Delhi là chủ quyền của Ấn Độ tại vùng Cachemire tranh chấp, sẽ bị xâm phạm trong trường hợp Trung Quốc triển khai dự án cùng với Pakistan tại vùng lãnh thổ này. Quan chức bộ Ngoại Giao Trung Quốc trấn an New Delhis là dự án hoàn toàn không liên đến các vùng lãnh thổ tranh chấp, và «không ảnh hưởng đến lập trường vốn có» của Bắc Kinh về cao nguyên Cachemire.

Theo chuyên gia bộ Ngoại Giao Trung Quốc, Nhật Bản và Mỹ đã có những tuyên bố tích cực về dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển thương mại xuyên châu Á nói trên, và Bắc Kinh hy vọng New Delhi cũng làm tương tự.

Tuyên bố của quan chức Trung Quốc được đưa ra trong bối cảnh chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Đại Hội Đảng Cộng Sản hôm thứ Tư vừa qua, nhiều lần khẳng định tầm quan trọng của Sáng kiến Một Vành Đai, Một Con Đường.

Trên thực tế, quan hệ giữa Trung Quốc và Ấn Độ trong những tháng gần đây xấu đi trầm trọng với cuộc đối đầu tại vùng biên giới Doklam, khởi sự hồi tháng 6/2017, ít tuần sau hội nghị quốc tế Một Vành Đai, Một Con Đường, bị tẩy chay, và chỉ chấm dứt, cuối tháng 8, trước thềm thượng đỉnh của BRICS, mà Trung Quốc đăng cai. Bắc Kinh không muốn New Delhi tẩy chay nốt thượng đỉnh này.

Ấn Độ là một đối tác quan trọng mà cả Trung Quốc và Hoa Kỳ đều muốn tranh thủ. Đúng ngày khai mạc Đại Hội Đảng Cộng Sản Trung Quốc, 18/10, ngoại trưởng Mỹ Tillerson đã có tuyên bố về Ấn Độ, ca ngợi mối quan hệ sâu sắc giữa «hai nền dân chủ lớn nhất thế giới», đồng thời cáo buộc Bắc Kinh có những hành động «thách thức luật pháp quốc tế, gây bất ổn thế giới”. - RFI
|
|
6.
Philippines: Duterte sẵn sàng tự tay bắn hạ người phạm tội

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, hôm thứ Sáu 20/10/2017, tuyên bố sẵn sàng « bấm cò súng » để bắn hạ những người phạm tội, và trấn an công chúng là có thể giao lại cho cảnh sát nhiệm vụ trên tuyến đầu, trong cuộc chiến đẫm máu chống buôn lậu ma túy.

AFP cho biết, phát biểu trước giới truyền thông ở nam Philippines, tổng thống Duterte nói : « Nếu quý vị không muốn cảnh sát, thì đã có tôi ở đây. Tôi sẽ bắn chết hết những kẻ khốn kiếp cưỡng hiếp trẻ em, phụ nữ. Nếu không ai dám, tôi sẽ bấm cò súng ».

Hôm 11/10, ông Duterte tuyên bố sẽ rút toàn bộ lực lượng 165.000 cảnh sát ra khỏi cuộc chiến chống ma túy và thành lập cơ quan đặc trách chống ma túy gồm 2.000 nhân viên để thay thế cảnh sát, bị cáo buộc tham nhũng, lạm quyền. Tuy nhiên, hôm 20/10, tổng thống Duterte lại tỏ ý nghi ngờ khả năng hoàn thành nhiệm vụ của cơ quan trên. Ông cho biết nếu mọi chuyện lại xấu đi, ông sẽ ra lệnh cho cảnh sát quay lại chiến dịch chống ma túy.

Trước các cáo buộc cảnh sát vòi tiền những người bị nghi ngờ là dính líu tới ma túy, tổng thống Duterte khẳng định ông chưa bao giờ ra lệnh hay gợi ý cho cảnh sát làm việc đó, bởi vì ông rất sung sướng nếu những kẻ buôn bán hay sử dụng ma túy bị tiêu diệt. - RFI
|
|
7.
Bão đổ vào Nhật đúng ngày bầu cử

Một trận bão mạnh ập vào Nhật Bản đúng ngày bầu cử hôm 22/10, làm ít nhất hai người chết, nhiều người bị thương, buộc hàng chục nghìn người phải sơ tán và khiến hàng trăm chuyến bay bị hoãn.

Theo Reuters, cơn bão có tên gọi Lan là cơn bão cấp bốn và dù nó đã suy yếu khi tiến gần vào đất liền Nhật Bản, đây vẫn là cơn bão mạnh, gây mưa lớn.

Cơn bão dự kiến sẽ ập vào hòn đảo Honshu, có thể gần Tokyo, sớm 23/10, và khi ấy, nó suy yếu còn cấp 2.

Theo cơ quan khí tượng, thủy văn Nhật Bản, khắp vùng miền trung và miền đông nước này, gió bão có thể mạnh tới 180 km một giờ.

Reuters dẫn lời kênh NHK đưa tin rằng hơn 70 nghìn người tại nhiều nơi ở Nhật đã được khuyến cáo sơ tán và hơn 5 nghìn người đã bị buộc phải làm vậy.

Thủ tướng Shinzo Abe nói với các phóng viên rằng ông đã kêu gọi chính phủ tiến hành các biện pháp nhằm giảm thiểu các đe dọa tới mạng sống.

Hơn 300 chuyến bay đã bị hủy và các dịch vụ đường sắt đã bị gián đoạn khắp Nhật Bản.

Tập đoàn ô tô Toyota đã ngưng ca làm việc đầu tiên vào sáng thứ Hai và cho biết sẽ quyết định ca tiếp theo vào khoảng chiều 23/10.

Nhóm cầm quyền của ông Abe dự kiến sẽ giành thắng lợi lớn trong cuộc bầu cử, theo kết quả thăm dò cử tri rời phòng phiếu.

Hiện chưa rõ cơn bão cũng như yêu cầu sơ tán ảnh hưởng ra sao tới cuộc bầu cử. - VOA
|
|
8.
Chỉ huy quân đội Indonesia bị từ chối visa vào Mỹ

Indonesia gửi một công hàm tới ngoại trưởng Mỹ và triệu tập phó đại sứ Hoa Kỳ ở Jakarta để yêu cầu giải thích lý do vì sao người đứng đầu quân đội nước này lại bị từ chối visa vào Mỹ. Reuters dẫn lời một quan chức Indonesia cho biết như vậy hôm 22/10.

Tướng Gatot Nurmantyo, Chỉ huy Các lực lượng vũ trang Indonesia, chuẩn bị đáp chuyến bay đi Mỹ hôm 21/10 thì được hãng hàng không thông báo rằng giới hữu trách Hoa Kỳ đã từ chối cho ông nhập cảnh, theo truyền thông Indonesia.

Ông Nurmantyo đi Mỹ theo lời mời của Tướng Joseph F. Dunford Jr., Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân.

Ông cũng dự kiến tham gia một diễn đàn do Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế tổ chức ở Washington vào ngày 23/10, theo Reuters.

Ông Arrmanatha Nasir, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Indonesia, nói rằng ông Nurmantyo đã thông báo cho Bộ này về việc từ chối nhập cảnh, nhưng người phát ngôn này không thể xác nhận các chi tiết.

“Sau khi nhận được thông tin đó, bộ trưởng ngoại giao của chúng tôi đã yêu cầu đại sứ ở Washington DC gửi một công hàm tới ngoại trưởng Mỹ để yêu cầu làm rõ”, phát ngôn viên Nasir nói.

Bộ này cũng sẽ triệu phó đại sứ Mỹ ở Jakarta tới để yêu cầu giải thích vào ngày 23/10, và nói thêm rằng đại sứ Mỹ hiện không có mặt ở Indonesia.

Reuters nói rằng đại sứ quán Mỹ ở Jakarta không phản hồi ngay trước các câu hỏi về vụ việc.

Ông Nurmantyo thường xuyên gây tranh cãi ở Indonesia vì các hành động cũng như vì các tham vọng chính trị của ông này.

Tổng thống Indonesia Joko Widodo nói trong tháng này rằng các lực lượng vũ trang nên tránh xa chính trị.

Indonesia, quốc gia với số tín đồ Hồi giáo lớn nhất thế giới, có mối quan hệ tốt đẹp với Mỹ, dù trong quá khứ, mối bang giao giữa quân đội hai nước trở nên căng thẳng vì các cáo buộc về việc vi phạm nhân quyền liên quan tới quân đội Indonesia. - VOA
|
|
9.
Lãnh đạo vùng Catalunya tỏ ra thận trọng, không tuyên bố độc lập

Tối qua, 21/10/2017, từ Generalitat, trụ sở chính phủ Catalunya ở Barcelona, chủ tịch vùng, ông Carles Puigdemont, đã phát biểu trên truyền hình. Bài diễn văn này nhằm đáp trả quyết định của chính phủ Tây Ban Nha, vào trưa hôm qua, đặt vùng Catalunya dưới sự bảo hộ của Madrid.

Từ Barcelona, thông tín viên Benjamin Delille gửi về bài tường trình :

« Carles Puigdemont vẫn chưa tuyên bố độc lập. Ông phát biểu một cách thận trọng, như ông đã từng thể hiện từ nhiều tuần qua. Trước tiên, ông Puigdemont phát biểu bằng tiếng Catalunya để tố cáo quyết định của thủ tướng Mariano Rajoy cho áp dụng điều khoản 155 trong Hiến Pháp Tây Ban Nha. Lãnh đạo vùng Catalunya nói một cách mạnh mẽ. Theo ông, thủ tướng Tây Ban Nha đã đi ra bên ngoài khuôn khổ Nhà nước pháp quyền và ông cho rằng đó là một cuộc tấn công tồi tệ nhất nhắm vào các định chế Catalunya, kể từ chế độ độc tài Franco, cách nay hơn 40 năm. Do vậy, ông quyết định triệu tập phiên họp toàn thể Quốc Hội Catalunya trong tuần tới để đáp trả Madrid. Quốc Hội Catalunya, nơi mà phe đòi độc lập chiếm đa số, chắc sẽ khẳng định rằng các biện pháp của chính phủ Tây Ban Nha là bất hợp pháp.

Sau đó, ông Puigdemont phát biểu bằng tiếng Tây Ban Nha nhắm vào những người mà ông gọi là các nhà dân chủ. Lãnh đạo vùng Catalunya kêu gọi họ hãy cảnh giác trước sự sa đà chệch hướng của chính phủ Tây Ban Nha.

Cuối cùng, lãnh đạo vùng Catalunya phát biểu bằng tiếng Anh nhắm với các công dân và lãnh đạo châu Âu. Đây là một cách khẳng định rằng vùng Catalunya tôn trọng các giá trị cơ bản của châu Âu và tìm cách gạt bỏ thủ tương Mariano Rajoy ».

Cũng trong ngày hôm qua, khoảng 450 ngàn người đã biểu tình tại Barcelona để đòi độc lập cho Catalunya. - RFI
|
|
10.
WHO rút bổ nhiệm tổng thống Zimbabwe làm đại sứ danh dự

Người đứng đầu Tổ Chức Y Tế Quốc Tế (WHO) hôm Chủ Nhật loan báo quyết định rút lại việc bổ nhiệm Tổng Thống Robert Mugabe của Zimbabwe làm đại sứ danh dự, tiếp theo sự phản đối rầm rộ khắp nơi.

Tổng Giám Đốc cơ quan WHO, Tedros Adhanom Ghebreyeus, nói rằng trong mấy ngày qua đã suy nghĩ lại quyết định của mình và do đó rút lại việc bổ nhiệm.

Trước đó trong tuần Tedros loan báo việc bổ nhiệm này tại Uruguay, nơi ông ca ngợi Zimbabwe là “quốc gia đặt vấn đề cung cấp dịch vụ y tế cho tất cả mọi người dân lên hàng đầu.”

Nhưng các nhà tranh đấu, chuyên gia y tế và các quốc gia cấp viện quan trọng như Anh, Canada và Mỹ đều đồng loạt phản đối, cho rằng hệ thống y tế của Zimbabwee sụp đổ trong 37 năm cầm quyền của nhà độc tài này.

Cựu đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc dưới thời Tổng Thống Barack Obama, Samantha Power, nói rằng “người duy nhất ông Mugabe lo lắng cho sức khỏe 37 năm qua là cá nhân ông.”

Tedros trước đây từng là bộ trưởng Y Tế Ethiopia. - nguoiviet
|
|

Tin Hoa Kỳ

11.
Năm cựu tổng thống Mỹ cùng xuất hiện gây quỹ

Tất cả năm cựu tổng thống Mỹ hiện còn sống hôm 21/10 đã tham gia một buổi hòa nhạc gây quỹ cho các nạn nhân bão ở Hoa Kỳ và các vùng lãnh thổ thuộc Mỹ như Puerto Rico và Virgin Islands trong những tháng gần đây.

Các cựu Tổng thống Barack Obama, George W. Bush, Bill Clinton, George H.W. Bush và Jimmy Carter tham dự buổi hòa nhạc ở Texas.

Tổng thống Donald Trump không thể tham dự sự kiện, nhưng xuất hiện trong đoạn video được chiếu tại buổi hòa nhạc.

Đương kim tổng thống Mỹ đã cảm tạ mọi người đóng góp vào nỗ lực cứu trợ. Ông Trump tuyên bố rằng Hoa Kỹ sẽ hồi phục mạnh mẽ hơn và tốt đẹp hơn trước đây.

Tổ chức của các cựu tổng thống có tên gọi “One America Appeal”. Văn phòng của ông George H.W. Bush hôm 21/10 thông báo rằng tổ chức này đã gây quỹ được 31 triệu đôla từ hơn 80 nghìn người hảo tâm.

Các trận bão gần đây đã gây thiệt hại ước tính lên tới 300 tỷ đôla, và dự kiến, công tác phục hồi sẽ phải mất vài tháng, thậm chí vài năm.

Năm cựu tổng thống Mỹ trên đã cùng nhau nỗ lực quyên góp tiền cho các nạn nhân bão kể từ khi bão Harvey đổ vào Texas hồi tháng Chín.

Kể từ đó, cơn bão Irma tràn vào Puerto Rico và Florida, và bão Maria ảnh hưởng tới Puerto Rico và US Virgin Islands.

Những người tổ chức buổi hòa nhạc nói rằng tiền quyên được từ buổi biểu diễn sẽ được phân bổ qua nhiều tổ chức ở Texas, Florida, Puerto Rico và US Virgin Islands. - VOA
|
|
12.
Cựu Tổng thống Carter ‘sẵn lòng’ tới Bắc Hàn thay ông Trump

Cựu Tổng thống Mỹ Jimmy Carter cho biết rằng ông sẵn lòng thay mặt chính quyền của ông Trump, tới Bắc Hàn giúp hóa giải căng thẳng leo thang.

Reuters dẫn một bản tin của The New York Times đưa tin như vậy trên trang web của tờ báo này hôm 22/10.

“Tôi sẽ đi”, ông Carter, 93 tuổi, nói với tờ báo như vậy, khi được hỏi trong cuộc phỏng vấn ở tư gia tại Georgia về việc liệu đã đến lúc tiến hành một bước đi ngoại giao khác và rằng liệu ông có sẵn sàng làm vậy cho Tổng thống Trump hay không.

Ông Carter, tổng thống thuộc Đảng Dân chủ từ năm 1977 tới 1981, cho biết rằng ông đã nói chuyện với cố vấn an ninh quốc gia của ông Trump, ông H. R. McMaster, một người bạn của ông, nhưng tới nay mới chỉ nhận được phản ứng tiêu cực.

“Tôi nói với ông ấy rằng tôi sẵn lòng nếu họ cần tôi”, tờ The New York Times dẫn lời ông Carter nói.

Khi được thông báo rằng một số người ở thủ đô Washington cảm thấy lo lắng về cuộc khẩu chiến giữa ông Trump và lãnh tụ Bắc Hàn Kim Jong Un, ông Carter nói: “Tôi cũng lo lắng về tình hình này”.

“Họ muốn cứu vãn chế độ của mình. Và chúng ta đã tính toán quá đà về ảnh hưởng của Trung Quốc đối với Bắc Hàn, nhất là đối với ông Kim”, ông Carter nhận định và nói thêm rằng theo như ông biết, lãnh tụ trẻ tuổi của Bắc Hàn chưa từng tới Trung Quốc.

Ông nói thêm: “Họ không có quan hệ gì. Kim Jong-il từng tới Trung Quốc và thân thiết với họ”.

Miêu tả lãnh tụ Bắc Hàn là người “khó đoán định”, ông Carter bày tỏ lo lắng rằng nếu ông Kim nghĩ rằng ông Trump sẽ hành động chống lại mình, ông ta có thể thực hiện một hành động phủ đầu, theo The New York Times.

Ông Carter nói: “Tôi nghĩ rằng ông ta giờ đây đã có vũ khí hạt nhân tối tân có thể hủy diệt bán đảo Triều Tiên, Nhật Bản và một số lãnh thổ ngoài rìa của chúng ta ở Thái Bình Dương, có thể thậm chí cả vùng đất liền [Mỹ]”.

Hồi giữa những năm 90, ông Carter tới Bình Nhưỡng bất chấp phản đối của Tổng thống Bill Clinton, theo The New York Times, và đã đạt thỏa thuận với Kim Il Sung, ông của lãnh tụ trẻ tuổi hiện nay. - VOA
|
|
13.
Đại sứ Ted Osius 'ở lại Việt Nam'

Nhà ngoại giao hàng đầu của Hoa Kỳ ở Hà Nội cho biết rằng ông sẽ ở lại Việt Nam để làm trong lĩnh vực giáo dục sau khi kết thúc nhiệm kỳ đại sứ, theo báo Tuổi Trẻ.

Cổng thông tin chính phủ Việt Nam đưa tin rằng ông Ted Osius hôm 17/10 đã đến chào từ biệt Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhân sắp kết thúc nhiệm kỳ ba năm công tác ở Việt Nam từ 2014 tới 2017.

Theo VnExpress, ông Osius đã “bày tỏ tình cảm sâu sắc với Việt Nam” và “hy vọng sẽ tiếp tục đóng góp cho quan hệ hai nước, nhất là trong lĩnh vực giáo dục”.

VPG News dẫn lời ông Phúc nói rằng ông Osius “đã có một nhiệm kỳ thành công tại Việt Nam”, nổi bật là tổ chức nhiều chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao hai bên, nhiều nhất trong nhiệm kỳ một đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam từ trước đến nay.

Thủ tướng Phúc cũng cho rằng ông Osius đã “góp phần nâng tầm quan hệ song phương, tạo nền tảng tiếp tục đưa quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ đi vào chiều sâu, lên mức cao hơn trong thời gian tới, trên cơ sở tôn trọng thể chế chính trị của nhau”.

Về phần mình, Đại sứ Osius hy vọng chuyến thăm Việt Nam sắp tới của Tổng thống Donald Trump sẽ đưa quan hệ hai nước lên tầm cao mới.

Tối 22/10, VOA Việt Ngữ chưa thể liên lạc ngay được với ông Osius để hỏi thêm về kế hoạch ở lại và tham gia lĩnh vực giáo dục ở Việt Nam nhằm thúc đẩy quan hệ hai nước.

Trên trang Facebook của mình hôm 18/10, ông đã dẫn lại bài báo về việc ông sẽ ở lại Việt Nam, nhưng không đưa ra bất kỳ bình luận gì thêm.

Ở phía dưới đường dẫn chia sẻ, nhiều người sử dụng mạng xã hội này sau đó đã để lại nhiều lời bình luận, trong đó ủng hộ quyết định của ông Osius.

Facebooker có tên Cao Việt viết bằng tiếng Anh có nội dung rằng “ông đã dành nhiều thời gian và nỗ lực để làm việc ở đây và học tiếng Việt. Xin hãy ở lại đây để hưởng thụ cuộc sống và dạy chúng tôi tiếng Anh. Những người trẻ cần sự giúp đỡ của ông!”

Giáo dục là một trong những lĩnh vực quan trọng trong mối quan hệ song phương Việt Nam và Hoa Kỳ.

Tuyên bố chung Việt Nam – Hoa Kỳ sau chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Phúc hồi cuối tháng Năm có đoạn: “Hai bên cũng cho rằng, với hơn 21.000 sinh viên Việt Nam đang học tập trong các chương trình đại học tại Hoa Kỳ, mối quan hệ học thuật giữa hai nước đang phát triển mạnh mẽ và sẽ được tăng cường thông qua việc Việt Nam hỗ trợ khai trương trường Đại học Fulbright tại thành phố Hồ Chí Minh”.

“Phía Hoa Kỳ hoan nghênh ngày càng nhiều sinh viên Việt Nam tới học tập tại Hoa Kỳ và duy trì cam kết cấp visa nhanh chóng, bao gồm visa cho sinh viên trên cơ sở luật pháp Hoa Kỳ. Hai bên cũng hoan nghênh việc thành lập Chương trình Hòa bình để thúc đẩy việc học tập tiếng Anh tại Việt Nam”, tuyên bố viết tiếp.

Không rõ là sắp tới ông Osius có tham gia vào hoạt động của Đại học Fulbright hay không. - VOA
|
|
14.
Lãnh đạo Cộng Hòa ‘không biết TT Trump muốn dự luật y tế nào’

Lãnh Tụ Khối Đa Số Cộng Hòa tại Thượng Viện, Thượng Nghị Sĩ Mitch McConnell, hôm Chủ Nhật cho hay ông sẵn sàng đưa dự luật y tế ra biểu quyết, nhưng đang chờ phản ứng của Tổng Thống Donald Trump, người trong tuần qua đã đưa ra các chỉ dấu trái ngược về một dự luật có sự hậu thuẫn của liên đảng, theo đó sẽ ổn định thị trường bảo hiểm.

Tổng Thống Trump hôm 12 Tháng Mười nói rằng chính phủ ông sẽ ngưng trả hàng tỉ đô la cho các công ty bảo hiểm, vốn là tiền giúp giới có lợi tức thấp trả các chi phí bảo hiểm, gồm cả tiền deductible and co-pay, theo chương trình Obamacare, theo bản tin của hãng thông tấn Reuters.

Tuần qua, ông ca ngợi nhưng ngay sau đó lại chê bai dự luật có sự hậu thuẫn của cả hai đảng Cộng Hòa và Dân Chủ, theo đó sẽ tái lập việc trợ giúp tài chánh trong hai năm, cho tới khi có được giải pháp hủy bỏ và thay thế Obamacare.

Dự luật do Thượng Nghị Sĩ Cộng Hòa Lamar Alexander và Thượng Nghị Sĩ Dân CHủ Patty Murray đưa ra có được sự hậu thuẫn của một số thượng nghị sĩ Cộng Hòa khác.

Bản tin Reuters cho hay trong cuộc phỏng vấn của chương trình “State of the Nation” trên CNN, Thượng Nghị Sĩ McConnell nói “Điều tôi đang chờ đợi là Tổng Thống Trump cho hay ông muốn ký đạo luật y tế nào?”

Ông McConnell nói thêm: “Nếu có nhu cầu về giải pháp tạm thời để ổn định thị trường bảo hiểm, chúng ta cần có một đạo luật mà tổng thống muốn ký. Tôi không biết chắc là tổng thống muốn gì, nhưng tôi sẽ đưa ra sàn Thượng Viện để biểu quyết nếu tôi biết Tổng Thống Trump sẽ đặt bút ký.”

Cũng theo Reuters, ông McConnell cho hay ông tin rằng Tổng Thống Trump hiện chưa có ý định rõ ràng về thỏa thuận ngắn hạn này, vì sẽ không đạt được điều ông từng hứa hẹn là hoàn toàn hủy bỏ và thay thế Obamacare.

Phía Dân Chủ trong khi đó lại thúc đẩy ông McConnell hãy đưa dự luật ra biểu quyết nhằm ngăn chặn việc tăng giá mua bảo hiểm.

“Đây là thỏa hiệp tốt,” theo lời Lãnh Tụ Thiểu Số Dân Chủ Tại Thượng Viện, Thượng Nghị Sĩ Chuck Schumer, cho hay trong chương trình “Meet the Press” của hệ thống NBC hôm Chủ Nhật.

Ông Schumer cho hay tin rằng dự luật sẽ được thông qua với nhiều phiếu thuận. - nguoiviet
|
|
15.
Nữ dân biểu Florida đòi Tòa Bạch Ốc xin lỗi vì bị ‘bôi nhọ’

Nữ Dân Biểu Frederica S. Wilson (Dân Chủ, Florida) hôm Chủ Nhật gọi chánh văn phòng Tòa Bạch Ốc John F. Kelly là “con rối của tổng thống” và nói rằng ông phải xin lỗi vì đã có những phát biểu sai lầm về bà trong khi bênh vực các cuộc gọi điện thoại chia buồn với gia đình quân nhân tử trận của Tổng Thống Donald Trump.

“Ông ta không chỉ nợ tôi lời xin lỗi, ông cũng nợ dân chúng Mỹ lời xin lỗi,” bà Wilson cho hay trong cuộc phỏng vấn dành cho chương trình “AM Joy” của MSNBC, trong đó bà cũng cáo buộc ông Kellyy là có lời lẽ “bôi nhọ” bà.

Bà Wilson đưa ra phát biểu trên trong khi cuộc đấu khẩu bắt đầu từ tuần trước giữa bà và Tòa Bạch Ốc chưa thấy có dấu hiệu chấm dứt.


Tổng Thống Trump sáng ngày Chủ Nhật, qua Twitter, lại một lần nữa mở cuộc tấn công, gọi bà là “không giống ai – wacky” và “là món quà cho đảng Cộng Hòa nhưng là thảm họa cho phía Dân Chủ.”

“Hãy xem cách hành xử của bà ta và bỏ phiếu cho đảng Cộng Hòa,” ông Trump viết.

Trong lần xuất hiện trước báo chí hôm Thứ Năm để bênh vực ông Trump, ông Kelly gọi bà Wilson là “thùng rỗng” và đưa ra cáo buộc sai lầm rằng bà, trong bài diễn văn đọc năm 2015, tự cho mình có công trong việc xin ngân khoản tài trợ cho một tòa nhà liên bang trong địa hạt của bà.

Hình ảnh video do một tờ báo địa phương ở Florida đưa ra sau đó, cho thấy bà Wilson không hề nói vậy, mà chỉ thúc đẩy việc dùng tên hai nhân viên FBI thiệt mạng trong khi thi hành công vụ đặt tên cho tòa nhà này. - nguoiviet
|
|

Tin Việt Nam

16.
CSVN rút lại vụ phạt bác sĩ ‘nói xấu’ bộ trưởng y tế

Báo Tuổi Trẻ cho hay, Bộ Trưởng Thông Tin và Truyền Thông Trương Minh Tuấn chỉ đạo “rút lại quyết định xử phạt đồng thời xin lỗi” Bác Sĩ Hoàng Công Truyện trong vụ “nói xấu” bộ trưởng y tế trên Facebook gây xôn xao mấy ngày qua.

Ông Truyện công tác tại Trung Tâm Y Tế huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên-Huế, bị “xử phạt hành chính” 5 triệu đồng (khoảng $220) hồi Tháng Tám vì post trên Facebook nội dung: “Mụ ni về nghỉ là vừa, để các giáo sư có kinh nghiệm, chuyên môn y lên thay và dẫn dắt ngành y sang một bước tiến mới. Chỉ một việc an ninh bệnh viện mà không tham mưu nổi cho chính phủ can thiệp mà làm bộ trưởng. Bà có đi về cơ sở đâu mà hiểu nỗi khổ các y, bác sĩ tuyến cơ sở.”

Văn bản thi hành kỷ luật của Trung Tâm Y Tế huyện Phong Điền hồi Tháng Tám ghi lý do: “Vi phạm các quy định của pháp luật liên quan đến viên chức.”

Nay theo báo Tuổi Trẻ, Bộ Trưởng Tuấn cho rằng “thông tin Bác Sĩ Truyện nêu trên Facebook chưa có căn cứ quy kết xúc phạm nhân phẩm, danh dự.”

Hôm 21 Tháng Mười, mạng xã hội rò rỉ bản kiểm điểm của Bác Sĩ Truyện hồi Tháng Bảy gửi Bộ Trưởng Y Tế Nguyễn Thị Kim Tiến: “…Bản thân (tôi) là con liệt sĩ phải nuôi mẹ già, bệnh tật. Vì những ly rượu mà dẫn đến cơn say nên hành động mất kiểm soát, có lời lẽ xúc phạm bộ trưởng. Mong bộ trưởng giơ cao đánh khẽ…”

Nhà báo Đoàn Bảo Châu ở Hà Nội nhận định: “Tôi thấy đây hoàn toàn là một hành động chà đạp lên quyền phát ngôn của một bác sĩ, hơn nữa một việc như thế này, tại sao cả bên công an lẫn sở Thông Tin và Truyền Thông (tỉnh Thừa Thiên – Huế) phải tham gia? Đây là một sự lạm quyền vô lý đến nực cười khi dùng đến mấy cơ quan công quyền đề bắt nạt một cá nhân dưới quyền.”

Ông Châu viết thêm: “Chỉ có điều đáng buồn là Bác Sĩ Truyện đã thừa nhận là mình có lỗi, bảo là do mình chót uống rượu nên nông nổi. Lại còn xưng em hết sức ngoan ngoãn trong một văn bản của công việc. Nếu ‘em’ này tiếp tục lên tiếng bảo vệ chính mình thì cộng đồng Facebook và báo chí đã biết sớm hơn để bảo vệ và sự việc cũng đã khác. Theo tôi, đây là một sai lầm của (ông) Truyện. ‘Em’ đã chẳng có lỗi gì trong việc này nhưng tôi hiểu, khi phải đứng trước cả mấy cơ quan to vật vã, đầy uy lực thì run sợ là điều dễ hiểu.”

Từ góc độ khác, ông Nguyễn Trường Sơn, công tác tại Ủy Ban Cứu Người Vượt Biển (BPSOS) tại Bangkok, viết: “Ai cũng biết là cơ quan nhà nước ở Việt Nam quan liêu, đấu đá và áp lực ra sao. Trong hoàn cảnh của anh Truyện thì có thể đoán được là anh đã bị lãnh đạo gọi lên dọa nạt, có thể đã bị tổ chức đấu tố, việc làm có nguy cơ bị mất và dẫn đến cuộc sống gia đình khó khăn, nói chung là sức ép vô cùng lớn. Đọc đơn được cho là của anh thì thấy giọng văn vô cùng quen thuộc, ai ở Việt Nam cũng thấy lá đơn đó có lối hành văn vô cùng XHCN. Có thể, lá thư đó được viết dưới sự tham mưu của cấp trên, hoặc có khi được viết luôn bởi cơ quan anh ta làm việc và bắt anh ký vào.”

“Điều tôi thấy ngạc nhiên là có nhiều người chỉ trích anh Truyện là hèn nhát, trong đó có nhiều ‘nhà hoạt động.’ Điều tôi thấy khó hiểu là lẽ ra anh Truyện phải được bảo vệ khi quyền tự do ngôn luận của anh ấy bị xâm phạm, nhẽ ra anh ấy phải được động viên và thông cảm vì sống ở Việt Nam ai cũng hiểu sức ép mà anh ấy phải chịu là như thế nào. Tôi không thấy có bất cứ lý do nào để chỉ trích anh ấy cả, vì anh ấy đâu có nghĩa vụ phải hy sinh bản thân và gia đình để làm hài lòng người khác,” theo Facebook ông Trường Sơn. - nguoiviet
|
|
17.
Cá chết trắng bờ đập ở Quảng Ngãi, gà vịt ăn cá chết theo

Cá trong đập Hố Chuối, xã Bình Trung, huyện Bình Sơn, bất ngờ chết hàng loạt nổi trắng cả con đập, ruồi nhặng bu đen khiến người dân lo lắng dịch bệnh bùng phát.

Mô tả của Báo Tuổi Trẻ, ngày 22 Tháng Mười, cá chết bốc mùi hôi thối nồng nặc, ruồi bu bám rất nhiều. Không chỉ cá tự nhiên ngoài đập, nhiều điểm nuôi cá của người dân cũng chịu chung cảnh cá chết trắng.

Ông Phạm Tấn Thành, thôn Phú Lễ 2, xã Bình Trung phản ánh, cá chết tấp đầy phía trong bờ đập. Không biết cá bị nhiễm thứ gì mà khi gà, vịt của người dân thả nuôi quanh đó ăn vào cũng lăn ra chết, trôi khắp nơi và rất hôi thối. “Nếu không giải quyết sớm, người dân lo sợ nguồn nước trong thôn sẽ bị ảnh hưởng, có hại đến sức khỏe,” ông Thành nói.

Ông Cù Văn Hùng, thôn Phú Lễ 2, xã Bình Trung cho biết thêm, cá chết đã xảy ra trong nhiều năm qua, nhưng không nhiều như lần này. Đều bất thường là chỉ sau một trận mưa lớn cách đây ba ngày cá đồng loạt chết nổi trắng đồng. “Nếu tình hình này cứ tiếp diễn mà không có cơ quan chức năng nào xử lý thì đập Hố Chuối sẽ không còn tôm cá gì sống nữa,” ông Hùng nói.

Người dân lo lắng cho môi trường sống, còn các hộ nuôi cá trong khu vực đập Hố Chuối thì bị “úp” nồi cơm.

Bà Đỗ Thị Vân thả nuôi hơn 20,000 con cá trắm, mè, chép… Nước ô nhiễm từ đập theo đường xả tràn vào hồ gia đình khiến bà trở tay không kịp. “Mỗi ngày có khoảng 100kg cá chết, mất vài triệu đồng. Với tình hình hiện tại chẳng biết khi nào cá trong hồ nuôi mới thôi chết,” bà Vân lo lắng nói.

Nói với Báo Tuổi Trẻ, ông Trịnh Phú Định, chủ tịch xã Bình Trung, cho biết, xã đã cử người xuống kiểm tra thực tế, khảo sát mức độ thiệt hại và đề nghị cấp có chuyên môn sớm tìm ra nguyên nhân khiến cá chết.

Trong khi đó, ông Nguyễn Quang Trung, phó chủ tịch huyện Bình Sơn, thì cho biết: “Đập Hố Chuối do Ủy ban xã Bình Trung quản lý. Huyện chỉ mới nghe thông tin và sẽ cử lực lượng xuống kiểm tra, xử lý.”

Nhiều người cho rằng, nguyên nhân khiến cá chết bất thường có thể do nguồn phân từ trang trại chăn nuôi heo gần đó. Khi gặp mưa lớn, phân heo đã tràn qua hầm chứa lộ thiên, chảy ra đập với khối lượng lớn làm thay đổi đột ngột môi trường sống của cá. Đã nhiều lần kiến nghị chính quyền địa phương, nhưng đâu lại vào đấy. - nguoiviet
|
|
18.
Bờ sông Sài Gòn nay chỉ dành cho giới nhà giàu

Báo điện tử Zing cho hay, đang có hiện trạng dự án chia lô “dày đặc bờ sông Sài Gòn” khiến không gian chung cho người dân thành phố không còn.

Báo này viết: “Biệt thự, chung cư nằm sát bờ sông Sài Gòn đang mang lại lợi nhuận cực lớn khiến các chủ đầu tư tranh nhau để có phần… Dọc bờ sông Sài Gòn liên tục xuất hiện dự án bất động sản. Khi dự án mọc lên, ngoài cư dân của dự án, người dân quanh khu vực không thể nào đi dạo dọc hành lang sông. Bởi các dự án này nghiễm nhiên cho hành lang quanh khu vực là của mình, có bảo vệ canh gác nghiêm ngặt.”

Zing cũng viết thêm: “Trước năm 2004, Sài Gòn thực sự chưa có quy chế về hành lang bảo vệ sông Sài Gòn, cũng như các kênh rạch khác. Nhiều chuyên gia cho rằng thời điểm đó, việc phê duyệt dự án còn dựa nhiều vào cảm tính, có chỗ khoảng cách ven sông thì 30 m, có chỗ 20 m, thậm chí có nơi không chừa lại chút nào.”

Trước đó, Đại Biểu Quốc Hội Trương Trọng Nghĩa được báo Thanh Niên dẫn lời cho rằng bờ sông Sài Gòn “đang bị tư nhân hóa để phục vụ cho người giàu chứ không phải cho hơn 10 triệu dân thành phố.”

Cùng thời điểm, theo báo Người Lao Động, Tập Đoàn Tuần Châu muốn làm đại lộ trị giá gần $3 tỷ ven sông Sài Gòn nhưng đổi lại, nhà cầm quyền thành phố “phải giao đất với diện tích gần 12,400 ha, tương đương 5% tổng diện tích thành phố cho tập đoàn này.” Báo này mô tả đây là “hình thức PPP (hợp tác công tư) thông qua hợp đồng BT (xây dựng – chuyển giao), thanh toán bằng quỹ đất.”

Phóng viên Nguyễn Tiến Tường của báo điện tử VietnamFinance bình luận trên Facebook: “Làm dự án đại lộ ven sông Sài Gòn, chúa đảo Tuần Châu Đào Hồng Tuyển đòi quỹ đất tương đương 5% diện tích thành phố. Gồm đất thực hiện dự án và thanh toán cho Tuần Châu theo hình thức BT.

Tổng vốn đầu tư dự án 63,000 tỷ đồng ($2.77 tỷ), chúa đảo đề xuất thành phố đối ứng 57,000 tỷ ($2.5 tỷ). Cái này dân gian gọi là ‘mượn hoa dâng Phật,’ ‘ăn giày ăn tất, ăn cả đất xung quanh’ nè! Chắc thiên hạ ngu hết để cho anh khôn á anh Tuyển ơi!”

Tuy vậy, cũng có ý kiến ủng hộ. Luật Sư Nguyễn Tấn Thi của Văn Phòng Luật Sư Hoa Sen ở Sài Gòn, viết: “Nhiều người rần rần trách sao ‘chúa đảo’ Tuần Châu đòi đến 5% quỹ đất của Sài Gòn để đổi lại ảnh làm cái đại lộ ven sông. Mình ước sao có con lộ chạy dài hết con sông Sài Gòn thơ mộng từ Củ Chi đến Cần Giờ với đường ven biển ra Vũng Tàu tắm nên mình thấy cần ủng hộ ý tưởng này. Đất thì ảnh cứ lấy thôi, vì có để đó thi đất vàng, đất kim cương cũng âm thầm vào tay người khác mà Sài Gòn cũng không có được con đường nào.”

Hồi năm ngoái, Kiến Trúc Sư Ngô Viết Nam Sơn được báo Người Đô Thị dẫn lời: “(Cho) xây nhà cao tầng dọc bờ sông khu Ba Son, Tân Cảng, Cảng Sài Gòn… sẽ tạo thành bức tường chắn gió thổi vào phía trong. Chắc chắn những công trình này xây xong thì các khu đất phía trong Sài Gòn sẽ ngày càng nóng hơn, không có gió, không thông thoáng, bị chắn tầm nhìn… Không có khu đô thị nào trên thế giới lại quy hoạch chiều cao cho trung tâm đô thị chỉ tập trung cao nhất vào khu chạy dọc ven bờ sông, vì điều ấy vừa không khoa học, vừa chỉ có lợi cho kinh doanh bất động sản ven sông, nhưng người dân nói chung sẽ bị thiệt hại nhiều về nhiều mặt…”

“Nhà đầu tư kiếm lợi là chuyện bình thường, tôi ủng hộ chuyện đó nhưng trách nhiệm của nhà quản lý đô thị là làm sao cho nhà đầu tư họ kiếm lợi ở vị trí đúng chỗ, làm tốt hơn cho thành phố chứ không phải làm hại di sản,” ông Sơn được báo này dẫn lời. - nguoiviet

Link:
http://bit.ly/2kWPNo9












No comments:

Post a Comment