Sunday, October 29, 2017

THẢM TRẠNG GIÁO DỤC VIỆT NAM (Bauxite VN tổng hợp)




Bauxite Việt Nam tổng hợp
29/10/2017

Thầy Đoàn Lê Giang bi phẫn về thực trạng dạy học văn:

"Học sinh thì chat chít suốt ngày, than là văn không hấp dẫn bằng chat, khoe thân trên mạng. Thầy cô thì rời sách giáo viên ra không ít người không soạn được bài. Không ít thầy cô dạy văn còn chán văn hơn học trò, vì họ vốn là thí sinh đậu vét (học sinh TB yếu, vừa đủ điểm sàn, văn chỉ 3-4). 70 năm nền GD XHCN của chúng ta chưa bước nổi qua lời nguyền "Chuột chạy cùng sào...", đến nay chưa sụp đổ còn là may, cũng là nhờ hồng phúc ông bà. Trong điều kiện thầy trò như thế, xã hội bạc đãi như thế, thi cử như thế, học hành như thế thì văn mẫu là con đường lựa chọn tốt nhất cho số đông: HS, Thầy cô, Phụ huynh, Các nhà quản lý GD và xã hội thích những con số đẹp. Anh có muốn nói nữa không? Vậy thì học sinh chán văn, vừa học ra đã coi khinh thầy cô, đòi chia tay... thì vẫn là câu chuyện dài nhiều tập, có cần đến 70 năm nữa để giải quyết khổ nạn này không?"

Thôi, bi phẫn cũng chẳng giải quyết được gì thầy ơi. Không khéo rồi có kẻ làm thơ "thầy giáo dạy văn khổ như chó". Học sinh thích chat chít hay khoe thân hơn học văn thì cũng như ta thích chơi hơn thích làm việc thôi. Nhưng rõ ràng là không chỉ môn văn của chúng ta mà là thảm trạng chung của giáo dục, thảm trạng của cả xã hội này. Ai không khóc người đó không có mắt, không có tim. 

Em từng nói, thời buổi này, trường nào đào tạo kém chất lượng, thầy nào ngu dốt, thậm chí, nếu được phép tổ chức mua bán bằng, người học càng ùa vào học hoặc mua bằng đắt như tôm tươi. Ngược lại, trường nào, thầy nào nghiêm túc vì chất lượng sẽ không có người học.
Không tin thì hỏi mấy cái lò ấp, rằng bí quyết nào mà đẻ ra nhiều vịt thạc sĩ, tiến sĩ vậy?

Em tham gia đào tạo thạc sĩ. Ra đề tuyển sinh không khó nhưng đề mở nên thí sinh khó biết đường chép. Chấm thi tuyển sinh gặp loại viết chưa thành câu thì phải cho trượt vì sợ họ nhét cho mình hướng dẫn. Ngồi hội đồng phản biện đến nơi đến chốn vì sợ người ta bảo mình phản biện mà không biết gì. Dạy 30 tiết không đủ thì phải gắng sức tăng đến 45, 50 tiết để chuyển tải cho hết thông tin. Thế là không dưới một lần bị sếp nhắc nhở, rằng chú làm nghiêm túc như thế sang năm sẽ không có người học đấy!

Ngẫm thấy đúng. Mỗi lần bị nhắc nhở em đều phải vòng tay xin lỗi và hứa từ nay không dám tái phạm nữa. Hu hu...


-------------------------------------

Thời mạt vận của môn văn?
Đoàn Lê Giang

(Lắng nghe tiếng nói của người trong cuộc. Anh bạn tôi là GV Văn THPT hơn 30 năm, anh ấy than khổ bằng tiếng nói của người hàng ngày vẫn cầm phấn lên bảng mà vẫn biết nó chẳng ra sao. Trò trách thầy, thầy trách nhà quản lý. Nhà quản lý quay lại trách thầy, thầy lại trách trò... Tít mù nó lại vòng quanh!).

Anh bạn tôi – TDG – viết comments trên FB của tôi, chép ra đây cho dễ thấy:

"Thầy cô giáo ở bậc PT được liệt vào hàng đa năng, giỏi tất vì thầy cô vừa dạy văn chương, vừa dạy tiếng Việt, vừa dạy làm văn. Dạy từ văn học DG đến văn học hiện đại, dạy từ văn học trong nước đến ngoài nước, dạy từ văn học sử đến lí luận văn học... lại còn phải phẩm bình, đánh giá, nhận xét những bài văn của các bậc GS, TS trong văn mẫu, trong "để học tốt văn...". Mà học trò đã "đạo" lại của các bậc “đa”, “đề” để thử thầy cô thì thử hỏi thầy cô có đáng phải cao thủ không? Không phải các thầy cô không muốn dạy "hay" mà sợ, luôn luôn sợ như cái định mệnh không tên ám ảnh các thầy cô như vòng "kim cô" thít chặt vào nghề đó là cách đánh giá, nhìn nhận của tổ chuyên môn nhà trường, của thanh tra sở cứ nhè SGK, SHD, sách chuẩn kiến thức kĩ năng... để bắt bẻ, để truy xét thế là con đường an toàn nhất là con đường tàu chạy trên đường ray của mình.

Và văn chương cũng mất luôn chất văn từ đó. Bây giờ, môn Ngữ văn còn phải cõng thêm nhiều thứ phi văn khác được người ta tích hợp cho, nào là: kế hoạch hoá gia đình, chống tham nhũng, bạo lực gia đình, phân biệt giới tính, sức khoẻ sinh sản, biến đổi khí hậu... làm cho môn Ngữ văn càng ngày càng giống nồi lẩu thập cẩm. Thế bảo không chán sao được?

Ngày nay, HS thực dụng với các môn tự nhiên để thi vào các trường kỹ thuật, ra trường dễ xin việc, dễ kiếm tiền chứ có ai quan tâm tới phần tâm hồn đâu? Cho nên đến Phó chủ tịch tỉnh như ông Xuân Thanh viết cái tường trình mà sai mấy lỗi chính tả là bình thường? Thế đấy! Thầy cô dạy văn ở THPT đang chết lâm sàng trên lâu đài văn chương của mình! Đó cũng là thời mạt vận của môn văn chăng?" (hết trích)

Đ.L.G.







No comments:

Post a Comment