05/10/2017
Bộ phim Chiến tranh
Việt Nam của các đạo diễn Hoa Kỳ gây nên nhiều tranh luận, ý kiến khác nhau của
người Việt trong và ngoài nước.
Đó là điều tất yếu
vì cuộc chiến tranh kéo dài gần 30 năm, liên quan đến nhiều nước, với những động
cơ khác nhau, không thể làm thỏa mãn mọi người.
Đây là một dịp bổ
ích và lý thú để công luận có thể được dịp phát biểu thêm, soi tỏ thêm nhiều điều
mới mẻ, những góc tối của cuộc chiến, từ đó có thể bổ xung cho nhau nhiều hiểu
biết mới để soi tỏ thêm quá khứ, hiện tại và tương lai của các bên tham chiến
trong mối quan hệ quốc tế phức tạp hiện nay.
Một số nhà báo, làm
phim truyền hình người Việt, người Pháp, Hoa Kỳ, Đức… phỏng vấn tôi nhân dịp
này. Tôi đã phát biểu ý kiến của mình.
Với tư cách là một
nhân chứng sống, từng tham dự cuộc chiến từ ngày đầu đến ngày cuối, ở miền Bắc
cũng như ở miền Nam, ở chiến trường Cam-bốt cũng như ở Lào, tôi có nhiều suy
nghĩ, kỷ niệm về cuộc chiến tranh, nay có dịp để nói lên những điều quan trọng
bị khỏa lấp mà bộ phim hoành tráng của các nhà làm phim Hoa Kỳ không đề cập đến.
Nhiều bạn hỏi tôi,
nếu tôi tham gia một bộ phim khác về Chiến tranh Việt Nam, tôi sẽ nói lên những
điều gì? Tôi có khá nhiều điều cần phát biểu về cuộc chiến, khi tưởng nhớ, ngẫm
nghĩ lại về cuộc chiến. Qua bài báo này trước hết, tôi muốn nói đến những oan hồn
của cuộc chiến.
Tôi có một số người
thân, ông chú, các anh chị em họ Bùi vốn là đảng viên Quốc Dân Đảng và Đại Việt
Quốc dân đảng đã bị Việt Minh chụp mũ cho là Việt gian, bị bắt giam sau Cách mạng
tháng Tám. Tiêu biểu là ông Bùi Nhữ Uyên chú ruột tôi từng theo cụ Nguyễn Thượng
Hiền, người cùng làng sang Nhật Bản vận động cho phong trào Đông Du và sau đó về
Trung Quốc, tham gia Việt Nam Quang Phục hội của Cụ Phan Bội Châu. Chú tôi bị bắt
năm 1946, bố tôi (Bùi Bằng Đoàn) lúc đó là trong Ban Thường trực Quốc hội can
thiệp với ông Hồ chí Minh, ông Hồ lệnh cho chính quyền tỉnh Hà Đông thả ngay
chú tôi, nhưng đúng vào đêm lệnh thả đến nhà giam ở Vân đình thì chú tôi mất vì
«đau bụng» khẩn cấp. Bạn tù cùng giam cho rằng chú tôi bị trại giam đầu độc.
Những oan hồn tôi
không thể quên. Việt Minh từ hồi đó coi tất cả các đảng yêu nước chống Pháp là
Việt gian, như Quốc Dân đảng, Đại Việt, Việt Nam Quang Phục hội, Việt Nam Cách
mạng đồng minh, đệ tứ (Trostkyt)… Họ phê phán rất mạnh cụ Phan Bội Châu và Phan
Chu Trinh, coi là sai lầm thân Tàu, chuộng Pháp.
Tôi còn nhớ trước
năm 1940-1941 số đảng viên Quốc dân đảng rất đông, vượt con số đảng viên đảng
CS Đông dương ở các nhà giam, ở Côn Đảo. Rất nhiều giáo viên tiểu học các xã,
huyện, trí thức nông thôn tham gia phong trào Quốc dân đảng của Nguyễn Thái Học.
Rất nhiều trung nông, phú nông, cả địa chủ nhỏ có học tham gia đảng này, về sau
bị Cải cách ruộng đất kiểu Mao vu cáo là địa chủ ác bá, là việt gian, bị sát hại
gần hết, theo thống kê khi sửa sai con số oan hồn này lên đến hơn 15.000.
Ngoài số nói trên cần
kể đến oan hồn của các nhà yêu nước Tạ Thu Thâu, Phan Văn Hùm – lãnh đạo nhóm
Troskyt, tướng Nguyễn Bình và nhà sử học Trần Huy Liệu - nguyên là đảng viên Quốc
dân đảng, cụ Đặng Văn Hướng – nguyên Bộ trưởng không bộ do ông Hồ phong chức và
cụ Nguyễn Khắc Niêm, thân sinh ông Nguyễn Khắc Viện, chủ tịch Hội Việt kiều yêu
nước ở Pháp – 2 cụ đều bị tàn sát trong Cải cách ruộng đất.
Cũng cần ghi thêm
trong danh sách các oan hồn những cán bộ cộng sản có ít nhiều thức tỉnh đã bị
thải loại, ra rìa, như tướng Đặng Kim Giang, tướng Nguyễn Vịnh, các đại tá Đỗ Đức
Kiên, Lê Trọng Nghĩa, Lê Minh Nghĩa, Hoàng Minh Chính… trong vụ án «xét lại»,
Trần Dần, Hoàng Cầm, Phùng Quán… trong vụ Nhân văn Giai phẩm, Trần Xuân Bách,
Trần Độ, Nguyễn Hộ, Nguyễn Cơ Thạch, Võ Nguyên Giáp… từng có tư duy độc lập chống
lại một số chủ trương chính sách của đảng.
Các đồng đội của
tôi vào Nam chiến đấu theo lời nguyện «sinh Bắc tử Nam để giải phóng miền Nam,
thống nhất Tổ quốc», chết vài chục vạn, hơn 300.000 tử sĩ hiện chưa tìm ra thi
hài mộ chí, cũng là những oan hồn, nỗi đau lòng uất hận của hàng vài triệu bố mẹ,
anh chị em ruột thịt. Đó là những oan hồn vì khi chiến đấu, tự nguyện hy sinh,
các đồng đội của tôi đều mang theo hy vọng rồi gia đình mình, bố mẹ anh chị em
mình, đồng bào mình sẽ được hưởng độc lập tự do, an bình, phồn vinh hạnh phúc.
Những hy vọng thiêng liêng ấy đến nay vẫn còn xa vời. Ngược lại đất nước còn bị
ách Bắc thuộc từ sau mật đàm Thành Đô năm 1990, tự do tư tưởng, ngôn luận còn bị
cấm đoán, trừng phạt, an ninh của nhân dân, nông dân, trí thức, nhà kinh doanh
tự do bị đe dọa, các chiến sỹ yêu nước, đòi tự do cho nhân dân bị tù đầy, chênh
lệch giàu nghèo tồi tệ hơn thời phong kiến, thực dân, đảng cộng sản biến thành
lực lượng kìm hãm đà tiến bộ, phát triển của đất nước, mắc nợ hàng triệu oan hồn
đã hy sinh do những lời đường mật giả dối.
Tôi có nhiều anh
em, cháu, - con các bà chị ruột và chị họ vào Nam chiến đấu và hy sinh ở Đức Phổ,
Quảng Ngãi, Bình Định nay vẫn chưa tìm ra thi hài, mộ chí. Đã đến lúc phải nói
thẳng ra là gia đình và các cháu đã bị lừa. Họ đưa ra Luật nghĩa vụ quân sự,
tuyên truyền về vinh quang trai thời loạn là sinh Bắc tử Nam, cưỡng bức các
cháu bỏ học cầm súng, bắt ký các bản tình nguyện nhập ngũ, buộc bố mẹ phải ký
tên «vinh dự hiến con cho Tổ quốc», trong khi con cháu các quan lớn hầu hết đều
được xuất ngoại học tập ở Liên Xô, Trung Quốc , Ba lan, Đông Đức, Tiệp… Một sự
bất công khổng lồ. Bố mẹ các cháu tôi lo nghĩ tiếc thương con, ban đêm xụt xùi
khóc, nhưng vẫn phải tỏ ra vui vẻ khi tiễn con vào Nam. Các cháu đều miễn cưỡng
ký giấy «tình nguyện vào Nam chiến đấu, đâu cần xin có mặt» theo ý nguyện (cưỡng
bức) của Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh. Cả một khoa học bịp bợm thành hệ
thống.
Tôi đã từng nhiều lần
vào Nam cùng các đơn vị, vào Bình Trị Thiên, rồi vào Tây Nguyên – Kon Tum, Gia
Lai, vào Bình Định, Buôn Ma Thuột, Bình Long, Sài Gòn… có những điều ít ai biết,
đó là tình trạng cực kỳ phi lý, thương tâm, oan trái, từ khi lên đường vào Nam,
các cán bộ chiến sĩ đều bị cắt đứt liên lạc một cách tuyệt đối với bố mẹ, anh
chị em, bạn bè, vài năm, có khi hàng chục năm, mà không có một lá thư được nhận
hay được gửi về nhà. Sự bặt tin thật là buồn đau độc ác. Đây là một nét độc đáo
của cuộc chiến ở miền Nam Việt Nam. Cuộc chiến tranh không có thư từ của người
cầm súng, đằng đẵng từ khi lên đường, cho đến khi trở về, lành lặn hay bị
thương nặng nhẹ, hay thành người tàn tật suốt đời. Hoặc có khi tử trận, nhưng
giấy báo tử để chậm vài năm là thường, vì chiến tranh khốc liệt, tử sỹ nhiều,
đơn vị giải thể, tiêu tùng hết, nhiều đơn vị sát nhập vào nhau, sổ sách mất,
cháy, chỉ huy thuyên chuyển liên miên, không có nền nếp chính quy, kiểu du
kích, đại khái, lem nhem.
Cho đến chuyện quản
lý tù binh Mỹ chặt chẽ, có sổ sách hàng ngày mà cuối cùng vẫn mất tích, không
lý giải được, lên đến hơn 100 người, đủ biết công việc quản lý của quân đội thời
chiến luộm thuộm ra sao.
Ở các nước văn
minh, với quân đội hiện đại, họ rất quan tâm đến việc thông tin, thư từ gia
đình quân nhân được chuyển nhanh nhất, chu đáo nhất đến tay chiến sĩ ngoài mặt
trận. Đây là trách nhiệm, đền đáp thiết thực có ý nghĩa nhất những hy sinh của
gia đình và các quân nhân. Ở Việt Nam, đảng Cộng sản cho việc cố tình bặt tin
là biện pháp cưỡng bức để các chiến sĩ không còn suy nghĩ thao thức mong chờ
thư đi từ lại, một lòng một dạ hy sinh chiến đấu cho những mục tiêu riêng của đảng.
Đây là món rất độc của chiến tranh tâm lý. Vì nếu tự do thư từ, thông tin, các
chiến sĩ sẽ kể về những trận đánh thiêu thân, cả đơn vị chết quá nửa như sau tết
Mậu Thân thì hậu phương sẽ bị chấn động, rất nguy hiểm để kêu gọi tiếp những đợt
«sinh Bắc tử Nam», mà phần lớn sẽ không trở về.
Ngoài hàng mấy chục
vạn oan hồn trên đây, tôi không thể không nhắc đến vài vạn người chưa chết
nhưng bị những oan khiên dằn vặt không kém các oan hồn kể trên. Họ rất đáng
thương, nhưng xã hội đã lãng quên họ.
Đó là chừng 20.000
cán bộ, chiến sĩ Quân đội Nhân dân (theo thống kê chưa đầy đủ của Cục quân lực
Bộ Tổng tham mưu) vào Nam bị chiêu hồi bởi Việt nam Cộng hòa, sau chiến tranh
trở về gia đình ở miền Bắc, đã bị hỏi tội, bỏ tù, cải tạo, trả thù, bôi xấu, hạ
nhục, hành hạ ra sao, bị gia đình xỉ vả, láng giềng khinh miệt, không sao ngẩng
mặt lên được. Theo tôi biết, rất đông anh em đó ở Hà Nội, Hà đông, Thái Bình,
Nam Định, Hải Phòng, Nghệ Tĩnh… Một số bảo mạng, cầu an, không chịu được gian
khổ, căng thẳng, nhưng không ít có ý nghĩ lành mạnh, không đang tâm bắn vào anh
em trong một cuộc huynh đệ tương tàn phi lý vô đạo nên đã chịu chiêu hồi, hy vọng
khi chiến tranh kết thúc, không ai nỡ trị tội mình. Đã có nhà văn nào nói lên
thảm cảnh của số anh em bị chiêu hồi rồi trở về quê quán này để tiếp tục bị oan
khiên, kêu trời không thấu này. Đã có tổ chức xã hội nào cúi xuống nâng đỡ các
số phận đen đủi này, tất cả chỉ là nạn nhân của một cuộc chiến tranh phi lý vô
đạo do đảng Cộng sản gây nên vì những mục tiêu và cuồng vọng riêng.
Nếu tôi tham gia dựng lên những bộ phim về cuộc chiến
tranh ở Việt Nam, tôi sẽ nói đến bản chất của chiến tranh, qua những mặt tối,
những góc tối bị che giấu, bị che lấp, những oan hồn, những nỗi oan trái chưa
được biết, để có thể nói lên hết mặt trái của cuộc chiến tranh không anh hùng,
chẳng oanh liệt, một cuộc nồi da xáo thịt, huynh đệ tương tàn đáng hổ thẹn,
đáng sám hối. Tít bộ phim có thể là «Những oan hồn - hay mặt trái của chiến
tranh», hay «Một cuộc chiến đầy dối trá», cũng có thể là «Cuộc chiến của những
người nô lệ», vì đảng Cộng sản tự nguyện làm nô lệ cho học thuyết Mác – Lênin,
rồi qua đó bắt nhân dân, quân đội làm nô lệ cho những tham vọng riêng của đảng,
để cho đất nước lạc hậu, tàn lụi đổ nát, bất công như hiện nay.
Ông Đào Công Tiến,
nguyên Hiệu trưởng Đại học Kinh tế Sài Gòn, một đảng viên cộng sản kỳ cựu rất
có lý khi đề nghị mỗi ngày kỷ niệm 30/4 là một cuộc Sám hối và xin lỗi của đảng
Cộng sản đã chủ động gây nên những tổn thất về sinh mạng, tài sản, thời gian của
dân tộc đến mức quá sức chịu đựng của nhân dân, để lịch sử có thể sang trang, đất
nước có một chế độ chính trị dân chủ, độc lập thật sự, lãnh thổ toàn vẹn, có
nhân quyền, phát triển phồn vinh cho toàn xã hội.
No comments:
Post a Comment