Friday, October 20, 2017

NHỮNG NGƯỜI CỘNG SẢN ĐÃ BIẾN THÀNH CÁC NHÀ TƯ BẢN MAN RỢ (Thanh Mai chuyển ngữ - VietInfo)




Thanh Mai chuyển ngữ. 
20/10/2017

Đến lúc mà cảnh sát phải hành hạ tôi, thì tôi sẽ cố gắng lấy đó làm vui, ông Nguyễn Quang A, một người phê phán chế độ có tên tuổi, mỉm cười. Còn nói chuyện với ai về chính quyền cộng sản, nếu như không phải là với người cộng sản đã được "sửa chữa" và bị các đồng chí cũ truy đuổi? Mặc dù... Hồi đó, việc gia nhập đảng cũng không có gì là cháy bỏng, nhà bất đồng luôn được kính trọng đã hồi tưởng trong một bài phỏng vấn dài với iRozhlas, ông vốn được biết đến cũng vì đã bị bắt giữ trên đường tới gặp Tổng thống Obama.

Ông Nguyễn Quang A tại Praha. Ông tới CH Séc với tư cách là khách tham dự Hội nghị quốc tế Forum 2000 của năm nay. Ảnh Magdalena Slezakova (rozhlas.cz)

"Đảng cộng sản Việt Nam đã không còn là cộng sản. Đấy là một giai cấp mới, một giới tinh hoa tư bản hiện đang lợi dụng sự bảo trợ do quá khứ cộng sản mang lại, để bảo vệ tiền bạc và quyền lực của mình," ông Nguyễn Quang A nói.

Hôm tháng Năm năm ngoái đó, ông Nguyễn Quang A dậy. Ông chuẩn bị cẩn thận một bộ complete đẹp nhất, ông chụp một tấm hình lên Facebook và mở cửa xuống đường đi gặp Tổng thống Barack Obama.

Người đứng đầu Nhà Trắng lúc bấy giờ sắp kết thúc chuyến thăm chính thức Việt Nam, và đã ký kết được với chính phủ Việt Nam một thỏa thuận vốn đã được bàn bạc từ rất lâu về việc mua bán vũ khí. Tuy nhiên trước khi rời khỏi Việt Nam, ông còn muốn gặp một số nhà hoạt động vì dân chủ, và ông Nguyễn Quang A, một doanh nhân thành đạt, một nhà kinh tế-trí thức và một trong các khuôn mặt hàng đầu của giới bất đồng tại Việt Nam, là một trong số những người được mời.

Không phải là ông A tin rằng sẽ tới được tận nơi gặp Obama. Trong chuyện này ông đã quá nhiều kinh nghiệm với chính quyền của đảng cộng sản Việt Nam. Và quả có thế: ông ra khỏi nhà lúc 6h22, và chỉ sau 3 phút, lúc 6h25, một nhóm cảnh sát mặc thường phục đã tóm ông lên xe với cửa kính tối và số xe bị che. Họ đi lòng vòng - đúng hơn là 7tiếng lòng vòng, cho đến khi máy bay chở Obama rời khỏi đường băng.

Một nền kinh tế thị trường như mãnh thú ăn thịt, nỗi đam mê tiền bạc và là nơi mà ngay giữa ban ngày, người ta đánh đập người bảo vệ nhân quyền ngay trên đường phố - đó là Việt Nam ngày hôm nay. Tương lai của đất nước này như thế nào? Và những người cộng sản đang lãnh đạo đất nước này là ai? Trước kia, ông Nguyễn Quang A đã từng đi lại với những con người ấy. Ngày hôm nay, ông là khách mời của các hội nghị quốc tế về dân chủ và nhân quyền - như Forum 2000, cũng là nơi ông có buổi trò chuyện với iRozhlas.

*
Hồi tháng 5.2016 và cũng không phải là lần cuối cùng mà cảnh sát bắt giữ ông, có phải vậy không? Trên thực tế việc đó rất hay xảy ra, dường như đã gần là một thói quen. Sự việc cách đây không lâu, ngày 17/8 đã xảy ra như thế nào?

Ngày 17/8 năm nay rất đặc biệt. Tôi đang chuẩn bị đến nhà băng gửi ít tiền cho cô em gái, nhưng vừa ra đến đường đã có khoảng một chục an ninh mặc thường phục lao đến tôi. Họ tống tôi vào ô tô như bao lần trước đó. "Tại làm sao? Các anh nghĩ tôi có kế hoạch gì đây?" tôi ngạc nhiên. Họ không trả lời và chúng tôi về đồn.
Ở đó, có một viên sĩ quan đã chờ tôi, đó là người tôi đã biết rõ từ tháng 9/2015, khi tôi từ châu Âu và Hoa Kỳ trở về. Khi đó, họ giữ tôi 15 tiếng và chất vấn: tôi đã đi những đâu, đã gặp gỡ ai, ai đã trả tiền cho tất cả những việc này... Khi đó tôi đã không cộng tác và cả lần này tôi cũng từ chối trả lời.

Thư mời lên trao đổi

Họ sử xự với ông trong các buổi hỏi cung đó như thế nào?

Họ cứ hỏi đi hỏi lại những câu hỏi như nhau. Tôi nói: "các anh không có gì phải căn vặn tôi. Tôi mới là người phải chất vấn các anh! Tại sao các anh mang tôi đến đây? Trong chuyện này, chính các anh đã vi phạm pháp luật chứ còn gì!" Họ thì cứ tiếp tục câu hỏi của mình: tại sao tôi cho BBC và các đài phương Tây phỏng vấn, tại sao tôi viết trên Facebook tất cả các trò nói xấu, tại sao tôi cộng tác với bọn phản động, tại sao tôi phá đảng, tại sao tôi là kẻ thù của chính quyền...
Tôi nghĩ, họ lo ngại vì biết rằng ngày hôm sau tôi sẽ bay sang châu Âu: sang Nga, sang Hungary và nhất là sang Đức, là nơi chỉ cách đây không lâu một vụ tai tiếng ngoại giao đã xảy ra, vì một người Việt xin tị nạn ở Berlin đã bị bắt cóc. Vì thế họ giữ tôi để phòng ngừa, như là một lời cảnh báo để tôi đừng mở miệng quá nhiều ở nước ngoài.

*
Sau đó họ để ông đi?

Sau 5 tiếng họ nói "ông Quang A, ngày mai chúng tôi lại mời ông đến đây một lần nữa, chúng ta sẽ tiếp tục trao đổi". Tôi trả lời: "tôi không nhận lời mời của các anh. Ngày mai tôi đầy việc phải chuẩn bị cho chuyến đi của tôi, và chuyến đi ấy là đi du lịch. Với những việc tôi định làm, các anh chẳng ảnh hưởng gì được. Các anh đừng có nghĩ rằng tôi sẽ chịu nghe theo những lời đe dọa của các anh!".
Tôi là kỹ sư và tôi hành xử như vậy trong những buổi hỏi cung - tôi cố gắng đo đạc và thử nghiệm phản ứng của họ: tôi nói điều gì đó và chờ xem họ phản ứng ra sao. Bạn cần đánh giá tình hình và thích nghi với tình hình đó. Tôi nói với họ là tôi bay ngày 19/8, trong thực tế tôi bay cùng con trai từ hôm 18/8, vì vậy chúng tôi đã bay mà không gặp trở ngại. Lần này tôi đến Praha tham dự Forum 2000 cũng thế. Lo ngại trục trặc có thể xảy ra, cho nên tôi đã đề nghị ban tổ chức cho tôi bay sớm hơn một chút - để người ta khỏi ngăn chặn tôi ngay ở Việt Nam.

*
Ông nói về những điều đó như thể nói về một trò chơi nào đó: tôi thử nghiệm, tôi thử phản ứng của họ. Thế nhưng đó đâu phải là trò chơi, đúng không?

Không, đó không phải là trò chơi. Khi bạn phải chịu áp lực thường xuyên, khi bạn có cảm giác bị theo dõi cả 24 tiếng một ngày, thì điều đó hoàn toàn có thể làm bạn phát điên lên. Vì thế bạn phải tìm một cách nào đó để đối phó với điều đó. Và tôi làm như thế.
Dĩ nhiên, tôi biết là họ không theo dõi tôi non-stop. Nhưng khi họ theo dõi, thì tôi biết. Và tôi cố gắng tự nhủ "đó là công việc của họ, cứ để họ làm". Một khi họ chưa hiện lù lù trước mặt tôi và chưa tấn công tôi thì cũng không sao lắm. Và nếu như tôi không khoái chút nào, thì mặt khác nó cũng là một thách thức với tôi… Mà tôi thì thích vượt qua các thử thách. Nếu như điều đó xảy ra thì tôi sẽ cố gắng tìm niềm vui ở trong đó (ông mỉm cười).

Tôi lên án người lãnh đạo, chứ không phải các quân cờ

Có thể họ chỉ „làm công việc của mình“, thế nhưng có lẽ họ cũng có tội - vì những gì họ thực thi?

Tôi lên án người lãnh đạo của họ: cơ chế. Chứ không phải những con người. Tôi thương họ. Họ là những quân cờ. Chị biết không trong một năm rưỡi đây cảnh sát đã bắt giữ tôi 13 lần. Thoạt đầu tôi rất tức giận, tôi quát mắng họ... Nhưng sau đó, tôi dần dần học được cách thở sâu và nghĩ đến việc rằng họ chỉ tuân thủ mệnh lệnh, rằng không phải là lỗi của họ.
Tôi phê phán chế độ, chứ không phê phán các cá thể. Tôi phê phán cái chức vụ tổng bí thư đảng, thủ tướng chính phủ. Việc sửa đổi hiến pháp, luật pháp, chức năng là điều mấu chốt, chứ không phải là thay ông X, hay là bà Y hiện đang ngồi ở ghế đó. Dĩ nhiên, có những người sẽ phải từ chức. Nhưng họ không nhiều đến thế. Tôi từng biết hoặc là vẫn biết khá nhiều người trong số họ. Các Bộ trưởng, các binh sĩ... Họ có hai, ba nhân cách. Chính thức thì họ là các cán bộ cốt cán có lòng tin vững chắc với tư tưởng của nhà nước. Nhưng nếu như chị gặp họ nơi quán bia thì sao? Ở đó, họ còn ăn nói mạnh mẽ hơn cả tôi.
Một khi ông đã nói đến đề tài này: ông là một trong những người thành lập Diễn đàn xã hội dân sự với tư tưởng đối lập mà ngày nay đã có gần một trăm thành viên. Và khoảng hai phần ba trong số đó là các cựu đảng viên đảng cộng sản Việt Nam, kể cả chính ông. Phải chăng xuất phát điểm của mối quan hệ lâu dài của ông với đảng chính là tình yêu với đảng?
Hoàn toàn không! Trong những năm 70 tôi học tại Budapest, ở đó tôi cũng làm xong luận án Tiến sĩ, và tôi không quan tâm chút nào tới chính trị, thậm chí còn hơn thế nữa: tôi đã thề với mình là sẽ không tham gia bất cứ đảng phái nào. Tuy nhiên sau đó chiến tranh kết thúc, và tôi trở lại Việt Nam, rồi ở đó người ta lấy tôi vào quân đội.

*
Ông đã nói sao?

Tôi không muốn vào đó lắm và phản đối. Tuy nhiên lúc bấy giờ, quân đội đang nắm toàn bộ đất nước và họ coi công nghiệp điện tử là một ngành mấu chốt, mà đó lại là ngành của tôi, vì thế tôi không có nhiều lựa chọn và phải vào viện nghiên cứu của quân đội. Họ cho tôi chức sĩ quan và tất cả các sĩ quan thì phải là đảng viên. Thế là tôi cũng vào đảng, năm 1978.
Cần phải nói rằng chúng tôi không có bất cứ các hoạt động chính trị nào ở trong viện, chúng tôi làm khoa học, sau đó đến năm 1982, tôi lại sang Budapest, tôi làm việc 5 năm tại Viện Hàn lâm khoa học của Hungary. Trên đường quay trở lại Việt Nam, tôi may mắn gặp tướng Giáp nổi tiếng khi chuyển máy bay tại Mátxcơva, ông biết tôi từ thời ở Viện. Tôi nói với ông rằng tôi muốn ra khỏi quân đội và ông đã giúp tôi ra. Rồi tôi bắt đầu làm ăn: chúng tôi nhập các phụ kiện máy tính và lắp ráp máy tính.

Từ chủ nghĩa cộng sản chuyển sang kinh doanh

Lúc bấy giờ là khoảng những năm 80, là thời kỳ Việt Nam bắt đầu cởi mở về kinh tế chăng?

Vâng. Không còn cách nào khác, bởi vì trợ cấp của nước Nga đã không còn, quan hệ với Trung Quốc thì căng thẳng, vì thế Việt Nam trơ trọi một mình, và sẽ sụp đổ nếu như không thay đổi. Đại hội Đảng lần thứ 6 (1986) đã thông qua việc chuyển đổi từ nền kinh tế được kế hoạch hóa sang kinh tế thị trường, quá trình này vốn được biết đến ở Việt Nam dưới tên gọi Đổi mới. Người ta đã trả lại cho người dân quyền được làm kinh tế mà trước đó chính họ đã tước bỏ - và bằng cách đó đã cứu được cả Đảng, cả chế độ.

*
Và quan hệ của ông với Đảng thì sao?

Mối quan hệ này tiến dần đến giai đoạn cuối. Tôi tiếp tục công việc kinh doanh và chúng tôi rất thành công: chúng tôi bán máy tính sang Liên Xô và thu được rất nhiều tiền, với tiền đó chúng tôi mua hàng từ Đông Đức. Chỉ với một đơn đặt hàng này chúng tôi lãi gần 10 triệu đô la.
Có thể là cảnh sát cũng muốn có phần chăng, tôi không biết. Tuy vậy họ đã tung tin trên truyền thông rằng đã phát hiện một vụ lậu thuế lớn nhất trong lịch sử nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, và đến cuối năm đó thì chính quyền công khai buộc tội chúng tôi, trong phạm vi Quốc hội và trực tiếp trên Đài truyền thanh và truyền hình. Có điều là sau ba tháng điều tra, cuối cùng họ kết thúc với kết luận rằng không có bất cứ sự lậu thuế nào xảy ra! Và đó là giọt nước cuối cùng cho tôi, đơn giản là tôi không thể ngồi lại với cái thể chế này. Tôi ra khỏi Đảng, đó là vào năm 1993. Từ đó đến giờ tôi làm tất cả để giúp cái chế độ toàn trị này chuyển thành dân chủ.

*
Tôi được biết, trong những năm 90, ông viết rất nhiều về việc cải cách nền kinh tế xã hội chủ nghĩa, thậm chí ông đã dịch Janos Kornai, một nhà kinh tế nổi tiếng của Hungary. Kinh nghiệm của Đông Âu là cảm hứng đến mức nào đối với ông?

Vô cùng lớn. Tôi đã theo dõi và tiếp tục theo dõi rất chăm chú các biến chuyển tại Đông Âu. Và tôi muốn dịch những gì nói đến kinh nghiệm ở đây - cả những kinh nghiệm tốt, và cả các kinh nghiệm xấu. Đầu tiên tôi tập trung vào các vấn đề kinh tế, ví dụ xử lý thế nào đối với các doanh nghiệp nhà nước, phát triển các ngành tư nhân ra sao, khuyến khích cạnh tranh như thế nào. Tôi dịch ngay mấy cuốn của Kornai, trong đó chắc chắn cuốn quan trọng nhất là Chế độ xã hội chủ nghĩa. Đây không chỉ là một tác phẩm về kinh tế, đó là một cuốn sách miêu tả tổng thể chế độ xã hội chủ nghĩa. Và tất cả những ai nghiên cứu cuốn này, hiển nhiên sẽ đi đến kết luận rằng chế độ xã hội chủ nghĩa không thể vận hành lâu dài và cuối cùng sẽ phải sụp đổ.
Tôi tự in bản dịch cuốn này bằng tiền của mình và các ý tưởng của cuốn sách xuất sắc này quả thật có ảnh hưởng rất lớn trong giới trí thức người Việt.

Các hy vọng nằm trong bóng tối của sự man rợ.

Có điều ở Đông Âu, quyền lực chính trị sụp đổ cùng với nền kinh tế được kế hoạch hóa, mà chính nó tạo nên. Ở Việt Nam, điều đó không xảy ra, như chính ông đã nhắc đến; nền kinh tế được kế hoạch hóa được thay bằng một thị trường như một con mãnh thú, nhưng thể chế chính trị thì trụ lại được. Cùng với thời gian, nó có khá hơn trước?

Chắc chắn là có. Tôi có may mắn là tôi có thể không chỉ theo dõi, mà còn trực tiếp tham gia vào những thay đổi ấy. Trong vòng 30 năm cuối đây Việt Nam thay đổi rất nhiều cả về kinh tế, cả về xã hội và chính trị. Xã hội dân sự của chúng tôi rộng lớn dần, mặc dù chưa đủ mạnh nhưng vô cùng sống động và liên tục lớn - trước kia thì chưa từng tồn tại! Thậm chí, không gian chính trị cũng rộng lớn hơn. Quả thật, tất cả đó là một sự phát triển tích cực. Tuy nhiên ở đây có hàng loạt điều tồi tệ. Những gì thừa hưởng từ chế độ cũ và sự phát triển của chế độ mới mà tôi gọi là chế độ tư bản man rợ.

*
Cái gì tệ hơn? Hay là những gì tệ hại đó đang hòa chung làm một?

Chính vậy, hòa chung làm một. Ngày nay tại Việt Nam chúng tôi đang có nền kinh tế 100% tư bản - không còn gì là chủ nghĩa xã hội, cũng như chủ nghĩa cộng sản. Thậm chí tôi cho rằng, cả Đảng cộng sản Việt nam cũng không còn là cộng sản. Đó là một tầng lớp mới, một giới tinh hoa tư bản, hiện đang lợi dụng sự bảo trợ do quá khứ cộng sản mang lại, để bảo vệ tiền bạc và quyền lực của mình,".
Ở Việt nam người cộng sản lên nắm quyền hơi khác so với ở đây. Ở Tiệp khắc, họ có liên quan với các xe tăng của Nga, nhưng ở nước chúng tôi, những người cộng sản đã chiến đấu cả 30 năm chống lại chủ nghĩa thực dân, vì sự giải phóng dân tộc và nền độc lập. Đó là các thông điệp rất mạnh, được dùng đến tận bây giờ.
Việt nam ngày nay là xứ như thế nào?
Đó là một chế độ toàn trị độc đảng trong một môi trường tư bản. Việt nam làm tôi hình dung tới Đài Loan trong những năm 70-80: bàn tay độc tài Quốc dân đảng trong môi trường kinh tế tư bản. Nhưng sau đó, điểm nút đã đến và quá trình dân chủ hóa - và chị hãy xem Đài Loan ngày hôm nay.

*
Có thể đó là sự tương đồng cả cho Việt nam? Dù sao thì nửa thứ hai của những năm 80 đã tạo điều kiện cho băng tan: chế độ độc tài ở Nam Triều sập đổ, Trung quốc hướng đến mùa xuân của Bắc kinh, không kể các biến động trong vùng. Nhưng hôm nay thì sao? Việt nam có hy vọng nào?

Thay đổi cần phải đến từ phía dưới, từ áp lực của người dân, từ xã hội. Những đỉnh cao của quyền lực không bao giờ thay đổi điều gì. Sau đó, từ trong sự thay đổi của bầu không khí xã hội có thể xuất hiện các nhà lãnh đạo cải cách, những người đại diện cho sự thay đổi, và là những người sẽ đàm phán các cuộc cải cách hoặc đàm phán trực tiếp cho sự chuyển đổi. Trước hết chúng tôi cần giới bất đồng. Một giới bất đồng đủ mạnh. Không có nó thì sẽ không bao giờ thành.

Họ sợ chúng tôi

Ở Việt nam liệu có "mạng lưới kiểu sợi nấm" để giới bất đồng có thể lớn mạnh? Chính ông là nhân chứng rằng người ta truy đuổi, đàn áp giới đối lập, nhiều người bị đánh đập dã man trên đường phố, một số khác bị bỏ tù, và bị bỏ tù hàng năm dài, hàng chục tù nhân chính trị đã được lập hồ sơ...

Vâng, ở Việt nam chúng tôi không có giới đối lập hợp pháp, giới này chỉ có ở xứ dân chủ. Nhưng những gì mà chúng tôi có thể gọi là giới bất đồng, đang lớn lên và mạnh hơn - và chính vì thế, sự việc đang thay đổi dần dần.
Tôi có một ví dụ cho chị. Trong những năm cuối đây môi trường là vấn đề rất lớn, các thảm họa môi trường xuất hiện ngày một nhiều. Nhưng cùng với chúng là các buổi biểu tình công khai.
Thảm họa của nhà máy Formosa, làm biển ngập cá chết, đã dẫn đến biểu tình trên toàn quốc. Người ta phản đối chống ô nhiễm không khí, chống chặt cây ồ ạt, chống những người làm công vụ thu hồi đất của người dân cho các doanh vụ mờ ám của mình.
Như là ở Hà nội, vì bị cướp đất những người dân đã giữ gần 40 cảnh sát làm con tin và giữ họ hơn 10 ngày. Chúng tôi (Diễn đàn xã hội dân sự) đã gửi đến đó luật sư của chúng tôi, là người đã làm trung gian và đã đạt tới thỏa thuận, trong đó có một điều khoản rằng chính phủ không được buộc tội người dân. Đó là một bước tiến bộ lớn!

*
Liệu chính phủ có sợ các cuộc biểu tình của người dân?

Tôi tin là rất sợ. Thì chị có thể thấy, người ta đã không chỉ biểu tình chống các thế lực nước ngoài, chống các bước lấn của Trung quốc trên Biển Đông. Họ phẫn nộ trước các bước đi của chính phủ của mình, và đứng lên phản đối! Tôi tin rằng chính vì điều này mà trong những tháng cuối đây chúng ta là nhân chứng cho ngần ấy những vụ tấn công, bắt bớ và tăng cường tuyên truyền. Tại sao mà họ lại phải bỏ tù hai nhà hoạt động tới 9-10 năm chỉ vì những bài báo ôn hòa mà họ viết? Bởi vì chế độ này lo sợ. Vì thế mà đàn áp, đàn áp, xiết chặt đinh ốc.

*
Điều đó có giúp được gì?

Từ góc nhìn ngắn hạn thì có lẽ là có. Nhưng về kết quả thì sẽ là phản tác dụng. Càng đàn áp, càng bắt bớ và càng hành hạ, sẽ càng làm sôi sục thêm sự phản kháng và bất bình trong người dân, mà cuối cùng sẽ thể hiện ra ngoài.

Hãy gây áp lực và kéo

Nhưng trong khi đó thì chuyện gì sẽ xảy ra với những người bị truy đuổi? Khi Barack Obama đến Việt nam và hủy việc cấm vận vũ khí kéo dài đã nhiều năm với Việt nam, nhiều người trách ông rằng để đổi lại, ông không thành công trong việc đòi thả các tù nhân lương tâm. Ông nghĩ sao về lời chỉ trích này?

Áp lực quốc tế nhất là từ phía Hoa Kỳ đối với chế độ, là rất quan trọng đối với chúng tôi. Nhưng chúng ta hãy thực tế. Các nước có ưu tiên của mình, và hành động của họ trước tiên là vì các mối quan tâm về kinh tế, chính trị và an ninh của mình, sau đó mới đến các mối quan tâm về nhân quyền hay là Việt nam. Tôi không bao giờ nói rằng sự giúp đỡ từ bên ngoài không quan trọng đối với chúng tôi - rất quan trọng và chúng tôi vô cùng trân trọng điều đó. Nhưng áp lực quan trọng nhất phải đến từ bên trong Việt nam, từ chính chúng tôi. Chúng tôi phải dựa chủ yếu vào chính mình.
Quay lại chỉ trích mà chị vừa nhắc đến: tôi kiên quyết phản đối việc đối xử với các tù nhân lương tâm như một món hàng trao đổi! Đó là việc rất dở và không thể chấp nhận được. Dẫu chỉ vì một việc là nếu coi đây là một phương pháp có hệ thống, thì điều đó chỉ làm chính phủ tăng cường bắt bớ - càng nhiều tù nhân, họ càng có nhiều quân át chủ bài trong tay.

*
Và rồi thì sao?
Lời khuyến cáo của tôi với cộng đồng quốc tế, mà tôi vẫn nói cả khi làm việc với các nhà ngoại giao phương Tây ở Hà nội, là điều mà tôi gọi là biện pháp "gây áp lực và kéo". Cần phải liên tục gây áp lực với Việt nam, liên tục nhắc nhở rằng họ đã ký kết các công ước quốc tế về việc bảo vệ nhân quyền và phải tuân thủ điều đó. Cần phải nói với họ "anh có nghĩa vụ này và này... chúng tôi sẽ thỏa thuận với các anh: chúng tôi giúp anh về thương mại, công nghệ vv... nếu như anh thực thi nghĩa vụ kia".
Đó vẫn là sự trao đổi một điều gì đó với một điều gì đó, nhưng trên bình diện của một sự thay đổi dần dần một lề lối, hoặc một điều luật, chứ không phải đổi chác lấy con người. Và cần không ngừng nhấn mạnh, rằng các bạn không phải là kẻ thù, mà ngược lại, các bạn là những người bạn - rằng các bạn chìa tay ra giúp đỡ - nhưng đồng thời các bạn cần tỏ rõ một cách cương quyết rằng bàn tay đang chìa ra giúp kia sẽ không được phép và sẽ không phải là cho không. Và trong việc này cần linh hoạt, cần biết ước đoán tình hình và thích nghi theo tình hình: lúc này thì cần gây áp lực nhiều trong hậu trường, lúc khác lại cần tiếng nói của truyền thông quốc tế, bởi vì đây cũng là những gì họ rất sợ.
Không thể đòi thay đổi ngay lập tức. Để sự thay đổi thật sự có hiệu lực, nó cần đến một cách từ từ, từng chút một.

Nguồn: irozhlas.cz







No comments:

Post a Comment