Thursday, October 26, 2017

HOA KỲ & TRUNG QUỐC : HAI CON ĐƯỜNG, HAI CHÍNH SÁCH (Việt Nguyên)




Việt Nguyên
October 26, 2017

Chuyến đi Á Châu của Tổng Thống Donald Trump vào đầu Tháng Mười Một đánh dấu một sự thay đổi lớn giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, so với chuyến thăm của Tổng Thống Richard Nixon đến Bắc Kinh mở đầu bang giao giữa hai nước 45 năm trước. Trung Quốc năm 2017 không còn là một nước Cộng Sản nghèo đói như thời Mao Trạch Đông năm 1972. Nhờ chính sách của Ngoại Trưởng Henry Kissinger nuôi “con rồng đỏ,” kinh tế và quyền lực Bắc Kinh lên hàng thứ nhì trên thế giới sau Hoa Kỳ. Ông Trump đến Bắc Kinh đối đầu với ông Tập Cận Bình trong một trật tự thế giới mới. Một Hoàng Đế Tập Cận Bình, tự tin với chương trình kinh tế đến năm 2050 sau đại hội đảng CSTQ lần thứ 19, đối đầu với tân Tổng Thống Donald Trump có khuynh hướng độc tài nhưng bị ngăn chận vì những cơ cấu của một nước dân chủ trên 200 năm.

Tự tin của ông Tập Cận Bình trái với những dự đoán của các học giả về Trung Quốc. Từ năm 2016 đến Tháng Tám năm nay, báo chí và chuyên gia về Trung Quốc liên tiếp đưa cảnh báo thị trường kinh tế theo mô hình “Tư bản với định hướng xã hội chủ nghĩa” như bong bóng sẽ vỡ. Các dự đoán về mô hình Trung Quốc đều chưa thấy đúng. Nixon, Kissinger, và các nhà tư bản Hoa Kỳ khi bắt đầu giao thương năm 1972 điển hình như hãng Coca Cola thời ấy tin rằng “nếu mỗi người dân Trung Quốc uống mỗi ngày một chai coke thì hơn 1 tỷ người dân nước này sẽ làm chế độ Cộng Sản biến mất.” Hơn 45 năm đảng CSTQ và chế độ độc tài vẫn còn. Năm 2007, ký giả James Mann đã chỉ trích chính quyền Hoa Kỳ trong cuốn sách “China Fantasy,” các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ đã cố tình tự ý ru ngủ để biện hộ cho chính sách ngoại giao và kinh tế với Trung Quốc. Theo ông Mann, Trung Quốc lợi dụng toàn cầu hóa (chính sách của Hoa Kỳ tin là kinh tế hoá dẫn đến dân chủ) để làm lợi cho chế độ độc tài nhưng sẽ không theo con đường tự do dưới sự lãnh đạo của Hoa Kỳ. Ông Mann tiên đoán, Trung Quốc vẫn sẽ giữ chính sách độc tài đảng trị và với sự thành công của mô hình Trung Quốc họ sẽ đỡ đầu và khuyến kích các chế độ độc tài hay cộng sản khác giữ vững chế độ không thay đổi theo lòng dân, dùng vũ lực để đàn áp như Trung Quốc đã làm ở quảng trường Thiên An Môn. Tiên đoán của James Mann khác với Michael Auslin, chuyên viên nghiên cứu viện Hoover, ông tiên đoán Thế Kỷ Á Châu chưa bắt đầu đã sụp vì những quốc gia dẫn đầu của Á Châu kể cả Trung Quốc không theo đường lối kinh tế thân thiện, cải tổ dân chủ. Auslin dựa trên nền tảng Washington tin rằng thị trường kinh tế tự do, tự do giao thương tự do mậu dịch và nền chính trị dân chủ cần thiết để kinh tế phát triển cũng như chế độ chính trị ổn định. Auslin dựa trên lý thuyết này để tiên đoán Trung Quốc sẽ sụp trước khi đối đầu với kẻ thù số một là Hoa Kỳ. Các vấn đề của Trung Quốc dưới mắt của Auslin không có gì mới: các công ty quốc doanh quá nhiều, chính sách không minh bạch, nợ khổng lồ của chính quyền (200% tổng sản lượng quốc gia), giá nhà thổi phồng như bong bóng và lệ thuộc vào xuất cảng.

Tiên đoán của James Mann đúng thời điểm đảng CSTQ họp lần thứ 19. Trung Quốc lợi dụng luật lệ ngay thẳng của thế giới tự do để trở thành quốc gia mậu dịch đứng đầu thế giới và quốc gia đứng hàng thứ nhì về kinh tế sau Hoa Kỳ. Chính sách chính hiện nay của ông Tập Cận Bình là “một vòng đai, một con đường” con đường lụa trên đất liền và con đường lụa trên biển. Năm 2013 đã có 64 quốc gia tham dự vào chính sách giao thương này. Trung Quốc xây hải cảng, đường xe hỏa, xa lộ, phi trường nối liền với Đông Nam Á, Trung Á, Trung Đông và Âu Châu. Xe hỏa đã chạy từ Bắc Kinh đến London. Chính sách của họ Tập giống như chính sách của đế quốc Anh và thế kỷ thứ 17, kinh tế, ngoại giao và chính trị đi liền nhau trong một âm mưu đế quốc Trung Quốc (danh từ Trung Quốc, nước ở giữa với chư hầu chung quanh, cái rốn của vũ trụ là giấc mơ ngàn năm của các hoàng đế Trung Hoa). Chính sách “một vòng đai một con đường” nếu thành công sẽ gây ảnh hưởng lớn đưa các nước trong vùng thành chư hầu của Trung Quốc trong đó có Việt Nam. Trong trung tuần Tháng Năm hội nghị “một vòng đai một con đường” đã có 29 lãnh tụ các quốc gia đến Bắc Kinh. Chương trình kinh tế bành trướng thế lực của Bắc Kinh khác với chương trình nhân đạo viện trợ hậu chiến Marshall của Hoa Kỳ. Bắc Kinh chỉ cho vay,  khi các nước mượn nợ không trả được nợ, ông chủ Bắc Kinh sẽ tịch thu các cơ sở của các nước này. Chính sách độc tài độc đảng của họ Tập tự hào cho đến năm 2050 nhờ sự hỗ trợ của quân đội hùng mạnh với ngân sách quốc phòng tăng theo tỷ lệ tổng sản lượng quốc gia từ $17 tỷ lên đến $152 tỷ, tăng 900%. Trung Quốc làm hàng không mẫu hạm, hỏa tiễn, tàu ngầm, chiến tranh mạng, có khả năng đối đầu với Hoa Kỳ ở Á Châu nhất là trên biển Nam Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Nhờ khả năng quân sự này mà ông Tập Cận Bình đã kiêu ngạo trả lời Ngoại Trưởng Hoa Kỳ Rex Tillerson: chúng tôi có quyền xây dựng căn cứ quân sự trên các đảo ở Biển Đông và Thái Bình Dương, các ông không có quyền can thiệp.”

Trung Quốc đã biết lợi dụng luật lệ của  WTO từ năm 2001, cũng như từ năm 2006 đã dùng những quy tắc không bị cấm của WTO, để gây khó khăn cho các công ty quốc tế muốn đầu tư ở Trung Quốc. Trong kỳ đại hội đảng, ông Tập Cận Bình hứa sẽ mở cửa cho các công ty ngoại quốc đầu tư nhưng người ta phải đợi đây có phải là thủ đoạn để mua chuộc các quốc gia chống lại chính sách cô lập quốc gia cực đoan của ông Trump hay không?

Trong khi họ Tập đi theo chính sách của đế quốc Anh từ kinh tế đến chính trị, quân sự từ biển lên đến đất liền thì ông khách đến Bắc Kinh, Tổng Thống Donald Trump, đi ngược đường. Với cách mạng chống Obama và các tổng thống tiền nhiệm như George W. Bush, ông Trump đơn độc đối đầu kẻ thù trong chính sách “Hoa Kỳ trên hết” không cần đồng minh ở Á Châu để cô lập Trung Quốc, ông Trump cũng đi khác với đề nghị của ông Henry Kissinger năm 2011: “Các quốc gia trong vùng Thái Bình Dương cùng với Hoa Kỳ và Trung Quốc hợp tác trong các phát triển hòa bình.”

Trung Quốc hiện nay phải đối phó với Hoa Kỳ và các đồng minh Nam Hàn, Nhật, Đài Loan, Việt Nam với hơn 60,000 quân Mỹ ở các căn cứ trong vùng Guam và Trân Châu Cảng. Hạm đội thứ bảy thường trực đi tuần và tuần thám trên Thái Bình Dương. Trung Quốc cũng phải đối diện với đồng minh Hoa Kỳ ở Afghanistan, Pakistan, Trung Á, Mông Cổ, và Ấn Độ.

Ông Trump xem Tổng Thống Ronald Reagan là thần tượng với bức ảnh Reagan ở Tòa Bạch Ốc nhưng ông giống ông Nixon hơn. Trong chiến tranh Việt Nam, Tổng Thống Nixon áp lực Việt Nam Cộng Hòa và Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu, có khi hăm dọa ám sát nếu không ký Hiệp Định Paris, cắt viện trợ trong khi VNCH phải đương đầu với quân Cộng Sản Việt Nam, Trung Quốc và Liên Xô. Tổng Thống Trump rút khỏi TTP, đặt câu hỏi về sự hợp tác của Nhật và Nam Hàn, hăm dọa không đi tuần trên Biển Đông theo chiến dịch FONOPS. Nam Hàn vừa phải đối đầu với Bắc Hàn vừa phải đối đầu với đồng minh Hoa Kỳ. Tổng Thống Trump qua Tweet khiến người ta nghĩ đến Nixon “Mad Man,” kẻ điên trong thời chiến tranh Việt Nam. Năm 1969, Tổng Thống Nixon sau 9 tháng làm tổng thống (giống Tổng Thống Trump năm nay) giận Bắc Việt không cộng tác hòa đàm, muốn rút khỏi chiến tranh Việt Nam, đã cho B52 chở bom nguyên tử từ tiểu bang California và Washington bay qua Liên Xô, hy vọng Liên Xô nghĩ là Hoa Kỳ sẽ bỏ bom nguyên tử và sẽ ép Bắc Việt ngưng chiến tranh. Ông Haldeman đồng thời lên tiếng “chúng tôi không thể ngăn được ông tổng thống của chúng tôi khi ông đã lên cơn điên.” Chiến thuật của Tổng Thống Trump với Bắc Hàn hiện nay giống như chiến thuật Nixon, hư hư thật thật, nửa tỉnh nửa điên!

Trong bài diễn văn nảy lửa của ông Trump ở Liên Hiệp Quốc hồi Tháng Chín, đằng sau những đe dọa đối với Bắc Hàn là những nhượng bộ với các nước độc tài như Trung Quốc, “tôn trọng văn hóa, chế độ chính trị, không nhằm thay đổi chính quyền, mỗi nước có một thể chế.” Ông Trump bỏ hẳn chính sách nhân quyền của các tổng thống tiền nhiệm, điều này giúp ông Tập Cận Bình tiếp tục chính sách đàn áp nhân quyền và tự do ngôn luận.

Chính sách kiểm duyệt ở Trung Quốc của ông Tập Cận Bình cũng giống như đốt sách của Tần Thủy Hoàng. Chính sách thành công ngăn chận tư tưởng tự do và tin tức trong và ngoài nước. Tây Tạng, Pháp Luân Công, thảm sát Thiên An Môn, biến mất trên mạng. Nhờ sức mạnh đồng tiền, chính quyền Trung Quốc không cho đăng các bài nhạy cảm với chế độ ngay cả báo đại học như tập san China Quarterly của đại học Cambridge. Giáo giới phản đối được tờ báo đảng Global Times dạy nếu muốn làm ăn ở nước này thì phải theo luật. Chính quyền Cộng Sản trước đó chỉ nhắm kiểm duyệt báo như New York Times, BBC, The Economist, Wall Street Journal. Báo trên mạng bị chận qua bức tường lửa, báo giấy bị xé hay không được lưu hành khi đăng bài chỉ trích đảng và Chủ Tịch Tập Cận Bình. Họ Tập nhận xét báo ngoại quốc không để ý đến chuyện kiểm duyệt như báo trong nước của người Hoa. Vì đồng tiền nên báo chí, đài truyền hình, phim ảnh ngoại quốc hay Facebook đều qùy gối trước chính quyền Bắc Kinh. Mới đây là công ty Apple. Chính sách của ông Tập Cận Bình là chận VPN (Virtual Private Networks) dùng để vượt bức tường lửa vào Tháng Hai, 2018, nhưng Tháng Chín Apple tự động bỏ VPN trong máy để vâng lời theo luật quốc gia địa phương trước khi luật được áp dụng! Một lý do của ông Tim Cook là số bán iPhones trên thị trường Trung Quốc bị giảm trong 18 tháng liên tiếp. Loại được VPN là một “đòn chí tử” cho sinh viên và các giới đấu tranh nhân quyền. Google rời bỏ thị trường Trung Quốc năm 2001, còn Facebook thua We Chat nên Zuckerber đang làm phần mềm kiểm duyệt để đi vào thị trường Trung Quốc! (Facebook đã làm điều này ở Thổ Nhĩ Kỹ và Pakistan). Mạng lưới toàn cầu là giấc mơ của những nhà tranh đấu nhân quyền nay không còn là vũ khí hữu hiệu vì chính sách của ông Tập Cận Bình và quyền lợi của tư bản. Cách mạng văn hóa đã đàn áp các thành phần chống đối chính quyền nay với ông Tập Cận Bình “đoàn quân 50 xu” gồm những “tên hề” (trolls) được chính quyền trả tiền để viết phê bình xuyên tạc hay đưa tin vịt trên mạng lưới nhắm vào những người yêu chuộng tự do dân chủ (được Cộng Sản gọi là “Đảng Mỹ ba xu”!). Các “dư luận viên” này thành công đưa những tin như ông Giang Trạch Dân bị bắt bị giết trong mấy năm qua, nay ông ngồi cạnh ông Tập Cận Bình trong đại hội đảng CSTQ thứ 19, trông trẻ ra với số tuổi 91(có lẽ nhờ mổ thay nội tạng của các tù nhân Pháp Luân Công!). Ngoài bọn dư luận viên còn có “Tiểu Hồng,” so với Hồng Vệ Binh ngày trước, là những bọn trẻ sinh trong thời kỳ kinh tế phát triển, tin tưởng tuyệt đối vào Trung Quốc siêu việt sẵn sàng bút chiến với bất cứ kẻ nào chỉ trích chế độ.

Tổng Thống Trump sẽ đến Việt Nam, một nước đi theo mô hình Trung Quốc. Hy vọng các tướng tá Mỹ đang phục vụ trong quân đội Hoa Kỳ sẽ có ảnh hưởng như các Tướng Mattis và Tướng Mc Master, không để Tổng Thống Trump tuyên bố Việt Nam thuộc Trung Quốc như hồi Tháng Tư ở Mar-a-Lago ông Trump đã học từ ông Tập Cận Bình tuyên bố Đại Hàn thuộc Trung Quốc. Một hy vọng  nữa là ông Trump, một người không phục vụ trong quân đội Hoa Kỳ thời chiến tranh Việt Nam, sẽ không bị ảnh hưởng Hà Nội để nói theo phim “Chiến Tranh Việt Nam” của Ken Burns và Lynn Novick xem Hồ Chí Minh và CSVN có chính nghĩa trong cuộc chiến tranh xâm lăng miền Nam Việt Nam. (Việt Nguyên)









No comments:

Post a Comment