Saturday, October 28, 2017

BÁO TIẾNG DÂN – BẢN TIN NGÀY 28/10/2017





Tin trong nước

Tin Biển Đông
Báo Tiền Phong có bài: Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân. Sáng hôm qua, tại Hà Nội, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển (CSB) Việt Nam tổ chức hội nghị trực tuyến về triển khai mô hình  “CSB đồng hành với ngư dân”. Nội dung chính của mô hình này là “tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho ngư dân và nhân dân trên các xã (huyện) đảo…”

Tưởng cảnh sát biển VN đồng hành bằng cách ra khơi, bảo vệ khi ngư dân bị “tàu lạ” tấn công, nhưng không phải, họ chỉ tuyên truyền về luật pháp, giúp “ngư dân không vi phạm vùng biển nước ngoài để khai thác hải sản; tuyên truyền chính sách của Đảng, Nhà nước để khuyến khích, động viên nhân dân ra biển đánh cá, ổn định sinh sống trên đảo“.

Để chống lại sự bành trướng của Trung Quốc, Nhật muốn cùng Mỹ, Ấn, Úc đối trọng “vành đai, con đường” TQ. VOA cho biết, Thủ tướng Shinzo Abe dự kiến sẽ đề xuất một cuộc đối thoại chiến lược với các nhà lãnh đạo của Hoa Kỳ, Ấn Độ và Australia, để “thúc đẩy tự do thương mại và hợp tác quốc phòng trên bộ lẫn trên biển ở Đông Nam Á, Nam Á và Trung Á, cũng như Trung Đông và Châu Phi”.


Quan hệ Việt – Mỹ
VOA đưa tin: Thượng viện chuẩn thuận ông Daniel Kritenbrink làm đại sứ Mỹ tại VN. Ông Daniel Kritenbrink, nhà ngoại giao cấp cao chuyên nghiệp, đã được Thượng viện Mỹ phê chuẩn làm đại sứ mới ở Việt Nam, thay ông Ted Osius.

Tháng trước, ông Kritenbrink nói rằng, các ưu tiên của ông khi đảm nhận vai trò đại sứ Hoa Kỳ ở Việt Nam là, “hợp tác an ninh hàng hải, tăng cường thương mại và đầu tư, thúc đẩy nhân quyền, xúc tiến ngoại giao nhân dân, hỗ trợ nhân đạo và khắc phục hậu quả chiến tranh“.

Tân Đại sứ Hoa Kỳ Daniel Kritenbrink. Ảnh: VOA

Cũng VOA, có bài: Đại sứ Mỹ Ted Osius thắp hương tại Nghĩa trang Biên Hòa. Hôm 24/10, Đại sứ Ted Osius và bà Mary Tarnowka, Tổng Lãnh sự Hoa Kỳ ở Sài Gòn, cùng các nhà ngoại giao Hoa Kỳ đã đến nghĩa trang Biên Hòa để thắp hương tưởng nhớ các tử sĩ Việt Nam Cộng Hòa.

Nhân dịp này, Bộ Ngoại giao Mỹ đã chấp nhận đề nghị của Sáng hội Việt Mỹ, một tổ chức phi chính phủ của Mỹ, giúp khảo sát, trùng tu nghĩa trang Biên Hòa và thống nhất sẽ đưa vấn đề này vào nội dung thảo luận chính thức giữa Hoa Kỳ và Việt Nam.


Nhân quyền ở Việt Nam
Tác giả Trung Nguyễn có bài viết trên Tiếng Dân: Hãy nói chính trị và hãy làm chính trị. Tác giả cho rằng, chính trị thật ra là những điều hết sức bình thường, là “nhu cầu quốc gia, là sự thiết yếu của đời sống”. Nó không hề ghê gớm như những gì mà hệ thống độc đảng này tuyền truyền lâu nay, làm người dân cảm thấy thờ ơ, sợ sệt. Điều quan trọng, là nền dân chủ phải được dựa trên nền tảng pháp luật chuẩn mực, mà bắt đầu từ bản hiến pháp do toàn dân lựa chọn. Đây là nhu cầu chính trị “bức bách” nhất của dân tộc Việt Nam hiện nay.

BBC đưa tin: Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam phản hồi vụ Mẹ Nấm. Về bức thư của bé Nấm, con gái cô Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (tức blogger Mẹ Nấm) gửi bà Melania Trump, Đệ nhất Phu nhân Mỹ, được Reuters đưa tin, hôm 27/10 cơ quan đại diện Ngoại giao của Mỹ tại Việt Nam nhắc lại quan điểm:

Hoa Kỳ kêu gọi Việt Nam thả Mẹ Nấm và tất cả các tù nhân lương tâm ngay lập tức và cho phép mọi cá nhân ở Việt Nam bày tỏ quan điểm của mình một cách tự do và ôn hòa mà không sợ bị trả thù. Hoa Kỳ đã nhiều lần kêu gọi các quan chức cao cấp của Việt Nam trả tự do cho bà Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, và thả tất cả các tù nhân lương tâm, trong thời gian trước chuyến thăm của Tổng thống (Hoa Kỳ) tới Việt Nam – bao gồm những ngày và tuần lễ gần đây“.

Thư của bé Nấm, con gái Blogger Nguyễn Ngọc Như Quỳnh. Ảnh: FB Nguyễn Tuyết Lan

Nhà hoạt động Paulus Lê Sơn có bài: Vì sao “Hội Cờ Đỏ” ngang nhiên phá phách tại Nghệ An? Trước thông tin 700 trăm hội viên “Hội Cờ Đỏ” sẽ tụ họp tại xã Sơn Hải, Quỳnh Lưu, Nghệ An vào Chủ Nhật 29/10 tới đây, LM Nguyễn Đình Thục đã có thư yêu cầu các cấp lãnh đạo của tỉnh Nghệ An trả lời về việc này.

Trong thư, LM Thục nêu: “Chúng tôi tự hỏi rằng, tại sao hội cờ đỏ lại tụ tập hội họp ngay sát cạnh giáo họ Văn Thai, gần kề nhà thờ Văn Thai mà không tổ chức nơi trụ sở UBND hay sân thể thao? Tại sao không tổ chức họp ban ngày mà lại là vào thời điểm cuối chiều và kết thúc vào lúc chập tối?
Phải chăng chính quyền xã Sơn Hải, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An đang phối hợp dàn dựng tổ chức khiêu khích, kích động bạo lực và lợi dụng màn đêm để thực hiện một cuộc đàn áp đẫm máu đối với bà con giáo họ Văn Thai nói riêng và giáo xứ Song Ngọc nói chung?”

Thư của LM Nguyễn Đình Thục. Ảnh FB Nguyễn Ngọc Nam Phong

Về Dự thảo luật An ninh mạng được Bộ Công an trình QH, nhà báo Huy Đức có bài: Luật An ninh mạng hay luật hạn chế quyền tự do ngôn luận? Tác giả viết: “Bộ Luật Hình Sự đã quy định rất nhiều tội danh bị ‘loài người tiến bộ’ coi là chống lại quyền tự do ngôn luận của người dân, đi ngược xu thế chung của nhân loại. Quốc hội cần tỉnh táo để thực sự thảo luận về những biện pháp cần thiết bảo vệ đất nước trước những cuộc tấn công có thật từ trên mạng. Đừng lặp lại những điều mà các đạo luật khác đã làm và đừng vô tình tiếp tay cho việc chống lại tiếng nói của người dân muốn xây dựng đất nước bằng cách nói ra những điều tâm huyết nhất“.

RFA đưa tin: Giáo sư Phạm Minh Hoàng được đề cử giải Tự do Báo chí quốc tế. Tổ chức Phóng viên Không Biên Giới RSF loan tin hôm 27 tháng 10, “ông Phạm Minh Hoàng, hiện đang sống lưu vong ở Pháp, là một trong 18 cá nhân là nhà báo và cơ quan truyền thông trong danh sách đề cử cho giải thưởng Tự do Báo chí năm 2017”.


Cải cách thể chế: Mô hình nào cho Việt Nam?
Trả lời câu hỏi của BBC về việc cải cách thể chế mà Việt Nam đã hô hào qua 30 – 40 năm rồi và không biết đến hết thế kỷ này có xảy ra hay không? TS Lê Hồng Hiệp cho rằng: Đã đụng đến thể chế là đụng đến vai trò lãnh đạo của đảng CSVN, kết quả có hai khả năng. Một là nâng cao vai trò của đảng, hai là làm suy yếu bộ máy và dẫn tới sụp đổ. Trước thực tế đang “sụp” dần, đảng CSVN không còn sự lựa chọn nào khác ngoài việc cải cách. Tuy nhiên, tốc độ cải cách sẽ không như kỳ vọng của nhiều người, mà xác định sẽ vẫn như … sên bò, như đã thấy bấy lâu nay. Mời xem clip của BBC phỏng vấn TS Lê Hồng Hiệp: https://www.facebook.com/BBCVietnamese/videos/1827429160603151/

Nhà nghiên cứu Trương Nhân Tuấn có bài: Mô hình quốc gia liên bang: một quốc gia hai chế độ. Tác giả đưa ra giải pháp phân chia Việt Nam thành hai miền Nam và Bắc, hai miền hai chế độ. “Quốc gia Việt Nam trở thành Cộng hòa liên bang Việt Nam với hai tiểu bang Nam Việt và Bắc Việt… Lãnh đạo miền nào sẽ do dân miền đó bầu lên. Tổng thống (hay chủ tịch) liên bang sẽ luân phiên, theo nhiệm kỳ định trước. Điều này xảy ra, có lợi là toàn dân VN. Tất cả các “vấn nạn khó khăn” đều được đơn giản hóa. Phía bất lợi là đảng CSVN“.

Trước tình hình bộ máy của của hệ thống chính trị “cồng kềnh, nhiều tầng nấc, nhiều đầu mối; hiệu lực, hiệu quả hoạt động chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy,… còn chồng chéo, trùng lắp“, Tổng Bí thư Nguyễn Phú trọng đã ban hành Nghị quyết số 18, nhằm thí điểm mô hình tổ chức bộ máy mới và kiêm nhiệm một số chức danh để tinh gọn đầu mối.

Giải pháp mà ông Trọng đặt ra vẫn phải là: “Đảng thống nhất lãnh đạo xây dựng và quản lý tổ chức bộ máy, biên chế của toàn hệ thống chính trị, ở Trung ương trực tiếp là Bộ Chính trị, ở địa phương trực tiếp là ban thường vụ cấp uỷ cấp tỉnh”. Đọc toàn văn nghị quyết có thể thấy, ông Trọng cũng muốn “học tập và làm theo…” tư tưởng của Tập Cận Bình, muốn nhất thể hóa chức danh Tổng Bí thư với Chủ tịch nước, bởi với mô hình hiện nay, chẳng còn tiền để trả lương cho hệ thống vừa đảng, vừa nhà nước, vừa tốn kém, lại không hiệu quả.

Cựu ĐBQH Nguyễn Sĩ Dũng có bài: Tinh giản bộ máy. Theo tác giả, trước áp lực từ chính bộ máy cồng kềnh, tốn kém và áp lực của người dân, Chính phủ sẽ buộc phải “tinh giản” bộ máy. Giải pháp được ông Dũng đưa ra là “Khoán lương, bảo đảm cạnh tranh về hiệu quả công việc giữa các bộ, các địa phương…” và “Tinh giản phải là sự chuyển đổi theo hướng tạo điều kiện cho họ phát huy đúng năng lực và sở trường của mình. Ngoài ra, cũng phải tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân, cho xã hội dân sự phát triển để cơ hội được mở ra nhiều hơn cho tất cả mọi người“.

Tác giả Nguyễn Quang Dy có bài: Chiếc xe ngựa và đoàn tàu siêu tốc. “Ngày xưa, các chàng cao bồi Mỹ ở ‘Miền Tây Hoang dã’ có thể cưỡi ngựa đuổi theo các đoàn tàu hơi nước (thế hệ 1.0) vì tốc độ ngang ngửa. Ngày nay, nếu giới nghiên cứu và quản trị điều hành định dùng xe ngựa truyền thống đuổi theo đoàn tàu siêu tốc (thế hệ 3.0) để kiểm soát nó thì thật khôi hài. Nếu định bắt tàu siêu tốc chạy chậm lại như bắt thế giới mạng phải ngoan ngoãn theo ‘đúng quy trình’, cũng thật hoang tưởng. Nếu định đón đầu chờ tại các ga xép để phạt đoàn tầu siêu tốc thì càng hồ đồ, vì nó không dừng tại các ga xép“.


Đừng hô hào suông, hãy hành động!
Facebooker Nguyễn Ngọc Chu có bài: Bao giờ thì dân có quyền đuổi Chính phủ như lời bác Hồ dạy? Theo tác giả, việc Quốc hội VN miễn nhiệm và điều động nhân sự theo chủ trương của đảng đối với các ông Trương Quang Nghĩa, Nguyễn Văn Thể, Phan Văn Sáu, Lê Minh Khái… cho thấy: “Điều chỉ có ở Việt Nam hiện nay là, nếu có chức ủy viên trung ương đảng thì được điều động làm bộ trưởng hoặc làm bí thư tỉnh ủy. Để thấy ở Việt Nam, không cần trình độ đích thực để đảm nhận được chức vụ bộ trưởng mà chỉ cần có chức ủy viên trung ương đảng. Cho nên chất lượng bộ trưởng Việt Nam vô cùng thấp kém“.

Cũng theo tác giả, trong khi “Chính phủ đã làm mất hàng trăm ngàn tỷ đồng của dân, môi trường sống đang bị hủy hoại, tài nguyên bị cạn kiệt“, nhưng lại luôn miệng hô hào “học tập và làm theo…” nhưng chẳng ai học tập lời ông Hồ, đã từng dạy: “Nhân dân có quyền đôn đốc và phê bình Chính phủ. Nếu Chính phủ làm hại dân thì dân có quyền đuổi Chính phủ…”. Và các vị nên nhớ: “Bác Hồ không di chúc xây dựng Chủ Nghĩa Xã Hội. Bác di chúc ‘xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh’.”

Đề án xây dựng đặc khu
Báo Thanh Niên có bài: Đặc khu phải giúp đột phá kinh tế: ‘Lò ấp’ mô hình thể chế mới. Chưa biết khi nào Bộ chính trị mới chịu thông qua, mà đề án do Bộ KH&ĐT đã vẽ ra viễn cảnh “tới năm 2030, cả 3 đặc khu sẽ vượt ngưỡng thu nhập trung bình của người dân từ 12.000 – 13.000 USD/người/năm“. Còn ông Võ Chí Hảo, Phó khoa Luật, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM thì mơ: “Đặc khu kinh tế nếu hoạt động thành công có thể nhân rộng trên cả nước, bỏ chính quyền cấp xã và huyện, làm tinh gọn bộ máy quản lý nhà nước“.

TBKTSG đặt câu hỏi: Có nên kỳ vọng quá nhiều vào các đặc khu? Và câu trả lời là: “Trên thực tế, nhiều đặc khu kinh tế đã gánh lấy những thất bại nặng nề. Tờ Economist chỉ ra số phận các đặc khu kinh tế thường rơi vào 3 nhóm chính: một số ít thành công rực rỡ, điển hình là Thâm Quyến; một số lớn hơn đạt được kết quả tích cực nhưng không đáng kể so với chi phí bỏ ra; và một danh sách dài còn lại là thất bại, hoặc chưa từng vận hành“.


Vụ biệt phủ Yên Bái
Báo VOV có bài: Kỷ luật cảnh cáo ông Phạm Sỹ Quý, cho thôi chức Giám đốc Sở TNMT Yên Bái. Hôm 26/10 , tỉnh Yên Bái đã tiến hành “kỷ luật” bằng hình thức “cảnh cáo về mặt Đảng” đối với ông Phạm Sỹ Quý – Giám đốc Sở TN&MT Yên Bái. Ông Quý cũng bị cho thôi chức Giám đốc Sở TN&MT tỉnh này. Nhưng ông Quý không mất ghế, mà chỉ đổi ghế, khi ông được điều động qua làm Phó Văn phòng HĐND tỉnh.

Bên cạnh việc kỷ luật ông Quý, tỉnh Yên Bái cũng tiến hành kỷ luật “khiển trách” về mặt Đảng và chính quyền đối với ông Trần Xuân Thủy, Chủ tịch UBND TP Yên Bái và ông Nguyễn Yên Hiền, Phó Chủ tịch UBND TP Yên Bái.


Và những biệt phủ của các quan chức khác
Báo Pháp luật Plus có bài: Vợ ông Nguyễn Phước Thanh: “Con gái tôi làm gì có tiền mua, của vợ chồng tôi cho nó”. Bà Nguyễn Thị Ngọc Phượng, vợ ông Nguyễn Phước Thanh, cựu Phó Thống đốc NHNN khẳng định: “Con gái tôi, nó còn đang là sinh viên thì làm sao có đủ tiền mà mua. Của vợ chồng tôi mua và để lại cho nó làm của hồi môn sau này”.

Truyền hình Pháp luật VN có clip “Điểm danh các biệt thự lộng lẫy của quan chức”: https://www.youtube.com/watch?v=uaJKJ31gLpY


Chợ chưa họp, kẻ cắp đã đến
Báo Tiền Phong có bài: Thượng tướng Lê Chiêm: ‘Cán bộ ta mua hết đất Long Thành rồi’. Tại buổi báo cáo về Dự án sân bay quốc tế Long Thành, Thượng tướng Lê Chiêm cho biết: “TPHCM đổ về Đồng Nai mua đất, đăng ký hết rồi. Người dân ở Long Thành không ở được mà lên Đắk Lắc, Lâm Đồng ở để phát triển kinh tế. Còn đất ở Long Thành họ bán, cán bộ ta mua hết rồi”.

Toàn cán bộ “ta” cả thôi, chứ dân nào có tiền mà mua. Và không chỉ cán bộ trong Nam đâu, cán bộ Nguyễn Xuân Quang tận ngoài Bắc cũng ôm tiền mặt vô Long Thành để mua đây này.

TS Nguyễn Quang A hiến kế: “Dễ thôi ông Chiêm: Ông thừa nhận toàn cán bộ các ông mua đất Long Thành để trục lợi; liệu QH các vị có dám đưa ra quyết định: cán bộ, người nhà cán bộ và người mua đất từ, thí dụ 2010 trở lại đây (những người không ngụ cư tại đó = bọn đầu cơ) khi đền bù chỉ trả 1/10 giá đền bù cho người dân vốn ở đó trên 20 năm, tức giá thị trường. Ra quyết định ấy đi giá thị trường sẽ xuống, chi phí giải tỏa sẽ giảm! Vấn đề là các vị có dám làm thế không?

Nhà báo Nguyễn Thông viết: “Việc bàn giao sân gôn cho sân bay Tân Sơn Nhất cứ bị dây dưa trùng trình, lâu nay dư luận chỉ quy cho bọn nhà binh, thực ra không hẳn. Có những bọn đông hơn, to hơn, quyền lực hơn cố ý làm vậy, đơn giản là nếu sân gôn sớm nhập về lại sân bay, tình hình được cải thiện, công suất chuyên chở tăng gấp nhiều lần, đáp ứng lâu dài việc phát triển hàng không thì mọi người sẽ thấy không cần sân bay Long Thành nữa, hóa ra bao nhiêu ý đồ kiếm chác từ dự án Long Thành xôi hỏng bỏng không à. Vậy nên trả sân gôn cũng chẳng ngại gì, nhưng cứ xong Long Thành đã, lúc ấy chúng tao nặng túi rồi, dân đen chúng bay đòi gì tao cũng chiều”.


Sự kiện Khaisilk
Báo Thanh Niên đưa tin: Bộ trưởng Công thương: ‘Khaisilk có dấu hiệu vi phạm luật pháp lẫn đạo đức doanh nghiệp’. Vụ Khaisilk bán hàng Trung Quốc, dán mác Việt Nam, Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh cho rằng, “doanh nghiệp có hành vi lừa dối người tiêu dùng một cách là sử dụng hàng hóa có xuất xứ không đúng với thông tin về sản phẩm, thương hiệu sản phẩm thì đó là hành vi vi phạm pháp luật và cũng là làm tổn hại đến lòng tin, lợi ích của người tiêu dùng và cũng là tổn hại trực tiếp đến giá trị thương hiệu Việt, có doanh nghiệp. Nhưng quan trọng hơn nó làm tổn thương đến tình cảm, lòng tự tôn dân tộc của người VN chúng ta“.

Trang Người Đưa Tin có bài: Gần 3 thập kỷ Khaisilk “treo lụa ta bán lụa tàu”: Có hay không việc “bảo kê”? Ông Phạm Ngọc Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam, nêu nghi vấn: “Với một lực lượng hùng hậu của cơ quan chức năng gồm các đơn vị quản lý thị trường, cảnh sát kinh tế… mà một cửa hàng lớn ở ngay trung tâm Thủ đô có hành vi bán hàng giả, hàng nhái trong suốt gần 30 năm qua mà không thể kiểm soát, phát hiện thì đây là trách nhiệm của quản lý thị trường và cơ quan chức năng TP.Hà Nội. Cần làm rõ trong sự việc này liệu rằng có hiện tượng bảo kê của cơ quan chức năng hay không?

Báo Người Lao Động có bài: Khaisilk: Mua danh 3 vạn. “Không biết Khaisilk đã bán sản phẩm ‘Made in China’ từ khi nào và thu được bao nhiêu? Nhưng dù thu được bao nhiêu cũng đều nhỏ bé so với cái danh, giá trị của thương hiệu Khaisilk. ‘Một lần thất tín, vạn lần bất tin’ nên không dễ để Khaisilk lấy lại uy tín của mình. Càng khó, càng đòi hỏi Khaisilk phải nỗ lực gấp bội. Mua danh luôn rất đắt“.

Báo Người Lao Động có đồ họa: http://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2017/12/H1-16.jpg
Inographic: báo NLĐ

Báo Người Lao Động: NÓI THẲNG: Ai cứu Khaisilk? “Khaisilk bán hàng lừa đảo nhưng ông chủ lại lên báo bảo rằng ‘không muốn khách hàng nghĩ đã bị Khaisilk lừa’. Không gọi là chụp giựt, là gian dối, là lừa đảo thì gọi là gì, thưa “Hoàng tử”? Lòng tin của người tiêu dùng đã bị phản bội. Lòng tự hào dân tộc đã bị bôi nhọ. Mất mát này là quá lớn, biết bao giờ khách hàng mới nguôi ngoai và dung thứ!


Vụ CSCĐ “lên gối” vào học sinh
Báo PLTP có bài: Đình chỉ CSCĐ liên quan đến clip lên gối học sinh. Đánh người dã man được dân ghi hình rõ như ban ngày, thế nhưng Công an TP.HCM chỉ vừa “tạm đình chỉ” một cảnh sát cơ động (CSCĐ) vì hành vi “phản cảm chốn công cộng”. Lần này cũng không thể thiếu câu nghe đã nhàm chán: “Quan điểm của chúng tôi cũng như ban giám đốc là sai đến đâu xử lý đến đó, không bao che và dung túng”.

Mặc dù Công an TP.HCM không tiết lộ danh tính CSCĐ này, nhưng dân mạng thì cho biết, đó là ông Huỳnh Công Danh, số hiệu 297-064.

Viên CSCĐ được cho là “lên gối” vào học sinh. Ảnh: FB Huỳnh Bá Phương

A đây rồi, báo Tiền Phong cho biết: Lộ danh tính cảnh sát cơ động ‘lên gối’ thiếu niên giữa đường. Được biết hôm xảy ra sự việc CSCĐ đánh học sinh, Tổ CSCĐ có 6 người, trong đó có thiếu úy Trần Phúc (tổ trưởng), thượng sĩ Huỳnh Công Danh (tổ phó), hạ sĩ Nguyễn Thành Trung. Chính hạ sĩ Nguyễn Thành Trung là người được giải thích do “thiếu kiềm chế, đã thúc gối vào trước ngực nam thiếu niên“.

Trọng lúc học sinh của mình bị đánh dã man bởi những kẻ thi hành luật pháp, nhà trường chẳng những không lên tiếng, mà hiệu trưởng trường THPT Võ Thị Sáu còn nói rằng, sẽ xem xét hình thức kỷ luật nam sinh bị CSCĐ thúc gối ở Sài Gòn. Cho dù học sinh này sai vì đi xe phân khối lớn đi nữa, nhưng những kẻ thi hành luật pháp như những tay CSCĐ kia không có quyền hành xử như côn đồ, đánh dân, khi trong tay họ không có gì để tự vệ.

Theo Facebooker Xì trum 8, tại tại bệnh viện, người nhà em học sinh bị đánh đang rất phẫn nộ với viên CSCĐ. Mời xem clip của Xì trum 8:

Báo VTC có bài: Cảnh sát cơ động ‘lên gối’ với học sinh ở TP.HCM: Nhân chứng lên tiếng. Một người dân cho biết: “Khi một cảnh sát cơ động lao vào dùng đầu gối thúc túi bụi vào nam học sinh, nhiều người dân xung quanh đã gào thét lên ‘cảnh sát cơ động sao đánh học sinh, không được đánh học sinh’ thì người này mới chịu dừng lại. Một số người cũng đã gọi điện cho Công an phường 12 tới xử lý. Lúc đó, nam học sinh bị hộc máu mồm, cô gái bị thương nhẹ nên người dân bắt taxi đưa 2 người đi cấp cứu. Nếu lúc đó không có người dân can thiệp nam học sinh sẽ còn bị đánh nhiều, thương nặng nữa”.


Cũng liên quan tới CSGT, Công an TP Huế đã tạm đình chỉ 2 tổ cảnh sát giao thông có hành vi “mờ ám”, VOA đưa tin. “Ban Giám đốc Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế đã chỉ đạo Phòng Tổ chức cán bộ, Công an tỉnh và Công an TP. Huế vào cuộc kiểm tra, làm rõ về ‘Quy trình kiểm tra của các tổ cảnh sát giao thông Công an TP.Huế’ mà báo chí đã phản ánh có dấu hiệu ‘mờ ám’.”

Tin công an, RFA đưa tin: Việt Nam kêu gọi Hàn Quốc giúp huấn luyện công an. Nhằm giúp nâng cao năng lực chuyên môn cho lực lượng công an Hà Nội, hôm 26/10, khi gặp Trưởng Cơ quan Cảnh sát Quốc gia Nam Hàn, Thủ tướng Việt Nam, ông Nguyễn Xuân Phúc, kêu gọi Cơ quan Cảnh sát Quốc gia Nam Hàn (KNPA) tăng cường hợp tác đào tạo công an.

Khóc cho thân phận giáo viên
Báo PLTP có bài: Cô giáo về hưu lương 1,3 triệu đồng/tháng, khóc nức nở. Đó là cô giáo Trương Thị Lan với 37 năm cống hiến, khi nghỉ hưu chỉ được 1,3 triệu đồng/tháng: “Tôi làm sao nuôi được cả gia đình đây“. Đúng là, “với số tiiền này thì cô Lan chỉ mua muối về ăn là đủ“.

Một độc giả cũng cho biết: “Mẹ em cũng giống với cô Lan. Em thực sự không hiểu được chính sách của nhà nước. Mẹ em đi làm hơn 30 năm mới được vào biên chế. Vào biên chế được vài năm thì lại đến tuổi về hưu và kết quả là tiền lương hưu hàng tháng chỉ được 1,3 triệu. Với số tiền đấy mẹ còn không đủ tiền mua thuốc thang hàng tháng. Cả cuộc đời mẹ đã cống hiến hết mình cho công việc nhưng mà đến cuối cùng thì…“.

Ông Hoàng Văn Minh, Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Hà Tĩnh, cho biết: trường hợp về hưu lương như cô Lan trên địa bàn Hà Tĩnh cũng có nhiều người, nhiều nhất là giáo viên mầm non.

Quyết định nghỉ hưu của cô Trương Thị Lan. Ảnh: Báo PLTP

Gần 500 học sinh bị ngộ độc sữa
Báo Tuổi Trẻ có bài: Gần 500 học sinh nhập viện do ngộ độc sữa. Đó là các em học sinh Trường tiểu học Lái Hiếu, phường Lái Hiếu và Trường tiểu học Nguyễn Hiền, phường Hiệp Thành, thị xã Ngã Bảy, Hậu Giang, đã bị đau bụng, nôn ói, chóng mặt và tiêu chảy… sau khi uống sữa Milo của hãng Nestle ở trường. Các em đã được đưa đến trung tâm y tế của thị xã chữa trị, một số em bị nhẹ thì được thầy cô giáo theo dõi tại lớp.

Được biết, các em học sinh tại đây được uống sữa theo chương trình “Giáo dục dinh dưỡng học đường – Nestle Healthy Kids”. Chương trình này được thực hiện liên tục 5 năm qua tại các trường tiểu học trên địa bàn tỉnh Hậu Giang. Mời đọc thêm: Hơn 100 học sinh ngộ độc phải nhập viện sau khi uống sữa (TP).

Tiến sĩ ở đâu nhiều nhất?
Báo VietNamNet có bài: Bộ nào có nhiều tiến sĩ nhất? Theo thống kê, tính đến tháng 6/2016, công chức Bộ TN&MT có nhiều tiến sĩ nhất trong số 16 bộ và 4 cơ quan ngang bộ, với 126 cán bộ, công chức có bằng tiến sĩ. Kế đến là Bộ GD&ĐT, với 105 người có bằng tiến sĩ. Mời xem ảnh, 10 cơ quan chính phủ và 10 địa phương có nhiều tiến sĩ nhất:

Nguồn: VNN

Còn về viên chức, trong tổng số viên chức tại 27 cơ quan hành chính nhà nước, Bộ Giáo dục Đào tạo là cơ quan có nhiều tiến sĩ nhất với 6.230 người. Kế đến là Bộ Y tế với 2.229 người có bằng tiến sĩ.

10 bộ có viên chức là tiến sĩ nhiều nhất. Ảnh: VNN

Môi trường sống ở Ninh Thuận
Báo Dân Trí đưa tin: Bình Thuận: Cây chết, nước “biến chất” vì nhà máy nhiệt điện. Về tình trạng cây trồng bị chết, nước giếng nhiễm mặn, đất bị ngập úng tại khu vực xung quanh bãi xỉ khu vực Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân, ở xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, Bình Thuận, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Thuận công bố nguyên nhân, do quá trình thi công các dự án tại Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân. “Kết quả phân tích các mẫu cho thấy hàm lượng Clorua trong nước ngầm của 3/4 hộ dân vượt từ 1,2 lần đến 1,8 lần; hàm lượng Clorua trong 4/5 hồ nước để phục vụ nhu cầu tưới tro, xỉ vượt từ 1,05 lần đến 1,8 lần, đất bị mặn“.

RFA có bài: Dân làng Thái An vẫn lo về dự án nhà máy điện. Người dân làng Thái An, xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận, lo ngại về dự án nhà máy điện hạt nhân ở Ninh Thuận. Bà Võ Thị Quý, cư dân Thái An, chia sẻ: “Không hợp lý theo giá đền bù, nếu di dân đi thì ở đây khổ rất nhiều, vì ở đây nhờ nghề biển, nghề rừng, trái cây ở trên rừng… Mà nếu di dời ví dụ như người ta cầm một cục tiền rồi ăn thì hai năm, ba năm cũng hết, không còn gì để làm ăn, khổ, nên không đi là người dân ở đây mừng, phấn khởi làm ăn”.

Quan tham ở Đắc Nông
Báo Người Lao Động đưa tin: Chiếm đoạt cả bồn nước của người nghèo! Chuyện xảy ra ở thị trấn Đắk Mâm, huyện Krông Nô, nằm trong tỉnh Đăk Nông. Các quan chức đứng đầu thị trấn Đắk Mâm và Ông Đinh Văn Phong, Phó chủ tịch UBND đã tham nhũng, ăn chặn của dân, trong đó, “cá nhân ông Phong thiếu gương mẫu chiếm đoạt 1 bồn chứa nước của chương trình cấp phát bồn chứa nước cho hộ nghèo, lợi dụng việc cấp đất để vòi vĩnh chiếm đoạt tiền của nhân dân“.

Người Việt ở Campuchia
Về pháp lệnh tước quyền công dân của gần 70.000 người Campuchia gốc Việt, BBC có bài: Vẫn lo về giấy cư trú người Việt ở Campuchia. Bà Lyma Nguyễn, một luật sư nhân quyền làm việc tại Tòa án Khmer Đỏ, đã từng hỗ trợ cộng đồng người Việt từ 2008 đến nay cho biết, “pháp lệnh này quá mơ hồ và không rõ ràng về việc nhóm người nào bị ảnh hưởng”.

Chống ung thư vú kiểu mới?
Quảng bá chống ung thư ngực bằng cách: Quán cà phê Việt Nam miễn phí cho khách hàng nữ không mặc áo ngực. VOA cho biết: “Chủ quán MIB (Monkey in Black), anh Trần Thanh Tùng, nói rằng đây là chương trình hưởng ứng cho phong trào ‘Ngày không áo ngực’ ở Anh nhằm nâng cao ý thức của nữ giới trong việc khám bệnh phòng ngừa ung thư vú”.

Tuy nhiên trên bình diện văn hóa Việt Nam thì lại có vấn đề. Chuyên gia Lê Khanh cho rằng: “Đó là thành công về mặt kinh doanh, nhưng lại góp phần vào việc làm cho ý thức giá trị bản thân đi xuống. Hiện nay, nguy cơ của giới trẻ Việt Nam là ý thức giá trị bản thân. Họ a dua, theo phong trào, ‘ai sao tôi vậy’, không cần biết đến hậu quả ảnh hưởng tới tính cách con người”.

Tin quốc tế

Tin nước Mỹ
VOA có bài: Twitter cấm quảng cáo của RT, Sputnik vì can thiệp bầu cử Mỹ. Hôm thứ Năm, Twitter cáo buộc hai hãng truyền thông của Nga là Russia Today (RT) và Sputnik đã can thiệp vào cuộc bầu cử năm 2016 ở Mỹ và cấm họ mua các quảng cáo trên Twitter. Công ty Twitter nói trong một thông cáo: “Chúng tôi không đi đến quyết định này một cách hời hợt, và đang thực hiện bước này như là một phần trong cam kết liên tục của chúng tôi giúp bảo vệ sự toàn vẹn của trải nghiệm người dùng trên Twitter”.

RFI đưa tin: Vụ ám sát Kennedy: Những tài liệu nhậy cảm nhất vẫn chưa được công bố“Nhà Trắng chiều qua (26/10) đã thông báo, thể theo yêu cầu của FBI và CIA, chỉ có thể giải mật 2.800 tài liệu liên quan đến vụ tổng thống John F. Kennedy bị ám sát”. Mời đọc thêm: Hồ sơ JFK: KGB, Johnson và Ngô Đình Diệm (BBC). – Mỹ: Vụ ám sát Kennedy vĩnh viễn trong vòng bí mật? (RFI).

Về vụ quan chức ngoại giao Mỹ bị tấn công “thính giác” ở Cuba : Mỹ cản trở điều tra vụ tấn công “thính giác” giới ngoại giao. RFI cho biết, “Cuba tố cáo Hoa Kỳ đã cản trở cuộc điều tra của phía Cuba liên quan đến vụ gọi là ‘tấn công thính giác’ vào các nhà ngoại giao Mỹ làm việc tại đảo quốc. Washington đã không để các nhà điều tra Cuba tiếp cận với ‘nạn nhân’ cũng như xem toàn bộ hồ sơ y tế của những người này”.

Khủng hoảng Bắc Hàn
RFI có bài phân tích về một cuộc chiến tranh Triều Tiên thứ II sẽ gây ra tử vong khủng khiếp! Theo viện Nghiên Cứu Nautilus ở California, “chiến thuật của Bắc Triều Tiên là giết hàng chục ngàn người, bắt đầu một cuộc chiến dài hơi, gây nên những thiệt hại to lớn trước khi chế độ bị đánh gục. 65.000 người dân Seoul sẽ chết trong ngày đầu tiên của cuộc chiến tranh thông thường, hầu hết trong ba giờ đầu. Trong vòng một tuần sẽ có 80.000 người chết”.

RFI có bài: Hạt nhân Bắc Triều Tiên: Mỹ đe dọa, Hàn Quốc trả tiền. Bài viết trích quan điểm của trang Sputnik tiếng Pháp của Nga: “Theo tính toán của Viện Nghiên cứu Hòa Bình Quốc Tế tại Stockholm (SIPRI), Hàn Quốc nằm trong danh sách 10 quốc gia hàng đầu có ngân sách quân sự lớn nhất thế giới năm 2016 với 36,8 tỉ đô la”.

VOA đưa tin: Mỹ chế tài Triều Tiên vì vi phạm nhân quyền. Bộ trưởng Tài chính Mỹ, Steven Mnuchin, cho biết: “Các biện pháp chế tài hôm nay nhắm vào các quan chức của chế độ và của quân đội Triều Tiên tham gia trong những vụ vi phạm nhân quyền trắng trợn. Chúng tôi cũng đang nhắm mục tiêu vào những đối tượng tiếp tay tài chính của Triều Tiên tìm cách giữ cho chế độ này tồn tại nhờ ngoại tệ thu được từ những hoạt động lao động cưỡng bức”.

VOA có bài: Mattis: chính sách Mỹ bảo vệ Hàn Quốc không thay đổi. Phát biểu với binh sĩ Hoa Kỳ và Hàn Quốc hôm 27/10 tại làng đình chiến Panmunjom, giữa hai miền bán đảo Triều Tiên, ông Mattis nói: “Chúng tôi đang làm mọi điều có thể để giải quyết vấn đề này theo đường ngoại giao. Điều quan trọng là các nhà ngoại giao của chúng ta phải được hậu thuẫn bởi các chiến sĩ, thủy thủ, phi công và thủy quân lục chiến, để họ nói trên thế mạnh, có sức mạnh tổng hợp, sức mạnh của liên minh, vai kề vai”.


Thảm họa nhân đạo Rohingya
VOA đưa tin: Hoa Kỳ kêu gọi chấm dứt bạo lực ở Myanma. Trong một cuộc điện đàm hôm 26/10 với Thượng tướng Min Aung Hlaing, Tổng Tư lệnh Lực lượng Vũ trang Myanmar, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Rex Tillerson “thúc giục các lực lượng an ninh của Myanmar ủng hộ chính phủ chấm dứt bạo lực và cho phép những người phải di tản do cuộc khủng hoảng được trở về nhà an toàn, phù hợp với Tuyên bố Chung với Bangladesh 1992 và không có thêm điều kiện gì”. Mỹ: Quân Đội Miến Điện phải chấm dứt bạo hành người Rohingya (RFI).

RFA có bài: Myanmar đồng ý để LHQ tái cung cấp thực phẩm cho người Rohingya. Dẫn nguồn từ Chương trình Lương thực Thế giới (WFP), cho biết hôm 27/10: “Chính quyền Myanmar đồng ý cho phép Liên Hiệp Quốc tiếp tục công tác chuyển lương thực tới phía bắc bang Rakhine giúp cho người dân bị tác động tại khu vực đó”.

RFA đưa tin: Myanmar kết án hai mục sư Tin Lành. Tòa án ở Myanmar ngày 27/10 “kết án hai mục sư Tin Lành người sắc tộc Kachin với cáo buộc ủng hộ bạo loạn và phỉ báng quân đội”. Tin cũng cho biết, Mục sư Dumdaw Nawng Lat, 65 tuổi, và Langjaw Gam Seng, 35 tuổi, “đã giúp các nhà báo đưa tin về hậu quả của cuộc tấn công quân sự của quân đội chính phủ với lực lượng Liên minh Kachin cùng ba nhóm du kích sắc tộc khác tại thị trấn Mongko”.

Các tin châu Á khác
Trả lời đe dọa áp đặt giới hạn đi lại của một số thượng nghị sĩ Mỹ, Cam Bốt: Thủ tướng Hun Sen tuyên bố không sợ trừng phạt của Mỹ. RFI cho biết: “Phát biểu trước hội đồng bộ trưởng vào ngày 27/10/2017, thủ tướng Cam Bốt tuyên bố không sợ trừng phạt của phương Tây”. Ông Hun Sen nói không sợ lệnh cấm vận của Phương Tây (RFA).

Báo Người Việt đưa tin: Tổng thống Philippines lập thêm 10 tiểu đoàn dẹp phiến loạn“Tổng Thống Philippines Rodrigo Duterte hôm Thứ Năm ra lệnh cho quân đội phải tuyển mộ và huấn luyện thêm 10 tiểu đoàn bộ binh mới nhằm tiêu diệt thành phần phiến quân thân ISIS”.

Sau khi có tin nói Tổng thống Thái Anh Văn sẽ quá cảnh tại Hawaii trong chuyến đi thăm 3 đảo quốc Thái Bình Dương, Trung Quốc yêu cầu Mỹ không cho tổng thống Ðài Loan quá cảnh. VOA dẫn lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Cảnh Sảng nói: “Chúng tôi hy vọng Hoa Kỳ nghiêm túc tôn trọng chính sách ‘một Trung Quốc’ … không cho phép bà Thái quá cảnh, để tránh gửi đi một tín hiệu sai lầm cho các lực lượng đòi độc lập cho Ðài Loan và hành động tích cực duy trì các mối quan hệ Mỹ-Trung”. TQ yêu cầu Mỹ không cho Tổng thống Đài Loan quá cảnh (RFA).

Về chuyến công du châu Á bắt đầu từ ngày 3/11 của Tổng thống Mỹ, VOA có bài: Đồng minh Châu Á sẽ ‘thận trọng’ với Trump trong chuyến thăm sắp tới. “Các đồng minh quân sự chủ chốt của Mỹ trong khu vực dự kiến sẽ ứng xử một cách thận trọng với ông Trump, và tập trung vào các lĩnh vực mà đôi bên đồng thuận, đặc biệt là về Triều Tiên, khi họ đón tiếp Tổng thống Mỹ“.

VOA đưa tin: Châu Á vượt Mỹ, trở thành nơi có nhiều tỷ phú nhất thế giới. Theo báo cáo hàng năm của UBS AG và PricewaterhouseCoopers, “trong năm 2016, tại châu Á xuất hiện 117 tỷ phú đôla mới, đưa tổng số tỷ phú ở châu lục đông dân nhất thế giới lên thành 637 người, vượt qua Mỹ với 563 tỷ phú”. Được biết, Phần lớn số tỷ phú mới nổi của châu Á tập trung ở Trung Quốc và Ấn Độ.

BBC có bài: Học ‘tư tưởng Tập Cận Bình’ lấy bằng tiến sỹ?Theo các báo Trung Quốc, “một trung tâm nghiên cứu Tư tưởng Tập Cận Bình và chủ nghĩa Marxist sẽ ra đời ở Đại học Nhân dân (Renmin University), một trong số các đại học hàng đầu của Trung Quốc”.

Châu Âu, châu Úc
Khủng hoảng vùng Catalonia lên tới cấp độ mới: Catalonia tuyên bố độc lập, Tây Ban Nha quyết áp đặt nền cai trị trực tiếp. VOA đưa tin, “Nghị viện của xứ Catalonia hôm thứ Sáu tuyên bố độc lập khỏi Tây Ban Nha thách thức chính phủ Madrid”.

Tiên đoán về phản ứng của chính quyền Tây Ban Nha, Số phận Catalunya trong tay Thượng Viện Tây Ban Nha. RFI cho biết: “Nếu thực sự Madrid áp dụng điều khoản 155 trong bản Hiến Pháp, hệ quả có thể sẽ rất tai hại. Bởi khi đó, chính quyền trung ương sẽ thâu lại quyền kiểm soát toàn bộ ngành cảnh sát với 17.000 nhân viên của Catalunya. Từ cơ quan thuế vụ cho tới trụ sở Nghị Viện Catalunya tại Barcelona cũng sẽ được đặt trong tầm kiểm soát của Madrid. Lãnh đạo cấp vùng, ông Carles Puigdemont, mất chức và thành phần chính phủ của Catalunya sẽ bị giải tán”. Nghị viện Catalonia lập Nước Cộng hòa Độc lập (BBC).

Báo Người Việt đưa tin: Nga sử dụng kỹ thuật phá sóng điện thoại khiến NATO lo ngại. Tổng Thư Ký NATO, ông Jens Stoltenberg, hôm thứ Năm cho biết: “Các quốc gia trong khối NATO đang bày tỏ sự lo ngại về việc Nga sử dụng chiến tranh điện tử trong cuộc tập trận hồi tháng qua khiến một số hệ thống điện thoại di động ở các quốc gia cạnh đó không thể hoạt động”.

RFI đưa tin: Nga huy động cả ba lực lượng tấn công hạt nhân thử nghiệm tên lửa. Trong một thông cáo, bộ Quốc Phòng Nga giải thích rằng các vụ bắn thử đều là “bài tập của các lực lượng hạt nhân chiến lược”.

VOA có bài: Tòa Úc không công nhận 5 chính trị gia có 2 quốc tịch. “Tòa án Tối cao Úc đã phán quyết hôm 27/10 rằng phó thủ tướng của nước này, Barnaby Joyce, và bốn thượng nghị sĩ không đáp ứng các quy định để được giữ ghế trong quốc hội, do họ có hai quốc tịch“.

Trung Đông
Kết quả điều tra của LHQ: Chế độ Syria là thủ phạm tấn công hóa học tại Khan Cheikhoun. RFI dẫn báo cáo của các chuyên gia được Liên Hiệp Quốc chấp nhận, khẳng định, “chắc chắn là chế độ Syria gây ra vụ tấn công tại Khan Cheikhoun ngày 04/04/2017 vừa qua, khiến cộng đồng quốc tế phẫn nộ và Washington bắn tên lửa trả đũa”.

VOA đưa tin: Manh mối về thương vong của Nga ở Syria. Dẫn nguồn từ Reuters, cho biết, “ít nhất 131 công dân Nga đã chết ở Syria trong 9 tháng đầu năm nay. Người thân, bạn bè và các quan chức địa phương nói rằng con số đó bao gồm cả nhân viên quân sự tư nhân làm việc theo hợp đồng”.

----------------------------------------------

Bài Mới Nhất
28/10/2017
28/10/2017
28/10/2017
27/10/2017
27/10/2017
27/10/2017
7/10/2017
27/10/2017
27/10/2017
27/10/2017








No comments:

Post a Comment