Monday, September 25, 2017

TRUNG CỘNG và VIỆT CỘNG CÙNG CHUNG VẬN MẠNG (Ngô Nhân Dụng)




Ngô Nhân Dụng
September 22, 2017

Một sứ giả của Cộng Sản Trung Quốc mới qua Hà Nội, tuyên bố rằng hai đảng Trung Cộng và Việt Cộng cùng chung vận mạng. Lưu Vân San là một ủy viê Ban Thường Vụ Bộ Chính Trị Trung Cộng từ năm 2007, nhóm bẩy người làm chúa tể nước Trung Hoa bây giờ. Cho nên lời ông ta nói rất “nặng ký.”

Ông Lưu Vân San (刘云山, Liu Yunshan) nói rằng trên bình diện chiến lược, “hai đảng cộng sản tạo thành một tập hợp cùng chung số mạng,” (người Trung Hoa gọi là cùng mạng vận, 命运共同体,Tân Hoa Xã trong bản tin tiếng Anh dịch là “shared destiny”). Và ông Nguyễn Xuân Phúc, thủ tướng Việt Nam, nghe mà không nói gì, chắc đã đồng ý.

Cùng chung vận mạng (mạng vận cộng đồng thể) nghĩa là gì?

Trong lời phát biểu trên, ông Lưu Vân San không nói đến hai quốc gia hoặc hai dân tộc mà chỉ nói về hai đảng cộng sản. Ông chỉ nhắc lại một ý vẫn được Hồ Chí Minh hát đi hát lại: “Trước là đồng chí, sau là anh em.” Tất nhiên, các đảng cộng sản đều theo đuổi mục tiêu giống nhau. Mà hai nước Việt Nam với Trung Quốc thì “núi liền núi sông liền sông” cho nên số phận hai đảng không thể tách rời. Nhưng vì hai đảng cộng sản lúc nào cũng chiếm độc quyền cai trị quốc gia, cho nên khi hai đảng “nối liền khúc ruột” sẽ kéo theo số mạng của dân Việt Nam vào với Trung Quốc.

Về mặt chính trị, Lưu Vân San nói đúng sự thật: Số mạng hai đảng Trung Cộng và Việt Cộng gắn bó chặt chẽ. Một lý do Bắc Kinh không muốn chế độ Kim Jong Un sụp đổ là vì khi chính quyền cộng sản Bắc Hàn tan rã, người dân Trung Hoa lục địa sẽ phấn khởi nghĩ rằng họ còn xứng đáng thoát khỏi ách độc tài hơn dân nước láng giềng, vì dân trí cao hơn, kinh tế đã tư bản hóa mạnh hơn nhiều. Trung Cộng, vì quyền lợi của chính họ, cần giữ cho cả ba đảng cộng sản còn lại ở Á Châu tồn tại. Nếu Trung Cộng suy tàn thì Việt Cộng càng lo ngại hơn nữa: Ngay trong nội bộ đảng sẽ có biến loạn.

Cho nên, ông Lưu Vân San giải thích rõ ràng: Hai đảng cộng sản phải củng cố quyền hành! Điều này được ông giải thích: “Mối quan hệ song phương đúng đắn và ổn định sẽ giúp cả hai đảng chúng ta giữ vững quyền hành (solidify the ruling position of the two parties), theo đúng quyền lợi của hai đảng (ông nói thêm: và dân chúng hai nước).” Nghe vậy, chắc ông Nguyễn Xuân Phúc phải đồng ý: Cộng Sản Việt Nam không thể giữ vững quyền hành nếu thiếu cộng sản Trung Quốc! Mạng của chính phủ Hà Nội cho biết ông Phúc hứa với ông Lưu rằng hai bên sẽ “duy trì hòa bình và ổn định” ở Biển Đông nước ta. Hai chữ “ổn định” của Lưu Vân San được Phúc nhắc lại, có nghĩa là nước đàn anh đồng chí chiếm được chỗ nào thì cứ giữ lấy! Kiện cáo, đòi hỏi, chỉ làm “mất ổn định!” Ổn định là hợp với thánh ý của thiên triều!

Nhưng ngoài quan hệ giữa hai đảng, câu nói của Lưu Vân San còn có nghĩa là vận mạng của nước Việt Nam, dân tộc Việt Nam, cũng gắn chặt với Trung Cộng! Ý tưởng này có thể khiến 90 triệu người dân Việt lo ớn xương sống!

Thế nào là “cùng chung vận mạng?” Người Việt Nam có muốn cùng chung vận mạng với Trung Quốc hay không? Muốn cùng chung vận mạng với một Trung Quốc nằm dưới quyền đảng Cộng Sản mãi mãi hay không? Chung vận mạng có nghĩa là chính sách ngoại giao của Việt Nam không thể đi ngược với Trung Cộng hay không?

Cộng Sản Việt Nam không dám kiện Trung Cộng cướp biển, cướp đảo, có phải vì họ đã chấp nhận hai đảng “cùng chung vận mạng” hay không? Trung Cộng chiếm đất, chiếm biển của Việt Nam, tuyên bố là của họ. Đó có phải là ý nghĩa của mấy chữ “hai đảng cùng chung vận mạng” hay không? Lính Trung Cộng bắn đuổi ngư dân Việt, bắt người, cướp hải sản, phá tàu thuyền! Như vậy có phải cũng vì “cùng chung vận mạng” hay không? Có phải vì “hai đảng cùng chung vận mạng” cho nên, Tháng Bảy vừa qua, Việt Cộng ngưng cuộc thăm dò khai thác dầu ngoài khơi nước ta, sau khi Trung Cộng tỏ ý bất bình hay không?

Nhưng ngoài mặt ngoại giao, câu nói của Lưu Vân San còn khiến người Việt lo lắng hơn nữa vì hàm ý kinh tế. Bốn chữ “cùng chung vận mạng” trên mặt kinh tế đưa tới những hệ quả nào?
Ông Lưu Vân San không quên chuyện kinh tế. Ông nói: “Nền kinh tế hai nước ta bổ túc lẫn nhau, với tiềm năng hợp tác thực tế lớn lao,” theo Tân Hoa Xã tường thuật.

“Bổ túc lẫn nhau” nghe rất hay, nhưng rất chua chát. Nó có nghĩa là Việt Nam chỉ cần nhập cảng hàng Trung Quốc, mặc cho công nghệ nước mình chết vì không thể cạnh tranh. Một trong những thí dụ là các loại sắt thép, thép Trung Quốc có thể bức tử thép Việt. Báo chí trong nước, như báo Người Lao Ðộng từng kêu lên rằng: “Thượng vàng, hạ cám gì cũng nhập!” Báo chí mô tả “các loại hàng giả, hàng nhái đến trái cây tẩm ướp hóa chất độc hại, các loại ‘phụ gia’ gây ung thư cũng nhập bầy bán gần như công khai khắp nơi!”

Đối với các xí nghiệp Trung Cộng, “Bổ túc lẫn nhau” có nghĩa là họ có thể tràn ngập thị trường Việt Nam với những hàng hóa ế ẩm các nước khác không mua. Cách đây mấy năm, ông Ðào Ngọc Chương, một chuyên gia kinh tế, than nước ta “đang trở thành ‘bãi phế thải’ chứa các loại hàng hóa phẩm chất xấu của Trung Quốc.” Tổng Cục Thống Kê thuộc Bộ Công Thương cho thấy hàng xuất cảng của Việt Nam sang Trung Quốc phần lớn là nguyên liệu, và khoáng sản. Đó là mối quan hệ kinh tế giữa các thuộc địa với mẫu quốc, trong thế kỷ 19, 20.

Một cách “Bổ túc lẫn nhau” khác là các công ty xây dựng Trung Cộng luôn luôn trúng thầu ở Việt Nam, mặc dù kỹ thuật và phương pháp làm việc rất kém.

Người Việt Nam đang chứng kiến cảnh hai công ty xây dựng đường xe điện (metro) ở Hà Nội và Sài Gòn. Công ty Thiết Lộ số 6 của Trung Quốc làm đoạn đường Cát Linh – Hà Đông dài 13 cây số, đáng lẽ khánh thành vào năm 2016, nay được hoãn lại đến 2018. Không những làm trễ hạn, việc làm con đường này còn xẩy ra rất nhiều tai nạn.

Tháng Mười Một, 2014, một người lái xe máy bị thiệt mạng vì sắt thép rớt. Tháng sau, một dàn dựng cao 10 mét đổ đè bẹp một chiếc taxi đang chở ba người. Tháng Tám, 2015, một tảng thép rớt xuống trên một chiếc xe đang chạy, tài xế suýt chết. Tháng Năm vừa qua, người ta khám phá ra sắt trên một đoạn đườngmới đó đã han rỉ, chỉ vì không được sơn bảo vệ.

Trong khi đó, đoạn đường Bến Thành – Suối Tiên ở Sài Gòn dài gần 20 cây số, phần lớn trên mặt đất, do cơ quan Hợp Tác Quốc Tế (JICA) viện trợ và các công ty Nhật như Sumitomo và Shimizu-Maeda xây dựng không xẩy ra một tai nạn nào cả. Họ cũng mời các công ty Pháp, Ý, và Nam Hàn tham dự. Kế hoạch này đáng lẽ hoàn tất năm 2020 cũng bị chậm trễ hai năm, vì thủ tục chuyển giao đất của nhà cầm quyền thành phố.

Việc xây dựng hai đường xe điện còn khác nhau một điểm quan trọng, là thiết kế con đường ở Sài Gòn chú ý rất nhiều đến những bố trí lối đi thuận tiện cho người đi bộ và đi xe điện, với cố vấn kỹ thuật của các công ty quốc tế. Trong khi đó, công ty Trung Quốc ở Hà Nội hầu như không quan tâm đến người sử dụng.

Đối với người dân Việt Nam, câu chuyện hai đường xe điện trên khiến ai cũng thấy điều họ nghĩ là đúng: Các công ty Trung Quốc kém xa công ty Nhật. Người dân tự hỏi: Tại sao cứ để cho các công ty Trung Quốc trúng hầu hết các mối thầu?

Chỉ có đảng Cộng Sản Việt Nam là nghĩ khác! Họ đã chấp nhận “cùng chung vận mạng” với Trung Cộng!

Kinh tế Việt Nam hiện nay chứa đựng một tiềm năng rất cao. Dân số đông, người có học nhiều, dân cần cù làm việc, tiết kiệm và muốn học hỏi. Trong tương lai, nếu chủ trương “cùng chung vận mạng” cứ tiếp tục thì chính tiềm năng đó sẽ thui chột.

Một tổ chức nghiên cứu kinh tế ở Mỹ, Boston Consulting Group, ước đoán rằng tới năm 2020 một phần ba dân Việt Nam sẽ trở thành giới trung lưu. Tức là có lợi tức khoảng $714/tháng. Các doanh nghiệp quốc tế đang chú mục tìm cơ hội khai thác thị trường này.

Năm lãnh vực được coi là đang phát triển rất cao ở nước ta là: Du lịch ra nước ngoài; Hàng tiêu thụ cho cá nhân (personal care) về sức khỏe, vệ sinh hay sắc đẹp; Điện thoại tinh khôn (smartphones); Hàng tiêu thụ Nhật; và Bảo hiểm.

Đến năm 2021, sẽ có 7.5 triệu người Việt Nam đi chơi ở nước ngoài, so với 4.8 triệu năm 2016. Apple iPhones của Apple và Galaxy Note của Samsung đang bán rất chạy tại Việt Nam. Công ty Mizumo của Nhật ký hợp đồng $50,000 để mời tay vô địch cầu lông Nguyễn Tiến Minh đóng vai “sứ giả” quảng cáo cho đồ thể thao của họ. Năm ngoái, công ty bảo hiểm Manulife từ Canada đã nhận xét rằng Việt Nam là một thị trường phát triển rất nhanh cho ngành bảo hiểm, đủ loại, với số thu năm 2016 tăng gần 70% so với năm 2015.

Những triển vọng trên có lọt vào tay các công ty Trung Cộng hay không?

Đó là mối lo của dân Việt Nam, sau khi nghe ông Lưu Vân San nhắc đến mối quan hệ “cùng chung vận mạng” giữa hai đảng cộng sản, và thấy ông Nguyễn Xuân Phúc tỏ vẻ đồng tình!

----------------------

LIÊN QUAN :








No comments:

Post a Comment