Saturday, September 2, 2017

TIN CẬP NHẬT THỨ SÁU 1/9/2017 (Lê Minh Nguyên)





Tin Thế Giới

1.
Trung Quốc: Chủ tịch Tập-nhà tiên phong ngoại giao vượt mặt phương Tây
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình là một nhà tiên phong ngoại giao có tư tưởng vượt qua thuyết quan hệ quốc tế của phương Tây nhiều thế kỷ, Reuters dẫn lời của Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc, Vương Nghị, ca ngợi ông Tập như vậy vào ngày 1/9, ngay trước Đại hội Đảng Cộng sản.
Dưới thời Tập Cận Bình, Trung Quốc trở nên quyết đoán hơn trong chính sách đối ngoại.
Tập Cận Bình chính là người đã đưa ra kế hoạch “Vành đai và Con đường” với tham vọng đưa Trung Quốc trở thành một trụ cột của toàn cầu hóa.
Nước này cũng mở rộng phạm vi toàn cầu về quân sự, mở căn cứ nước ngoài đầu tiên ở Djibouti và sử dụng lực lượng hải quân đang được mở rộng để khẳng định lập trường quyết đoán hơn trong các tranh chấp hàng hải với các quốc gia láng giềng.
Ngoại trưởng Vương Nghị nói “tư tưởng ngoại giao” của ông Tập chính là la bàn cho các mối quan hệ ngoại giao trong điều kiện mới và trở thành dấu hiệu cho quyền lực mềm của Trung Quốc. Reuters dẫn lời Ngoại trưởng Trung Quốc nói và được đăng trên Study Times, tờ báo chính thức của trường Đảng Trung ương chuyên đào tạo các quan chức.
“Tư tưởng [của Chủ tịch Tập] đổi mới và vượt qua thuyết quan hệ quốc tế truyền thống của phương Tây đến 300 năm”, ông Vương Nghị nói thêm.
Ngoại trưởng Vương Nghị ghi nhận công của ông Tập trong việc mưu tìm bè bạn và đối tác không phải là đồng minh, bỏ qua khác biệt để tìm nền tảng chung, và xóa đi “tư tưởng Chiến tranh Lạnh” của “người không phải là bạn của tôi thì chính là kẻ thù của tôi”.
Ông Vương nói rằng với quyết tâm của một “nhà cải cách và tiên phong”, Chủ tịch Tập đã đáp ứng tiếng gọi của thời đại để “đưa ra nhiều ý tưởng mới mà những người tiền nhiệm không có được”.
Ngoại trưởng Vương Nghị cũng ghi nhận thành công của Trung Quốc dưới thời Tập Cận Bình, trong đó có việc thúc đẩy đàm phán và phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, cũng như giúp chống lại các mối đe dọa toàn cầu của khủng bố quốc tế, biến đổi khí hậu và các vấn đề an ninh mạng.
Kể từ khi đảm nhiệm chức vụ gần 5 năm trước, Tập Cận Bình đã củng cố quyền lực, bao gồm dẫn đầu một nhóm cải cách kinh tế và tự bổ nhiệm mình làm tổng tư lệnh quân đội, mặc dù với tư cách đứng đầu Ủy ban Quân sự Trung ương, Tập Cận Bình đã nắm quyền kiểm soát các lực lượng vũ trang.
Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc mỗi năm năm một lần sẽ được khai mạc vào ngày 18/10. Một ban thường vụ mới, đỉnh cao quyền lực ở Trung Quốc, sẽ được đưa ra tại kỳ đại hội này.
Các nguồn tin ngoại giao cho rằng ông Vương có thể sẽ tiếp quản vị trí của nhà ngoại giao hàng đầu Trung Quốc, Ủy viên Hội đồng Nhà nước Dương Khiết Trì, 67 tuổi, người tiền nhiệm của ông Vương. - VOA
|
|
2.
Nga thề ‘phản ứng mạnh’ với biện pháp trừng phạt của Mỹ

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov hôm 1/9 nói Moscow sẽ phản ứng mạnh đối với các biện pháp trừng phạt của Mỹ nhằm gây thiệt hại cho Nga.
Phát biểu của ông Lavrov được đưa ra một ngày sau khi Hoa Kỳ yêu cầu Nga đóng cửa lãnh sự quán ở San Francisco và các cơ sở ngoại giao ở Washington và New York.
Phát biểu trước các sinh viên Nga, ông Lavrov than phiền về việc Hoa Kỳ chỉ cho Moscow có 48 giờ để thi hành yêu cầu trên, và gợi ý rằng Nga có thể xem xét ra lệnh cắt giảm thêm nhân viên của đại sứ quán Hoa Kỳ.
Việc Mỹ yêu cầu Nga đóng cửa lãnh sự quán tại San Francisco và các cơ sở ngoại giao ở Washington và New York được xem là một hành động trả đũa Moscow vì đã cắt giảm nhân viên ngoại giao của Mỹ ở Nga.
“Chúng ta sẽ phản ứng ngay sau khi kết thúc việc xem xét, phân tích”, ông Lavrov nói với sinh viên Nga.
“Nhưng tôi muốn nói rằng toàn bộ câu chuyện này, với những biện pháp trừng phạt ăn miếng trả miếng qua lại giữa hai nước, không phải do chúng ta khởi xướng. Chính chính quyền Obama đã khởi xướng, làm suy yếu mối quan hệ Mỹ-Nga và không cho phép ông Trump tiến hành những ý tưởng xây dựng hoặc thực hiện các cam kết trước khi bầu cử của ông ấy”.
Ngoại trưởng Nga nói thêm: “Chúng ta sẽ phản ứng gay gắt đối với những gì gây thiệt hại cho chúng ta”. - VOA
|
|
3.
Putin: ‘tình hình Bắc Hàn bên bờ vực thành xung đột lớn’

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 1/9 cảnh báo rằng tình trạng đối đầu căng thẳng giữa Bắc Triều Tiên và Hoa Kỳ đang bên bờ vực để trở thành một cuộc xung đột quy mô lớn. Ông nói sẽ là một sai lầm nếu tìm cách tăng áp lực với Bình Nhưỡng về chương trình tên lửa hạt nhân của nước này.
Theo dự kiến ông Putin sẽ tham dự hội nghị thượng đỉnh các nước BRICS ở Trung Quốc vào tuần tới.
BRICS là khối bao gồm 5 nền kinh tế lớn mới nổi gồm Brasil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi.
Trong một bài báo đăng trên trang web của điện Kremlin trước chuyến đi, ông Putin cho biết ông ủng hộ các cuộc đàm phán với CHDCND Triều Tiên.
"Điều thiết yếu là giải quyết các vấn đề của khu vực thông qua đối thoại trực tiếp bao gồm tất cả các bên mà không đòi hỏi bất kỳ điều kiện tiên quyết nào để mở các cuộc đàm phán đó”, ông Putin viết.
"Khiêu khích, áp lực, dùng những lời lẽ hung hăng hiếu chiến là con đường dẫn đến bế tắc."
Nhà lãnh đạo Nga nói tình hình trên bán đảo Triều Tiên đã xấu đi đến mức bây giờ nó đang đứng trước nguy cơ rơi xuống vực "của một cuộc xung đột quy mô lớn".
Bắc Triều Tiên trong thời gian qua đã dồn nỗ lực để phát triển một tên lửa hạt nhân có khả năng tấn công lãnh thổ Hoa Kỳ, và gần đây Bình Nhưỡng đe doạ sẽ phóng tên lửa địa đối địa tới gần đảo Guam, lãnh thổ của Hoa Kỳ ở Thái Bình Dương.
Bình Nhưỡng coi các cuộc diễn tập quân sự hỗn hợp giữa Hoa Kỳ và Hàn Quốc như một động thái nhằm chuẩn bị cho một cuộc xâm lăng nhắm vào họ, do đó đã liên tục leo thang cuộc đối đầu với Hoa Kỳ và các đồng minh của Mỹ, bằng cách bắn một tên lửa tầm trung bay ngang qua Nhật Bản. - VOA
|
|
4.
Trung Quốc giáo dục học sinh về ‘chủ quyền hợp pháp’ tại Biển Đông

Trung Quốc tháng tới ban hành sách giáo khoa mới cho học sinh tiểu học và trung học nhằm giáo dục ‘chủ quyền quốc gia.’
Bộ sách giáo khoa mới bao gồm 3 môn như tiếng Hoa, lịch sử, giáo dục đạo đức và luật pháp.
Bộ sách bao gồm thông tin về các đảo tại Biển Đông mà chính phủ Trung Quốc nhận chủ quyền.
Bắt đầu ngày 1/9, sách giáo khoa mới sẽ được giảng dạy tại các trường học Trung Quốc.
Theo tờ Nhân dân nhật báo, cơ quan ngôn luận của nhà nước Trung Quốc, sách sẽ có các bài học về những anh hùng trong cuộc cách mạng và những truyền thống và đề cập tới ý chí của nhân dân muốn bảo vệ ‘lãnh thổ.’
Sách giáo khoa cũng trình bày những sự kiện và tài liệu chứng tỏ Trung Quốc có chủ quyền đối với Tây Tạng, Đài Loan và các đảo ở Biển Đông.
Truyền thông Trung Quốc nói sách giáo khoa mới giúp gia tăng nhận thức của quốc tế cũng như mở rộng tầm nhìn cởi mở ra thế giới, giúp học sinh thấm nhuần những thành tựu của nhân loại.
Trung Quốc tuyên bố có chủ quyền đối với toàn bộ lãnh thổ tại Biển Đông. Tuy nhiên Brunei, Malaysia, Philippines, Việt Nam và Đài Loan cũng tuyên bố chủ quyền trên một phần biển này.
Biển Đông là khu vực có tiềm năng giàu có về năng lượng. Trung Quốc đã bắt đầu xây dựng các đảo nhân tạo tại khu vực tranh chấp trong đó có cả một căn cứ quân sự.
Căn cứ đặt trên quần đảo Trường Sa có 24 nhà chứa máy bay chiến đấu, đường băng, kho chứa nước và xăng dầu, một cảng lớn, trang thiết bị thông tin, các vị trí vũ khí cố định và một doanh trại.
Vào tháng 1 năm nay, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson tuyên bố chớ để Trung Quốc tiếp cận các đảo xây dựng trong vùng.
Ông Tillerson cũng so sánh những hành động của Trung Quốc như những hành động của ‘Nga sáp nhập Crimea’.
Phát biểu của ông Tillerson khiến truyền thông nhà nước Trung Quốc vào thời điểm đó nói rằng Hoa Kỳ sẽ cần phải ‘phát động chiến tranh’ để ngăn Trung Quốc tiếp cận những đảo này. - VOA
|
|
5.
Báo Úc: "Dư luận Việt Nam lo ngại Trung Quốc lấn lướt vì Mỹ lùi"

Phải chăng chính quyền Hà Nội đã chiều theo sức ép của Bắc Kinh khi cho rút tàu khoan dò dầu khí ra khỏi một lô khai thác trên Biển Đông bị Trung Quốc cho là của họ? Câu hỏi này vừa được nhật báo Úc The Sydney Morning Herald nêu bật ngày 27/08/2017 trong bài viết mang tựa đề « Việt Nam lo ngại rằng sự yếu đuối của Trump làm Trung Quốc mạnh lên - Vietnam is worried that Trump's weakness is making China strong ».
Theo ghi nhận của nhật báo Úc, người dân Việt Nam lúc này đang có một thú tiêu khiển bất thường : Trên cả nước và trên các mạng xã hội, ở đâu người ta cũng bàn tán, nghi ngờ là chính phủ đang âm thầm đầu hàng một Trung Quốc hung hăng, và gần đây có rất nhiều yếu tố thêm củi thêm lửa cho các tin đồn đó.
Đối với một số người, chính việc Mỹ giảm bớt sự hiện diện rõ ràng trong vùng đã tạo cơ hội cho Bắc Kinh hành động trong hậu trường. Nhiều người khác thì chỉ trích chính quyền ở Hà Nội đặt vấn đề hợp tác kinh tế, hay cái gọi là tình đoàn kết cộng sản, lên trên niềm tự hào dân tộc.
Theo The Sydney Morning Herald, yếu tố gây bàn tán sôi nổi gần đây, làm dấy lên nhiều giả thuyết, là sự kiện dự án khoan dò dầu khí giao cho tập đoàn Tây Ban Nha Repsol bị đình chỉ mà không hề có giải thích.
Một doanh nhân ở Hà Nội thường hay giao dịch với đối tác nước ngoài, trong đó có Trung Quốc, đã giả định : « Phải chăng vì Trump yếu đuối, cho nên Trung Quốc đã mạnh lên ? Rất có thể ! Người ta cũng lo ngại sẽ có một cuộc chiến tranh khác với Trung Quốc. Tất cả đều rất đáng sợ. »
Vấn đề, theo tờ báo Úc, là với chế độ chính trị khép kín, những tính toán ngoại giao đều được giữ bí mật, phần đông – ngay cả giới chuyên gia, như họ đã thừa nhận – đều không biết điều gì xẩy ra, điều đó tạo ra môi trường thuận lợi cho những phỏng đoán lung tung.
Doanh nhân kể trên thừa nhận : « Chúng tôi thật sự không biết điều gì xẩy ra. Nhờ lúc này có internet thì chúng tôi mới thấy là truyền thông của chúng tôi không nói hết sự thật, vả lại chúng tôi cũng không tiếp cận được sự thật đó. »

Việt Nam : Một cột trụ chống Trung Quốc bành trướng
Theo nhật báo Úc, Trung Quốc là một chủ đề rất nhạy cảm đối với chính quyền vốn dĩ vững vàng ở Việt Nam. Hơn cả những lời kêu gọi dân chủ, nhân quyền hay duy trì tăng trường kinh tế, chính quyền e ngại nhất những lời chỉ trích từ cộng đồng nhỏ bé của những người đối lập ở Việt Nam nhắm vào điều bị coi là thái độ mềm yếu trước Trung Quốc.
Đối với tờ The Sydney Morning Herald, Việt nam cho thấy là một cột trụ trong việc đối đầu với Trung Quốc.
Trong số 10 nước của khối ASEAN – vốn đã hướng về Trung Quốc từ khi ông Donald Trump lên nắm quyền ở Mỹ, Việt Nam là thành viên sau cùng công khai thúc đẩy một thái độ cứng rắn hơn chống sự bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông. Nhiều quốc gia khác cũng nêu lên quan ngại, nhưng trong những trao đổi riêng tư, còn Việt Nam thì lên tiếng công khai, và bây giờ hầu như bị cô lập trong việc sử dụng luật quốc tế chống lại Trung Quốc.
Tại một diễn đàn của ASEAN ở Manila vào đầu tháng 8, không lâu sau khi tin về dự án khoan dò dầu khi bị đình chỉ được tiết lộ, Việt Nam công khai khẳng định thái độ chống đối Trung Quốc Theo nhận định của Richard Javad Heydarian, một trợ lý giáo sư về khoa học chính trị ở đại học De La Salle, Manila, thì vào lúc đó, Hoa Kỳ rõ ràng là đã đóng một vai trò mờ nhạt.
Theo ông Haydarian thì đối với những ai chống lại sự bành trướng của Trung Quốc trong vùng, « Trump (tổng thống Mỹ) quả thực là không giúp đỡ gì nhiều... Chúng ta đã thấy một sự mất tin tưởng ghê gớm vào vai trò lãnh đạo của Mỹ ở Châu Á. Ngoại trưởng Mỹ Tillerson không có vẻ gì là đại diện cho một siêu cường quốc (ở diễn đàn ASEAN). Ông ta giống như đại diện cho một nước hạng hai, và ai cũng biết là ở Mỹ ông ta bị cô lập ».

Việt Nam nhượng bộ hay lùi bước chiến thuật ?
Theo nhật báo Úc, Việt Nam và Trung Quốc đã trải qua hàng thế kỷ đối kháng và vẫn tiếp tục đối kháng vào thời cận đại này. Cuộc chiến gần đây nhất mà Việt Nam phải đánh, là chống lại người láng giềng to lớn vào năm 1979, và Trung Quốc đã phải ngạc nhiên trước sức kháng cự của quân đội Việt Nam, đã đẩy lùi họ. Sự đối nghịch Việt Nam Trung Quốc thường vượt qua cảm nhận căm hận đối với Mỹ, nước hiện nay được xem là đối trọng then chốt trước tham vọng của Bắc Kinh.
Việc dự án thăm dò của Repsol bị đình chỉ mà không một lời giải thích từ phía chính quyền Việt Nam cũng như Tây Ban Nha, đã làm cho người Việt Nam cảnh giác, và làm cho họ nghĩ là chính phủ tại Hà Nội đã đầu hàng Bắc Kinh ở bên trong hậu trường.
Trả lời nhật báo Úc, một doanh nhân quốc tế thường làm việc với cả Việt Nam, Trung Quốc lẫn Tây Ban Nha, xin giấu tên vì không được quyền phát biểu về chính trị, đã ghi nhận : « Đã có rất nhiều tin đồn chung quanh vụ Repsol, cũng như mỗi khi có tin liên quan đến quan hệ Việt-Trung. Nhưng không thấy có một lý do gì khiến Việt Nam phải làm như vậy (tức là đình chỉ việc khoan dò), ngoại trừ sức ép từ Bắc Kinh ».
Theo doanh nhân này, Nếu quả thực là Việt Nam phải lùi bước, đó là vì Hà Nội không có nhiều chọn lựa từ khi Trump lên cầm quyền : « Hoa Kỳ thực sự là để Việt Nam chơi vơi khi bãi bỏ hiệp định TPP », một hiệp định không có Trung Quốc nhưng có Việt Nam.
Một giả thuyết khác được nêu lên là Việt Nam bị Trung Quốc đe dọa sử dụng sức mạnh, nếu không nghe theo. Tổng thống Philippines Duterte, mà những phát biểu thường không phải lúc nào cũng đáng tin, đã nói là chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã từng gợi lên khả năng này với ông. Và điều này càng làm cho giải thích đáng tin hơn nữa.
Tuy nhiên, giới chuyên gia cũng nêu bật khả năng chiến tranh sẽ tai hại đối với chiến lược của Trung Quốc, đang cố thuyết phục các láng giềng rằng nên xem Bắc Kinh như là một nhân tố ổn định.

Nhưng việc Việt Nam cho rút tàu khoan đi cũng có thể là chiến thuật của Việt Nam. 
Tờ báo Úc trích lời ông Hoàng Việt, một giáo sư về luật biển ở Thành Phố Hồ Chí Minh, cho rằng : « Tôi nghĩ có lẽ đây là một bước lùi ngắn hạn, như để chờ đợi một thời điểm địa chính trị bớt khó khăn hơn... Đây là một vấn đề rất nhạy cảm, rất quan trọng đối với người dân, nhưng chính quyền tuyệt đối không muốn làm Bắc Kinh tức giận. »
Tác giả bài báo trên tờ The Sydney Morning Herald tuy nhiên đã kết luận : « Mức độ xây cất không ngừng dọc theo bờ Biển Đông, nền kinh tế Việt Nam đang phát triển vững vàng đã được xem như là những điều kiện tiên quyết duy trì sự ủng hộ đối với đảng Cộng Sản Việt Nam. Và có lẽ rốt cuộc đấy mới là điều quan trọng đối với Hà Nội, hơn là việc tranh hơn thua với Bắc Kinh". - RFI
|
|
6.
Trung Quốc và ASEAN thảo luận về Quy Tắc Ứng Xử ở Biển Đông

Đại diện của Trung Quốc cùng Philippines và các thành viên khác của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã bắt đầu thảo luận tại Manila vào ngày 30/08/2017 về khả năng mở ra đàm phán về bộ Quy Tắc Ứng Xử (COC) ở Biển Đông.
Bộ Ngoại Giao Philippines cho biết, vấn đề bộ Quy Tắc Ứng Xử ở Biển Đông COC sẽ được thảo luận trong cuộc họp lần thứ 22 của Nhóm công tác chung ASEAN-Trung Quốc về việc thực hiện Tuyên bố về cách ứng xử của các bên (DOC).
Theo báo Philippine Inquirer, ngoại trưởng nước này, ông Alan Peter Cayetano, hôm qua 31/08 phát biểu : « Cuộc họp tại Manila được tổ chức vào thời điểm tích cực vì ASEAN và Trung Quốc đã hoàn tất việc triển khai Tuyên bố về cách ứng xử của các bên DOC và hướng tới các đàm phán về bộ Quy Tắc Ứng Xử ở Biển Đông COC ». Ngoại trưởng Cayetano cũng cho biết các bên hy vọng sẽ có đối thoại thẳng thắn và hiệu quả nhằm xây dựng lòng tin và xác định các lãnh vực hợp tác thực tế ở Biển Đông.
Lãnh đạo ngoại giao Philippines nói thêm là các quan chức cũng sẽ chuẩn bị nền tảng cho các cuộc đàm phán về COC, mà các nhà lãnh đạo ASEAN và Trung Quốc dự kiến
​​sẽ công bố sự kiện này tại thượng đỉnh Manila vào tháng 11/2017. Theo ông Cayetano, sự hợp tác thực tế giữa ASEAN và Trung Quốc ở Biển Đông đã được cải thiện so với năm ngoái.
ASEAN và Trung Quốc đã thông qua dự thảo khung cho COC ở Biển Đông trong cuộc họp ngày 06/08/2017. - RFI
|
|
7.
Đến lượt Huyndai bị tẩy chay tại Trung Quốc vì hệ thống lá chắn tên lửa

Hàn Quốc triển khai hệ thống lá chắn tên lửa THAAD bảo vệ lãnh thổ trước mối đe dọa tên lửa từ người anh em phía bắc. Hiệu quả ra sao chưa biết, nhưng các doanh nghiệp Hàn Quốc đang phải trả giá đắt cho biện pháp phòng thủ. Trung Quốc kêu gọi người dân tẩy chay các sản phẩm Hàn Quốc. Sau Lotte, lần này đến lượt Huyndai cũng có chung số phận.
Từ Bắc Kinh, thông tín viên RFI Heike Schmidt giải thích:
Các dây chuyển sản xuất tại bốn nhà máy Trung Quốc của Huyndai Motor cuối cùng cũng được khởi động lại, sau khi đã bị dừng lại trong một tuần. Nguyên nhân ban đầu: một trong số các nhà cung cấp linh kiện đã ngưng giao hàng, vì thương hiệu Hàn Quốc này có lẽ đã không có khả năng thanh toán.
Việc ngưng sản xuất cho thấy Huyndai đang phải đối mặt với những khó khăn tại Trung Quốc - thị trường nước ngoài lớn nhất của Huyndai. Tại đây, doanh nghiệp này chỉ bán được 25% số xe hơi được chế tạo ra. Doanh số bán đang tụt giảm thê thảm. Riêng trong quý II, giảm mất 65%. Trong vòng 4 tháng, cổ phiếu của doanh nghiệp chế tạo xe hơi này đã mất đến 16% trị giá.
Huyndai không phải là doanh nghiệp Hàn Quốc duy nhất là nạn nhân của việc bị tẩy chay không công khai. Từ khi Bắc Kinh công kích dữ dội các hành động của Seoul, một thương hiệu lớn khác của Hàn Quốc, Lotte, cũng đã phải đóng cửa 87 siêu thị tại đây. Tân Hoa Xã hồi tháng 03/2017 đã cảnh báo : triển khai lá chắn tên lửa THAAD có thể sẽ gây ra một cơn ác mộng cho Hàn Quốc. - RFI
|
|
8.
Nhật và Anh tăng cường hợp tác quân sự

Hôm qua, 31/08/2017, nhân chuyến công du Nhật Bản của thủ tướng Anh Theresa May, lãnh đạo hai nước đã thỏa thuận tăng cường hợp tác quân sự để đối phó với mối đe dọa của Bắc Triều Tiên. Quyết định này được đưa ra hai ngày sau khi Bình Nhưỡng bắn tên lửa bay ngang qua không phận Nhật Bản.
Từ Tokyo, thông tín viên Frederic Charles tường trình :
« Vào lúc Bắc Triều Tiên đe dọa là Nhật Bản sẽ sớm hứng chịu thảm họa tự hủy diệt, thủ tướng Shinzo Abe nhận được sự ủng hộ của đồng nhiệm Anh Theresa May nhằm cùng nhau đối phó với mối đe dọa Bắc Triều Tiên, bởi vì Anh Quốc có nhiều lợi ích quan trọng tại châu Á.
Lần đầu tiên, quân lính Anh sẽ tham gia các cuộc tập trận chung với Nhật Bản trên lãnh thổ Nhật Bản. Các đơn vị hải quân Anh sẽ cùng với tàu chiến Nhật Bản đi tuần tra ngoài khơi bán đảo Triều Tiên. Hai đồng minh sẽ tăng cường hợp tác trong lĩnh vực an ninh mạng và chống khủng bố.
Đổi lại, theo đề nghị của thủ tướng Theresa May, Nhật Bản hứa hợp tác với Anh Quốc trong lĩnh vực thương mại, đồng thời gợi mở khả năng có thể chấp nhận đàm phán với Luân Đôn về một hiệp định tự do mậu dịch, theo mô hình các thỏa thuận mà Liên Hiệp Châu Âu đã ký với một số quốc gia, khi mà Anh ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu". - RFI
|
|
9.
Lãnh đạo đối lập Nga tiết lộ biệt thự sang trọng của Putin

Lãnh đạo đối lập Nga, ông Alexei Navalny, vừa công bố đoạn video quay từ trên không cho thấy một dinh thự nguy nga nằm che khuất trên một hòn đảo gần biên giới Phần Lan, được cho là nơi nghỉ mát của Tổng Thống Nga Vladimir Putin.
Theo nhật báo The Guardian, biệt thự được biết dưới tên Villa Segren tòa lạc tại một địa điểm cảnh trí tuyệt sắc rộng 50 mẩu, trên hòn đảo Lodochny, nằm trong Vịnh Phần Lan.
Nơi đây từng được chọn làm ngoại cảnh cho cuốn phim truyền hình thời Xô Viết vào thập niên 1980, phỏng theo truyện trinh thám Sherlock Holmes.
Đoạn video quay từ máy bay không người lái cho thấy trên đảo này có nhiều căn nhà lớn mới xây, gồm một biệt thự được nới rộng thêm, một sân đáp trực thăng và một bến tàu.
Theo ông Navalny, địa điểm này được bao bọc bằng một hàng rào lớn và được canh gác cẩn mật rằng dân địa phương bị cấm đến gần. Cũng theo ông Navalny, dinh cơ này do những bạn thân của tổng thống Nga làm chủ nhưng dành riêng cho ông sử dụng.
Đoạn video của ông Navalny trong không đầy 24 giờ sau khi được đưa lên YouTube đã nhận được 2 triệu lượt người vào xem hôm Thứ Năm. Trong đó có đoạn ông Navalny nói: “Tất cả chứng cớ chỉ cho ta thấy rõ một trong những kế hoạch tham ô của Vladimir Putin. Tài sản cá nhân của ông ta được ghi danh dưới tên của những người bạn thân, những người bỗng trở nên hết sức giàu có trong 17 năm qua.”
Hồi đầu Tháng Tám, kênh Dozhd thuộc đài truyền hình cấp tiến công bố phần phác họa bản thiết kế nội thất của khu biệt thự, cho thấy bên trong có một hồ bơi lớn và một văn phòng với tủ bàn sang trọng, có chạm con ó hai đầu, biểu tượng nước Nga trên một bàn làm việc.
Việc nâng cấp để thích hợp cho ông Putin sử dụng bắt đầu khởi công sau năm 2010 và tổng thống “từng đến nghỉ mát tại đây ít nhất một lần,” theo tường thuật của kênh Dozhd. - nguoiviet
|
|

Tin Hoa Kỳ

10.
Tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ tăng lên tới 4,4%

Tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ đã tăng nhẹ trong tháng 8 và mức tăng việc làm, sau khi được điều chỉnh, thấp hơn so với dự đoán của các nhà kinh tế.
Phúc trình của Bộ Lao động, công bố hôm thứ Sáu 1/9, cho biết tỷ lệ thất nghiệp đã tăng 1/10 của 1%, lên tới 4,4%.
Mặc dù có tăng, nhưng đây là tỷ lệ tăng gần với mức thấp nhất trong 16 năm.
Toàn thể nền kinh tế đã có thêm 156.000 việc làm, hàng chục ngàn việc làm ít hơn, so với tháng trước.
Tiền lương tiếp tục tăng với tốc độ 2,5% hàng năm. Kinh tế gia trưởng của Ngân hàng PNC Gus Faucher cho rằng mức tăng lương "mềm" là một vấn đề kéo dài, nhưng dự đoán một thị trường lao động bị siết chặt sẽ sớm thúc đẩy giới chủ nhân phải trả mức lương cao hơn.
Nhà phân tích kinh tế Mark Hamrick của Bankrate.com cho biết tình trạng lương không tăng trong khi tỷ lệ thất nghiệp xuống thấp đang khiến các nhà kinh tế “gãi đầu gãi tai”, không biết làm sao giải thích nguyên do.
Ông nói một phần của vấn đề nằm trong mức tăng kém cỏi của năng suất, ảnh hưởng đến mức tăng tiền lương.
Nhà phân tích Hamrick nói thêm rằng một thế hệ boomer đồng loạt nghỉ hưu có nghĩa là những công nhân trẻ tuổi hơn, thường có xu hướng có lương thấp hơn, đang thay thế họ.
Các nhà kinh tế của chính phủ theo dõi sát tình trạng thất nghiệp nói rằng bão Harvey "không có ảnh hưởng đáng kể nào" đối với con số thất nghiệp hiện nay, bởi vì các dữ liệu đã được thu thập trước khi cơn bão ập đến.
Ông Faucher cho biết phúc trình về tình trạng thất nghiệp kế tiếp có thể cho thấy mức tăng trưởng yếu hơn đáng kể vì bão Harvey, nhưng tác động của nó sẽ có tính cách tạm thời, và nhiều người sẽ được tuyển dụng để tham gia nỗ lực xây dựng và tái thiết.
Phúc trình của Bộ Lao động cho biết tại Hoa Kỳ hiện có 7,1 triệu người thất nghiệp, và 5,3 triệu người khác muốn làm việc toàn thời gian nhưng bị kẹt trong các việc làm bán thời gian.
Có được việc làm trong ngành sản xuất, xây dựng, các dịch vụ chuyên nghiệp, và chăm sóc sức khỏe.
Một cuộc khảo sát riêng của Đại học Michigan cho thấy hơn phân nửa người tiêu thụ nói tình trạng tài chính cá nhân của họ đã cải thiện trong vài tháng qua.
Đây là thành quả tốt nhất rong vòng 17 năm qua. Các nhà kinh tế vẫn theo sát thái độ của người tiêu thụ bởi vì khi người tiêu dùng cảm thấy an tâm hơn về phương diện tài chính, thì họ có xu hướng mua sắm những món lớn hơn như ô tô hoặc nhà cửa. Nhu cầu tiêu dùng thúc đẩy hầu hết hoạt động kinh tế của Mỹ. - VOA
|
|
11.
Ứng viên Đại sứ Mỹ tại Hàn Quốc chống ‘chính sách Ánh Dương’ đối với Bắc Hàn

Tin cho hay Tổng thống Donald Trump sắp tới đây sẽ đề cử giáo sư Đại học Georgetown Victor Cha vào chức vụ Đại sứ Hoa Kỳ tại Hàn Quốc. Bổ nhiệm một chuyên gia có uy tín về các vấn đề Bắc Triều Tiên như vậy sẽ lấp đầy một vị trí ngoại giao quan trọng cần thiết để quản lý những bất đồng đáng kể giữa Washington và Seoul về cách đối phó với các vụ thử nghiệm hạt nhân và tên lửa ngày càng khiêu khích hơn của Bắc Triều Tiên.
Ông Victor Cha, người Mỹ gốc Triều Tiên, là Giám đốc Viện nghiên cứu châu Á của đại học Georgetown, kiêm Giám Đốc đặc trách nghiên cứu các vấn đề Triều Tiên tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Washington.
Ông từng là Phó Trưởng đoàn Mỹ tại các cuộc đàm phán 6 bên về chương trình hạt nhân Bắc Triều Tiên dưới thời cựu Tổng thống George W. Bush. Giáo sư Cha là tác giả của nhiều đầu sách phân tích tình hình an ninh châu Á, như quyển “The Impossible State: North Korea, Past and Future”, xuất bản năm 2012.

Hoài nghi chính sách ‘Ánh Dương mới’, mời gọi Bắc Hàn 
Ra điều trần trước Ủy ban Quân vụ Thượng viện Hoa Kỳ vào tháng Tư năm nay, ông Cha bày tỏ quan ngại về sự ủng hộ ngày càng tăng ở Hàn Quốc cho nỗ lực theo đuổi cách tiếp cận hòa giải hơn với Bắc Triều Tiên, bằng viện trợ và các biện pháp khích lệ kinh tế nhằm giảm căng thẳng và ngăn ngừa xung đột.
Ông nói:
"Tôi nghĩ rằng chính sách hòa giải, mời gọi Bắc Triều Tiên tham gia không hoàn toàn sai lầm, nhưng bây giờ không phải lúc".
Nếu được bổ nhiệm vào chức Đại sứ Hoa Kỳ ở Seoul, quan điểm của ông Cha, hoài nghi chính sách hòa giải và khích lệ để đối phó với Bắc Triều Tiên, có thể đẩy ông vào thế mâu thuẫn với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, người vẫn ủng hộ một chính sách song song, vừa mạnh mẽ hậu thuẫn các biện pháp trừng phạt, vừa tăng cường nỗ lực hòa giải và khích lệ đối với Bắc Triều Tiên.
Chính quyền của ông Moon đã tìm cách làm giảm nhẹ những sự khác biệt tiềm tàng với chiến lược tăng "áp lực tối đa" của Tổng thống Mỹ Donald Trump, theo đó cần áp đặt những biện pháp trừng phạt kinh tế gắt gao để buộc lãnh tụ Bắc Triều Tiên Kim Jong Un phải ngồi vào bàn đàm phán về việc phi hạt nhân hóa.
Tuy nhiên, Tổng thống Moon nói áp lực không mà thôi, không răn đe được Bắc Triều Tiên. Một số giới chức chính quyền ở Seoul đã lên tiếng ủng hộ chiến lược giảm áp lực kinh tế bằng cách mở lại Khu Công nghiệp Kaesong, một dự án phát triển kinh tế chung giữa hai miền bán đảo Triều Tiên, nơi mà các công ty Hàn Quốc tuyển dụng hàng ngàn công nhân Bắc Triều Tiên làm việc cho họ. Cựu Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye đã đóng cửa khu Kaesong hồi năm 2016 dựa trên lập luận rằng tiền dành cho các công nhân đã bị trưng dụng và chi vào các chương trình hạt nhân và phi đạn của Bình Nhưỡng.
Sau khi gặp gỡ ông Moon hồi tháng 8 trong khuôn khổ một chuyến đi thăm Hàn quốc của một phái đoàn quốc hội Mỹ, dân biểu Đảng Dân chủ Carolyn Maloney, đại diện bang New York, cho hay Tổng thống Nam Triều Tiên đã lên tiếng ủng hộ việc mở lại khu công nghiệp Kaesong như một cử chỉ nhân đạo. Nhưng cho đến nay Bắc Triều Tiên vẫn bác bỏ mọi đề nghị đối thoại và hợp tác.
Dân biểu Maloney:
“Ông Moon nhắc đến đề nghị mở lại khu công nghiệp Kaesong như một vấn đề nhân đạo, liệu ông có ủng hộ và đẩy mạnh đề xuất đó hay không, ông cho biết đã giang cánh tay mời gọi Bình Nhưỡng đàm phán, nhưng cho tới bây giờ vẫn chưa nhận được phản hồi từ Bình Nhưỡng.”
Hồi tháng 4, Giáo sư Victor Cha nói mở lại khu công nghiệp Kaesong là "không khôn ngoan", có thể gây chia rẽ với Hoa Kỳ và thậm chí, với cả Trung Quốc, là nước ủng hộ các biện pháp trừng phạt gắt gao hơn đối với Bắc Triều Tiên.
Tuy nhiên, ông Cha chia sẻ quan ngại của nhà lãnh đạo Hàn Quốc rằng một cuộc tấn công quân sự của Mỹ nhắm vào Bắc Triều Tiên sẽ có hệ quả thảm khốc, và có nguy cơ dẫn đến chiến tranh làm hàng triệu người thiệt mạng.

Áp lực từ Trung Quốc
Về vấn đề thực thi các biện pháp trừng phạt của Trung Quốc, ông Victor Cha mạnh mẽ ủng hộ lập trường của chính phủ Trump, cho rằng Bắc Kinh nên gánh vác trách nhiệm kiềm chế đồng minh của mình ở Bình Nhưỡng.
Trong cuộc điều trần trước Quốc hội vào tháng Tư vừa rồi, ông Victor Cha nói:
"Trung Quốc chắc chắn là một phần của một giải pháp nhằm ngăn chặn Bắc Triều Tiên, nhưng Trung Quốc cũng có thể là một phần của vấn đề".
Gần 90% hoạt động thương mại của Bắc Triều Tiên diễn ra dọc theo biên giới với Trung Quốc. Sau khi đồng ý hợp tác với Bắc Kinh hồi tháng 3 để tăng áp lực với Bắc Triều Tiên, chính quyền Trump hồi tháng Bảy bày tỏ thất vọng về tình trạng các biện pháp trừng phạt không được thực thi.
Tin cho hay Bắc Kinh lo ngại các biện pháp trừng phạt khắc nghiệt có thể gây bất ổn ở vùng biên giới nước họ, dẫn tới sự sụp đổ của chế độ Kim Jong Un, và như thế các đồng minh của Mỹ sẽ chiếm quyền kiểm soát toàn bộ bán đảo Triều Tiên.
Trung Quốc nhiều lần kêu gọi tất cả các bên hãy tự chế và ngồi xuống bàn đàm phán, đề nghị các chường trình hỗ trợ kinh tế và bảo đảm an ninh cho Bắc Triều Tiên, để đánh đổi việc phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.
Viết trên tờ The Washington Post hồi tháng 7, ông Victor Cha kêu gọi Bắc Kinh đóng vai trò lãnh đạo để đảm bảo sự tuân thủ của Bắc Triều Tiên, bằng cách gắn liền thương mại với việc hủy bỏ chương trình hạt nhân.
Ông Cha viết.
"Thương mại về cơ bản là những khoản giải ngân của Trung Quốc cho Bình Nhưỡng, cùng với các đảm bảo về an ninh, để đánh đổi những giới hạn trong chương trình hạt nhân của Bắc Triều Tiên, Trung Quốc không chỉ trả tiền để cung cấp than cho Bắc Triều Tiên, mà còn trả tiền để nước này tuân thủ thỏa thuận".
Trong quá khứ, Hoa Kỳ đã trả cho Bắc Triều Tiên hơn nửa tỉ đô la tiền hỗ trợ năng lượng cho miền Bắc, dựa trên những thỏa thuận nhằm phi hạt nhân hóa Bắc Triều Tiên. Thỏa thuận đó cuối cùng đã tan vỡ. Theo ông Cha, bây giờ là lúc Trung Quốc phải giữ lời cam kết, nếu không, sẽ phải đối mặt với các biện pháp trừng phạt phụ trội của Hoa Kỳ. - VOA
|
|
12.
Chính quyền Trump trấn an nạn nhân bão Harvey --- TT Trump yêu cầu Quốc Hội cấp $5.9 tỷ trợ giúp thiệt hại bão Harvey

Giữa lúc các nỗ lực cứu hộ và thu hồi sau bão Harvey vẫn tiếp diễn ở bang Texas thuộc vùng Đông Nam nước Mỹ, thì Toà Bạch Ốc lên tiếng trấn an các nạn nhân bão lụt rằng họ sẽ “không đi đâu cả” và sẽ có tiền bạc để giúp đỡ họ.
Bão Harvey đã bỏ lại sau lưng những thiệt hại vật chất không sao tả xiết sau khi trút một lượng mưa kỷ lục xuống 2 tiểu bang Texas và Luoisiana, trong suốt 5 ngày.
Cố vấn An ninh Nội địa của Toà Bạch Ốc nói các ngân khoản đã được giành sẵn để trang trải các hoạt động trong tháng tới.
Cố vấn An ninh Nội địa Tom Bossert phát biểu:
“Nếu có nhu cầu thêm tiền tài trợ trong tương lai, và thể nào cũng có, các số liệu về xây dựng sẽ rõ ràng hơn trong giai đoạn hồi phục, chúng tôi sẽ có thể xem xét các nhu cầu này. Đó là quan điểm của chúng tôi trong lúc này, và tôi không lo lắng gì cả về chuyện chúng ta không có tiền bạc ngay bây giờ cho các hoạt động đang tiến hành, cũng như các hoạt động mà chúng tôi dự kiến sẽ được xúc tiến trong tháng tới.”
Ông Bossert cho biết 100,000 căn hộ đã bị tác động bởi bão và rất nhiều cấu trúc hạ tầng công cộng đã bị hư hại, như các xa lộ và cầu cống.
Houston, thành phố lớn thứ Tư nước Mỹ, là thành phố bị tác động nặng nề nhất. Tuy nhiên thị trưởng Houston cho biết thành phố này vẫn mở cửa hoạt động và chưa gì đã cho thấy những dấu hiệu hồi phục.
Thị trưởng Sylvester Turner nói:
“Hãy cho phép tôi giải thích những lý do vì sao tôi nghĩ rằng chúng ta sẽ hồi phục nội trong vòng 1 năm, nếu không muốn nói là sớm hơn. Lý do là bởi vì tại thành phố này có những người và những tập đoàn công ty sẽ đóng góp hết sức mình, để bày tỏ sự hậu thuẫn của họ, và bày tỏ sự hậu thuẫn của họ rất sớm.”
Cho tới nay, những quan chức trong chính quyền Tổng thống Trump hình như thường xuyên có mặt tại khu vực bị bão tác động. Phó Tổng Thống Mike Pence cũng góp một bàn tay trong công tác dọn quang ở Texas hôm thứ Năm, và theo dự kiến, Tổng thống Trump sẽ quay trở lại nơi này vào ngày mai, thứ Bảy 2/9, sau chuyến đi thăm đầu tiên hôm thứ Ba tuần này.
Những nạn nhân đang phải chống chọi với những tàn phá do bão Harvey gây ra chắc chắn hy vọng rằng sự chú ý ở các cấp cao nhất trong chính phủ sẽ được duy trì, lâu sau khi cả nước lụt đã rút hết ra khỏi khu vực.
Trong khi chờ đợi, số tử vong có liên quan tới bão hiện nay là ít nhất 37 ca, và các giới thẩm quyền dự kiến con số này sẽ còn tăng cao. - VOA

***
Chính phủ Donald Trump dự trù sẽ yêu cầu Quốc Hội cấp gần $6 tỷ để trợ giúp thiệt hại bão Harvey.
Bản tin của hãng thông tấn UPI cho hay Tòa Bạch Ốc dự trù yêu cầu Quốc Hội chấp thuận số tiền $5.95 tỉ, theo một giới chức cao cấp. Cơ quan điều hành tình trạng khẩn cấp của chính phủ liên bang Mỹ (FEMA) sẽ nhận $5.5 tỷ, số còn lại sẽ được gửi tới cơ quan điều hành các doanh nghiệp nhỏ (SBA) để giúp phục hồi sau thiên tai từ nay đến cuối năm.
Tổng Thống Trump hôm Thứ Sáu gửi tweet ra nói rằng Texas đang nhanh chóng phục hồi nhờ vào nỗ lực của tất cả mọi người, cả nam lẫn nữ, nhưng vẫn còn có nhiều việc phải làm.
Trong khi đó, Thị Trưởng Houston Sylvester Turner nói rằng đa số các nơi trong thành phố này đang khởi sự khô ráo, nhưng kêu gọi cư dân quanh đập Addicks hãy rời khỏi nhà của họ vì sẽ phải tháo bớt nước đang dâng cao trong đập.
Hiện chỉ còn hai khu ở Houston là Kingwood và West Houston là còn phải đối phó với các vấn đề lụt lội, một tuần sau khi bão Harvey kéo tới.
Hai phi trường lớn ở Houston cũng hoạt động trở lại, với số chuyến bay giới hạn, và sở thú nơi này cũng sẽ mở cửa ngày Thứ Sáu.
Sở Cảnh Sát Houston cho hay có ít nhất 40 người chết có liên hệ đến bão và lụt lội. Cảnh sát cũng bắt giữ 69 người, kể cả một số tình nghi hôi của. - nguoiviet
|
|
13.
Bắt quả tang cảnh sát nói ‘chỉ giết người da đen’

Một trung úy cảnh sát Georgia bị bắt quả tang nói rằng cảnh sát “chỉ giết người da đen,” qua hệ thống camera gắn trên xe tuần tra trong một lần chận xét giao thông hồi năm ngoái.
Đài truyền hình NBC News trích dẫn loan báo của nhà chức trách đưa ra hôm Thứ Năm, nói rằng đoạn video thu hồi Tháng Bảy năm 2016, mà kênh truyền hình WSB-TV Channel 2 ở Atlanta có được trước tiên, trong đó người ta có thể nghe tiếng một phụ nữ da trắng nói với Trung Úy Greg Abbott thuộc Sở Cảnh Sát Cobb County rằng bà không dám hạ tay xuống vì sợ xảy ra điều đáng tiếc như bà từng “thấy qua nhiều video về cảnh sát.”
Ông Abbott cũng là người da trắng liền nói: “Nhưng bà đâu phải là người da đen. Hãy nhớ rằng chúng tôi chỉ giết người da đen. Phải, chúng tôi chỉ giết người da đen thôi, bà hiểu chứ?”
Cảnh Sát Trưởng Mike Register của sở cảnh sát Cobb County nói trong một cuộc họp báo hôm Thứ Năm, rằng ông Abbott, người từng phục vụ cho cơ quan này 27 năm, sẽ bị loại khỏi lực lượng cảnh sát.
Ông Register tiếp: “Lời phát biểu ấy hoàn toàn không thích đáng và không thể tha thứ được.”
Ông Lance LoRusso, luật sư đại diện ông Abbott biện luận rằng thân chủ ông hoàn toàn hợp tác với cuộc điều tra nội bộ.
Qua một văn bản, ông LoRusso giải thích rằng, thân chủ ông phát biểu như vậy “rõ ràng là để hạ nhiệt căng thẳng” đối với một đối tượng thiếu hợp tác.
Chưa rõ ngày giờ xảy ra sự kiện này ở ngoại ô thành phố Atlanta nhưng vào cùng tháng, cảnh sát Baton Rouge bắn chết ông Alton Sterling trong cuộc đối đầu bên ngoài một tiệm tạp hóa, và vụ cảnh sát Minneapolis bắn chết ông Philando Castile khi bị chận xét.
Sự kiện này cũng xảy ra vào thời điểm có nhiều vụ cảnh sát bắn người da đen khiến dấy lên những cuộc xuống đường phản đối. - nguoiviet
|
|

Tin Việt Nam

14.
Việt Nam phản đối Trung Quốc tập trận ở Biển Đông

Căng thẳng giữa Trung Quốc và Việt Nam tiếp tục gia tăng. Hà Nội ngày hôm qua 31/08/2017 đã lên tiếng phản đối Bắc Kinh thông báo tập trận trên vùng Biển Đông đang có tranh chấp.
Trả lời câu hỏi của giới báo chí, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Lê Thị Thu Hằng tuyên bố :
“Việt Nam bày tỏ quan ngại sâu sắc về thông báo tập trận của Trung Quốc trong khu vực cửa ngõ vịnh Bắc Bộ. Mọi hoạt động của nước ngoài trong vùng lãnh hải của VN cần phải được thực hiện phù hợp với các quy định của luật pháp VN và luật pháp quốc tế. Việt Nam đề nghị Trung Quốc chấm dứt và không lặp lại các hành động làm phức tạp thêm tình hình trên Biển Đông.”
Phát biểu của bộ Ngoại Giao Việt Nam lại không cho biết rõ thời điểm Trung Quốc đưa ra thông báo hay khi nào cuộc tập trận sẽ diễn ra. Reuters có nhắc lại chi tiết vào tháng 8/2017, Cục An Toàn Hàng Hải Trung Quốc tỉnh Hải Nam đã thông báo một cuộc tập trận sẽ diễn ra ở phía nam của tỉnh này (ở phía đông của Việt Nam) từ ngày 29/08 – 04/09/2017.
Hà Nội trong những thời gian gần đây đã có những cử chỉ khiến cho Bắc Kinh bực bội : từ việc cố gắng tập hợp các nước Đông Nam Á để đưa vấn đề Biển Đông vào trong các cuộc họp khu vực, cho đến việc gia tăng các chương trình hợp tác quốc phòng với Hoa Kỳ, Nhật Bản và Ấn Độ.
Ngược lại Trung Quốc cũng không ngừng gây sức ép lên Việt Nam trên nhiều lĩnh vực. Vụ việc gần đây nhất là vào tháng 6/2017, dưới áp lực của Bắc Kinh, Hà Nội buộc phải tạm ngưng dự án thăm dò dầu khí trên Biển Đông với Tây Ban Nha.
Đáp trả phản đối của Việt Nam, hôm nay, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc, bà Hoa Xuân Oánh, trong một buổi họp báo ngắn khẳng định đợt tập trận này là một cuộc thao dợt quân sự hằng năm theo thông lệ và “vùng biển tập trận nằm dưới quyền tài phán của Trung Quốc”.
Trong khi đó, thủ tướng Anh Theresa May, nhân cuộc họp báo chung với đồng nhiệm Nhật Bản Shinzo Abe, tại Tokyo hôm qua, nhấn mạnh, sự ổn định tại Biển Đông là một lợi ích chung. Do đó, bà kêu gọi một giải pháp hòa bình cho mọi tranh chấp. - RFI
|
|
15.
Việt Nam tiếp tục gia hạn tạm giam không xét xử ông Lưu Văn Vịnh

Chính quyền Việt Nam tiếp tục gia hạn thời gian tạm giam đối với nhà tranh đấu nhân quyền Lưu Văn Vịnh, dù hơn 10 tháng qua, gia đình và luật sư vẫn chưa gặp ông.
Bà Lê Thị Thập, vợ của ông Vịnh cho VOA biết Viện Kiểm sát Thành phố Hồ Chí Minh vừa thông báo rằng thời hạn tạm gian lần thứ hai được gia hạn từ ngày 4/7 cho đến 31/10/2017.
“Hôm vừa rồi bên Viện Kiểm sát có gửi cho tôi thư trả lời về cái đơn tôi xin cung cấp thông tin, họ trả lời là anh Vịnh bị gia hạn tạm gian đợt hai đến hết ngày 31/10.”
Hôm 28/8 bà Thập có đến trại giam Chí Hòa ở thành phố Hồ Chí Minh để gửi đồ cho chồng, nhưng vẫn không được gặp ông Vịnh, dù bà đã nhiều lần làm đơn xin gặp chồng.
“Trong thời gian này thì họ không cho gặp mặt. Tôi có làm đơn yêu cầu được gặp mặt nhưng họ cứ viện lý do là ‘trong thời gian chưa kết thúc điều tra’ nên gia đình chưa được gặp mặt.”
Ngoài ra, trong một thông báo gửi cho gia đình ký ngày 18/8, cơ quan này nói sẽ không cung cấp các văn bản tố tụng về việc tạm giam đối với ông Vịnh cho bà Thập “vì bà không thuộc trường hợp được cung cấp.”
Thời gian điều tra lần nhất đối với ông Lưu Văn Vịnh kết thúc vào ngày 3/7 vừa qua.
Với quyết định gia hạn điều tra lần thứ hai, nhà hoạt động Lưu Văn Vịnh sẽ bị biệt giam ít thất cho đến cuối tháng 10. Chắc chắn trong thời gian này ông Vịnh cũng không được gặp gia đình cũng như luật sư.
Bà Thập nói rằng việc chính quyền bắt chồng bà là vô lý:
“Đó là một lệnh bắt vô cớ - không có lý do gì chính đáng. Chồng tôi chưa lập một hội nhóm gì cả mà họ vu cho tội ‘lật đổ chính quyền’ thì quá hoan đường, quá vô lý.”
Ông Vịnh được biết đến như là một trong những nhà hoạt động nhân quyền ở Việt Nam. Trước khi bị bắt ông viết blog trên Facebook, với bút danh là Vịnh Lưu.
Hồi tháng 7 năm ngoái, trên mạng xuất hiện tin nói rằng ông Vịnh đã tuyên bố thành lập “Liên minh Dân tộc Việt Nam tự quyết” với mục tiêu đòi Đảng Cộng sản Việt Nam trao trả quyền lực cho nhân dân và phải trưng cầu dân ý đối với các vấn đề hệ trọng quốc gia.
Ông Lưu Văn Vịnh, 49 tuổi bị bắt đi tại tư gia vào ngày 6/11 năm ngoái với cáo buộc “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” theo Điều 79 Bộ luật Hình sự. Chính quyền Việt Nam cho rằng ông là người sáng lập tổ chức có tên Liên Minh Dân tộc Việt Nam Tự Quyết. Cùng vụ có vài người khác bị bắt với ông Lưu, trong đó có ông Nguyễn Văn Đức Độ. - VOA
|
|
16.
Ngoại trưởng Mỹ chúc mừng Quốc khánh Việt Nam

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Rex Tillerson vừa gửi lời chúc mừng đến Chính phủ và người dân Việt Nam trong dịp Quốc khánh 2/ 9.
Trong thông cáo đưa ra vào ngày 31/8, Ngoại trưởng Tillerson nói: “Kể từ khi bình thường hóa quan hệ song phương cách đây 22 năm, quan hệ giữa hai nước đã phát triển theo cách thức mà không ai có thể hình dung trước. Hai nước đã vượt qua mâu thuẫn và chia rẽ trong quá khứ, hướng tới mối quan hệ đối tác thịnh vượng, mở rộng mối quan hệ chính trị, an ninh, kinh tế và giữa người dân hai nước”.
Ngoại trưởng Mỹ nói “các chuyến thăm gần đây của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch tới Mỹ đã củng cố thêm đà phát triển tích cực giữa hai nước”.
Theo Ngoại trưởng Tillerson, việc Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump cam kết sang Việt Nam tham dự Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) năm 2017 hứa hẹn thúc đẩy mối quan hệ đối tác lên tầm cao mới.
Nhân dịp này, Ngoại trưởng Tillerson gửi đến người dân Việt Nam lời chúc hòa bình và thịnh vượng trong năm tới. - VOA
|
|
17.
Việt Nam lại lên án Triều Tiên bắn tên lửa

Việt Nam đã lên án hành động bắn tên lửa đạn đạo mới đây nhất của Bắc Hàn và kêu gọi các bên tuân thủ các nghị quyết của Liên Hiệp Quốc về vấn đề tên lửa của Bắc Hàn.
Trước đó vào ngày 29/8, Bắc Hàn đã phóng một tên lửa đạn đạo bay ngang qua lãnh thổ Nhật Bản và rơi xuống vùng biển phía bắc Thái Bình Dương. Vụ phóng tên lửa này đã bị Nhật và Mỹ phản ứng mạnh mẽ trong khi Trung Quốc phản đối có chừng mực.
Khi được hỏi về hành động này của Bắc Hàn trong buổi họp báo thường kỳ hôm 31/8, phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nói rằng nước này “quan ngại sâu sắc” và mô tả hành động này “vi phạm nghiêm trọng các nghị quyết liên quan của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc” và “làm gia tăng căng thẳng ở khu vực”.
“Việt Nam kêu gọi các bên tuân thủ nghiêm túc các nghị quyết liên quan của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc và có những hành động mang tính xây dựng, thiết thực, đóng góp cho việc duy trì hòa bình, an ninh và ổn định của khu vực và trên thế giới,” bà Hằng nói.
Đây là thứ năm trong năm 2017 Việt Nam bày tỏ quan ngại sau khi Bắc Hàn thử tên lửa. Các vụ phóng tên lửa của Bắc Hàn vào tháng Hai, tháng Ba, tháng Năm và đầu tháng Tám năm nay đều khiến Việt Nam có phản ứng tương tự.
Mặc dù gần gũi về mặt ý thức hệ, quan hệ giữa Hà Nội và Bình Nhưỡng đã từng trải qua nhiều sóng gió. Bắc Hàn từng kịch liệt phản đối Bắc Việt hòa đàm với Mỹ và hành động của Việt Nam đưa quân vào Campuchia lật đổ chế độ Pol Pot cũng như việc Hà Nội xây dựng quan hệ đối tác chiến lược với Hàn Quốc.
Tuy nhiên, gần đây quan hệ hai nước đã cải thiện nhiều và lãnh đạo cấp cao hai nước đã thực hiện nhiều chuyến thăm viếng lẫn nhau. Các nhà quan sát cho rằng nếu Bắc Hàn đi theo con đường cải cách kinh tế thì Việt Nam có thể là hình mẫu để họ học hỏi.
Do đó, việc Việt Nam có tầm ảnh hưởng với Bắc Hàn có thể giúp Hà Nội nâng vị thế ngoại giao của mình đối với Washington trong lúc Hà Nội đang cần sự ủng hộ của Washington để đối phó với sự hung hăng của Trung Quốc trên Biển Đông.
Hồi tháng Năm năm 2016, chính quyền của Tổng thống Barack Obama đã ra tuyên bố khen ngợi sự ủng hộ mạnh mẽ của Việt Nam trong việc thực thi lệnh cấm vận của Liên Hiệp Quốc đối với Bắc Hàn. Sự chỉ trích Bắc Hàn của Việt Nam lúc đó xảy ra đồng thời với quyết định của Washington dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí sát thương đối với Việt Nam.
Trong khi đó, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã gọi hành động này của Bắc Hàn là “mối đe dọa nghiêm trọng chưa từng có”.
Về phần mình, Trung Quốc, quốc gia nắm giữ chìa khóa trong việc kiềm chế Triều Tiên, đã tránh dùng những lời lẽ mạnh mẽ để chỉ trích Bắc Hàn trong khi kêu gọi ‘tất cả các bên’ phải ‘kiềm chế và giữ bình tĩnh’.
“Trung Quốc phản đối hành động Bắc Hàn phóng tên lửa vi phạm nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc,” nữ phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Hoa Xuân Oánh trả lời hôm 29/8 khi được hỏi liệu Bắc Hàn có nên bị ‘đặc biệt lên án’ hay không.
Bà Hoa cũng dành lời chỉ trích cho các nước Mỹ, Nhật, Hàn trong cuộc khủng hoảng Triều Tiên vì cho rằng chính các nước này “đã tạo ra vòng luẩn quẩn của các cuộc thử hạt nhân, phóng tên lửa (của Bắc Hàn) và tập trận (của Mỹ, Nam Hàn và Nhật Bản) liên miên”.
Bà chỉ trích các nước này là “tập trung quá mức vào các biện pháp trừng phạt trong khi không hề có nỗ lực tạo điều kiện và hoàn cảnh cần thiết để nối lại các cuộc đàm phán sáu bên.” - VOA
|
|
18.
Vụ Trịnh Vĩnh Bình 'là một bài học cho chính phủ VN'

Nhà báo tài chính Phan Thế Hải nhận định chính phủ VN phải rút ra một số bài học từ sau vụ kiện thế kỷ với doanh nhân Việt kiều Trịnh Vĩnh Bình.
Trước đó, hôm 30/8 tại buổi họp báo chính phủ thường niên, Việt Nam lần đầu tiên thừa nhận bị doanh nhân Việt kiều Trịnh Vĩnh Bình kiện 1,25 tỷ đôla.
Phó thủ tướng Mai Tiến Dũng không nói rõ chi tiết của vụ kiện nhưng thừa nhận: "Đây là vấn đề bảo hộ đầu tư. Một cơ quan nào vi phạm hoặc không thực hiện đúng cam kết thì nhà đầu tư nước ngoài đều kiện chính phủ, chứ không phải kiện địa phương đấy."
"Quan điểm của chính phủ, thủ tướng là sẽ tạo môi trường, kinh doanh bình đẳng của các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Hiện tòa quốc tế đang xem xét với việc tranh chấp vi phạm thỏa thuận nên chúng ta phải đợi thôi," ông Mai Tiến Dũng kết luận.
Qua vụ kiện của ông Trịnh Vĩnh Bình, nhà báo Phan Thế Hải cho rằng người nước ngoài cũng sẽ hiểu Việt Nam hơn - "một quốc gia với một nền pháp quyền vị thành niên. Luật lệ nhiều nhưng hiểu biết về luật lệ rất hạn chế."
Đồng thời, người Việt Nam cũng sẽ hiểu hơn về luật pháp nước ngoài, ông Phan Thế Hải nói với BBC Tiếng Việt.
"Họ sẽ hiểu hơn rằng nhà nước được làm gì và không được làm gì với công dân của mình, hơn thế là với các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài."

Bài học cho chính phủ Việt Nam
Cũng theo nhà báo Thế Hải, chính phủ Việt Nam nên rút ra ba bài học sau:
"Bài học thứ nhất theo tôi đó là về nhà nước pháp quyền. Nhà nước chỉ có thể ứng xử với công dân, với các pháp nhân thông qua các chứng lý mà họ thu thập được, thông qua các hành vi của họ chứ không phải là thông qua sự ngụy tạo của một nhóm lợi ích nào đó. Hơn thế là việc phải tôn trọng luật pháp, ứng xử theo các chuẩn mực của luật pháp.
"Bài học thứ hai là minh bạch thông tin: Giờ đây với sự phát triển của mạng xã hội, mọi thông tin đều có cơ hội đến với công chúng. Dân chúng biết, các nhà đầu tư trong nước biết, nước ngoài biết, anh không thể ngụy tạo, không thể tạo dựng chứng lý để khép tội cho ai đó khi họ không có tội.
"Bài học thứ ba là sự chân thành trong hợp tác. Muốn phát triển, việc mở cửa, thu hút đầu tư phải thật thà, chân thành, không thủ đoạn, không theo kiểu: Trên rải thảm, dưới rải đinh. Khi không chân thành, người ta sẽ không đến với anh, hoặc nếu đến họ đều ứng xử với mình theo cách đó." - BBC

Link:
http://bit.ly/2kWPNo9











No comments:

Post a Comment