Monday, September 18, 2017

TIN CẬP NHẬT CHỦ NHẬT 17/9/2017 (Lê Minh Nguyên)





Tin Thế Giới

1.
Mỹ bác tin đổi chiều về Thỏa thuận khí hậu Paris

Hoa Kỳ nhấn mạnh rằng nước này sẽ rời khỏi Thỏa thuận khí hậu Paris, dù có ghi nhận cho thấy lập trường của họ có thể dịu đi.
Giới chức gặp đại diện Nhà Trắng hôm 16/9 sau đó cho biết Hoa Kỳ sẽ ở lại trong hiệp định ký năm 2015 hoặc thay đổi cách tiếp cận.
Nhà Trắng cho biết "không có gì thay đổi về quyết định của Hoa Kỳ" trừ khi chúng tôi có thể đưa vào những điều khoản có lợi hơn cho nước Mỹ".
Hồi tháng Sáu, Tổng thống Mỹ Donald Trump nói rằng ông muốn có một thỏa thuận "công bằng" mới cho Hoa Kỳ.
Ông nói điều quan trọng là thỏa thuận mới sẽ không gây bất lợi cho các doanh nghiệp Hoa Kỳ, nhưng các bên phản đối nói rằng với việc rút khỏi thỏa thuận này, Mỹ đã từ bỏ vị trí dẫn đầu trước thách thức toàn cầu.
Thỏa thuận Paris đưa ra cam kết chính phủ Mỹ và 187 nước khác đồng ý giữ cho nhiệt độ toàn cầu tăng không quá 2 độ C so với mức nhiệt độ của thời tiền công nghiệp, và sẽ tốt hơn nếu mức tăng chỉ 1,5 độ C.
Chỉ Syria và Nicaragua không ký thỏa thuận này.
Trump nói gì hồi tháng Sáu?
Phát biểu tại Vườn Hồng, Nhà Trắng, tổng thống mô tả Thỏa thuận Paris nhằm mục đích gây bất lợi và làm khánh kiệt nước Mỹ.
Ông tuyên bố thỏa thuận này làm tiêu tốn 6,5 triệu việc làm ở Mỹ và gây thiệt hại 3 tỷ đôla GDP trong bối cảnh các nền kinh tế cạnh tranh như Trung Quốc và Ấn Độ được ưu đãi hơn.
"Để hoàn thành trọng trách bảo vệ nước Mỹ và công dân Mỹ, Hoa Kỳ sẽ rút khỏi Hiệp định khí hậu Paris... nhưng bắt đầu các cuộc đàm phán để tái gia nhập một khi thỏa thuận này có điều khoản mới công bằng cho Hoa Kỳ", ông nói.
Tuy nhiên, trong chuyến thăm Pháp hồi tháng Bảy, ông Trump ám chỉ rằng Hoa Kỳ có thể thay đổi quan điểm về thỏa thuận này.
"Một điều gì đó có thể xảy ra với Thỏa thuận Paris... Chúng ta sẽ thấy những gì xảy ra." - BBC
|
|
2.
Thỏa thuận khí hậu Paris: Mỹ duy trì áp lực

Nhà Trắng dập tắt hy vọng vừa để ngỏ tại hội nghị khí hậu Montréal khai mạc ngày 16/09/2017. Washington thông báo tái khẳng định lập trường của tổng thống Trump, rút khỏi thỏa thuận Paris nếu như các đòi hỏi của Hoa Kỳ không được chấp nhận.
Trước đó, nhiều nhà đàm phán quốc tế nuôi hy vọng Hoa Kỳ sẽ thay đổi thái độ trong hồ sơ khí hậu, với việc cử một đại diện đến Montréal, Canada. Hội nghị này quy tụ bộ trưởng Môi Trường của khoảng 30 quốc gia với mục tiêu đẩy nhanh việc thực thi thỏa thuận Paris COP 21. Nhưng ngay tối qua, thông cáo của Nhà Trắng là "một gáo nước lạnh". Thông tín viên Jean-Louis Pourtet tường trình từ Washington :
« Ủy viên châu Âu phụ trách hồ sơ này, Miguel Arias Canete, dẫn lời của thành viên phái đoàn Mỹ, theo đó Hoa Kỳ có thể sẽ xem xét khả năng ở lại trong thỏa thuận khí hậu Paris, mà không cần thương lượng lại. Điều này ngay lập tức được giải thích như là lập trường của Washington có thể sẽ mềm dẻo hơn. Tuy nhiên, chính quyền Mỹ đã bác bỏ khả năng này. Phát ngôn viên Nhà Trắng Sarah Huckabee Sanders : ‘‘Không có bất cứ một thay đổi nào trong lập trường của chúng tôi. Tổng thống Trump đã nhiều lần nói rõ ràng là Hoa Kỳ sẽ rút, trong trường hợp không đưa được vào thỏa thuận Paris những sửa đổi có lợi cho đất nước chúng tôi’’.
Quả thực là không có dấu hiệu nào cho thấy Donald Trump đứng về phía những người bảo vệ môi trường. Ông đã loại bỏ gần như tất cả các biện pháp vì môi trường của người tiền nhiệm Obama. Tuy nhiên, tổng thống Mỹ cũng có thể thay đổi quan điểm, như trong trường hợp Hiệp Định Tự Do Mậu Dịch Bắc Mỹ (NAFTA) hay quy chế đón tiếp trẻ em nhập cư (DACA).
Tổng thống Trump đã để ngỏ cánh cửa cho các thương lượng về khí hậu, đặc biệt với đồng nhiệm Pháp Emmanuel Macron khi đến Paris dự lễ Quốc Khánh 14 Tháng 7. Trong bối cảnh Donald Trump chuẩn bị phát biểu lần đầu tiên trước Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc vào thứ Ba tuần tới, cũng có thể là tổng thống Mỹ sẽ tỏ thái độ hòa hoãn hơn, để được cộng đồng quốc tế hưởng ứng hơn ».

Thỏa thuận Paris không thể đảo ngược
Lập trường xoay như chong chóng của Mỹ dường như không cản trở cộng đồng quốc tế khẩn trương thực thi thỏa thuận khí hậu Paris, thông qua tại hồi tháng 11/2015, nhằm giới hạn nhiệt độ Trái đất tăng không quá 2°C so với thời tiền công nghiệp.
Các trận bão Harvey và Irma gây thiệt hại nặng nề cho miền nam Hoa Kỳ cho thấy không quốc gia nào, dù hùng mạnh như nước Mỹ, có thể tránh được các thảm họa do biến đổi khí hậu gây nên.
Theo AFP, trong buổi họp báo kết thúc hội nghị Montréal, bộ trưởng môi trường Canada Catherine McKenna nhấn mạnh là các quốc gia tham dự khẳng định « Thỏa thuận Paris là không thể đảo ngược, và không thể thương lượng lại ».
Ủy viên Châu Âu phụ trách khí hậu Arias Canete cho biết, trước thượng đỉnh COP 24 tại Ba Lan năm tới 2018, cộng đồng quốc tế cần phải thảo ra được các quy định nhằm « theo dõi, kiểm tra và so sánh » mức phát thải của mỗi nước, một bước quan trọng trong việc thực thi thỏa thuận khí hậu. Theo đại diện của Liên Hiệp Châu Âu, các cuộc gặp bên lề Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc vào tuần tới sẽ cho phép làm rõ « lập trường thực sự » của Hoa Kỳ. - RFI
|
|
3.
Tòa án Ai Cập kết án cựu tổng thống 25 năm tù vụ làm gián điệp cho Qatar

Một tòa án của Ai Cập hôm thứ Bảy đã kết án tổng thống bị lật đổ Mohammed Mursi thuộc tổ chức Huynh đệ Hồi giáo 25 năm tù giam trong một phán quyết cuối cùng về một vụ án cáo buộc ông làm gián điệp cho Qatar.
Ông Mursi, được bầu cử dân chủ sau cuộc cách mạng năm 2011 ở Ai Cập, bị truất quyền vào giữa năm 2013 bởi tướng Abdel Fattah al-Sisi, giờ là tổng thống, theo sau những cuộc biểu tình phản đối rầm rộ nền cai trị của ông. Ông bị bắt giữ ngay lập tức.
Tòa Phá án của Ai Cập đã giảm bản án của ông Mursi trong vụ án Qatar từ 40 năm xuống còn 25 năm tù trong phán quyết cuối cùng.
Ông Mursi hiện đang thi hành bản án 20 năm tù sau khi bị kết tội sát hại người biểu tình trong các cuộc biểu tình vào năm 2012.
Kể từ khi bị lật đổ ông Mursi, ông Sisi đã trấn áp quan điểm bất đồng chính kiến. Các vụ xét xử tập thể đã được tổ chức đối với hàng ngàn người ủng hộ Huynh đệ Hồi giáo, và hàng trăm người đã nhận án tử hình hoặc án tù lâu năm.
Năm 2014, Ai Cập buộc ông Mursi và chín người khác tội gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia bằng việc tiết lộ bí mật nhà nước và các tài liệu nhạy cảm cho Qatar. Quan hệ của Ai Cập với Doha vốn đã không suôn sẻ vì Qatar ủng hộ ông Mursi.
Ai Cập là một trong bốn nước Ả-rập trong khối do Ả-rập Saudi dẫn đầu đã cắt đứt quan hệ với Qatar vào ngày 5 tháng 6, cáo buộc nước này hậu thuẫn các nhóm chủ chiến và hợp tác đối thủ không đội trời chung của họ là Iran, những cáo buộc mà Qatar phủ nhận. - VOA
|
|
4.
Merkel tuyên bố hạn chế thương mại với Thổ Nhĩ Kỳ vì các vụ bắt giữ

Đức sẽ không có lựa chọn nào khác ngoài việc hạn chế các mối quan hệ kinh tế với Thổ Nhĩ Kỳ để gây áp lực lên đối tác NATO này của Đức buộc họ thả các công dân Đức bị Thổ Nhĩ Kỳ giam giữ vì lý do chính trị, Thủ tướng Angela Merkel nói trong một phát biểu được đăng trên báo hôm thứ Bảy.
Quan hệ giữa hai nước đã bị căng thẳng vì chiến dịch đàn áp của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan nhắm vào các đối thủ sau cuộc đảo chính bất thành vào năm ngoái. Đức và các đối tác của Đức trong Liên minh Châu Âu nói rằng cuộc đàn áp này làm suy yếu nền dân chủ.
Thổ Nhĩ Kỳ và Đức cũng có mâu thuẫn về việc Berlin từ chối dẫn độ những người xin bảo hộ tị nạn mà ông Erdogan cáo buộc có dính líu trong cuộc đảo chính bất thành chống lại ông.
"Chúng tôi sẽ phải cắt giảm hơn nữa hợp tác kinh tế chung của chúng tôi với Thổ Nhĩ Kỳ và săm soi các dự án," bà Merkel nói với báo Passauer Neuen Presse trong một cuộc phỏng vấn khi được hỏi bà muốn đạt được việc phóng thích công dân Đức đang bị cầm giữ ở Thổ Nhĩ Kỳ ra sao.
Những căng thẳng âm ỉ đã len vào chiến dịch vận động tranh cử liên bang ở Đức, đặc biệt là sau khi ông Erdogan kêu gọi người Đức gốc Thổ tẩy chay các đảng chính trong cuộc bầu cử vào ngày 24 tháng 9 này.
Là nơi sinh cư của khoảng 3 triệu người gốc Thổ, Đức lâu nay vẫn có quan hệ hữu hảo với Thổ Nhĩ Kỳ, nước cũng là một đối tác thương mại và điểm đến du lịch lớn cho du khách Đức.
Các quan chức Đức tức giận vì Thổ Nhĩ Kỳ bắt giữ khoảng một chục công dân Đức, trong đó có nhà báo người Đức gốc Thổ Deniz Yucel, người đã bị giam giữ hơn 200 ngày.
Bà Merkel, người lãnh đạo đảng bảo thủ được dự báo sẽ chiến thắng cuộc bầu cử và và đem về nhiệm kì thủ tướng thứ tư cho bà, hôm thứ Ba nói rằng Đức sẽ hạn chế việc bán vũ khí cho Thổ Nhĩ Kỳ.
Bộ trưởng Ngoại giao Sigmar Gabriel của đảng Dân chủ Xã hội chủ trương trung tả, người đang theo sau phe bảo thủ trong các cuộc thăm dò ý kiến, trước đó đã nói rằng tất cả các mặt hàng vũ khí chính xuất khẩu sang Thổ Nhĩ Kỳ đã bị tạm ngưng.
Bà Merkel nói trong một cuộc tranh luận trên truyền hình trước đó trong tháng này rằng Thổ Nhĩ Kỳ không nên trở thành một thành viên của Liên minh Châu Âu – là đối tác thương mại lớn nhất của Thổ Nhĩ Kỳ mà Thổ Nhĩ Kỳ có liên minh thuế quan.
Bà nói bà sẽ nói chuyện với các đối tác EU của Đức để đạt được một thỏa hiệp chấm dứt các cuộc đàm phán gia nhập khối này của Thổ Nhĩ Kỳ. - VOA
|
|
5.
Tổng thống Mỹ, Hàn Quốc bàn về Bắc Hàn --- Kuwait yêu cầu đại sứ Bắc Hàn về nước --- Khủng hoảng Triều Tiên: Mỹ tái khẳng định có giải pháp quân sự

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 17/9 đồng ý gây thêm áp lực mạnh hơn nữa lên Bắc Hàn thông qua các biện pháp trừng phạt vì các vụ thử hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng.
Reuters dẫn lời Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc cho biết rằng hai nguyên thủ đã đi tới sự đồng thuận trên sau cuộc điện đàm trước đó.
Phát ngôn viên Park Soo-hyun nói trong một buổi họp báo được phát trên truyền hình: “Hai lãnh đạo đồng ý tăng cường hợp tác và áp đặt các biện pháp trừng phạt thực tiễn mạnh hơn nữa đối với Bắc Hàn để nước này nhận ra rằng các hành động khiêu khích chỉ dẫn tới việc bị cô lập thêm về ngoại giao và áp lực kinh tế”.
Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc cho biết rằng cả ông Moon và Tổng thống Trump đã mạnh mẽ lên án vụ thử tên lửa mới nhất của Bắc Hàn.
Hai nhà lãnh đạo này cũng đồng ý rằng cả Seoul và Washington sẽ làm việc với cộng đồng quốc tế để thực thi nghị quyết 2375 mới nhất của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.
Cuộc điện đàm trên diễn ra vài ngày sau khi Bắc Hàn phóng tên lửa qua Hokkaido ở phía bắc Nhật Bản và rơi xuống một điểm ở Thái Bình Dương cách đó khoảng 2.000 km về phía đông.
Trước đó, hãng thông tấn Triều Tiên đe dọa sẽ dùng vũ khí hạt nhân “nhấn chìm” Nhật Bản và biến Hoa Kỳ thành “tro tàn” vì đã ủng hộ nghị quyết và các biện pháp trừng phạt của Liên Hiệp Quốc, theo Reuters. – VOA

***
Kuwait đã lệnh cho đại sứ Bắc Hàn phải rời quốc gia vùng Vịnh này trong vòng một tháng, trong một động thái hạ giảm mối quan hệ ngoại giao với Bình Nhưỡng.
Reuters trích lời một nhà ngoại giao Bắc Hàn cho biết như vậy hôm 17/9, ít lâu sau khi Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc áp đặt các biện pháp trừng phạt mới, và Hoa Kỳ kêu gọi các nước cắt đứt quan hệ ngoại giao cũng như kinh tế với Bình Nhưỡng vì nước này thử hạt nhân và tên lửa.
Nhà ngoại giao không muốn nêu tên nói với hãng tin của Anh rằng đại sứ So Chang Sik sẽ rời Kuwait sau khi nước này đi tới quyết định hạ giảm đại diện ngoại giao Bắc Hàn xuống cấp tham tán.
Kuwait, nơi có khoảng 3 nghìn người Bắc Hàn sinh sống, không trả lời yêu cầu bình luận ngay của Reuters. Đây cũng là nước duy nhất ở vùng Vịnh có đại sứ quán Bắc Hàn.
Quyết định được đưa ra hơn hai tuần sau khi Tổng thống Trump gặp lãnh đạo Kuwait ở Washington đầu tháng này.
Tháng trước, Kuwait đã ngưng các chuyến bay trực tiếp tới và rời Bình Nhưỡng, cũng như ngưng việc cấp visa ở cửa khẩu và cấp phép thương mại cho công dân Bắc Hàn.
Theo Reuters, khi đó, Bộ Ngoại giao của Kuwait tuyên bố rằng nước này cam kết thực thi các nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ về Bắc Hàn, đồng thời cho biết đã ngưng cho Bình Nhưỡng vay, cấm nhập khẩu từ Bắc Hàn và cắt giảm nhân viên ngoại giao của nước này ở Kuwait. - VOA

***
Cố vấn an ninh quốc gia Tòa Bạch Ốc, H.R. McMaster ngày 15/9 tuyên bố Mỹ đang tới gần ranh giới cuối cùng của những gì mà các biện pháp chế tài và ngoại giao có thể đạt được trong việc kiềm chế chương trình vũ khí của Triều Tiên.
Triều Tiên sáng sớm 15/9 bắn tiếp một phi đạn ngang qua đảo Hokkaido ở miền bắc Nhật Bản, nhà chức trách Nhật cho biết. Quân đội Mỹ xác định đó là một phi đạn đạn đạo tầm trung và không đề ra mối nguy nào đối với Bắc Mỹ hay lãnh thổ Guam của Mỹ ở Thái Bình Dương.
"Xin nói với những người cho rằng không có giải pháp quân sự rằng đích thực có phương án quân sự," ông McMaster khẳng định với báo chí tại Tòa Bạch Ốc nhưng nói rõ là đó không phải lựa chọn mà chính quyền Trump muốn đưa ra.
Cùng ngày, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Rex Tillerson cáo buộc Triều Tiên đe dọa cả thế giới sau khi Bình Nhưỡng lần thứ hai trong vòng chưa đầy một tháng bắn một phi đạn nữa thách thức áp lực của quốc tế về chương trình phi đạn và hạt nhân của nước này.
Trong nỗ lực mới nhất để đối phó với một vấn đề gây đau đầu cho các cường quốc thế giới, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đã nhóm họp cùng ngày 15/9 để thảo luận về vụ phóng phi đạn, theo yêu cầu của Mỹ và Nhật Bản.
15 thành viên của Hội đồng trước đó đã nhất trí tăng cường các biện pháp chế tài nhắm vào Triều Tiên liên quan tới một vụ thử bom hạt nhân tiến hành vào ngày 3 tháng 9, áp đặt lệnh cấm xuất khẩu hàng dệt may của Bắc Triều Tiên và hạn chế nhập khẩu dầu thô.
Trước đó một ngày, Ngoại trưởng Mỹ kêu gọi Trung Quốc, đồng minh duy nhất của Bình Nhưỡng, và Nga gia tăng áp lực thêm nữa lên Triều Tiên bằng cách "thực hiện những hành động trực tiếp của chính họ."

Nhưng Bắc Kinh phản pháo.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh phủ nhận Trung Quốc nắm giữ chìa khóa giúp xoa dịu căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên và nói rằng bổn phận thuộc về các bên liên quan trực tiếp. Bà cũng nhắc lại lập trường của Trung Quốc rằng các biện pháp chế tài đối với Triều Tiên chỉ có hiệu quả nếu kết hợp với đàm phán. - VOA
|
|
6.
Vụ Rohingya: 'Cơ hội cuối' cho Suu Kyi --- Bangladesh cảnh báo Myanmar về biên giới giữa khủng hoảng người tị nạn

Người đứng đầu Liên Hiệp Quốc nói rằng nhà lãnh đạo Myanmar (Miến Điện) Aung San Suu Kyi có "cơ hội cuối cùng" để ngăn chiến dịch tấn công của quân đội khiến hàng trăm ngàn người Hồi giáo Rohingya trốn ra nước ngoài.
Ông Antonio Guterres nói với BBC rằng trừ phi bà Suu Kyi hành động ngay bây giờ, "bi kịch sẽ rất khủng khiếp".
Liên Hiệp Quốc đã cảnh báo rằng chiến dịch tấn công có thể trở thành thanh lọc sắc tộc.
Chính phủ Myanmar nói rằng họ chịu trách nhiệm về các cuộc tấn công chết người hồi tháng trước và bác tin chiến dịch này nhắm đến thường dân.
Quân đội tiến hành chiến dịch sau khi các cuộc tấn công nhắm vào cảnh sát ở bang Rakhine.
Trong cuộc phỏng vấn với chương trình HARDtalk của BBC trước phiên họp Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, ông Guterres nói rằng bà Aung San Suu Kyi có cơ hội cuối để chấm dứt bạo lực khi bà có bài diễn văn hôm 19/9.
"Nếu bây giờ bà ấy không đảo ngược tình thế, tôi nghĩ rằng bi kịch sẽ rất khủng khiếp, và thật không may là tôi không thấy tình trạng này còn có thể đảo ngược được trong tương lai".
Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc nhắc lại rằng người Rohingya nên được phép trở về nhà.
Ông cũng nói rằng rõ ràng quân đội Miến Điện "đang ở thế kiểm soát tình hình" tại nước này.
Bà Aung San Suu Kyi - người đoạt giải Nobel Hòa bình, từng nhiều năm bị quản thúc tại gia, đang phải đối mặt với những lời chỉ trích ngày càng tăng về vấn đề Rohingya.
Bà sẽ không dự phiên họp Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc ở New York, và tuyên bố rằng cuộc khủng hoảng đang bị bóp méo bởi "những thông tin sai lệch".
Bà nói những căng thẳng đang gia tăng bởi những tin giả có lợi cho những kẻ khủng bố.
Ông Guterres đưa ra cảnh báo sau khi Bangladesh cho biết nước này đang hạn chế làn sóng hơn 400.000 người Rohingya trốn khỏi Myanmar. - BBC

***
Bangladesh cáo buộc Myanmar liên tục xâm phạm không phận của họ và cảnh báo rằng bất kỳ "hành động khiêu khích" nào nữa có thể đưa tới "những hậu quả không đáng có." Phản ứng của Bangladesh cho thấy mối quan hệ giữa hai nước láng giềng, vốn đã căng thẳng vì cuộc khủng hoảng người tị nạn Rohingya, có nguy cơ xấu đi.
Gần 400.000 người Hồi giáo Rohingya từ miền tây Myanmar đã chạy qua Bangladesh kể từ ngày 25 tháng 8, để lánh một cuộc tiến công của chính phủ Myanmar nhắm vào các phần tử nổi dậy mà Liên Hiệp Quốc gọi là "một ví dụ điển hình của việc thanh lọc sắc tộc."
Bangladesh nói các máy bay không người lái và trực thăng của Myanmar đã xâm phạm không phận của họ ba lần vào ngày 10, 12 và 14 tháng 9, và đã triệu tập một quan chức hàng đầu của đại sứ quán Myanmar ở Dhaka để phàn nàn.
"Bangladesh bày tỏ mối lo ngại sâu sắc về việc lặp đi lặp lại các hành động khiêu khích như vậy và yêu cầu Myanmar thực hiện những biện pháp tức thời để đảm bảo sự xâm phạm chủ quyền như vậy sẽ không xảy ra nữa," bộ ngoại giao Bangladesh nói trong một thông cáo vào cuối ngày thứ Sáu.
"Những hành động khiêu khích này có thể dẫn đến những hậu quả không đáng có."
Một phát ngôn viên của chính phủ Myanmar nói với hãng tin Reuters ông không có thông tin về những vụ việc mà Bangladesh phàn nàn, nhưng Myanmar đã phủ nhận một cáo buộc trước đó.
Phát ngôn viên, Zaw Htay, nói Myanmar sẽ kiểm tra bất kỳ thông tin nào mà Bangladesh cung cấp.
"Hai nước chúng tôi đang đối mặt với cuộc khủng hoảng người tị nạn. Chúng tôi cần hợp tác với sự thông hiểu," ông nói với Reuters.
Bangladesh từ hàng chục năm qua đã đối mặt với làn sóng người Rohingya ồ ạt đổ vào nước này để tránh đàn áp ở Myanmar, nơi mà người Rohingya bị coi là di dân bất hợp pháp.

Bangladesh vốn là nơi sinh cư của khoảng 400.000 người Rohingya trước khi cuộc khủng hoảng mới nhất bùng phát vào ngày 25 tháng 8, khi những người Rohingya nổi dậy tấn công khoảng 30 đồn cảnh sát và một trại quân đội, làm thiệt mạng một chục người.
Các lực lượng an ninh Myanmar và những người cảnh giới theo Phật giáo ở bang Rakhine đáp trả bằng điều mà những người theo dõi nhân quyền và những người Rohingya tháo chạy nói là một chiến dịch bạo lực và phóng hỏa nhằm mục đích đuổi người Hồi giáo ra khỏi Myanmar.
Bangladesh nói tất cả những người tị nạn phải về nhà. Myanmar thì nói họ sẽ nhận lại những người có thể xác minh quốc tịch của mình nhưng hầu hết người Rohingya là những người vô quốc tịch.
Thủ tướng Bangladesh Sheikh Hasina ngày thứ Bảy đã lên đường đến dự Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, nơi bà sẽ kêu gọi gia tăng áp lực để đảm bảo Myanmar nhận lại tất cả những người Rohingya sau khi chấm dứt "thanh lọc chủng tộc," phát ngôn viên Ihsanul Karim nói với Reuters. - VOA
|
|
7.
Hun Sen đòi đuổi Peace Corps của Mỹ về nước

Thủ tướng Campuchia hôm thứ Sáu tiếp tục lời lẽ gay gắt nhắm vào Mỹ với việc kêu gọi các tình nguyện viên của Đoàn Hòa bình (Peace Corps) của Mỹ làm công tác phát triển hãy rút về nước.
Đòi hỏi của ông Hun Sen là một phần trong bài diễn văn với những lời lẽ giận dữ của ông trước công nhân may mặc ở ngoại ô thủ đô Phnom Penh. Sự việc này diễn ra một ngày sau khi ông nói với một tờ báo thân chính phủ rằng ông sẽ ra lệnh cho các toán chuyên viên do quân đội Mỹ dẫn đầu đang tìm kiếm thi hài của những quân nhân Mỹ đã mất tích lúc chiến đấu thời chiến tranh Việt Nam phải rút khỏi Campuchia.
Chính phủ Mỹ liệt kê 48 người Mỹ hiện vẫn đang mất tích tại Campuchia.
Đoàn Hòa bình bắt đầu hoạt động tại Campuchia vào năm 2006, chủ yếu là dạy tiếng Anh và huấn luyện chăm sóc y tế. Khoảng 500 người đã tham gia các đợt phục vụ kể từ khi đó.
"Tốt hơn là các người rút hết tình nguyện viên của Đoàn Hòa bình ra khỏi Campuchia," ông Hun Sen nói trong bài diễn văn.
Quan hệ của Washington với ông Hun Sen, người đã nắm giữ quyền lực suốt ba thập niên qua, chưa bao giờ nồng ấm. Mối quan hệ này xấu đi thấy rõ khi thủ lĩnh đảng đối lập chính, Đảng Cứu quốc Campuchia, gần đây bị bắt và buộc tội phản quốc và Mỹ bị cáo buộc thông đồng với ông này lật đổ chính phủ.
Vụ bắt giữ ông Kem Sokha vào ngày 3 tháng 9 là một trong hàng loạt những biện pháp mà ông Hun Sen và chính phủ của ông thực hiện, bị xem là một nỗ lực để làm suy yếu phe đối lập trước cuộc tổng tuyển cử vào năm sau.
Những biện pháp khác bao gồm đóng cửa một tờ báo tiếng Anh độc lập và khoảng một chục đài radio phát tiếng nói của phe đối lập hoặc những chương trình của Đài Tiếng nói Hoa Kỳ và Đài Á Châu Tự do do Chính phủ Mỹ tài trợ. Đài Á Châu Tự do thông báo trong tuần này rằng họ đang đình chỉ các hoạt động tại Campuchia, dù sẽ tiếp tục đưa tin về đất nước này.
Ông Hun Sen đã tăng cường các phát biểu chống Mỹ trong tuần này sau khi Mỹ tuyên bố đình chỉ cấp visa cho các quan chức cao cấp của bộ ngoại giao Campuchia và gia đình họ.
Mỹ nói việc đình chỉ visa, được đưa ra hôm thứ Tư, là vì Campuchia đã từ chối hoặc trì hoãn việc nhận lại các công dân Campuchia bị Mỹ trục xuất sau khi bị kết tội. Bộ Ngoại giao Campuchia cho biết họ chỉ tìm cách sửa đổi một hiệp định năm 2002 về vấn đề này.
Ông Hun Sen dường như cũng giận dữ với việc Đại sứ quán Mỹ hôm thứ Năm đưa ra một thông điệp an ninh cho các công dân Mỹ, nói rằng các sự kiện chính trị gần đây có thể gây căng thẳng tổng thể, dù không có mối đe dọa cụ thể nào. - VOA
|
|
8.
Đặc sứ Mỹ cảnh báo nguy cơ chia cắt Ukraina

Triển khai một lực lượng duy trì hòa bình tại Ukraina, theo mô hình của Matxcơva là một bước « tích cực » nhưng sẽ gây chia cắt trên lãnh thổ Ukraina nếu không được sửa đổi. Trên đây là tuyên bố của đặc sứ Mỹ về tình hình Ukraina ngày16/09/2017 tại Kiev.
Theo AFP, bên lề hội thảo địa chính trị Yalta European Strategy (YES), đặc sứ Mỹ Kurt Volker khen ngợi nước Nga có thái độ « tích cực » khi đề nghị thảo luận và trình Hội Đồng Bảo An kế hoạch gửi một lực lượng quốc tế bảo vệ an ninh cho thanh tra kiểm sóat việc thực thi hiệp định ngưng bắn ở Ukraina. Tuy nhiên, Kurt Volker cho rằng điều kiện do Nga đề nghị chỉ « gây thêm phân hóa tại Ukraina và tạo ra nhiều chướng ngại hơn là giải quyết vấn đề ».
Tuần qua, tổng thống Nga Vladimir Putin đột ngột thay đổi lập trường, từ chống đối sang ủng hộ yêu cầu của Kiev muốn bố trí một lực lượng mũ xanh bảo vệ hoà bình ở miền đông Ukraina, nơi có xung đột giữa phe ly khai thân Nga và quân đội Ukraina.
Tuy nhiên, trái với chủ trương của Kiev, đề xuất của Matxcơva là tập trung lực lượng mũ xanh ở vùng chiến tuyến và với nhiệm vụ duy nhất là bảo vệ thanh tra của Tổ Chức An Ninh Và Hợp Tác Châu Âu OSCE.
Theo nhận định của đặc sứ Mỹ Kurt Volker, nhiệm vụ của lực lượng duy trì hòa bình cần phải bao trùm toàn vùng lãnh thổ nằm trong tay phe ly khai thân Nga để bảo vệ an ninh vừa cho thường dân vừa cho thanh tra quốc tế.
Cũng như Kiev, đặc sứ Mỹ thẩm định là cần phải bố trí lực lượng mũ xanh ở biên giới Ukraina và Nga để ngăn chận vũ khí và chiến binh từ lãnh thổ Nga xâm nhập vào Ukraina tiếp tay cho phe ly khai.
Song song với việc mất bán đảo Crimée, Kiev bất lực nhìn phần lớn lãnh thổ phía đông rơi vào tay phe thân Nga và được Matxcơva hậu thuẫn. - RFI
|
|
9.
Tập trận Zapad: Belarus thông báo khách mời NATO đã tới

Cuộc tập trận song phương Nga-Belarus, diễn ra từ ngày 16 đến ngày 20/09/2017, bị khối NATO nghi ngờ là không minh bạch. Hôm qua 16/09, Belarus ra thông báo trấn an là đại diện nhiều nước thành viên NATO, trong đó có Ba Lan và ba nước vùng Baltic, đã tới quan sát tập trận.
Bộ Quốc Phòng Belarus ra thông báo khẳng định đã mời đại diện bảy nước trong khu vực bao gồm Latvia, Litva, Estonia, Ba Lan, Thụy Điển, Na Uy và Ukraina, và hôm qua, đại diện bảy nước nói trên, gồm hai quan sát viên mỗi nước, đã tới thủ đô Minsk.
Theo bộ Quốc Phòng Belarus, lời mời này đáp ứng « mong muốn phát triển các quan hệ hợp tác và hiểu biết lẫn nhau giữa các quốc gia láng giềng, cũng như các nguyên tắc có đi có lại, cởi mở và minh bạch », theo các thỏa thuận quốc tế mà Belarus tham gia.
Theo chính quyền Minsk, cuộc tập trận « hoàn toàn mang tính phòng vệ » và « không nhắm vào một quốc gia cụ thể nào ». Matxcơva khẳng định khoảng 12.700 binh sĩ Nga và Belarus được triển khai trong khuôn khổ cuộc tập trận mang tên « Zapad 2017 » (Zapad có nghĩa là Hướng Tây).
Tuy nhiên, có nhiều lo ngại tại các nước láng giềng châu Âu. Litva và Estonia cho rằng đợt tập trận có thể huy động đến 100.000 quân. Ukraina và Ba Lan, lo ngại, ẩn dưới hoạt động này là một mưu toan xâm lược. Tổng tham mưu trưởng NATO Jens Stoltenberg cho rằng số lượng hai quan sát viên mỗi nước không bảo đảm tính minh bạch theo quy định của Tổ Chức An Ninh và Hợp Tác Châu Âu OSCE.
Nhìn từ Litva, thông tín viên Marielle Vitureau tại Kudirkos Naumiestis, biên giới với Nga, cho biết dân cư trong vùng đánh giá lo ngại bị Nga xâm chiếm của chính quyền Vilnius là quá đáng :
« Hàng ngày, qua cửa sổ, Jonas Valaitis đều trông thấy nước Nga. Kudirkos Naumiestis từng là thị trấn nằm sát lằn ranh, dòng sông Sesupe là biên giới với Kalinigrad. Ở phía bên kia con sông, là ruộng, đất bỏ trống thuộc khu vực quân sự của Nga. Trại lính thì còn nằm ở mãi rất xa.
Jonas Valaitis là một nông dân cung cấp khoai tây cho cả vùng. Ông không ngại sống ở khu vực giáp giới này. Ông nói : từ khi đường biên giới đóng cửa, cách nay đã 25 năm, ông chưa từng thấy bóng dáng một người lính biên phòng nào lảng vảng bên phía lãnh thổ Nga. Đối với dân cư trong vùng, an ninh được Liên Minh Bắc Đại Tây Dương bảo đảm hơn bao giờ hết.
An ninh được bảo đảm cả ngày lẫn đêm. Trong mắt dân cư sống tại sát vùng biên giới này duy trì một mối bang giao tốt là điều rất quan trọng. Họ cho rằng, lo ngại của Vilnius là quá đáng. Tuy vậy, từ khi xung đột tại Ukraina bùng lên, người dân ở đây lo ngại trước thái độ khó đoán trước của Nga.
Một làn sóng yêu nước đang trỗi dậy tại Litva, quốc gia từng thuộc Liên bang Xô Viết. Năm nay chẳng hạn, ngân sách quốc phòng của Litva đạt 2% so với GDP. Cho dù lãnh đạo Litva tỏ thái độ hòa hoãn, nhưng hiện đại hóa và nâng cao khả năng phòng thủ của Không Quân là một ưu tiên của chính quyền Vilnius". - RFI
|
|
10.
Nga oanh kích một đơn vị đồng minh của Mỹ tại Syria

Lực lượng Kurdistan tại Syria cho biết trong khi tấn công truy đuổi Daech đã bị không quân Nga oanh kích hôm 16/09/2017. Liên minh chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo do Mỹ lãnh đạo xác nhận tin này cho dù Matxcơva phủ nhận lời tố cáo.
Theo AFP, đây là lần đầu tiên lực lượng Kurdistan- Syria chống Daech, do liên minh quốc tế ủng hộ, tố cáo bị không quân của Nga, đồng minh của chính quyền Damas, tấn công. Vụ việc xảy ra tại miền đông Syria nơi mà quân đội Syria được Nga yểm trợ và Lực lượng Dân Chủ Kurdistan-Syria do Mỹ hậu thuẫn từ hai hướng khác nhau tấn công vào Deir Ezzor.
Theo thông báo của lực lượng Kurdistan- Syria, một đơn vị của họ khi tiến đến khu kỹ nghệ ở ngoại ô thành phố thì bị không quân Nga và Syria nhắm bắn làm 6 chiến binh bị thương.
Một phát ngôn viên của không quân Nga ở căn cứ Hmeimim, ở miền tây Syria tỏ ra ngạc nhiên và phủ nhận lời cáo buộc này.
Tuy nhiên, trong thông cáo ngày 16/09/2017, liên minh chống Daech do Mỹ điều hợp xác nhận « Nga đã tấn công vào một đơn vị bạn của liên minh và gây thương tích cho nhiều người (...) đầu đạn của Nga » còn để lại trên trận địa nơi mà « Nga biết rõ chiến binh của Lực lượng Dân Chủ Kurdistan-Syria và các cố vấn đang họat động ». Theo thông báo này, không một cố vấn nào, hàm ý cố vấn Mỹ, bị thương.
Trong lãnh vực ngoại giao, ngày 15/09/2017, tại vòng đàm phán Astana, Kazakhstan, ba nước bảo trợ là Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ đạt thỏa thuận đưa một lực lượng hỗn hợp đến Ileb, thành phố Syria ven biên với Thổ Nhĩ Kỳ, ở Lattaquié, Hama và Alep để bảo đảm an ninh ở vùng « xuống thang bạo lực ».
Tuy nhiên, trái với phản ứng hài lòng của trưởng đoàn Syria, bộ Ngoại Giao Syria ở Damas ra thông cáo không chấp nhận sự hiện diện của lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ trên đất Syria, cho dù dưới hình thức cảnh sát theo dõi thỏa hiệp ngưng bắn giữa chính quyền Syria và phe nổi dậy. - RFI
|
|
11.
Bắc Kinh phản đối Nhật đầu tư vào Đông Bắc Ấn Độ

Hôm qua, 15/09/2017, Trung Quốc đã lên tiếng phản đối việc Nhật Bản có các kế hoạch gia tăng đầu tư vào các bang ở miền Đông Bắc Ấn Độ, vì cho rằng đây là những vùng đang tranh chấp giữa Bắc Kinh và New Delhi.
Sau cuộc họp thượng đỉnh tại Gujarat cách đây hai ngày, thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và thủ tướng Nhật Shinzo Abe đã ra tuyên bố chung về việc đẩy mạnh đầu tư của Nhật Bản vào miền Đông Bắc Ấn Độ. Ông Abe đã đến thăm Ấn Độ trong hai ngày 13 và 14/09, và nhân dịp này đã dự lễ khởi công đường tàu cao tốc đầu tiên ở nước này, công trình do Nhật giúp xây dựng.
Phản ứng về kế hoạch đẩy mạnh đầu tư Nhật Bản vào miền Đông Bắc Ấn Độ, hôm qua, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh (Hua Chunying) tuyên bố rằng đường biên giới giữa Ấn Độ và Trung Quốc chưa được hoàn toàn xác định. Tuy không nói đến tên của bang Arunachal Pradesh của Ấn Độ, nhưng phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc khẳng định vẫn còn tranh chấp ở các khu vực phía đông đường biên giới Ấn-Trung.
Bà Hoa Xuân Oánh khẳng định là Bắc Kinh và New Delhi đang thương lượng để tìm ra một giải pháp « hợp lý và công bằng », có thể được cả hai bên chấp nhận. Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc yêu cầu là « các bên thứ ba », ám chỉ Nhật Bản, không được can thiệp vào việc giải quyết tranh chấp này. - RFI
|
|

Tin Hoa Kỳ

12.
Mỹ tính đóng đại sứ quán ở Cuba

Hoa Kỳ đang cân nhắc đóng cửa cơ quan ngoại giao ở thủ đô Havana để đáp trả điều được coi là vụ tấn công bằng sóng âm vào nhân viên Mỹ ở Cuba.
Reuters dẫn lời Ngoại trưởng Rex Tillerson trả lời kênh truyền hình CBS: “Chúng tôi vẫn đang xem xét. Đây là một sự việc nghiêm trọng liên quan tới những tổn hại mà một số cá nhân phải hứng chịu”.
Năm thượng nghị sĩ thuộc Đảng Cộng hòa hôm 15/9 kêu gọi chính quyền của Tổng thống Trump trả đũa chính phủ Cuba bằng cách trục xuất các nhà ngoại giao của nước này, và đóng cửa đại sứ quán Mỹ ở Havana vì các vụ tấn công bắt đầu từ cuối năm ngoái.
Bộ Ngoại giao Mỹ tháng trước nói rằng một số công dân Mỹ có liên quan tới đại sứ quán Hoa Kỳ ở Havana đã bị ảnh hưởng từ “các vụ việc” liên quan tới sóng âm. Năm người Canada cũng bị ảnh hưởng.
Họ có các triệu chứng gồm buồn nôn, chóng mặt và mất thính giác hoặc trí nhớ tạm thời. Cuba, Mỹ và Canada đã điều tra các vụ tấn công, nhưng hiện vẫn chưa đi tới kết quả cụ thể.
Cuba đã bác bỏ có liên quan. Bộ Ngoại giao Mỹ không đổ lỗi cho Havana, nhưng hồi tháng Năm đã yêu cầu hai nhà ngoại giao Cuba phải rời Washington. - VOA
|
|
13.
Ông Trump đăng lại video ‘đánh ngã’ bà Clinton

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump hôm 17/9 đăng lại một đoạn video “chế” ông đánh quả bóng golf trúng cựu đối thủ Hillary Clinton, khiến bà ngã sấp khi đang lên máy bay.
Cựu ứng viên tổng thống của đảng dân chủ đã xuất hiện nhiều trở lại trên Twitter của Tổng thống thuộc phe Cộng hòa, trong khi bà quảng bá cho cuốn sách mới của mình có tựa đề “What happened” (tạm dịch: Chuyện gì đã xảy ra) về chiến dịch tranh cử năm 2016, theo Reuters.
Đoạn video, cũng được nhiều người sử dụng tweet lại, cho thấy ông Trump đang vung gậy ở trên một sân golf, và sau đó là cảnh cắt ghép quả bóng trúng vào lưng cựu ngoại trưởng Mỹ khi bà đang lên máy bay.
Hãng Reuters đưa tin rằng đoạn video gốc về bà Clinton có từ năm 2011 và không cho thấy quả bóng golf.
Tweet có đoạn: “Cú đánh golf tuyệt vời của Donald Trump” kèm theo hashtag CrookedHillary (Hillary dối trá).
Tuần trước, ông Trump đã viết nhiều đoạn tweet công kích bà Clinton, nói rằng bà “đỗ lỗi cho tất cả mọi người (và mọi thứ), chứ không phải trách bản thân, vì thất cử”.
Phát ngôn viên Nhà Trắng Sarah Sanders sau đó trong ngày nói rằng bà Clinton đã có “những lời kể sai” trong cuốn sách, mà cựu ứng viên này thừa nhận các sai lầm cá nhân trong chiến dịch hồi năm ngoái, nhưng cũng đồng thời có những quan điểm thẳng thắn về các yếu tố dẫn tới chiến thắng của ông Trump, như sự can thiệp của Nga. - VOA
|
|
14.
California sắp trở thành bang dung thân cho người nhập cư bất hợp pháp

Các nhà lập pháp bang California đã phê chuẩn một dự luật để biến bang đông dân nhất của Mỹ thành nơi dung thân cho những người nhập cư không có tư cách cư trú hợp pháp.
Dự luật này sẽ cấm cảnh sát yêu cầu xem tình trạng di trú của những người bị bắt giữ. Dự luật cũng sẽ hạn chế sự hợp tác của cảnh sát với các viên chức di trú.
Thống đốc Jerry Brown nói ông ủng hộ dự luật này mà sẽ tăng cường những biện pháp bảo vệ người nhập cư ở bang này.
Tổng thống Donald Trump trong chiến dịch tranh cử tổng thống đã hứa sẽ trấn áp những người nhập cư không có giấy tờ và khởi động một chương trình trục xuất rộng lớn.
Lãnh đạo thượng viện California, Kevin de Leon, nói dự luật này sẽ ngăn cảnh sát địa phương trở thành "răng cưa trong cỗ máy trục xuất của Trump".
Tuy nhiên, các điều khoản trong dự luật này sẽ cho phép các quan chức chấp pháp cấp địa phương và cấp bang chia sẻ thông tin với nhà chức trách di trú cấp liên bang nếu một người bị kết án phạm một hoặc nhiều hơn một trong số 800 hình tội.
Thống đốc bang Illinois tháng trước đã ký một dự luật bảo vệ người dân khỏi bị câu lưu chỉ vì tình trạng di trú của họ hoặc bởi vì họ là đối tượng của một lệnh bắt giữ liên quan tới di trú. - VOA
|
|
15.
Vụ Nga-Trump: Thêm nhân vật ra khai chứng

Người phát ngôn của cựu quản lý chiến dịch tranh cử cho Tổng thống Donald Trump, Paul Manafort, hôm thứ Sáu đã ra khai chứng trước một đại bồi thẩm đoàn liên bang liên quan đến cuộc điều tra của công tố viên đặc biệt Robert Mueller về sự thông đồng khả dĩ giữa ban vận động tranh cử của ông Trump và Nga.
Jason Maloni, người sáng lập công ty xử lý khủng hoảng quan hệ công chúng JadeRoq LLC, mỉm cười khi bước vào tòa án liên bang vào ngày thứ Sáu, theo tường thuật của Reuters.
Ông Mueller đang điều tra các hoạt động tài chính và bất động sản của ông Manafort cũng như các công tác trước đây của ông cho Đảng Các Khu vực, một đảng chính trị thân Nga ở Ukraine ủng hộ cựu Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovich.
Các nhà điều tra của ông Mueller đang điều tra hoạt động có thể là rửa tiền của ông Manafort, cựu quản lý chiến dịch tranh cử Tổng thống cho ông Trump, cũng như các tội tài chính khả dĩ khác, các nguồn tin nói với Reuters.
Ông Manafort được xem là trọng tâm chính trong cuộc điều tra của ông Mueller vì vai trò cao cấp trong chiến dịch tranh cử Tổng thống của ông Trump.
Ông Manafort cũng có mặt tại cuộc gặp gỡ vào tháng 6 năm 2016 với luật sư người Nga Natalia Veselnitskaya, người đã đề nghị cung cấp thông tin gây tổn hại đối với ứng cử viên Tổng thống bên Đảng Dân chủ Hillary Clinton.
Những người khác trong cuộc gặp gỡ đó bao gồm con trai của Tổng thống Donald Trump Jr., con rể Jared Kushner, và những người khác.
Nga đã phủ nhận mọi sự can thiệp vào cuộc bầu cử và ông Trump đã bác bỏ mọi sự thông đồng.
Trước đó trong năm nay, tư gia của ông Manafort ở bang Virginia đã bị các đặc vụ FBI đột kích.
Ông Maloni, trong vai trò người phát ngôn của ông Manafort, trước đó nói với các phóng viên rằng ông Manafort "vẫn liên tục hợp tác với các cơ quan chấp pháp và những truy vấn nghiêm túc khác và cũng làm như vậy trong dịp này." - VOA
|
|

Tin Việt Nam

16.
Nhìn lại Chiến tranh Việt Nam qua phim "The Vietnam War"

Buổi ra mắt và thảo luận về phim “The Vietnam War” đêm thứ Ba 12/9 của hai đạo diễn Mỹ nổi tiếng về các phim tài liệu có giá trị lịch sử: Ken Burns và Lynn Novick diễn ra tại Trung tâm Biểu diễn Nghệ thuật Kennedy ở thủ đô Washington. Dẫn đầu cuộc thảo luận, ngoài hai nhà đạo diễn và MC là ký giả Martha Raddatz của chương trình tin tức đài ABC, còn có 3 khách mời đặc biệt, Thượng nghị sĩ John McCain, cựu Bộ trưởng Ngoại giao John Kerry và cựu Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel, cả 3 đều là cựu chiến binh từng tham chiến tại Việt Nam.
Trong cử tọa ngồi hầu như chật kín cả hội trường, người ta ghi nhận sự hiện diện của nhiều giới chức trong quân đội và chính phủ, các cựu chiến binh, lãnh đạo doanh nghiệp, các nhà lập pháp và nhân viên quốc hội, cũng như truyền thông báo chí. Mở đầu sự kiện, đạo diễn Ken Burns đã gây hào hứng lập tức khi ông mời các cựu chiến binh từng tham chiến tại Việt Nam có mặt trong cử tọa hãy đứng dậy. Nhiều người đàn ông tóc điểm sương đứng lên. Hội trường òa vỡ với những tiếng vỗ tay không dứt. Ngay sau đó nhà đạo diễn mời những người từng tham gia phong trào phản chiến chống chiến tranh Việt Nam đứng lên, một số người đã ôm chầm các cựu chiến binh, những người mà họ từng nguyền rủa và ruồng bỏ trong cao trào phản chiến. Cử tọa lại òa vỡ với nhiều tràng vỗ tay vang dội.
Đạo diễn Ken Burns tiết lộ rằng khi bắt đầu cuộc hành trình chông gai để thực hiện dự án này, những người đầu tiên mà hai đạo diễn tìm đến là Thượng nghị sĩ McCain, và ông Kerry, lúc đó cũng là một Thượng nghị sĩ.
“Chúng tôi nói chúng tôi cần sự giúp đỡ của hai ông, nhưng chúng tôi sẽ không phỏng vấn, mặc dù câu chuyện của hai người được kể lại trong phim, tự nó đã đầy kịch tính. Chúng tôi cho rằng vì hai ông còn là những nhân vật của công chúng, như ông Kissinger, như Jane Fonda, Daniel Ellesberg, chúng tôi tránh phỏng vấn họ mà chọn những người khác. Nhưng tôi tin rằng Lynn và tôi đã không thể hoàn thành bộ phim này mà không có sự giúp đỡ của hai ông.”
Những clip mà đạo diễn Burns chọn cho công chiếu để giới thiệu bộ phim thực hiện cùng với đạo diễn Lynn Novick, nêu bật những sự chia rẽ sâu sắc và tình trạng hoang mang trong xã hội Mỹ trong và sau cuộc chiến. Những hình ảnh, đoạn phim tài liệu sống động của thời chiến chen lẫn với các cuộc phỏng vấn thực hiện hồi gần đây hơn với tất cả những người thuộc mọi bên trong cuộc xung đột, gợi lại những kinh hoàng trên chiến trường Việt Nam, sự phẫn nộ tột độ thể hiện trong các cuộc biểu tình phản đối chiến tranh Việt Nam, về hậu quả bi thương của cuộc chiến, chiến tranh đầu tiên của người Mỹ không kết thúc trong chiến thắng. Kết thúc là đoạn clip khá dài về những sự xúc động mà Đài Tưởng niệm Chiến tranh Việt Nam gợi lên cho mãi tới ngày hôm nay, phơi bày những vết thương sâu đậm vẫn chưa lành hẳn, gần nửa thế kỷ sau khi chiến tranh kết thúc.
Nên rút ra bài học nào từ chiến tranh Việt Nam? Thượng nghị sĩ John McCain:
“Tôi nghĩ đây là thời điểm đúng lúc để kể lại Chiến tranh Việt Nam, sau một cuộc xung đột, phải có một thời gian để những cảm xúc dịu bớt, nhường chỗ cho một cái nhìn khách quan hơn, và như thế chúng ta mới nắm được câu chuyện nó thực sự xảy ra như thế nào. Tôi tin nó đúng lúc đặc biệt trong bối cảnh tình hình thế giới đang xáo trộn như bây giờ. Có thể chúng ta sẽ nhìn lại cuộc xung đột tại Việt Nam để bảo đảm chúng ta không lặp lại những sai lầm đã phạm trong cuộc chiến đó. Bài học rút ra là, chúng ta phải đảm bảo các nhà lãnh đạo quân sự và dân sự phải thành thực với công chúng, và tránh thi hành lệnh nhập ngũ chỉ nhắm vào các thành phần có thu nhập thấp.”
Ông McCain, cựu tù binh chiến tranh từng bị giam cầm ở nhà tù Hỏa Lò, tiết lộ ông thường xuyên tới thăm Đài Tưởng niệm Chiến tranh Việt Nam, nơi ghi khắc tên tuổi của 58,000 binh sĩ Mỹ đã nằm xuống trên chiến trường Việt Nam. Ông cho biết là thường đến vào sáng sớm hoặc giấc chiều tối, chỉ để bắt tay và trò chuyện với những cựu chiến binh và tưởng nhớ các đồng đội đã ra đi.
“Những người trẻ tuổi này phải hy sinh mạng sống bởi vì lãnh đạo thiếu tài năng và bị hủ hóa - Chúng ta cần các nhà lãnh đạo có khả năng lãnh đạo, giúp vạch ra một lộ trình dẫn tới chiến thắng để chúng ta không bao giờ còn phải hy sinh tính mạng của các quân nhân vào một cuộc chiến không có lối thoát.”
Cựu Ngoại Trưởng John Kerry, một chiến binh từng được trao nhiều huân chương, kể cả Chiến Thương Bội Tinh, thì nêu bật tầm quan trọng của các nỗ lực ngoại giao.
“Bài học mà chúng ta rút ra thật đáng giá. Chúng ta phải biết chúng ta đang làm gì, phải thành thực với dân chúng, chiến tranh phải là giải pháp cuối cùng sau khi đã khai thác triệt để giải pháp ngoại giao. Tất cả những điều đó đều đúng cho chiến tranh Việt Nam và đúng cho tất cả mọi sự lựa chọn mà bây giờ chúng ta đang đối mặt.”
Ông Kerry nói nếu có một điều gì có thể giúp hàn gắn những sự chia rẽ trong xã hội Mỹ, khiến những người theo phong trào phản chiến có thể ôm lấy các cựu chiến binh đã cầm súng chiến đấu tại Việt Nam, thì đó là phim tài liệu Chiến tranh Việt Nam của Ken Burns và Lynn Novick.
Một cựu chiến binh cũng từng được trao Chiến thương Bội tinh như ông Kerry, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel ca ngợi những nỗ lực của ông McCain và Kerry trong việc bình thường hóa quan hệ với Việt Nam. Ông nói phim The Vietnam War sẽ có ảnh hưởng sâu rộng không những ở Hoa Kỳ mà còn ở cả Việt Nam.
“Tôi chưa xem hết phim, nhưng đã xem khá nhiều. Tôi tin rằng nó đại diện cho và sẽ tiếp tục có ảnh hưởng đáng kể tới xã hội của chúng ta và cả Việt Nam nữa. Bộ phim này là bộ phim hấp dẫn, có tính thuyết phục nhất, đầy đủ nhất, trung thực nhất khi kể lại câu chuyện về chiến tranh Việt Nam.”
Ông Hagel nói tuy xem phim khơi lại những vết thương cũ, nhưng là điều có ích, nhất là cho các thế hệ lãnh đạo tương lai của nước Mỹ.
“Vâng, xem phim rất là đau lòng, nhưng rất quan trọng cho các thế hệ lãnh đạo kế tiếp của Mỹ phải hiểu được những hậu quả của chiến tranh và những hậu quả của các quyết định của chúng ta. Có thể chúng ta không bảo đảm được là tất cả các quyết định đều đúng nhưng bộ phim này sẽ mang lại cho chúng ta một kích thước khác.”
Một chi tiết có lẽ sẽ gây rất nhiều chú ý đối với khán giả Việt Nam là biến cố Tết Mậu Thân năm 1968, khi nhiều thường dân bị cộng sản Bắc Việt thảm sát, có người bị chôn sống, đã được nhắc đến trong phim. Đây có lẽ là phim tài liệu có tầm cỡ đầu tiên của Mỹ nhắc đến vụ thảm sát ở Huế.
Bà Duong Vân Mai Elliott, tác giả cuốn “The Sacred Willow” về 4 thế hệ của một gia đình Việt Nam, được các nhà làm phim yêu cầu cộng tác và xuất hiện nhiều lần trong phim. Bà có gia đình ở cả hai bên chiến tuyến, nói bà kinh ngạc khi thấy đạo diễn Ken Burns nhắc đến biến cố Tết Mậu Thân.
“Tôi xem tôi rất là sửng sốt, tôi cũng nói với ông (đạo diễn Burns) đây là lần đầu tiên mà một người ngoài Bắc đã tham chiến, công nhận vụ thảm sát ở Huế xảy ra năm Mậu Thân 1968. Tôi rất là ngạc nhiên. Nếu mà ông ấy phỏng vấn như thế này cách đây mười mấy năm thì chưa chắc họ đã dám nói như vậy, nhưng mà lúc ông phỏng vấn thì tôi thấy họ nói trung thực lắm.”
Thẩm phán Phan Quang Tuệ, từng phục vụ tại Tòa án Di trú San Francisco nay đã về hưu, cũng xuất hiện trong phim. Ông nhận xét:
“Nhìn qua những bộ phim đã có, tôi thấy không có phim nào có thể trung thực hơn, và tôi không nghĩ là tương lai sẽ có một cuộn phim nào khác nữa vì cho tới khi phim này ra thì đã 42 năm sau cuộc chiến. Hai, ba thế hệ đã lớn lên, cuộn phim này ghi lại trung thực lịch sử, không phải của cuộc chiến mà qua cái lịch sử cuộc chiến đó, lịch sử Việt Nam, Nam cũng như Bắc. Tôi thấy điều cần làm là phải phổ biến rộng rãi phim này ở Việt Nam.”
Chiến tranh Việt Nam, hơn 4 thập niên sau, vẫn là một chủ đề hóc búa cho một phim tài liệu, và chắc chắn trong những ngày tới, “The Vietnam War” sẽ còn gây rất nhiều tranh cãi tại Hoa Kỳ, tại Việt Nam và trong các cộng đồng người Việt hải ngoại khắp nơi.
Phim tài liệu 10 tập “The Vietnam War” của đạo diễn Ken Burns và Lynn Novick sẽ lần lượt được công chiếu trên đài PBS, bắt đầu từ ngày Chủ nhật 17 tháng 9. - VOA
|
|
17.
Việt Nam chỉ trích Bắc Hàn

Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm 17/9 lên tiếng sau khi Bắc Hàn phóng tên lửa qua Nhật Bản, bất chấp các nghị quyết của Liên Hiệp Quốc (LHQ).
Trong tuyên bố đăng trên trang web của Bộ này, phát ngôn viên Lê Thị Thu Hằng nói: “Việt Nam quan ngại sâu sắc trước việc CHDCND Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo qua không phận Nhật Bản ngày 15/9/2017, vi phạm nghiêm trọng các nghị quyết liên quan của Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc, làm gia tăng căng thẳng ở khu vực”.
Bà Hằng nói thêm rằng “Việt Nam nhất quán ủng hộ mọi nỗ lực thúc đẩy đối thoại và duy trì hòa bình, ổn định trên Bán đảo Triều Tiên”, đồng thời “kêu gọi các bên tuân thủ nghiêm túc các nghị quyết liên quan của Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc và có những hành động mang tính xây dựng, thiết thực, đóng góp cho việc duy trì hòa bình, an ninh và ổn định của khu vực và trên thế giới”.
Hai ngày trước đó, Bắc Hàn phóng một quả tên lửa đạn đạo qua lãnh thổ Nhật Bản sau khi LHQ áp đặt các biện pháp trừng phạt mới.
Cùng ngày Bộ Ngoại giao Việt Nam chỉ trích Bình Nhưỡng, Đại sứ Hoa Kỳ tại LHQ, bà Nikki Haley, nói rằng Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đã hết các giải pháp kiềm chế tham vọng hạt nhân của Bắc Hàn, và Hoa Kỳ có lẽ sẽ phải chuyển vấn đề này sang Bộ Quốc phòng Mỹ.
Trả lời kênh CNN, bà Haley nói rằng “chúng tôi gần như đã hết mọi điều có thể làm tại Hội đồng Bảo an tại thời điểm này”, và nói thêm rằng bà “sẵn lòng chuyển giao vấn đề cho Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis” xử lý.
Nữ đại sứ này nói tiếp rằng “chúng tôi đã thử mọi giải pháp chúng tôi có, nhưng hiện có cả các giải pháp quân sự đặt trên bàn”.
Quan hệ giữa Việt Nam và Bắc Hàn nổi lên gần đây sau khi một phúc trình của LHQ cho biết rằng Bắc Hàn tiếp tục xuất khẩu các mặt hàng cấm, trong đó có than đá, sang các nước, trong đó có Việt Nam, thu về 270 triệu đôla kể từ tháng Hai năm nay.
Sau đó, trả lời VOA tiếng Việt, phát ngôn viên Lê Thị Thu Hằng nói: “Là một thành viên có trách nhiệm của Liên Hiệp Quốc và cộng đồng quốc tế, Việt Nam luôn luôn tuân thủ các nghị quyết liên quan của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, trong đó có Nghị quyết số 2371”.
Nghị quyết Hà Nội đề cập ở trên được thông qua ngày 5/8, theo đó cấm Bắc Hàn xuất khẩu than, sắt và quặng sắt, chì và quặng chì cũng như hải sản. Biện pháp này được cho là sẽ khiến Bình Nhưỡng mất đi một lượng ngoại tệ đáng kể lên tới một tỷ đôla. - VOA
|
|
18.
Quan hệ Việt-Trung ‘sóng gió’ tới mức nào?

Giới quan sát cho rằng mối quan hệ từng được coi là “môi hở, răng lạnh” giữa Hà Nội và Bắc Kinh đang ở trong “giai đoạn sóng gió nhất” trong nhiều năm.
Mối bang giao Việt – Trung, theo nhận định của giáo sư Carl Thayer, “đang ở mức thấp nhất kể từ giai đoạn tháng Năm tới tháng Bảy năm 2014”, khi hai quốc gia ở thế đối đầu quanh giàn khoan dầu HD 981 mà Hà Nội nói là Bắc Kinh đưa vào Vùng Đặc quyền Kinh tế của mình.
“Trung Quốc không chỉ hủy các hoạt động giao lưu hữu nghị quốc phòng trên biên giới mà tin cho hay, còn đe dọa sử dụng vũ lực nếu Việt Nam tiếp tục khoan thăm dò dầu khí ở Bãi Tư Chính [ở Trường Sa]. Việt Nam đã phải ngưng hoạt động của công ty Repsol của Tây Ban Nha tại đó”, ông Thayer cho biết.
“Một cuộc gặp giữa bộ trưởng ngoại giao hai nước bên lề cuộc họp bộ trưởng thường niên của ASEAN ở Manila hôm 7/8 đã bị hủy. Hồi cuối tháng Tám, tin tức xuất hiện về chuyện các chuyên gia mạng cùng các hacker của Trung Quốc đã tấn công vào các hệ thống của doanh nghiệp và chính phủ của Việt Nam”.
Theo Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược (CSIS), các quan chức tham dự cuộc họp của các bộ trưởng ngoại giao ASEAN ở Manila đầu tháng trước suýt nữa không thể ra được một thông cáo chung vì những bất đồng liên quan tới việc đề cập tranh chấp Biển Đông do vấp phải sự phản đối từ Campuchia và nước chủ nhà Philippines, trong khi Việt Nam thúc đẩy việc sử dụng ngôn từ mạnh hơn.
Cơ quan Sáng kiến Hàng hải của CSIS viết tiếp trong một bài phân tích rằng Trung Quốc đã phản đối tuyên bố mạnh hơn và cáo buộc Việt Nam “là nước duy nhất lấn biển ở Biển Đông”.
Trong một động thái mà các nhà quan sát cho rằng Bắc Kinh không còn “kiêng dè” Hà Nội, CSIS dẫn lời Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị nói rằng “tại thời điểm này, nếu hỏi ai thực hiện việc lấn biển, thì dứt khoát không phải Trung Quốc. Có lẽ nước nêu lên việc này làm chuyện đó”.
Theo ông Thayer, cho dù quan hệ hai nước có chiều hướng đi xuống, Việt Nam tiếp tục theo đuổi chính sách “vừa hợp tác vừa đấu tranh” với Trung Quốc.
Giáo sư nghiên cứu về chính trường Việt Nam đề cập tới chuyện hồi tháng Tám, Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Ngô Xuân Lịch đã tới Washington để gặp người đồng nhiệm James Mattis và củng cố hợp tác quốc phòng, mà đáng chú ý nhất là thông báo rằng Việt Nam sẽ đón một hàng không mẫu hạm tới cập cảng quốc tế Cam Ranh vào năm tới.
Ông cũng nói tới chuyện cuối tháng trước, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thăm Indonesia và Miến Điện. Trong khi ở Jakarta, ông Trọng đã cụ thể kêu gọi đoàn kết ở khu vực về vấn đề tranh chấp Biển Đông.
Ngày 31/8, phản ứng trước cuộc diễn tập quân sự của Trung Quốc ở cửa Vịnh Bắc Bộ, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam đã “hết sức quan ngại”, và kêu gọi Trung Quốc “chấm dứt và không lặp lại các hành động làm phức tạp tình hình tại Biển Đông”, và“đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam đã giao thiệp với đại diện Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội, để nêu rõ lập trường của Việt Nam”.
Ít ngày sau đó, hôm 6/9, Việt Nam một lần nữa lại phản đối cuộc tập trận bắn đạn thật của Trung Quốc ngoài khơi quần đảo Hoàng Sa.
Theo Giáo sư Carl Thayer, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam đã sử dụng ngôn ngữ mạnh mẽ hơn như “mạnh mẽ phản đối hành động này của Trung Quốc, nghiêm túc yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, không lặp lại các hành động tương tự, không làm ảnh hưởng đến hòa bình, ổn định ở khu vực và Biển Đông”.
Tuy nhiên, sau đó, Trung Quốc đã bác bỏ chỉ trích của Việt Nam, nói “không làm gì sai” và đồng thời kêu gọi “bên có liên quan nên xem xét các cuộc tập trận một cách bình tĩnh và hợp lý”.
Trong khi đó, trong cùng thời gian, theo Giáo sư Thayer, số du khách Trung Quốc tới Việt Nam “tăng mạnh, đầu tư tăng và thương mại hai chiều đạt 25,5 tỷ đôla trong quý đầu tiên”.
“Nhiều khả năng hiện trạng này sẽ tiếp diễn cho tới khi Trung Quốc tổ chức đại hội của Đảng Cộng sản Trung Quốc bắt đầu vào ngày 18/10”, nhà nghiên cứu nói với VOA tiếng Việt từ Australia.
Tờ Hoàn cầu Thời báo có tư tưởng dân tộc của Trung Quốc từng đăng một bài xã luận trong đó nhắc tới chuyến thăm Mỹ và Nhật của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc hồi cuối tháng Năm và đầu tháng Sáu.
Bài báo có đoạn: “Các chuyến thăm liên tiếp tới Mỹ và Nhật Bản cho thấy sáng kiến của Việt Nam nhằm đóng vai trò lớn hơn trong các vấn đề khu vực”.
Hoàn cầu Thời báo viết tiếp rằng “đối mặt với sự trỗi dậy của Trung Quốc, Việt Nam cần phải ve vãn các nước khác ngoài khu vực nhằm khống chế Trung Quốc ở Biển Đông và bảo vệ các quyền lợi của mình”. - VOA

Link:
http://bit.ly/2kWPNo9









No comments:

Post a Comment