Saturday, September 23, 2017

TIỀN LỆ 'ĐÁNG TIẾC, ĐAU ĐỚN, CHƯA TỪNG CÓ' (Quốc Phương - BBC Tiếng Việt)




Quốc Phương
BBC Tiếng Việt
23 tháng 9, 2017

Việc nước Đức tuyên bố tạm dừng quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam liên quan vụ ông Trịnh Xuân Thanh bị 'mật vụ' Việt Nam tới Đức 'bắt cóc' theo quan điểm của phía Đức là một điều 'hết sức đáng tiếc' cho quan hệ hai nước và đây là lần đầu tiên xảy ra một việc hệ trọng như vậy với Việt Nam, theo một cựu thành viên Ban cố vấn của Thủ tướng Chính phủ.

Tiến sỹ Lê Đăng Doanh cho rằng vụ việc đổ vỡ trong quan hệ đối tác chiến lược Đức - Việt và nguyên nhân sẽ là một trong những nội dung mà Ban chấp hành Trung ương ĐCSVN 'quan tâm và sẽ thảo luận, cho ý kiến' trong Hội nghị TƯ6 sắp diễn ra tới đây. BBC TIẾNG VIỆT

Trao đổi với BBC Việt ngữ hôm 23/9/2017, một ngày sau khi Bộ Ngoại giao Đức công bố tạm dừng quan hệ trên và đồng thời trục xuất một nhà ngoại giao thứ hai của Việt Nam ra khỏi Đức, Tiến sỹ Lê Đăng Doanh nói:

"Cho đến nay tôi được biết là có lẽ đây là lần đầu tiên mà có một nước đối tác chiến lược đã đơn phương dừng mối quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam và đấy là một điều rất đáng tiếc, bởi vì Việt Nam hiện nay đang rất cần có những người bạn chân thành và thông cảm và hiểu biết đứng bên cạnh Việt Nam trong công cuộc phát triển bền vững cũng như là trong việc thực hiện chủ quyền và bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam."


Khi được hỏi liệu động thái của phía Đức đơn phương dừng quan hệ như vậy liên quan vụ ông Trịnh Xuân Thanh, một cựu cán bộ có vẻ chưa hẳn là hết sức cao cấp và quan trọng của nước này, có là một quyết định 'xứng tầm, đáng làm' của Đức so với 'tải sản' chung là quan hệ đối tác chiến lược khá tốt đẹp được xây dựng từ nhiều năm nay giữa hai nước, Tiến sỹ Doanh bình luận tiếp:

"Theo tôi được biết, phía Đức phản ứng không phải là vì ông Trịnh Xuân Thanh có phải là một cán bộ cao cấp hay không, mà phía Đức coi rằng đây là một sự vi phạm luật pháp của Đức và vi phạm công pháp quốc tế và đấy là điều mà trong mỗi một tuyên bố, tôi thấy là Bộ Ngoại giao Đức đã luôn luôn nhắc lại."

Trước câu hỏi nếu những điều mà phía Đức nói là có cơ sở trong vụ Đức coi ông Trịnh Xuân Thanh đã bị 'bắt cóc', trong khi phía Việt Nam khẳng định là ông đã về nước và 'đầu thú', thì ai ở phía Việt Nam sẽ phải chịu trách nhiệm cho việc gây ra 'đổ vỡ' trong quan hệ hết sức quan trọng này giữa Đức với Việt Nam, cựu Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) nói:

"Điều ấy tôi cũng rất muốn biết và có lẽ nên hỏi những người nào hiện nay đang còn cầm quyền ở trong chính quyền, hiện nay với thông tin chính thức của phía Việt Nam, phía Việt Nam hoàn toàn im lặng và không có bất kỳ thông tin nào, kể cả việc có thừa nhận việc Trịnh Xuân Thanh như thế hay không."

'Đánh chuột vỡ bình quý?'


Có quan điểm cho rằng quan hệ Đức - Việt lâu nay, đặc biệt là quan hệ đối tác chiến lược khá tốt đẹp trong nhiều năm trở lại đây, có thể được ví như là một 'chiếc bình quý', song đã 'bị vỡ' do việc 'đánh một con chuột' nào đó, Tiến sỹ Lê Đăng Doanh, người đã có nhiều năm học tập và tu nghiệp tại Cộng hòa Dân chủ Đức trước đây, bình luận:

"Dĩ nhiên tôi đã luôn luôn nói rằng đấy là một điều rất đáng tiếc và như lần trước đã trả lời phỏng vấn [BBC] ở Budapest, tôi nghĩ đấy là một thiệt hại rất đau đớn đối với quan hệ của hai bên, còn việc qui trách nhiệm hoặc sẽ xác định như thế nào, tôi nghĩ thời gian sẽ trả lời cho chúng ta."

Theo dự kiến, trong vòng vài tuần lễ nữa sẽ diễn ra Hội nghị Trung ương 6 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, trước câu hỏi liệu việc chịu trách nhiệm về các diễn biến quan hệ Đức - Việt bị rạn nứt, đổ vỡ có liên quan vụ việc của ông Trịnh Xuân Thanh, có thể và có nên được nêu ra ở Hội nghị này hay không, Tiến sỹ Doanh cho biết quan điểm:

"Điều đó cho tới nay vẫn chưa hề có thông tin gì chính thức, nhưng theo như thông lệ, Hội nghị Trung ương đã có nội dung đã được ấn định từ trước, trong Hội nghị 2 của Ban chấp hành Trung ương đã có ấn định rõ những Hội nghị Trung ương nào sẽ bàn về những chủ đề gì.

"Còn ngoài ra, Trung ương sẽ nghe Bộ Chính trị báo cáo về các vấn đề mà Trung ương quan tâm và tôi nghĩ chắc chắn đây sẽ là một trong những nội dung mà Trung ương sẽ quan tâm và sẽ thảo luận và cho ý kiến trong Hội nghị quan trọng ấy," chuyên gia nói với BBC Tiếng Việt.

Ông Trịnh Xuân Thanh xuất hiện trong đoạn phim chiếu trong chương trình thời sự của VTV tối 3/8 và nói ông đã 'tự nguyện' về nước và 'đầu thú'. AFP/GETTY

Tiến sỹ Lê Đăng Doanh là một trong 350 du học sinh đầu tiên của Việt Nam tới Moritzburg, Cộng hòa Dân chủ Đức trong thời gian từ 1955-1959, sau khi trở lại Đông Đức và tốt nghiệp đại học tại trường Đại học Kỹ thuật Leuna-Merseburg (Đức) năm 1967, ông sang Moskva năm 1984 để tu nghiệp về quản lý kinh tế và được cấp chứng chỉ tại Viện Hàn lâm Kinh tế Quốc gia Nga.

Từ năm 1968 đến năm 1978, ông làm chuyên viên Văn phòng Chính phủ Việt Nam và là trưởng phòng ở CIEM từ năm 1987 đến năm 1988. Ông là chuyên viên cao cấp từ năm 1988-1990, từng làm thư ký kinh tế cho văn phòng của các nhà lãnh đạo Phạm Văn Đồng, Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười, Nguyễn Duy Trinh... Ông được bổ nhiệm làm viện trưởng CIEM từ năm 1993. Ông từng là phiên dịch viên tiếng Đức cho Cố Tổng Bí thư ĐCSVN ông Nguyễn Văn Linh.


Trong diễn biến liên quan quan hệ Đức - Việt, hôm 22/9, Bộ Ngoại giao Đức đã công bố phát biểu của người phát ngôn về các diễn biến mới trong vụ việc công dân Việt Nam Trịnh Xuân Thanh 'bị bắt cóc' tại Berlin, thông báo có đoạn:

"Cho tới nay, yêu cầu xin lỗi của chúng tôi kèm theo cam kết không vi phạm pháp luật tương tự trong tương lai đã không được Chính phủ Việt Nam đáp ứng. Phía Việt Nam cũng không khẳng định rõ rằng sẽ xử lý những người có trách nhiệm trong vụ việc.

"Chúng tôi đã đưa ra các yêu cầu liên quan đến ông Trịnh Xuân Thanh, trong đó có việc áp dụng quy trình tố tụng theo nguyên tắc pháp quyền đối với ông Trịnh Xuân Thanh và có sự tham dự của các quan sát viên quốc tế.

"Vì lí do cho tới nay phía Việt Nam hoàn toàn không đáp ứng các yêu cầu của chúng tôi cũng như không thừa nhận việc vi phạm pháp luật và phá vỡ lòng tin nên chúng tôi buộc phải áp dụng các biện pháp tiếp theo. Vì vậy, ngày hôm qua, trong buổi làm việc với Đại sứ Việt Nam tại trụ sở Bộ Ngoại giao chúng tôi đã thông báo với phía Việt Nam về việc sẽ tạm dừng mối quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam. Bên cạnh đó, chúng tôi đã quyết định trục xuất thêm một cán bộ của Đại sứ quán Việt Nam. Người này có 4 tuần để cùng gia đình rời khỏi nước Đức.

"Chúng tôi mong đợi rằng phía Việt Nam sẽ thực hiện các yêu cầu của phía Đức.

"Phía Việt Nam biết làm thế nào để có thể khôi phục lại mối quan hệ song phương và khắc phục việc vi phạm pháp luật và phá vỡ lòng tin,'' trang Web của Cơ quan đại diện của CHLB Đức tại Việt Nam thông cáo.







No comments:

Post a Comment