Thursday, September 7, 2017

SUY NGHĨ về NGÀY TỰU TRƯỜNG NIÊN KHÓA 2017 - 2018 (GS Nguyễn Đăng Hưng)




GS Nguyễn Đăng Hưng
8 Tháng Chín, 2017

Cứ mỗi độ thu về, lá vàng bay khắp lối, là ta nghe vang vọng đâu đây tiếng trống tựu trường.

Năm nay ở cái tuổi cổ lai hy, ngày tựu trường có nhiều điều làm tôi lo nghĩ.

Lại một năm học bắt đầu với bao nỗi bất an!

Trước hết là sự việc áp dụng mô hình VNEN lấy từ Colombia đã không có tác dụng tích cực!
Sự thất bại là chuyện phải chờ đợi! 

Từ 42 năm nay, Bộ GD&ĐT đã xem tuổi trẻ Việt Nam như những con chuột bạch, thoải mái đem ra thử nghiệm để rồi chẳng đi đến đâu, chẳng lưu tâm đến những hậu quả cho vài thế hệ đã trải nghiệm. Mà mang về mô hình này, Bộ có nghiên cứu kỹ lưởng đâu? Bộ chỉ làm theo kiểu phong trào. Không ít người đặt ra câu hỏi, phải chăng khi có được gần 90 triệu USD từ ngân hàng thế giới là triển khai rầm rộ để có dịp xài tiền, có dịp có tiền tiêu?

Thêm nữa, Bộ đâu có triển khai dự án với cái tâm cần thiết và dùng người quản lý có tầm thực sự đâu? 

Từ một năm nay (tháng 8/2016) nguồn tiền đổ về đã cạn kiệt, dự án bị phản đối từ mọi nơi nên Bộ phải chấp nhận khai tử không kèn không trống thôi…

Huống nữa, mô hình VNEN đến từ Colombia, áp dụng cho người dân vùng núi thưa thớt dân cư mà đem về Việt Nam cho vùng đô thị đông dân, có truyền thống giáo dục tuy chưa tối ưu cũng đã có chút nền nếp qui củ rồi…

Nay đem về áp dụng nguyên si mà không chịu theo dõi điều chỉnh, không lắng nghe phản ảnh của các giáo viên tâm huyết, các bậc phụ huynh có ý thức về tương lai con em mình, thì hậu quả là một sự phá sản không hơn không kém, chẳng để lại vết tích dấu ấn nào đáng kể nào hết!

Năm nay lại tung lên đự định sẽ áp dụng chương trình giáo dục của Phần Lan !

Chính tôi trong những năm 2000, sau khi tham khảo các thống kê về thành quả giáo dục các nước (PISA) do Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) thực hiện, tôi đã lần đầu tiên nhắc đến Phần Lan như một mẫu mực giáo dục đào tạo cần học hỏi trong một bài phỏng vấn của báo chí Việt Nam.

Nay đọc báo Tuổi Trẻ (5/9/2017) giật tít lớn trên trang nhất: “VN sẽ ‘nhập khẩu’ giáo dục Bắc Âu?”, tôi không khỏi ngỡ ngàng.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã dẫn một phái đoàn hùng hậu đi thăm các nước Bắc Âu và ký kết nhiều bản ghi nhớ hợp tác!

Thú thật từ “nhập khẩu giáo dục” làm tôi hoang mang vì hệ thống giáo dục Phần Lan đâu phải là một sản phẩm có bản quyền, Phần Lan không bế quan tỏa cảng, nước nào cũng có thể tham khảo và đem về áp dụng thôi. Nếu phải dùng sách giáo khoa của họ thì phải nghiên cứu tường tận, chọn lọc ngành nghề, cấp bậc trình độ nghiêm túc trước khi đề nghị đem về Việt nam sử dụng… Việc này không thể theo cảm hứng, thực thi theo kiểu phong trào mà phải có tổ chức của một ban tu thư chuyên nghiệp hẳn hoi, làm việc dài hơi. Lần nữa, tôi không hay chưa thấy có sự chuẩn bị chu đáo cần thiết cho một quyết định đổi mới thực thụ về chương trình giáo dục.

Nhưng điều quan trọng nhất không phải sách vở hay chương trình đào tạo mà là quan điểm, đường lối, triết lý giáo dục… 

Việt Nam có thật sự xây đựng một nền giáo dục nhân văn, tôn trọng tính trung thực đa dạng của tri thức, vì tương lai con em, không áp đặt mà để con em lựa chọn tụ do, điều kiện để có thói quen phản biện và sáng tạo?

Chính một quan chức giáo dục Phần Lan đã đưa ra nhận xét về sự khác biệt căn bản giữa Việt Nam và Phần Lan ngày nay: 

“Giáo viên của chúng tôi được trao quyền tự chủ rất lớn; họ được tự do trong phương pháp sư phạm, tài liệu dạy học và tổ chức chương trình. Giáo viên cũng như học sinh không bị kiểm soát và giám sát nghiêm khắc. Chúng tôi không có những bài kiểm tra tiêu chuẩn vì không muốn học sinh phải bị áp lực. Điều quan trọng, chúng tôi cần học sinh cảm thấy vui vẻ, thoải mái khi tới trường”.

Phải nói thêm là học sinh, sinh viên Bắc Âu không phải theo học những bài giảng chính trị giáo điều, xơ cứng, những bài học lịch sử một chiều gây phản cảm thường trực cho người dạy cũng như người học.

Việt Nam có dám theo Phần Lan ở điểm căn bản này không? 

Ban tuyên giáo có quyết định tháo gỡ vòng kim cô ý thức hệ lỗi thời này không?

Chưa thực hiện điểm mấu chốt này thì “nhập khẩu” giáo dục từ Âu, từ Mỹ, từ Hàn Quốc chỉ là một việc làm nửa chừng, chỉ là thêm một động tác vẽ vời để báo chí đăng tải cho vui mỗi năm ngày khai giảng mà thôi!

Còn chương trình giảng dạy thì đi xa tìm kiếm làm chi cho tốn thời gian, ngân sách? 

Chỉ cần lấy lại chương trình giáo dục của GS Hoàng Xuân Hãn xây dựng chỉ trong 4 tháng năm 1945 và đã được đưa ra áp dụng. Sau đó chính quyền Miền Nam không cần sang Mỹ, sang Nhật tìm hiểu, đã dùng chương trình của nhà trí thức tâm huyết này trong 20 năm (1955-1975) với những thành quả mà ngày nay ai cũng công nhận.

Tôi may mắn đã là một học sinh trường trung học Pétrus Trương Vĩnh Ký, đã thụ hưởng nền giáo dục này mới có ngày hôm nay.

Chỉ cần động tác khiêm tốn và thực tâm nhỏ này cũng sẽ làm thay đổi hẳn cục diện bế tắc triền miên từ hơn 42 năm qua của nền giáo dục Việt Nam!

GS Nguyễn Đăng Hưng
Sài Gòn ngày 5/9/2017

*
*
THAM KHẢO:

Phản hồi của nhà giáo Đào Tiến Thi
1. Trước hết, mời thầy NĐH xem và bình luận của em trên FB Thi Đào/ Thi Dao Tien nhân việc BT Nhạ đi thăm Bắc Âu:

* FB ngày 5/9:
“Chúng tôi có kiểm tra, đánh giá nhưng mức độ không giống các bạn; chúng tôi cũng không có hệ thống thi cử quốc gia giống các bạn. Để thực hiện đổi mới giáo dục, chúng ta phải bắt đầu từ chính chúng ta chứ không thể copy từ nơi khác. Điều quan trọng là đổi mới giáo dục phải là sự tham gia cùng nhau của cả cộng đồng, chứ không chỉ riêng ngành giáo dục”.
(Bà Anneli, Giám đốc trung tâm đổi mới giáo dục Phần Lan)

Ôi, sao bà Anneli không nói thêm cụm từ này cho nó đủ ý: “Chúng tôi không có hệ thống chính trị ưu việt như các bạn”

* FB ngày 4/9
NHÂN XEM TIN ĐOÀN CÔNG TÁC BỘ GIÁO DỤC
THĂM VÀ HỌC TẬP KINH NGHIỆM CÁC NƯỚC BẮC ÂU

Thời sự VTV1 tối nay đưa tin một đoàn công tác của Bộ GD – Đào tạo do BT. Phùng Xuân Nhạ dẫn đầu đang thăm Phần Lan (và những ngày tới sẽ thăm Thụy Điển, Đan Mạch) nhằm học tập nền giáo dục tiên tiến của các nước này.

Theo trang mạng Bill Gates Schools thì “Đoàn giáo dục Việt Nam đã tham dự buổi triển lãm tranh gây quỹ xây dựng thư viện cho một trường nội trú tại Lào Cai; làm việc cùng Cơ quan quốc gia Phần Lan về Giáo dục nhằm tìm hiểu rõ về nền giáo dục tại đất nước này và đặc biệt về cơ hội học tập dành cho học sinh, sinh viên nước ngoài tại Phần Lan”.

Ừ, mong kiếm món tiền viện trợ và cơ hội học tập dành cho học sinh, sinh viên VN tại Phần Lan thì chắc chắn không được nhiều cũng được ít. Chứ học tập nền giáo dục của họ thì biết chắc là không thể. 

Có lẽ không thể học được nền giáo dục của Phần Lan cũng như của bất cứ nước nào trong thế giới dân chủ. Vì sao vậy? Vì nền giáo dục Phần Lan – một nền giáo dục giàu chất nhân văn, một nền giáo dục nhằm phát triển con người (chứ không phải biến con người thành công cụ), chỉ sinh ra trên nền tảng một chế độ dân chủ, văn minh. Nếu xa hơn nữa, cơ sở hạ tầng của nền giáo dục ấy là nền kinh tế thì trường, thị trường đích thực, dựa trên ba trụ cột là Nhà nước pháp quyền – Xã hội dân sự – Tự do báo chí, chứ không phải thị trường “có đuôi” bị lũng đoạn bởi quyền lực độc đoán vô biên. Nền tảng ấy hoàn toàn xa lạ, chính xác là đối lập với VN. 

Có hai câu thơ của một nhà thơ Hy Lạp cổ đại rằng:

Hành kia chẳng nở hoa hồng
Mẹ nô lệ con chớ hòng tự do.


Hành chẳng thể nở hoa hồng. Nhưng ngày nay người ta cũng có thể lai ghép để tạo ra những giống mới, có điều phải cùng họ, cùng loài. Ví dụ, lai mít mật với mít dai, lai táo dại với táo tàu, giỏi hơn nữa, có thể lai cam với quýt (?). Chứ làm sao ghép cành mít vào gốc vông được?

Nếu cần lấy một ví dụ thiết thực hơn: liệu có thể dạy trẻ tính trung thực, không nói dối được không, khi chúng sống trong một môi trường mà sự dối trá ngự trị?

Chỉ có cải cách đồng bộ cả kinh tế, chính trị, xã hội thì GD mới có đất phát triển.

2. Vài điều nói thêm

a. Nhấn mạnh 1 lần nữa: Tội bao trùm là thể chế, đó là cái vòng kim cô trói dân tộc này, là bức tường lửa ngăn cản mọi giá trị của nhân loại có thể vào VN.

b. Chỉ trích, đổ tội cho Bộ GD cũng như cho toàn ngành GD thì rất dễ, thậm chí theo quan sát của em, có một “bàn tay vô hình” luôn lái bức xúc của XH vào 2 ngành GD và Y tế. Việc làm này là mũi tên trúng nhiều đích, ít nhất họ vừa tránh đòn, không để dư luận ném đá trúng “bình” mà ném đá ra ngoài “bình”, và đây cũng là cách tiêu diệt, đe dọa trí thức tiến bộ để thực hiện mục tiêu ngu dân. Nếu không thận trọng thì nhiều yếu tố tiến bộ của GD lại bị chính anh em yêu nước, dân chủ vùi dập. Như đã từng xảy ra việc đánh chương trình dự thảo hồi năm 2014: môn Khoa học xã hội do tích hợp Lịch sử và Địa lý (học của TG chứ chẳng phải tự nghĩ ra) đã bị cả lè phải lẫn lề trái kết tội là “bỏ môn LS”. Hay hồi thập nên 90 của thế kỷ trước, SGK Ngữ văn bị đánh tơi bời, các GS Văn học có tài có tâm bị vùi dập, bôi nhọ, thậm chí bị quy kết chính trị (Nguyễn Đăng Mạnh, Trần Đình Sử, Nguyễn Lộc, Trần Hữu Tá,…) bởi một nhà thơ tay sai của Đảng: Trần Mạnh Hảo (ông Tố Hữu phong TMH là con đê chắn sóng của Đảng).

c. Việc “nhập khẩu” GD đúng là không đem lại kết quả nhưng nó đem lại điều tích cực này: Nó chứng tỏ mọi giá trị của nhân loại chẳng thể nào sống trên nền một chế độ độc tài, phản nhân văn, đi ngược trào lưu tiến hóa (ví dụ dễ hiểu nhất: không thể dạy HS trung thực khi môi trường xung quanh sự dối trá ngự trị). Cho nên theo em không nên mạt sát việc “nhập khẩu” GD mà chỉ nên phân tích vì sao nó (đã và sẽ) thất bại bởi nền chính trị đi ngược trào lưu và nền KT “thị trường định hướng XHCN”.

d. Nền GD của miền Nam 1955 – 1975 có những tiến bộ nhất định nhưng gần đây nhiều người thổi phồng quá mức. Nó có tính nhân bản (so với MB lúc ấy quá nặng ý thức hệ) nhưng về mặt học thuật nó chưa được sâu sắc. Nếu bảo đem chương trình và SGK của nó dùng lại cho bây giờ thì càng không được, bởi rất nhiều thứ đã lạc hậu với thời đại. Ngày nay chỉ tiếp thu cái tinh thần nhân bản, dân tộc, khai phóng của nó, thậm chí ngay cả những giá trị này cũng phải bổ sung, điều chỉnh rất nhiều.  

Kính thư
Đào Tiến Thi









No comments:

Post a Comment