Saturday, September 16, 2017

NHỮNG GÌ ĐƯỢC KỂ TRONG PHIM “THE VIETNAM WAR” ? (Mạnh Kim)





“The Vietnam War” không phải là bộ phim “one size fits all”. Khó có thể đề cập một chủ đề phức tạp liên quan không chỉ chiến tranh và súng đạn như “cuộc chiến Việt Nam” mà không “đụng chạm” bên này hoặc bên kia. Trong một tập này, người phe VNCH sẽ không thể không có cảm giác khó chịu; nhưng trong một tập khác, người phía Bắc Việt chắc chắn sẽ không thoải mái khi thất bại của họ bị phơi bày và giấu giếm của họ bị lôi ra.

Nếu trận Ấp Bắc được miêu tả là tổn thất nặng nề của VNCH thì trận An Lộc cũng được thuật là một thất bại nghiêm trọng của Bắc Việt với số thiệt mạng khoảng 10.000 người. Khi nói về ý chí của quân đội Bắc Việt, bộ phim cũng nói về tinh thần dũng cảm của lính VNCH (“kiên cường” là từ được sử dụng). Khi nói về tình trạng tham nhũng trong quân đội VNCH trong đó có việc hối lộ để tránh đi quân dịch thì phim cũng nhắc đến câu chuyện luôn được Hà Nội giấu kín: “Một số cán bộ đảng viên gửi con ra nước ngoài để tránh nhập ngũ” và “ai có tiền thì đút lót để ban tuyển quân tha cho con họ”…

Khi nói đến sự hỗn loạn trong chính trường VNCH, phim cũng đề cập đến cuộc thanh trừng nội bộ khốc liệt của Lê Duẩn khi bỏ tù hàng trăm người và soán chiếm quyền lực Hồ Chí Minh. Khi nói đến sự bưng bít thông tin của Mỹ thì phim cũng cho biết người dân miền Bắc phải “lén nghe đài BBC” để biết những thất bại chiến trường và tổn thất nhân mạng mà báo chí và truyền thông Hà Nội không bao giờ đề cập. Khi nói về việc Mỹ đổ vũ khí và quân bộ vào miền Nam, “The Vietnam War” cũng nói đến việc “320.000 lính Trung Quốc sang phục vụ ở hậu phương miền Bắc”.

Khi nói về hoạt động quân báo của VNCH, phim cũng nói về “các nhóm ám sát Việt Cộng được điệp viên Bắc Việt hướng dẫn, đi lại ngoài đường, mang theo lệnh giết binh lính (VNCH) đang về phép lẫn các thành viên trong gia đình họ” (Huế-Mậu Thân). Và khi nói về vụ Mỹ Lai, phim cũng nói về việc “trước khi rời thành phố (Huế), cộng sản đã hành quyết có hệ thống ít nhất 2.800 người mà họ gọi là bọn quá khích và phản cách mạng” trong sự kiện Mậu Thân 1968…

“The Vietnam War” không là bộ phim “one size fits all”. Nó dành cho tất cả nhưng không thỏa mãn được tất cả. Bởi vì, cuộc chiến đã để lại một gánh nặng tâm lý cực kỳ khủng khiếp. Nó chạm đến tổn thương lẫn kiêu hãnh. Nó khơi gợi vinh quang và nhục nhã, và sự lẫn lộn giữa vinh quang và nhục nhã. Nó dắt người ta đến ranh giới của đúng và sai, và sự lẫn lộn của đúng và sai. Chỉ bước thêm một bước nhỏ qua lằn ranh, người ta sẽ thấy họ dường như đã sai mà khi lùi lại thì họ lại thấy như là mình đúng. Cái tâm lý đó đè nặng lên lương tri đối với những người có lương tri khi nhìn lại ý nghĩa của việc tham chiến, và với cả những kẻ hậu thế quan sát cuộc chiến như một phần di sản khốc liệt của dân tộc.

“Nhờ anh viết hộ tôi cái gọi là “hội chứng bộ đội” mà bố mẹ tôi mắc phải và không ngừng dằn vặt hàng chục năm qua” – đó là lời nhắn của một người bạn vào hôm qua, sau khi bạn ấy kể câu chuyện rất buồn mà tất cả thành viên gia đình, đều thuộc phe thắng cuộc, phải chịu đựng, từ những mâu thuẫn gay gắt “không thể hàn gắn” khi tranh cãi về sự đúng-sai trong cái dư vị của cuộc chiến. Cô ấy thậm chí nói rằng, “những người lính (Bắc Việt) không bị hy sinh chắc gì đã may mắn hơn những người đã hy sinh!”. Đó là một phần rất khuất của cuộc chiến mà báo chí Việt Nam không bao giờ đề cập.

Chưa có cuộc xung đột nào trong lịch sử dân tộc có một hình thù kỳ quái như cuộc chiến Việt Nam: nó vừa là con quỷ khát máu vừa mang con tim người và những dằn vặt “rất người”. Nếu không thấy được điều này, mà chỉ tụng ca những chiến thắng sau các cuộc bắn giết đồng loại, thì tất cả mất mát và tổn thất xương máu trên tấm thân dân tộc chỉ là một mảnh khăn tang dúm dó vô nghĩa.

Cũng chưa có sự kiện đau thương nào trong lịch sử dân tộc mà sự dối trá tồn tại dai dẳng đến vậy. Nó tồn tại trong suốt giai đoạn chiến tranh và kéo lê sang thời hậu chiến. Trong chiến tranh, tuyên truyền và ngụy dựng hình ảnh “anh hùng” là liều “doping” kích thích tinh thần. Nhưng sau chiến tranh, tuyên truyền đã trở thành liều thuốc độc. Nó làm “hư hỏng” nhận thức thế hệ trẻ. Nó phản tác dụng, khi nó làm thay đổi tính chất cuộc chiến, biến những “anh hùng lực lượng vũ trang” thành những nhân vật nhảm nhí và buồn cười. Nó không mang lại ánh sáng sự thật. Công dụng được dùng không đúng và do vậy tầm sát thương của nó chỉ là đẩy nhanh sự hủy hoại lịch sử.

Với phe “chiến thắng”, cuộc chiến luôn được ca tụng, nhưng cùng lúc cuộc chiến cũng luôn bị tránh né, nếu nó được nhắc bằng những góc nhìn và quan điểm khác biệt. Thật không bình thường khi những người “chiến thắng” lại mang một mặc cảm tương tự một dạng thức ẩn ức tâm lý như thể họ không xứng đáng được gọi là người “chiến thắng”.

Cũng không có chủ đề nào mà sự ngụy biện được sử dụng dữ dội bằng chủ đề cuộc chiến Việt Nam. Sự ngụy biện không chỉ ở một phía để bênh vực một phía. Một nhân vật tên tuổi thuộc VNCH, khi nói với tôi rằng ông ta căm thù cộng sản đến mức từ khi di tản 1975 chưa lần nào trở về Việt Nam chừng nào đất nước “chưa sạch bóng Cộng thù”, nhưng ông ta cũng cho rằng chính sách đàn áp sĩ quan binh lính VNCH của Hà Nội thời hậu chiến là “bình thường”, vì chuyện ấy từng xảy ra trong lịch sử, thời nhà Nguyễn.

Nếu lấy những sai lầm lịch sử để biện minh cho sai lầm hiện tại thì sẽ chẳng có bài học nào được rút ra để tránh lập lại sai lầm cho tương lai. Nếu đó được xem như là một cách “giải thích lịch sử” thì chẳng có “bài học lịch sử” nào được rút ra từ cuộc chiến Việt Nam và dân tộc sẽ tiếp tục sống trong một cuộc nội chiến không tiếng súng. Đã là quá muộn cho việc nhìn lại cuộc chiến, không bằng ký ức của đau thương, mà bằng sự thức tỉnh nhận ra sự thật và tôn trọng sự thật. Bản chất của chiến tranh là dối trá, ở tất cả các phía. Nhưng không có một nền hòa bình nào và sự hàn gắn hòa hợp nào có thể được mang lại nếu nó tiếp tục được xây bằng những viên gạch lẩn tránh sự thật. Hãy để cho thế hệ trẻ biết sự thật và rằng thế hệ cha ông không chỉ “đánh Mỹ hào hùng”, mà còn mắc những sai lầm như thế nào, để tương lai dân tộc còn có cơ may được định hình, từ một hiện tại hòa bình-hòa hợp chứ không phải từ quá khứ chiến tranh-chia rẽ.

…..
Ảnh: Chụp từ các tập phim “The Vietnam War” 

…..


Xin giới thiệu thêm một số quyển sách về cuộc chiến Việt Nam đáng đọc
- Chiến tranh Việt Nam, Cao Văn Luận
- Việt Nam 1945-1995, Lê Xuân Khoa
- Hành trình thế kỷ - 30 năm chiến tranh 1945-1975, Thụy Khuê
- Hồ sơ mật Dinh Độc Lập, Nguyễn Tiến Hưng
- Khi đồng minh tháo chạy, Nguyễn Tiến Hưng
- Khi đồng minh nhảy vào, Nguyễn Tiến Hưng
- Tâm tư Tổng thống Thiệu, Nguyễn Tiến Hưng

Những bút ký xuất sắc
- Tháng ba gãy súng, Cao Xuân Huy
- Bóng tối đi qua (I, II, III), Kim Nhật
- Về R., Kim Nhật
- Dọc đường số 1, Phan Nhật Nam
- Mùa hè đỏ lửa, Phan Nhật Nam
- 2.000 ngày đêm trấn thủ Củ Chi (bộ 7 cuốn), Xuân Vũ và Dương Đình Lôi
- Đường đi không đến, Xuân Vũ
- Những ngày dài trên quê hương (bút ký phóng sự chiến trường của Dương Nghiễm Mậu, Đoàn Kế Tường, Phạm Văn Phú, Hồng Phúc, Người Xứ Huế, Phạm Văn Bình, Phan Nhật Nam, Phan Huy, Sao Bắc Đẩu, Vũ Hoàng - NXB Văn Nghệ Dân Tộc, 1972)
Sách nghiên cứu ấn hành thời gian gần đây
- Hanoi’s War, Lien-Hang T. Nguyen (University of North Carolina Press; 2012)
- Misalliance, Edward Miller (Harvard University Press, 2013)
- Uprooted - A Vietnamese Family’s Journey 1935-1975, David Lucas (Lulu, 2015)
- Hue 1968, Mark Bowden (Atlantic Monthly Press; 2017)
…..

Về “The Vietnam War”, xin theo dõi lịch chiếu và xem tại:
Episode One
“Déjà Vu” (1858-1961)
Episode Two
“Riding the Tiger” (1961-1963)
Episode Three
“The River Styx” (January 1964-December 1965)
Episode Four
“Resolve” (January 1966-June 1967)
Episode Five
“This Is What We Do” (July 1967-December 1967)
Episode Six
“Things Fall Apart” (January 1968-July 1968)
Episode Seven
“The Veneer of Civilization” (June 1968-May 1969)
Episode Eight
“The History of the World” (April 1969-May 1970)
Episode Nine
“A Disrespectful Loyalty” (May 1970-March 1973)
Episode Ten
“The Weight of Memory” (March 1973-Onward)


Dương Hoài Linh Theo tôi đây chỉ là một cuộc chiến phi nghĩa với miền Bắc chứ không hề phi nghĩa với miền Nam .Bởi lẻ lời của tổng thống Mỹ Reagan và của tổng thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu đã nói :
- Tôi và bạn đều biết hòa bình dù có đẹp cách mấy cũng không có ý nghĩa gì nếu nó được mua với cái giá gông cùm và nô lệ.
- Sống không có tự do tức là đã chết.

Như vậy cuộc chiến với miền Nam là một cuộc chiến tự vệ của một quốc gia có chủ quyền được hơn 90 nước trên thế giới công nhận và ngày nay CSVN cũng phải công nhận đó là một thực thể, nghĩa là không phải bù nhìn của ngoại gang. Hơn nữa người Mỹ đến VN là để ngăn chặn CNCS chứ không hề xâm lược bất cứ tấc đất nào của VN. Điều đó đã được chứng minh qua thực tế ở Nhật và Hàn Quốc.

Vậy nên Vietnam War nói đến phi nghĩa của miền Bắc là có lý nhưng để nêu các thực trạng của VNCH mà không giải thích là cố ý đánh đồng . Nên nhớ VNCH chỉ có 8 năm để xây dựng và thực hiện một bản hiến pháp dân chủ,pháp trị và tiến bộ nhất trong lịch sử dân tộc VN. Do đó chuyện tham nhũng của tướng tá chỉ là cá biệt và ngành tư pháp của VNCH do bận đối phó với CS nên chưa rảnh tay để đối phó với vấn nạn này, tuy nhiên đã có trường hợp xử bắn tham nhũng ngay tại Sài Gòn. Còn các chuyện như Mỹ Lai hiện nay thực tế đã giải thích minh oan cho quân đội Mỹ. Đó là vì CSVN lợi dụng người dân để thực hiện chiến tranh không quy ước. Khi họ bị giết bởi những người không mặc áo lính thì họ phải đáp trả.

Vì vậy miêu tả hiện thực mà không thể hiện chủ kiến thì đó chỉ là một nửa sự thật mà thôi.

Nhan Ky Vy Ở một làng quê thuộc tỉnh Ninh Bình trong thời chiến, nếu con trốn nghĩa vụ quân sự, chính quyền xã bắt bố hoặc mẹ hằng ngày đến sân của xã, đeo một tấm bảng trước ngực ghi : "con tôi tên... đã trốn nghĩa vụ quân sự", miệng phải la lên tên con kèm theo lời ai oán "con ơi là con, sao con lại trốn tránh trách nhiệm...". Cứ thế cho đến khi nào đứa con ra trình diện thì thôi. Đa phần các trường hợp, chẳng ai mà cam lòng trốn được !

--------------------------




Hơn 10 năm thực hiện, bộ phim tài liệu “The Vietnam War” kinh phí 30 triệu USD sẽ ra mắt trên hệ thống PBS vào ngày 17-9-2017, với 10 tập trong tổng cộng 18 tiếng đồng hồ. Đây là dự án phim công phu và “gây ám ảnh về trách nhiệm” nhất của đạo diễn Ken Burns (cùng đồng đạo diễn Lynn Novick). Nói đến Ken Burns, người ta không chỉ nhắc đến như là một trong những nhà làm phim tài liệu hàng đầu nước Mỹ với hai đề cử Oscar mà còn là một sử gia xuất sắc.

“The Vietnam War”

Ken Burns nổi danh từ đầu thập niên 1990 với bộ phim tài liệu “The Civil War”. “Sau gần ba thập niên với hơn 20 bộ phim tài liệu, ông ấy có lẽ là thương hiệu sử học khả tín nhất nước Mỹ” – nhận xét của Jennifer Schuessler trong bài viết trên New York Times (1-9-2017). Sử gia lừng lẫy Stephen Ambrose nói, “người Mỹ học sử từ Ken Burns nhiều hơn từ bất kỳ nguồn nào khác” (New Yorker, 4-9-2017). Cách mà Ken Burns “làm sử” là không chỉ thuật lại và hồi tưởng quá khứ mà còn là những bài học gì từ quá khứ cần rút ra để nghiền ngẫm cho hiện tại lẫn tương lai.

Với đề tài phức tạp như cuộc chiến Việt Nam, có sự dính líu của Mỹ lẫn nhiều bên, Ken Burns đã chọn góc nhìn đa chiều. Ken Burns và đồng đạo diễn Lynn Novick tỏ ra cẩn thận, cả đến cách dùng từ, trong kịch bản cho “The Vietnam War” do sử gia Geoffrey C. Ward chấp bút. Một số câu chữ được cân nhắc với sự thận trọng đặc biệt, chẳng hạn từ miêu tả sự kết thúc cuộc chiến được chọn là “thất bại” (failure) chứ không phải “bại trận” (defeat). Ken Burns cho biết, nhóm làm phim đã mất 6 tháng để tranh cãi dùng “failure” hay “defeat”.

Những nhân vật quá quen thuộc với cuộc chiến như John Kerry, John McCain, Henry Kissinger hay Jane Fonda cũng tránh được đưa lên phim. Thay vào đó, 79 nhân vật được phỏng vấn và “lên hình” trong phim là những người có mức độ tiếp xúc cuộc chiến ở “cự ly” gần nhất: cựu binh Mỹ (trong đó có tù binh), bà mẹ Mỹ có con hy sinh, chính khách, viên chức tình báo, du kích Việt Cộng, lính Bắc Việt, lính VNCH hoặc thậm chí một phụ nữ từng lái xe cho đoàn quân Bắc Việt tại đường mòn HCM.

Nhóm làm phim đã đào bới nguồn tư liệu khổng lồ, với hơn 24,000 bức ảnh và 1,500 giờ phim tài liệu, cùng tư liệu trong kho lưu trữ Bắc Việt. Có những cảnh sẽ không bao giờ được “hoan nghênh” ở Việt Nam và được phép đề cập trong “lịch sử cuộc chiến Việt Nam” được viết bởi “giới sử học” luôn “mài bút” theo đơn đặt hàng Hà Nội. Liên quan trận Mậu Thân – một trong 25 trận chiến được kể trong phim, hai lính Bắc Việt đã thừa nhận cuộc thảm sát man rợ khoảng 2,800 người trong đó có nhiều thường dân vô tội tại Huế là đề tài cấm kỵ ở Việt Nam. “Làm ơn cẩn thận khi làm phim. Tôi không muốn bị rắc rối” – một cựu binh Bắc Việt nói.

Người kể chuyện lịch sử bằng điện ảnh

Trong số báo National Geographic đề tháng 4-1959, có bức ảnh trắng đen chụp một phụ nữ tươi cười nhìn cậu con nhỏ trên chiếc ghế gỗ dưới ánh nắng vàng rực. Được chú thích: “Kenny Burns takes lunch from mother’s hand”, bức ảnh nằm trong bài báo đề tên tác giả Robert Burns, cha của Ken Burns. Bài viết thuật lại cuộc sống gia đình Burns tại ngôi làng nhỏ Saint-Véran ở rặng Alps (Pháp). Robert Burns lúc đó là nghiên cứu sinh tiến sĩ về nhân chủng học thuộc Đại học Columbia và ông thường đưa gia đình đến nơi này nơi kia, mỗi khi phải khảo sát và nghiên cứu thực địa. Ken Burns mừng sinh nhật một tuổi tại Pháp. Sau khi trở về Mỹ, mẹ của Ken, Lyla, được chẩn đoán mắc ung thư. Bà mất năm 1965, khi Ken lên 11. Ken và cậu em Ric lớn lên trong gia đình có “một người mẹ đang hấp hối và một người cha bị bệnh tâm thần” – Ric kể.

Sinh ngày 29-7-1953 tại Brooklyn (New York), Ken Burns mê đọc từ nhỏ. Cậu bé Ken thích đọc lịch sử hơn tiểu thuyết. Ken cũng mê chụp ảnh và quay phim. Được tặng một camera 8 mm dịp sinh nhật lần thứ 17, Ken làm một phim tài liệu về một nhà máy ở Ann Arbor, nơi cậu học phổ thông tại Trường Pioneer. Sau đó, Ken vào Hampshire College tại Amherst (Massachusetts) và làm việc tại một hãng đĩa để trang trải chi phí. Sau khi tốt nghiệp, Ken Burns cùng vài người bạn thành lập Florentine Films.

Sau thời gian ngắn làm nhà quay phim cho BBC và một số hãng khác, Ken Burns bắt đầu thực hiện một số phim tài liệu ngắn, trong đó có bộ phim nói về việc xây cây cầu Brooklyn mà Ken chuyển thể từ quyển “The Great Bridge” của David McCullough. Đó cũng là thời điểm Ken Burns tạo ra một kỹ thuật làm phim tài liệu mà sau này được biết đến như phong cách đặc thù của ông. “Brooklyn Bridge” được đề cử Oscar cho hạng mục phim tài liệu xuất sắc nhất. Bốn năm sau, 1985, ông được đề cử Oscar lần thứ hai với “The Statue of Liberty”. Kỹ thuật dựng phim của Ken Burns độc đáo đến mức, năm 2002, ông được Steve Jobs mời đến Apple để xem trình diễn một sáng tạo kỹ xảo điện ảnh mà các kỹ sư Apple gọi là “hiệu ứng Ken Burns” (“Ken Burns Effect”).

Trong sự nghiệp mình, Ken Burns đoạt rất nhiều giải trong đó có Emmy Award cho “Baseball” (1994) và “The National Parks: America’s Best Idea” (2009). Tuy nhiên, phải đến “The Civil War” thì tên tuổi Ken Burns mới được khẳng định. Bộ phim tài liệu này giành được hơn 40 giải - trong đó có hai Emmy; hai Grammy; Nhà sản xuất trong năm của Hiệp hội các nhà sản xuất điện ảnh Hoa Kỳ; People’s Choice Award, Peabody Award, D. W. Griffith Award; Lincoln Prize…

Từ việc nhìn lại cuộc chiến

Trở lại với “The Vietnam War”. Việc xem lại cuộc chiến này sẽ giúp điều gì? Đạo diễn Lynn Novick nói: “Tất cả chúng ta đều tìm kiếm một ý nghĩa nào đó trong bi kịch khủng khiếp này. Đạo diễn Ken và tôi đã cố gắng soi chiếu một thứ ánh sáng mới vào cuộc chiến qua cách nhìn đa diện - từ dưới lên, từ trên xuống, và từ tất cả các bên. Bên cạnh hàng chục người Mỹ chia sẻ câu chuyện của họ, chúng tôi cũng phỏng vấn nhiều người lính và thường dân Việt Nam ở cả hai phe. Chúng tôi thực sự ngạc nhiên khi nhận ra rằng, cũng giống như chúng ta, cuộc chiến này để lại cho họ nhiều đớn đau và nhiều điều vẫn chưa giải tỏa được”.

“Điều gì chưa giải tỏa được?” – đạo diễn Lynn đã để ngõ một chủ đề có thể gợi lên vô số điều khác. Liệu sự “chưa giải tỏa được” đó có phải là mâu thuẫn trong việc định danh cuộc chiến? Thật sự có quá nhiều điều “chưa giải tỏa được” sau hơn 40 năm khi tiếng súng đã im nhưng đất nước vẫn sống trong một “nền hòa bình chia rẽ”. Điều quan trọng nữa là chính quyền Việt Nam vẫn chưa dám đối mặt với những sự thật trần trụi được miêu tả trong phim. Cuộc chiến “đớn đau” này nếu tiếp tục bị nhìn nhận sai lệch một chiều theo lăng kính được áp đặt như lâu nay thì những “ân oán quá khứ” sẽ không bao giờ có thể giải tỏa được.

. . . .


Với đạo diễn Ken Burns và Lynn Novick tại New York

Đạo diễn Lynn Novick tại buổi chiếu giới thiệu “The Vietnam War” cuối tháng 8-2017 ở Sài Gòn (ảnh: Lãnh sự quán Hoa Kỳ cung cấp)


TL Hoang Vu Mọi người đừng vội đặt niềm tin và hy vọng quá cao. Nhất là những "hậu sinh khả uý" thời nay. Nên nhớ là miền nam VN thua cuộc chiến tranh đó, một phần không nhỏ là do bọn báo chí thiên tả, hoặc nói trắng ra là ngu muội đã đưa đầu cho đám Việt cộng miền bác tuyên truyền, xõ mũi như nhưng con trâu non khở khạo. Gần như ít nhất 90% bọn báo chí Âu châu và Mỹ đã chống lại chiến tranh tung tin thất thiệt, hoặc có ít xé to để làm dân chúng chối đối chính quyền Mỹ. Trong khi bọn chúng nếu không công khai ủng hộ cộng sản bắc Việt như Hà Nội Jane, như các thằng phóng viên đã viết về Mỹ Lai, Hoặc tướng Loan bắn vào đầu thằng đặc công Việt công, để khơi động sự căm hận chính quyền của dân Mỹ. Nhưng có ai thấy bọn nó viết gì về tội ác của Việt cộng miền bắc không? Ngay như cuộc tổng tấn công Mậu thân. Bọn chúng cũng chẳng hề đỗ lỗi cho Việt cộng miền bắc đã xé hoà ước tấn công miền nam, kể cả chuyện chúng xé bỏ hiệp ước Ba Lê để nuốt trọn miền Nam. Khi các quân nhân Mỹ trở về nước thì bị bọn phản chiến... hầu như là gần hết nhân dân Mỹ thời đó, đứng xếp hàng ở các phi trường, nhổ nước bọt vào mặt, chửi họ là sát nhân, là giết hại người già, đàn bà trẻ con.

Đó là nói về bọn truyền thông. Còn về các cuốn phim về chiến tranh VN do Hollywood tạo nên thì sao? Còn tệ hại hơn cả chục lần. Những phim như The Boys In Company C, Deer Hunter, Hollywood đã cố tình diễn tả hình ảnh của các lính Mỹ tham chiến ở VN là những thằng nghiện ngập, đi hành quên thì chửi nhau, đánh lộn với nhau như du đảng đi chơi ngoài phố, thay vì lính trận đang đi hành quân, có thể lọt vào ổ phục kích bất cứ lúc nào. Khi được về thành phố nghĩ dưởng thì chỉ biết có cần sa và đĩ điếm.

Vậy thì đừng vội mừng. Bởi ở cái xứ Mỹ này, sự khác biệt giữa phim tài liệu (documentary), và phim giải trí, chỉ khác nhau ở... cách đánh vần. Một đàng thì được đánh vần là "documentary", còn loại kia thì được đánh vần là... "action movie". Đừng vội mừng. Hãy chờ xem cho rõ ngọn ngành.


-------------------------------


Tui có may mắn được xem trước hai trong số 10 tập của bộ phim tài liệu dài 18 tiếng xoay quanh cuộc chiến tranh Việt Nam do Ken Burns và Lynn Novick làm đạo diễn.

Có lẽ cuộc chiến tranh này vẫn luôn ám ảnh rất nhiều người Mỹ, và cả người Việt Nam. Còn có quá nhiều bí mật, quá nhiều câu chuyện chưa được kể về nó.

Ken và Lynn không thuộc thế hệ những người tham chiến trực tiếp ở cuộc chiến này. Họ không có mối liên hệ trực tiếp. Họ cũng như tôi, một người được sinh ra và lớn lên sau cuộc chiến này. 

Liệu chúng ta nghĩ gì, hiểu gì khi nhìn lại cuộc chiến này?

Chọn một cách tiếp cận khách quan nhất có thể, Ken và Lynn, sau khi cùng các đồng sự khảo sát khoảng 1000 nhân vật, đã gặp và phỏng vấn khoảng 100 nhân vật thuộc ba bên: những người Mỹ, những người cộng sản miền Bắc Việt Nam, và những người lính miền Nam Cộng Hoà. Có những nhân vật nổi bật trong lịch sử nhưng cũng có những nhân vật vô danh trong cuộc chiến, có những trên tuổi lẫy lừng nhưng cũng có những con người rất đỗi bình thường. Không chỉ lật lại hồ sơ theo những sự kiện nổi bật - khi Mỹ vào Việt Nam, cuộc tấn công Mậu Thân 68, ngày cuối cùng của Mỹ ở Việt Nam, những hình ảnh khó quên - phát súng của tướng Loan, em bé phỏng bom Napal, những con người chen lấn nhau leo lên chuyến trực thăng cuối cùng rời khỏi Sài Gòn ngày thất thủ v.v... thì bộ phim này còn đặc biệt xoáy sâu vào thân phận con người trong cuộc chiến. Những câu chuyện nhỏ về những con người trong cuộc chiến này, dù họ đến từ Mỹ, từ những người miền Bắc Việt Nam, hay người lính Cộng Hoà, có vẻ như đối lập, mà hoá ra, cũng giống nhau trong chừng mực nào đó: những người trước đó thật hồn nhiên ngây thơ đầy hoài bão về tương lai đẹp đẽ bỗng bị quăng vào cuộc chiến này. Để rồi, có những số phận trọng chiến tranh là kẻ thù của nhau, lùng sục nhau để giết nhau, nhưng sau cuộc chiến gặp lại, tay bắt mặt mừng, vì đã sống sót, và cả vì đã không giết được người kia, để hôm nay họ có thể thành bạn, cùng chung tay xây lại mối quan hệ của hai đất nước.

Đó là những thứ bạn không tìm thấy trong sách sử nào. Những câu chuyện rất người ấy. Những câu chuyện mà dẫu bạn đứng về phía nào, bạn cũng sẽ rung động.

Tui thật sự đã suýt khóc khi xem tập cuối cùng của loạt phim này. Nếu không phải phòng chiếu vẫn sáng, và có nhiều người xung quanh, nếu đó là một phòng chiếu tối, hay nếu xem một mình, có lẽ tôi đã khóc. Trong hai tập phim tôi đã xem, tôi thấy mình trải nghiệm đủ mọi cảm xúc - giận dữ, nghi ngờ, buồn cười, bất ngờ, và xúc động. 

Phim sẽ được chiếu miễn phí trên website của PBS, với phụ đề Việt Nam. Tôi nghe bảo ban tuyên giáo Việt Nam không thích bộ phim này, không cho truyền thông nói đến nó, nhưng không biết họ có nỗ lực ngăn chặn nó đến với khán giả Việt Nam không. Nhưng tui nghĩ, sáng mai, bạn hãy thử vào http://www.pbs.org/kenburns/the-vietnam-war/home/ và xem tập đầu tiên của bộ phim này đi. Tui tin là bạn sẽ có những cảm xúc đầy đặn cho một buổi sáng Chủ Nhật mưa bão .

PS:
Xin lỗi mọi người mình tính nhầm lịch, ngày 17 là Chủ Nhật nên phim premiere trên PBS tối Chủ Nhật ở Mỹ tức là sáng Thứ Hai giờ Việt Nam.











No comments:

Post a Comment