Sunday, September 24, 2017

BẢN TIN NGÀY 24/9/2017 (Báo Tiếng Dân)





Tin trong nước

Tin Biển Đông

Quan hệ Việt – Trung: Nối lại tình xưa!
Báo VietNamNet đưa tin: Bắt đầu giao lưu quốc phòng biên giới Việt-Trung. Cái gọi là “giao lưu” này đáng lẽ đã diễn ra hôm 20/6, khi tướng TQ Phạm Trường Long qua thăm VN dự định trong hai ngày 18 và 19/6, nhưng tối 18/6 ông Long đã đùng đùng giận dỗi bỏ về nước.

Theo các nhà phân tích, lý do tướng TQ có phản ứng như trên là do Việt Nam gia hạn hợp đồng, cho phép công ty ONGC Videsh của Ấn Độ thăm dò dầu khí ở lô 128, cũng như VN hợp đồng với công ty Repsol của Tây Ban Nha, cho phép công ty này thăm dò lô 136/3. Cả hai lô này đều nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của VN, nhưng nó cũng nằm trong đường lưỡi bò của TQ.

Lúc đó có tin, “Trung Quốc đã đe dọa tấn công các căn cứ của Việt Nam trên quần đảo Trường Sa nếu không ngừng việc khoan thăm dò“ của công ty Repsol ở bãi Tư Chính. Sau khi leo thang được vài nấc thì lo sợ, nên Việt Nam đã vội tụt xuống thang!

Sau khi yêu cầu Repsol rút lui và phải bồi thường một số tiền lớn, hôm 26/7, Bộ trưởng Quốc phòng VN Ngô Xuân Lịch đã gặp Đại sứ Mỹ Ted Osius, để sắp xếp chuyến thăm Mỹ của ông ta. Ông Lịch thăm Mỹ từ ngày 7 đến ngày 10/8/2017, gặp Bộ trưởng James Mattis, mời gọi hàng không mẫu hạm Mỹ tới thăm Việt Nam đầu năm 2018.

Nhưng các nhà phân tích nghi ngờ chuyện VN bắt tay với Mỹ, chắc chắn không phải do Việt Nam thật lòng, mà do “em Việt” bị “anh Trung” chơi ép quá, nên em giả vờ bỏ anh Trung, theo “anh Mỹ”, thế thôi! Chuyện Việt Nam mời tàu sân bay Mỹ đến thăm, chỉ nhằm mục đích gửi tín hiệu tới Trung Quốc, rằng “anh Trung ơi, em không thích cách đối xử của anh với em”, chứ không phải là sự thay đổi chính sách của VN trong mối quan hệ tay ba: Trung – Việt – Mỹ.

Một bài phân tích trên báo Người Việt cho thấy, sự kiện VN mời tàu sân bay Mỹ tới, sẽ vô nghĩa nếu VN vẫn còn chính sách “ba không”. Bài báo viết, “khó có khả năng Việt Nam vứt bỏ chính sách này. Hoa Kỳ cần Việt Nam và không ngần ngại bày tỏ thiện chí hợp tác nhưng hợp tác chặt chẽ với Hoa Kỳ thì… không có lợi. Chủ quyền, quốc gia, vận mệnh dân tộc làm sao quan trọng bằng duy trì sự lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối của đảng CSVN“.

Quả đúng như vậy. Ngày 18/9, quan chức cao cấp TQ, ông Lưu Vân Sơn sang Việt Nam, tỉ tê thế nào để TBT Nguyễn Phú Trọng tiếp tục khẳng định, Việt Nam “hết sức coi trọng quan hệ với Trung Quốc, mong muốn quan hệ Việt-Trung luôn phát triển lành mạnh, ổn định vì lợi ích của nhân dân hai nước”. Và rồi VN tiếp tục điệp khúc “nối lại tình xưa“!

Đại tướng Ngô Xuân Lịch và Thượng tướng Phạm Trường Long đang múa hát trên sân khấu giao lưu. Nguồn: BQP VN.

GS Tường Vũ, Đại Học Oregon ở Mỹ ví mối quan hệ VN với TQ “giống như một người phối ngẫu bị ngược đãi, gọi cảnh sát sau khi bị đánh, nhưng vẫn không dám kết thúc mối quan hệ“. Lần sau ’em Việt’ có bị ‘anh Trung’ đá đít, mò qua thăm ‘anh Mỹ’, có lẽ anh Mỹ nên thẳng thừng: Hãy về với anh Trung của mày đi!


Làm ăn với TQ: tàn phá đất nước!
Báo Zing có bài: Số phận các dự án có sự tham gia của nhà thầu Trung Quốc tại Việt Nam. Có cả trăm dự án ở VN do các nhà thầu Trung Quốc thực hiện như 49/62 dự án xi măng, 16/27 dự án nhiệt điện, đều do Trung Quốc làm tổng thầu. TQ hiện đang thực hiện khoảng 30 dự án trọng điểm quốc gia, nhưng hầu hết các dự án có nhà thầu TQ đều có chất lượng kém, chậm tiến độ và đội vốn.

Hà Nội được cho là nơi có các dự án giao thông đắt nhất hành tinh, với mỗi km đường sắt đô thị, tốn gần 2.200 tỷ đồng, tức gần 100 triệu Mỹ kim: https://www.youtube.com/watch?v=DR4f61BdzoU

Bài báo đã bị gỡ: Giá than quốc tế 50 – 54 USD/tấn, Việt Nam nhập từ Trung Quốc 71 USD/tấn! Một kiểu làm ăn phá hoại đất nước, khi nhiều năm trước, VN cho xuất khẩu than ồ ạt, để rồi bây giờ phải nhập khẩu than, chưa kể nhập từ TQ với giá cao hơn các nước khác. TS. Lê Đăng Doanh đặt câu hỏi: “Trong bối cảnh các nguyên, nhiên liệu trên thế giới đang giảm mạnh theo đà giảm của dầu thô, thì cần xem xét mặt hàng than nhập từ Trung Quốc tại sao đắt vậy?

Mời xem lại clip cũ của VTC: Không thể tin nổi: Việt Nam đang nhập siêu than. “Câu chuyện tưởng là nghịch lý nhưng hoàn toàn có thật tại nước ta hiện nay khi than cần dùng thì phải nhập khẩu còn than khai thác được thì không bán được cho ai“.

Không thể tin nổi: Việt Nam đang nhập siêu than | VTC1

Quan hệ Việt – Đức sau lệnh đình chỉ quan hệ đối tác chiến lược
Trang Du Học Sinh có bài: Du học sinh Đức sẽ ra sao khi nước này tạm ngừng tất cả mối quan hệ đối tác với Việt Nam? Rất nhiều du học sinh và lao động Việt Nam đang học tập và làm việc ở Đức đã cảm thấy lo lắng đến công việc cũng như tình trạng cư trú của họ. Và nếu phía Đức ngưng cấp thị thực cho tất cả công dân Việt Nam từ ngày 3/10 sắp tới, thì việc học tập tại đây sẽ gặp nhiều trở ngại.

Trang Thời Báo có bài: Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Đức nói: “Còn nhiều nhân viên sứ quán Việt Nam ở Berlin tham gia vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh”. Chính phủ Đức đã tổ chức họp báo ngày 22/9 ở Berlin. Ông Seibert, phát ngôn viên Chính phủ Đức cho biết, ngày 22/9, Bộ Ngoại giao Đức “đã triệu tập Đại sứ Đoàn Xuân Hưng đến để thông báo những biện pháp mới của Đức”.

Buổi họp báo cũng cho biết, Việt Nam vẫn nói rằng ông trịnh Xuân Thanh ra “đầu thú” trong khi phía Đức nói có “nhiều hơn một” nhân viên sứ quán nhúng tay vào vụ bắt cóc.

TS Lê Hồng Hiệp cho rằng, việc Việt Nam đưa ông Trịnh Xuân Thanh lên TV “tự thú” là “sai lầm” vì Việt Nam đã tự “bịt đường lùi” của mình. Theo ông Hiệp, Việt Nam nên trả ông Thanh về Đức, vì “Đừng bao giờ nghĩ rằng thể diện của mình quan trọng hơn thể diện người khác”.

BBC có bài: Tiền lệ ‘đáng tiếc, đau đớn, chưa từng có’. TS Lê Đăng Doanh, nói rằng, việc Đức tạm đình chỉ quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam, là chuyện chưa từng có tiền lệ. Việc xây dựng mối quan hệ giữa hai nước là nỗ lực qua nhiều năm, nay bỗng nhiên đổ vỡ là điều “đáng tiếc”.

LM Nguyễn Ngọc Nam Phong bình luận: Vụ chính phủ Đức hủy tư cách “đối tác chiến lược với Việt nam” và trục xuất thêm một nhân viên đại sứ quán Việt Nam tại Đức gây chấn động dư luận, nhưng hơn 800 tờ báo Nhà nước không thấy có dòng tin nào về sự kiện quan trọng này. “Ông Trọng phen này, vớ được Trịnh Xuân Thanh (TXT) tưởng củi tươi, nhưng lại vớ nhầm thuốc nổ (TNT) có khi nổ tung mất lò”.

Facebooker Lã Việt Dũng bình luận“Đuổi Pháp ra khỏi bờ cõi, ông Hồ mất 40 năm. Đuổi Mỹ ra khỏi bờ cõi, ông Duẩn mất 30 năm. Đuổi Đức ra khỏi bờ cõi, ông Trọng mất có 1 năm. Bác Trọng Lú vĩ đại sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta!”

Nghịch lý Đảng lãnh đạo tuyệt đối
Báo pháp luật TP có bài: Trên lệnh, dưới làm: Trách nhiệm thế nào? Bài viết đặt vấn đề, khi cấp trên chỉ đạo cấp dưới thực hiện công việc mà biết là sai luật, cấp dưới cần xử sự thế nào?

Đây là câu hỏi không dễ trả lời trong cơ chế hiện nay ở Việt Nam. Đơn giản vì đâu đâu cũng ít nhiều dính dáng đến sai phạm, nếu cấp dưới không thực hiện chỉ đạo của cấp trên thì, một là mất việc, hai là bị trù dập, không ngóc đầu lên được. Mặc dù đã có luật quy định cấp dưới khi biết có sai phạm thì có thể từ chối, nhưng với những “chủ trương” bằng miệng từ “trên” như vẫn thấy trong Đảng, thì tính sao?

Còn nhớ, năm 2014, trước hàng loạt những sai phạm trong chỉ đạo của Chính phủ, khi được chất vấn, rằng có phải “Thủ tướng đặt nặng trách nhiệm trước Đảng mà xem nhẹ trách nhiệm trước dân? Thủ tướng có nghĩ đến việc khởi đầu cho văn hóa từ chức hay không?” Ông Nguyễn Tấn Dũng đã trả lời rằng“Trong sự nghiệp của mình, tôi không có chạy, không có xin, không thoái thác, từ chối nhiệm vụ nào Đảng phân công”. Đảng giao thì tôi làm, sai là do chỉ đạo của đảng. Hề hề…

Củi Huỳnh Đức Thơ
Báo Pháp Luật TP có bài: Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ nói về kết luận của UBKTTW. Chắc do biết cấp dưới đang quá “ngán ngẩm” lãnh đạo TP rồi, nên ông Huỳnh Đức Thơ muốn xốc lại tinh thần cho các “đồng chí”: “Cán bộ công chức TP không nên quá sa đà vào những việc không phải của mình. Không nên la cà bình luận, nhắn tin, bàn tán, dự đoán, suy diễn mà bỏ bê công việc”.

Ông Thơ cũng nhấn mạnh: “Qua kết luận của UBKTTW mới thấy rõ vai trò của người đứng đầu rất quan trọng. Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm rất nặng”. Chắc ông Thơ muốn ám chỉ trách nhiệm của ông Nguyễn Xuân Anh?

Ảnh: Báo tuổi Trẻ


Dính lùm xùm vẫn có ghế thơm
Báo Tiền Phong có bài: “Ghế nóng” Cục Hải quan TP HCM đã có người ngồi. Sau khi “treo” hơn 2 năm vị trí Cục trưởng hải quan TPHCM, Bộ Tài chính và Tổng cục Hải quan vừa giao Cục phó Đinh Ngọc Thắng, “người cũng gặp khá nhiều lùm xùm” trực tiếp phụ trách Cục Hải quan TP.HCM.

Nhà báo Nguyễn Hoài Nam có bài: Để cấp dưới tham nhũng, vẫn được phụ trách Cục Hải quan TPHCM. Tá giả cho biết, “ông Đinh Ngọc Thắng đang là đối tượng liên quan đến vụ án tham nhũng của cấp dưới, đáng ra phải bị khởi tố về hành vi ‘Thiếu trách nhiệm…’, nhưng Tổng Cục Hải quan vẫn tin tưởng giao phụ trách Cục Hải quan TPHCM thì thật đáng nể. Chưa hết, 213 container biến mất trước mũi Hải quan đang bị CA TP.HCM điều tra, trách nhiệm chính vụ này vẫn là Cục Hải quan TP.HCM”.


Thái tử Trần Tuấn Anh
Nhà báo Mai Quốc Ấn có bài: Nhị Đại Công Tử: Tuấn Anh và Tiến Thắng. Tác giả có so sánh ông Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng công thương, con trai cựu Chủ tịch nước Trần Đức Lương với ông Lê Tiến Thắng, ông chủ BOT Cai Lậy – Tiền Giang.

Trong khi ông Trần Tuấn Anh được coi là khôn khéo, có tinh thần cầu thị, “chịu chơi” khi mới đây đã mạnh dạn cắt bỏ 675 giấy phép con của ngành công thương, gây tiếng vang, thì ông Lê Tiến Thắng lại để vỡ lở vụ trạm thu phí BOT Cai Lậy.

Nhà báo Nguyễn Tiến Tường cũng dành những lời “có cánh” cho ông Trần Tuấn Anh: “Vẫn còn những ‘món nợ’ như Cà Ná và các tập đoàn nhà nước và đó mới là kênh thẩm định ý chí và năng lực của người đứng đầu bộ Công Thương. Nhưng ít ra với động thái mới, ông Anh cũng đã cải thiện phần nào hình ảnh của mình trước đây, và hình ảnh chung của nhiều chính khách chỉ nói không làm hoặc nói một đằng làm một nẻo”.

Báo Đất Việt có bài: Đại dự án thua lỗ ngàn tỷ có thể thay lãnh đạo. Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: “Trường hợp người đứng đầu không thực hiện đúng trách nhiệm, không chấp hành đúng pháp luật thì phải thay thế, kiện toàn lại để đảm bảo hiệu quả quản lý”.

Bất cập các dự án BOT
Báo Tuổi Trẻ có bài: Không có tiền mua lại dự án để dời trạm thu phí Cai Lậy. Đó là trả lời của Bộ GTVT về trạm thu phí BOT Cai Lậy – Tiền Giang. Bộ này vẫn bảo vệ quan điểm của họ và bảo vệ nhà đầu tư khi cho rằng, đầu tư tuyến tránh “kết hợp cải tạo mặt đường” quốc lộ 1 là tối ưu, nên việc đặt trạm thu phí trên quốc lộ 1 là “hợp lý”.

Không những thế, Bộ GTVT còn lấy văn bản “thống nhất” với phương án trên của tỉnh Tiền Giang, cộng thêm lý do Bộ đang “cạn tiền”, để biện hộ cho việc không thể di dời trạm thu phí về tuyến tránh được.

Báo Lao Động có bài: Chuyện lạ: Dân tự lập barie thu “phí BOT”, xã bối rối. Khuất tất trong việc chi trả đền bù nên “bối rối” là phải rồi. Sau khi xã Sơn Quang, Hương Sơn, Hà Tĩnh vận động 19 hộ hiến đất, hiến cây để xã làm đường, nhưng lại “ém” tiền đền bù 2,4 tỷ đồng, nên một hộ dân tại đây đã lập barie thu “phí BOT” từ 20 ngàn đến 50 ngàn đồng/lượt.

Mỗi ô tô qua đoạn đường này phải nộp “phí BOT” 20-50 nghìn đồng. Ảnh: Minh Lý/ LĐ


Đại án OceanBank
VOV có bài: Đại án Oceanbank: Tranh luận việc làm thất thoát khoản vay 500 tỷ. Về số tiền 500 tỷ đồng mà Oceanbank cho Công ty Trung Dung vay, LS Phan Trung Hoài là người bào chữa cho Phạm Công Danh, cựu Chủ tịch VNCB, đưa quan điểm, rằng việc vay sai do sử dụng sai mục đích, và tài sản thế chấp có giá trị pháp lý, không phải “ảo”.

LS Hà Hải cũng bào chữa cho Phạm Công Danh, cho rằng, “tài sản thế chấp cho khoản vay đúng quy định của pháp luật, việc cho vay hay không vay là quyền của Oceanbank. Oceanbank cũng xác định tài sản thế chấp đủ điều kiện cho vay nên mới giải ngân… khoản vay chẳng liên quan đến Phạm Công Danh và trách nhiệm lớn nhất đối với khoản vay này là Hứa Thị Phấn.”


Bê bối thuốc điều trị ung thư giả
Báo Pháp luật TP có bài: Vụ VN Pharma: Lẽ ra phải kết luận là thuốc giả. Sau khi kháng nghị huỷ bản án sơ thẩm vì “có dấu hiệu bỏ lọt hành vi phạm tội và người phạm tội,” VKSND cấp cao tại TP. HCM cho biết: Kết quả giám định của Bộ Y tế “có mâu thuẫn, không phù hợp với quy định pháp luật và thực tế khách quan của vụ án” và lẽ ra “phải kết luận là thuốc giả nhưng lại kết luận là thuốc kém chất lượng“.

Đây cũng là quan điểm của nhiều chuyên gia trong lĩnh vực luật và y – dược, được báo chí thông tin sau khi có kết quả phiên tòa sơ thẩm. Điển hình là phát biểu của PGS.TS.DS Phạm Khánh Phong Lan: Những người nói H-Capita 500mg là thuốc thật đều không có chuyên môn dược’.

Báo Lao Động có bài: Cục Dược chứ đừng là Cục Độc dược. Bài báo tiếp tục truy việc Cục Quản lý Dược cho nhập khẩu gần 9,1 tấn Salbutamol nhưng vẫn không rõ số lượng thực tế được tuồn ra ngoài dùng cho thức ăn chăn nuôi là bao nhiêu. Trách nhiệm trực tiếp vụ này là Cục trưởng Trương Quốc Cường.

Hai sai phạm đã gây các tác hại khủng khiếp cho người dân, trong việc nhập gần 9.100 kg Salbutamol và 9.400 hộp thuốc ung thư giả, nhưng đến nay, Cục trưởng cục “độc dược” vẫn bình an vô sự!


Cần thanh tra cơ quan thanh tra
Báo Pháp Luật TP có bài: Thanh tra biệt phủ Yên Bái: Chậm là cần thiết (?!) Phó ban Dân nguyện Đỗ Văn Đương cho rằng, việc “ngâm” kết luận thanh tra tài sản quan chức Yên Bái là điển hình trong khâu phát hiện tham nhũng kém, thay vì công khai để người dân giám sát. Nói thẳng, đó là việc làm “khuất tất”.

Thông tin mới nhất, cũng là cũ nhất, đại diện Thanh tra Chính phủ vẫn khẳng định rằng việc công khai kết luận thanh tra “không một thế lực nào có thể tác động” nhưng vẫn “đang chờ ý kiến chỉ đạo”!

Cập nhật tin Mối Chúa bị cấm
RFA có bài: Bị cấm, ‘Mối Chúa’ của Tạ Duy Anh được săn lùng. Sách báo càng cấm thì người dân càng tìm đọc chui, cho nên chuyện cấm sách lâu nay, chẳng khác nào quảng cáo không công cho cuốn sách đó.

Bài viết nói về tên cuốn sách và tên tác giả: Đãng Khấu, thay vì Tạ Duy Anh. “Hiểu theo ngữ nghĩa một cách khác, ‘Đãng’ là trừ hại, là hành xử của người quân tử, và ‘Khấu’ là thảo khấu, là trộm cướp, là cái ác. Nhưng Trừ ai? Trừ gì? Trừ trộm cướp? Trừ cái ác? Hay trừ Mối Chúa? Và ai trừ? Đãng Khấu có đúng không?


Nhân chuyện Mối Chúa bị cấm, xin được giới thiệu một bài viết cũ của nhà văn Tạ Duy Anh: Chị Dậu và Cụ Kình. Bài viết so sánh chuyện chị Dậu năn nỉ các quan thời phong kiến đừng đánh người chồng đang đau ốm của chị vì thiếu thuế, để rồi chị bị đánh đập, với chuyện con trai cụ Lê Đình Kình van xin các quan thời cộng sản đừng đánh bố mình.

Tác giả kết luận: “Không phải vô cớ mà người ta gọi những loại như chị Dậu và cụ Kình là dân đen. Vì thời nào họ cũng trần trùi trụi và chỉ biết dựa vào Giời. May mà chưa khi nào Giời quay lưng lại với họ. Thắng dân là dễ nhất vì họ chẳng có gì trong tay, nhưng từ cổ chí kim, đã có ai thắng được Giời“.

Công an sẽ ứng xử tốt với dân: liệu có tin được không?
Báo VietNamNet có bài: Công an nhân dân không được hạch sách, dọa nạt dân. Bộ Công an Việt Nam mới ban hành thông tư quy định “quy tắc ứng xử của Công an nhân dân”, sẽ có hiệu lực vào ngày 06/10/2017. Trong đó quy định về ứng xử với Nhân dân: “Kính trọng, lễ phép với Nhân dân; gắn bó mật thiết với Nhân dân; tận tình, trách nhiệm giải quyết công việc, yêu cầu chính đáng của Nhân dân”.

Ngoài ra, thông tư còn quy định: “Giao tiếp, làm việc với người dân bằng thái độ niềm nở, tận tình, trách nhiệm; không được có hành vi, lời nói hạch sách, nhũng nhiễu; không gây căng thẳng, bức xúc, dọa nạt người dân; không hẹn gặp người dân giải quyết công việc bên ngoài cơ quan và ngoài giờ làm việc…”. 

Quy định thì như vậy, nhưng thực tế cho thấy, thái độ nhũng nhiễu, ăn hối lộ, bao che cho đồng nghiệp, bao che cho côn đồ đánh dân,… đã và đang xảy ra khắp nơi trên khắp cả nước.

Hủy hoại tài nguyên, môi trường
Báo Dân Việt có bài: Ai chủ mưu tổ chức phá rừng quy mô lớn tại Bình Định? Theo ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Bình Định, đáng lẽ Bí thư Tỉnh ủy Bình Định đã cách chức ông Đoàn Văn Tá, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm An Lão khi để lâm tặc phá 60,9ha rừng. Tuy nhiên, do ông Tá bận “đi học” ở TP. HCM trong thời điểm “nhạy cảm” này, nên “chưa phù hợp” để cách chức!

Không hiểu lãnh đạo tỉnh Bình Định sẽ làm gì trong những ngày còn lại, khi thời điểm mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu tỉnh Bình Định phải báo cáo kết quả điều tra trước ngày 30/10 đang đến gần.

Báo Tiền Phong có bài: Ai đứng sau các vụ phá rừng phòng hộ ở Quảng Nam? Cũng như vụ phá rừng ở An Lão – Bình Định, vẫn chưa tìm ra ai là thủ phạm. Vẫn điệp khúc quen thuộc là sẽ “tìm ra kẻ chủ mưu và xử lý nghiêm minh, không có vùng cấm”!

Tưởng niệm 10 năm vụ sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ
Báo Tuổi Trẻ có bài: Đoàn kỹ sư tưởng niệm nạn nhân vụ sập nhịp cầu Cần Thơ. Đoàn 50 kỹ sư Việt Nam đã đến thắp hương tại bia tưởng niệm các nạn nhân tử nạn trong sự cố sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ cách đây 10 năm.

Sự cố sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ do nhà thầu chính là Liên danh Taisei – Kajima – Nippon Steel của Nhật thi công, được coi là thảm họa trong ngành xây dựng cầu đường tại Việt Nam, làm 55 người chết. Nhưng có lẽ do thỏa thuận đền bù rất lớn cho các nạn nhân, nên cho đến nay chưa có ai phải chịu trách nhiệm về sự việc nghiêm trọng này.

Sốt rét kháng thuốc từ Campuchia lan sang Việt Nam
BBC có bài về một loại ký sinh trùng sốt rét mới: ‘Siêu sốt rét’ kháng thuốc đã lan sang VN. Theo các nhà khoa học, “dạng biến thể nguy hiểm của ký sinh trùng sốt rét này không thể bị giết bằng thuốc chống sốt rét thông thường“.

Giáo sư Arjen Dondorp, người đứng đầu nhóm nghiên cứu thuộc Cơ quan nghiên cứu Y học Nhiệt đới Oxford ở Bangkok, nói: “Chúng tôi nghĩ đây là một mối đe dọa nghiêm trọng. Đây là cuộc chạy đua với thời gian – chúng ta phải loại bỏ nó trước khi bệnh sốt rét trở nên không thể điều trị được nữa và khi đó sẽ mất đi rất nhiều sinh mạng”. RFI: Sốt rét kháng thuốc từ Cam Bốt đang lan sang Việt Nam.

Giao lưu phi công Việt – Mỹ
BBC có bài về buổi giao lưu giữa phi công Việt-Mỹ: ‘Kẻ thù xưa, anh em nay’, giữa các cựu lính phi công Bắc Việt – Hoa Kỳ. Đoàn cựu phi công chiến đấu của Không quân Việt Nam (Bắc Việt), gồm 11 người, do Trung tướng Nguyễn Đức Soát dẫn đầu, đã tham gia buổi giao lưu tối 21/9, được tổ chức tại bảo tàng tàu sân bay USS Midway ở San Diego, California.

Trong phần phát biểu, Trung tướng Nguyễn Đức Soát cho biết: “Mục đích của buổi gặp gỡ là hiểu thêm về các trận không chiến. Nhưng mục đích cao cả hơn là góp phần xây dựng mối quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ đúng như quyết tâm của hai nước, gác lại quá khứ, hướng đến tương lai”.

Tin quốc tế

Khủng hoảng Bắc Hàn
Theo Ngoại trưởng Nga: Trump và Kim cư xử như trẻ mẫu giáo. BBC dẫn lời Ngoại trưởng Nga, ông Sergei Lavrov: “Cùng với Trung Quốc chúng ta sẽ tiếp tục tìm kiếm một cách tiếp cận hợp lý chứ không phải một cách cảm tính như khi lũ trẻ ở trường mẫu giáo bắt đầu đánh nhau và không ai có thể ngăn cản chúng”.

Các nước làng giềng vừa phát hiện động đất ở Triều Tiên, có cường độ 3.4 độ Richter. VOA cho biết, Cục Khí tượng Seoul nhận định, trận động đất này là tự nhiên, trong khi Trung Quốc “nghi ngờ là một vụ nổ”. BBC: Bắc Hàn: Động đất nhỏ xảy ra gần nơi thử vũ khí.

Chuyện cấm vận Bắc Hàn: Trung Quốc hạn chế xuất khẩu sản phẩm dầu mỏ sang Triều Tiên. VOA cho biết: “Trung Quốc hôm thứ Bảy loan báo họ sẽ hạn chế xuất khẩu các sản phẩm dầu mỏ sang Bắc Hàn. Bộ Thương mại Trung Quốc nói rằng dầu lọc xuất khẩu cho Bình Nhưỡng sẽ được giới hạn ở mức hai triệu thùng mỗi năm có hiệu lực vào tháng 10”. RFI: Trung Quốc ngưng xuất xăng dầu sang Bắc Triều Tiên.

Khủng hoảng Rohingya
RFI có bài: Người tị nạn Rohingya ngừng chạy sang Bangladesh. Chỉ huy biên phòng Bangladesh, ông Manzurul Hasan Khan, cho biết: “Những ngày vừa qua không có người Rohingya nào vượt qua biên giới”. Theo LHQ, hiện có khoảng 429.000 người Rohingya tị nạn ở Bangladesh.

Chính trường Mỹ
Trong nỗ lực xóa bỏ luật bảo hiểm y tế Obamacare của Tổng thống Donald Trump, VOA đưa tin: McCain lại nói không, dự luật bãi bỏ Obamacare mới nhất hấp hối. Thượng Nghị sĩ John McCain nói hôm thứ Sáu rằng, ông không thể ủng hộ dự luật này mà không biết “nó sẽ tiêu tốn bao nhiêu, ảnh hưởng tới phí bảo hiểm ra sao, và làm lợi hoặc gây hại cho bao nhiêu người”. RFI có bài: Mỹ: John McCain chống dự luật cải cách y tế của Donald Trump.

Nghi vấn Nga quấy phá cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016: 21 bang bị tin tặc nhắm mục tiêu trong cuộc bầu cử 2016. VOA cho biết: “Chính phủ liên bang hôm thứ Sáu nói với các viên chức bầu cử ở 21 bang rằng tin tặc đã nhắm mục tiêu vào các hệ thống bầu cử của họ trước cuộc bầu cử tổng thống vào năm ngoái. Chính phủ không nói ai đứng đằng sau các nỗ lực tấn công tin tặc hoặc cung cấp chi tiết về những gì được tìm kiếm. Nhưng các quan chức bầu cử ở một số bang nói rằng những nỗ lực này liên quan đến Nga”.


Động đất ở Mexico
VOA đưa tin: Động đất lại rung chuyển Mexico, trận thứ ba trong những tuần gần đây. Cơ quan Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ cho biết, trận động đất này mạnh 6.2 độ Richter, có tâm chấn ở bang miền nam Oaxaca, cách thủ đô Mexico City khoảng 360 km về hướng đông nam. Vẫn chưa rõ thương vong.

Tình hình Trung đông
RFI đưa tin về cuộc trưng cầu dân ý đòi độc lập tại vùng tự trị Kurdistan ở Iraq, dự kiến vào ngày thứ Hai, ngày 25/09/2017: Irak: Vùng tự trị Kurdistan quyết tổ chức trưng cầu dân ý độc lập.

Cho dù bị chống đối mạnh mẽ từ tất cả các quốc gia trong vùng, và bị Hội đồng Bảo an khuyến cáo ngừng tổ chức, lãnh đạo vùng tự trị khẳng định cuộc trưng cầu dân ý sẽ vẫn diễn ra. Ông Massoud Barzani cho biết, người Kurdistan sẵn sàng “trả bất cứ giá nào cho tự do của mình”.

BBC đưa tin: Iran thử hỏa tiễn nhằm phản đối Trump. Được biết, hỏa tiễn Khoramshahr có tầm bắn 2.000 km, và khả năng mang nhiều đầu đạn hạt nhân.


Châu Âu
Về bầu cử Quốc hội Đức diễn ra ngày mai, RFI có bài: Bầu cử Đức: Lo ngại cực hữu, Angela Merkel vận động đến phút chót. Theo các thăm dò dư luận, rất nhiều khả năng bà Merkel có thể sẽ tái cử chức thủ tướng nhiệm kỳ thứ tư sau 12 năm cầm quyền. Thế nhưng, ảnh hưởng gia tăng của phe cực hữu đang gây lo ngại. RFI có bài: Giới trẻ và chiến dịch vận động bầu cử Quốc Hội Đức.

Bài điểm báo của RFI về những đặc điểm của bà Merkel và nước Đức giai đoạn bà cầm quyền: Bầu cử Đức: « Thành trì » Angela Merkel. Theo báo Le Point ở Berlin: “Bí quyết của thủ tướng Đức nằm ở chỗ bà có được sự khéo léo và bình tĩnh để giải quyết những tranh chấp, Merkel là một nhà lãnh đạo có đầu óc thực tiễn và sự thông minh phi thường và là một nhà chiến lược tài ba. Để đạt đến đích, bà luôn thận trọng tiến từng bước trong mọi tình huống”.

Catalunya đòi độc lập: Tây Ban Nha: Căng thẳng leo thang giữa Catalunya và trung ương. RFI cho biết, ở Tây Ban Nha, khi “gần đến thời điểm vùng Catalunya tổ chức trưng cầu dân ý đòi độc lập, căng thẳng gia tăng từng ngày.  Nhất là khi chính quyền trung ương tăng cường lực lượng giữ gìn trật tự gồm cảnh sát quốc gia và hiến binh đến Barcelona, thủ phủ vùng Catalunya”.


----------------------------

Bài Mới Nhất
24/09/2017
24/09/2017
24/09/2017
24/09/2017
24/09/2017
24/09/2017
24/09/2017
24/09/2017
23/09/2017
23/09/2017










No comments:

Post a Comment