Tin trong nước
Tin Biển
Đông
Thêm tin về hội thảo
quốc tế diễn ra ở Hà Nội hôm 12/9, báo Tuổi Trẻ có bài: Bộ quy tắc cho Biển Đông phải có tính ràng buộc pháp lý.
Về chuyện TQ liên tục thay đổi hiện trạng ở Biển Đông, ông Abhijit Singh, viện
trưởng Viện Sáng kiến an ninh hàng hải của Ấn Độ nói rằng, Bộ quy tắc ứng xử của
các bên ở Biển Đông (COC) phải có tính ràng buộc pháp lý, bởi thiết lập COC mà
không thực thi được thì điều đó trở nên vô nghĩa.
Vnexpress có
bài: Chuyên gia Philippines cảnh báo Trung Quốc tăng đe doạ dùng
vũ lực ở Biển Đông. GS Renato Cruz De Castro, Đại học De La Salle,
Philippines, nói: “Tình hình ở Biển Đông đang yên tĩnh nhưng đó là khoảng lặng
của cơn bão. Căng thẳng có thể gia tăng từ nguy cơ Trung Quốc đe doạ sử dụng vũ
lực với nước cùng có tranh chấp“.
VOA có bài: Việt Nam bắn tên lửa, diễn tập trên biển: Tín hiệu cho Trung
Quốc? Về tin VN diễn tập
hôm 5/9, bắn thử tên lửa Spyder, GS Carl Thayer cho rằng, mục đích “trấn
an dân thường rằng Việt Nam có thể đối phó với các thảm họa và sự cố lớn. Ngoài
ra, nó cũng phát tín hiệu cho Trung Quốc thấy rằng Việt Nam chuẩn bị sẵn sàng
đương đầu với tình thế xảy ra ra thương vong lớn, và có một lực lượng phòng vệ
dân sự được huấn luyện kỹ càng và hiệu quả”.
Clip từ báo Bình Định:
“Tại sao nhiều nước muốn kiểm soát Biển Đông?” Clip này dịch từ clip của báo
Business Insidernhưng không ghi nguồn.
Mời đọc thêm: Biển Đông có nguy cơ bị ô nhiễm nghiêm trọng vì tranh chấp
chủ quyền (ĐKN). – Gắn kết tình đồng chí từ một cuộc vận động ở Trường Sa Đông (Kontum).
– Điểm tựa cho ngư dân bám biển (Báo KH). – Bình Định thành lập Tổ hỗ trợ ngư dân đóng mới tàu cá (VOV).
Quan hệ
Việt – Trung: “Mạnh mẽ, to lớn hơn nữa”!
Về chuyến thăm TQ của
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình: Phó Thủ tướng tin tưởng quan hệ Việt Trung phát triển mạnh mẽ
hơn. Ông Trương Hòa Bình phát biểu: “Tôi tin tưởng chắc chắn rằng, với
nỗ sự quan tâm của lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai Nhà nước và sự nỗ lực
chung của cả hai bên, quan hệ Việt -Trung nhất định sẽ có bước phát triển mạnh
mẽ, to lớn hơn nữa“, VOV đưa tin.
Báo CAND có
bài: Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình trả lời phỏng vấn báo Trung Quốc
về quan hệ Việt-Trung. “Việt Nam và Trung Quốc là hai nước láng
giềng gần gũi, có nhiều nét tương đồng, mối tình hữu nghị truyền thống ‘vừa
là đồng chí, vừa là anh em‘ được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Mao Trạch
Đông cùng các thế hệ tiền bối dày công gây dựng, được vun đắp trong sự nghiệp đấu
tranh cách mạng và giải phóng dân tộc của cả hai nước đã trở thành tài sản
chung quý báu của hai đất nước, hai dân tộc, cần được gìn giữ, kế thừa và phát
huy“.
Thêm tin về chuyến
đi TQ của ông Trương Hòa Bình: Phó Thủ tướng: “Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất
của Việt Nam” (DT). – Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình tiếp Bí thư Khu ủy Quảng Tây (TTXVN).
Báo Tiền Phong có
bài: Khánh thành cầu Bắc Luân II nối Việt Nam-Trung Quốc.
Cây cầu nối liền cửa khẩu Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh với Khu tự trị dân tộc
Choang, Quảng Tây, Trung Quốc, có tổng đầu tư dự án 336 tỷ đồng, sẽ giúp cho
rác TQ tràn vào Việt Nam nhanh hơn!
Ông Nguyễn Đức
Long, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh còn cho biết, cầu Bắc Luân II sẽ góp phần “thông
thương hàng hóa, hướng tới chuẩn bị cho việc hình thành Khu hợp tác kinh tế
song phương giữa hai bên tại khu vực đầu cầu Bắc Luân II và hơn nữa là kết nối
Khu cửa khẩu kinh tế Quốc tế Móng Cái với Khu thí điểm khai phát trọng điểm quốc
gia Đông Hưng”.
Clip Phó Thủ tướng
Trương Hòa Bình dự khánh thành cầu Bắc Luân: https://www.youtube.com/watch?v=lqRXC7jnFAc
Mời đọc thêm: Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình phát lệnh
thông xe cầu Bắc Luân II(Quảng Ninh). – Khánh thành cây cầu thứ 2 kết nối Việt – Trung tại Móng Cái (LĐ).
VOA đưa tin: Quan chức cấp cao ĐCS TQ thăm Việt Nam, Campuchia. Dẫn
nguồn từ Tân Hoa xã, cho biết, ông Lưu Vân Sơn, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư
Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, sẽ thăm chính thức Việt Nam từ
18 đến 21/9. Ông Lưu Vân Sơn hiện đang
là nhân vật đứng thứ 5 trong Ban thường vụ Bộ Chính trị ĐCS Trung Quốc và
là một trong 7 người nắm quyền lãnh đạo tối cao tại Trung Quốc.
Trang Tinh Hoa có
bài: Thường ủy Lưu Vân Sơn tìm đường rút lui trước Đại hội 19.
Về bài thuyết giảng tại lễ khai giảng năm học mới của trường Đảng Trung ương
TQ, “phần mở đầu ông Lưu Vân Sơn có nhắc đến bài thuyết giảng ngày 26/07 của
ông Tập Cận Bình, và nói thêm phải nỗ lực học tập theo ông Tập, triệt để thực
hiện theo tinh thần của bài thuyết giảng của ông Tập là nhiệm vụ chính trị quan
trọng, kiên định giữ gìn ‘Tập hạt nhân‘, lấy ông Tập làm chuẩn, lấy
trung ương làm chuẩn“.
Đổi mới
hệ thống chính trị: Nhất thể hóa
Báo SGGP tiếp tục
loạt bài ‘Thí điểm Nhất thể hóa và việc đổi mới hệ thống chính trị’: Bài 2: Một chức năng, một nhiệm vụ, chỉ một đơn vị thực hiện.
Bài này nêu trường hợp áp dụng tại Quảng Ninh, được cho là “đã góp phần đổi
mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ
thống chính trị…”
Bài 3: Tinh gọn bộ máy để phục vụ dân tốt hơn. Bài
này dẫn lời ông Triệu Tài Vinh, Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang, cho biết, “nhờ quyết
liệt tinh giản, sáp nhập các chức danh tương tự ở cấp cơ sở, năm 2016, tỉnh Hà
Giang đã tiết kiệm cho ngân sách hơn 24 tỷ đồng“.
Cũng xin nhắc lại,
ông Triệu Tài Vinh là người nổi tiếng trên mạng đúng một năm trước, khi cư dân
mạng phát hiện ông có 8 người thân nắm giữ các vị trí chủ chốt ở các cơ quan của
tỉnh và ông Vinh cho rằng việc bổ nhiệm này là đúng quy trình!
Mời đọc thêm: 25% thời gian của công chức để làm báo cáo (TP).
– Sinh hoạt tư tưởng: Chưa đỗ ông nghè… (ND).
– Quảng Ninh nỗ lực thực hiện tinh giản bộ máy, biên chế(Quảng
Ninh). – Thành phố Quảng Ngãi sẽ tinh giản 181 biên chế từ năm
2018-2021 (Quảng Ngãi).
Báo
Nhân Dân, cơ quan ngôn luận của … Nga?
Báo Sputnik của đồng
chí “lái súng” Putin có bài: Ngôi sao dẫn đường cho Việt Nam. Bài báo dẫn lời bà
Nguyễn Thị Thu Hồng, trưởng nhóm quay phim của kênh truyền hình báo Nhân Dân,
cơ quan ngôn luận của Đảng CSVN, cho biết: “Lễ kỷ niệm 100 năm Cách mạng
tháng Mười Nga 1917 sẽ được tổ chức ở Việt Nam như ngày lễ nhà nước”
và “Tất cả các phương tiện truyền thông Việt Nam sẽ dành tin bài nói
về ý nghĩa của Cách mạng tháng Mười đối với Việt Nam“.
Không những vậy, bà
Hồng còn bảo rằng: “Nhiệm vụ chính của chương trình là chỉ ra ý nghĩa lịch sử
của Cách mạng tháng Mười và tình hữu nghị của nhân dân Nga đối với Việt Nam.
Các thế hệ hiện tại và tương lai của Việt Nam cần ghi nhớ điều này“. Hết ‘hữu
nghị’ với Trung Quốc, tới ‘hữu nghị’ với Nga, nên đất nước chẳng ra ma gì!
Mời nghe clip phát
biểu của bà Nguyễn Thị Thu Hồng, trưởng nhóm quay phim của kênh truyền hình báo
Nhân Dân: https://soundcloud.com/sputnik_vn/vosr-vn
Củi
nào sẽ được cho vào kế tiếp?
VOA có bài tóm lượt
từ hãng tin Reuters: Cựu Thủ tướng Dũng bỏ qua, không kỷ luật Trịnh Xuân Thanh.
Bài viết cho biết, ông Trịnh Xuân Thanh “đã được chính phủ tiền nhiệm bỏ
qua, không kỷ luật về cáo buộc gây thiệt hại tài chính tại Tổng công ty Cổ phần
Xây lắp Dầu khí Việt Nam PetroVietnam (PVC)“.
Cụ thể: theo một lá
thư ngày 18/5/2015 của cựu Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng gửi cho Thủ tướng
Nguyễn Tấn Dũng, ông Thanh đã nhận trách nhiệm nhưng chính phủ của Thủ Tướng
Dũng lúc bấy giờ “không tìm thấy dấu hiệu tiêu cực” nào liên quan đến
hành động của ông Thanh, cho nên “các cơ quan, đơn vị đồng ý không tiến
hành kỷ luật đối với ông Thanh”.
Báo Người Việt có
bài tổng hợp thông tin và nhận định: Báo Việt Nam và blogger ‘dọn đường’ cho việc bắt Đinh La
Thăng. Nhà báo Phạm Chí Dũng có bài trên blog VOA: Số phận của Bình có khác Thăng? Tác giả nhận định:
“Nhưng nếu Đinh La Thăng vẫn là chưa đủ, sẽ cần thêm ít nhất một ‘con dê’ nữa
phải chịu ‘tế thần’. Khi đó, không chỉ bị loại khỏi Bộ Chính trị, Ban chấp hành
trung ương, mà cách ‘đi’ sắp tới của Nguyễn Văn Bình có khi cũng sẽ giống hệt
Đinh La Thăng vào thời điểm hiện nay: ‘một đi không trở lại’.”
Đại án
OceanBank
Báo Tuổi Trẻ có
hình ảnh phác họa việc 800 tỉ đồng của dầu khí ‘bốc hơi’ thế nào?
Nguồn: Báo Tuổi Trẻ
Mời đọc thêm: 7 vấn đề ‘nóng’ dự kiến tranh luận ở đại án Oceanbank (Zing).
– Khởi tố thêm 3 vụ án tại các công ty dầu khí liên quan đại
án OceanBank (VNE). – Đại án OceanBank: Khởi tố thêm 3 vụ án liên quan các đại gia
xăng dầu (TT). – Đại án OceanBank: Khai vống lãi gấp cả chục lần (TTXVN).
– Đại án OceanBank và những con số giật mình (PN
News).
Ông Võ
Kim Cự bị cho thôi chức
Tác giả Lê Anh Hùng
thắc mắc: Vì sao Võ Kim Cự lại được trọng dụng? Thì ngay
lúc đó, báo chí trong nước đưa tin: Ông Võ Kim Cự sẽ thôi chức Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt
Nam từ 1/10. Văn phòng Chính phủ cho biết, các cơ quan chức năng
đang tiến hành thủ tục để ông Võ Kim Cự bàn giao chức Chủ tịch Liên minh Hợp
tác xã Việt Nam từ 1/10 tới.
Một nguồn
tin từ Văn phòng Trung ương Đảng cũng xác nhận với báo Thanh Niên: “Các
cơ quan của Đảng cũng đã được thông báo về việc Thủ tướng sẽ cho ông Cự thôi đảm
nhiệm chức vụ Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã từ tháng sau“.
Về thông tin ông Võ Kim Cự làm phó Ban chỉ đạo đổi mới phát triển hợp
tác xã, cho dù đã bị kỷ luật, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai
Tiến Dũng cho biết: “Bất cứ ai giữ chức Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã thì sẽ
kiêm nhiệm vai trò Phó ban đó, chứ không có chuyện bị kỷ luật mà vẫn được giao
thêm trọng trách“.
Nhân
quyền ở Việt Nam
Nhà báo Đoan Trang
có bài viết về kỹ thuật nghiệp vụ của lực lượng an ninh Việt Nam,
đó là xây dựng cả một đội ngũ đông đảo các chiến sĩ “ngày đêm trực chiến
trên mạng – tức là canh trang facebook của những người ủng hộ dân chủ, nghiên cứu
từng status, comment của người ta, rồi viết bài đăng báo (Quân Đội Nhân Dân,
Công an Nhân dân, An ninh Thủ đô, Nhân Dân, Văn nghệ TP.HCM…) đấu tranh“.
Tác giả viêt tiếp:
“Bắt facebooker, blogger về đồn, mạnh mẽ lăng mạ, thẩm vấn, cần thiết thì tẩn,
rồi lập ‘biên bản làm việc’, rồi vừa lừa vừa ép người ta phải nhận facebook hay
blog nào đó là của mình … Làm hồ sơ vụ án, và nhất định là phải biệt giam
đối tượng, cô lập, cách ly, cắt mọi liên lạc của đối tượng với bên ngoài, nhất
là không cho gặp gỡ luật sư...”
Trang XHDS có
bài: Đề án giảng dạy Nhân quyền các cấp học: vui đó, lo đó? Bài
viết có đoạn: “Các bước đi giảng dạy nếu có cũng chỉ là những giảng dạy mang
tính hời hợt, hoặc chưa đi sát vào trong tính phổ quát, thay vào đó, nó luôn gắn
với yếu tố ‘XHCN’, thậm chí đôi khi yếu tố XHCN áp đặt và định hướng cả nội
dung giảng dạy nhân quyền“.
Facebooker Phạm Lê
Vương Các có bài: Vài đánh giá về giáo dục nhân quyền tại Việt Nam. Ông
Các cho rằng, “chính sách và quan điểm về giáo dục nhân quyền mà nhà nước Việt
Nam đang theo đuổi là không nhất quán và không phù hợp với tiêu chuẩn và nguyên
tắc giáo dục nhân quyền được xác định trong Chương trình Thập kỷ giáo dục nhân
quyền của Liên Hợp Quốc”.
Về việc ông Vũ
Chiến Thắng, Cục trưởng An ninh Tây Bắc (Bộ Công an) được bổ nhiệm làm Trưởng
ban Tôn giáo Chính phủ, Facebook Thanh Niên Công Giáo cho biết: Năm 2102,
khi ông Thắng được điều về làm Phó Giám đốc Công an Nghệ An, “đây là giai đoạn
ở Nghệ an xảy ra nhiều điểm nóng liên quan đến Tôn giáo, trong đó có vụ án 14
Thanh Niên Công Giáo và Tin Lành“.
Cuối năm 2014, “với
thành tích là những chiến công mang đẫm máu người vô tội, ông Thắng được cất nhấc
lên chức Giám đốc công an tỉnh Quảng Trị, rồi tiếp tục được đưa về Bộ Công an để
làm Cục trưởng An ninh Tây Bắc thuộc Tổng cục An ninh kể từ tháng 9/2016 đến
nay“.
BBC có bài: Người
Thượng ở Campuchia ‘cầu cứu, không muốn về VN’. Có 29 người trong số
200 người Thượng còn kẹt lại tại Campuchia “đang cầu cứu kêu gọi giúp đỡ họ
trước việc chính phủ Campuchia dự tính trục xuất họ về Việt Nam”.
Ông Y Rin Kpa, một
người Thượng, đại diện nhóm 29 người cuối cùng ở Campuchia cho biết: “Bây
giờ tôi rất sợ. Tôi không tin họ sẽ tha thứ. Tôi chỉ cầu xin các tổ chức quốc tế
gây áp lực lên chính quyền Campuchia để họ không bắt chúng tôi về. Chúng tôi
không tin chính quyền Việt Nam sẽ đối xử tốt với chúng tôi”.
Khi
lòng tin bị đánh cắp
Báo Nông nghiệp Việt
Nam có bài: Công bố kết luận thanh tra ‘biệt phủ’, nếu lòng tin bị mất
thì… Bài viết cho rằng, “biệt phủ” của ông Phạm Sỹ Quý “phơi
bày lồ lộ ra trước mắt thiên hạ“, thanh tra chỉ giải quyết có mấy vấn đề: 6
quyết định được ký trong ngày để chuyển 13.000 m2 đất rừng thành đất ở cho ông
Quý có hợp pháp không? Ông Quý nói ông vay Ngân hàng 20 tỷ thì vay Ngân hàng
nào? Ông có những tài sản thế chấp nào để được Ngân hàng cho vay từng ấy tiền?…
Thế nhưng, với lực
lượng hùng hậu của TTCP, việc công bố Kết luận thanh tra “cứ bị hoãn hết lần
này đến lần khác“, có phải “vì thế lực của ông Quý quá lớn, đến mức TTCP
cũng phải kiềng?” Tác giả viết: “Chỉ có một việc con con như vậy,
mà thất tín đến 7 lần. Thử hỏi xã hội còn có lòng tin vào TTCP nữa không? Mà nói
như Hoàng đế nước Pháp Napôlêông, thì ‘mất tiền bạc là mất nhỏ. Mất danh dự là
mất lớn. Mất lòng tin là mất tất cả’.”
Học
phí bóp cổ dân
Báo Lao Động có
bài: Phải cho chúng tôi sống với chứ! Tác giả liệt
kê những khoản đóng học phí trời ơi nhưng mang những cái tên nghe rất nhân văn
như, “khoản thu tự nguyện”, “hội cha mẹ học sinh đề xuất”… Tác
giả viết: “Thưa các thầy hiệu trưởng, các thầy giám đốc sở, và cả các
thầy ở Bộ GDĐT không biết các thầy có còn thương xót những đứa trẻ phải bỏ học
vì quá nghèo trước những khoản thu choáng váng đầu năm?”
Báo Tuổi Trẻ có
bài: Trường lạm thu do… hội phụ huynh!?Sự việc xảy ra ở
TP Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu, phụ huynh phản ảnh một số trường tiểu học “thu
tiền lót nền, lắp máy lạnh…“, ông Nguyễn Tấn Khương, chánh văn phòng kiêm
người phát ngôn UBND tỉnh Bạc Liêu nói: “Các trường cho rằng những khoản
thu này đều là ‘ý nguyện’ của hội phụ huynh học sinh”.
Tác giả cho biết
thêm: “Trên thực tế có những ban đại diện chính là ‘cánh tay nối dài’ của
ban giám hiệu nhà trường… Có một số người tham gia vì mục đích cá nhân: để con
em mình được ưu tiên hơn các bạn đồng lứa, để tạo sự thân tình với hiệu trưởng
nhằm dễ bề xin xỏ này nọ… Do vậy, họ thường không dám phản biện với những
mục tiêu trang bị, sửa chữa, nâng cấp… mà nhà trường đưa ra, dù nó vô lý và quá
đáng“.
Facebooker Nguyễn
Ngọc Nam Phong cho biết, Giáo hạt thuận Nghĩa, thuộc Giáo phận Vinh vừa ra một thông báo về việc chống lạm thu phí và thuế. Bản
thông báo có đoạn: “Để tránh sai lầm cho bản thân và sai phạm của nhà trường
hay các cơ quan công quyền, đề nghị mọi thành phần trong giáo hạt Thuận Nghĩa
không tự ý ký vào bất kỳ một văn bản nào mà mình chưa hiểu rõ nội dung hoặc nội
dung không hợp lý … Khi nạp tiền cho nhà trường hay các cơ quan công quyền, người
nạp có quyền yêu cầu người nhận cung cấp biên lai thu tiền và ghi rõ lý do thu
thu tiền trong biên lai đó”.
Ảnh: FB Nguyễn Ngọc
Nam Phong.
Facebooker Lê Văn Sơn đưa tin: “Trường THCS
An Hòa, Quỳnh Lưu, Nghệ An xúc phạm nhân phẩm học sinh, linh mục, xúc phạm niềm
tin tôn giáo … để bao che sai phạm, dùng Công an uy hiếp và bảo kê”.
Mời đọc thêm: Đầu năm học, phụ huynh bức xúc với lạm thu tiền trường (ANTĐ).
– Lạm thu đầu năm học: Chuyện không mới nhưng khó giải quyết (VOV).
– Tình trạng lạm thu đầu năm học: Phải có “sàn” thu – chi cho
các trường(DV). – Lạm thu đầu năm học: Khi chữ được bán với giá cắt cổ (PN
News/ NĐT). – Hà Nội công bố đường dây nóng chống “lạm thu” trong trường học (PT).
– Xin đừng biến nhà trường thành nơi kinh doanh bảo hiểm (GDVN).
– Xác minh việc đóng 16 triệu đồng vào lớp 1 ở Đồng Tháp(PLTP).
– BOT, nhà trường ra sức lạm thu, sức dân hao mòn (LĐ).
Dự án
BOT: Dân chờ Sở, Sở chờ Bộ, Bộ chờ Chính phủ!
Báo Người Lao Động
có bài kêu gọi Bộ Giao thông Vận tải hãy nhận trách nhiệm đi! Bài
viết chỉ rõ: Hầu như tất cả các trạm BOT đều được đặt theo kiểu “tận thu”, và đều
có mẫu số chung: “Nếu dời trạm sẽ bị phá vỡ phương án tài chính, mà cụ thể ở
đây là lãi vay ngân hàng. Và như vậy tự nó đã chỉ ra sự vô lý đến cực điểm từ
khâu đầu tiên là khâu thiết lập dự án đến khâu cuối cùng là đưa vào hoạt động
kinh doanh thu hồi vốn“.
Với tư cách là bộ
quản lý trực tiếp các dự án BOT giao thông, Bộ Giao thông “phải đứng ra nhận
trách nhiệm này, không nên đổ lỗi cho việc thiếu ngân sách nên cần phải huy động
nguồn vốn bên ngoài để sửa chữa QL, để rồi đặt sai vị trí các trạm thu phí như
hiện nay nữa“. Bên cạnh đó, theo bài viết, Bộ GT cần phải cắt bỏ, hoặc tạm
dừng các dự án không quan trọng, “cương quyết dời các trạm thu phí về đúng vị
trí của nó, cho người dân có quyền lựa chọn sử dụng dịch vụ“.
Cũng tin báo Người
Lao Động: Bất ổn dự án BOT giao thông: Sở chờ bộ, bộ chờ Chính phủ! Ông
Trần Văn Bon, Giám đốc Sở GTVT Tiền Giang cho biết, hiện “vẫn chưa có phương
án về trạm thu phí BOT Cai Lậy vì phải chờ ý kiến chỉ đạo từ Bộ GTVT“. Ông
Nguyễn Phú Hiệp, Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư QL1 Tiền Giang cho hay, “thời
gian thu phí trở lại vẫn chưa xác định. Về vị trí đặt trạm vẫn chờ Bộ GTVT và hội
đồng thành viên công ty thống nhất với nhau“.
Còn chuyện hai tỉnh
Hưng Yên và Đồng Nai đề xuất di dời vị trí trạm, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật
cho biết: “Việc này nó ngoài tầm của bộ. Do đó, chúng tôi cũng như
các cơ quan khác sẽ tập hợp những nội dung liên quan để phục vụ cho cuộc họp tại Chính
phủ“.
Mời đọc thêm: Ông Nguyễn Đức Kiên cãi dư luận: “BOT tốt, doanh nghiệp vận
tải chơi xấu” (NLĐ). – Có thật ông Nguyễn Đức Kiên là Tiến sĩ Kinh tế? (FB
NH). – Ông nói ngày càng “khó nghe” đấy ông Nguyễn Đức Kiên! (NLĐ).
– Đồng Nai kiến nghị dời trạm, giảm phí BOT (PLTP).
– Kiến nghị giảm mức phí BOT tuyến tránh Biên Hòa(SGGP).
– Giảm phí hoặc dời trạm BOT QL5 đều bế tắc?(ĐV).
– Xây hồ bơi cho học sinh theo hình thức BOT (TN).
Cắt giảm
chi tiêu, thay vì tăng thuế
Báo VietNamNet có
bài: VAT lên 12%: Tăng thuế hay không đều phải tiết kiệm chi.
Các chuyên gia nhận định: “Thâm hụt ngân sách trong những năm gần đây là do
chúng ta chi tiêu quá nhiều chứ không phải do hụt thu. Bởi thu ngân sách vẫn
liên tục tăng cao”.
Chuyên gia kinh tế
TS Bùi Trinh đã từng nhận định: “Cần thắt chặt chi tiêu ngân sách, cái gì cần
chi tiêu thì phải xem xét tính hiệu quả của nó một cách thực chất nhất. Vì nếu
thâm hụt ngân sách, Nhà nước sẽ nghĩ ra mọi cách để tận thu, có thể dẫn đến suy
kiệt doanh nghiệp, bào mòn sức chịu đựng người dân, từ đó làm suy yếu nền kinh
tế”.
Báo Giao thông Vận
tải có bài: Tăng gấp đôi thuế xăng dầu: Thường vụ Quốc hội không chấp
thuận. Do Bộ Tài chính chưa làm rõ được lộ trình cắt giảm thuế nhập
khẩu đối với xăng, dầu; chưa làm rõ cơ sở khoa học việc nâng mức trần khung đối
với xăng, dầu trong khung thuế hiện hành, mà “đề xuất cơ sở tăng thuế theo định
tính là chưa thực sự thuyết phục“.
Vì vậy, Thường
trực Uỷ ban Tài chính ngân sách “đề nghị Chính phủ cần làm rõ cơ sở khoa học
để đề xuất nâng mức trần khung đối với xăng, dầu lên gấp 2 lần như Dự thảo luật”
cũng như đánh giá tác động đến hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống của người
dân.
Tiền
nhiều như nước sông … Cửu Long
Báo Người Lao Động
có bài: Cán bộ Tiền Giang xuất ngoại như… đi chợ. Chỉ trong
có 4 năm, từ năm 2012-2016, mà tỉnh tiền Giang đã có tổng số 2.026 lượt cán bộ,
công chức đi nước ngoài với danh nghĩa “học tập, tham quan, khảo sát, trao đổi
kinh nghiệm, hội thảo…“, trong đó có cả trường hợp viên chức là thanh tra tỉnh
đi “nghiên cứu hoạt động… xổ số kiến thiết tại Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ“!
Đáng chú ý, ngoài
việc móc tiền ngân sách địa phương, số người đi nước ngoài bằng tiền “tài trợ”
nhiều nhất lại là ngành Y tế, mà nguồn tài trợ đi nước ngoài cho các bác sĩ “không
phải của dự án mà của các công ty dược phẩm, vật tư, thiết bị y tế.” Đúng
là Tiền Giang nhiều tiền như nước sông Cửu Long!
Vụ bê
bối VN Pharma
Báo Một Thế Giới có
bài: Vụ VN Pharma: ‘Không khởi tố hình sự những người liên quan ở Bộ Y tế
là chưa hợp lý’. LS Nguyễn Văn Hậu – Chủ tịch Trung tâm trọng tài
thương mại Luật gia Việt Nam cho rằng, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cũng như
Tòa án nhân dân TP.HCM “không hề nhắc đến chuyện Bộ Y tế từng rút sổ đăng
ký 7 loại thuốc kháng sinh do công ty này nhập lậu và tung ra thị trường hồi
năm 2014 là không hợp lý”.
LS hậu cũng cho biết,
thuốc H-Capita là hàng giả và việc Cục Quản lý dược – Bộ Y tế được giao
nhiệm vụ “gác cổng” đã để cho VN Pharma nhập khẩu thuốc không xác định nguồn gốc,
thì “rõ ràng Cục Quản lý dược phải có trách nhiệm”.
Giữ lấy
Sơn Trà
Báo Lao Động có
bài: KTS Hồ Duy Diệm: Đề nghị thanh tra toàn bộ dự án tại Sơn Trà. KTS
Hồ Duy Diệm đã gửi đơn kiến nghị Thủ tướng Chính phủ “cho thanh tra toàn bộ
những dự án tại Sơn Trà” vì ông cho rằng, nhiều dự án tại Khu Bảo tồn thiên
nhiên Sơn Trà “đã được cấp đất, mua bán, chuyển nhượng trái quy định, thậm
chí chính quyền TP. Đà Nẵng còn vượt quyền khi chuyển đổi mục đích sử dụng đất
rừng Sơn Trà”.
Ông Diệm nói,
“Sơn Trà là 1 trong 10 khu rừng cấm của quốc gia, việc chuyển đổi mục đích sử dụng
đất rừng chịu sự điều chỉnh nghiêm ngặt của Thủ tướng Chính phủ cùng với đó là
những điều luật về Bảo vệ phát triển rừng, Luật Đầu tư,…”
Vụ phá
44ha rừng ở Bình Định
Báo Dân Việt có
bài: Bí thư Bình Định: Có cả bộ máy mà để lâm tặc ngang nhiên phá rừng! Ông
Nguyễn Thanh Tùng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định nói: “Trách nhiệm của lực lượng
kiểm lâm ở đâu, xã chịu trách nhiệm quản lý Nhà nước trên địa bàn, trong đó, Chủ
tịch UBND xã quản lý, thế trách nhiệm các đồng chí ở đâu? Lý do gì để xảy
ra vụ phá rừng nghiêm trọng này?”
Còn ông Đỗ
Tùng Lâm, Phó Chủ tịch UBND huyện An Lão cho biết: “Đây là vụ phá rừng quy
mô lớn nhất từ trước đến nay của huyện nên sai đến đâu xử lý đến đó, không bao
che cho ai cả. Sắp đến, tiến hành kiểm điểm trách nhiệm đối với chủ rừng là
UBND xã An Hưng và lực lượng bảo vệ rừng, kiểm lâm. Lãnh đạo UBND huyện nhận
trách nhiệm, trong tuần này sẽ tiến hành kiểm điểm để báo cáo UBND tỉnh”.
Lao động
Việt tại Anh
Báo Thanh Niên có
bài: Người Việt vỡ mộng ‘việc nhẹ lương cao’ ở Anh. Bào
báo cho biết, những kẻ buôn người ra giá cả tỉ đồng để đưa người Việt nhập
cư lậu vào Anh với lời hứa hẹn “có được công việc và cuộc sống vương giả“,
tuy nhiên, thực tế chẳng những họ bị mất tiền, mà còn suýt mất mạng!
Bài báo kể rằng, là
nhiều người Việt bị bóc lột, thậm chí sống trong cảnh “nô lệ thời hiện đại”.
Họ thường làm công việc lao động chân tay như ở tiệm làm móng, trại trồng cần
sa và cả mại dâm. Một nhân viên làm móng cho biết: “phải lao động từ sáng đến
tối cả 7 ngày trong tuần nhưng chỉ được trả 30 bảng/tuần (khoảng 900.000 đồng)“.
Đúng
là … của nợ
Trang RedsVN có
bài: Món nợ mà Việt Nam chưa trả hết cho Iraq và Saddam Hussein.
Việc cựu Tổng thống Iraq Saddam Hussein tặng Việt Nam 400 ngàn tấn dầu
và cho vay 3,5 triệu tấn vào năm 1975, bà Nguyễn Thị Bình, cựu Phó Chủ tịch
nước, viết trong hồi ký: “Saddam Hussein có sai lầm gì trong đối nội, đối
ngoại, có tội lỗi gì với nhân dân của ông, lịch sử của Iraq sẽ phán xét. Nhưng
đối với Việt Nam, tôi nghĩ chúng ta biết ơn sự giúp đỡ quý báu của ông trong những
năm Việt Nam vừa ra khỏi chiến tranh”.
Đến năm 1979
Việt Nam bắt đầu phải trả đợt đầu tiên cho Iraq, nhưng không có tiền, Chính
phủ của Tổng thống Saddam Hussein “quyết định cho Việt Nam vay 100 triệu đô
la để trả số nợ đến hạn cho chính Iraq“. Sau nhiều lần đến hẹn mà không trả
nổi xu nào, chắc lại sợ Việt Nam … vay tiếp, nên Saddam Hussein phải nói: “Từ
giờ phút này trở đi giữa chúng ta không có nợ nần gì với nhau nữa”. Hề hề…
Giúp đỡ
người anh em Cuba “canh giữ hòa bình thế giới”!
Việt Nam bày tỏ
tình đoàn kết với người anh em XHCN Cuba. VOA đưa tin: Việt Nam gửi viện trợ cho Cuba để khắc phục hậu quả bão Irma.
Được biết, Việt Nam đang lên kế hoạch gửi cho Cuba một lô hàng viện trợ sau những
thiệt hại do cơn bão Irma gây ra.
Tin quốc tế
Khủng
hoảng Rohingya
RFI có bài: Miến Điện: Hội Đồng Bảo An họp kín về hồ sơ Rohingya.
Theo phóng viên RFI: “Đây là lần thứ hai trong vòng 2 tuần lễ mà Hội Đồng Bảo
An họp về tình hình Miến Điện. Lần nào cũng họp kín, thảo luận riêng, báo chí
không được tham dự”. Các tổ chức phi chính phủ nghi ngờ việc họp kín
là vì Trung Quốc, đối tác thương mại hàng đầu của Miến Điện, đã ra sức vận động
để chủ đề này không nằm trong chương trình nghị sự của Hội đồng Bảo an LHQ.
Thêm tin: HĐBA họp khẩn về khủng hoảng Rohingya ở Myanmar (VOA).
– Bà
Aung San Suu Kyi không dự họp Đại Hội đồng LHQ (BBC). – Bà Suu Kyi không dự họp Đại Hội Đồng LHQ (RFA). Cảnh
báo về Al Qaida sẽ nhúng tay vào Miến Điện: Thảm nạn Rohingya: Al Qaida đe dọa Miến Điện. (RFI).
Khủng
hoảng Bắc Hàn
Sau nghị quyết chế
tài mới của LHQ, Bắc Hàn đe dọa cho Mỹ nếm mùi ‘đau đớn nhất’. BBC dẫn lời
ông Han Tae Song, Đại sứ Bắc Hàn tại LHQ, nói: “Các biện pháp sắp tới của
CHDCND Triều Tiên sẽ làm cho Mỹ phải hứng chịu sự đau đớn ghê gớm nhất trong lịch
sử”.
Thêm tin về phản ứng
của Bắc Hàn: Triều Tiên lên án lệnh trừng phạt LHQ, cảnh cáo Mỹ (VOA).
– Bắc Hàn sẽ tiếp tục tăng cường võ khí hạt nhân sau lệnh trừng
phạt (RFA).
Donald Trump vs Kim
Jong-un, kẻ tám lạng, người nửa cân. TT Trump tiếp tục răn đe Bắc Hàn: Trump cảnh báo hậu quả với Triều Tiên sẽ khôn lường.
VOA đưa tin, ngày 12/9, ông Trump tuyên bố những chế tài mới nhất đối với Bắc
Hàn hôm 11/9 chỉ là một bước rất nhỏ, không thể sánh bì với những gì sẽ xảy ra.
Và Trung Quốc có thể bị chế tài thêm vì Triều Tiên. Theo
tin từ VOA, Bộ trưởng Tài chánh Mỹ Steven Mnuchin nói: “Nếu Trung Quốc
không tuân thủ những chế tài này, chúng ta sẽ áp đặt thêm những chế tài đối với
họ và ngăn không cho nước này tiếp cận hệ thống đô la Mỹ và quốc tế”.
Tuy bị cấm vận,
nhưng buôn bán biên giới Trung-Triều vẫn nhộn nhịp dù cấm vận. RFI
dẫn nguồn tin từ Le Monde, gần 80% trao đổi thương mại giữa Trung Quốc và Bắc
Hàn là qua ngõ Đan Đông.
RFI có bài tìm hiểu
về các khoa học gia Bắc Hàn trong việc chế tạo bom nhiệt hạch: Những nhà khoa học nguyên tử Bắc Triều Tiên là ai? Bài
báo cho biết, Bắc Hàn tự chế tạo động cơ tên lửa. Người Bắc Hàn được gửi đi các
nước để học như: nghiên cứu vật lý ở Ý, nghiên cứu về khoa học vật liệu, kỹ thuật
và thông tin điện tử ở Romani hay tập huấn tại một trung tâm công nghệ vũ trụ của
Ấn Độ.
Nam Hàn phát hiện
phóng xạ. RFI cho biết, Hàn Quốc: Có dấu vết phóng xa từ vụ thử hạt nhân Bắc Triều Tiên.
Theo hãng tin Reuters, các chuyên gia của Ủy Ban An Ninh và An Toàn hạt nhân của
Seoul đã phát hiện dấu vết của khí xenon-133 ở vùng đông bắc Nam Hàn và bốn nơi
khác ở bờ biển phía đông. Tuy nhiên, viên chức này cũng trấn an là không có gì
nguy hiểm cho môi trường và sức khỏe dân chúng.
Tăng cường khả năng
phòng thủ: Hàn Quốc tập trận với tên lửa hành trình. (RFI).
Ảnh hưởng
Trung Quốc tại Cam Bốt
RFI có bài phân
tích: Tiền Trung Quốc thổi bay ảnh hưởng của Mỹ tại Cam Bốt.
Theo hãng tin Reuters, Trung Quốc không chỉ đã vượt xa Mỹ về số tiền đổ vào quốc
gia này, mà tiền bạc của Bắc Kinh còn đổ vào các dự án cơ sở hạ tầng có thể
nhìn thấy được, và nhất là không kèm theo bất kỳ đòi hỏi nào về cải cách chính
trị. Trung Quốc chiếm gần 36% trong số 732 tỷ đô la viện trợ song phương cho
Campuchia trong năm 2016, gần gấp bốn lần so với Mỹ.
Thêm tin về Trung
Quốc – Mỹ – Campuchia: Đại sứ Mỹ bác bỏ cáo buộc Mỹ can thiệp vào nội tình Campuchia (VOA).
– Hoa Kỳ ngưng cấp một số loại visa ở Campuchia (RFA).
Trung Quốc cũng muốn
lôi kéo Malaysia về phía của họ. VOA đưa tin: Tàu ngầm Trung Quốc thăm cảng Malaysia. Bài báo cho biết,
đây là chuyến thăm thứ hai của tàu Trung Quốc trong năm nay.
Tổng
thống Trump sẽ thăm trung Quốc
RFA dẫn tin từ một
viên chức Nhà Trắng, cho biết: Tổng thống Trump chắc sẽ thăm Trung Quốc vào tháng 11 nhân
chuyến đi Việt Nam dự thượng đỉnh APEC.
Châu
Âu nghi ngờ về đầu tư Trung Quốc
RFI có bài: Uỷ Ban Châu Âu muốn kiểm soát đầu tư Trung Quốc. Để đối
phó với tình trạng các công ty quốc doanh Trung Quốc khai gian để mua lại công
nghệ tân tiến của đối tác châu Âu với giá rẻ mạt, Chủ tịch Ủy Ban Châu Âu
Jean-Claude Juncker đề nghị, từ nay “mỗi khi một doanh nhân nước ngoài
muốn mua lại một hải cảng chiến lược, một phần của công nghiệp năng lượng hay hạ
tầng cơ sở chiến lược và quốc phòng thì dự án đó phải được minh bạch và phải được
xem xét kỹ càng và có tranh luận”.
TT
Trump và chính trường Mỹ
Để đối phó với chủ
nghĩa thù hận nguy hiểm, QH Mỹ kêu gọi TT Trump lên tiếng chống các nhóm khích động thù
hận. VOA cho biết, Quốc hội Hoa Kỳ vừa thông qua một nghị quyết chung,
hối thúc Tổng thống Donald Trump lên tiếng chống lại các nhóm khích động thù hận,
ủng hộ chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, chủ nghĩa cực đoan, chủ nghĩa bài Do thái
và theo thuyết người da trắng thượng đẳng.
Thêm tin: Quốc Hội Mỹ đòi tổng thống lên án các tổ chức cực đoan (RFI).
– Thượng Viện Mỹ thông qua nghị quyết lên án các tổ chức da trắng
cực đoan (NV).
Theo tin từ
VOA, Tòa Bạch Ốc có tân Giám đốc Truyền thông. Bà Hope Hicks
chính thức trở thành Giám đốc truyền thông Tòa Bạch Ốc. Bà Hicks 28 tuổi, từng
là thư ký báo chí trong chiến dịch tranh cử của ông Trump, kể từ đó, bà là phụ
tá của Tổng thống.
Liên quan đến tình
trạng di dân ở Mỹ: Các dân biểu Mỹ lên tiếng ủng hộ Đạo luật DREAM. (VOA).
– TT Trump mời lãnh đạo Dân Chủ ăn tối, bàn về DACA (NV).
Chuyện Nga can thiệp
vào bầu cử Mỹ, VOA đặt câu hỏi: Thêm dấu hiệu về sự can thiệp Nga vào bầu cử Mỹ? Bài
viết đưa tin, một số quảng cáo mà người Nga mua trên Facebook năm ngoái cổ vũ
cho các sự kiện trong chiến dịch tranh cử Tổng thống Mỹ 2016.
Bị tai tiếng thì từ
chức là chuyện bình thường ở “Mỹ”: Bị tố cáo lạm dụng tính dục trẻ nhỏ, thị trưởng Seattle từ chức,
báo Người Việt đưa tin. Ông Murray thông báo từ chức sau khi người em họ của
ông đưa ra cáo buộc trong cuộc phỏng vấn dành cho tờ báo địa phương Seattle
Times.
Nước Mỹ
sau giông bão
VOA cho biết, Florida: Tử vong vì bão Irma tăng. Có ít nhất 12 người
chết ở bang Florida, Georgia và South Carolina. Thêm tin: Bão Irma gây thiệt hại nặng nề nông nghiệp Florida(NV).
– Tan bão Irma, người dân Little Haiti tiếp tục vất vả (VOA).
VOA có bài về mức sống
của dân Mỹ: Mỹ: thu nhập gia đình tăng, tỷ lệ nghèo giảm. Bài báo
cho biết, lợi tức trung bình hộ gia đình tăng 3,2% từ năm 2015 cho đến 2016, đạt
mức trên 59 ngàn đô la/năm. Tỉ lệ nghèo túng giảm còn 12,7%.
Tuy nhiên, theo báo
Người Việt: Tỉ lệ người nghèo ở ‘Tiểu Bang Vàng’ California cao nhất nước Mỹ,
với khoảng 20.4% dân số California sống dưới mức được coi là nghèo.
Mời đọc thêm tin quốc
tế: Apple trình làng sản phẩm mới, iPhone X (VOA).
– iPhone X giá ngàn đô: Internet nói gì?(BBC). – Olympic 2024 : Paris “hồi hộp” chờ tin từ CIO(RFI).
– Xe lửa cao tốc Nhật thắt chặt quan hệ Tokyo-New Delhi (RFI).
– Singapore có nữ tổng thống đầu tiên (RFI). – Thế giới không đạt mục tiêu giảm bệnh lao, HIV và chứng béo phì (RFA).
– Giới chăn nuôi Thái chống nhập khẩu thịt heo Mỹ (VOA).
– 5
thuyền viên mất tích sau vụ tàu đụng nhau ở Singapore (BBC).
– Nghiên cứu y khoa: Chủng ngừa cúm có thể sẩy thai? (NV).
--------------------
Bài Mới Nhất
14/09/2017
14/09/2017
14/09/2017
14/09/2017
14/09/2017
13/09/2017
13/09/2017
13/09/2017
13/09/2017
13/09/2017
No comments:
Post a Comment