Tuesday, September 5, 2017

BÀI HỌC TỪ THÀNH CÔNG CỦA BÀ GIAO PHAN, LÃNH ĐẠO ĐÓNG 3 HÀNG KHÔNG MẪU HẠM TỐI TÂN NHẤT HOA KỲ (Nguyễn Tường Tâm)





Qua câu chuyện cuộc đời của bà Giao Phan, Việt Nam có thể rút được các bài học sau:

1- Người Việt Nam khi ra học tập và sinh sống ở nước ngoài cũng có khả năng tranh đua ngang ngửa với các sắc dân khác.
2- Việt Nam cần củng cố cấp giáo dục đại học 4 năm là then chốt.
3- Việt Nam cần hủy bỏ qui định cho lãnh đạo các cơ quan thực hiện mọi đề án quốc kế dân sinh được hưởng 10% ngân sách.
4- Việt Nam cần minh bạch trong tuyển dụng, hữu hiệu trong huấn luyện và chăm lo đời sống công nhân viên. 
5- Việt Nam cần quản trị hữu hiệu mọi công trình.

Bà Giao Phan

Cách nay khoảng 10 năm, hai tác giả Việt Nam viết quyển sách dầy đề cập chuyện một người Việt Nam xây Tử Cấm Thành Bắc Kinh của Trung Hoa. Tôi quí hai tác giả nên có mua ủng hộ một cuốn, tuy nhiên tôi không đọc vì chuyện đó theo tôi có vẻ không tưởng. Bây giờ đài tiếng nói Hoa Kỳ VOA, ngày 23/08/2017, cũng loan một tin tương tự, "Nữ TGĐ gốc Việt điều hành đóng hàng không mẫu hạm hiện đại nhất thế giới", khiến cá nhân tôi và rất nhiều người Việt hay gốc Việt khác thấy vui, và tự hào. Nhưng cũng có không ít người không tin. Một facebooker tên Thuy Bich Le viết "Tôi đã đọc bài trên nhiều lần như vẫn không tin có một người phụ nữ VN như thế..." Một facebooker khác là Tong T Le San Jose, California lại tỏ không tin và coi thường vì thấy bằng cấp của bà Giao Phan không cao. Người này không nhận định mà chỉ viết mỉa mai ngắn gọn "Thac si????". Một facebooker khác có tên Andrew Nguyễn viết mạnh bạo hơn "Quí vị có nghĩ Hải Quân Mỹ giao việc đóng 3 HKMH tối tân nhất thế giới, mỗi chiếc 14 tỉ dollars, cho 1 phụ nữ gốc VN mà bằng cấp căn bản là kỹ sư công chánh (4 year college), có lẽ chưa từng đi xuồng chớ đừng nói chi tới việc điều hành 1 chiến hạm Mỹ???... có lẽ mình cũng nên tự hỏi liệu các tướng lãnh HQ Mỹ có ngu ngơ đến mức như được mô tả trong bản tin không?

Nhưng ngày nay có google, internet và các trang mạng (websites) nên rất dễ kiểm chứng. Và rõ ràng là không phải chỉ trang mạng của VOA tiếng Việt viết về bà Giao Phan mà một số trang mạng của Hải quân Hoa Kỳ cũng có bài và hình ảnh về bà Giao Phan. Ví dụ trang mạng http://www.secnav.navy.mil/donhr/About/Senior-Executives/Biographies/Phan,%20G.pdf ghi rõ "Giao Phan Executive Director Program Executive Office for Aircraft Carriers" Giao Phan Tổng Giám Đốc Chương Trình Hàng không mẫu hạm "PEO". Trang mạng của Lực lượng Tuần Duyên Hoa kỳ (U.S. Coast Guard) http://www.uscg.mil/hq/CG9/aboutus/pdf/Bios/Phan_Bio_Mar2013.pdf ghi "Bà Giao Phan-Phó giám đốc chương trình mua sắm của lực lượng Tuần Duyên Hoa Kỳ" (Ms. Giao L. Phan Deputy Director of Acquisition Programs U.S. Coast Guard.) Một trang mạng khác http://www.alamy.com/stock-photo-giao-phan-executive-director-of-program-executive-office-for-aircraft-142811137.html có hình ảnh một buổi lễ trang nghiêm kỷ niệm tháng di sản Người Mỹ gốc châu Á được tổ chức tại Bộ tư lệnh Hải quân Hoa Kỳ ở Thủ đô Washington D.C. ngày 28 tháng 5, 2015, trong đó bà Giao Phan được giới thiệu là Tổng giám đốc chương trình đóng Hàng không mẫu hạm Hoa Kỳ (executive director of Program Executive Office for Aircraft Carriers) đăng đàn chia sẻ những bài học và kinh nghiệm thành công trong cuộc đời của bà cho các tham dự viên (An Asian American Pacific Islander Heritage Month event was held at Commander, Navy Installations Command Headquarters at the Washington Navy Yard, May 28, 2015.) 

Vị trí hiện nay của bà là thứ nhì trong cơ quan. Bà cho biết "Người lãnh đạo cơ quan của tôi là một vị tướng 2 sao của Hải quân là Đề đốc Brian Antonio. Tôi là vị phó của vị này, đứng vị trí thứ hai, là quan chức dân sự cao cấp nhất trong tổ chức, với chức vụ tạm dịch là Tổng Giám đốc Điều hành." Tuy nhiên, trong quân đội Hoa Kỳ, người chỉ huy hay lãnh đạo không bao giờ ở quá một nhiệm kỳ, và nhiệm kỳ ở cơ quan này là 5 năm. Nhưng người phụ tá như bà Giao Phan là thành phần chuyên viên không bị chi phối bởi nguyên tắc này, cho nên trong thực tế chính vị phụ tá này mới là người điều hành thực sự mọi công việc, và đó là nhiệm vụ thực sự của bà Giao Phan. Trang mạng của Hải Quân Hoa Kỳ http://www.secnav.navy.mil/donhr/About/Senior-Executives/Biographies/Phan,%20G.pdf ghi: Bà Giao Phan đảm nhận trách nhiệm Tổng Giám Đốc (Executive Director...) vào tháng 8-2013. Với tư cách là viên chức dân sự cao cấp nhất trong ban lãnh đạo, bà chịu trách nhiệm trông nom và quản trị (oversight and management) các nhân viên dân sự và quân sự, có trách nhiệm thực hiện một chương trình trị giá 40 tỉ đô la (executing a $40 billion acquisition portfolio). Trong số các chương trình bà chịu trách nhiệm trông nom, có chương trình thiết kế (design) và xây dựng (construction) những hàng không mẫu hạm lớp Ford (Ford-class aircraft carriers), và một số chương trình khác liên quan tới hàng không mẫu hạm mà tôi không dịch được vì không hiểu khá nhiều từ chuyên môn liên quan tới hàng không mẫu hạm. Tất cả những tài liệu đó khiến không ai còn có thể nghi ngờ vai trò lãnh đạo cao cấp của bà Giao Phan trong chương trình quan trọng của Hải Quân Hoa kỳ là đóng những hàng không mẫu hạm tối tân nhất thế giới. 

Bà cho biết "Cơ quan của tôi đảm nhiệm tất cả các việc liên quan đến hàng không mẫu hạm, từ A tới Z. Từ lập kế hoạch, thiết kế, xây dựng, bảo trì, sửa chữa, tóm lại, từ đầu chí cuối." Để hiểu rõ tầm quan trọng của công việc xây dựng những hàng không mẫu hạm thế hệ Ford hiện nay, chúng ta nên biết rằng, theo phóng viên đài VOA, cho dù Hoa Kỳ không đóng thêm những hàng không mẫu hạm tối tân thế hệ Ford thì với những hàng không mẫu hạm thế hệ Nimitz Hoa Kỳ đang xử dụng, có thể trong 1 thập kỷ nữa cũng không nước nào sánh bằng được. Nhưng bà Giao Phan cho biết giới lãnh đạo Quân đội Hoa Kỳ có viễn kiến nhìn xa nhiều thập niên trong tương lai khi cho đóng những hàng không mẫu hạm tối tân loại mới hiện nay. Bà nói "Tổng Tham mưu trưởng Hải quân Hoa Kỳ, ông John Richardson, đã tuyên bố rằng “Những lợi thế Hải quân Hoa Kỳ đang có hiện nay từ Thế chiến II sẽ nhanh chóng biến mất nếu chúng ta không quyết tâm tận dụng triệt để các tiến bộ tuyệt đỉnh về kỹ thuật. Chúng ta không thể chờ 10 năm hay 15 năm sau, mà phải bắt đầu áp dụng các sáng kiến ngay từ bây giờ. Chúng ta phải có chiến hạm có nhiều khả năng về tác chiến, cần phải có hệ thống thám thính tối tân hơn, đạn dược phải bắn xa hơn, có các vũ khí, năng lượng để Hải quân Hoa Kỳ tiếp tục giữ vị trí hàng đầu thế giới”. 

Chính tầm nhìn xa của giới lãnh đạo quân lực Hoa Kỳ đã được cơ quan do bà Giao Phan lãnh đạo biến thành hiện thực với 3 hàng không mẫu hạm thế hệ Ford mà chiếc đầu tiên USS Gerald R. Ford đã được chính thức đưa vào xử dụng ngày 21-7.


Chiếc thứ hai là hàng không mẫu hạm USS Kennedy đã đạt hơn 30% tính tới cuối tháng 8. Thêm nữa, ngày 24-8 theo dự kiến sẽ diễn ra lễ khởi công đóng hàng không mẫu hạm USS Enterprise, còn gọi là CVN-80. Theo bà Giao Phan, trên chiếc hàng không mẫu hạm USS Gerald R. Ford có khoảng 4.600 người.

Từ thành công và vai trò quan trọng của bà Giao Phan trong Hải Quân Hoa Kỳ, Việt Nam có thể rút được một số bài học. 

Trước tiên, từ câu chuyện của bà Giao Phan khiến tôi tin việc một người Việt Nam chỉ huy xây dựng Tử Cấm Thành Bắc Kinh là điều có thực theo sách sử Trung Hoa. Nhưng theo tôi điều chúng ta nên sòng phẳng ở đây là không nên vì thế mà viết tạo cho người đọc có cảm tưởng rằng người Việt dậy người Tầu xây Tử Cấm Thành Bắc Kinh, mà chúng ta có thể suy ra rằng cũng như bà Giao Phan, họ đều là người đã nhập tịch và đã được học tập văn hóa, kỹ thuật bản xứ để đóng góp xây dựng quốc gia với tư cách người bản xứ (Trung Hoa và Hoa Kỳ, ở 2 trường hợp).

Bài học thứ hai là với ngân sách 40 tỉ hàng năm, nếu ở VN thì bà Giao Phan và ông xếp của bà đương nhiên được hưởng theo qui định 10% là 4 tỉ. Nếu chúng ta biết để đóng 1 chiếc hàng không mẫu hạm tối tân nhất thế giới như vậy chỉ tốn có 14 tỉ đô la; và thêm nữa, theo tờ Washington Post chỉ với ngân khoản $1.6 tỷ là đủ để tài trợ xây đoạn tường biên giới và hàng rào dài 74 dặm, thì sẽ thấy 4 tỉ đô to như thế nào. Như vậy nhà cầm quyền VN cần rút kinh nghiệm từ bài học này mà hủy bỏ qui định cho các giới chức lãnh đạo cơ quan chủ đầu tư (tức cơ quan nhà nước) được hưởng 10% của mọi dự án quốc kế dân sinh thì sẽ tiết kiệm được ngân sách nhiều lắm. Nếu mọi cơ quan chủ đầu tư đều được hưởng 10% trị giá kế hoạch như hiện nay thì tất cả mọi cơ quan đều có khuynh hướng lập kế hoạch dưới chiêu bài xây dựng cho dù không cần thiết, để hưởng lợi cá nhân. Điều này khiến chi tiêu công ngày càng phình to và kết quả như ai cũng thấy là hiện nay ngân sách đã kiệt quệ.

Bài học thứ ba là bà Giao Phan chỉ có bằng kỹ sư công chánh (civil engineer), một văn bằng đại học 4 năm và không phải là khó học. Với văn bằng này, nói chung, ở Mỹ kiếm việc cũng không dễ và khi có việc lương cũng không cao so với các kỹ sư khác. Mãi 16 năm sau, 1997, bà Giao Phan mới học lấy bằng thạc sỹ quản lý của Viện Công nghệ Florida. Bà chỉ học thạc sĩ để tăng tiến khả năng, không học để chạy chức. Có lẽ không ít người Việt trong nước thấy vậy có vẻ coi thường bà Giao Phan. Nhưng nếu họ biết rằng, tại tất cả các quốc gia tiên tiến, Miền Nam trước kia cũng vậy, hầu hết mọi công việc cao nhất đều chỉ đòi hỏi có văn bằng 4 năm đại học. Ở miền Nam trước 1975, trong ngạch công chức có ba hạng, mà hạng A, cao nhất, là những người có bằng đại học 4 năm. Bằng tiến sĩ chỉ dành cho những người thích nghiên cứu hay dậy đại học (dậy đại học ở Mỹ cũng thường là các nhà nghiên cứu). Nếu tìm hiểu những nhân vật lãnh đạo các cấp chính quyền và trong các công ty lớn (các CEO) ở các nước tiên tiến thì đa số cũng chỉ có bằng 4 năm đại học. Không nhiều người có bằng tiến sĩ. Vấn đề chính là đại học 4 năm có nhiệm vụ chủ yếu là đào tạo những con người có đủ khả năng phục vụ xã hội (tư hay công) và vì thế nên tập trung hoàn thiện cấp giáo dục đại học 4 năm này thay vì theo đuổi đào tạo nhiều cấp tiến sĩ hay thạc sĩ gây lãng phí ngân sách, lãng phí tiền của, sức lực và thời gian của sinh viên, đồng thời tạo ra tệ nạn bằng giả hay bằng thật nhưng học giả. 

Bài học thứ tư: Mặc dù chỉ có bằng đại học 4 năm, nhưng công chức, viên chức công hay tư ở các nước tiên tiến được thăng tiến và giao những trọng trách cao hơn là vì họ làm việc tận tụy (hardworking), có tinh thần hoạt động nhóm (team work), và biết lãnh đạo chỉ huy (leadership).

Làm việc tận tụy là điều cần thiết cơ bản của mỗi con người trong xã hội để có thể giữ được công việc (không bị sa thải) và có cơ may tiến thân (lên lương, lên chức). Một khả năng quan trọng nữa là phải biết làm việc tập thể. Tại Hoa kỳ, khi đi xin việc, sau khi được phỏng vấn về kinh nghiệm chuyên môn, ứng viên sẽ được hỏi kinh nghiệm làm việc tập thể tức là khả năng cộng tác với các đồng nghiệp. Mỗi sản phẩm được hình thành và hình thành với hiệu năng nhất, giá rẻ nhất, đúng thời hạn nhất phải là công trình của tập thể. Ngoài ra, một người muốn tiến lên cấp lãnh đạo lại còn cần có khả năng lãnh đạo (leadership). Với khả năng lãnh đạo tuyệt vời bà Giao Phan đã mau chóng lần lượt được giao trách nhiệm lãnh đạo qua các chức vụ như sau:

- 8/2013 đến nay: Tổng Giám đốc Điều hành, Cơ quan Điều hành Chương trình Hàng không Mẫu hạm, Hải quân Hoa Kỳ

- 11/2007-7/2013: Phó Giám đốc, Các Chương trình Mua sắm Trang thiết bị, Tuần duyên Hoa Kỳ

- 2006-2007: Phó Giám đốc Điều hành, Chương trình Hàng không Mẫu hạm Đang Hoạt động

- 2004-2006: Trợ lý Giám đốc Điều hành về đóng hàng không mẫu hạm mới thuộc lớp Nimitz

- Trước đó, bà là Giám đốc chuyên trách Hàng không Mẫu hạm và Tàu Đổ bộ, thuộc Văn phòng Trợ lý Bộ trưởng Hải quân (chuyên trách Nghiên cứu, Phát triển và Mua sắm Trang thiết bị)

Và trong vai trò lãnh đạo hiện nay bà Giao Phan có trách nhiệm: 

1- Giúp Đề đốc Antonio lãnh đạo mọi hoạt động của tất cả các giám đốc điều hành chương trình; hỗ trợ mọi công việc, từ ngân sách do giám đốc tài chính chuyển giao, cho tới giao tiếp với Quốc hội và công chúng.

2- Điều khiển mọi chương trình hoạt động, giúp đỡ các giám đốc điều hành giải quyết những công việc phức tạp.

Và quan trọng hơn hết là bà Giao Phan có thêm trách nhiệm: 

3- Bảo đảm khả năng nhân viên trong cơ quan được tận dụng triệt để, các nhu cầu của họ được đầy đủ; tuyển dụng, huấn luyện, giúp đỡ tất cả nhân viên.

Để thực hiện tốt trách nhiệm đối với nhân viên (trách nhiệm thứ 3), bà Giao Phan cho biết, một trong năm ưu điểm của hàng không mẫu hạm mới mà chưa quốc gia nào khác trên thế giới có thể làm được là lo đầy đủ cho đời sống của các thủy thủ trên hàng không mẫu hạm. Bà nói, "Cuối cùng, một cái rất quan trọng nữa là chúng tôi không quên chăm sóc cho hàng ngàn thủy thủ làm việc ngày đêm trên chiến hạm. Nên hệ thống máy lạnh cũng tối tân được trang bị trên chiếc Ford để thủy thủ có thể có một nơi ăn ở cho thoải mái, có thể hít thở không khí trong lành mà không bị hại môi trường."

Bài học thứ năm: Quản trị hữu hiệu. 

Quản trị hữu hiệu là phải tạo ra sản phẩm tốt nhất, không đội giá, và không chậm tiến độ. Bà Giao Phan cho biết, "Thử thách khó khăn nhất đối với tôi trên đoạn đường dài mấy năm qua là làm sao có thể xây được một chiến hạm tối tân nhất trên thế giới với những hệ thống công nghệ và máy móc mà vẫn giữ được trong ngân quỹ được ấn định, mà phải bàn giao cho quân đội Hoa Kỳ đúng kỳ hạn". Về vấn đề này Việt Nam còn cần phải học nhiều từ tấm gương của bà Giao Phan.

Tóm lại, nghiên cứu kỹ hoạt động của bà Giao Phan, Việt Nam sẽ học được 5 bài học quí giá như tôi đã giới thiệu lúc đầu.

Tham khảo: 

5/9/2017


-------------------------

An Tôn - VOA    -   23/08/2017







No comments:

Post a Comment