Wednesday, August 9, 2017

TIN CHỌN LỌC HÀNG NGÀY : TIN CẬP NHẬT THỨ BA 8/8/2017 (Lê Minh Nguyên)





Tin Thế Giới

1.
Dân Mỹ ủng hộ can thiệp quân sự nếu Bình Nhưỡng tấn công Hàn Quốc --- Nếu Bắc Triều Tiên ngưng thử nghiệm phi đạn, Mỹ sẽ đàm phán --- Bắc Triều Tiên sẵn sàng ‘dạy cho Mỹ một bài học’ --- Nhật lo Bắc Hàn dùng vũ khí nguyên tử --- Trừng phạt Bình Nhưỡng, Bắc Kinh chấp nhận “tổn thất lớn”
Đa số dân Mỹ ủng hộ việc triển khai lính Mỹ nếu Bắc Triều Tiên tấn công Hàn Quốc, theo kết quả một cuộc khảo sát vừa công bố.
Một phần lớn dân Mỹ xem chương trình võ khí hạt nhân của Bắc Triều Tiên là một mối đe dọa nguy hiểm đối với Mỹ, theo cuộc thăm dò.
Lần đầu tiên trong gần 30 năm, đa số người Mỹ (62%) tỏ ra ủng hộ hành động quân sự nếu Bình Nhưỡng tấn công Seoul.
Cuộc khảo sát được thực hiện bởi Hội đồng Chicago chuyên về Quốc tế Sự vụ. Chỉ 2 năm trước, 55% dân Mỹ xem Bắc Triều Tiên là mối đe dọa nguy kịch, nhưng giờ đây, cứ 100 người thì có 75 người có quan điểm đó và Bình Nhưỡng trở thành mối đe dọa hàng đầu trong cảm nhận của dân Mỹ trong số các mối đe dọa khác được liệt kê trong cuộc thăm dò.
Dù nhiều các nhà phân tích cho rằng thuyết phục Bắc Triều Tiên từ bỏ võ khí hạt nhân có lẽ là bất khả thi, nhưng dân Mỹ không mấy người chấp nhận việc cho phép Bình Nhưỡng duy trì những võ khí mà họ đã có, theo cuộc khảo sát.
Dù nghi ngờ tỷ lệ thành công của các biện pháp chế tài đang áp dụng với Bình Nhưỡng, 76% dân Mỹ ủng hộ việc tăng cường trừng phạt Bắc Triều Tiên. Tỷ lệ ủng hộ này cao ở cả hai đảng Cộng hòa (84%) và Dân chủ (76%).
Phân tích của Hội đồng Chicago dựa trên dữ liệu thăm dò thu thập từ ngày 27/6 đến 19/7.
Tổng cộng 2020 người trên khắp nước Mỹ được hỏi ý kiến trong cuộc khảo sát này. - VOA

***
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson ngày 7/8 mở ngỏ đối thoại với Bắc Triều Tiên, nói rằng Washington sẵn sàng nói chuyện với Bình Nhưỡng nếu đối phương ngưng loạt phóng thử nghiệm phi đạn của họ.

Phát biểu của ông Tillerson tại diễn đàn an ninh khu vực ở Philippines là nỗ lực mới nhất của Mỹ nhằm kìm chế chương trình phi đạn và hạt nhân của Bình Nhưỡng sau những lời lẽ cứng rắn của Tổng thống Donald Trump.
Hôm thứ bảy, Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc ban hành vòng trừng phạt mạnh tay nhất từ trước tới nay chống lại Bình Nhưỡng vì 2 vụ thử nghiệm phi đạn đạn đạo liên lục địa hồi tháng 7.
Hôm nay, Ngoại trưởng Mỹ dường như tỏ ra ‘hòa giải’ hơn.
Ông nói Mỹ cũng mở ngỏ các cách thức liên lạc khác với Bình Nhưỡng ngoài các cuộc đàm phán.
Tuần trước, Ngoại trưởng Tillerson tuyên bố Bình Nhưỡng phải ngưng cả các cuộc thử nghiệm võ khí hạt nhân lẫn phóng thử phi đạn thì mới có đàm phán. - VOA

***
Bắc Triều Tiên ngày 7/8 tuyên bố sẵn sàng ‘dạy cho Mỹ một bài học nghiêm khắc’ bằng lực lượng hạt nhân chiến lược nếu Hoa Kỳ có hành động quân sự đối với Bình Nhưỡng và Bắc Triều Tiên cũng sẽ không mang chương trình hạt nhân hay phi đạn của mình lên bàn thảo luận.

Trong tuyên bố của Ngoại trưởng Ri Yong-ho gửi tới cuộc họp thượng đỉnh ASEAN đang diễn ra tại Philippines được phổ biến với báo giới ở Manila, Bình Nhưỡng gọi các biện pháp chế tài mới của Liên hiệp quốc là ‘xuyên tạc’, đồng thời cảnh cáo sẽ có các biện pháp mạnh mẽ và hành động công lý tiếp nối.
Bắc Triều Tiên nói nghị quyết của Liên hiệp quốc chứng tỏ Liên hiệp quốc đã lạm dụng quyền hành của mình.
Bình Nhưỡng cũng một lần nữa khẳng định rằng các cuộc thử nghiệm phi đạn đạn đạo hồi tháng cho thấy Mỹ đang nằm dưới tầm ngắm của Bắc Triều Tiên và rằng các phi đạn đó là phương tiện tự vệ chính đáng.
Chưa rõ những tuyên bố này đã được đọc trước Diễn đàn Khu vực ASEAN ngày 7/8 hay chưa. - VOA

***
Nhật Bản cảnh báo mối đe dọa nghiêm trọng do Bắc Hàn tiếp tục thử vũ khí.
Vào hôm thứ Ba Nhật công bố Sách Trắng Quốc phòng hàng năm của mình.
Bắc Hàn vào tháng trước bắn hai quả tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) và rơi ngoài khơi bờ biển phía tây của Nhật Bản.
"Có thể hình dung rằng chương trình vũ khí hạt nhân của Bắc Hàn đã có tiến bộ đáng kể và có thể là Bắc Hàn đã đạt được việc phiên bản nhỏ của vũ khí hạt nhân và đã có được đầu đạn hạt nhân, Bộ Quốc phòng Nhật cho biết.
Việc Bắc Hàn thử nghiệm tên lửa đạn đạo xuyên lục địa mới nhất cho thấy Bình Nhưỡng có thể dùng tên lửa bắn tới hầu hết lãnh thổ tại Hoa Kỳ, hai quan chức Mỹ nói với hãng tin Reuters.
Các mối đe dọa ngày càng tăng đã khiến một số thành phố của Nhật Bản tổ chức diễn tập sơ tán trong trường hợp xảy ra tấn công bằng tên lửa, và thúc đẩy nhu cầu có hầm tránh vũ khí nguyên tử.
Với việc Bắc Hàn tiếp tục thử tên lửa, một nhóm các nhà lập pháp do ông Itsunori Onodera, người sẽ trở thành Bộ trưởng Quốc phòng vào hôm thứ Năm, kêu gọi Thủ tướng Shinzo Abe hồi tháng Ba cân nhắc các giải pháp tấn công vào căn cứ của đối phương.
Nếu được thực hiện, đây sẽ là thay đổi mạnh trong thế trận quốc phòng của Nhật Bản. Cho đến nay Tokyo tránh dùng các bước gây nhiều tranh cãi và tốn kém như việc mua máy bay ném bom hoặc tên lửa hành trình có khả năng tấn công các nước khác.
"Tên lửa của Bắc Hàn mối đe dọa sâu sắc và cùng với hành vi lấn lướt tiếp tục của Trung Quốc ở Biển Hoa Đông và Biển Đông, là mối quan ngại chính đối với Nhật Bản," ông Onodera phát biểu tại một cuộc họp báo ở Tokyo. - BBC

***
Phát biểu tại Diễn đàn an ninh khu vực ASEAN (ARF) hôm qua, 07/08/2017, tại Manila, Philippines, khi đề cập đến lệnh trừng phạt Bắc Triều Tiên, ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (Wang Yi) nói rằng Trung Quốc là nước chịu tổn thất nhiều nhất. Nhưng ông cũng bày tỏ cam kết của Bắc Kinh chấp thuận lệnh trừng phạt một cách “nghiêm túc”.
Tuần vừa rồi, Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc đã nhất trí thông qua nghị quyết trừng phạt kinh tế đối với Bắc Triều Tiên. Theo đó, Bình Nhưỡng sẽ bị cấm xuất khẩu than, sắt, quặng sắt, chì, quặng chì và hải sản. Nghị quyết còn bao gồm các biện pháp ngăn chặn quốc tế đầu tư vào Bắc Triều Tiên. Ước tính tổn thất kinh tế của Bình Nhưỡng có thể lên tới 1 tỉ đôla.
Reuters trích lời ông Vương Nghị: ”Do là bạn hàng lâu năm với Bắc Triều Tiên, chính Trung Quốc sẽ là bên chịu tổn thất nhiều nhất khi áp đặt lệnh trừng phạt”, “ Nhưng để giữ gìn an ninh khu vực, Trung Quốc sẽ thực thi lệnh cấm vận một cách đầy đủ và nghiêm túc.”
Trước đó, chính quyền Bắc Kinh đã bày tỏ cam kết trừng phạt theo nghị quyết của Liên Hiệp Quốc, nhưng vẫn duy trì quan điểm cho rằng không nên để các trừng phạt nhắm vào chính quyền Kim Jong Un ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân Bắc Triều Tiên.
Còn trong lĩnh vực quân sự, theo thông cáo được đăng tải trên trang mạng của bộ Quốc Phòng Trung Quốc, vào tối hôm qua, hải quân và không quân Trung Quốc đang tập trận tại vịnh Bột Hải thuộc vùng biển Hoàng Hải, gần với bán đảo Triều Tiên.
Theo Bắc Kinh, cuộc tập trận này có mục đích thử vũ khí và luyện tập khả năng tấn công bờ biển cũng như đối phó với các mục tiêu trên không. Hiện chưa rõ ý đồ của buổi tập trận này, nhưng trong quá khứ, Trung Quốc đã không ít lần chỉ trích các buổi tập trận phô trương nhằm đe dọa Bắc Triều Tiên giữa Hoa Kỳ và Hàn Quốc, và cho rằng làm vậy chỉ gây căng thẳng trong khu vực. - RFI

***

2.
Ngoại trưởng Mỹ tới Thái Lan lôi kéo Bangkok, cô lập Bình Nhưỡng
Hôm nay 08/08/2017, ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson công du Bangkok. Đây là chuyến viếng thăm đầu tiên của một ngoại trưởng Hoa Kỳ kể từ sau cuộc đảo chính quân sự tại năm 2014 tại Thái Lan. Mục đích chuyến đi là thuyết phục Bangkok gia tăng cô lập chế độ Bình Nhưỡng theo lệnh trừng phạt mới của Liên Hiệp Quốc.
Theo một quan chức ngoại giao cùng đi với ông Tillerson được AFP trích dẫn, Hoa Kỳ từ lâu nay lo ngại ngày càng có nhiều công ty xuất nhập khẩu Bắc Triều Tiên sử dụng Thái Lan như là một cánh cửa mở ra bên ngoài cho các hoạt động kinh tế.
Vẫn được coi là đồng minh lâu năm của Hoa Kỳ, Thái Lan là một trong số ít các nước Đông Nam Á vẫn duy trì quan hệ ngoại giao và thương mại với Bắc Triều Tiên.
Quan chức ngoại giao Mỹ nói thêm là Washington muốn chính quyền quân sự Thái đóng cửa các công ty bình phong tại Bangkok phục vụ các hoạt động buôn bán làm ăn của Bắc Triều Tiên với bên ngoài.
Một biện pháp nữa nhằm cô lập Bắc Triều Tiên là Mỹ đề nghị Thái Lan thắt chặt chế độ cấp visa nhập cảnh đối với công dân Bắc Triều Tiên, cho đến giờ vẫn được cho là quá dễ dãi. Tuy nhiên, Washington không muốn các biện pháp thắt chặt quản lý visa làm ảnh hưởng tới các trường hợp người Bắc Triều Tiên chạy tị nạn. Thái Lan vẫn là điểm trung chuyển của nhiều người Bắc Triều Tiên chạy trốn chế độ Kim Jong Un trước khi đi sang nước thứ 3, chủ yếu là Hàn Quốc.
Tại Bangkok, ông Tillerson có cuộc gặp lãnh đạo chính quyền quân sự Thái, tướng Prayut Chan-O-Cha. Một mục tiêu khác, chuyến đi của ngoại trưởng Mỹ còn nhằm củng cố quan hệ đồng minh Mỹ-Thái, đang lạnh nhạt kể từ sau vụ đảo chính quân sự 2014 và Bangkok đang ngày càng tỏ xu hướng ngả theo Bắc Kinh. - RFI

----------------

3.
Quốc hội Nam Phi sẽ bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với Tổng thống Zuma

Các nhà lập pháp Nam Phi bắt đầu tranh luận về kiến nghị biểu quyết bất tín nhiệm mà có thể sẽ khiến Tổng thống Jacob Zuma bị phế truất.
Tổng thống Zuma đã vượt qua hai lần bỏ phiếu bất tín nhiệm trước đây kể từ khi ông lên cầm quyền vào năm 2009, bất chấp thường xuyên có những cáo giác ông tham nhũng và thường bị chỉ trích về quản lý kinh tế yếu kém. Nam Phi bị lún sâu vào khủng hoảng kinh tế, tỉ lệ thất nghiệp tăng cao và điểm tín dụng bị hạ xuống kể từ khi ông Zuma sa thải Bộ trưởng Tài chánh Pravin Gordham hồi tháng 3.
Kiến nghị hôm thứ Ba nếu được thực hiện sẽ là cuộc biểu quyết bất tín nhiệm kín đầu tiên cho phép các nhà lập pháp đối lập hy vọng rằng sẽ có đủ số đảng viên của đảng Đại hội Dân tộc Phi (ACN) đương quyền biểu quyết chấp thuận phế truất tổng thống. Đảng ACN nắm giữ 249 trong tổng số 400 ghế quốc hội, có nghĩa là cần phải có 50 đại biểu thuộc đảng ACN theo 151 đại biểu đối lập bỏ phiếu thuận.
Biểu tượng đảng ANC lãnh đạo phong trào chống chủ nghĩa apartheid của Nam Phi tiếp bước cố Tổng thống Nelson Mandela đã tan vỡ dưới thời của ông Zuma. Đảng ANC đã bị thất bại nặng nhất trong các cuộc bầu cử cấp địa phương hồi năm ngoái.
Cho dù ông Zuma bị phế truất trong cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm ở quốc hội, ông vẫn giữ chức chủ tịch đảng ANC cho đến hết nhiệm kỳ vào tháng 12 năm nay. - VOA

--------------

4.
Indonesia đổi nông sản lấy chiến đấu cơ Nga

AFP dẫn lời một quan chức Indonesia hôm nay, 08/08/2017, cho biết Jakarta sẽ đổi dầu cọ và cà phê để lấy chiến đấu cơ của Nga, nhân lúc Matxcơva đang bị quốc tế trừng phạt, gặp khó khăn về nguồn nhu yếu phẩm.
Phát ngôn viên bộ Thương Mại Indonesia cho biết, tuần trước Indonesia đã ký với Nga một thỏa thuận dự trù mua 11 chiến đấu cơ Sukhoi trả bằng các nhu yếu phẩm, cụ thể là dầu cọ và cà phê. Ông Marolop Nainggolan nói, ý tưởng đổi thực phẩm thiết yếu lấy chiến đấu cơ đã được gợi lên từ năm ngoái.
Trong lúc nước Nga đang gặp khó khăn về hàng hóa tiêu dùng và sản phẩm thiết yếu do lệnh cấm vận của Liên Hiệp Châu Âu và Hoa Kỳ. Các quan chức thương mại của Indonesia nhìn thấy ở đó một cơ hội làm ăn với Nga.
Trong chuyến công du Nga của bộ trưởng Thương Mại Indonesia tuần trước, hai bên đã ký một thỏa thuận đổi dầu cọ và cà phê lấy chiến đấu cơ. Theo bộ trưởng Lukita thì hướng làm ăn trên với Nga thời gian tới sẽ còn mở ra trong lĩnh vực khác như năng lượng hay hàng không dân dụng.
Thông tin Jalkarta đổi nông sản lấy chiến đấu cơ Nga đưa ra vào lúc, hôm nay ngoại trưởng Nga Serguei Lavrov bắt đầu chuyến thăm Indonesia 2 ngày. - RFI

---------------------
5.
LHQ cảnh báo Venezuela 'sử dụng vũ lực quá mức'

Cơ quan Nhân quyền Liên Hiệp Quốc cảnh báo "việc sử dụng vũ lực quá mức một cách rộng rãi và có hệ thống" với người biểu tình ở Venezuela.
Cơ quan này cũng lên tiếng về các vi phạm nhân quyền khác, trong đó có "khám nhà thô bạo, tra tấn và đối xử tàn tệ".
Các lực lượng an ninh Venezuela được cho là chịu trách nhiệm về ít nhất 46 người chết trong các vụ bạo lực có liên quan đến biểu tình.
Con số này dựa trên các cuộc phỏng vấn.
Tuyên bố được Cơ quan Nhân quyền Liên Hiệp Quốc đưa ra hôm thứ Ba 8/8 nói "vì giới chức Venezuela không đáp lại yêu cầu tiếp cận làm việc [của chúng tôi], Cao ủy về Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc Ra'ad Al Hussein triển khai một nhóm các chuyên gia về nhân quyền để tiến hành theo dõi từ xa tình hình nhân quyền tại nước này".
Nhóm chuyên gia nhân quyền của Liên Hiệp Quốc tiến hành các cuộc phỏng vấn từ xa vì yêu cầu tiếp cận của họ không được giới chức Venezuela trả lời.
Những người làm chứng nói với Liên Hiệp Quốc rằng các lực lượng an ninh đã xịt hơi cay và bắn đạn chì mà không báo trước.
"Các lực lượng an ninh cũng được cho là dùng bạo lực gây chết người đối với những người biểu tình", bản tuyên bố viết.
"Từ khi làn sóng biểu tình bắt đầu hồi tháng Tư, đã có cách thức dùng vũ lực quá mức chống lại người biểu tình. Hàng ngàn người đã bị bắt giữ tùy tiện, nhiều người bị đối xử tàn tệ và thậm chí tra tấn, còn hàng trăm người bị đưa ra tòa án binh thay vì tòa án dân sự," ông Husein nói.
Ông chỉ ra rằng "một số nhóm biểu tình cũng dùng bạo lực, và có tin họ tấn công các sỹ quan an ninh."
Nhóm nhân quyền Liên Hiệp Quốc cho biết ước tính có hơn 5000 người đã bị bắt giữ tùy tiện từ ngày 1/4, khi các cuộc biểu tình bắt đầu, đến ngày 31/7.
Ngài cao ủy giục giới chức Venezuela "lập tức ngừng sử dụng vũ lực quá mức với những người biểu tình, dừng ngay việc bắt người tùy tiện và thả tất cả những người đã bị bắt tùy tiện."
Ngay sau khi bản tuyên bố được đưa ra, Tòa án Tối cao Venezuela đã ra lệnh bắt quận trưởng theo phe đối lập Ramón Muchacho.
Tòa án đã kết án ông 15 tháng tù giam và cấm ông đến văn phòng sáng sớm thứ Ba ngày 8/8.
Quận trưởng quận Chacao bị bắt
Tòa nói ông Ramón Muchacho không ngăn cản người biểu tình dựng chướng ngại vật chắn đường trong các cuộc biểu tình xảy ra ở quận Chacao, thành trì của phe đối lập mà ông cai quản.
Sau chín tiếng tranh luận, Tòa án Tối cao kết luận ông Muchacho, 44 tuổi, phạm tội không thực thi lệnh của tòa về việc ngăn chặn người dân chắn đường.
Chacao là một trong những quận của thủ đô Caracas nơi là tâm điểm của những cuộc biểu tình chống chính phủ đã diễn ra trên khắp cả nước Venezuela trong bốn tháng qua.
Quận này là nơi tập trung của người biểu tình và đường phố trong quận thường bị chắn bởi những chướng ngại vật mà lực lượng chống đối dựng lên để thể hiện sự phản kháng của họ đối với chính phủ.
Hôm 24/5, sau tám tuần biểu tình chống chính phủ, Tòa án Tối cao ra lệnh cho ông Muchacho và bảy quận trưởng khác phải ngăn không cho người biểu tình lập chướng ngại vật chắn đường, và dỡ bỏ chướng ngại vật ở những con đường đã bị chắn.
Tòa cảnh báo nếu các quận trưởng không làm theo lệnh, họ sẽ nhận án tù từ 6 đến 15 tháng.
Ngoài ông Muchacho, ba vị quận trưởng khác cũng bị kết tội không ngăn được người biểu tình dựng chướng ngại vật. – BBC

-------------------------------

6.
320 người chết vì cúm ở Hong Kong

Đặc khu Hành chính Hong Kong của Trung Quốc đang chật vật chống đại dịch cúm gây ra hơn 320 trường hợp tử vong.
Những người nghi nhiễm virus đang vội vã đến các phòng cấp cứu.
Trung tâm Bảo vệ Sức khoẻ ở Hong Kong cho biết hiện có 456 trường hợp bị cúm, trong đó người già là nạn nhân phổ biến nhất.
Tại những nơi đông người qua lại, người ta dán các thông điệp nhấn mạnh các biện pháp phòng ngừa, như rửa tay để tránh lây lan virus. – VOA

---------------------
7.
Người Úc sắp bỏ phiếu về hôn nhân đồng tính
Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull nói chính phủ sẽ tổ chức một cuộc bỏ phiếu trong thời gian còn lại của năm nay. Động thái này có thể đưa đất nước này tiến gần hơn đến việc hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính.
Ông Turnbull nói với các phóng viên hôm 8/8 rằng chính phủ của ông sẽ trình một dự luật lên Thượng viện Úc để tổ chức một cuộc trưng cầu bắt buộc vào tháng 11.
Nếu Thượng viện bác bỏ dự luật, chính phủ sẽ tổ chức một cuộc bỏ phiếu tự nguyện qua đường bưu điện với thời hạn chót để gửi phiếu bầu là vào khoảng giữa tháng 11. Chi phí cho hoạt động này là 97 triệu đôla.
Trong bất cứ trường hợp nào, nếu đa số cử tri chọn ô "có", quốc hội sẽ bỏ phiếu về dự luật này vào tháng 12. - VOA

-----------------------------------
8.
Nhà báo Thái bị cáo buộc nổi loạn vì nói xấu chế độ trên Facebook

Một nhà báo nổi tiếng Thái Lan bị cáo buộc nổi loạn vì đăng bài chỉ trích chính phủ quân nhân Thái trên Facebook.
Luật sư của ông Pravit Rojanaphruk cho biết phóng viên kỳ cựu này của báo mạng Khaosod bị cáo buộc như vậy tại cơ quan cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ.
Ông Rojanaphruk dùng mạng xã hội để chỉ trích chính phủ quân đội đã lên nắm quyền sau cuộc đảo chính năm 2014, lật đổ chính phủ dân sự được bầu lên.
Ông Rojanaphruk nói với các phóng viên sau khi ông làm việc với cảnh sát rằng: “Tôi không ngạc nhiên gì với cáo buộc đó. Như tất cả chúng ta đều biết, chúng ta đang sống dưới chế độ quân nhân cầm quyền. Ai chỉ trích họ sẽ phải trả giá.”
Ông Rojanaphruk, nhà báo có 23 năm viết cho tờ The Nation phiên bản tiếng Anh ở Bangkok, đối diện với cáo trạng nổi loạn và vi phạm luật an ninh máy tính và có thể bị tuyên phạt đến 14 năm tù. Trước đó nhà báo này từng bị giam hai lần mà các giới chức của chính quyền quân nhân nói là để “cải tạo thái độ” vào năm 2014 và 2015. - VOA

----------------------------
9.
Khi các tập đoàn tin học lớn của Mỹ "thần phục" Trung Quốc

Báo Le Monde số ra ngày 08/08/2017 có hai bài viết đáng chú ý phê phán các tập đoàn tin học của Mỹ như Google, Amazon, Facebook, Apple – gọi tắt là GARA - vì miếng lợi đã nhượng bộ, trước đòi hỏi kiểm duyệt của Bắc Kinh, để có được thị phần tại Trung Quốc.
Mở đầu bài xã luận có đề tựa « Các tập đoàn tin học khổng lồ nhượng bộ Bắc Kinh », Le Monde nhắc lại : Cách nay gần 10 năm, bà Hillary Clinton, lúc đó là ngoại trưởng Mỹ, đã tố cáo nhiều nước, đặc biệt là Trung Quốc, ngày càng tỏ rõ quyết tâm áp đặt kiểm duyệt và lập biên giới tin học ngăn chặn công dân nước họ.
Ở thế kỷ 21 này, chính quyền Trung Quốc đã dựng lên một bức trường thành điện tử, nhằm kiểm soát các tác động chính trị của mạng internet. Các mạng xã hội như Facebook, Twitter đã bị cấm tại Trung Quốc.
Thế nhưng, nhiều tập đoàn tin học lớn không thể bỏ qua thị trường hàng trăm triệu cư dân mạng này và chấp nhận các thỏa hiệp về những giá trị cơ bản, vốn là bản sắc của các xã hội phương Tây.
Hai tập đoàn có tính biểu tượng cao trong lĩnh vực tin học và công nghệ số của Mỹ là Apple và Amazon đã chấp nhận đòi hỏi của Bắc Kinh, rút bỏ ứng dụng VPN cho phép tránh kiểm duyệt. Tập đoàn quả táo ngụy biện là phải tuân thủ luật lệ các quốc gia, những nơi mà Apple làm ăn.
Đối với Le Monde, đây là một tiền lệ nguy hiểm. Khi đạt được điều họ muốn đối với Apple, Bắc Kinh đã giành được hai thắng lợi. Một là chọc thủng khối các giá trị phương Tây và hai là tránh không bị tụt hậu trong lĩnh vực mang tính chiến lược này. Điều tệ hại là Nga đang theo bước Trung Quốc, cũng ra lệnh cấm VPN. Rồi thủ tướng Hungary cũng coi mô hình Trung Quốc là đáng xem xét.
Để kết luận, Le Monde nhấn mạnh là cần nhắc lại với các tập đoàn tin học khổng lồ này một khẩu hiệu khá nổi tiếng trước đây của Google : « Đừng mất đạo đức ».
Apple: "Khôn nhà dại chợ"
Còn trong bài « Các tập đoàn GAFA đối mặt với bức Trường thành của Nhà nước Trung Quốc », Le Monde vạch trần thái độ hai mặt của Apple trong lĩnh vực kiểm duyệt : Tập đoàn quả táo lùi bước trước Bắc Kinh, nhưng lại tỏ ra cứng rắn với chính quyền Mỹ.
Đầu năm 2016, FBI đã đề nghị Apple phá mã của một điện thoại di động của một trong những tên khủng bố tấn công ở San Bernardino (California). Vào thời điểm đó, Apple đã từ chối, nhân danh nguyên tắc bảo vệ đời tư của công dân.
Ông André Loesekrug Pietri, sáng lập viên quỹ đầu tư A Capital, làm việc tại Trung Quốc từ một thập niên qua, nhận định : Apple có thái độ chắc ăn tại Hoa Kỳ, bởi vì chống lại chính quyền liên bang thì tạo dựng được hình ảnh tốt đẹp. Thế nhưng, tại Trung Quốc thì ngược lại.
Ngoài việc bắt các tập đoàn nước ngoài phải nhượng bộ nhằm mục đích tăng cường kiểm duyệt, Bắc Kinh còn tìm mọi cách bảo vệ các tập đoàn tin học Trung Quốc. Trên thị trường nội địa, 100% là công nghệ tin học Trung Quốc.
Bắc Kinh không cho phép đối tác nước ngoài mua các doanh nghiệp tin học hàng đầu của Trung Quốc và buộc họ phải ký các hợp đồng đối tác với các doanh nghiệp Trung Quốc. Trong lúc, Trung Quốc đầu tư ra bên ngoài, mua lại các công ty ngoại quốc.
Câu hỏi đặt ra là liệu có quá muộn hay không đối với phương Tây ? Có một điều chắc chắn là Trung Quốc coi công nghệ là một trong những trụ cột của tăng trưởng và muốn đứng đầu thế giới trong lĩnh vực trí thông minh nhân tạo vào năm 2030. Trung Quốc hiện có 900 triệu người dùng internet và có một nguồn nguyên liệu dồi dào để phát triển lĩnh vực trí thông minh nhân tạo : đó là nguồn dữ liệu khổng lồ. Và không có gì bảo đảm là Bắc Kinh chia sẻ nguồn dữ liệu này cho bất kỳ ai. - RFI

-----------------------
10.
London phủ nhận tin phải trả $47 tỉ để ra khỏi EU

Chính phủ Anh hôm Thứ Hai bác bỏ các tin tức cho rằng họ đồng ý trả cho EU số tiền 36 tỉ bảng Anh (khoảng $47 tỉ) để ra khỏi Liên Âu.
Các chi phí phải trả để chấm dứt những thỏa thuận có trước đây với EU hiện là một trong những vấn đề rắc rối nhất trong tiến trình rút khỏi tồ chức này của Anh. Khối EU nói rằng sẽ không thảo luận vấn đề thương mại trong tương lai với London nếu không có tiến triển gì trong việc trả tiền cùng là các vấn đề quan trọng khác.
EU đến nay chưa đưa ra con số chính thức về món tiền họ cho rằng London còn nợ, tuy nhiên cũng có những ước tính cao tới 100 tỉ euros (khoảng $118 tỉ).
Cử tri Anh hồi năm ngoái bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu dân ý để rút khỏi khối gồm 28 quốc gia này và dự trù sẽ ra đi vào Tháng Ba năm 2019.
Trị giá số tiền phải trả này đang là vấn đề chính trị gây nhiều tranh cãi ở Anh, với một số chính trị gia có lập trường chống EU nói rằng Anh không nên trả một xu nào.
Tờ Sunday Telegraph loan tin rằng các giới chức Anh quyết định sẽ đưa đề nghị trả 36 tỉ bảng Anh, tức 40 tỉ euros, hầu có thể tiến hành thương thảo vấn đề thương mại trong tương lai với EU. - nguoiviet

----------------

Tin Hoa Kỳ

11.
Nghị Sĩ Rubio: Dự luật di trú mới sẽ không đủ số phiếu ủng hộ
Nghị Sĩ Marco Rubio (Cộng Hòa-Florida) tiên đoán rằng dự luật được Tòa Bạch Ốc hậu thuẫn nhằm hạn chế di dân hợp pháp vào Hoa Kỳ sẽ không có đủ sự ủng hộ ở Thượng Viện để được thông qua.
Trang mạng TheHill trích lời ông Rubio nói với đài truyền hình CBS, rằng “dự luật ấy sẽ không được thông qua. Theo tôi, Tòa Bạch Ốc dư biết rằng quí vị không có đủ 60 phiếu cho dự luật ấy tại Thượng Viện.”
Dự luật được Tổng Thống Donald Trump đưa ra hồi tuần trước cùng với hai thượng nghị sĩ Cộng Hòa, David Perdue (Georgia) và Tom Cotton (Arkansas), nhằm cắt bớt số thẻ xanh được cấp mỗi năm.
Ông Trump đang muốn thay đổi lớn trong chính sách di trú, điều quan trọng mà ông từng hứa trong thời gian tranh cử. Tuy nhiên dự luật này phải trực diện với khó khăn tại Thượng Viện, nơi cần phải hội đủ 60 phiếu để được thông qua, trong khi tại đây đang gặp phải sự chống lại của nhiều dân cử của cả Cộng Hòa lẫn Dân Chủ.
Ông Rubio nêu ra sự đối kháng về vấn để thẻ xanh như là một “sự khác biệt lớn về quan điểm của ông đối với bộ luật được Tòa Bạch Ốc hậu thuẫn,” nhưng nói thêm rằng ông ủng hộ việc thay đổi hệ thống di trú đối với di dân hợp pháp. - nguoiviet

---------------------------------
12.
Tòa Bạch Ốc thừa nhận TT Trump sụt điểm tín nhiệm

Cố vấn Tòa Bạch Ốc Kellyanne Conway hiếm khi nói điều gì phản ánh điểm tiêu cực của Tổng Thống Donald Trump, vậy mà trong lần xuất hiện trên chương trình “This Week” của đài ABC, bà đã thừa nhận rằng điểm tín nhiệm của tổng thống đang bị cử tri Cộng Hòa đánh giá thấp hơn trước.
Tuần báo Newsweek trích dẫn kết quả thăm dò của trường Đại Học Quinnipac mới công bố tuần vừa rồi, cho thấy điểm tín nhiệm tổng thống nay chỉ ở 33%.
Trong khi thăm dò cho thấy ủng hộ trong giới cử tri Cộng Hòa dành cho ông Trump vẫn còn mạnh, ở 77%, nhưng 17% cử tri Cộng Hòa khác lại “không thích” tổng thống, tăng tám điểm so với lần thăm dò hồi Tháng Sáu.
Bà Conway cho rằng sự ủng hộ của cử tri Cộng Hòa bị giảm bớt có thể là cách để nhắc nhở tổng thống hãy tập trung và thực hiện những điều ông hứa trong thời gian tranh cử, như đẩy mạnh kinh tế và tiến hành việc thay đổi thuế khóa.
Trong lần xuất hiện trên truyền hình này, bà Conway cũng nhấn mạnh đến nỗ lực của tổng thống về việc cải tiến khu vực kinh tế và thêm nói rằng việc làm đang nỡ rộ dưới sự lãnh đạo của tổng thống.
Bà Conway nói: “Quí vị nhìn xem, kinh tế tăng trưởng 2.6%, gấp đôi so với sức tăng trưởng của tam cá nguyệt đầu tiên. Còn về việc làm, tổng thống tạo được việc làm thứ một triệu, trên mức mong đợi đến 209,000 công việc.” - nguoiviet

-------------------------
13.
Google sa thải nhân viên nam nói đến đa dạng giới

Google, hãng công nghệ khổng lồ của Mỹ, sa thải một kỹ sư nam, người đã viết một văn bản nội bộ đặt ra câu hỏi về sự cần thiết phải có các chương trình đa dạng giới trong ngành.
Trong văn bản dài, ông James Damore khẳng định rằng rất ít phụ nữ được tuyển dụng trong lĩnh vực công nghệ bởi vì họ "yêu thích hơn các công việc trong các lĩnh vực xã hội và nghệ thuật", trong khi đàn ông có khuynh hướng trở thành người lập trình máy tính – một thực tế mà ông ta nói là do "nguyên nhân sinh học".
Văn bản này đã gây bão sau khi nó bị rò rỉ trên truyền thông xã hội.
Google hiện đang bị Bộ Lao động Hoa Kỳ điều tra về việc liệu phụ nữ có bị trả tiền ít hơn nam giới hay không.
Ông Damore cho biết ông đã đệ đơn khiếu nại với Ban Quan hệ Lao động Quốc gia thuộc liên bang, cáo buộc rằng Google cố làm cho ông mất mặt để ông phải im lặng sau khi ông tiết lộ với giới truyền thông là ông đã bị sa thải. - VOA

-----------------------------------------
14.
Mỹ thắt chặt kiểm soát tỷ phú TQ phạm tội hối lộ

Một thẩm phán liên bang tại New York đã thắt chặt các điều kiện quản thúc tại gia đối với một tỷ phú người Trung Quốc bị kết tội hối lộ các nhà ngoại giao Liên Hiệp Quốc.
Thẩm phán đã ra lệnh ông Ng Lap Seng phải ở trong căn hộ hạng sang của ông Manhattan 24/24 giờ, đồng nghĩa là ông ta không còn có thể đi ăn mỗi ngày một bữa tại một nhà hàng ở khu phố Tàu.
Thẩm phán cũng ra lệnh phải mở cửa phòng ngủ khi nhân viên massage của ông Ng đến gặp và nhân viên này phải ngừng nấu ăn cũng như đưa đồ ăn cho những người canh gác.
Toà án sẽ xét duyệt mọi cuộc thăm viếng không thuộc diện gia đình tại căn hộ và một thông dịch viên phải theo dõi tất cả các cuộc trò chuyện.
Các công tố viên lập luận rằng có nguy cơ ông Ng bỏ trốn và ông có thể cố trở lại Trung Quốc trước khi ông có thể bị kết án. Nhưng thẩm phán đã từ chối lời đề nghị của các công tố viên về việc đưa ông Ng vào nhà giam.
Ông Ng đã bị kết tội hồi tuần trước về việc hối lộ các nhà ngoại giao LHQ với số tiền hơn một triệu đôla để được họ phê duyệt về một trung tâm hội nghị LHQ mà ông muốn xây dựng ở Macau. Dường như ông hy vọng công trình này sẽ kéo theo nhiều hạng mục khác, bao gồm cả các khách sạn và trung tâm mua sắm. - VOA

---------------------------
15.
Nổ đền thờ Hồi Giáo Minnesota là ‘hành động khủng bố’

Đền thờ Hồi Giáo Dar Al-Farooq ở khu ngoại ô thành phố Minneapolis, tiểu bang Minnesota, cũng giống như các đền thờ khác ở Mỹ, thỉnh thoảng cũng nhận được các cú điện thoại hay emai đe dọa.
Nhưng giới chức điều hành nơi này nói rằng nay họ lo sợ hơn sau khi có vụ nổ làm bể các cửa kính và gây thiệt hại cho một căn phòng, trong lúc các tín đồ chuẩn bị cho buổi cầu nguyện sáng.
“Chúng tôi cảm thấy việc này trầm trọng và đáng sợ hơn, vì không phải chuyện ngẫu nhiên,” theo lời ông Mohamed Omar, giám đốc điều hành đền thờ cho hay hôm Chủ Nhật.
Không ai bị thương tích gì trong vụ nổ, vốn xảy ra lúc 5 giờ sáng ngày Thứ Bảy. Các cửa sổ trong văn phòng của vị thầy tế đều bị bể, do chất nổ hay vật gì đó ném vào, theo FBI.
Cơ quan FBI đang truy tìm nghi can và xem có phải đây là một vụ thù hằn tôn giáo hoặc chủng tộc không.
Thống Đốc Mark Dayton đến để cùng các giới chức khác ở tiểu bang Minnesota và lãnh đạo cộng đồng tham dự một cuộc họp bên trong đền thờ hôm Chủ Nhật.
Ông khẳng định đây là hành động khủng bố, vi phạm luật pháp Mỹ và cũng không phản ảnh tinh thần của người dân Minnesota. - nguoiviet

----------------------------------

Tin Việt Nam

16.
Báo Trung Quốc đả kích Việt Nam vì chống Bắc Kinh tại ASEAN

Truyền thông Trung Quốc hôm nay, 08/08/2017, đã lớn tiếng công kích Việt Nam với những lời lẽ rất nặng nề: Lý do là vì Việt Nam đã cố gắng thuyết phục ASEAN có ngôn từ cứng rắn hơn đối với các hành động của Trung Quốc tại Biển Đông và ít nhiều đã thành công.
Một bài viết trên ấn bản Anh Ngữ của tờ China Daily chạy tựa « Việt Nam lạc điệu so với phần còn lại ASEAN », trước hết ghi nhận sự kiện ngoại trưởng Trung Quốc và các đồng nhiệm ASEAN họp tại Manila đã đánh giá cao thành tựu trong quan hệ ASEAN-Trung Quốc, hai bên đều biểu thị thái độ hài lòng về việc thông qua Khuôn Khổ Bộ Quy Tắc Ứng Xử ở Biển Đông và đồng ý nỗ lực để các cuộc đàm phán về bộ quy tắc này có thể được bắt đầu trong năm.
Tờ báo đã nhấn mạnh toàn cảnh trên để tố cáo vai trò bị gọi là « phá đám » của Việt Nam, khi cố gắng thúc đẩy chương trình nghị sự của chính mình trong cuộc họp các ngoại trưởng ASEAN. Theo China Daily, các thông tin báo chí cho biết là Hà Nội đã cố đưa ngôn từ cứng rắn (vào bản thông cáo chung của ASEAN) để chỉ trích việc Trung Quốc xây dựng đảo ở Biển Đông. Tờ báo gọi đây là một hành động đạo đức giả, vì Việt Nam là nước đã đi trước trong việc xây dựng đảo.
Tuy nhiên, theo China Daily, « không có thành viên ASEAN nào khác đồng quan điểm với Việt Nam và các cụm từ đề xuất không được đưa vào thông cáo công bố vào Chủ Nhật ».
Trong một bài thứ hai lấy tựa đề « Việt Nam che giấu sai trái của mình bằng cách thổi phòng việc cải tạo đảo đá », tờ China Daily đã quay sang thóa mạ Việt Nam. Tờ báo đã trích dẫn « một số nguồn tin xin ẩn danh » khẳng định rằng chính Việt Nam là nước đã thúc đẩy khối ASEAN đưa từ ngữ « quan ngại » trước các hành động bồi đắp đảo đá vào bản thông cáo chung của các ngoại trưởng Đông Nam Á.
Theo nhận định của các nguồn tin này, thì « Việt Nam giống như một kẻ đi ăn trộm nhưng lại hô « bắt trộm » vì Việt Nam cũng bồi đắp đảo đá tại Biển Đông trong những năm gần đây, đồng thời tăng cường quân đội trong khu vực ».
Và các nguồn tin trên cũng cho rằng tiếng nói của Việt Nam đơn độc trong ASEAN, vì đa số còn lại trong khối Đông Nam Á không thấy quan ngại về tình hình Biển Đông. Phần về Biển Đông trong thông cáo chung năm nay ngắn hơn so với những năm trước, và lời lẽ nhìn chung tích cực hơn, vấn đề cải tạo đảo đá chỉ là mối quan ngại « của một số bộ trưởng », còn từ ngữ « quan ngại nghiêm trọng » đã hoàn toàn biến mất. - RFI

-----------------------

17.
Nhà tranh đấu Hoàng Đức Bình bị truy tố thêm tội danh

Nhà tranh đấu Hoàng Đức Bình vào tháng rồi bị chính quyền Việt Nam truy tố thêm một tội danh nữa –“Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản”. Như vậy, nhà tranh đấu môi trường và quyền người lao động 34 tuổi này hiện đang đối mặt với cả 3 tội danh theo các điều 257, 258, và 143 của Bộ Luật hình sự.
Từ Nghệ An, ông Hoàng Đức Nguyên, em trai của ông Bình cho VOA biết:
“Chính quyền không hề thông báo cho gia đình. Luật sư Lê Văn Luân gặp anh Hoàng Bình và trao đổi lại là Hoàng Bình bị truy tố thêm một tội danh nữa là ‘hủy hoại tài sản của nhà nước.’ Tính đến thời điểm hiện tại thì Hoàng Đức Bình bị truy tố 3 tội danh: điều 257, điều 258 và điều 143.”
Vào ngày 15/5, Công an đã bắt nhà hoạt động Hoàng Đức Bình tại Diễn Châu, tỉnh Nghệ An.
Khi bắt ông Bình, truyền thông Việt Nam dẫn nguồn tin của Công an tỉnh Nghệ An nói rằng ông Bình bị buộc tội “Chống người thi hành công vụ” (điều 257) và “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân”, (điều 258). Tuy nhiên, các bài báo không nêu chi tiết những vụ việc cụ thể mà ông Bình có liên quan.
Trong một năm trở lại đây, ông Bình tích cực tham gia các hoạt động phản đối vụ hãng Formosa gây thảm họa ô nhiễm biển miền trung Việt Nam, nhất là tại một số vùng có đông giáo dân ở Nghệ An và Hà Tĩnh. Ông Bình đã giúp đỡ nhiều hoạt động truyền thông cho người dân ở bị ảnh hưởng bởi vụ ô nhiễm biển do hãng Formosa của Đài Loan gây ra.
Trước đó ông Bình là Phó Chủ tịch Phong trào Lao động Việt, tổ chức được thành lập năm 2008 với mục tiêu giúp người lao động đấu tranh cho quyền lợi chính đáng của họ. Chính quyền Việt Nam không công nhận tổ chức này.
Ông Nguyên nói ông Bình vô tội. Ông cho rằng chính quyền dùng các tội danh này quy chụp cho hoạt động bảo vệ môi trường ôn hòa của ông Bình:
“Chính quyền quy chụp các tội danh này cho anh Bình. Anh Bình chỉ đấu tranh các vấn đề như Formosa và quyền của người lao động. Anh Bình hỗ trợ làm hồ sơ, giúp bà con ngư dân 4 tỉnh miền Trung khởi kiện Formosa, giúp cho Phong trào Lao động Việt, hỗ trợ cho công nhân bị các công ty ngược đãi.”
Ông Nguyên cho biết thêm hiện nay các luật sư chưa thể tiếp xúc nhiều với ông Bình do vụ án còn đang trong quá trình điều tra, và cũng chưa biết khi nào kết thúc điều tra hay được xét xử.
Hiện nay khi khách đến thăm nhà đều bị chính quyền cho người canh giữ, quan sát, theo dõi khiến cho sinh hoạt của gia đình gặp khó khăn, ông Nguyên chia sẻ thêm.
Sau một tháng bị giam ở tỉnh Nghệ An, chính quyền đã chuyển ông Bình ra Trại giam B14 ở Hà Nội mà không thông báo cho gia đình hay luật sư biết, theo tin từ ông Nguyên. Ngoài ra, quản lý trại giam B14 không nhận thuốc trị bệnh từ gia đình gửi cho ông Bình.
Ngày 15/5/2017, ông Hoàng Đức Bình bị một nhóm công an thường phục lẫn sắc phục phối hợp bắt giữ ông bất ngờ, khi ông đang cùng linh mục Nguyễn Đình Thục đi trên đường bằng xe ô tô.
Trước đó vào ngày 11/5, một người bạn tranh đấu của anh Bình là Bạch Hồng Quyền cũng bị công an phát lệnh truy nã toàn quốc.
Báo ViệtNamNet loan tin rằng ông Bình thường xuyên đăng tải, chia sẻ trên facebook cá nhân những thông tin, tài liệu tuyên truyền nói xấu chế độ, cổ vũ phong trào đa nguyên, đa đảng. - VOA

----------------------

18.
Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa bị mất chức vụ Đảng

Ban Bí thư Trung ương Đảng, trong cuộc họp hôm 8/8/2017 do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì, đã ra quyết định miễn nhiệm chức vụ của bà Hồ Thị Kim Thoa trong Đảng bộ Bộ Công Thương.
Bà Hồ Thị Kim Thoa trước đó là ủy viên Ban cán sự Đảng.
Với việc bị miễn nhiệm chức vụ Đảng, bà Kim Thoa nay chỉ còn lại vị trí duy nhất là thứ trưởng Công Thương.
Tuy nhiên, việc bà sẽ mất nốt chức danh này nhiều khả năng sẽ sớm xảy ra, khi mà trong nội dung quyết định mới đây của Ban Bí thư cũng gồm cả đề xuất Thủ tướng miễn nhiệm chức thứ trưởng.
Bà Hồ Thị Kim Thoa hôm 31/7 bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng kỷ luật cảnh cáo và kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền miễn nhiệm chức vụ do "có vi phạm, khuyết điểm nghiêm trọng".
Trước đó, hôm 28/7, bà Kim Thoa đã nộp đơn xin nghỉ việc "vì lí do cá nhân" và "xin nghỉ phép".
Bộ Công Thương nói với truyền thông rằng phần việc bà Thoa vẫn đảm nhiệm đã được chuyển sang một quan chức khác của Bộ kể từ 1/8.
Bộ cũng tuyên bố không thể chuẩn thuận hay bác đơn xin nghỉ việc của bà Thoa, bởi đây là quyết định "thuộc thẩm quyền Thủ tướng Chính phủ" trên cơ sở ý kiến của Ban Bí thư và các cơ quan có liên quan.
Bà Hồ Thị Kim Thoa bị kỷ luật Đảng liên quan tới thời gian bà làm lãnh đạo ở Công ty Bóng đèn Điện Quang, 2004-2010.
Bà bị cho là đã vi phạm trình tự cổ phần hóa doanh nghiệp và không báo cáo đầy đủ cho Bộ chủ quản về việc xử lí, sử dụng các khoản tiền với tổng trị giá khoảng 37 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, bà bị cho là đã có sai phạm trọng việc mua bán, chuyển nhượng cổ phần trong công ty, và đã không tuân thủ quy định về kê khai tài sản, thu nhập.
'Bị kỷ luật liên quan tới vụ Trịnh Xuân Thanh'
Bà Hồ Thị Kim Thoa từng bị kỷ luật về "vi phạm liên quan tới công tác cán bộ tại Bộ Công Thương".
Hồi 10/2016, bà bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng ra quyết định "khiển trách" liên quan tới vai trò của bà tại Ban Cán sự Đảng Bộ Công Thương nhiệm kỳ 2011-2016.
Trong thời gian này, bà đã có "vi phạm, khuyết điểm" liên quan tới việc tiếp nhận, bổ nhiệm và điều động ông Trịnh Xuân Thanh.
Cũng liên quan tới việc này, đến tháng 1/2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ra quyết định "kỷ luật bằng hình thức khiển trách đối với bà Hồ Thị Kim Thoa, Thứ trưởng Bộ Công Thương" trang tin Chính Phủ công bố.
Quyết định kỷ luật bà Kim Thoa được đưa ra cùng lúc với thời điểm ông Vũ Huy Hoàng bị Thủ tướng kỷ luật, xóa tư cách Bộ trưởng Công Thương nhiệm kỳ 2011-2016 do "vi phạm về công tác cán bộ". - BBC

-----------------------------
19.
Đồng Tâm: 14 nguyên cán bộ ra tòa vì sai phạm đất đai

TAND huyện Mỹ Đức, Hà Nội hôm 8/8 mở phiên sơ thẩm xét xử 14 bị cáo có sai phạm trong công tác quản lý đất đai ở xã Đồng Tâm và huyện Mỹ Đức.
Tuy nhiên có ý kiến từ dân xã Đồng Tâm cho rằng, vụ xét xử này không liên quan đến vụ tranh chấp gay gắt, đụng độ hồi tháng Tư.
Theo báo Tuổi trẻ, TAND huyện Mỹ Đức, Hà Nội hôm 8/8 đã mở phiên sơ thẩm xét xử vụ 14 cựu cán bộ nguyên là lãnh đạo, cán bộ UBND xã Đồng Tâm, lãnh đạo Phòng TN&MT huyện Mỹ Đức đã lợi dụng chức vụ để chia chác đất, cấp đất trái thẩm quyền cho cán bộ, hợp thức hóa đất lấn chiếm.
Theo bản thông báo kết luận thanh tra của Thanh tra Hà Nội hôm 24/7, cũng ghi rõ việc xử lý kỷ luật, khởi tố 14 bị can trong mục "Về quá trình xử lý từ trước đến nay trên diện tích đất sân bay Miếu Môn".
Tuy nhiên, ông Lê Đình Kình, đại diện phía người dân trong vụ tranh chấp đất Đồng Sênh, nói sai phạm đất đai mà 14 cán bộ đang bị xét xử nằm ở một khu đất khác thuộc xã Đồng Tâm, không liên quan đến tranh chấp đất nông nghiệp-quốc phòng của dự án sân bay Miếu Môn.
"Thực tể 11 cán bộ lấy đất nông nghiệp của xã Đồng Tâm nhưng khu đất này ở xa sân bay Miếu Môn. Ba cán bộ còn lại thì không liên quan gì đến vụ tranh chấp đất nông nghiệp-đất quốc phòng."
"Khu đất họ đang xét xử nằm ở đồng mít, phía bắc bia Chiến thắng, gần đầu làng Đồng Mít, mà người dân chúng tôi gọi là khu rặng trúc, không liên quan gì đến Đồng Sênh cả," ông Kình lên tiếng.
Còn về các sai phạm đang xét xử hôm 8/8, ông Kình cho biết ông và nhiều người dân khác chính là nguyên đơn tố cáo các sai phạm này, nhưng không nhận được giấy mời phiên tòa.
"8 giờ sáng nay phiên tòa khai mạc, nhưng 9 giờ chúng tôi vẫn không biết họ xử ở đâu hay thông tin nội dung về phiên tòa. Có một số người dân đến TAND huyện Mỹ Đức nhưng bảo phải có giấy mời mới vào được."
Theo báo Tuổi Trẻ, chỉ những người có giấy mời, giấy triệu tập của hội đồng xét xử mới được vào.
Cũng theo tường thuật phiên tòa của báo này, 14 cán bộ thừa nhận "Lấy đất giãn dân chia chác cho cán bộ xã Đồng Tâm". - BBC

----------------------

20.
Đất sân bay Tân Sơn Nhất là đất quốc phòng

Đất sân golf trong sân bay Tân Sơn Nhất là đất quốc phòng. Đây là khẳng định do ông Thượng tướng Trần Đơn, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cho biết tại tại Hội nghị quán triệt, triển khai kết luận của Thường vụ Quân ủy Trung ương về quản lý, sử dụng đất quốc phòng khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, diễn ra vào sáng 8/8 tại TP.HCM.
Ông Đơn nói rằng đất sân golf trong sân bay Tân Sơn Nhất là đất quốc phòng nên bất cứ khi nào Bộ này cũng có thể thu hồi để giao lại cho Chính phủ, cho Bộ Giao thông Vận tải để làm đường băng.
Thứ trưởng Bộ quốc phòng nhận định rằng hiện tại việc quản lý đất quốc phòng cho mục đích kinh tế tại khu vực sân bay Tân Sơn Nhất còn nhiều bất cập, gây lãng phí đất đai, nói thêm rằng trong thời gian tới quân đội không được ký kết hợp đồng cho thuê đất mới nào tại khu vực sân bay Tân Sơn Nhất mà tập trung vào việc quy hoach lại.
Đất quốc phòng tại sân bay Tân Sơn nhất có diện tích khá lớn, khoảng 1.060 ha, trong đó 489 ha là đất quốc phòng đang quản lý, 107 ha là đất hàng không dân dụng và 464 ha là đất dùng chung. - RFA

-------------------------------
21.
Tàu chiến USS San Diego cập cảng Cam Ranh

Tàu Hải quân Hoa Kỳ USS San Diego (LPD 22) cập cảng Cam Ranh của Việt Nam vào ngày 6 tháng 8, trong chặng dừng kỹ thuật thường lệ, sau khi tham gia huấn luyện trên biển ở khu vực Ấn Độ Dương-Châu Á-Thái Bình Dương.
Đại Sứ Quán Hoa Kỳ ở Hà Nội cho biết thông tin vừa nêu trong thông cáo báo chí đưa ra ngày 8 tháng 8.
Tàu Hải quân Hoa Kỳ USS San Diego (LPD 22) là tàu vận tải đổ bộ đường biển, dùng để chở thủy quân lục chiến cùng thiết bị, có thể hỗ trợ thực hiện nhiều hoạt động tác chiến viễn chinh. Đây là chiếc tàu thứ 6 thuộc lớp tàu chiến đổ bộ đường biển San Antonio và được đưa vào biên chế Hải quân Hoa Kỳ năm 2012.
Chặng dừng chân của tàu Hải quân Hoa Kỳ USS San Diego tại cảng Cam Ranh lần đầu tiên được cho là đánh dấu thêm bằng chứng thể hiện chiều sâu của mối quan hệ đối tác toàn diện giữa Việt Nam và Hoa Kỳ thông qua tăng cường quan hệ dân sự và quân sự.
Sau chặng dừng chân tại cảng Cam Ranh, tàu Hải quân Hoa Kỳ USS San Diego sẽ tiếp tục hành trình tham gia huấn luyện với đồng minh và đối tác trong khu vực hoạt động của Hạm đội 7 Hải quân Hoa Kỳ. - RFA

-------------------------------
22.
Nghị Viên Nhân quyền ASEAN kêu gọi bảo vệ quyền con người

Nhóm Nghị viên Nhân quyền Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á- ASEAN vào ngày 7 tháng 8 ra thông cáo kêu gọi 10 quốc gia thuộc khu vực này củng cố cơ chế để cổ xúy và bảo vệ quyền con người; bảo đảm cho tất cả các thành viên trong cộng đồng ASEAN được hưởng lợi từ sự thịnh vượng kinh tế.
Theo Nhóm Nghị viên Nhân quyền ASEAN thì nếu nhóm 10 quốc gia vừa nêu không đạt được những yêu cầu vừa nêu thì mọi cam kết đưa ra khi thành lập khối cách đây 50 năm tiếp tục không được thực hiện.
Theo Nhóm Nghị viên Nhân quyền ASEAN thì khối này cần phải thích ứng bằng không sẽ trở nên lỗi thời trong một môi trường toàn cầu đang tiến lên. Nguyên tắc không can thiệp là một rào cản cho việc thực thi nhân quyền cũng như khả năng để ASEAN giải quyết nhiều vấn đề khác nữa.
Nhóm Nghị viên Nhân quyền ASEAN cho rằng 50 năm kể từ khi ký kết Tuyên bố Bangkok để thành lập khối vào ngày 8 tháng 8 năm 1967, khu vực này đang phải đối diện với nhiều thách thức nhân quyền mỗi ngày một tăng. Trong khi đó thì lãnh đạo các nước trong khu vực dường như tỏ ra muốn gạt việc thảo luận nhân quyền ra ngoài. - RFA

Link:
http://bit.ly/2kWPNo9









No comments:

Post a Comment