Friday, August 11, 2017

TIN CẬP NHẬT THỨ SÁU 11/8/2017 (Lê Minh Nguyên)





Tin Thế Giới

1.
Trump: Vũ khí Mỹ “đã được bố trí, nạp đạn, lên cò” --- Truyền thông Hàn Quốc kêu gọi phát triển vũ khí hạt nhân

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump hôm 11/8 lại cảnh cáo Bắc Triều Tiên thêm một lần nữa, nói rằng Mỹ đã trong tư thế sẵn sàng, và các vũ khí Mỹ “đã được bố trí, nạp đạn, lên cò”.
Một ngày sau khi Bộ trưởng Quốc phòng của ông nói Hoa Kỳ đang trong tư thế sẵn sàng để đối đầu với bất cứ mối đe dọa nào từ Bình Nhưỡng, nhà lãnh đạo Mỹ viết trên trang Twitter: “Các giải pháp quân sự giờ đã được đưa vào vị trí, súng đã nạp đạn, cò đã kéo lên, để phòng Bắc Triều Tiên có hành động thiếu khôn ngoan. Hy vọng Kim Jong Un sẽ tìm một hướng đi khác!”
Theo hãng tin Reuters thì trong cùng ngày, tờ Hoàn cầu Thời báo, cơ quan ngôn luận của nhà nước Trung Quốc, nói Bắc Kinh nên giữ thái độ trung lập nếu Bắc Triều Tiên là bên đầu tiên nổ súng vào Hoa Kỳ, như một lời cảnh báo đối với Bình Nhưỡng về kế hoạch bắn tên lửa tới gần đảo Guam, lãnh thổ của Hoa Kỳ ở Thái Bình Dương.
Những lời bình của tờ báo rất có thế lực này được tải lên sau khi Tổng thống Donald Trump leo thang những tuyên bố gay gắt hơn chống Bắc Triều Tiên ngày hôm trước, nói rằng lời đe dọa của ông sẽ tung “hỏa thịnh nộ” nhắm vào Bình Nhưỡng nếu Bắc Triều Tiên phát động một cuộc tấn công, là “chưa đủ mạnh”.
Các thị trường chứng khoán châu Á lại tuột dốc hôm thứ Sáu 11/8 trong khi các thị trường Châu Âu đang gồng mình để nhận kết quả tệ hại nhất tính cho tới thời điểm này trong năm vì những căng thẳng Mỹ-Triều.
Kinh tế gia trưởng đặc trách Châu Á của ING Robert Carnell nhận định: “Tình hình này đang bắt đầu diễn tiến theo hướng có nguy cơ trở thành cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba của thế hệ này.”
Nhà kinh tế Carnell nói trong khi Tổng thống Mỹ một mực leo thang cuộc khẩu chiến, thì cơ may tìm được một giải pháp ngoại giao càng lúc càng xa vời hơn.
Trung Quốc, đồng minh và đối tác thương mại quan trọng nhất của Bắc Triều Tiên, lặp lại lời kêu gọi yêu cầu tất cả các bên hãy bình tĩnh. Bắc Kinh đã tỏ thái độ bực dọc về những cuộc thử nghiệm hạt nhân và phi đạn đạn đạo liên tiếp của Bình Nhưỡng, và cả với cách ứng xử của Hàn Quốc và Hoa Kỳ, như tiến hành các cuộc diễn tập quân sự, là điều mà Bắc Kinh cho là làm căng thẳng leo thang.
Trong một bài xã luận, tờ Hoàn Cầu Thời Báo viết:
“Trung Quốc phải xác định rõ ràng là nếu Bắc Triều Tiên phóng tên lửa đe dọa lãnh thổ Hoa Kỳ, và nước này đáp trả, thì Trung Quốc sẽ giữ lập trường trung lập.”
Bài xã luận viêt tiếp:
“Nếu Mỹ và Hàn Quốc phát động các cuộc tấn công, tìm cách lật đổ chế độ cầm quyền ở Bắc Triều Tiên, rồi thay đổi khuôn thức chính trị của bán đảo Triều Tiên, thì Trung Quốc sẽ ngăn cản hai nước thực hiện mục tiêu đó.”
Bộ Ngoại giao Trung Quốc hối thúc tất cả các bên hãy đối thoại với nhau và hành động thận trọng, thay vì đi theo đường mòn cũ, là thay phiên nhau phô trương lực lượng và liên tục leo thang căng thẳng”. - VOA

***
Cho đến nay, bất chấp các đe dọa tấn công từ Bắc Triều Tiên, Hàn Quốc vẫn tự tin do có được “lá chắn hạt nhân” của Hoa Kỳ. Tuy nhiên, trong những ngày đầu tháng 08/2017, theo AFP, báo chí Hàn Quốc đồng loạt lên tiếng yêu cầu Seoul xem xét việc phát triển vũ khí hạt nhân, trong bối cảnh Bình Nhưỡng có những tuyên bố ngày càng táo tợn hơn, trước các áp lực quốc tế gia tăng buộc Bắc Triều Tiên từ bỏ chương trình vũ khí nguyên tử. Nhiều nhà quan sát cảnh báo “hiệu ứng dây chuyền” của một cuộc chạy đua phát triển vũ khí hạt nhân tại Đông Bắc Á.
Hiện tại, khoảng 28.500 binh sĩ Mỹ được triển khai tại Hàn Quốc, để bảo vệ quốc gia này. Theo một thỏa thuận ký năm 1974, giữa Seoul và Washington, Hàn Quốc không có quyền chế tạo vũ khí nguyên tử, đổi lại, đồng minh Đông Bắc Á được “lá chắn hạt nhân” Mỹ che chở. Sau cuộc chiến tranh Triều Tiên (1950-1953), Hoa Kỳ từng triển khai vũ khí hạt nhân tại Hàn Quốc, nhưng đã rút đi vào lúc Seoul và Bình Nhưỡng đạt thỏa thuận về “phi hạt nhân hóa” bán đảo Triều Tiên vào năm 1991.
Năm 2006, Bình Nhưỡng tiến hành vụ thử vũ khí hạt nhân đầu tiên, và chính thức tuyên bố từ bỏ cam kết vào năm 2009. Trong những tháng gần đây, căng thẳng giữa Bắc Triều Tiên và Hoa Kỳ dâng cao, đặc biệt với việc Bình Nhưỡng tiến hành hai vụ thử tên lửa liên lục địa ICBM, được nhiều chuyên gia coi là “thành công”. Hai tên lửa có khả năng bắn tới một phần lãnh thổ của Hoa Kỳ. Cùng lúc đó, có nhiều thông tin về việc Bắc Triều Tiên đang nhanh chóng tiến đến làm chủ công nghệ thu nhỏ đầu đạn hạt nhân, để gắn vào tên lửa.
Theo các nhà quan sát, một câu hỏi ngày càng ám ảnh nhiều người Hàn Quốc : Liệu Washington có thực sự sẵn sàng bảo vệ Seoul, khi nhiều thành phố Mỹ có nguy cơ trở thành nạn nhân của vũ khí nguyên tử Bắc Triều Tiên ?
Seoul có thể chế bom nguyên tử trong vài tháng
Xã luận nhật báo Korea Herald hôm nay, 11/08, cảnh báo : “Niềm tin vào lá chắn hạt nhân Mỹ có thể bị lay chuyển” và “đây là thời điểm xem xét việc phát triển vũ khí nguyên tử”. Báo Koreal Herald kêu gọi Washington đưa tên lửa hạt nhân trở lại Hàn Quốc, nếu không muốn Seoul tự trang bị hệ thống vũ khí nguyên tử.
Nhật báo Chosun hồi đầu tuần cũng khẳng định : “Tai họa đang lơ lửng”, “Mọi đề xuất, kể cả những điều vốn bị coi là cấm kỵ, nên được bàn thảo”. Nhật báo kinh tế Korea Economic Daily nghiêng về giải pháp vũ khí nguyên tử chống lại Bắc Triều Tiên, với quan điểm “dùng đe dọa hủy diệt đối lại đe dọa hủy diệt”. Quan điểm của báo chí Hàn Quốc nói trên khá tương hợp với lập trường ủng hộ hạt nhân của người Hàn Quốc. Theo AFP, trong một cuộc điều tra hồi năm ngoái, khoảng 57% dân Hàn tán đồng giải pháp này, và 31% có ý kiến ngược lại.
Theo nhiều chuyên gia, với trình độ công nghệ hiện tại, Hàn Quốc hoàn toàn đủ khả năng có được tên lửa hạt nhân chỉ vài tháng sau khi quyết định. Có điều là việc Seoul xây dựng hệ thống vũ khí riêng sẽ để lại nhiều hệ quả tồi tệ.
Giảng viên Đại học về Bắc Triều Tiên tại Seoul, ông Yang Moo Jin, cho rằng lập trường “dùng đe dọa hủy diệt đối lại đe dọa hủy diệt” sẽ biến bán đảo Triều Tiên thành đấu trường chạy đua vũ trang quyết liệt. Nếu việc này xảy ra Bình Nhưỡng càng có thêm lý do để biện minh cho chương trình tên lửa hạt nhân, khiến việc trở lại đàm phán vốn đã khó, càng thêm khó. Vẫn theo chuyên gia Yang Moo Jin, quyết định của Hàn Quốc cũng sẽ mở ra cơ hội cho Nhật Bản và Đài Loan tự trang bị vũ khí. Tokyo “chắc chắn sẽ hoan nghênh việc này”, bởi đây là yếu tố hết sức thuận lợi giúp cho chính quyền Shinzo Abe trong chủ trương xét lại Hiến pháp chủ hòa của Nhật.
Bối cảnh khẩu chiến gia tăng
Tuyên bố của báo chí Hàn Quốc có phản ánh quan điểm của Seoul ? Để trả lời câu hỏi này cần đặt các phát biểu nói trên trong bối cảnh khẩu chiến đang gia tăng về cường độ giữa Washington và Bình Nhưỡng, với các đe dọa “nhấn chìm trong biển lửa” của tổng thống Mỹ hay kế hoạch “tấn công gần Guam (Mỹ)” của lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un. Về phần mình, bộ trưởng Quốc Phòng Hàn Quốc Song Young Moo cho biết Seoul “hoàn toàn có khả năng” tự chế bom nguyên tử, nhưng chưa tính đến.
Chính quyền Seoul đang đàm phán với Mỹ nhằm nới lỏng thỏa thuận song phương về các tên lửa tầm trung 800 km của Hàn Quốc. Seoul muốn nâng trọng lượng đầu đạn lên 1.000 kg, so với 500 kg hiện nay. Đây là loại hỏa tiễn có thể tấn công mọi địa điểm trên đất Bắc Triều Tiên. Đầu tuần, Lầu Năm Góc thông báo đang “tích cực” xem xét vấn đề này. - RFI
|
|

2.
Biển Đông: Bắc Kinh phản đối tàu Mỹ áp sát khu vực đá Vành Khăn

Sáng sớm hôm nay, 11/08/2017, bộ Ngoại Giao Trung Quốc lên tiếng phản đối tàu chiến Mỹ vào khu vực 12 hải lý đá Vành Khăn (Mischief), quần đảo Trường Sa. Bắc Kinh lên án hành động tuần tra « bảo vệ tự do hàng hải » của Mỹ là « xâm phạm chủ quyền ».
Người phát ngôn bộ Ngoại Giao Trung Quốc Cảnh Sảng (Geng Shuang) khẳng định Bắc Kinh « rất bất bình » về hành động « xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền và an ninh của Trung Quốc, đặt thủy thủ đoàn hai phía vào tình trạng nguy hiểm ». Người phát ngôn Trung Quốc cáo buộc Hoa Kỳ « từ chối việc mang lại ổn định cho Biển Đông » và khuyến khích quân sự hóa khu vực. Phát ngôn viên Cảnh Sảng cũng cho biết cuối cùng tàu Trung Quốc đã « trục xuất » được tàu Mỹ.
Về phía Hoa Kỳ, một giới chức Mỹ cho hay khu trục hạm USS John S. McCain đã vào sát đá Vành Khăn 6 hải lý. Một tàu chiến Trung Quốc bám theo trong suốt sáu giờ, thời gian tàu Mỹ di chuyển trong khu vực này. Tàu Trung Quốc đã ít nhất 10 lần yêu cầu tàu Mỹ chuyển hướng. Phía Mỹ thông báo đang hoạt động « trong vùng biển quốc tế ». Vẫn theo giới chức Mỹ, các tương tác giữa hai bên là hoàn toàn « an toàn và chuyên nghiệp ».
Đây là cuộc tuần tra « bảo vệ tự do hàng hải » thứ ba của Hoa Kỳ, trong phạm vi 12 hải lý các đảo do Trung Quốc kiểm soát tại Biển Đông, kể từ khi tổng thống Trump lên nắm quyền. Hoạt động nói trên diễn ra bốn ngày sau một tuyên bố lên án việc Trung Quốc quân sự hóa nhiều đảo nhân tạo ở Biển Đông của Mỹ, Nhật và Úc, được đưa ra tại Manila.
Hôm qua, 10/08, theo AFP, tổ chức Sáng Kiến An Toàn Hàng Hải (AMTI) lại lên tiếng tố cáo việc Trung Quốc quân sự hóa các đảo nhân tạo ở Trường Sa trong hai năm vừa qua. AMTI đưa lên mạng nhiều bức ảnh để chứng minh tuyên bố hồi đầu tuần của ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (Wang Yi) tại Manila, về việc Bắc Kinh đã « hoàn tất việc xây dựng » cách nay hai năm là hoàn toàn trái với sự thực.
Đá Vành Khăn nằm cách đảo Palawan của Philippines khoảng 250 km về phía tây. Năm 1995, Trung Quốc đã chiếm lấy đá này từ tay Philippines. Việt Nam và Đài Loan cũng là các bên đòi hỏi chủ quyền đối với đá Vành Khăn. Năm 2015, Trung Quốc khởi sự xây dựng một đường băng lớn tại đảo nhân tạo mới bồi đắp. Đường băng dài khoảng 2.500 mét được hoàn tất năm 2016. Ba đảo nhân tạo, Vành Khăn, Chữ Thập (Fiery Cross Reef) và Xu Bi (Subi Reef), đã trở thành các tiền đồn quân sự của Trung Quốc tại Trường Sa, có khả năng tiếp nhận máy bay chiến đấu và tên lửa. - RFI
|
|
3.
Mỹ hoan nghênh sự chủ động của VN ở Châu Á-TBD

Bộ trưởng Jim Mattis hoan nghênh sự tham gia chủ động và vai trò ngày càng tăng của Việt Nam tại Châu Á - Thái Bình Dương, theo thông cáo của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ ra hôm 09/8/2017 liên quan chuyến thăm Hoa Kỳ lần đầu tiên của Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam, Đại tướng Ngô Xuân Lịch.
Hôm thứ Tư, thông cáo trên trang mạng chính thức của Bộ Quốc phòng Mỹ viết:
"Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis đã làm việc với Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ngô Xuân Lịch về chuyến thăm chính thức ngày 8/8 để thảo luận mối quan hệ quốc phòng Mỹ -Việt ngày càng gia tăng và những thách thức an ninh khu vực."
"Bộ trưởng [Mattis] và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng [Việt Nam] đã nhất trí làm sâu sắc thêm hợp tác quốc phòng, bao gồm mở rộng hợp tác hàng hải. Các Bộ trưởng cũng chỉ đạo các nhân viên của mình làm việc hướng tới việc sắp xếp một chuyến thăm đầu tiên của hàng không mẫu hạm tới Việt Nam khi các điều kiện kỹ thuật cho phép."
"Bộ trưởng nhấn mạnh mức độ mạnh mẽ của duy trì hòa bình, hỗ trợ nhân đạo và hợp tác Cảnh sát biển, bao gồm việc chuyển giao gần đây một máy tàu tuần duyên trước đây của Hoa Kỳ để nâng cao năng lực thực thi pháp luật hàng hải của Việt Nam."
"Hai nhà lãnh đạo nhất trí rằng một mối quan hệ quốc phòng Mỹ - Việt thúc đẩy mạnh mẽ an ninh khu vực và toàn cầu. Mối quan hệ này dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau và các lợi ích chung, bao gồm tự do hàng hải ở Biển Đông và toàn cầu, tôn trọng pháp luật quốc tế và công nhận chủ quyền quốc gia. Bộ trưởng hoan nghênh việc Việt Nam chủ động tham gia và ngày càng đóng vai trò tích cực tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương."
Lần đầu tiên về 'chủ quyền ở Biển Đông'
Bình luận về ý nghĩa và 'tín hiệu' đưa ra từ bản thông báo này của Bộ Quốc phòng Mỹ, tại Bàn tròn thứ Năm, hôm 10/8, Tiến sỹ Hà Hoàng Hợp, nhà phân tích chính trị từ Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (Iseas, Singapore) nói với BBC Việt ngữ:
"Câu cuối cùng cực kỳ quan trọng đối với sự thay đổi về mặt chính trị cũng như chiến lược trong quan hệ của Hoa Kỳ với Việt Nam. Có câu rất rõ rằng mối quan hệ này, quan hệ quốc phòng Mỹ - Việt dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau và các lợi ích chung, nó bao gồm việc tự do hàng hải ở Biển Đông và ở khắp thế giới."
"Nó bao gồm sự tôn trọng luật pháp quốc tế, nhưng câu này là quan trọng, và công nhận chủ quyền quốc gia, thì từ trước đến nay, chưa bao giờ Hoa Kỳ tuyên bố rằng Hoa Kỳ đụng vào chuyện gọi là chủ quyền quốc gia của một nước cụ thể nào đó ở Biển Đông cả, nhưng mà lần này Hoa Kỳ có công bố này."
"Đây là điểm có thể nói là quan trọng nhất phân biệt chính sách hiện nay của Hoa Kỳ so với chính sách của các chính phủ trước đây của Hoa Kỳ, tôi xin nhấn mạnh như thế. Đây là một bổ sung cho ý kiến của ông Nguyễn Xuân Nghĩa [khách mời khác tại Bàn tròn] nói rằng Việt Nam không bị bỏ quên, cũng không phải cô đơn gì cả và ở đâu cả."
"Và ở đây cũng cần nói rõ rằng chính sách hiện nay của Hoa Kỳ là một sự tiếp nối rất mạnh mẽ các chính sách của các chính phủ trước."
"Tôi cũng xin nói lại rằng ở Đối thoại Shangri-La ở Singapore vừa rồi (2017), chính trong bài phát biểu của mình, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ ông Jim Mattis đã nói rất rõ rằng tất cả các yếu tố, kế hoạch được định ra trong chính sách tái cân bằng của chính quyền Obama đã được triển khai toàn bộ và tốt hơn so với dự định," ông Hà Hoàng Hợp nêu nhận xét.
Cũng tại Bàn tròn này, hôm thứ Năm, ông Nguyễn Xuân Nghĩa, nhà bình luận thời sự từ Hoa Kỳ nói với BBC:
"Bây giờ trong hoàn cảnh khi nước Mỹ nói quyền lợi của họ là trên hết, là ưu tiên, điều đó không có nghĩa rằng từ nay về sau họ vì lý do buôn bán mà họ sẽ bán rẻ các đồng minh, điều đó tôi cho là quan trọng và mình (Việt Nam) phải ngồi suy nghĩ lại.
"Có người nhắc đến bản thông cáo... Hoa Kỳ xác nhận rằng chủ quyền của từng quốc gia trong từng khu vực một đối với họ là quan trọng, tôi cho rằng đó là cái thế mà những nước nằm ở giữa hai cường quốc, hai bên Thái Bình Dương, có thể xoay xở được.
"Tôi cho rằng đó mới là yếu tố quyết định, còn bây giờ chúng ta kết luận sớm rằng Việt Nam bị thân cô thế cô, hoặc là... đã phải bỏ những dự án khai thác dầu khí v.v..., tôi cho rằng đó là tầm nhìn ngắn hạn.
"Tầm nhìn dài hạn của người Việt Nam ở Hà Nội hay là ở khắp mọi nơi trên thế giới phải nhìn thấy rằng khi có những thay đổi trước đây chưa thấy, thì mình có thể khai thác cơ hội như thế nào để cho quyền lợi của đất nước Việt Nam," ông Nguyễn Xuân Nghĩa nói với BBC Tiếng Việt. - BBC
|
|
4.
Trump: “Mỹ tiết kiệm được bộn bạc nhờ Putin trục xuất nhân viên ngoại giao Mỹ”

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump gạt sang một bên biện pháp của nhà lãnh đạo Nga Vladimir Putin, trục xuất hàng trăm nhân viên ngoại giao Mỹ ra khỏi nước Nga, nói rằng động thái này chỉ giúp Hoa Kỳ tiết kiệm được tiền bạc.
Nói chuyện với các nhà báo hôm 10/8, ông Trump nói ông Putin thực ra đã giúp Mỹ.
“Không. Tôi muốn cảm ơn ông bởi vì chúng ta đang tìm cách cắt giảm số người trong danh sách lãnh lương. Đối với cá nhân tôi, tôi lấy làm cảm kích vì ông đã cho một số đông người như thế ra đi, nhờ đó bây giờ sổ lương của chúng ta giảm đáng kể. Không có lý do gì để họ phải quay trở lại. Thành thử tôi cảm ơn việc người Nga đã giúp chúng ta giảm bớt số người phải trả lương. Chúng ta sẽ tiết kiệm được nhiều tiền bạc.”
Toà Bạch Ốc không đưa ra bình luận tức thời nào về phát biểu vừa kể của Tổng thống Trump. Ông Trump đã bị chỉ trích là không có lập trường cứng rắn đối với Nga.
Lệnh của ông Putin, trục xuất các nhân viên sứ quán và lãnh sự quán Mỹ đã được dự kiến từ lâu, sau quyết định của Tổng Thống Barack Obama trục xuất 35 nhà ngoại giao Nga và đóng cửa hai địa điểm nghỉ mát của Nga ở Hoa Kỳ, sau khi báo cáo của các cơ quan tình báo Mỹ tiết lộ các hoạt động của Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016 qua các vụ tin tặc và các phương tiện khác với mục đích giúp ông Trump đắc cử.
Moscow đã phản bác những lời cáo buộc đó. - VOA
|
|
5.
Nga-Trung: "Bằng mặt nhưng không bằng lòng"

Quan hệ Nga – Trung những năm gần đây có vẻ nồng ấm. Nhưng theo bài viết có tựa đề « Trung Quốc và Nga vạch hướng đi của mình » trên báo Le Monde ngày 11/08/2017, đằng sau những cái bắt tay, những ký kết thỏa thuận hợp tác song phương, những lời chúc tụng thắm thiết là một cuộc đối đầu ngầm địa chính trị giữa hai cường quốc này.
Đầu tiên hết, Le Monde nhắc lại lãnh đạo hai nước luôn tận dụng các cơ hội để công khai ca tụng mối quan hệ hữu hảo đó. Tổng thống Nga Vladimir Putin đã dành cho đồng nhiệm Trung Quốc Tập Cận Bình một huân chương danh dự : Thánh Saint Andre có từ thời Pie Đại Đế.
Đáp lại, Bắc Kinh đã ưu ái bảo vệ đồng nhiệm Nga, cấm mọi chỉ trích nhắm vào Vladimir Putin trên các trang mạng Sina Weibo, một dạng Twitter của Trung Quốc. Tập Cận Bình cũng không tiếc lời ca ngợi cho rằng : « Đây có thể là thời điểm tốt nhất trong lịch sử đối tác và hợp tác chiến lược Nga – Trung ».
Theo giải thích của Le Monde, Nga đến với Trung Quốc trong bối cảnh Matxcơva đang hứng chịu các biện pháp trừng phạt của châu Âu và Hoa Kỳ do việc sáp nhập bán đảo Crimée vào Nga và sự can dự của nước này vào cuộc xung đột Ukraina.
Trung Quốc niềm nở đón Nga, là vì phải đối phó với Mỹ. Ngay vừa khi lên cầm quyền cuối năm 2012, Tập Cận Bình đã chọn Nga làm điểm công du đầu tiên. Trong vòng 5 năm, đôi bên đã gặp nhau đến 22 lần.
Thế nhưng đối với Le Monde, đó chỉ là vẻ bề ngoài. Bởi vì, trên thực tế, Nga vừa quan tâm nhưng vừa lo về dự án thế kỷ « Một Vành Đai, Một Con Đường » (OBOR) của Trung Quốc.
Với tham vọng làm sống lại những con đường giao thương Á-Âu trong lịch sử, trục đường bộ chính của dự án con đường tơ lụa mà ông Tập Cận Bình ấp ủ, nối liền ba tỉnh Trung Quốc với châu Âu đi qua Kirghizistan, Ouzbekistan, Tadjikistan, Turkménistan, thông qua Iran và đến Thổ Nhĩ Kỳ. Ngoài ra Bắc Kinh còn vạch ra nhiều lộ trình khác đi qua Kazakhstan thông qua ngả biển Caspi.
Nga và Trung Quốc còn có tham vọng mở tuyến đường sắt cao tốc dài 7 000 km nối liền Bắc Kinh với Matxcơva. Bên cạnh đó, Trung Quốc còn nhắm đến việc mở một « con đường tơ lụa băng giá », nghĩa là khai thác hải trình băng qua Bắc Cực, mà phần lớn nằm dưới quyền kiểm soát của Nga. Với lộ trình này, con đường vận chuyển hàng hóa bằng đường biển từ Trung Quốc đến châu Âu sẽ rút ngắn đến gần 3 000 km.
Nhưng đó mới chỉ là dự án hợp tác. Le Monde còn thấy rằng mối quan hệ hữu hảo đó vất vả « cất cánh ». Trên thực tế, những mục tiêu đầy tham vọng trên phương diện trao đổi thương mại được ấn định là 100 tỷ đô la cho năm 2015 đã không đạt được. Hợp tác kinh tế giữa hai nước phần lớn chỉ dừng lại trong lĩnh vực năng lượng, sau gần 10 năm thương lượng căng thẳng.
Đầu tư Trung Quốc vào Nga đình trệ do « các nhà đầu tư tư nhân Trung Quốc e dè với các đối tác Nga, vì vắng các thông tin, thiếu cải cách cơ cấu, luật lệ cũng như việc thay đổi liên tục các quy định, giá dầu thô giảm và bối cảnh lệnh trừng phạt », như nhận xét của chuyên gia Alexandre Gabouiev, thuộc trung tâm tư vấn Carnegie tại Matxcơva với báo Le Monde.
Dự án lớn nhưng không loại trừ rủi ro có căng thẳng. Bởi vì, dự án con đường tơ lụa do Trung Quốc vạch ra đồng thời sẽ làm gia tăng ảnh hưởng của nước này lên những quốc gia mà Nga xem đấy như là « sân sau chiến lược » của mình.
Trong bối cảnh đó, được chuẩn bị từ năm 2010, và được chủ nhân điện Kremlin khai trương một cách rầm rộ vào tháng 5/2014, Liên Minh Kinh Tế Á-Âu, quy tụ Nga, Kazakhstan, Bélarus, rồi sau này có thêm Armenia và Kirghizistan đã được tạo dựng như là một không gian kinh tế, giao thương và chính trị rộng lớn. Điều mỉa mai là một phần lớn không gian này đã bị con đường tơ lụa của Trung Quốc vay mượn. - RFI
|
|
6.
Tư pháp Nga kết án bốn nhà đối lập chống tổng thống
Putin
Tòa án Tverskoï, Matxcova ngày 10/08/2017 đã kết án bốn nhà đối lập, trong đó có một nhà báo kinh tế, nhiều năm tù với tội danh theo đuổi « chủ nghĩa cực đoan ». Những người này đã thành lập một nhóm kêu gọi tổ chức trưng cầu dân ý chống lại tổng thống Nga Putin.
Thông tín viên RFI Muriel Pomponne tại Matxcova cho biết thêm chi tiết :
Bốn người này đã lập ra Nhóm Sáng kiến
​​nhằm tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý vì một chính quyền có trách nhiệm. Chính quyền Nga cho rằng đây là một phong trào cực đoan, tiếp nối các hoạt động của một nhóm trước đây đã bị giải thể có tên Quân đội Ý Chí Nhân Dân. Tại thời điểm bị bắt, trang web của nhóm đề nghị sửa đổi Hiến Pháp thông qua trưng cầu dân ý để lập một Toà Án Nhân Dân nhằm xét xử « tổng thống, các thượng nghị sĩ và dân biểu ».
Thủ lĩnh của nhóm, Louri Moukhine, đã bị kết án bốn năm tù treo. Ông này đã không có mặt trước vành móng ngựa khi phán quyết được công bố. Hai người khác là Valeri Parfionov và Serguei Barabach chịu mức án bốn năm tù giam. Trong đó, ông Serguei Barabach là một trung tá quân đội bị giáng cấp.
Đối với nhà báo Alexandre Sokolov, ông bị kết án ba năm sáu tháng tù giam. Ông Sokolov, phóng viên kinh tế nhật báo của RBK, được tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới ủng hộ. Ông chuyên điều tra về tham nhũng, ông cũng từng viết một luận án về tham nhũng trong các tập đoàn Nhà nước Nga, đặc biệt là vụ tai tiếng ở trung tâm vũ trụ Vostotchni. Theo Tổ Chức Phóng Viên Không Biên Giới, ông Sokolov đã bị bắt «chỉ vì có những hoạt động báo chí gây khó chịu cho chính quyền Nga. - RFI
|
|
7.
Không kích của NATO giết thường dân ở Afghanistan?

Các giới chức ở Afghanistan nói các cuộc không kích chống khủng bố qua đêm do các lực lượng quốc tế thực hiện ở phía đông tỉnh Nangarhar đã giết chết ít nhất 16 thường dân, trong đó có phụ nữ và trẻ em.
Ông Saaz Wali, người đứng đầu chính quyền quận Haska Mina nơi xảy ra các ca tử vong, nói với VOA hôm 11/8 rằng các cuộc không kích đã đánh trúng một chiếc xe và một nhóm thường dân tại hai nơi khác nhau.
Tám trong số các nạn nhân ở trên chiếc xe và đều là thành viên của một gia đình, theo lời ông Wali.
Người phát ngôn của sứ mạng “Quyết tâm Hỗ trợ” của NATO nói với VOA:
“Chúng tôi đang xem xét những cáo buộc và sẽ cập nhật tin tức vào thời điểm thích hợp.”
Các giới chức an ninh địa phương xác nhận rằng các lực lượng Afghanistan được sự yểm trợ của không lực nước ngoài, lúc đó đang tiến hành các hoạt động chống khủng bố trong khu vực. Đông đảo phần tử chủ chiến vẫn còn ở Nangarhar, theo các giới chức Mỹ và Afghanistan.
Quân nổi dậy Taliban cũng hoạt động mạnh tại nhiều khu vực trong tỉnh này. Một người phát ngôn của phe nổi dậy Hồi giáo, Zabihullah Mujahid, nói rằng không lâu sau khi chiếc xe trúng đạn, cư dân địa phương đã ùa tới tụ tập gần địa điểm này thì cuộc không kích thứ hai nhắm vào đám đông và giết họ.
Phái bộ Hỗ trợ của Liên hiệp quốc ở Afghanistan (UNAMA) cho biết họ đã hoàn tất cuộc điều tra vào những vụ giết hại hàng chục thường dân ở tỉnh Sar-e-Pul và hứa sẽ công bố kết quả điều tra.
Trong một tin khác cũng liên quan tới Afghanistan, vụ thảm sát 50 đàn ông, phụ nữ và trẻ em hồi đầu tuần này diễn ra tại khu vực Sayad. Các giới chức địa phương nói quân nổi dậy Taliban và những phần tử trung thành với Nhà Nước Hồi giáo đã tiếp tay nhau thực hiện vụ đổ máu này. Nhưng phe Taliban bác bỏ cáo buộc họ có dự phần trong vụ thảm sát, nói rằng những cáo buộc của chính quyền địa phương là “những lời tuyên truyền vô văn cứ”.
Người đứng đầu Phái bộ Hỗ trợ của Liên hiệp quốc ở Afghanistan Tadamichi Yamamoto nói:
“Chúng tôi quan tâm sâu sắc tới những tin báo cáo thường dân đã bị giết hại, và những hành động tàn bạo đã diễn ra.”
UNAMA kêu gọi tất cả các bên nên tự chế, và đừng khai thác những vụ đổ máu này cho các mục đích chính trị trước khi biết rõ những gì thực sự diễn ra. - VOA
|
|
8.
Cam Bốt cáo buộc Lào "xâm phạm" biên giới --- Cam Bốt: Một nhà đối lập bị kết án 18 tháng tù với tội danh vu cáo

Theo AFP, thủ tướng Cam Bốt hôm nay, 11/08/2017, ra tối hậu thư yêu cầu Lào rút quân ra khỏi một khu vực biên giới, mà Cam Bốt cho là thuộc lãnh thổ quốc gia.
Thủ tướng Cam Bốt Hun Sen kêu gọi đồng nhiệm Lào Thongluon Sisoulith như trên, và đưa ra cho Vientiane thời hạn sáu ngày, tức hạn cuối cùng là ngày 17/08. Thủ tướng Hun Sen giải thích thêm là ông với đồng nhiệm Lào « là bạn hữu », nhưng là bạn thì không thể đạp lên đầu nhau. Ông Hun Sen không ngần ngại nói đến hành động « xâm lược ».
Thủ tướng Cam Bốt đồng thời thông báo triển khai quân tại khu vực này, với trang bị súng cối. Theo Reuters, ông Hunsen tỏ ra đã « hết kiên nhẫn », theo ông, nếu phía Lào không đáp ứng, Cam Bốt buộc phải hành động để lấy lại phần lãnh thổ, cho dù không muốn « gây chiến ».
Theo Phnom Penh, khoảng 30 binh sĩ Lào đã vượt qua biên giới hồi tháng 4/2017. Theo nguồn tin của đài phát thanh Mỹ RFA, lực lượng Lào được điều tới khu vực thị trấn Koh Reusey, huyện Siam Pang, bên bờ sông Sekong, thuộc tỉnh Stung Treng, để ngăn chặn phía Cam Bốt thực hiện các dự án xây dựng đường xá và cầu.
Cam Bốt và Lào có chung đường biên giới khoảng 540 km, tuy nhiên một số đoạn biên giới còn chưa được phân định rõ. Về căng thẳng nói trên, vẫn theo RFA, hồi đầu tháng 5, chính quyền hai tỉnh biên giới Lào và Cam Bốt từng dự kiến đối thoại để giải quyết tranh chấp. - RFI

***
Ngày 10/08/2017, tư pháp Cam Bốt đã kết án 18 tháng tù và phạt 170 nghìn euro đối với ông Kim Sok, một nhà bình luận chính trị đối lập với chính phủ của thủ tướng Hun Sen.
Nhà bình luận Kim Sok bị kết tội vu cáo chính quyền và kích động dân chúng.
Ông Kim Sok bị bắt vào 17/02/2017, sau khi cáo buộc chính quyền Hun Sen phải chịu trách về cái chết không rõ ràng của nhà bình luận chính trị nổi tiếng Cam Bốt, ông Kem Ley. Ông Kem Ley bị bắn vào tháng 7 năm 2016 khi đang uống cà phê tại Phnom Penh.
Các tổ chức đối lập tại Cam Bốt nghi ngờ chính phủ đã dàn dựng vụ ám sát này.
Ông Kim Sok đã đòi phải có một phiên xử mới và hét lên trước tòa : « Tôi không công nhận tòa án bù nhìn này ».
Thủ tướng Hun Sen vẫn được biết đến là mạnh tay sử dụng tư pháp để đàn áp phe đối lập, nhất là trước thời điểm cuộc bầu cử Quốc Hội Cam Bốt năm 2018 đang đến gần. - RFI
|
|
9.
Tổng thống Venezuela Maduro 'muốn gặp riêng Trump'

Tổng thống Venezuela Nicolás Maduro nói ông muốn có cuộc gặp riêng với Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump.
Ông nói với Hội đồng Lập hiến mới được bầu rằng ông muốn "gặp riêng" ông Trump khi cả hai tham dự kỳ họp thường niên của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc tại New York vào tháng tới.
Ông Trump gần đây áp đặt các lệnh chế tài nhắm vào ông Maduro, cáo buộc ông này làm suy yếu nền dân chủ.
Nhà Trắng chưa phản hồi về lời của ông Maduro.
Ông Maduro nói: "Nếu ông Trump quan tâm đến Venezuela, tôi sẽ chìa tay ra."
Tuy nhiên, trước đó, ông Maduro lại phát biểu theo hướng chống Mỹ, cáo buộc "đế quốc" mưu tính chống lại chính phủ Venezuela.
Ông nói: "Chúng tôi sẽ không bao giờ nhượng bộ trước các thế lực nước ngoài."
Ông Maduro cũng nói sẽ kiện các lệnh chế tài của Mỹ tại một tòa án ở Mỹ.
Bài diễn văn của tổng thống Venezuela được Hội đồng Lập hiến mới do những người ủng hộ ông kiểm soát, hoan nghênh nhiệt liệt.
Quốc hội do phe đối lập kiểm soát bác tính hợp pháp của Hội đồng Lập hiến mới.
Các nhà lãnh đạo quốc tế và Giáo hoàng Francis cũng lên án việc lập Hội đồng Lập hiến mới.
Hơn 120 người đã thiệt mạng trong các cuộc đụng độ từ biểu tình chống chính phủ kể từ tháng Tư. - BBC
|
|
10.
WeChat, Weibo và Baidu bị điều tra tại TQ

Ba mạng xã hội lớn nhất tại Trung Quốc là Weibo, WeChat và Baidu Tieba đang bị điều tra do cáo buộc vi phạm luật an ninh mạng.
Cơ quan Quản lý Không gian mạng cho biết ba mạng xã hội trên đã không kiểm soát được những nội dung mà người dùng đăng tải lên.
Họ cho biết người dùng đã sử dụng các mạng xã hội này để truyền bá những nội dung liên quan đến khủng bố, tin đồn và các nội dung khiêu dâm.
Những lỗ hổng trên "gây nguy hại cho an ninh quốc gia", Cơ quan Quản lý cho biết.
Giới chức Trung Quốc kiểm soát nội dung Internet rất gắt gao, thường xuyên chặn nội dung hoặc các từ khóa tìm kiếm và xóa các bài viết được cho là nhạy cảm.
Các ứng dụng và mạng xã hội nước ngoài, bao gồm Facebook, Instagram và Twitter, bị chặn ở nước này.
Các công cụ tìm kiếm như Google cũng bị chặn, và việc kết nối với nhiều kênh truyền thông quốc tế bị hạn chế.
Trung Quốc cũng tiến hành kiểm soát chặt chẽ hơn với những người lách luật, bằng cách thắt chặt các quy định về việc sử dụng dịch vụ mạng ảo (VNP).
Phóng viên BBC John Sudworth từ Bắc Kinh: TQtiếp tục siết chặt quy định mạng
Weibo, WeChat và Tieba của Baidu là ba trong số những mạng xã hội quyền lực nhất thế giới, thu hút hàng trăm triệu người dùng tại Trung Quốc.
Ở Trung Quốc, các nội dung đăng tải trên mạng xã hội dễ dàng bị theo dõi qua việc đăng kí số điện thoại và phần lớn mọi người đều biết những chủ đề và ý kiến cần tránh đề cập.
Bất chấp sự giám sát và kiểm duyệt chặt chẽ, những ý kiến trái chiều vẫn được đăng tải và, trước thời điểm nhạy cảm tổ chức Đại hội Đảng Cộng sản vào mùa thu năm nay, chính quyền Trung Quốc càng thắt chặt thêm các quy định.
Đưa ba mạng xã hội này vào diện điều tra là nước cờ nhằm thúc đẩy chủ các trang mạng kiểm soát nội dung của mình chặt chẽ hơn.
Tháng trước, 60 trang mạng phổ biến với nội dung đưa chuyện về người nổi tiếng đã bị đóng trong chốc lát vì làm sai lệch "các giá trị cốt lõi của chủ nghĩa xã hội", và một quy định mới được ban hành vào tháng 05 yêu cầu tất cả các cổng thông tin điện tử cần được quản lý bởi biên tập viên được phê chuẩn bởi Đảng Cộng sản. - BBC
|
|
11.
Malaysia bác tin Trung Quốc đề nghị bán quân cụ

Lực lượng vũ trang Malaysia hôm thứ Năm cho biết họ không nhận được đề nghị nào từ Trung Quốc để mua các giàn phóng hỏa tiễn tiên tiến và một hệ thống radar để đặt tại mũi phía nam của nước Đông Nam Á này.
Tuyên bố phủ nhận được đưa ra sau khi tin tức cho hay một phái đoàn Trung Quốc viếng thăm Malaysia tuần này đã đề xuất đặt những thiết bị quân sự này ở Johor, một bang của Malaysia giáp biên giới Singapore.
Dẫn một nguồn tin giấu tên, trang tin Malaysia Insight cho biết phái đoàn đưa ra đề nghị này hôm thứ Tư, sau lễ khởi công một dự án đường sắt trị giá 13 tỉ đôla do Trung Quốc xây dựng.
Tuy nhiên một phát ngôn viên của quân đội Malaysia nói rằng họ không nhận được đề xuất nào như vậy.
"Về phía lực lượng vũ trang, chúng tôi không nhận được đề nghị nào như vậy," phát ngôn viên Lực lượng Vũ trang Malaysia nói với Reuters qua điện thoại.
Theo các bản tin, có tới 12 đơn vị hệ thống phóng đa hỏa tiễn AR3 được đề nghị trong chương trình mua với thời hạn cho vay là 50 năm.
Khoản vay bao nhiêu hoặc chi phí của vật liệu nổ không được tiết lộ. Loại hệ thống radar cũng không được tiết lộ.
Báo The Straits Times của Singapore cũng đưa tin về đề nghị này, dẫn lời một nguồn tin chính phủ Malaysia cao cấp hôm thứ Năm nói rằng đề nghị này được "đề cập sơ qua" trong các cuộc hội đàm giữa Thủ tướng Malaysia Najib Razak và Ủy viên Quốc Vụ Viện Trung Quốc Vương Dũng trong lễ khởi công dự án đường sắt.
The Straits Times nói một quyết định chắc chắn về đề xuất này sẽ chỉ được đưa ra trong chuyến thăm đã được lên lịch giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Malaysia sau đó trong năm nay.
Reuters cho biết Bộ Ngoại giao Trung Quốc chuyển câu hỏi về đề nghị này sang Bộ Quốc phòng. Bộ Quốc phòng từ chối bình luận, nói rằng xuất khẩu vũ khí không nằm trong thẩm quyền của họ. - VOA
|
|
12.
Người hiện đại có mặt ở Đông Nam Á từ 73 ngàn năm trước

Khi nhà khảo cổ học người Hà Lan, D. A. Hooijer, lần đầu phát hiện một cặp răng thu được từ một hang động xa xôi trên đảo Sumatra của Indonesia, ông để ý thấy kích cỡ và hình dáng của chúng rất phù hợp với răng người. Nhưng vào năm 1948, nhà khoa học này không thể nào xác định chắc chắn niên đại hay nguồn gốc của chúng.
Giờ đây, với ngành khoa học tiến bộ, một nhóm các nhà nghiên cứu xác nhận điều ông Hooijer từng nghi ngờ: Con người hiện đại sống ở Đông Nam Á từ 73 ngàn năm trước, tức là xa xưa hơn 20 ngàn năm so với kết luận trước đây.
Các cuộc nghiên cứu cho thấy sau khi tiến hóa ở Châu Phi, người hiện đại cuối cùng tiến tới Đông Nam Á, nhưng các nhà khoa học lâu nay chưa thống nhất về thời điểm người hiện đại tới Đông Nam Á cách đây 50 ngàn năm nay sớm hơn thế.
Các cuộc nghiên cứu gần đây nói người hiện đại xuất hiện ở Úc chừng 65 ngàn năm trước, nhưng không có nhiều bằng chứng trực tiếp cho thấy họ có mặt ở Đông Nam Á từ sớm.
Để khám phá bí ẩn này, các nhà khảo cổ do khoa học gia Kira Westaway thuộc đại học Macquarie ở Sydney vào năm 2008 quyết định nghiên cứu lại những chiếc răng của người Sumatra.
Họ dùng kỹ thuật mới xem xét kỹ lưỡng, đo đạc độ dày của men răng và kết luận rằng chúng có niên đại từ 63 đến 73 ngàn năm trước, theo tường trình trên tạp chí Nature. - VOA
|
|

Tin Hoa Kỳ

13.
Trump công kích lãnh đạo Thượng viện về Obamacare

Tổng thống Mỹ Donald Trump trong hai ngày liền 9 và 10/8 công kích lãnh đạo Thượng viện cùng đảng với ông, trút giận lên ông Mitch McConnell về sự thất bại đầy kịch tính của phe Cộng hòa trong việc bãi bỏ và thay thế luật chăm sóc y tế Obamacare.
Ông Trump chỉ trích ông McConnell trên Twitter trong ngày thứ Tư và thứ Năm. Ông phản hồi về mội bài diễn văn mà trong đó lãnh đạo Thượng viện nói rằng ông Trump có "những kỳ vọng thái quá" đối với Quốc hội về những vấn đề như chăm sóc y tế và không hiểu rằng những đạo luật quan trọng có thể mất nhiều thời gian để thông qua.
"Thượng nghị sĩ Mitch McConnell nói tôi có "kỳ vọng thái quá," nhưng tôi không nghĩ vậy. Sau 7 năm nghe mãi chuyện Bãi bỏ & Thay thế, vậy sao không làm?" ông Trump viết trên Twitter hôm thứ Tư từ Bedminster, bang New Jersey, nơi ông đang nghỉ hè.
Tổng thống xoáy mạnh chỉ trích của ông hôm thứ Năm, trực tiếp quy trách ông McConnell về thất bại của Quốc hội trong việc đạt được mục tiêu chính sách lâu nay của Đảng Cộng hòa và cũng là lời hứa lúc tranh cử của ông Trump: bãi bỏ luật mang dấu ấn của Tổng thống Barack Obama thuộc Đảng Dân chủ, Đạo luật Chăm sóc y tế Giá phải chăng năm 2010.
"Các bạn có tin là Mitch McConnell, người cứ kêu gào Bãi bỏ & Thay thế suốt 7 năm qua, đã không thể làm được điều đó. Phải Bãi bỏ & Thay thế ObamaCare!" ông Trump tweet hôm thứ Năm.
Một phát ngôn viên của ông McConnell không bình luận về những dòng tweet của Trump.
Những nỗ lực của ông McConnell thúc đẩy thông qua một dự luật chăm sóc y tế sụp đổ hồi tháng trước khi ông không thể dung hòa những đòi hỏi mâu thuẫn nhau giữa những thượng nghị sĩ bảo thủ và ôn hòa trong đảng và huy động được tất cả các thượng nghị sĩ Cộng hòa ở Thượng viện đồng lòng ủng hộ đạo luật này. Hạ viện đã thông qua một phiên bản của dự luật chăm sóc y tế này vào tháng 5.
Làm mất lòng lãnh đạo khối đa số Thượng viện có thể khiến cho ông Trump khó đạt được các mục tiêu lập pháp của mình, bao gồm cắt giảm thuế và tăng chi tiêu cơ sở hạ tầng cũng như cải cách y tế.
Ông Trump đã thất bại trong việc giành được một chiến thắng lập pháp quan trọng kể từ khi nhậm chức vào tháng 1, mặc dù phe Cộng hòa kiểm soát cả Thượng viện và Hạ viện. Chính quyền cũng đã bị vướng vào các cuộc điều tra về các mối liên hệ giữa ban vận động tranh cử Tổng thống của ông và Nga, và bị phân tâm bởi các cuộc đấu đá nội bộ giữa các nhân viên cao cấp của Nhà Trắng. - VOA
|
|
14.
Quyết định bán Thị trường Chứng khoán Chicago cho nhà đầu tư Trung Quốc bị hoãn lại

Ủy ban Chứng khoán và Hối đoái Hoa Kỳ (SEC) hôm thứ Tư ngày 10/8 đã phải hoãn lại một quyết định phê chuẩn thỏa thuận bán Thị trường Chứng khoán Chicago (CHX) cho một nhóm công ty do các nhà đầu tư Trung Quốc đứng đầu để các nhà quản lý có thêm thời gian cân nhắc lại thỏa thuận nhạy cảm về mặt chính trị này, hãng tin Reuters cho biết.
SEC sẽ bỏ phiếu để xem có giữ lại quyết định này hay không. Tuy nhiên ngày bỏ phiếu vẫn chưa được xác định. Động thái này của SEC không có gì bất thường nhất là đối với thỏa thuận gây tranh cãi hay nhận được sự quan tâm của dư luận
Hồi tháng Năm, SEC không đưa ra lý do giải thích cho việc họ sẽ xem xét lại quyết định ban đầu của nhân viên của họ.
Chủ tịch SEC Jay Clayton, người do Tổng thống Donald Trump bổ nhiệm, không công khai tham gia vào việc quyết định thỏa thuận này. Đề xuất bán CHX thuộc sở hữu tư nhân cho một tổ hợp do Chongqing Casin Enterprise Group của Trung Quốc đứng đầu với một số tiền không rõ bao nhiêu đã hứng chịu nhiều chỉ trích từ các nhà lập pháp Hoa Kỳ vốn nghi ngờ khả năng của SEC trong việc quản lý và giám sát các nhà đầu tư nước ngoài.
Để giúp giải tỏa các quan ngại này, hôm thứ Hai ngày 10/8 CHX đã công bố thông báo của tất cả các nhà đầu tư trong thương vụ. Thông báo này nói rằng họ “nằm dưới quyền tài phán của tòa án liên bang, SEC và CHX.”
Ủy ban SEC xem xét các thỏa thuận được đề xuất có liên quan đến các thị trường chứng khoán để đảm bảo sự tuân thủ với các quy định của liên bang và rằng các thị trường chứng khoán có khả năng tự giám sát các thành viên tham gia giao dịch trên thị trường.
CHX cũng cho biết rằng các nhà đầu tư của họ sẽ phải báo cáo hàng năm lên SEC về tỷ lệ sở hữu của họ trên thị trường và rằng CHX sẽ giữ cho những dữ liệu nhạy cảm về thị trường chỉ được tiếp cận trong phạm vị những nhân sự chủ chốt và những nhân sự này không được phép chia sẻ chúng với nhân viên của Casin.
Quyết định của SEC diễn ra trong bối cảnh những thương vụ với Trung Quốc bị truy xét gắt gao hơn ở Mỹ và con số thỏa thuận bị phong tỏa dưới thời Tổng thống Donald Trump ngày càng tăng cao, hãng tin Reuters cho biết.
Ủy ban Đầu tư nước ngoài ở Mỹ vốn có trách nhiệm xem xét các thỏa thuận làm ăn trên cơ sở các quan ngại về an ninh quốc gia, đã phê chuẩn thỏa thuận bán lại CHX hồi tháng 12 năm ngoái trước khi Trump vào Nhà Trắng
Luật sư đại diện cho các công ty tham gia vào thỏa thuận này trước Ủy ban Đầu tư nước ngoài lập luận rằng sự gia tăng của các nguy cơ an ninh mạng và những tiến bộ công nghệ nhanh chóng khiến họ khó xác định liệu thỏa thuận có tạo ra nguy cơ nào hay không.
Thỏa thuận này có trị giá chỉ 27 triệu đô la trên giấy tờ - Thị trường Chứng khoán Chicago vốn nhỏ với quy mô chưa tới 1% giao dịch chứng khoán của Mỹ mỗi ngày. Tuy nhiên nó lại gây rắc rối chính trị cho SEC và Clayton do một số nhà lập pháp đã nói rằng những công ty mua lại có thể có liên hệ với chính phủ Trung Quốc.
Sự phê chuẩn của SEC sẽ là rào cản cuối cùng mà thỏa thuận phải vượt qua sau khi đã được Ủy ban Đầu tư Nước ngoài phê chuẩn hồi tháng 12 năm ngoái.
Thị trường Chứng khoán Chicago nói rằng thỏa thuận mua lại này sẽ giúp họ tái cơ cấu vì những chủ sở hữu mới của họ có kế hoạch biến thị trường này thành nơi các công ty đưa cổ phiếu của họ ra thị trường, nhất là các công ty nhỏ của Trung Quốc. Clayton muốn tăng cường chào bán cổ phiếu ra công chúng lần đầu. Ông đã cảnh báo rằng sự suy giảm số lượng cổ phiếu bán ra sẽ làm tổn thương nền kinh tế Hoa Kỳ.
Chongqing Casin muốn làm cầu nối để đưa các công ty Trung Quốc vào Mỹ giúp huy động vốn từ các nhà đầu tư. Hàng trăm công ty đang chờ đợi phê chuẩn để chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng trên các thị trường ở Trung Quốc, theo Ủy ban Quản lý Chứng khoán Trung Quốc. - VOA
|
|
15.
Facebook trình làng tính năng mới

Facebook có thêm một tính năng mới phục vụ khách hàng xem video.
Đây là một mối đe dọa tiềm tàng đối với các đối thủ Twitter, YouTube, Netflix và các dịch vụ khác thường dành để xem video trên mạng.
Người sử dụng lâu nay vẫn xem video được trên Facebook, nhưng chủ yếu là phải kéo xuống phía dưới phần tin nhắn chính và dù Facebook đã có nút bấm vào để chỉ tìm kiếm và xem video nhưng đó là những video được ‘đề nghị’ ngẫu nhiên.
Tính năng mới của Facebook gọi là Watch sẽ cho phép người sử dụng tìm kiếm video và những chuỗi video mà họ yêu thích, theo dõi cập nhật thường xuyên khi video mới được đăng tải và tương tải với những khán giả khác.
Tính năng mới được giới thiệu với người sử dụng ở Mỹ trong ngày 10/8 và dần dần mọi người trên khắp thế giới sẽ thấy nó xuất hiện trên các thiết bị Iphone, Ipad hay máy tính của mình. - VOA
|
|
16.
Máy bay Không Quân Nga bay trên vùng trời thủ đô Mỹ

Một máy bay Không Quân Nga không võ trang hôm Thứ Tư bay thấp ngang qua trên tòa nhà Quốc Hội, Ngũ Giác Đài, CIA, và căn cứ Andrews.
Đài truyền hình CNN trích lời hai giới chức thông thạo cho hay, chuyến bay được thực hiện trong khuôn khổ hiệp ước Open Skies ký kết từ trước, theo đó cho phép quân đội của Hoa Kỳ và Nga, cũng như những nước khác được bay quan sát các địa điểm quân sự thuộc 34 nước ký kết.
Theo trang mạng Flightradar24 chuyên theo dõi các chuyến bay, chiếc Tu-154 Tupolev của Không Quân Nga chiều hôm Thứ Tư bay ở độ cao 3,700 ft, ngang qua trung tâm Washington, DC và căn cứ hỗn hợp Joint Base Andrews, Maryland, nơi xuất phát của máy bay chở tổng thống Air Force One.
Chiếc máy bay Nga này được phép bay vào khu vực an ninh cao P-56, nơi bao bọc chung quanh Tòa Bạch Ốc.
Chiếc Tu-154 dự trù bay chuyến thứ nhì trong thời gian từ 5 đến 6 giờ chiều Thứ Tư, ngang qua Bedminster, New Jersey, nơi Tổng Thống Donald Trump đang nghỉ Hè.
Một nguồn tin của cơ quan công lực nói rằng chiếc máy bay cũng bay ngang qua David Camp, khu nghỉ mát dành riêng cho tổng thống ở Catoctin Mountains, sân chơi golf Trump National Golf Course ở Virginia, và núi Mount Weather, một trong những địa điểm có những công sự bí mật của chính phủ Hoa Kỳ.
Nhân viên Không Quân Hoa Kỳ có đi theo chuyến bay vốn có khả năng thu thập tin tức tình báo.
Hiệp Ước Open Skies bắt đầu có hiệu lực từ năm 2002 và kể từ đó đã có hơn 1,200 chuyến bay thực hiện theo tinh thần của hiệp ước, góp phần vào việc xác minh sự chấp hành thỏa ước kiểm soát vũ khí. - nguoiviet
|
|

Tin Việt Nam

17.
Việt Nam “quá tay” trong vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh?

Chính phủ Đức nói hôm 9/8 rằng họ đang xem xét các bước tiếp theo để đối phó với Việt Nam sau khi Hà Nội không hồi đáp yêu cầu của Bộ Ngoại giao Đức, đòi ‘trả’ Trịnh Xuân Thanh về Đức.
Reuters trích lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Đức nói với các nhà báo hôm 9/8: “Chúng tôi đã hy vọng là có khả năng hàn gắn mọi thứ sau vụ vi phạm luật pháp Đức và luật pháp quốc tế. Nhưng rất không may là điều đó đã không diễn ra, do đó chúng tôi đang cân nhắc xem có thể làm gì để các đối tác Việt Nam của chúng tôi biết là chúng tôi tuyệt đối không chấp nhận điều đó.”
Quan điểm của Bộ Ngoại giao Đức thể hiện rõ qua lời người phát ngôn rằng Đức “rất tiếc nhưng sẽ không thể bỏ qua vụ việc nghiêm trọng này.”
Hà Nội không thừa nhận đã thực hiện vụ bắt cóc như cáo buộc của chính phủ Đức trong một thông cáo cách đây hơn 1 tuần.
Nhận xét về “hành động bắt cóc Trịnh Xuân Thanh của Việt Nam” giáo sư Carl Thayer thuộc Học viện Quốc phòng Úc nói điều này “là không thể giải thích nổi” bởi vì theo chuyên gia nghiên cứu về Việt Nam này, thì Hà Nội vốn “rất thận trọng trong các chính sách đối ngoại.”
“Tôi vẫn không hiểu được Việt Nam hy vọng đạt được điều gì mà có thể đáng để đánh đổi cái giá phải trả cho một vụ bắt cóc trái luật và trơ tráo như vậy.”
Trong thông cáo ra ngày 2/8, Đức yêu cầu Việt Nam cho phép ông Thanh, người mà Hà Nội cáo buộc đã làm thất thoát 3.300 tỷ đồng (khoảng 147 triệu USD) trong thời gian lãnh đạo PVC, được trở lại Đức để nước này xem xét yêu cầu dẫn độ của Việt Nam cũng như đơn xin tị nạn của ông Thanh (TXT).
Tuy nhiên, ngày hôm sau Hà Nội đáp trả qua lời của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng, nói rằng Việt Nam “lấy làm tiếc” về thông cáo của Bộ Ngoại giao Đức, và chiếu cảnh ông Trịnh Xuân Thanh ra đầu thú trên truyền hình nhà nước VTV.
Hôm 9/8, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Đức nói ông “lấy làm tiếc” là yêu cầu của Đức đã không được Hà Nội “hồi đáp.” Người phát ngôn cũng cho biết đã có những thương lượng giữa 2 chính phủ về việc này.
Bộ Ngoại giao Đức không cho biết những biện pháp cụ thể tiếp theo mà họ dự định áp dụng đối với Việt Nam là gì, nhưng đề cập tới việc Việt Nam đã nhận một lượng viện trợ phát triển đáng kể từ Đức. Năm 2015, Đức cam kết 220 triệu euro (gần 258 triệu USD) tiền viện trợ phát triển cho Việt Nam trong 2 năm.
Theo giáo sư Thayer, Việt Nam có thể đã tính đến những hậu quả tiêu cực của hành động này và luật sư Trần Quốc Thuận cũng đồng tình với ý kiến đó. Ông cho rằng Việt Nam khó chấp nhận giải pháp để Trịnh Xuân Thanh trở về Đức.
"Việc Việt Nam quyết bắt cho được Trịnh Xuân Thanh vì nó là một nút thắt trong một vụ án tham nhũng lớn ở Việt Nam mà nó liên quan đến nhiều người, nhiều cấp," theo vị luật sư từng là phó chủ nhiệm văn Quốc hội Việt Nam. "Tôi nghĩ rằng họ quyết tâm như vậy thì chắc rằng khi đưa vấn đề ra để quyết định, về mặt ngoại giao và an ninh, nhà nước Việt Nam chắc đã tiên liệu sẽ có thể xảy ra chuyện này chuyện kia. Có thể cũng phải chấp nhận khi làm một công việc để làm trong sạch nội bộ.”
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đang tiến hành một chiến dịch chống tham nhũng trên quy mô lớn và từng tuyên bố phải bắt cho được Trịnh Xuân Thanh về lại Việt Nam.
Trong bài viết cho VOA Tiếng Việt, blogger Lê Anh Hùng cho rằng nhân vật đứng đằng sau vụ bắt cóc chính là “người đứng đầu Ban Chỉ đạo Trung Ương về phòng, chống tham nhũng, tức là TBT Nguyễn Phú Trọng.”
Blogger Lê Anh Hùng cho rằng ông Thanh, cựu phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang, chỉ là một quan chức “hạng ruồi” theo lối nói thịnh hành trong chiến dịch chống tham nhũng “đả hổ diệt ruồi” do ông Tập Cận Bình phát động ở Trung Quốc.
Nhưng giáo sư Thayer lại cho rằng TXT là một “con hổ.”
“Ông Thanh đứng trên đỉnh của mạng lưới các quan chức tham nhũng. Nếu các thông tin về việc ông Thanh có liên quan tới vụ thất thoát hơn 100 triệu USD là đúng thì ông ấy không phải là ‘một con ruồi.’" Nhà nghiên cứu về Việt Nam giải thích rằng "Những ‘con ruồi’ là những người ở dưới cái tháp đó và đã bị bắt.”
Các nhà phân tích, blogger và nhà báo trong nước cho rằng ông Thanh được xem là một ‘mắt xích quan trọng trong đại án tham nhũng’ có thể liên quan tới nhiều quan chức cấp cao trong chính phủ Việt Nam. Theo blogger Lê Anh Hùng, một trong những người đó có thể là Chủ tịch nước Trần Đại Quang, người mà truyền thông trong nước nói đang nghỉ dưỡng bệnh từ sau ngày 26/7, chỉ vài ngày sau khi ông Thanh bị bắt cóc ở Berlin.
Theo giáo sư Thayer, có thể Việt Nam đã đi “quá đà” trong vụ bắt cóc TXT khi mật vụ Việt Nam bị “bắt quả tang”, và do đó không thể giữ bí mật vụ bắt cóc này. Theo ông, các nhà ngoại giao Việt Nam đang trong tình thế đành phải “thu dọn hậu quả” vì sẽ phải đối mặt với những biện pháp trừng phạt của Đức và “ở một mức độ nào đó, những hệ lụy trong tương quan với EU.”
Việt Nam đang theo đuổi Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam-EU và trong bối cảnh căng thẳng gia tăng trong mối quan hệ với Đức, Việt Nam có thể đánh mất sự ủng hộ của nước đứng đầu khối này. Hơn thế nữa, theo nhận định của giáo sư Thayer, dù vấn đề này có được giải quyết thế nào đi nữa thì hình ảnh và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế đã bị “tổn hại nặng nề”. - VOA
|
|
18.
Vụ Trầm Bê: Thêm 24 người bị khởi tố

Tiếp sau vụ bắt và khởi tố ông Trầm Bê, có thêm 24 người bị khởi tố trong vụ này, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an Việt Nam loan báo.
Hồi đầu tháng, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng (C46) ra quyết định khởi tố, bắt tạm giam 4 tháng đối với vị nguyên phó chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm chủ tịch Hội đồng tín dụng Sacombank.
Hôm 11/8, trang Zing đưa tin trong số 24 người bị khởi tố cùng ông Trầm Bê có Giám đốc khối khách hàng doanh nghiệp TP Bank và 11 người được thuê để đứng tên vay vốn ngân hàng.
Vụ án liên quan đến các ngân hàng Xây dựng Việt Nam (VNCB), Tiên Phong (TP Bank), Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và Sài Gòn Thương Tín (Sacombank).
Trong số 24 người mới bị khởi tố, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an ra lệnh bắt tạm giam 15 người.
Theo Zing, cơ quan chức năng xác định Trầm Bê và đồng phạm gây thiệt hại khoảng 6.600 tỷ đồng. Một phần tài sản trên được nêu trong kết luận điều tra giai đoạn 2 vụ án Phạm Công Danh.
Trước đó, bình luận với BBC về vụ bắt ông Trầm Bê, Luật sư Phùng Thanh Sơn, Giám đốc công ty Thế Giới Luật Pháp ở TP Hồ Chí Minh, nói: "Việc bắt ông Trầm Bê mới đây cũng như các lãnh đạo ngân hàng ACB, Đông Á, Xây Dựng, Ngân hàng Đại Dương... trước đó là quy luật tất yếu."
'Quan hệ thân hữu'
Luật sư nói thêm: "Các sếp ngân hàng dễ bị khép tội. Dễ bị khép tội ở đây không đồng nghĩa với việc nhà nước buộc tội họ một cách vô tội vạ mà là vì quá nhiều quy định khắt khe trong lĩnh vực ngân hàng cần phải được tuân thủ."
"Hệ thống Ngân hàng được ví như là "huyết mạch" của nền kinh tế. Nếu hệ thống ngân hàng bị đổ vỡ thì ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế của đất nước."
"Do đó, có rất nhiều quy định nghiêm ngặt để bảo vệ "huyết mạch" ấy."
"Tuy nhiên, lãnh đạo ngân hàng thường là giới đại gia và có quan hệ thân hữu với lãnh đạo cấp cao trong chính phủ."
"Có thể vì vậy mà họ có khuynh hướng xem nhẹ việc tuân thủ các quy định nghiêm ngặt của ngành ngân hàng hơn. Đến khi thiệt hại phát sinh, họ rất dễ bị khép vào các tội như: Vi phạm các quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, hoặc Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng…"
Chuyên gia luật kinh tế Nguyễn Việt Khoa nói với BBC từ TP. Hồ Chí Minh: "Tôi cho rằng việc bắt Trầm Bê là động thái thể hiện quyết tâm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong việc làm trong sạch hệ thống thống ngân hàng Việt Nam, và trừng trị lợi ích nhóm trong ngành ngân hàng vốn đã tồn tại trong thời gian qua gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình phát triển kinh tế của đất nước."
"Tôi dự liệu vụ án liên quan sai phạm của các lãnh đạo ngân hàng không chỉ dừng ở Trầm Bê và Hà Văn Thắm mà sẽ tiếp tục mở rộng điều tra."
"Dư luận đang trông chờ chiến dịch "đả hổ diệt ruồi" mà ông Nguyễn Phú Trọng và Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng Trần Quốc Vượng, người vừa được giao phụ trách thường trực Ban Bí thư thay cho ông Đinh Thế Huynh trong thời gian chữa bệnh, tiến hành trong thời gian tới."
Trong một diễn biến khác, dự kiến hôm 28/8, Tòa án Nhân dân TP Hà Nội sẽ mở lại phiên sơ thẩm vụ Hà Văn Thắm và 50 đồng phạm. - BBC
|
|
19.
Hoạt động an ninh trong các cơ quan ngoại giao Việt Nam

Vụ bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh trên đất Đức đã dẫn đến việc trục xuất một nhân viên của sứ quán Việt Nam tại Đức, được cho là nhân viên của cơ quan an ninh Việt Nam.
Hoạt động của cơ quan an ninh Việt Nam trong các phái bộ ngoại giao ở nước ngoài như thế nào?
Nhân viên an ninh trong vỏ bọc ngoại giao
Ông Đặng Xương Hùng, một cựu viên chức Bộ ngoại giao Việt Nam từng làm việc trong các cơ quan lãnh sự Việt Nam tại Thụy Sĩ, nói với chúng tôi về vị trí của nhân viên an ninh Việt Nam bên trong các tòa đại sứ:
“Thông thường thì các sứ quán Việt Nam tại nước ngoài bao giờ cũng có một nhân viên an ninh của Bộ Công an chuyển sang, núp dưới danh nghĩa có hàm ngoại giao, thường giữ chức Bí thư thứ nhất, thường làm nhiệm vụ báo chí, cũng như là làm cái nhiệm vụ quản lý cộng đồng người Việt, tức là cái gọi là “người Việt yêu nước”, hay là những tổ chức mà Việt Nam gọi là phản động chống lại chính quyền. Ở các sứ quán đều có một suất như vậy, và lần lượt người phía an ninh đưa người sang Bộ ngoại giao, làm thủ tục như một cán bộ ngoại giao, đi như một cán bộ ngoại giao.”
Ông Hùng cho rằng việc có mặt một nhân viên an ninh trong sứ quán cũng là một thông lệ trong ngành ngoại giao trên thế giới, miễn là nhân viên đó hoạt động trong khuôn khổ pháp luật của nước sở tại.
Vào năm 2014, ông Đặng Xương Hùng nộp đơn cho chính phủ Thụy sĩ xin tị nạn chính trị, và ông sống ở đất nước này cho đến nay.
Ông Hùng cho biết là các nhân viên an ninh có hai nguồn thu nhập, thứ nhất là từ các chi phí visa của các cơ quan lãnh sự Việt Nam, vì những người này thường phụ trách cả việc cấp phát visa vào Việt Nam, và nguồn thu nhập thứ hai của họ là từ Bộ Công an:
“Họ có một khoản tài chính do chính phía Bộ Công an cấp cho những nghiệp vụ của họ, và tiền đó không phải là của Bộ ngoại giao, của Bộ Tài chính cấp cho Bộ Ngoại giao, mà đó là tiền của phía Bộ Công an gọi là chi phí nghiệp vụ. Tôi cũng thường nghe họ nói đó là một chi phí đặc biệt dùng cho những hoạt động ví dụ như mua chuộc, cho những người nào có thông tin tốt cho phía an ninh Việt Nam.”
Sau khi vụ bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh trên đất Đức được tiết lộ, một viên chức của sứ quan Việt Nam phụ trách báo chí là ông Nguyễn Đức Thoa bị phía Đức yêu cầu rời khỏi đất Đức, vì được cho rằng dinh líu tới vụ bắt cóc. Theo ông Hùng thì ông Thoa có hàm Đại tá công an.
Khi chúng tôi đặt câu hỏi là liệu các viên chức ngoại giao cao cấp của Việt Nam có biết tới kế hoạch bắt cóc hay không, ông Hùng nói:
“Theo tôi thì 50/50, cũng không loại trừ khả năng là các ông ấy không biết. Cũng có thể đó là một chuyên án đặc biệt chỉ có Bộ Công an biết, hoặc là một cái chuỗi thông tin chỉ đi qua một số người thôi, đi thẳng đến nơi hành động.”
An ninh Việt Nam và cộng đồng người Việt hải ngoại
Theo ông Đặng Xương Hùng thì ảnh hưởng của các hoạt động của an ninh Việt Nam trong các cộng đồng người Việt tại hải ngoại mạnh nhất là tại các quốc gia Đông Âu theo cộng sản trước năm 1989, nơi có một cộng đồng đông đảo những du học sinh, hay người xuất khẩu lao động ra đi từ nước Việt Nam cộng sản, còn ở các quốc gia phương Tây như Mỹ, Canada, Tây Âu,… thì yếu hơn nhiều. Chính vì lý do đó, theo ông Hùng, việc chuyển ông Trịnh Xuân Thanh về Việt Nam đã được thực hiện qua ngã Cộng hòa Séc, một nước cộng sản Đông Âu trước kia. Thông tin ông Thanh được đưa qua Cộng hòa Séc để mang về Việt Nam được luật sư của ông Thanh là ông Victor Pfaff nói với hãng tin Reuters vào hôm 3 tháng Tám, 2017.
Sáng 10 tháng Tám, giờ châu Âu, tờ báo Spiegel của Đức loan tải rằng có một nhân viên người Việt của sở di trú Đức bị tình nghi có liên quan đến vụ bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh.
Nhà báo Lê Trung Khoa của tờ Thoibao, bằng Việt ngữ tại thủ đô Berlin cho chúng tôi biết:
“Thông tin trên tờ Spiegel đã tiết lộ rằng có một người tên là T. hiện làm nhân viên cho Sở Di trú Đức, có điều kiện vào các ngân hàng dữ liệu, xem dữ liệu của toàn bộ những người tị nạn, kể cả người Việt Nam. Họ nghi ngờ rằng phải chăng những thông tin đó được ông này đưa ra ngoài và có thể là để cho người ta biết địa chỉ lưu trú của ông Trịnh Xuân Thanh đăng ký ở Đức, để mật vụ Việt Nam có thể ập đến bắt.”
Cũng ông Lê Trung Khoa cho chúng tôi biết rằng Sở Di trú Đức cho ông biết rằng người đàn ông tên T. mà tờ Spiegel nêu tên, vừa bị cho nghỉ việc trong ngày 10 tháng Tám, vì nghi vấn tiết lộ bí mật.
Chúng tôi chưa có một nguồn tin khác để xác định việc này. Khi gọi điện tới tòa Đại sứ Việt Nam tại Đức thì được trả lời rằng tòa Đại sứ không có thông tin gì cả.
Theo ông Lê Trung Khoa, sự việc này sẽ có ảnh hưởng lớn đến cộng đồng người Việt tại Đức:
“Rất nhiều hội đoàn ở đây có liên quan đến Sở Di trú ngạc nhiên là tại sao nhiều người Việt Nam ở đây biết thông tin nội bộ của họ. Qua việc này có lẽ họ lờ mờ hiểu ra rằng có một bàn tay ở bên trong, đưa thông tin ra, làm bất lợi cho những hội đoàn có đăng ký ở Đức.”
Trở lại quan hệ giữa Bộ ngoại giao Việt Nam và các nhân viên an ninh Việt Nam, ông Đặng Xương Hùng cho rằng vụ bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh, gây ra một cuộc khủng hoảng ngoại giao giữa hai nước Việt Nam và Đức, chứng tỏ rằng Bộ Ngoại giao đã không có tiếng nói mạnh như cơ quan an ninh của Việt Nam. Nhưng mặt khác ông Hùng cũng cho rằng ảnh hưởng của cơ quan an ninh Việt Nam trong cộng đồng người Việt tại hải ngoại nói chung ngày càng giảm, vì hình ảnh cai trị của đảng cộng sản trong nước đã sụt giảm.
Cho đến giờ này thì trước cáo buộc bắt giữ người bất hợp pháp của chính phủ Đức, Việt Nam chỉ có ra tuyên bố lấy làm tiếc, nói rằng ông Thanh đã về nước đầu thú, nhưng không công nhận cũng như phủ nhận hành động bắt cóc.
Tin cuối cùng chúng tôi nhận được từ báo Spiegel là cơ quan Công tố của Đức tình nghi rằng ông Trịnh Xuân Thanh đã bị cầm giữ trong Sứ quán Việt Nam trước khi được đưa đi. - RFA
|
|
20.
Việt Nam: Tin đồn Trần Bắc Hà sẽ bị bắt, thị trường vốn một ngày mất $2 tỉ

Ông Vương Đình Huệ, một trong các Phó Thủ tướng của Việt Nam vừa kêu gọi giới đầu tư “bình tĩnh, yên tâm, tin tưởng vào sự công khai, minh bạch, giám sát chặt chẽ của chính phủ”.
Hôm 9 tháng 8, giá các loại cổ phiếu tham gia giao dịch trên thị trường chứng khoán, Việt Nam đồng loạt giảm sâu. Tuy dùng nhiều cách khác nhau để diễn đạt sự kiện này (đỏ lửa, đỏ rực, ngụp lặn trong màu đỏ,…) nhưng tựu chung, các cơ quan truyền thông Việt Nam đều tỏ ra ái ngại cho tương lai của thị trường vốn ở Việt Nam. Chỉ trong ngày 9 tháng 8, VN-Index (chỉ số chứng khoán Việt Nam) giảm 18 điểm, giá trị của thị trường vốn giảm khoảng $2 tỉ. Không có cơ quan truyền thông nào tin rằng thị trường chứng khoán, Việt Nam sẽ sớm hồi phục.
Vào lúc này, giá trị cổ phiếu và trái phiếu giao dịch trên thị trường vốn của Việt Nam tương đương 80% GDP, trong đó giá trị cổ phiếu giao dịch trên thị trường chứng khoán tương đương 57% GDP, lượng vốn huy động qua thị trường chứng khoán chiếm 23% tổng vốn đầu tư tại Việt Nam.
Trong tin về sự kiện thị trường chứng khoán Việt Nam nghiêng ngả, đa số cơ quan truyền thông nhận định lý do là vì tin đồn ông Trần Bắc Hà sẽ bị bắt vì có trách nhiệm liên đới đến những sai phạm của ông Phạm Công Danh (Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng Xây dựng Việt Nam) và ông Trầm Bê (từng là Phó chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Phương Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín).
Ông Hà, 61 tuổi, từng là Tổng Giám đốc Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) trong bốn năm (2003 đến 2007), rồi là Chủ tịch Hội đồng Quản trị BIDV trong tám năm (2011 đến 2016). Tuy chỉ là một viên chức điều hành một ngân hàng hoạt động bằng vốn của nhà nước nhưng cả giới thạo tin lẫn những doanh nhân thuộc loại có máu mặt ở Việt Nam cùng cho rằng, tại Việt Nam, ông Hà là “Phó Vương”, chỉ “đứng sau Ba Dũng” (Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng Việt Nam, từ 2006 đến 2016).
Ông Hà được xem như người bắc cầu đưa một số “soái” (trùm về thương mại, dịch vụ) của cộng đồng người Việt tại Nga và Đông Âu về Việt Nam, tạo lập và vun bồi hàng loạt tập đoàn tư nhân khống chế nhiều lĩnh vực tại Việt Nam.
Dẫu nổi tiếng là một người ăn nói cộc cằn, hành xử thô lỗ (chửi mắng cả các bộ trưởng trong nội các của ông Dũng như dạy dỗ con cháu trong nhà) nhưng ông Hà được nhiều viên chức và doanh nhân “mến mộ”.
Ông Nguyễn Quang Lập, một nhà văn tại Việt Nam, mới kể trên facebook của ông rằng, ông có một kỷ niệm khó quên với ông Hà: Khoảng năm 2013, 2014 gì đó, ông Lập rủ một nhóm bạn bè về Quảng Bình chơi. Sợ chỗ ăn nghỉ không tươm tất, thất thố với bạn bè, ông Lập gọi điện thoại, đặt trước ba phòng tại một khách sạn mà chủ khách sạn là chỗ quen biết. Tuy nhiên khi đến nơi thì chủ khách sạn chỉ xin lỗi vì đã dành phòng cho những người khách khác. Ông Lập thấy bất thường nên kiếm người hỏi thăm và nhờ vậy mới biết, hôm đó là sinh nhật ông Hà. Ông Hà quyết định chọn Quảng Bình để “trốn” vì chỉ muốn hàn huyên với vài thân hữu, không dè thiên hạ vẫn biết, ầm ầm đổ về Quảng Bình. Đó là lý do tại sao cả phi trường Quảng Bình lẫn hệ thống khách sạn ở Quảng Bình cùng quá tải!
Theo Người Lao Động thì trong ngày 9 tháng 8, phóng viên của tờ báo này đã thử gọi điện thoại cho ông Trần Bắc Hà. Ông bắt máy và khẳng định “vẫn bình thường”, sau đó thì tắt điện thoại nên không ai liên lạc được nữa.
Có lẽ cũng cần nhắc lại rằng, đầu năm 2013, thị trường vốn ở Việt Nam đã từng nghiêng ngả khi có tin đồn ông Trần Bắc Hà bị bắt vì cho Ngân hàng Phương Nam của ông Trầm Bê vay 5.000 tỉ đồng sai nguyên tắc. Vào thời điểm đó, giá trị của thị trường vốn giảm khoảng $1.6 tỉ.
Lúc ấy, dù chính phủ Việt Nam cũng “công khai, minh bạch, giám sát chặt chẽ” hệ thống tín dụng – ngân hàng nhưng thị trường vốn nghiêng ngả bởi tình trạng pháp lý của ông Hà liên quan đến tình hình tài chính, vận mệnh của hàng loạt cá nhân đang điều hành những tập đoàn khống chế nhiều lĩnh vực ở Việt Nam.
Theo một thống kê do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố hồi tháng 5 vừa qua thì tính đến hết quí 1 năm 2017, BIDV đang dẫn đầu hệ thống ngân hàng tại Việt Nam về “nợ xấu nội bảng” (nợ xấu chưa bán cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng tại Việt Nam). Tổng số tiền có khả năng mất cả chì lẫn chài (vốn lẫn lãi) là 16.251 tỉ đồng. - nguoiviet
|
|

21.
Hoa Kỳ hoàn thành giai đoạn 2 xử lý dioxin ở Đà Nẵng

Hôm 9/8 đại diện Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và Bộ Quốc phòng Việt Nam chính thức ký thỏa thuận bàn giao 12,7 hecta đất đã được xử lý ở Sân bay Quốc tế Đà Nẵng cho Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam quản lý.
Theo thông báo của USAID Việt Nam, đây là đợt bàn giao đất lần thứ hai để phục công tác xây dựng mở rộng Sân bay Quốc tế Đà Nẵng.
USAID và Bộ Quốc phòng Việt Nam đang tiếp tục hợp tác để xử lý đất và bùn ô nhiễm dioxin tại nơi trước đây từng là căn cứ không quân của Mỹ.
Dự kiến dự án xử lý môi trường ô nhiễm dioxin sẽ hoàn thành giai đoạn 3 vào đầu năm 2018, khi đó toàn bộ các nguy cơ về sức khỏe có liên quan đến phơi nhiễm dioxin sẽ bị loại bỏ khỏi khu vực 16 ha còn lại.
Trước đó, tháng 5/2017, sau khi kết thúc giai đoạn 1, dự án xử lý môi trường ô nhiễm dioxin tại sân bay Đà Nẵng, Bộ Quốc phòng đã bàn giao 5,97 ha đất để xây dựng đường lăn E7 và sân đỗ phục vụ Tuần lễ cấp cao APEC 2017.
Vào tháng 10 năm ngoái, theo USAID, Việt Nam và Hoa Kỳ phối hợp tổ chức lễ khởi động xử lý nhiệt giai đoạn 2 tại sân bay Đà Nẵng, trong đó xử lý khoảng 45.000 mét khối đất và bùn ô nhiễm dioxin trong khuôn khổ một dự án đem lại lợi ích to lớn cho người dân Đà Nẵng và có ý nghĩa lịch sử đối với quan hệ hai nước.
Trước đây, theo đề nghị của Chính phủ Việt Nam, Chính phủ Hoa Kỳ đồng ý hoàn thành việc tẩy sạch môi trường tại Sân bay Đà Nẵng, nơi có nồng độ dioxin cao còn tồn dư trong bùn đất sau chiến tranh Việt Nam.
Thượng tướng Phạm Ngọc Minh, Phó tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam nói với báo chí hôm 9/8: "Ngoài sân bay Đà Nẵng, sân bay Biên Hòa do Bộ Quốc phòng quản lý đang là điểm nóng về ô nhiễm dioxin. Bộ Quốc phòng sẽ tiếp tục cùng với USAID tổ chức khởi công dự án xử lý dioxin tại sân bay Biên Hòa bằng nguồn vốn ODA của Chính phủ Hoa Kỳ."
Sau khi hoàn tất đánh giá tác hại môi trường, vào tháng 5/2016, cựu Tổng thống Obama đã công bố Hoa Kỳ cam kết hợp tác với Việt Nam để có đóng góp đáng kể vào hoạt động làm sạch ô nhiễm dioxin tại sân bay Biên Hòa.
Chính phủ Mỹ và Việt Nam đã hợp tác xử lý chất dioxin tại Việt Nam từ năm 2007. Khởi công năm 2012, dự án xử lý môi trường ô nhiễm dioxin tại sân bay Đà Nẵng là một điểm mốc quan trọng trong quan hệ hợp tác song phương giữa hai chính phủ.
Tuy nhiên, gần đây Tổng thống Donald Trump đề xuất cắt giảm ngân sách năm 2018 cho Bộ Ngoại giao Mỹ và USAID đến 28%.
Không rõ liệu việc cắt giảm này có ảnh hưởng đến cam kết của Hoa Kỳ về việc làm sạch ô nhiễm dioxin tại sân bay Biên Hòa hay không, dù rằng khi ông Trump và Thủ tướng Việt Nam gặp nhau vào tháng 5 năm nay, hai bên có ra tuyên bố chung nói rằng “sẽ thảo luận về các bước phối hợp tiếp theo về tẩy độc tại sân bay Biên Hòa.” - VOA

Link:
http://bit.ly/2kWPNo9



 ----------------------



THÁNG 8/2017
·         Tin Cập Nhật Thứ Tư 9/8
·         Tin Cập Nhật Thứ Ba 8/8
·         Tin Cập Nhật Thứ Hai 7/8
·         Tin Cập Nhật Thứ Tư 2/8
·         Tin Cập Nhật Thứ Ba 1/8












No comments:

Post a Comment