Bằng
Phong Đặng Văn Âu
Posted on August 24, 2017 by editor
— 1
Comment
Thành phố Westminster, Quận Cam, California,
Ngày 19 tháng 8 năm 2017.
Em Trần Thị Bông Giấy thân mến,
Anh từng nghe thiên hạ nói, “Người thầy
thuốc mà lầm thì giết chết một con bệnh. Người làm chính trị mà lầm thì giết chết
một thế hệ. Người làm văn hóa sai lầm thì giết hại muôn đời.”. Nghĩ cho kỹ,
đó là một nhận định rất đúng với thực tế lịch sử.
Người Tàu phát minh nhiều dụng cụ khoa học
trước tiên trong nhân loại, nhưng các triều đại vua chúa Tàu lấy Nho giáo của
ông Khổng Tử để cai trị dân, khiến cho nền văn minh nước Tàu dừng tại chỗ, lại
còn bị các dân tộc chung quanh mà người Tàu coi là mọi rợ (như quân Mông Cổ,
quân Mãn Thanh) đô hộ hàng trăm năm. Như vậy, ta có thể suy ra, nền văn hóa Nho
Giáo ắt có vấn đề sai lầm.
Các vua nước ta từng đánh đuổi quân xâm lược
Tàu ra khỏi biên thùy, nhưng lại áp dụng triệt để nền văn hóa Nho giáo của Tàu,
nên nước mình cũng bị lâm vào tình trạng “chậm lớn”. Đó là lời giải đáp cho cô
giáo Trần thị Lam ở Hà Tĩnh, tác giả bài thơ “Đất Nước Mình Ngộ Quá Phải
Không Anh?”
Một người như anh chỉ học được năm ba chữ Hán
với linh mục Nguyễn văn Thích từ hồi còn nhỏ mà dám kết tội Nho giáo làm trì trệ
nền văn minh Tàu và Ta, thì không sao tránh khỏi bị độc giả cho anh là loại “ếch
ngồi đáy giếng” mà dám “coi trời bằng vung”.
Hồi còn ngồi ở Trung Học Phổ Thông, anh có
nhìn thấy bộ sách Nho Giáo đồ sộ của Cụ Trần Trọng Kim, nhưng sợ mình nuốt
không trôi nên không đọc. Về sau, anh có đọc bài nhận định của nhà văn Phan
Khôi viết về bộ sách đó, và đọc xong bài “Ảnh Hưởng Nho Giáo Vào Nước Ta”
(cũng của cụ Phan), anh đã lờ mờ thấy được cái ‘không ổn’ của Nho Giáo. Bởi vì
nhà văn Phan Khôi là một nhà nho uyên thâm, từng đọc sách Khổng Tử và sách của
Bách Gia Chư Tử từ năm lên sáu, cho nên lập luận của Cụ rất thuyết phục về sự
tác hại của Nho Giáo. Điều quan trọng nhất là Cụ Phan đã dẫn chứng nhiều cuộc
trao đổi giữa Khổng Tử với môn sinh để chứng minh Nho Giáo là vô thần, điều mà
Cụ Trần Trọng Kim lại cho Nho Giáo là hữu thần.
Cụ Phan viết, tuy Cụ
“là đệ
tử chân truyền của Nho Giáo, từ Hán Nho đến Tống Nho, nhưng Cụ lại khuyên dân
Việt Nam ta phải dứt khoát từ bỏ Nho Giáo một cách không thương tiếc để tiến đến
nền văn minh Dân Chủ tôn trọng Nhân Quyền của phương Tây.”
Rõ ràng Cụ Phan là nhà cách mạng văn hóa nhìn
xa trông rộng. Cụ còn là người khai sinh thơ mới và cổ vũ phong trào thơ mới.
Bài “Tình Già”, em nhớ không?
Thêm một yếu tố nữa:
Gần đây, hai ông Tàu chính cống là Lưu Á Châu
(Liu Yazhou, một vị Thượng tướng đang tại chức trong chế độ cộng sản Tàu) và
ông Lưu Hiểu Ba (Liu Xiaobo), người tranh đấu nhân quyền, được giải thưởng
Nobel Hòa Bình, đã đồng loạt kết tội Nho Giáo.
Trong một bài tiểu luận, Lưu Hiểu Ba so sánh
Khổng Tử giống như “Hôm qua chó nhà tang, hôm nay chó gác cửa” thì mình
không còn nghi ngờ gì nữa để kết luận nền văn hóa Nho Giáo là nguyên nhân làm
cho dân nước mình “bốn ngàn tuổi mà vẫn còn bú mớm” như lời cô giáo Trần thị
Lam than thở.
Chủ nghĩa Karl Marx đã bị nhân loại ném vào
thùng rác lịch sử, mà nay cộng sản Tàu đang chủ trương phục hồi và xiển dương
Nho Giáo của Khổng Tử tại chính quốc và xuất cảng ra thế giới, thì cũng giúp
cho chúng ta hiểu thêm rằng giữa Khổng Tử và Karl Marx có điểm tương đồng ở chỗ
cả hai đều khiến cho nhà cầm quyền “muôn năm trường trị, nhất thống giang hồ”
và đẩy lùi nền văn minh nhân loại.
Cụ Phan Khôi lập luận rằng
“từ khi
triều đình Nhà Nguyễn bỏ lối thi cử xưa, ít ai học chữ Hán, đạo Khổng dần dần
tàn lụi; nhưng ảnh hưởng Nho Giáo vẫn còn đè nặng vào đầu óc của trí thức và tập
quán của dân chúng. Bằng cớ là trí thức Miền Nam hoàn toàn theo Tây học, mang
quốc tịch Pháp,
nhưng cái chất Nho Giáo vẫn tồn tại qua nếp suy nghĩ và cách ứng xử của họ
trong xã hội.”
Do ảnh hưởng Nho Giáo, con không được phép
cãi (biện bác) lời Cha Mẹ, học trò không được cãi lời Thầy Cô, dân không được
phép cãi lời Vua Quan phán, dẫu cho lời dạy “bề trên” có sai trái. Cái phép tắc
đó kéo dài từ đời này sang đời khác khiến cho não trạng của trí thức Việt Nam
dù thông minh tài giỏi đến đâu cũng không thể vượt qua hai chữ “học trò” ngoan
ngoãn (bon élève, good pupil) như một giáo sư người Pháp (tên Monavon) đã đánh
giá. Cái thói gia trưởng trong xã hội Việt Nam vẫn tồn tại, cho dù Nho Giáo đã
suy tàn, làm cho khả năng suy luận của con cháu yếu kém.
Chế độ quân chủ chuyên chính trị tội “phạm
thượng” bất cứ ông quan nào dám trái ý vua bằng hình phạt tử hình hoặc chung
thân trong ngục tối. Dần dà, cách cai trị đó khiến cho giới sĩ phu trở nên hèn
hạ, luồn cúi, nịnh bợ Vua để hưởng ân sủng; rồi tìm đường tiến thân bằng những
gièm pha, đố kỵ, hãm hại lẫn nhau. Công thần Nguyễn Trãi bị “tru di tam tộc” dưới
triều Lê; Nguyễn Văn Thành bị bắt ép uống thuốc độc dưới triều Nguyễn đã chính
là hai bằng chứng cụ thể khởi sinh từ đám quần thần xúc xiểm tâu bẩm lên Vua.
Chế độ quân chủ chuyên chính của Tàu hay của
Ta đã tạo nên một xã hội bề ngoài có vẻ ngăn nắp, trật tự, ổn định, tuân phục,
nhưng bên trong thì bao giờ cũng muốn phản kháng. Cho nên Tàu và Ta là hai mảnh
đất tốt cho hạt giống cộng sản (bịp bợm hứa hẹn Thiên đường) nẩy mầm. Mặc dù
giai cấp trí thức được nhà cầm quyền ưu đãi và nhân dân kính trọng, nhưng trong
thâm tâm họ vẫn muốn có cuộc cách mạng đem lại công bằng xã hội. Bởi thế, một số
trí thức thuộc dòng dõi Hoàng tộc hoặc thuộc dòng dõi danh tiếng Nguyễn Khoa, Hồ
Đắc, Thân Trọng, Hà Thúc ở Huế đi theo cộng sản là vậy!
Hồ Chí Minh hô hào cách mạng, nhưng hành động
chẳng khác nào Hoàng Đế. Giáo sư Trần Đức Thảo kể:
“Một
hôm có cán bộ lễ tân đến báo cho biết ngày mai sẽ được Hồ Chí Minh cho phép tiếp
kiến. Người cán bộ đó dặn Trần Đức Thảo phải đứng xa Hồ ba thước, không được
phép mở lời hỏi thăm sức khỏe của Người, không được phép đưa tay ra trước để bắt
tay Người, không được xưng Tôi (tức là phải xưng con?) và chỉ trả lời những câu
hỏi của Người thôi”
(tức là không được phép đặt câu hỏi).
Vậy Hồ Chí Minh đâu khác Tần Thủy Hoàng khinh
miệt trí thức, đốt sách chôn sống học trò?
Xưa kia các nhà Nho theo phò Chúa Nguyễn Phúc
Ánh cầu viện quân Xiêm La, xin khí giới Pháp để đánh đổ Nhà Tây Sơn mà không thấy
trước rằng “hễ lãnh tụ đi mượn sức mạnh ngoại bang nào để giành ngai vàng, thì
trước sau gì nhân dân sẽ rơi vào vòng nô lệ ngoại bang đó.”
Giáo sư Tạ Quang Bửu là người theo Tây học,
thông minh xuất chúng về các bộ môn Toán học, Vật lý học, Triết học; lại nói và
viết thành thạo nhiều ngoại ngữ. Ông Bửu là Thứ trưởng Quốc Phòng, thay mặt Bộ
trưởng Quốc Phòng Võ Nguyên Giáp, đặt bút ký vào Hiệp định Genève năm 1954 chia
đôi Đất Nước.
Ông Bửu đã cùng tầng lớp trí thức ưu tú của
ta phục vụ hết mình cho cái chế độ chủ trương “đào tận gốc, trốc tận rễ trí thức”và
“Chống Mỹ Cứu Nước”, mặc nhiên trở thành kẻ đồng lõa với Hồ Chí Minh, làm tay
sai Nga Tàu. Do đó, VN ắt sẽ rơi vào vòng nô lệ Tàu, (Giống như Gia Long thành
công trong sự cầu viện thực dân Pháp diệt nhà Tây Sơn, cuối cùng dân tộc bị rơi
vào sự đô hộ của Pháp trong 80 năm.)
Mang danh trí thức nhưng các ông này đã không
chịu học bài học lịch sử!
Giá như các nhà trí thức Việt Nam thời bấy giờ
cảnh báo cho dân biết “thà bị thằng Tây đô hộ còn hơn bị thằng Tàu đô hộ” thì Hồ
Chí Minh làm sao có thể lừa dân ta vào chủ nghĩa cộng sản để phải mang nỗi nhục
mất nước và mất toàn bộ phẩm giá làm người như ngày hôm nay? Trí thức của mình
ngu, nên dân mình không lớn được là vậy!
Hồ Chí Minh nhờ binh lính và vũ khí Tàu mà
chiến thắng trận Điện Biên Phủ. Dù Hoa Kỳ giúp Pháp để Pháp thắng trận Điện
Biên Phủ thì cuối cùng cộng sản vẫn là kẻ chiến thắng, do bởi chủ nghĩa thực
dân đã lỗi thời và kinh tế nước Pháp đã kiệt quệ trong việc phải lo đối phó với
thuộc địa Algérie khi ấy cũng đang nổi dậy.
Có nhiều quốc gia trên thế giới lâm vào hoàn
cảnh đất nước bị chia đôi. Ba nước trong đó là Đức, Triều Tiên và Việt Nam đều
được Hoa Kỳ ra tay giúp ngăn chặn làn sóng Đỏ, mà chỉ có Việt Nam bị rơi vào
tay cộng sản; còn Đức Quốc thống nhất trong tự do và Hàn Quốc trở nên giàu mạnh.
Chúng ta phải tự hỏi tại sao, đúng không?
Em Trần Thị Bông Giấy thân mến,
Trước khi trả lời, anh xin thuật mẩu chuyện
sau đây.
Ngày 28 tháng 8 năm 1988 trong cuộc họp thống
nhất đảng Đại Việt tại vùng vịnh San Francisco, có sự tham dự của các lãnh tụ
hàng đầu như bác sĩ Nguyễn Tôn Hoàn, bác sĩ Đặng Văn Sung, kỹ sư Hà Thúc Ký, Đại
sứ Bùi Diễm, giáo sư Nguyễn Ngọc Huy, kỹ sư Cung Đình Quỳ và các cán bộ cao cấp
như giáo sư Nguyễn Văn Canh, Đặng Văn Đệ, Đào Nhật Tiến, Lê Tấn Trạng, và anh.
Sau nghi thức khai mạc, mọi người ra ngồi vào
chiếc bàn dài để nghe kỹ sư Cung Đình Quỳ, đồng chí cao niên nhất, mở lời phát
biểu đầu tiên. Tuy đã 92 tuổi, nhưng Cụ Quỳ còn tráng kiện, minh mẫn, hùng hồn
và đặc biệt tiếng nói rất dõng dạc. Anh có cảm tưởng Cụ là hình ảnh Đảng trưởng
Trương Tử Anh hiện về để hài tội chia rẽ giữa các đồng chí của mình. Nghe Cụ,
các anh lớn tuổi, lớn chức rưng rưng khóc. Cuối cùng Cụ Quỳ nói:
“Từ
nay, tôi yêu cầu các đồng chí phải đoàn kết, gắn bó, để cùng nhau phất ngọn Cờ
Đại Việt giải phóng Việt Nam.”
Các anh lớn thuộc hàng lãnh tụ bắt tay nhau,
bày tỏ sự hối hận một cách chân thành và cam kết sẽ từ bỏ căn bệnh chia rẽ. Rồi
lần lượt các đồng chí khác phát biểu một cách hiền hòa.
Riêng anh, tuy kém tuổi đời, tuổi đảng hơn
các anh, nhưng anh dám phê bình các đồng chí lãnh tụ về nạn chia rẽ Trung Nam Bắc
một cách thẳng thừng và kết luận như sau:
“Tôi hết
sức đồng ý với lời quở trách của đồng chí niên trưởng Cung Đình Quỳ đối với các
đồng chí lãnh tụ, nhưng có một điểm tôi xin phép không đồng ý”.
Nói tới đó, anh ngưng. Bao nhiêu cặp mắt đổ dồn
về anh, chờ đợi. Anh nói tiếp:
“Tôi
không đồng ý chỉ phất ngọn Cờ Đại Việt, mà phải là ngọn Cờ Dân Tộc bao gồm tất
cả đảng phái Quốc Gia để giải phóng Việt Nam. Chúng ta phải đoàn kết toàn dân;
chứ không phải chỉ đoàn kết với những đồng chí trong đảng Đại Việt mà thôi. Căn
bệnh Đảng ta, cá nhân ta còn khắc sâu trong tư tưởng, thì không thể làm chuyện
đoàn kết với ai được.”
Mọi người đều im lặng, không một ai lên tiếng
phản bác lý lẽ mà anh đưa ra. Bầu không khí buổi họp trở nên căng thẳng. Đồng
chí chủ nhà (Trung tá Nguyễn Quan Vĩnh, người bạn phi công cùng khóa với anh) đề
nghị ngưng buổi họp vì đã tới giờ ăn trưa. Thức ăn nhẹ, nước uống được bày ra
trên chiếc bàn dài đặt giữa sân. Bác sĩ Đặng Văn Sung (người anh thúc bá của
anh) vẫy anh lại và nói:
“Cái
thói nhà binh bộc trực của chú vẫn không bỏ. Lời chú phát biểu vừa rồi là đúng
với sự thật, nhưng làm buồn lòng anh Hoàn, anh Ký và anh Huy lắm đấy.”
Anh lễ phép đáp:
“Thưa
anh, cuộc họp mặt hôm nay để mổ xẻ căn bệnh chia rẽ trong đảng, đã là quá trễ.
Đáng lý nó phải xảy ra sau khi đồng chí Nguyễn Văn Thiệu lên làm Tổng thống. Em
rất biết cách nói những lời hoa mỹ để làm đẹp lòng các anh lớn; nhưng đây là cuộc
mổ xẻ căn bệnh, ắt phải chịu đau đớn thì mới dứt bệnh.”
Bác sĩ Sung nhẹ nhàng:
“Anh biết
chú nhiệt tình, nhưng cách nói khôn khéo thì dễ mang lại kết quả hơn.”
Một lần nữa anh lễ phép đáp:
“Thưa
anh, em tự biết, với cá tính thẳng thắn, em không thể làm chính trị, nên chỉ muốn
làm cách mạng để đổi thay vận mệnh đất nước. Em mong anh tha lỗi”.
Sau cuộc họp đó, anh không còn được Đảng
thông báo cho biết thời gian và địa điểm phiên họp kế tiếp. Đảng Đại Việt Thống
Nhất thành hình dưới sự lãnh đạo của bác sĩ Nguyễn Tôn Hoàn và kỹ sư Hà Thúc Ký
làm Đồng Chủ Tịch. Nghĩa là không ai chịu làm Phó cho ai. Chẳng bao lâu, họ ra
tuyên cáo khai trừ lẫn nhau! Thật đáng xấu hổ!
Trả lời câu hỏi: “Tại sao Việt Nam Cộng Hòa bị
rơi vào tay cộng sản?” là một lần nữa anh mổ xẻ vấn đề. Tất nhiên mổ xẻ hay nhổ
cái răng không có thuốc tê, ắt đau đớn lắm. Anh rất ý thức rằng viết bức thư
này cho em thì mình sẽ hứng lấy búa rìu dư luận từ nhiều phía, nhất là từ phía
không muốn nghe SỰ THẬT.
Trí thức là bộ óc của dân tộc để dẫn dắt người
dân tiến lên trình độ văn minh. Vua Chúa của ta dùng Đạo Nho cai trị, tổ chức
thi cử để tuyển nhân tài phục vụ chế độ. Người đi học phải vận dụng trí nhớ để
thuộc lòng chẳng những Tứ Thư Ngũ Kinh; nhớ tên các đời vua đã đành, mà còn phải
nhớ tên các Ông Hoàng Bà Chúa để khỏi phạm trường quy. Thành thử trí thức Việt
Nam đỗ đạt bằng cấp chỉ cốt làm quan to, hưởng nhiều bổng lộc, nhưng đa số có đầu
óc thủ cựu, không dám canh tân vì sợ mất địa vị.
Do đó, trong khi Nguyễn Trường Tộ bị quần thần
dưới triều vua Tự Đức gièm pha, nói lời “yêu ngôn hoặc chúng”; thì ông bạn học
người Nhật (tên Yokohama) của tiên sinh được Minh Trị Thiên Hoàng và quần thần
Nhật hưởng ứng canh tân. nên Nhật trở thành một xứ sở hùng cường, không bị ngoại
bang đô hộ.
Còn Hồ Chí Minh lại du nhập vào đất nước cái
chủ nghĩa cộng sản (vô thần, vô gia đình, vô tổ quốc, coi tôn giáo là thuốc phiện,
chủ trương vô sản và triệt tiêu trí thức) thì lại được giới trí thức Việt Nam
hăng hái tham gia.
Ngay như Thủ tướng Trần Trọng Kim, một nhà sử
học thông thái, cũng không nhìn thấy cái chủ nghĩa cộng sản sẽ biến dân tộc
mình thành trại súc vật (không được quyền có tự do tư tưởng, tự do ngôn luận).
Vì thế mà trước đề nghị của Fukuzawa Yukichi, một sĩ quan Nhật, dù đã bị Hoa Kỳ
đánh bại, “hứa sẽ giúp tiêu diệt toàn bộ đầu đảng và tay chân bộ hạ cộng sản”,
Cụ Kim với cá chất ảnh hưởng Quân Tử Tàu, coi cộng sản cũng là anh em trong
nhà, có thể giải quyết với nhau bằng tình huynh đệ, đã từ chối.
Anh hỏi Mẹ anh “tại sao Thầy (Bố) buồn rũ
rượi khi nghe Cụ Kim từ chối lời đề nghị của viên sĩ quan Nhật?”
Mẹ anh đáp rằng “Thầy buồn vì Hồ Chí Minh
bán đứng nhà cách mạng Phan Bội Châu cho thực dân Pháp, thông đồng với Pháp để
tiêu diệt các nhà ái quốc Viêt Nam, chứ không nhằm mục đích chống Thực dân.
Hành động bán đứng Cụ Phan Bội Châu của Hồ Chí Minh chứng tỏ hắn làm bất cứ điều
gì để đạt được mục đích, kể cả bán nước. Thầy con đã thấy trước tai họa do Cộng
sản gây ra.”
Thầy anh có người bạn đồng nghiệp là Bác sĩ
Lê Đình Thám. Ông này cứ dụ dỗ Thầy anh gia nhập đảng cộng sản, nhưng ông cương
quyết từ chối, còn báo cho bạn biết rằng “Cộng sản diệt tôn giáo, diệt trí thức
thì dân tộc mình sẽ tiêu vong.”
Thầy anh thường căn dặn bốn người anh lớn của
anh “đừng nghe theo lời tuyên truyền của cộng sản mà tham gia với họ.” Thế mà
người anh cả của anh bị mắc kẹt với cộng sản vì có bà vợ là em gái của bác sĩ
Nguyễn Khắc Viện, người trí thức có thân phụ bị cộng sản đấu tố cho đến chết mà
vẫn nhắm mắt theo cộng sản!
Trí thức mà như thế thì người dân làm sao lớn
lên được, phải không em?
Năm 1954, nước ta bị các thế lực quốc tế cắt
đôi thành hai nước, có hai thể chế khác nhau:
– Miền Bắc theo quốc tế cộng sản, làm nghĩa vụ
Người Lính Tiền Phong trong sự nghiệp nhuộm Đỏ toàn cầu.
– Miền Nam được Hoa Kỳ nhảy vào, biến
thành tiền đồn ngăn chặn làn sóng Đỏ. Chiến sĩ Miền Nam thành Người Lính Tiền Đồn.
Ở trên anh dùng chữ được là vì nếu nước
ta nằm ở một góc khuất của thế giới như Tây Tạng, Tân Cương thì Hoa Kỳ không nhảy
vào để dân ta có 20 năm vừa chiến đấu, vừa xây dựng một nước tương đối có tự
do; trong khi tập đoàn cộng sản Bắc Việt biến xã hội Miền Bắc thành một trại
súc vật khổng lồ (có óc không được suy nghĩ; có mồm không được nói; ngoan ngoãn
thì được cho ăn; phản đối thì bị bỏ đói cho đến chết!)
Trong quá khứ, kẻ thù xâm lăng nước ta bao giờ
cũng phịa ra một khẩu hiệu để có chính nghĩa cho sự xâm lăng của họ. Ví dụ Nhà
Minh lấy danh nghĩa “Phù Trần, diệt Hồ” (Quý Ly); nhà Thanh lấy danh nghĩa “Phù
Lê, diệt Trịnh”; thực dân Pháp lấy danh nghĩa“Khai hóa dân tộc kém văn minh”;
CSBV lấy danh nghĩa “Giải Phóng Dân Tộc” để xâm lăng Miền Nam Việt Nam.
Bọn cộng sản bôi nhọ nhân dân Miền Nam là bè
lũ tay sai Đế quốc Mỹ, được bọn trí thức ngu đần phụ họa, khiến cho bản thân bọn
này cũng bị điêu đứng sau khi Miền Nam thất thủ.
Cuộc chiến đấu bảo vệ tự do của nhân dân miền
nam hoàn toàn có chính nghĩa, nhưng chính bọn trí thức ngu đó làm cho mất chính
nghĩa. Kết quả là chúng ta thua trận.
Ở trên không phải là “lời nói lấy được” của kẻ
thua trận (như anh), mà là lời xác nhận của kẻ thù sau năm 1975. Điển hình:
– Nhà văn Dương Thu Hương chỉ thoạt bước chân
vào một tiệm sách ở Miền Nam, liền thốt lên ngay câu nói, “Một chế độ man rợ
đã chiến thắng một nền văn minh.”
– Vương Trí Nhàn, nhà phê bình văn học ở Miền
Bắc sau khi nghiên cứu nền văn học Miền Nam, đã kết luận: “Miền Nam có nền
văn học tự do, khai phóng; văn học Miền Bắc là một nền văn học minh họa.”
– Chưa hết, Tổng Bí thư Lê Duẩn còn thú nhận
một cách trắng trợn hơn: “Ta đánh Pháp, đánh Mỹ là đánh cho Liên Xô, cho Trung
Quốc”.
Vậy thử hỏi, “tại sao một nhà đại trí thức
như cụ Hoàng Xuân Hãn lại khen ngợi Hồ Chí Minh và Đảng Cộng Sản Việt Nam có
công thống nhất Đất Nước?” Chẳng lẽ cụ Hãn không mở mắt (như triết gia Cộng
Jean-Paul Sartre) sau khi chứng kiến hàng triệu người Miền Nam ào ra biển tìm
đường thoát khỏi Thiên Đường Cộng Sản?
– Nhà cách mạng Phan Chu Trinh đưa ra câu khẩu
hiệu: “Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh” là nhằm mục đích dạy người trí
thức những điều phải thực hành để cứu nước.
Nhưng tiếc thay! Hòn đá tảng Nho Giáo đè nặng
trên dân tộc ta quá lâu, học hành đỗ đạt chỉ cốt làm quan, vinh thân phì da, nặng
tinh thần quan liêu gia trưởng, ích kỷ, nên kém phần nhận thức cái đúng cái sai
cho hướng đi của dân tộc.
Anh xin đề cập đến nhà đại trí thức, đại văn
hào Nhất Linh Nguyễn Tường Tam, một nhà hoạt động văn hóa, chính trị “trùm
chăn” khi Đất Nước đang đối diện với họa Cộng sản. Một nhà Tây học mà vẫn còn bị
nhiễm văn hóa Nho Giáo đam mê thú chơi hoa lan!
Ông Nguyễn Tường Tam du học Pháp, đỗ bằng Cử
nhân Khoa học.
– Về nước, ông không làm nghề liên quan đến
Khoa học, mà cùng hai người em (Hoàng Đạo và Thạch Lam) làm báo Phong Hóa, chủ
trương đả kích lề thói Hủ Nho của bọn Lý Toét, Xã Xệ.
– Rồi ông lập ra Văn Đoàn Tự Lực phê phán tấm
bằng ban khen “Tiết Hạnh Khả Phong” để giải phóng phụ nữ. Nghĩa là ông muốn làm
cuộc Cách Mạng Văn Hóa bằng đường lối “Khai Dân Trí” của nhà cách mạng Phan Chu
Trinh.
Ngoài ra Nhất Linh Nguyễn Tường Tam còn hoạt
động chính trị.
– Năm 1938, ông lập ra Đảng Hưng Việt, rồi
năm 1939 đổi tên thành Đại Việt Dân Chính Đảng.
– Ông tham gia Chính phủ Liên Hiệp Kháng Chiến,
làm Bộ trưởng Ngoại Giao và Trưởng Phái đoàn thương thuyết Hiệp định Sơ bộ với
Pháp ở Đà Lạt.
– Ông từ chối làm Trưởng Phái đoàn dự Hội
nghĩ Fontainbleau và chia tay Việt Minh vì nhìn ra bộ mặt đểu cáng, lưu manh của
tập đoàn cộng sản Hồ Chí Minh.
– Ông từng làm Bí Thư trưởng của Việt Nam Quốc
Dân Đảng (khi Đại Việt Dân chính Đảng hợp nhất với Việt Nam Quốc dân Đảng và Đại
Việt)
Nói tóm lại, Nhất Linh không những là thủ
lãnh Cách Mạng Văn Hóa, mà còn là thủ lãnh Liên Đảng Chính trị có uy tín nhất,
vừa chống Cộng sản vừa chống Thực dân Pháp.
– Năm 1954, Hoa Kỳ nhảy vào Miền Nam ngăn chặn
làn sóng Đỏ. Đó là một cơ hội bằng vàng để Nhất Linh cứu nước (bởi ông biết rõ
hơn ai hết sự khốn nạn của bọn Thực dân Pháp chống phá chính phủ Miền Nam do
Hoa Kỳ yểm trợ). Với thanh danh của một văn hào được cả nước kính trọng, yêu mến;
với những hiểu biết sâu sắc về sự man rợ của chủ nghĩa Cộng Sản, thay vì Nhất
Linh chỉ cần tiếp tục làm báo để khai sáng những thành phần trí thức u mê ăn
cơm Quốc gia thờ ma Cộng sản thì ông lại lên Đà Lạt sống ẩn dật, vào rừng tìm
hoa lan, bất kể vận số Đất Nước ra sao.
Vì thế, giáo sư Lê Hữu Mục mới gọi Nhất Linh
là “chính khách trùm chăn”, và lời nhận xét này cũng được xác nhận bởi Nguyễn
Tường Thiết (con trai út của Nhất Linh) trong một cuốn sách đã viết.
Giả như Nhất Linh có coi Tổng thống Ngô Đình
Diệm là nhà độc tài thì ông cũng phải biết “cái độc tài của Ngô Đình Diệm vẫn tốt
hơn cái chuyên chính vô sản của Hồ Chí Minh ở Miền Bắc” chứ! Trong khi Ngô Đình
Diệm biết đưa những tác phẩm của Tự Lực Văn Đoàn vào chương trình giáo dục thì
Cộng sản Miền Bắc buộc nhà văn trong Tự Lực Văn Đoàn phải “treo cổ” hoặc dùng
roi đánh nát các tác phẩm – những đứa con tinh thần của họ – để tiêu diệt “một
nền văn hóa đồi trụy” do ông Nhất Linh chủ trương.
Sự tuyên truyền của CS, mạ lỵ, bôi nhọ phỉ
báng, vu cáo Ngô Đình Diệm (tay sai Đế quốc Mỹ) là chuyện đương nhiên; nhưng
còn ông Nhất Linh hẳn phải biết dữ kiện “Vua Bảo Đại cử ông Diệm làm Thượng thư
Bộ Lại – chức Thủ tướng ngày nay – mà ông Diệm yêu cầu Pháp thay đổi đường lối
cai trị để chính phủ Nam Triều có thực quyền, nhưng Thực dân Pháp không chấp nhận,
do đó ông Diệm lập tức từ chức” chứ?
Vậy ông Diệm đâu phải là người bán nước? Chỉ
Hồ Chí Minh mới là kẻ làm đơn xin vào học Trường Thuộc địa để làm tay sai cho
thực dân nhưng bị Pháp từ chối, bèn đi làm tay sai cho Liên Xô, Trung Cộng để
bán nước đó thôi!
Năm 1945, chính Cụ Trần Trọng Kim đề nghị vua
Bảo Đại chọn ông Diệm làm Thủ tướng. Điều đó chứng tỏ Cụ Kim đánh giá ông Diệm
“có khả năng lèo lái con thuyền quốc gia qua cơn sóng gió.”
Phải qua đến năm 1954, một lần nữa vua Bảo Đại
phải ra sức thuyết phục, nhân danh tinh thần trách nhiệm với tổ quốc, để yêu cầu
ông Diệm đảm nhiệm chức vụ Thủ tướng thì ông Diệm mới nhận lời. Điều đó lại
càng chứng tỏ Ngô Đình Diệm đâu phải là loại chính khách thèm khát danh lợi, địa
vị?
Ngô Đình Diệm từ ngoại quốc về chấp chánh ở một
đất nước tan hoang vì chiến tranh, vì thực dân Pháp xúi giục Bình Xuyên, Hòa Hảo
chống phá. Nhưng ông Diệm đã mang lại sự ổn định tình thế. Ông được thế giới trọng
vọng, ví như Thánh Gandhi thứ hai của Á Châu. Khi đi kinh lý Hoa Kỳ, ông Diệm
được Tổng thống Eisenhower ra tận phi trường đón tiếp và được đọc diễn văn trước
lưỡng viện Quốc hội.
Dẫu không được ông Diệm mời tham gia chính phủ,
nhưng nếu là người yêu nước thực sự, biết đặt sự sống còn của tổ quốc trên danh
giá của mình, Nhất Linh phải lấy tư cách nguyên Bí thư trưởng của Đại Việt Quốc
Dân Đảng để xây dựng nền dân chủ còn phôi thai cho Miền Nam bằng hai cách thể
hiện:
1/ Dùng sự hiểu biết về tai họa cộng sản để dạy
cho trí thức, cho người dân chống lại sự tuyên truyền dối trá của bè lũ cộng sản.
2/ Chỉ thị cho cán bộ của mình truy lùng cán
bộ cộng sản nằm vùng và tiêu diệt hạ tầng cơ sở cộng sản.
Là một nhà hoạt động chính trị, hẳn Nhất Linh
phải biết “hai cán bộ cộng sản – Lê Đình Thám và Võ Đình Cường – đứng ra thành
lập các Khuôn hội Phật giáo, các Gia đình Phật tử khắp nơi chỉ với mục đích
dùng Phật giáo làm lực lượng đấu tranh lật đổ Chính quyền Quốc gia, khi có cơ hội
thuận lợi.”
Đàng này, ông lại làm một điều hết sức tai hại
là tham gia vào cuộc đảo chánh ngày 11 tháng 11 năm 1960 do bọn tay sai thực
dân Pháp (Trần Đình Lan, Vương Văn Đông) chủ xướng. Từng chống Pháp, sao lại hợp
tác với bọn tay sai thực dân Pháp? Cuộc đảo chánh bất thành, các đàn em của Nhất
Linh bị bắt và tố giác chính ông là kẻ chủ mưu. Tại sao Nhất Linh không ra tòa
để phủ nhận sự tố giác của đàn em; hoặc nếu có chủ mưu thì tại sao Nhất Linh
không dùng pháp đình để dõng dạc lên án chế độ độc tài sẽ làm mất sự ủng hộ của
nhân dân Hoa Kỳ? Đấy mới xứng đáng là lãnh tụ chứ!
Tuy nhiên do uy tín quá lớn và cũng vì được Tổng
Thống Ngô Đình Diệm kính nể nên Nhất Linh không bị cầm tù ngày nào. Năm 1963,
có lệnh ra tòa, vì sợ phải đối chất với những đàn em, Nhất Linh quyết định hủy
mình với bức thư tuyệt mạng sau đây:
“Đời
tôi để lịch sử xử, tôi không chịu để ai xử cả. Sự bắt bớ và xử tội tất cả các
phần tử đối lập quốc gia là một tội nặng sẽ làm cho nước mất vào tay Cộng sản.
Tôi chống đối sự đó và tự hủy mình, cũng như Hòa thượng Thích Quảng Đức tự
thiêu, để cảnh cáo những người chà đạp mọi thứ tự do.” (Nhất Linh ngày 7/
7/ 1963)
Em Bông Giấy,
Qua bức thư trên, anh nhận thấy lời Nhất Linh
nói không đúng Sự Thật. Chính phủ Ngô Đình Diệm không bắt bớ, đàn áp người ĐỐI
LẬP. Bằng cớ là:
– Nhóm đối lập Caravelle gồm các chính khách
như Phan Huy Quát, Đặng Văn Sung, Trần Văn Đỗ, Nguyễn Văn Huyền, Trần Văn Văn…
không hề bị bắt.
– Ông Hà Thúc Ký, năm 1955 lập chiến khu Ba
Lòng, âm mưu ám sát ông Tổng Thống Diệm nên bị bỏ tù. Nhưng Hà Thúc Ký không hề
bị đánh một bạt tai!
– Những người như Hoàng Cơ Thụy, Phan Quang
Đán, Phan Khắc Sửu, Vũ Hồng Khanh, Phan Bá Cầm, Bùi Lượng, Đinh Xuân Quảng,
Nguyễn Thành Phương, cùng đám thuộc hạ em út gồm Trương Bảo Sơn, Nguyễn Thành
Vinh, Phạm Lợi, Trần Tương… tham gia cuộc đảo chánh mới bị cầm tù mà thôi.
Ngoài ra, Hòa thượng Thích Quảng Đức chưa chắc
đã tự thiêu, mà do sự dàn cảnh của tên cộng sản nằm vùng Trí Quang đạo diễn. Là
nhà hoạt động chính trị có kinh nghiệm cộng sản, tại sao Nhất Linh dễ tin vào
cái chết của HT Quảng Đức là tự thiêu?
Gần đây, anh có viết thư hỏi Trần Quang Thuận,
người lái xe đưa Hòa thượng Quảng Đức ra góc đường Lê Văn Duyệt & Phan Đình
Phùng rằng: “Có phải Ngài Quảng Đức tự thiêu, hay do đám sư tranh đấu mang đi đốt
Ngài?” Trần Quang Thuận im thin thít.
Điều đó đủ cho biết sự thật là thế nào rồi.
Theo như sách viết của ông Lê Nguyên Phu, người
thụ lý vụ xử Nhất Linh, thì
“Nhất
Linh tự tử vì sợ đối chất với đàn em tố giác mình chủ mưu gây cuộc binh biến
năm 1960; chứ không phải dùng cái chết để cảnh báo nhà cầm quyền làm mất nước.”
Người con út – Nguyễn Tường Thiết – trong hồi
ký “Nhất Linh Cha Tôi” do Văn Mới xuất bản năm 2006 (trang 29-30) đã xác nhận:
“Thế rồi
ông quyết định giã từ tất cả. Đà Lạt, Fim Nôm, dòng Đa Mê và cả trăm giỏ lan mà
ông đã chăm sóc từ hai năm qua, để về luôn Sài Gòn, chấm dứt cái thời kỳ mà ông
Lê Hữu Mục đã viết trong đoạn kết cuốn sách của ông là “một Nhất Linh nằm trùm
chăn ở trên Đà Lạt”. Đối với tôi, thật bụng tôi chỉ mong ông được nằm trùm chăn
lâu hơn vì đây chính là thời gian hạnh phúc nhất trong đời ông mà tôi được biết.
Nhất Linh ‘xuống núi’ lăn vào cuộc đời làm báo, tham gia đảo chính, thất bại,
đi trốn, bị đưa ra tòa, đưa đến cái tự vẫn của ông mấy năm sau, mở đầu một thời
kỳ cuối cùng của đời ông với nhiều não nề, nhiều chán chường hơn.”
Nếu Nhất Linh là người vô danh tiểu tốt mà tự
vẫn, ngay cả vì lý do chống chính quyền, thì chẳng có gì tác hại ai ngoài gia
đình thân thuộc; đằng này, ông lưu lại bức thư tuyệt mệnh tự hủy mình vì lý do
chống độc tài và kéo thêm sự tự thiêu của một Hòa Thượng Quảng Đức để chống đàn
áp tôn giáo, thì chính nghĩa Việt Nam Cộng Hòa chống Cộng sản và xây dựng Dân
chủ sẽ không còn nữa trước dư luận thế giới.
Chính bức thư tuyệt mệnh của Nhất Linh là cái
mồi lửa đốt cháy VNCH và làm cho cuộc xâm lăng của Việt Cộng đạt thắng lợi qua
chiêu bài Giải Phóng Dân Tộc.
Em Trần Thị Bông Giấy thân mến,
Vì phải chứng minh cho cô giáo Trần Thị Lam
và giới trẻ trong nước cũng như hải ngoại hiểu tại sao dân Việt Nam bốn ngàn
tuổi mà không chịu lớn, bốn ngàn tuổi mà vẫn còn bú mớm, anh mới phải đề cập
đến Nhất Linh, thần tượng của nhiều người –trong đó có anh, thời cắp sách đến
trường.
Anh không có mục đích khơi lại đống tro tàn
dĩ vãng. Anh cũng không “vạch áo cho người xem lưng”, bởi vì kẻ thù nhìn thấy
lưng (nhược điểm) của ta còn hơn ta thấy. Anh chỉ muốn nhắn gửi với các bạn trẻ
nếu muốn cứu nước thì hãy nhớ đặt quyền lợi của tổ quốc, của đồng bào trên hết.
Bức thư tuyệt mệnh của nhà cách mạng Nhất
Linh đã giết chết tên tuổi của ông trong lịch sử. Và nó cũng giết chết nước Việt
Nam Cộng Hòa đang vừa chiến đấu tự vệ vừa xây dựng nền Dân Chủ. Do bởi cuộc đấu
tranh bảo vệ Chính Nghĩa Quốc Gia của Việt Nam Cộng hòa trở thành phi nghĩa!
Thư tới, anh sẽ chứng minh cho giới trẻ thấy
tại sao Hoa Kỳ bỏ rơi Việt Nam Cộng hòa; chứ không phải “Đồng Minh Tháo Chạy”
như luận điệu của Tiến sĩ Nguyễn Tiến Hưng.
Thân ái chúc em dồi dào sức khỏe.
Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ
DCVOnline.net
Nguồn: Tác giả nhờ gởi đến DCVOnline.
DCVOnline biên tập và minh hoạ.
No comments:
Post a Comment