Thursday, August 10, 2017

NƯỚC MỸ RẤT ĐẸP NHƯ TÔI TỪNG BIẾT (Bùi Tín)




11/08/2017

Vừa qua, tôi có 2 tháng Hè sang Hoa Kỳ và Canada nghỉ ngơi, thăm bạn bè và dự cuộc Họp Mặt Dân Chủ lần thứ 15 tại Đại học Long Beach, nam California, một cuộc họp thân mật, ấm áp tình quê hương, có sự tham dự từ xa của các chiến sĩ dân chủ trong nước như cô Đoan Trang và linh mục Lê Ngọc Thanh.

Đúng vào lúc này, tình hình Hoa Kỳ trở nên sôi sục sau khi có Tổng thống mới, Donald Trump, dẫn đến một cuộc khủng hoảng chính trị âm ỷ kéo dài, chưa biết sẽ kết thúc ra sao. Sáu tháng mở đầu nhiệm kỳ Tổng Thống thứ 45 tỏ ra mờ nhạt, ảm đạm, chỉ tiêu tín nhiệm của xã hội từ 42% tụt nhanh, ở mức thấp nhất trong 70 năm dưới 12 khóa Tổng Thống gần nhất.

Bao nhiêu lời hứa trong tranh cử không thành hiện thực, từ xóa bỏ Obamacare, đến giảm thuế lớn, dựng tường ngăn với Mexico, quyết định cấm người nhập cư từ các nước Hồi Giáo bị trở ngại lớn, vị trí uy tín quốc tế của Hoa Kỳ giảm xuống thấp hơn Pháp, Đức, Anh… Các vụ điều tra về Tổng Thống, con trai và con rể dính đến người Nga trong bầu cử làm cho ông Trump chỉ lo thanh minh bảo vệ cá nhân và gia đình, «quên mất» cái chức vụ Tổng Thống.

Tình hình Hoa Kỳ thật sự u ám, cho đất nước và cho các nước liên minh, bè bạn, cho toàn thế giới, cho nước Việt Nam, vì Hoa Kỳ hàng 2 thế kỷ gần đây có vai trò lãnh đạo của thế giới dân chủ, cường quốc số 1 về chính trị, kinh tế, tài chính, quốc phòng, khoa học kỹ thuật, giáo dục và văn hóa, đứng đầu thế giới.

Tôi làm quen với nước Mỹ từ hồi học trung học, khi giáo sư Tạ Quang Bửu dạy tiếng Anh, giới thiệu các cuốn sách địa lý, lịch sử, văn học của hai nước Anh, Mỹ.

Tôi vui sướng khi thấy Hoa Kỳ đưa quân tham chiến ở châu Âu trong Thế Chiến 1, càng mừng khâm phục Hoa Kỳ đóng vai trò quyết định trong đại thắng phát xít trong Thế Chiến 2, khi mang đại quân đổ bộ lên bờ biển Normandie rồi giải phóng cả Châu Âu và toàn chiến trường Châu Á, buộc phát xít Nhật đầu hàng.

Tôi đã viếng thăm các nghĩa trang liệt sĩ Mỹ, Anh, Canada, Úc, với hàng vạn nấm mộ quân nhân Mỹ bỏ mình trên chiến trường châu Âu vì nghĩa vụ quốc tế cao cả.

Tôi khâm phục tài ba chỉ huy các chiến dịch lớn của các tướng Eisenhower, MacArthur…, tài lãnh đạo của Tổng Thống Roosevelt, sau trận Trân Châu Cảng đã cấp tốc xây dựng nền công nghiệp quốc phòng đồ sộ, hiện đại cung cấp dư dật tàu chiến, máy bay, xe tăng… cho các chiến trường Âu Á.

Tôi đặc biệt đánh giá rất cao tướng MacArthur đã lãnh đạo quân chiếm đóng Nhật Bản với tinh thần nhân bản và sáng suốt, không hề có trả thù, còn duy trì chế độ Nhật Hoàng lồng với kế hoạch dân chủ hóa triệt để, chuyển nhanh nền kinh tế chiến tranh sang kinh tế hòa bình thịnh vượng, gọi là phép Thần kỳ Nhật Bản, ông được dân Nhật coi là vị anh hùng, cứu tinh dân tộc.

Tại đó không hề có các trại cải tạo, thực tế là các trại giam tàn bạo kiểu nhục hình để trả thù, không có hàng nửa triệu lực lượng «tiếp quản » Miền Bắc kéo vào cai trị miền Nam như ở Việt Nam sau 30/4/1975, họ lên mặt thống trị về các mặt chính trị, an ninh, kinh tế, tài chính, tư pháp, tòa án, giáo dục, y tế, mà mỉa mai và cay đắng thay, kẻ tiếp quản thường kém cỏi xa về hiểu biết, chuyên môn so với kẻ bị trị.

Tôi thường nghĩ nếu Bộ Chính trị và lãnh đạo miền Bắc biết tỉnh táo sáng suốt nhìn ra những mặt tốt, tiến bộ của Việt Nam Cộng hòa để lưu giữ và phát triển, áp dụng cho cả miền Bắc thì tình hình đã khác hẳn. Đó là hệ thống tư pháp độc lập, nền giáo dục khai phóng, người cày có ruộng thuộc quyền sở hữu của mình. Chỉ 3 điều đó đã là sự vượt trội rõ ràng của người thua cuộc so với kẻ thắng cuộc cao ngạo mù quáng dại dột đến đần độn ngu si.

Tôi đã 26 lần sang thăm Hoa Kỳ, kể từ lần thứ nhất sang trụ sở Liên Hợp Quốc ở New York để theo dõi các phiên họp năm 1988, đúng lúc có dịp theo dõi cuộc tranh luận công khai giữa hai ứng cử viên Tổng Thống Bush và Dukakis, trả lời tức thời các câu hỏi của một nhà báo một cách rõ ràng, gọn gàng, xúc tích, như 2 sinh viên qua cuộc thi sát hạch cuối khóa, không cho phép ấp úng, nhầm lẫn, lúng túng, sai lạc.

Đến năm 1992, 1994, tôi dự quan sát 4 cuộc họp của Quốc Hội Hoa Kỳ, gặp gỡ hơn 10 nghị sĩ và dân biểu, đến Thư Viện Quốc Hội nghiên cứu 2 tuần lễ liền, còn được mời thuyết trình về vấn đề «tù binh Mỹ ở Việt Nam» theo như tôi biết. Tôi thấy rõ sự vận hành sinh động cụ thể theo phép tắc chặt chẽ của nền dân chủ Hoa Kỳ rất mực trưởng thành. Tôi chỉ băn khoăn một chi tiết là theo luật bầu Tổng Thống, số phiếu không theo tổng số phiếu trong cả nước cộng lại, mà qua chế độ đại cử tri cho từng bang, nên bà Clinton bị thua khi bà có hơn 2 triệu phiếu cử tri phổ thông nhiều hơn Trump. Một nét không hay.

Năm 1997, tôi có dịp ghé thăm thị trấn Gettysburg, bang Pennsylvania, xem bảo tàng ở đây, nơi lưu giữ những tài liệu về cuộc nội chiến Bắc – Nam, về kết thúc cuộc nội chiến rất có hậu, sự hòa giải bi hùng cảm động giữa Đại tướng miền Bắc chiến thắng U. Grant với Đại Tướng R.E. Lee miền Nam bại trận tháng 4/1865, cảnh quân lính miền Bắc chào đón trang trọng quân đầu hàng, còn cho phép quân miền Nam giải giáp về quê hương, được mang theo súng ngắn, tất cả lừa ngựa để khôi phục nhanh nông nghiệp, chung sức phát triển công nghiệp ở miền Bắc và nền nông nghiệp trồng lúa mì và bông ở miền Nam, thống nhất trong phát triển đồng bộ cả 2 miền.

Chúng ta Bắc và Nam là anh em, là Một Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ dưới Một lá cờ Sao và Vạch, một Quốc ca, một Quân đội, bài trừ triệt để tệ phân biệt chủng tộc, giải thoát mọi nô lệ, xây dựng «nền Dân chủ của nhân dân, cho nhân dân, bởi nhân dân». Tại Gettysburg, tôi nhiều lần ngậm ngùi nghĩ đến số phận dân Việt Nam, thống nhất trong hận thù, cuộc hòa giải hứa hẹn thành sự lừa dối trơ trẽn, sự giải phóng miền Nam thành cuộc chiếm đóng thô bạo, bên thắng cuộc thấp hèn hơn bên thua cuộc.

Một nét thú vị là tôi gặp Tướng Westmoreland 3 lần tại Washington DC và New York các năm 1997 và 1999, ông lắng nghe tôi kể về đường mòn Hồ Chí Minh mà tôi đã trải qua 3 chuyến đi và về các năm 1961, 1963 và 1975, về buổi gặp của Tướng Giáp với Tướng Đồng Sỹ Nguyên tư lệnh đường mòn, khi ông báo cáo rằng không quân với B52 đánh bao nhiêu cũng không ngại, vì chỉ có 3 phần nghìn số bom trúng vào đường, do B52 bay nhanh, thả bom từ trên 3.000 mét nên bom tản mát rất rộng. Điều lo nhất là khi Mỹ cho vài trung đoàn hay 1 lữ đoàn Bộ binh hay Thủy quân Lục chiến chiếm hẳn 1 hay 2 binh trạm trong số 32 binh trạm thì rất gay, vì 1 binh trạm có tổ chức cực kỳ phức tạp, có trên dưới 30 đầu mối, các loại kho, hầm chứa riêng vũ khí, trang bị, quân trang, thực phẩm, thuốc men, hệ thống quân y, mạng lưới cao xạ, mạng thông tin, rađa, radio, hệ thống giao liên, bưu vụ, nhà khách, bãi trú quân, lực lượng chống thám báo, gián điệp, lực lượng công binh cùng Thanh niên xung phong sửa đường, bãi xe tải, kho dầu, xưởng sửa chữa, trạm nghỉ cho tài xế… Nếu bị chiếm, binh trạm sẽ như ong vỡ tổ, mất liên lạc với nhau vì tản ra xung quanh, không biết sẽ phục hồi chiếm lại ra sao. Đường dây vào Nam sẽ bị đứt thời gian dài… Điều đáng lo nhất ấy không xảy ra, cho đến chiến dịch Nam Lào thì đường mòn đã phát triển rộng, sâu xuống phía Nam. Ông « tướng Óet » buồn rầu thừa nhận rằng «chúng tôi không có tình báo quân sự tại chỗ, không hiểu đối phương, Lầu Năm Góc ở rất xa, cho rằng B52 có vai trò quyết định, theo thuyết vũ khí luận!»

Tôi cảm thấy rất may mắn được làm quen trên đất Mỹ rất nhiều nhà báo Mỹ và Việt, thân thiết như nhà báo lão thành Stanley Karnow, am hiểu lịch sử Việt Nam, tôi từng giới thiệu gặp tướng Giáp hồi 1989, cùng cô con gái Catherine Karnow, chuyên chụp ảnh thời sự, nhà nghiên cứu Muray Hiebert, các Thượng nghị sỹ McCain và Kerry, từng mời tôi thông báo về vấn đề tù binh Mỹ, 2 người thường gửi thiếp chúc Tết dương lịch, với lời nói tôi còn nhớ mãi: «Chúng tôi đòi dân chủ cho Việt Nam chính là để vinh danh một cách thiết thực hơn 60 ngàn đồng đội hy sinh trên chiến trường xa, cũng là để hàng triệu thanh niên các bên ở Việt Nam hy sinh không vô ích.»

Tôi cũng luôn nhớ ông A. Patty, nhân viên tình báo Mỹ trong đội Con Nai từng đến chiến khu Việt Bác trước Cách mạng tháng Tám. Tháng 5/1990, trong lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh ông Hồ Chí Minh, trong giờ nghỉ tôi đã dẫn ông Patty đến gặp Tướng Giáp tại Hội trường Ba Đình. Ông Patty từng nói với tôi «ông Hồ rất khôn, giấu kỹ bản thân là Cộng sản của Đệ Tam Quốc tế, nhưng bộ ngoại giao Mỹ hồi đó biết rõ chuyện này.»

Tôi học được nhiều kinh nghiệm của nền truyền thông Hoa Kỳ đa dạng, phong phú, chuyên sâu. Có nhà báo chuyên về phóng sự, phỏng vấn, bình luận, săn tin, chuyên về chính trị, kinh tế, tài chính, giáo dục, y tế, văn học, văn hóa, chuyên sâu về tội ác, nạn khủng bố, chiến tranh, về chủng tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, về các loại thể thao. Tôi quen thân với các nhà báo Việt ở các đài VOA - Tiếng nói Hoa Kỳ, RFA - Á châu Tự do, các đài tiếng Việt ở California, Texas, các nhà báo, nhà bình luận, nhà nghiên cứu Trần Văn Sơn, Đỗ Quý Toàn – Ngô Nhân Dụng, Ngô Vĩnh Long, Nguyễn Mạnh Hùng, Đinh Quang Anh Thái, Vũ Quang Việt… và không sao kể hết. Tôi đã đi gần khắp Hoa Kỳ rộng lớn, bề thế, hiện đại với bao thắng cảnh kỳ vỹ, từ bờ Thái Bình Dương sang bờ Đại Tây Dương, thăm hàng chục trường Đại Học, mỗi trường như một thị trấn đông đảo, nơi đào tạo ra nhiều nhất số khôi nguyên Nobel đủ loại, dẫn đầu thế giới, nơi đào tạo trí thức cao cho toàn thế giới.

Trong cuộc đời tôi, Hoa Kỳ là nước tôi có ấn tượng sâu đậm nhất, quý mến, khâm phục nhất, một nước đa chủng tộc, thành hình từ mọi quốc gia thuộc mọi dân tộc các lục địa Âu, Á, Mỹ, Úc, Phi, chan hòa, đan xen, pha trộn lẫn nhau, đóng góp cho nền văn minh nhân loại vô vàn cống hiến về tài năng, phát minh, chiến đấu cho chính nghĩa và dân chủ, đi đầu đẩy lúi thảm họa phát xít và thảm họa cộng sản, là điểm tựa và ngọn đuốc soi đường cho toàn nhân loại.

Ấy vậy mà Hoa Kỳ đang trải qua một thời kỳ có thể gọi là khó khăn nhất, phức tạp nhất, vai trò dẫn đầu thế giới bị đe dọa, nền dân chủ truyền thống bị lung lay, có thể dẫn đến chiến tranh từ cục bộ đến toàn cầu.

Tất cả những khó khăn ấy đều được quy về một mối : Cá tính và cách điều hành khó tiên đoán của vị tổng thống đương nhiệm.

Tôi chỉ còn tin ở thể chế dân chủ khá hoàn thiện của Hoa Kỳ để đất nước này sớm ra khỏi vòng bế tắc, khôi phục uy tín, sức mạnh toàn diện của mình, dựa trên chế độ pháp quyền chặt chẽ và lòng dân Hoa Kỳ luôn hướng thiện, được sự ưu ái tin yêu của toàn thế giới dân chủ văn minh.

*
Nhà báo Bùi Tín hiện sống tự do ở Pháp, là một nhà báo chuyên nghiệp, một nhà bình luận thời sự quốc tế, và là cộng tác viên thường xuyên của đài VOA. Ðối tượng chính của nhà báo Bùi Tín là giới trí thức trong và ngoài nước, đặc biệt là tuổi trẻ Việt Nam quan tâm đến quê hương tổ quốc.

-----------------------

XEM THÊM :
07 THÁNG 8, 2017

02 THÁNG 8, 2017

03 THÁNG 7, 2017

03 THÁNG 6, 2017

02 THÁNG 6, 2017






No comments:

Post a Comment