Wednesday, August 2, 2017

LẼ NÀO NGƯỜI TRUNG QUỐC CHỈ XỨNG NHẬN ĐƯỢC "DÂN CHỦ DƯỚI SỰ LÃNH ĐẠO ĐẢNG?" (Lưu Hiểu Ba)




Lưu Hiểu Ba
Hồ Như Ý dịch
Posted on August 2, 2017 by editor — 0 Comments

Có khi nào người Trung Quốc được nếm thử tư vị được giải phóng khi đích thật trở thành người chủ của đất nước?

Ngày 19 tháng 10 năm 2005, Văn phòng tin tức Quốc vụ viện nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa đã ra sách trắng “Xây dựng nền chính trị dân chủ ở Trung Quốc”. Mặc dù đây là cuốn sách trắng đầu tiên về xây dựng dân chủ được ban hành kể từ khi Đảng Cộng sản Trung Quốc lên nắm quyền lực đến nay, nhưng ngoại trừ việc công bố bản thân cuốn sách trắng thì nội dung của nó không có chút gì mới mẻ cả.

Nội dung cốt lõi của cuốn sách trắng là nhũng luận chứng về “Lý thuyết về điều kiện quốc gia”, “Lý thuyết về quyền lực đảng” và “Lý thuyết về Đảng Cộng sản anh minh”.

“Lý thuyết về điệu kiện quốc gia” trong sách trắng không còn nhấn mạnh sự lạc hậu về kinh tế và tố chất nhân khẩu thấp kém của Trung Quốc nữa, mà nhấn mạnh rằng vai trò lãnh đạo hạt nhân của Đảng Cộng sản Trung Quốc vừa là sự lựa chọn lịch sử, vừa là sự lựa chọn tự nguyện của người Trung Quốc; có nghĩa là điều đó do lịch sử tạo ra chứ không phải là sự áp đặt ý chí của Đảng Cộng sản Trung Quốc đối với người dân; rất hiển nhiên, mục đích của “lý thuyết về điều kiện quốc gia” là phủ định tính chất phổ quát của dân chủ và biện hộ cho tính chính danh và hợp pháp của của chế độ Đảng Cộng sản Trung Quốc hiện nay bằng cách viện dẫn những điều kiện đặc biệt của quốc gia.

“Lý thuyết về quyền lực đảng” công khai khẳng định thể chế Đảng quyền hiện hành là tối cao ở Trung Quốc, bất luận là xây dựng dân chủ cho nền chủ quyền dân dân một cách trừu tượng, hay là đem việc bảo vệ nhân quyền viết vào trong Hiến Pháp hay các bộ luật cụ thể bảo vệ nhân quyền, bất luận là chế độ Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc (Quốc hội Trung Quốc) và Hội nghị Chính trị Hiệp thương Toàn quốc, hay thứ được gọi là “Chế độ dân chủ tập trung” mang màu sắc của Đảng Cộng sản Trung Quốc, bất luận là tiến trình dân chủ cơ sở hay là y pháp trị quốc, tất cả đều phải nằm dưới sự lãnh đạo của quyền lực Đảng Cộng sản Trung Quốc , hoàn toàn không có liên quan gì đến chủ quyền nhân dân.

“Lý thuyết về Đảng Cộng sản anh minh” là nhằm cho người ta thấy: Tất cả những thành tưu mà Trung Quốc đạt được hiện nay đều là công lao của Đảng Cộng sản Trung Quốc, thậm chí không tiếc công sức đem một loạt những thất bại biện hộ chúng trở thành thành tựu. Tương tự, một chút chút thành tựu về dân chủ nhỏ bé kể từ khi tiến hành Cải cách mở cửa đến nay, đều là công lao dưới sự lãnh đạo anh minh của Đảng Cộng sản Trung Quốc, mà tuyệt đối không phải do những nỗ lực giành giật tự phát từ phía người dân.

Thế là, sách trắng được xem là một lời tuyên cáo đối với thế giới: ở trên cả nền dân chủ thuộc chủ quyền nhân dân, còn có quyền uy tối cao hơn thuộc về quyền lực Đảng Cộng sản Trung Quốc, quyền lực đảng này mới là tối cao vô thượng, cũng chính là “Đảng là chủ của nhân dân” và “Dân chủ dưới sự lãnh đạo của đảng”, Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc là con rối của quyền lực đảng, Hội nghị Chính trị Hiệp thương Toàn quốc là bình hoa của quyền lực đảng, nền tư pháp là công cụ của quyền lực đảng, nhân quyền, dân chủ và một loạt những từ ngữ khác là trang sức cho quyền lực đảng. Giống y hệt như chính quyền đương cục Đảng Cộng sản Trung Quốc phát hành sách trắng về nhân quyền như thế, cuốn sách trắng về dân chủ này tràn ngập những dối trá, ví dụ, trong sách trắng nói: “Tất cả mọi quyền lực của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa thuộc về nhân dân”. Nhưng, 1.3 tỉ người dân Trung Quốc là một bầy cừu được chăn đuổi dưới quyền lực đảng, căn bản không được dính dáng gì tới bầu cử chức vị Chủ tịch nước; Một ví dụ khác: sách trắng tuyên bố rằng “phát triển dân chủ bên trong đảng”, nhưng trong số 68 triệu đảng viên của Đảng Cộng sản Trung Quốc, thì tuyệt đại đa số họ cũng chỉ là đảng nô mà thôi, hoàn toàn không có liên quan gì tới bầu cử lãnh tụ đảng cả.

Đây chính là “Xây dựng nền chính trị dân chủ ở Trung Quốc” mà sách trắng tung hô!
Cho nên, nói rằng sách trắng là thông cáo về việc “Xây dựng nền chính trị dân chủ ở Trung Quốc”, nên đổi lại là biện hộ công khai cho hành động “bảo vệ thể chế độc tài với quyền lực tối thượng của đảng”.

Ngày 1 tháng 10 năm 1949, sau khi Mao Trạch Đông lần đầu leo lên tầng lầu Thiên An Môn, tiếng ca “Người là đại cứu tinh của nhân dân”(1) vang lên khắp Trung Quốc Đại Lục, hơn nữa được cất lên không dứt, cho tới tận ngày nay, nó vẫn là công cụ hoài cựu để phát tiết của những người bất mãn; ngày 1 tháng 10 năm 1984, Đặng Tiểu Bình bước xuống tầng lầu Thiên An Môn, chỉ huy ba quân duyệt binh, sau khi tiếp nhận sự ủng hộ nhiệt thành qua lời hô đồng thanh “Xin chào Tiểu Bình”, từ đây một cái vẫy tay của “Thiết kế trưởng” chính là ân điển ban cho những người dân thường cơ hội để tiến lên cuộc sống no đủ, “hãy để một số người trở nên giàu có trước”, nhận được một số ít thả lỏng về kinh tế. Sau khi Giang Trạch Dân kiểm tra duyệt binh trước ba quân ngày 1 tháng 10 năm 1999, mặc dù vẫn bị công kích từ nhiều phương diện khác nhau, ông ta vẫn là ngồi vững trên chiếc ghế lãnh đạo hạt nhân “Người dẫn dắt tiếp tục tiến bước về tương lai”, lại một lần nữa tiến hành một cuộc sáng tạo lí luận mang tính ban phát ân điển to lớn của hoàng đế, để cho những nhà đại tư bản đã phát tài gia nhập vào Đảng Cộng sản Trung Quốc, nhận được quyền lợi tự do về mặt chính trị đặc cách, sẽ không còn là bình hoa chính trị hoặc là đối tượng nằm dưới sự chỉ đạo của Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc và Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc nữa, mà đã trở thành một thành viên của đảng cầm quyền. Không biết khi nào thì lãnh tụ mới của đảng là Hồ Cẩm Đào lại chuẩn bị bước lên thành lầu Thiên An Môn kiểm duyệt ba quân, tạo hình cho hình tượng thân dân của mình.

Tất cả phải nghĩ về Mao chủ tịch, tất cả phải tuân theo Mao Chủ tịch Mao … Nguồn: chineseposters.net

Tôi không phủ nhận rằng bên trong nội bộ tập đoàn Đảng Cộng sản Trung Quốc cầm quyền, sẽ có những quan chức cấp cao đối đãi tốt với người dân hơn nữa có kiến thức chính trị hiện đại, ví dụ như Hồ Diệu Bang và Triệu Tử Dương, khi còn nắm quyền, thật sự là họ đã đưa ra không ít chính sách có lợi cho người dân, hơn nữa còn chấp nhận mạo hiểm sinh mạng chính trị nhằm thúc đẩy cải cách chính trị. Tuy nhiên, kể cả như vậy, quyền lợi của người dân cũng chỉ có thể chờ đợi những ẩn điển được ban phát từ trên xuống, hơn nữa, những quan chức đối xử tốt với người dân như vậy cũng không thể tồn tại lâu dài dưới thể chế của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Lùi lại cả vạn bước chân mà nói, nếu như người dân Trung Quốc thường gặp được một ông vua sáng suốt, hoặc khai ân không phải là hành vi ngẫu nhiên của hoàng đế, mà thường xuyên cứ năm hôm ba bữa lại xảy ra một lần, thì tính lười biếng của người dân Trung Quốc khi chỉ nằm chờ ân điển, mặc dù điều này là sỉ nhục đối với tôn nghiêm làm người thì cũng có thể còn có nguyên nhân để lí giải. Điều đáng buồn là, người dân nước ta mặc dù trải qua quá nhiều khổ nạn và quá trình dài đằng đẵng chờ đợi, mới lâu lâu ngẫn nhiên chờ được một vị quân chủ anh minh hoặc là một lần ân điển hết sức keo kiệt, những thứ nhận được luôn sẽ là những bồi thường bạc bẽo trễ nải mang tính an ủi, vậy thì tại sao vẫn luôn ngước nhìn vào mũ miện hoàng đế? Hơn nữa, trong những lần ban phát ân điển xuyên suốt lịch sử tuần hoàn từ triều đại này tới triều đại khác ở Trung Quốc, thường thì sẽ xảy ra ở thời kỳ vừa mới lập quốc khi vừa phế bỏ chế độ cũ lập triều đại mới, hoặc là ở thời điểm những năm tháng cuối cùng của triều đại với nguy cơ tứ phía nổi lên, về căn bản thì không phải là đem đến phúc đức cho người dân mà là xuất phát từ nhu cầu củng cố duy trì chính quyền, hay nhằm cứu vãn cho chế độ. Trong khi đó quốc dân lại hoàn toàn vẫn là những đứa trẻ con mới sinh cần có sự chăm sóc của người lớn vậy, hoàn toàn chỉ biết trông chờ vào sự xuất hiện của một minh quân. Thật có lẽ nào người dân trong nước vĩnh viễn sẽ không trưởng thành, vĩnh viễn là những người khuyết tật về nhân cách và có mức độ trí tuệ thấp kém, chấp nhận số phận chỉ biết quỳ ở đó để cầu xin và mong nhận được hoàng ân?
Không còn nghi ngờ gì nữa, ở Trung Quốc Đại Lục trong thời đại hậu Mao Trạch Đông, khi so sánh với thời đại Mao Trạch Đông, người dân Trung Quốc đã đạt được nhu cầu vật chất ăn no mặc ấm cũng như một số không gian lựa chọn cá nhân có hạn. Lí luận mèo trắng mèo đen thực dụng được đưa ra bởi Đặng Tiểu Bình khi so sánh với tư tưởng Mao Trạch Đông nhấn mạnh đấu tranh giai cấp, thì có được sự đàn hồi mềm dẻo và linh hoạt. Nhưng mà, tất cả mọi sự thay đổi, đều không cách nào thay đổi được về căn bản trạng thái sinh tồn cơ bản của người dân Trung Quốc; Trong mối quan hệ giữa kẻ thống trị và những người bị trị trên mảnh đất này, vẫn tiếp tục như bao đời nay, được đơn truyền đến tận bây giờ. Đó chính là: quyền lợi của người dân, vận mệnh của quốc gia, bất cứ sự tiến bộ nào của xã hội hay bất cứ cải thiện về cuộc sống của người dân, thì quyền chủ động và quyền quyết định đều nằm chắc trong tay của kẻ độc tài, và những thứ đó là ân điển được ban ra từ trên xuống, người dân cần phải hô lên tiếng vạn tuế ba lần, nhằm biểu thị lòng biết ơn và trung thành của người dân bách tính; Yêu cầu những thành phần trí thức nổi tiếng trong xã hội phải đóng vai là những người cùng chí hướng chung một con thuyền với chính quyền, yêu cầu những trí thức phò đảng, ngự dụng văn nhân với ngòi bút hoa lá bay bổng phải ngợi ca và biện hộ cho họ, nhằm biểu thị cho sự đạo đức và anh minh của đấng quân chủ.

Mặc dù những năm gần đây phong trào bảo vệ nhân quyền dân quyền trong các tầng lớp xã hội đã có khởi sắc, nhưng chúng ta cũng cần phải nhìn vào hiện thực nghiêm trọng mà phong trào bảo vệ quyền dân sự xã hội phải đối mặt. Phong trào đấu tranh giành lấy tôn nghiêm cũng như quyền và lợi ích cá nhân từ dưới lên, nếu như không bị kẻ độc tài âm hiểm thống trị lợi dụng làm công cụ để tranh giành quyền lực và tạo nên một vương triều mới, thì cũng là bị xóa bỏ triệt để bởi cỗ máy chuyên chế dã man tàn bạo. Một loạt những phong trào phản kháng có quy mô lớn không ngừng được mở ra của người dân trong xã hội, bất luận là những cuộc phản kháng kiểu truyền thống với bạo lực nhằm thay đổi triều ddaoij, hay là những phong trào phản kháng chính trị với những cuộc đấu tranh hòa bình thì đều không có cách nào lay chuyển được nền móng chế độ chuyên chế và văn hóa nô tính.

Nguyên nhân ở đâu?

Sự đàn áp của chính quyền độc tài vẫn là một trong những nguyên nhân, nhưng sự lạnh nhạt của dân chúng mới là nguyên nhân sâu xa. Trong con tim của dân chúng lạnh nhạt đầy rẫy sự ngu muội, hèn yếu và mù quáng thì bị lợi dụng chính là được giải phóng, đồng nghĩa với việc nhận được một cuộc sống mới; đối với những đám khuyển nho hèn yếu nhưng thông minh, bị trấn áp chính là bị chinh phục, đồng nghĩa với việc trở thành kẻ đồng lõa, tay sai hay ít nhất là trở thành những kẻ quy thuận im lặng. Có khi nào người Trung Quốc được nếm thử tư vị được giải phóng khi đích thật trở thành người chủ của đất nước? Trung Quốc có khi nào đã thoát ra khỏi vòng luẩn quẩn quái quỷ của lịch sử với nền chuyên chế của các vương triều?

Cho đến tận ngày nay, dưới những ngày tháng thống trị của Đảng Cộng sản Trung Quốc, vẫn là sự biểu đạt của những cụm từ như “sau khi giải phóng”, “từ khi thành lập chính quyền mới tới nay”, “Từ khi thành lập nước Trung Quốc mới”, với những lời nói như “không có Đảng Cộng sản thì không có nhà nước Trung Quốc mới” đã trở thành những kiến thức lịch sử thường thức cơ bản của các thế hệ người dân cũng như trở thành thói quen ngôn ngữ, lắng sâu và chìm vào trong ý thức tập thể của cả một dân tộc, được ứng dụng một cách phổ biến trong lời nói và sách vở của mọi người trong đời sống hàng ngày. Ngay cả những phần tử trí thức và thành phần tiến bộ bên trong Đảng Cộng sản Trung Quốc vốn hiểu rõ lịch sử Đảng Cộng sản Trung Quốc như lòng bàn tay, trong lúc tiết lộ những tội ác của Đảng Cộng sản Trung Quốc khi cầm quyền, cũng đã theo thói quen sử dụng những từ ngữ được nhắc ở trên khi chia vạch lịch sử.

Giống như vậy, khi người dân ngày nay nói về phong trào dân chủ 1989 và sự kiện thảm sát 4 tháng 6 Thiên An Môn, đại đa số sẽ buột miệng nói ra những cụm từ như “nổi loạn”, “bạo loạn”, ngay cả những thị dân Bắc Kinh là những người đã từng tự mình tham gia cuộc bãi công mít tinh khổng lồ và cuộc thảm sát đẫm máu thì phần lớn họ cũng sẽ dùng những từ ngữ định tính mà chính quyền đưa ra; ngay cả khi chính quyền đã công khai sử dụng một cách lặng lẽ những cụm từ “biến động chính trị” thay thế cho “nổi loạn” và “bạo loạn” trên truyền thông, thì cách sử dụng từ ngữ của họ vẫn không đi theo cùng với sự thay đổi đó. Từ năm 1999 khi chính quyền Giang Trạch Dân đàn áp Pháp Luân Công, từ “tà giáo” cũng được nhanh chóng phổ cập cho đông đảo quần chúng, đặc biệt là học sinh tiểu học trung học và sinh viên đại học. Mấy năm trước, mỗi lần tôi nghe người quen dùng từ “nổi loạn” khi nói về phong trào dân chủ 1989, đều muốn phản bác và sửa lại. Quá trình chỉnh sửa này, khi bắt đầu là sự phẫn nộ, tiếp đó là nghiêm túc, cuối cùng là cam chịu không làm được gì cả, thời gian kéo dài thì tôi cũng buông xuôi không tiếp tục bắt họ sửa đổi nữa. Cưỡng ép nhồi nhét ý thức hệ trong thời gian dài với những cái đầu bị nô dịch hóa, sẽ làm cho ngôn ngữ và kí ức được định hình.

Bậc thầy về triết học ngôn ngữ Ludwig Wittgenstein cho rằng, ngôn ngữ không phải là công cụ thể hiện suy nghĩ theo nghĩa truyền thống mà bản thân ngôn ngữ chính là hành động; cách người ta lựa chọn phương thức biểu đạt ngôn ngữ như thế nào, thì đó là cách họ lựa chọn tư duy, Người ta lựa chọn tư tưởng như thế nào, đó chính là lựa chọn phong cách sống. Từ đó có thể suy ra, với những người quen dùng các cụm từ biểu đạt lòng biết ơn và đức hạnh bao la, thì nhất định sẽ sinh ra ý thức tạo ra đấng cứu thế, tư duy với đấng cứu thế thì sẽ đưa tới phương thức sinh tồn nô lệ trông đợi vào những ân điển được ban ra từ trên xuống , rời khỏi đấng cứu thế với những ngày tháng bàng hoàng không chấm dứt, còn đáng thương hơn cả những con chó không nhà lang thang.

Người dân Trung Quốc đã một lần lại một lần đặt hy vọng vào những cuộc cải cách chính trị được tiến hành từ trên xuống được thực hiện bởi những lãnh đạo mới lên cầm quyền, nhưng cuối cùng chỉ nhận được nỗi thất vọng mà kết thúc; điều hoang đường nhất là những lần lần thất bại đó, vẫn không hề dập tắt đi niềm hy vọng Đảng Cộng sản Trung Quốc tiến hành chủ động cải cách vốn đã rất mong manh. Tại sao? Câu trả lời thường gặp đó là do điều kiện quốc gia tạo nên: Có người nói, nếu như là một quốc gia rộng lớn, cần thiết phải dựa vào chế độ chuyên chế mới có thể khống chế và cai trị; Có người nói Đảng Cộng sản Trung Quốc quá mạnh, quá lớn, lũng đoạn trong tay quá nhiều nguồn tài nguyên, trừ phi Đảng Cộng sản Trung Quốc tự mình thay đổi, nếu không thì sẽ không có bất kỳ lực lượng nào có thể thách thức nó; có người nói, các lực lượng chính trị xã hội đối lập đều thua kém Đảng Cộng sản Trung Quốc về mọi mặt, nếu như họ lên nắm quyền thì còn không bằng Đảng Cộng sản Trung Quốc; lại có người nói, trước tiên cần phát triển kinh tế, sau đó mới tiến hành cải cách chính trị, mà để đảm bảo nền kinh tế tăng trưởng với tốc độ cao cần phải đảm bảo sự ổn định về chính trị xã hội, chỉ có Đảng Cộng sản Trung Quốc nắm quyền thì mới có thể duy trì ổn định; có người nói, Trung Quốc Đại Lục có dân số quá đông trong khi trình độ dân trí lại thấp, ngu muội vô tri, chỉ có thể tiếp nhận chỉ đạo mang tính ban tặng từ tầng lớp tinh anh, chỉ có thể thực hiện thay đổi theo hướng từ trên xuống…Tất cả những biện hộ đó, đều không nằm ngoài mục đích là để chứng minh: Nếu không có Đảng Cộng sản Trung Quốc hoặc là Đảng Cộng sản Trung Quốc bị hạ bệ rớt đài, thì ai sẽ thay thế nó đứng ra thống trị Trung Quốc có hiệu quả? Những người hoạt động dân chủ và những người bất đồng chính kiến ở trong và bên ngoài Trung Quốc, không phải là thường gặp phải những chất vấn, nghi ngờ kiểu như vậy hay sao? Bởi vậy, chờ đợi hành phúc kiểu hoàng ân từ trên ban xuống là sự lựa chọn duy nhất của bách tính thường dân.

Khi người dân trong nước không tranh thủ, thậm chí không thèm chuẩn bị để làm chủ chính mình; khi mà đấu tranh để tranh thủ những quyền và lợi ích cho chính bản thân còn chưa chuẩn bị bắt đầu đã từ bỏ những nỗ lực đó, người ta sẽ thường hư cấu vẽ ra một mặc định từ trong tiềm thức: nếu rời xa khỏi những người thống trị hiện hành, nhất định thiên hạ sẽ đại loạn. Những giả thiết như vậy, vừa đến từ công cuộc cưỡng ép nhồi nhét ý thức hệ một cách thô bạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc trong thời gian dài, cũng đến từ nô tính cho đến tận ngày nay còn chưa thay đổi của người dân Trung Quốc. Những kẻ độc tài có lý do để không thèm nhìn tới hiện thực lịch sử mà đưa ra những giả thiết như vậy, bởi vì tất cả những quyết sách và ngôn từ mà họ nói ra đều chỉ nhằm mục đích cuối cùng là đảm bảo quyền lực tuyệt đối. Nhưng người dân lại chẳng có bất cứ lý do gì để tin tưởng vào những giải thiết như vậy, bởi vì những giả thiết này đang bảo vệ, duy trì chế độ thống trị, vừa vặn lại là thứ trật tự không hề đem con người xem là con người. Người dân Trung Quốc một khi quên đi sự thật lịch sử mà đi tin tưởng vào những giả thiết đó, thì sẽ thuận theo tự nhiên mà đi chờ đợi những miếng bánh từ trên trời rớt xuống, sẽ không ngần ngại hay hối hận gì cả để chờ đợi mòn mỏi nhằm tìm ra cho được một quân chủ anh minh hiền đức, thì sẽ đem tất cả những phong trào dân sự phản đối, phong trào đấu tranh tranh thủ những quyền và lợi ích tự thân nhìn nhận họ sẽ là “gây thêm rắc rối” là kéo chân sau. Sẽ đem việc đảng cầm quyền đã thực hiện chín mươi chín việc ác, lại chỉ thực hiện một việc thiện nhỏ bé cỏn con không có bao lớn tác dụng, dùng 1% thành thích cầm quyền tích cực đó để biện hộ cho 99% những thành tích xấu xa. Kể cả khi bị đồ sát, bị bỏ đói đến chết, bị tù đày, bị bắt phải lưu vong, bị tước đoạt, bị kỳ thị… thì kẻ độc tài vẫn là “vĩ đại quang vinh chính xác”, đám tiểu dân hèn mọn vẫn luôn cảm ơn công đức ngàn vạn.

Bạch Cư Dị đã viết “Lửa đồng thiêu (cỏ dại) không bao giờ cháy hết / Gió xuân thổi tới lại hồi sinh”. Ở Trung Quốc Đại Lục, vần thơ nổi tiếng thiên cổ ngàn năm này tuyệt đối không thích hợp để mô tả những người dân dũng cảm dám đứng thẳng, mà nó đặc biệt thích hợp tuyệt vời mô tả đối với những quốc dân đồng bào với tư thế quỳ nho nhã. Dưới mái điện Kim Loan, văn võ quần thần đồng loạt quỳ xuống, hô lên ba lần “Vạn tuế! Vạn vạn tuế!” Trên thành lầu Thiên An Môn, nhà độc tài vẫy tay một cái, quảng trường lớn nhất thế giới bỗng biến thành biển người nơi con dân hoan hô đón chào đấng cứu tinh. Người dân Trung Quốc kể từ khi Thanh triều sụp đổ đến nay, đặc biệt là người dân từ khi Đảng Cộng sản Trung Quốc lên nắm quyền, tuy không còn thực hiện động tác quỳ bái bằng xương thịt như người dân thời xưa, nhưng về linh hồn thì họ còn quỳ bái sát đất hơn cả tổ tiên mình.

Có câu châm ngôn dạy làm người đã nói: Con người, sinh ra đã tự do, bình đẳng. Bởi vậy thứ tạo nên tình trạng nô dịch và bất bình đẳng một cách phổ biến, không nằm ở chỗ kẻ thống trị quá mạnh mẽ hay quá mức anh minh, mà được tạo ra bởi những kẻ bị trị đã quỳ xuống. Có lẽ nào trong thời đại ngày nay khi mà đã hơn một trăm năm kể từ khi thời đại hoàng quyền với việc ba lần khấu đầu và chín quỳ lạy đã kết thúc, người dân Trung Quốc vẫn tự sỉ nhục chính mình, tìm ra bao nhiêu lí do để biện hộ cho tư thế quỳ gối của chính mình? Chỉ là bởi vì một chút ân huệ về cuộc sống no ấm và sự khai ân cho phép người giàu có gia nhập Đảng Cộng sản Trung Quốc, có lẽ nào làm cho người dân Trung Quốc chỉ có thể quỳ gối và khấu đầu tạ ơn để cho thấy sự cao lớn vĩ đại và ân điển của kẻ độc tài thống trị hay sao?

Sự xuất hiện của một Trung Quốc tự do, được gửi gắm vào “chính quyền mới”, xa xa không thể nào bằng được việc gửi gắm hy vọng vào “lực lượng mới” đang không ngừng mở rộng đến từ phía người dân, xã hội. Ngày mà sự tôn nghiêm của người dân được xác lập về mặt nhận thức và trên pháp luật, thì đó cũng chính là thời điểm mà nhân quyền của người dân (Trung Quốc) được thể chế bảo vệ.

Người dân Trung Hoa. Nguồn: OntheNet

Tại nhà riêng, Bắc Kinh ngày 6 tháng 1 năm 2006
Đăng lần đầu trên tờ Quan Sát
Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”

*
Nguồn: Bài do người dịch gởi. DCVOnline minh hoạ.
(1) Lời trong bài hát Đông Phương Hồng ca ngợi Mao Trạch Đông.






No comments:

Post a Comment